VIẾT CHO CÁC EM NGÀNH THANH THIẾU: CÂY HOA PHÙ-CÔNG-ANH SAU VƯỜN

ĐỒNG TRÚC.

CÂY HOA PHÙ-CÔNG-ANH SAU VƯỜN

Viết cho các Em Ngành Thanh Thiếu

Nầy Em !

Mãi cho đến xế trưa ngày hôm trước, cây hoa Phù-Công-Anh mọc ở sau vườn nhà tôi vẫn còn sống. Những gốc rễ của nó bám sâu xuống lòng đất và mạch sống vẫn tuôn chảy trong lá, trong nụ, trong hoa và trong cây. Cây hoa Phù-Công-Anh đó, thật đẹp ! Nó còn có tên Taraxacum, thuộc nhóm thực vật có hoa, thuộc giòng họ Cúc (Asteraceae), thân cây và lá luôn mang màu xanh lục, thật dễ thương, thật sáng và thật ngọt ngào. Cũng như những loài thực vật có hoa khác, Phù-Công-Anh dự định cho sự tiếp nối đẹp đẽ của mình, nên mỗi mùa, nhất là những khi trời nắng ấm, Phù-Công-Anh thường làm ra những bông hoa kiểu dáng hình trụ (cylindrical) màu vàng, rồi bông hoa đó lớn lên khoe sắc, trông thật rực rỡ.  Mỗi khi bông hoa Phù-Công-Anh chín rộ, lại trở thành màu trắng và nẫy sinh thêm nhiều hạt, mỗi hạt được bảo bọc, cưu mang và chắp thêm nhiều cánh, như sẵn sàng bay lên không gian và sẽ đi về phương trời cao rộng mỗi khi gặp gió.  Cây hoa đó, trước kia, vẫn thường vui đùa, ve vẩy lá cây theo ngọn gió mềm và ban rãi hạnh phúc bé nhỏ của nó đi khắp mọi nơi, cánh hoa và hạt thường đi tới phương trời khác, chứa đựng và mang theo nhiều hứa hẹn tương lai, như một thiên chức, muốn mình được tiếp nối trong cuộc sống giữa đời nầy.

Tôi đã từng dạo chơi quanh quẩn sau vườn nhà rất nhiều lần, và cũng đã chia xẻ hạnh phúc cuộc sống với cây hoa Phù-Công-Anh.

Tội nghiệp quá ! Ngày hôm qua, như một kẻ nào đó, đã nhổ cây hoa Phù-Công-Anh lên rồi Em ạ ! Chiều hôm nay, khi tôi trở lại sau vườn, trước mặt tôi, thì ra, cây hoa Phù-Công-Anh dễ thương kia đã khô héo, như đã chết từ bao giờ !

Cái chết xảy đến cho cây hoa Phù-Công-Anh, khi rễ của nó không còn bám chặt vào đất nữa. Sự sinh trưởng của cây, hoàn toàn phụ thuộc vào những cái rễ đó, mặc dù, Em hay tôi không thấy chúng; nhưng chính những cái rễ đó chứa đựng đầy bí mật về cuộc sống của cây hoa.

Phải không Em ? Cây cỏ đều có rễ của cỏ cây. Loài người, trong đó có Em và tôi cũng vậy . Cây cỏ, đều có một nền tảng để sống, loài người, cũng như tôi và Em đều có một nền tảng để sinh tồn.  Mỗi khi những cội rễ, bị bứng gốc, dĩ nhiên cây cỏ đều phải chết. Con người, một khi mất đi cái cơ bản của đời sống, dĩ nhiên con người, cũng tự rụi tàn, héo úa, hay chết dần như cây hoa kia.

Truớc đây, khi còn làm người học trò già , tôi thường đến Thư Viện, có một lần tôi đọc được cuốn sách của C.Albert, trong đó có câu “tự tử là một vấn đề triết lý vô cùng quan trọng”. Đúng vậy ! Thưa Em ! C.Albert, rất chí lý thật ! Ngày nay, con người hình như không có một mục đích thật sự cho đời sống của mỗi người.  Mọi vật, dường như đều vô nghĩa và phi lý (?). Cái cội rễ của con người như đang bị lung lay, và sự vắng mặt của dòng liên kết cuộc sống, con người không còn gì hết, ngoài sự cô đơn và sợ hãi, mất thương, thiếu hiểu … Con người, cũng như Em và tôi cần gốc rễ và dĩ nhiên cần đất để sống.  Rễ ở trong lòng của con người, trong lòng của mỗi Em và tôi, và linh hồn là tôn giáo. Đặc biệt hơn, nơi em và tôi còn có lý tưởng Sen Trắng 8 cánh, nằm trong vòng tròn, viên dung vô ngại, trên nền màu xanh lá mạ, thật tuyệt vời, phải không Em ?

Vậy thì, cũng như cây hoa Phù-Công-Anh kia, muốn được tiếp nối một cách đẹp đẽ, trong mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày, cũng cần những tư tưởng, những ý nghiệp cao đẹp, những lời nói, những hành động, biểu hiện được tinh thần bao dung, tha thứ, niềm tin và hy vọng. Tôi và Em cũng vậy, lời nói và hành động cũng phải biểu lộ được chất liệu của Từ-Bi, của Hỷ Xả . Em và tôi, sẽ được tiếp nối như hoa Phù-Công-Anh, như cánh, như hạt ; gió nghiệp sẽ mang tư tưởng, lời nói, hành động, đã được chứa đựng và đi xa, tiếp nối ở các phương trời xa lạ, ngay tại đậy và trong tương lai …

Thật vậy ! Nếu nhân loại, nếu Em và tôi biết trồng cội rễ tâm linh, thì đóa hoa nhân bản “Phù-Công-Anh” sẽ nở ra, nở rộ khắp cùng vũ trụ hành tinh nầy.  Rồi Em cùng tôi :

-Về đây, cùng hoa cỏ khoe bày

Dưới trời nắng ấm, gió mềm lá ru …

Em cùng tôi vui một chữ Tu,

Buông đi !

Thôi đừng chấp giữ mây mù làm chi !

Cám ơn Em đã cùng tôi đến tận dòng nầy,

Dù cách xa ngàn dặm, nhưng gần,

Gang thép ta chia tay đừng buồn !…

Hẹn em ngày gặp lại.

ĐTR-HC

Xứ vạn hồ – Đầu Thu 2011.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb