HUYỀN TRANG 1 CANADA : HỘI HỌC KỲ 5 : THẬP MỤC NGƯU ĐỒ


TRẠI HUYỀN TRANG 1 CANADA – HỘI HỌC KỲ 5
THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

Thật là kỳ diệu, tôi đã gặp gở các anh chị cả của GĐPTVN, điều mà tôi, một huynh trưởng “nhảy dù” xuống tổ chức, rất xúc cảm! Cái “gặp gở” mà tôi nói ở đây không phải là sự gặp gở đối diện, mà là gặp gở qua âm thanh, qua tiếng nói… Sự tao ngộ đó nhờ vào Skype! Thần thông diệu dụng!

Trước hết, tôi phải cám ơn anh cả Gia Nã Đại của chúng tôi, anh Tâm Trí, một lão thanh niên 84 tuổi. Tổ chức GĐPTVN tại Canada thành hình đến ngày hôm nay đã 25 năm phần lớn nhất là nhờ vào tâm lực của anh. Anh chạy từ Đông sang Tây để kết hợp vài Gia Đình Phật Tử rời rạc khắp nơi trên đất nước Canada rộng lớn này. Anh mở rộng vòng dây thân ái bằng các trại hè giữa các Gia Đình. Anh tổ chức các trại huấn luyện để đào tạo huynh trưởng. Anh làm việc cho Gia Đình Phật Tử không ngừng nghĩ… Không hiểu anh lấy năng lực ở đâu mà ghê gớm thế… ? Nay đã 84 tuổi anh là Cố Vấn Ban Hướng Dẫn và là trại trưởng trại huyền Trang 1 Canada. Nhờ thế mà anh chị em chúng tôi được biết trong tổ chức áo lam chúng ta còn có rất nhiều nhiều anh Tâm Trí, nghĩa là nhiều lão thanh niên, và nhiều chị lão thanh niên… Nầy nhé, nào là anh cả thế giới, anh Nguyên Tín mà tôi chỉ được gặp anh trong quyển Kỷ Yếu Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới tại Thái Lan. Hình anh ngồi kiết già  tóc bạc trắng, lưng thẳng tấp… an nhiên tự tại giữa những chao đảo của cuộc đời là điểm tựa vững chắc cho đàn em áo lam khắp nơi, một lão thanh niên 90 tuổi! Nào là hình ảnh nhỏ nhắn, tóc bạc phơ của chị Diệu Lãng… Rõ ràng là hình ảnh của một bà ngoại diệu hiền, thân thương! Vân vân và vân vân… Các anh, các chị làm việc cho đàn em liên tục, không mõi mệt, không ngưng nghĩ… Ba mươi năm, bốn mươi năm, năm mươi năm, rồi sáu mươi năm trôi qua… Tìm ở đâu, cái năng lực phi thường đó???…

Trại Huyền Trang 1 Canada, khai khóa ngày 15 tháng 5 năm 2011, gồm tất cả 18 trại sinh của các đơn vị: GĐPT Huyền Quang (Vancouver), GĐPT Thiện Tâm (Edmonton), GĐPT Phật Quang (Edmonton), GĐPT Vạn Hạnh(Mississauga,Toronto), GĐPT Chánh Kiến (Ottawa), và GĐPT Quan Âm (Montreal). Khóa học chia ra ba giai đoạn: giai đoạn ôn tập, giai đoàn hàm thụ (có chín bài) và giai đoạn hội học (tám bài).  Chúng tôi bước vào giai đoạn hội học vào đầu năm nay, mỗi tháng học một bài, như vậy đến tháng tám là chúng tôi hoàn tất khóa Huyền Trang 1. Lễ kết khóa được Ban Quản Trại dự kiến vào tháng chín.

Hai bài hội học đầu tiên: bài “Bát Chánh Đạo” do Đại đức Thích Thường Nguyên giảng (chùa Xá Lợi, Mississauga) và đề tài thứ nhì là Huyền Trang Pháp sư với Đại thừa Phật giáo do Thượng tọa Thích Kiên Định (chùa Từ Đàm, Huế) giảng tại chùa Quan Âm (Montréal) nhân dịp Thượng tọa viếng thăm Canada.

Ở bài hội học thứ ba, tôi được gặp anh cả hải ngoại, anh Tâm Kiểm, anh giảng cho chúng tôi về tình hình Giáo Hội, trong nước và hải ngoại, sau năm 1975.  Xuyên suốt bài giảng, chúng tôi hiểu được cái nghiệp lực nghiệt ngã đã đè xuống dân tộc nói chung, Giáo Hội và Gia Đình Phật Tử nói riêng trong bao năm qua. Và chúng tôi cảm nhận được cái dũng cảm, can trường của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, của các anh, các chị cả lãnh đạo GĐPT đã lèo lái con thuyền đạo pháp trong phong ba bảo táp. Tùy duyên nhưng bất biến!

Ở bài hội học thứ tư, chị Tâm Minh, chị cả của hải ngoại (Phó trưởng Ban Hải ngoại và là Phụ tá Ủy viên Giáo dục của BHD thế giới), chị giảng cho chúng tôi về Thập Mục Ngưu Đồ, mười bức tranh chăn trâu. Đây là phương pháp điều phục tâm. Chị đã chuẩn bị cho chúng tôi ba lá thư tu học với những câu hỏi gợi ý để thảo luận. Lá thư thứ nhất trình bày về kinh “Phóng ngưu” hay “Mục ngưu” là kinh đức Phật dạy cho các vị khất sĩ là các thầy Tỳ kheo đệ tử Phật  12 điều để hàng phục tâm. Lá thư thứ hai nói về Thập Mục Ngưu Đồ theo Đại thừa. Và lá thư thứ ba Thập Mục Ngưu Đồ theo Thiền tông.

Làm thế nào để hàng phục vọng tâm? Làm thế nào để nhận diện chơn tâm?

Tranh của Đại thừa, ví tâm là con trâu.

Vì là trâu hoang nên rất hung dữ nghĩa là lúc nầy vọng tâm điên đảo đang làm chủ cái Tâm. Muốn hàng phục con trâu hoang nầy hay là điều trị vọng tâm, chúng ta phải giữ giới, phải phát Bồ đề tâm… Trì Giới nghiêm nhặt thì vọng tâm lắng động và chơn tâm sẽ hiển lộ. Trâu lúc đầu là một màu đen, sau đổi ra màu trắng từ đầu lan dần đến thân và cuối cùng là đuôi. Đó là ý nghĩa của năm bức tranh đầu tiên: Vị mục, Sơ điều, Thọ chế, Hồi thủ, Thuần phục. Trâu đã thuần phục nghĩa là tâm đã Định, ngoại cảnh không còn chi phối hành giả. Giai đoạn nầy diễn tả qua hai bức tranh Vô ngại và Nhiệm vận. Trâu đã thuần phục nên mục đồng không cần chăn. Trâu và mục đồng an nhiên tự tại: Không còn trâu cũng chẳng có mục đồng. Đây là giai đoạn Định sinh Huệ được diễn tả qua hai bức tranh Tương vong và Độc chiếu. Bức tranh chót tên là Song dẫn, diễn tả cảnh giới giác ngộ của chư Phật được biểu hiện bằng vòng tròn Viên giác. Đó là ý nghĩ mười bức tranh chăn trâu theo Đại thừa, trình bày pháp tu Tiệm.

Còn Thiền tông thì chủ trương Đốn giáo. Trâu được ví cho Tánh giác.

Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật…

Tánh giác vốn sẳn có nơi ta, luôn hiển lộ ở sáu căn, nhưng khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì vọng niệm nổi lên che lấp Tánh giác. Nên Thiền tông mở đầu bằng bức tranh “Tấm ngưu” (Tìm trâu), chú mục đồng vách cỏ tim trâu, nghĩa là vạch những vọng niệm đang che lấp để tìm Tánh giác bên trong. Các bức tranh tiếp theo là Kiến Tích (Thấy dấu), Kiến ngưu (Thấy trâu), Đắc ngưu (Được trâu), Mục ngưu (Chăn trâu) nghĩa là thấy trâu rồi thì mục đồng phải bắt trâu lại, rồi phải chăn trâu, thấy tánh Giác rồi thì hành giả phải giữ cho tánh Giác lúc nào cũng hiển lộ. Bằng cách nào? Bằng cách giữ Chánh niệm, buột chặc niệm ở trong giây phút hiện tại, không để cho niệm nhảy đông, nhảy tây, không cho niệm lạc vào quá khứ, trôi đến tương lai. Đạt đến cảnh giới nầy là trâu đã thuần thục, vọng niệm không còn năng lực quấy phá, ngoại duyên không thể chi phối, tánh Giác lúc nào cũng hiển lộ, mục đồng vô cùng vui sướng, quay về quê xưa chốn củ. Bức tranh thứ sáu  Kỵ ngưu quy gia (Cỡi trâu về nhà) diển tả tâm trạng nầy.

Nhưng thiền tông lại dạy rằng còn niệm là còn vướng mắc dẫu là niệm thiện, niệm giác, bởi vì tâm còn phân biệt, còn mâu thuấn, còn trong vòng đối đãi. Còn cảnh thì còn tâm. Mà cảnh là vô ngã, nên tâm phải vô tâm, niệm phải vô niệm. Biết tâm không thật, nên dứt tâm đó là tranh thứ bảy Vọng ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người). Trâu không thật nên người chăn cũng không thật là tranh thứ tám Nhân ngưu câu vong (Người trâu đều quên).

Đạt đến trạng thái Tâm Vô tâm cũng chưa phải là cứu cánh của Thiền tông. Nhà Thiền dạy rằng khi đã kiến tánh, quán triệt pháp vô ngã, tâm vô thường lúc đó hành giả trở về với cội nguồn, về lại với cái trật tự tự nhiên của vạn vật, cái vô thỉ vô chung của trời đất. Vạn pháp tức là Phật pháp! Đó là ý nghĩa của bức tranh thứ chín Phản bổn hoàn nguyên (Trở về cội nguồn).Tranh thứ mười Nhập triền thùy thủ (Thỏng tay vào chợ) diễn tả bậc giác ngộ đi vào chợ đời thông dong tự tại, hành hoạt như một phàm phu nhưng không dính mắc vào tâm, vào cảnh như một phàm phu. Bồ tát làm tất cả các pháp thế gian nhưng không có pháp thế gian nào được làm. Tất cả đều là KHÔNG. Đó là tổng kết mười bức tranh chăn trâu của Thiền tông.

Chị Tâm Minh hướng dẫn trại sinh chúng tôi thảo luận trong ba giờ đồng hồ cho một đề tài mà rằng trong một đời người, một kiếp người hoặc vô lượng vô biên kiếp chúng tôi mới có thể đạt được! Nguyện cầu Phật lực gia hộ cho tâm nguyện của anh chị em chúng tôi.

Một câu hỏi, chị Tâm Minh đã đặt ra cho chúng tôi là trong quá trình tu tập Chăn trâu, anh hay chị đã đạt đến trạng thái nào?

Hởi ôi! Ta đang ở trạng thái nào? Ở vào bức tranh thứ mấy của lộ trình tu học?… Con trâu nhà mình thoáng hiện, thoáng mất. Thấy đuôi không thấy đầu: nó nhanh như khỉ, lẹ như ngựa… Trâu còn chưa nắm bắt được thì làm sao dám nói là điều phục! Làm sao có thể như chú mục đồng ngồi trên mình trâu nghêu ngao ca hát:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?

Không, chăn trâu sướng lắm chứ…

Ngôi trên mình trâu…”

WOH! Tôi đã thấy rồi! Tôi đã tìm ra rồi! Tôi thì chưa có thể như chú mục đồng vỗ tay ca hát, nhưng các anh, các chị cả chắc chắn đã làm được. Nếu không Nhập triền thùy thủ, thì cũng là Phản bổn hoàn nguyên hay là Kỵ ngưu quy gia… Nếu không với tâm Bồ tát vô úy thì làm sao các anh, các chị cả của chúng ta có thể đứng vững giữa phong ba, bảo táp hơn sáu mươi năm qua? Cái năng lực phi thường mà chúng ta đang tìm kiếm nơi các anh, các chị chính là cái công phu tu tập, cái nguyện Bồ tát hạnh… Hảy góp nhặt từng câu niệm Phật, từng phút ngồi Thiền, và từng giây sinh hoạt cùng các em… đó là công phu tu tập, là hành Bồ tát hạnh. Một lúc nào đó, chúng ta cũng sẽ bắt được con trâu của chúng ta giống như các anh, các chị.

Hình anh Nguyên Tín kiết già tại Đại hội Huynh trưởng Thế giới vừa qua lại về trong tôi…

Nguyện cầu chư Phật thùy từ gia hộ cho các anh, các chị thân tâm thường an lạc.

Thị Nguyện ghi

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb