PHẬT PHÁP : PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

TÂM LỄ.

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Khi tụng kinh hay nghe thuyết pháp, chúng ta thường được nghe cụm từ: PHÁT TÂM BỒ-ĐỀ (hay nói theo từ ngữ Hán Việt là phát Bồ-đề tâm). Đọc trong kinh luận, cũng thường thấy viết là: “Muốn vào căn nhà Phật pháp, bước đầu tiên là phải quy y Tam Bảo. Muốn vào căn nhà Đại thừa, bước đầu tiên là phải phát tâm Bồ-đề”. Vậy Bồ-đề nghĩa là gì? Tâm Bồ-đề là tâm như thế nào? Tại sao phải phát tâm Bồ-đề? Phát tâm như thế nào mới được xem là phát tâm Bồ-đề chân chánh? Đó là những câu hỏi cần được giải thích.

1. Chúng ta nghe được từ ngữ phát tâm Bồ-đề ở đâu ?

Lúc nghe thuyết pháp, lúc học kinh hay khi đọc tụng, nghiên cứu các bộ kinh luận Đại thừa, chúng ta sẽ gặp từ ngữ nầy được lập đi lập lại rất nhiều lần. Có thể nói hầu như trong tất cả các phần giáo, lý, giải, hạnh, của Đại thừa (bao gồm cả kinh, luật, luận) đều có phần phát tâm Bồ-đề hay mang tính chất của tâm Bồ-đề, vì đây chính là phần căn bản và là nền tảng cho giáo lý Đại thừa.

2. Định nghĩa

  • Phát: bắt đầu cho một sự vận động, sau đó làm cho nó lan rộng, lớn lên, cao thêm, nhiều hơn, phổ biến, tiến triển hơn… (như nghĩa của các chữ: phát hỏa, phát tài, phát huy, phát lộ, phát minh, phát ngôn, phát nguyện, phát âm, phát bệnh, phát biểu, phát binh, phát động, phát nhiệt, phát sinh, phát điện, phát triển, phát hành…)
  • Tâm: tấm lòng.
  • Phân biệt giữa Sắc pháp và Tâm pháp.
  • 8 thức thuộc Tâm pháp.
  • 6 tính chất của tâm thức chúng sanh: tích lũy, hữu hạn, điên đảo, mâu thuẫn, hư nhược và chấp thực.
  • Tâm trí của Phật: Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí (Hóa thân Phật); Bình đẳng tánh trí (Báo thân Phật); Đại viên cảnh trí (Pháp thân Phật).
  • Bồ-đề (Bodhi): giác ngộ, hay nói rộng hơn, là trí tuệ đã dứt trừ vô minh, đoạn diệt phiền não, chứng quả Niết-bàn, Vô thượng chánh biến tri, Vô thượng giác hay nói đầy đủ là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề (dịch theo âm tiếng Phạn từ chữ Anouttara-samyak-sambodhi). Đây là quả vị Phật theo giáo nghĩa Đại thừa. (Nên biết rằng theo giáo lý Tiểu thừa, Vô dư y Niết-bàn chính là quả vị Phật).

  • Tâm Bồ-đề, Bodhicitta (s) (The mind for or of Bodhi):  lòng mong cầu chứng quả Vô thượng Bồ-đề, tâm mong cầu giác ngộ thành Phật, cầu chứng Nhất thiết chủng trí, cầu chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như nội dung hai đoạn kinh sau đây:
  • Trong Nghi thức Hồng Danh Bảo Sám:

“Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thiên phước báu, Thanh Văn, Duyên Giác, nãi chí quyền thừa chư vị Bồ-tát. Duy y tối thượng thừa phát Bồ đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề” (Hôm nay con phát tâm chẳng vì cầu phước báu ở cõi người, cõi trời, cùng quả Thanh Văn, Duyên Giác cho đến quả quyền thừa Bồ-tát. Con chỉ y theo tối thượng thừa phát tâm Bồ đề, nguyện cùng chúng sanh trong pháp giới chung một lúc đồng chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác).

  • Trong đoạn cuối của Phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa:

“ Phật thuyết thị Phổ Môn phẩm thời, chúng trung bát vạn tứ thiên chúng sanh giai phát vô đẳng đẳng A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm” (Lúc Phật thuyết phẩm Phổ Môn nầy rồi, trong đại chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sanh đều phát tâm Bồ-đề, cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác).

Nội dung các kinh luận Đại thừa như Bát Đại Nhân Giác, Phương Đẳng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Thắng Man, Quy Sơn Cảnh Sách… các bài sám: Khể thủ, Lễ Phật phát nguyện văn, nội dung các thời công phu, bái sám, hô chung, chuông trống Bát-nhã… tất cả đều có phần phát tâm Bồ-đề.

3. Phát Tâm Bồ-đề: là làm phát sinh, phát khởi chí nguyện mong cầu chứng quả Vô thượng Bồ-đề, mong cầu chứng Nhất thiết chủng trí, chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, mong cầu thành Phật và độ thoát cho tất cả chúng sanh.

4. Tính chất của Tâm Bồ-đề:

Tâm Bồ-đề bao gồm hai tính chất: Trên cầu thành Phật, dưới giáo hóa để cứu khổ chúng sanh, như câu: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” hay “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”… . Cho nên khi học giáo lý, tụng kinh, hay lúc nghe thuyết pháp mà thấy đề cập đến hai tính chất:

  • Nguyện tu thành Phật; cầu chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
  • Cứu độ cho tất cả chúng sanh.

Thì biết đó chính là Tâm Bồ-đề.

Hãy nghe một đoạn kinh mang ý nghĩa phát tâm Bồ-đề, trong bài sám Khể Thủ sau đây: “ Tùng ư kim nhật lập tâm thệ nguyện: viễn ly ác pháp thệ bất cánh tạo, cần tu thánh đạo thệ bất thối đọa, thệ thành chánh giác, thệ độ chúng sanh…”, (Kể từ hôm nay con lập tâm thề nguyện: vĩnh viễn xa rời các việc ác thề không tái phạm, chuyên cần tu tập theo thánh đạo nguyện không thối đọa, nguyện tu chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nguyện cứu độ cho hết thảy chúng sanh…”.

Đây chính là phần phát tâm Bồ-đề vậy.

Đối với người tu học theo giáo lý Đại thừa, phát tâm Bồ-đề không những là bước đầu mà còn là căn bản, để từ đó đạt đến quả vị cứu cánh giác ngộ. Cũng chính vì vậy mà phát tâm Bồ-đề trở thành căn bản của Đại thừa và làm nền tảng cho giới Bồ-tát.

5. Nguyên nhân phát tâm Bồ-đề:

Chính do bởi có lòng tin vào giáo nghĩa Đại thừa và hiểu biết nỗi khổ đau của chúng sanh mà phát tâm Bồ-đề.

Có nhiều cách tin tưởng và hiểu biết, nhưng nguyên nhân để phát tâm Bồ-đề là do bởi tin tưởng và hiểu biết những điều sau đây:

  • Tin tưởng rằng mình có đủ khả năng để thực hiện tâm Bồ-đề, vì hiểu rằng đức Phật lúc chưa phát tâm cũng giống như mình. Chính vì nhờ có phát tâm Bồ-đề mà Ngài đã chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thành Phật. Như vậy thì bản thân mình, nếu phát tâm Bồ-đề cũng sẽ được thành Phật giống như Ngài.
  • Tin tưởng rằng Bồ-đề là Chân trí có thật và có thể chứng được, vì hiểu rằng tánh Bồ-đề (tánh giác, chân tâm hay Phật tánh) đã có sẳn trong tâm của mình.
  • Tin tưởng rằng khi đã phát tâm Bồ-đề thì kết quả sẽ vượt lên trên cõi người, cõi trời và quả vị của Thanh Văn, vì hiểu rằng phát tâm rộng lớn thì kết quả cũng sẽ được rộng lớn.
  • Tin tưởng rằng lòng từ bi có thể ngăn ngừa hay giảm thiểu các nguyên nhân gây nên khổ đau cho chúng sanh, vì hiểu rằng chúng sanh với mình cùng một thể tánh (đồng thể Đại bi).

Chính vì bốn nguyên nhân trên đây mà phát tâm Bồ-đề.

6. Phương pháp để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề:

Có 10 phương pháp để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề:

  • Gần bạn lành; thân cận Thiện hữu tri thức.
  • Dẹp lòng nóng giận.
  • Vâng lời dạy chân chánh của cha mẹ, anh chị, thầy, bạn.
  • Khởi lòng thương đối với mọi người, mọi loài.
  • Chuyên cần tu tập (Tinh tấn).
  • Có tâm khoan dung (Hỷ xả).
  • Khuyên người tránh xa lỗi lầm, nhưng nếu người không nghe cũng không chán nản, ăn năn, không tiếc lời khuyên nhủ.
  • Làm được điều lợi ích không sanh tâm tự kiêu, ngã mạn.
  • Thấy người có công đức thì tuỳ hỷ, tán thán, mà không đố kỵ, ganh ghét.
  • Có tâm bình đẳng trước mọi người
  • 7. Như thế nào là phát tâm Bồ-đề chân chánh?:

Trên chuyên cần tu tập để cầu Phật đạo, dưới mở rộng lòng thương đến muôn loài, khởi lòng độ thoát cho tất cả chúng sanh, xem chúng sanh với mình đồng một thể tánh, chúng sanh đau khổ tức là ta đau khổ (thuật ngữ trong giáo pháp gọi là Đồng thể Đại bi). Đây là cách phát tâm của Đại thừa Bồ-tát và đây mới đúng nghĩa là phát tâm Bồ-đề chân chánh.

8. Trong Nghi Thức Lễ Phật của Gia Đình Phật Tử, có phần nào đề cập đến phát tâm Bồ-đề hay không?

  • Trong phần Cúng hương :

Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo đám mây hương.

Phưởng phất khắp mười phương, cúng dường ngôi Tam Bảo

Thề trọn đời giữ đạo, theo tự tánh làm lành

Cùng pháp giới chúng sanh, cầu Phật từ gia hộ

Tâm Bồ-đề kiên cố, xa bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác.

Tâm Bồ-đề kiên cố: (Kiên: là bền vững, cứng chắc; cố là không di chuyển, dời đổi). Tâm Bồ-đề kiên cố nghĩa là từ lúc sơ phát tâm, tức từ lúc mới bắt đầu phát khởi tâm nguyện tu học để mong cầu quả vị giác ngộ, giải thoát, cho đến khi thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, luôn luôn tinh tấn, thẳng tiến trên đường tu tập, không thối thất, giải đãi, không đánh mất chí hướng “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”, không nữa chừng bỏ cuộc hay quên mất sơ tâm của mình. Giữ được mãi mãi như vậy thì gọi là Tâm Bồ-đề kiên cố. Đây chính là phần phát tâm Bồ Đề.

  • Trong phần Kỳ Nguyện:

“… Hôm nay đệ tử chúng con cung tựu Phật tiền, nhất tâm quy y Tam Bảo, phúng tụng Đại thừa kinh, chú, xưng tán Hồng danh, tu hành công đức. Nguyện Tam Bảo thường trú trong mười phương từ bi chứng minh, gia hộ cho đệ tử chúng con: Tâm Bồ-đề kiên cố, tự giác, giác tha, giác hạnh viẻn mãn, cùng chúng sanh trong pháp giới một thời đồng chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Đây chính là phần phát tâm Bồ-đề.

  • Trong Bài Sám Hối:

“Ngưỡng trông ơn Phật từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não. Hàng ngày an vui tu tập Pháp Phật nhiệm màu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại. Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.

Trong đoạn kinh văn trên đây chuyên chở hai nội dung: một, cầu đức Phật từ bi gia hộ để tu cho mau thành Phật. Hai, để cứu độ từ các bậc tôn trưởng, cha mẹ, anh em… cho đến tất cả chúng sanh, hết thảy đều được thành Phật.

Đây cũng chính là phần phát tâm Bồ-đề.

  • Trong Bốn lời nguyện lớn (Tứ hoằng thệ nguyện):

Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp.

Phiền não không cùng tận, thề nguyện đều dứt sạch.

Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học.

Phật đạo không gì hơn, thề nguyện được viên thành.

Trong bốn lời nguyện trên đây có phần: thề nguyện được viên thành Phật đạo; thề nguyện độ khắp tất cả chúng sanh. Đó chính là phát tâm Bồ-đề.

  • Trong Ba Tự Quy Y:

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh thể theo đạo cả phát lòng Vô thượng.

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh thấu rõ kinh tạng trí tuệ như biển.

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh thống lý đại chúng hết thảy không ngại.

Trong cả 3 phần Tự quy y trên đây đều mang ý nghĩa của phát tâm Bồ-đề.

  • Trong phần Hồi Hướng Công Đức:

“Nguyện đem công đức nầy hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.

Cũng như các đoạn trên, đoạn hồi hướng công đức cũng là phần phát tâm Bồ-đề.

Như vậy, có thể nói: nội dung của toàn bộ kinh văn trong Nghi Thức Tụng Niệm của Gia Đình Phật Tử đều chuyên chở ý nghĩa phát tâm Bồ-đề.

9. Sự liên hệ giữa Tâm Bồ-đề và Giới Bồ-tát:

Nên giải thích thêm về:

  • Giới. Mục đích Phật chế ra giới luật. Năng lực, tác dụng của giới luật.
  • Bồ-tát (Bodhisattava), viết đầy đủ là Bồ-đề Tát-đóa, dịch là Giác hữu tình (một bậc hữu tình đã giác ngộ).
  • Giới Bồ-tát Tại gia: 6 giới trọng và 28 giới khinh của Tại gia Bồ-tát được Phật thuyết trong kinh ƯU-BÀ-TẮC GIỚI.

Như trên đã nói, phát tâm Bồ-đề là phần cốt lõi căn bản của giáo lý Đại thừa. Cứu cánh của sự phát tâm Bồ-đề là cầu giác ngộ, giải thoát, cầu thành Phật và lòng mong muốn cứu độ cho tất cả chúng sanh thoát khỏi phiền não, khổ đau, được hưởng an vui như mình. Để thực hiện điều nầy, đức Phật đã chế ra giới Bồ-tát là giới Đại thừa, để những người đã phát tâm Bồ-đề (tức tâm Đại thừa) dùng làm phương tiện thực hiện hạnh tự lợi lợi tha, tự giác giác tha của mình.

10. Tại sao người Huynh Trưởng khi đã phát tâm Bồ-đề nên thọ trì giới Bồ-tát?

Người tu học theo giáo lý Đại thừa, phát tâm rộng lớn, lấy sự thành tựu, giải thoát chúng sanh làm mục đích, lúc nào cũng mong cầu thành tựu sự nghiệp tự lợi lợi tha, tự giác giác tha. Sống như vậy gọi là người đang đi trên con đường Bồ-tát đạo, đang thực hành Bồ-tát hạnh. Đó chính là người đã và đang phát tâm Bồ-đề.

“Phát tâm Đại thừa thì phải dùng phương tiện Đại thừa”. Khi đã phát nguyện làm người Huynh Trưởng tức nhận lấy châm ngôn Bi-Trí-Dũng, lấy 5 điều luật, 5 hạnh làm phương hướng rèn luyện, tu tập cho mình. Hôm nay, chúng ta lại được học để hiểu thêm về phần cốt lõi căn bản của giáo lý Đại thừa là phát tâm Bồ-đề. Khi đã tin, đã hiểu, đã lập nguyện và đã phát tâm Bồ-đề, thì nên phát tâm thọ trì giới Tại gia Bồ-tát, vì đây là phương tiện để hành động, là cách thực tập tốt nhất để thể hiện ý chí, nguyện vọng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, giúp cho ta tiến mau trên con đường tu tập đúng theo châm ngôn, 5 hạnh và 5 điều luật của người Huynh Trưởng và mục đích “Đạo Phật nhập thế”, “Phật hóa xã hội” của tổ chức GĐPTVN.

Đại Bồ-tát Shantideva có thuyết rằng:

“Mang hết tám vạn bốn ngàn pháp môn ra khuấy

chung lại, tinh túy của tất cả chính là tâm bồ-đề”.

Để hiểu thêm về Phát tâm Bồ-đề, nên tìm đọc:

  • KHUYẾN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM VĂN của ngài Thật Hiền.
  • Kinh ƯU-BÀ-TẮC GIỚI.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb