HỒI KÝ: HÀNH TRÌNH VỀ ĐẤT PHẬT


HÀNH TRÌNH VỀ ĐẤT PHẬT

TÂM ĐĂNG

LE HOI HANH HUONG 059.jpg

***

LE HOI HANH HUONG 107.jpg

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG * Bodh Gaya

Chuyến Hành Hương Ðất Phật

(the Buddhist Pilgrimage in India)

từ ngày 8/02/2004 đến 24/02/2004

***

Lời mở đầu…

Khi mới vào GÐPT cách đây khoảng 50 năm, tôi được học Phật Pháp, trong đó có lịch sử của đức Bổn Sư Thích Ca từ sơ sanh cho đến nhập diệt.  Tôi đã được biết đến những địa danh mà trọn đời người phật tử không bao giờ có thể quên được như là: vườn Lâm Tỳ Ni, nơi thái tử Tất Ðạt Ða sanh ra; thành Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia; cội Bồ Ðề, nơi đức Thích Ca thành đạo; Lộc Uyển, nơi đức Phật Chuyển Pháp Luân; và cây Ta La Song Thọ, nơi đức Phật nhập diệt.  Ngoài ra, chúng tôi cũng được nghe đến Linh Thứu Sơn, nơi đức Phật thuyết giảng kinh Pháp Hoa; Kỳ Viên Tịnh Xá thuộc Xá Vệ quốc, nơi đức Phật giảng kinh A Di Ðà, kinh Kim Cang; Trúc Lâm Tịnh Xá thuộc thành Vương Xá, nơi đức Phật giảng Pháp cho vua Tần Bà Sa La, v.v… Với tôi, vào thời đó, thì những địa danh kia, chỉ là những nơi trong trí tưởng tượng mà thôi; ngay cả những năm gần đây, đất Phật ở vùng cực Bắc Ấn Ðộ hay cực Nam Nepal, cũng chỉ là những nơi xa vời mà ngày đến chiêm bái những thánh tích đó, vẫn chỉ là trong ước mơ thôi.

Như được phước báu do sự tu tập, gần cuối đời người phật tử như tôi, may mắn có được duyên lành về thăm đất Phật.  Tôi thật sung sướng, hạnh phúc được trở về nơi “QUÊ CHA” để chiêm bái quê hương và thánh tích của Ngài, mà bao nhiêu năm tôi hằng mơ ước.  Ban Hướng Dẫn GÐPT VN Hải Ngoại đã đề cử tôi đi “tiền thám”, để chuẩn bị cho chương trình Lễ Hội Hành Hương đất Phật được tổ chức vào đầu tháng 11/2004, thế nên tôi đã tháp tùng theo phái đoàn hành hương do Thầy Hạnh Nguyện, thuộc trung tâm tu học Viên Giác Ấn Ðộ tổ chức và hướng dẫn.  Ðường về đất Phật, không gian truân như nhiều người lo nghĩ; mà cũng không quá trở ngại khó khăn gì; không phải băng rừng, vượt suối, xuyên sa mạc như Ngài Huyền Trang đã thực hiện cách đây gần 1400 năm. Ðường về đất Phật ngày nay, lại rất nhẹ nhàng và thoải mái, không phải sợ hãi lo âu gì, mà ngược lại khách hành hương sẽ đón nhận được nguồn năng lượng vô biên, khi được qùy dưới cội Bồ Ðề, nơi đức Thế Tôn đạt được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác; hoặc sẽ cảm nhận được sự an lạc từ tâm, khi đi thiền hành quanh tháp Ðại Giác đứng uy dũng giữa trời cao.  Niềm tin sẽ được bồi đắp và bồ đề tâm càng thêm kiên cố.

Ðể giới thiệu và mời gọi anh chị em áo Lam về chiêm bái đất Phật do BHD GĐPT VN Hải Ngoại tổ chức, tôi xin tường thuật lại cuộc hành trình về thăm đất Phật của tôi vừa qua, với niềm hoài mong anh chị em áo Lam sớm theo gót Ngài Huyền Trang về chiêm bái Thánh Tích của đức Từ Phụ chúng ta.

***

Ngày 8/2/2004: (Rời Los Angeles, California)

11:30 pm:  chuyến bay 881 của Cathay Pacific airline, đưa chúng tôi từ thành phố Los Angeles, California đi Hong Kong. (16 giờ bay)

LE HOI HANH HUONG 008.jpg

Ngày 10/2/2004: (Đến Hong Kong)

7:40 am:  chúng tôi đến phi trường Hong Kong, sau chuyến đường dài 7254 miles (11,675 km). (giờ Hong Kong đi trước giờ Cali 16 tiếng)

Chuyến bay đi thủ đô Tân Ðề Li (New Delhi) Ấn Ðộ khởi hành lúc 10:10 pm, nên chúng tôi có được 14 giờ rãnh, nào đi mua sắm hàng miễn thuế tại phi trường Hong Kong; nào thuê xe đi thăm quan thành phố Hong Kong; hoặc vào các Lounge tại phi trường, để nằm nghỉ, xem TV, đọc sách, ăn uống miễn phí trong một ngày với giá khoảng $30 USD. ($1 = 50 rupees)

10:10 pm:  chuyến bay 753, cũng của Cathay Pacific airline đưa chúng tôi đi Tân Ðề Li (thủ đô của Ấn Ðộ). Cũng như chuyến bay trước, trên máy bay, chúng tôi được phục vụ thức ăn chay theo yêu cầu của ban tổ chức dành cho khách hành hương.  Tuy nhiên, quý anh chị nào muốn có thức ăn mặn thì phải lưu ý cho ban tổ chức biết khi mua vé để không yêu cầu phục vụ thức ăn chay.

Ngày 11/2/2004: (Đến New Delhi, India)

1:40 am:  (giờ Ấn Ðộ đi trước giờ Cali 13.5 tiếng và đi sau giờ Hong Kong 2.5 tiếng), chúng tôi đến phi trường Tân Ðề Li sau chuyến đường bay dài 2330 miles (3750 km) với thời gian 6 giờ bay (6 hours flight time); nhiệt độ ở phi trường khoảng 56oF (14oC).  Trên máy bay, chúng tôi phải điền đơn xin nhập cảnh (Arrival Card for Foreign Nationals) để trình, khi qua cổng hải quan ở sân bay.  Rời phi cơ, chúng tôi đi xuống một cầu thang để vào phòng hải quan Tân Đề Li (immigration office); là một phòng nhỏ, có 8 lối vào trình giấy tờ, 1 dành cho “special handling”; 1 dành cho “Diplomat officials”; còn lại 6 lối dành cho hành khách các loại “general”.  Trình giấy tờ gồm có passport và arrival card, nhân viên hải quan đóng dấu vào passport và arrival card; và thẻ này sẽ trình cho quan thuế cửa khẩu (customs) khi lấy hành lý và đi ngang qua cửa quan thuế.  Quan thuế chỉ quan sát hành khách đi qua chứ không khám xét gì cả.

Sau 1 giờ, qua khỏi các trạm hải quan và lấy hành lý xong, chúng tôi được Thầy Hạnh Nguyện, “Trưởng đoàn hành hương Ấn Ðộ” đón tại phi trường.

LE HOI HANH HUONG 011.jpg

Phái đoàn được xe của ban tổ chức đưa về khách sạn “Intercontinental The Grand”, cách phi trường 24 km.  Khách sạn Intercontinental The Grand là khách sạn 5 sao “5-Star hotel”, lớn nhất ở thủ đô Tân Ðề Li, có 444 phòng với đầy đủ các tiện nghi.

LE HOI HANH HUONG 016.jpgLE HOI HANH HUONG 019.jpg

Chúng tôi, 2 người nhận một phòng và nghỉ ngơi đến sáng.  Sau buổi điểm tâm tại khách sạn, phái đoàn ra phi trường quốc nội Gandhi lúc 9:30 sáng để chuẩn bị đi Patna, thủ đô của bang Bihar.  Ở đó, có thánh địa Bồ Đề Ðạo Tràng (Bodh Gaya) và Trung Tâm Tu Học Viên Giác (The Vietnamese Buddhist Institute Vien Giac).  Tại Gandhi airport, chúng tôi làm các thủ tục check-in, gởi hành lý, và một đặc điểm mà tôi nhận thấy là nhân viên ở phi trường làm việc rất “thoải mái, từ từ, không vội vã”.  Máy bay của Sahara airline, cất cánh lúc 12 giờ trưa và đến phi trường Patna lúc 2 giờ chiều (sau 2 giờ bay).

Sau 24 giờ ngồi trên máy bay, bây giờ đến lúc chúng tôi di chuyển bằng xe bus.  Xe bus rộng rãi, có 36 chỗ ngồi, máy lạnh và micro để cùng nhau ca hát, trò chuyện “mà quên đường dài”.  Ðường xe thuận bên trái và tài xế lái xe thật giỏi.  Từ Patna airport đến trung tâm tu học Viên Giác, Bồ Ðề Ðạo Tràng dài 160 km.  Ðây là bước đầu thử thách chí nguyện của quý khách hành hương.  Ðường rất xấu, đầy ổ gà, ổ vịt (pothole), những vị ngồi phía sau xe bus hơi vất vả một chút, nhưng chúng tôi không ai thấy mệt, trái lại lòng càng phấn khởi hơn, vì biết rằng mình đang đặt chân trên vùng đất Phật, và cội Bồ Ðề, nơi đức Thế Tôn thành đạo chẳng còn bao xa nữa.  Tôi mơ màng hình dung, đâu đây, có dấu chân Ngài đã đi qua, ngắm nhìn những hàng cây bên vệ đường, thầm nghĩ rằng: có thể dưới một bóng cây nào đó, đức Thế Tôn, đã từng dừng lại nghỉ ngơi trong khoảng thời gian Ngài đi hoằng dương chánh pháp.  Cách Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh Gaya) 10 km là thành phố Gaya.  Thành phố có nhiều quán hàng buôn bán bên lề đường, giống hệt những làng nhỏ dọc theo quốc lộ 4 miền nam nước Việt chúng ta vậy.  Ða số bán kẹo bánh và thức ăn, thức uống cho khách qua đường. Sau 4 giờ 30 phút, xe chạy trên đoạn đường dài 160 km, chúng tôi đã đến trung tâm Viên Giác, Ấn Ðộ lúc 7 giờ tối.

LE HOI HANH HUONG 166.jpgLE HOI HANH HUONG 081.jpg

“Trung Tâm Tu Học Viên Giác” là ngôi chùa thứ hai của người Việt sau Việt Nam Phật Quốc Tự “Viet Nam Buddha Bhumi Vihara – Boudha Gaya” tại Bồ Ðề Ðạo Tràng.  Tuy xây dựng sau, nhưng trung tâm Viên Giác đã được khánh thành 2 năm trước đây.  Trung Tâm Viên Giác cao lớn rộng đẹp, có 3 tầng và 1 tầng trệt.  Tầng 1: có phòng khách và 10 phòng ngủ, mỗi phòng có 2 giường rộng rãi, dành cho khách hành hương, 1 nhà bếp và 1 phòng vệ sinh chung.  Tầng 2: có 13 phòng ngủ, mỗi phòng có 2 giường và một sân thượng.  Tầng 3 là “Ðại Hùng Bửu Điện” thờ Tam Thế Phật và 2 bên có Thập Bát La Hán (tôn tượng 18 vị La Hán). Ngoài ra, có phòng đọc sách và 4 phòng ngủ dành cho chư Tăng.  Tầng trệt (basement) là phòng ăn, chứa đủ 300 người.  Hiện tại trung tâm Viên Giác có Thầy Hạnh Ðịnh làm Trú trì, Sư cô Như Bảo và Chú Ðồng Thuận.

Sau buổi cơm chiều, chúng tôi tham dự buổi họp để Thầy Hạnh Nguyện “Trưởng Ðoàn Hành Hương” giới thiệu chư Tôn Ðức tháp tùng cùng phái đoàn và thông qua lịch trình hành hương đến tất cả thành viên.  Ngoài Thầy Hạnh Nguyện, chúng tôi nhận thấy có Thượng Tọa Thích Tâm Hạnh, và Sư cô Thích Nữ Tuệ Ðàm Hương, đến từ Ðan Mạch (Denmark)

Sau một hành trình dài, Thầy trưởng đoàn cho nghỉ sớm, nhưng chúng tôi không cảm thấy mệt, nên lại quay quần chuyện trò với nhau; niềm vui hiện rõ trên nét mặt mọi người. Bầu không khí an lành của miền đất Phật cho chúng tôi hương vị hạnh phúc, bình an, thanh thoát của buổi ban đầu.

Ngày 12/2/04: (Chiêm bái Tứ Ðộng Tâm thứ nhất: BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG, nơi Phật Thành Ðạo – The place of Buddha’ Enlightenment)

Hôm nay, phái đoàn chúng tôi “thiền hành” từ trung tâm Viên Giác đến Bồ Ðề Ðạo Tràng, để chiêm bái: Tứ Ðộng Tâm thứ nhất * Bồ Ðề Ðạo Tràng * (Bodh-Gaya).  Ðây là thánh địa quan trọng và linh thiêng nhất trong Tứ Ðộng Tâm.  Vì nơi đây, thái tử Tất Ðạt Ða đã chứng thành đạo quả Vô Thượng Bồ Đề sau 6 năm dài khổ hạnh đi tìm chân lý.

Trước hết, phái đoàn tiến hành nghi lễ thánh tích Phật thành Ðạo ngay dưới cội Bồ Ðề.

LE HOI HANH HUONG 055.jpgLE HOI HANH HUONG 051.jpg

Nơi đây, vào khoảng 2500 trước, thái tử Tất Ðạt Ða đã phát lời thề nguyện và nhập thiền định trong suốt 49 ngày, sau đó đã chứng thành Ðạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.  Một luồng cảm giác kỳ lạ tràn ngập trên toàn thân tôi, từ từ dâng lên trong trái tim thành kính, và rồi những giọt nước mắt xúc động mừng vui lăn dài trên má, như tâm trạng của đứa con xa nhà bao năm tháng, nay về cúi đầu, đảnh lễ dưới chân Cha hiền để tạ tội .

Trong suốt đời người, nay đã hai màu tóc, tôi vẫn cứ nổi trôi trong phiền não trầm luân, và cho đến hôm nay tôi mới cảm nhận được giây phút an lạc trầm tĩnh thật sự.  Tôi nghĩ ánh hào quang của đức Thế Tôn rạng ngời từ mấy ngàn năm trước, chắc hẳn còn tồn tại trong không gian bao la, nên hôm nay chúng tôi đứng ở nơi này, được đón nhận cái ánh sáng chan hòa ấy. Sau phần nghi lễ, phái đoàn chúng tôi đi nhiễu quanh tháp Ðại Giác (Mahabodhi temple).

Mahabodhi Temple “the Great Awakening Temple” Ðây là ngôi tháp chính, bên dưới vuông vức mỗi bề 15 m và nhỏ dần lên đỉnh giống Kim Tự Tháp, cao 55 m (180 ft), bao quanh Tháp chính là 4 tháp nhỏ, để tô điểm thêm phần mỹ thuật.

LE HOI HANH HUONG 033.jpgLE HOI HANH HUONG 233.jpg

Tháp có 2 tầng: tầng dưới ngay ở cửa đi vào là tôn tượng Phật Thích Ca ngồi kiết già, tay trái gác trên đùi, tay phải buông xuôi trong thế ấn xúc địa.  Tôn tượng này đã có trên một ngàn bảy trăm năm và ngồi hướng mặt về phía Đông (East) giống y như tư thế của đức Thế Tôn lúc thành đạo vậy.  Bên dưới giữa đại Tháp và cội Bồ Ðề là Kim Cang Tòa “the diamond throne – The Seat of Enlightenment” tòa này xây bằng sa thạch (sandstone) dài 2.28 m, rộng 1.5 m và cao 0.9 m, trên mặt có khắc hoa văn.  Tòa đá này do vua A Dục khởi tạc để cúng dường kỷ niệm nơi thái tử Tất Ðạt Ða ngồi thiền và đắc Ðạo (vào ngày 8 tháng 12 âm lịch, 544 năm trước Tây lịch).

LE HOI HANH HUONG 239.jpgLE HOI HANH HUONG 053.jpg

Bên ngoài Kim Cang Tòa có tấm bảng ghi: “BODHI DALLANKA (the place of Enlightenment), Prince Siddhartha attained Buddhahood (Full enlightenment) in the year of 623 B.C. on the Vaisakha full moonday sitting under the peepul (Bodhi) tree.  The vajrasana on the diamond throne which is under this bodhi tree is the central place of worship.”

Trong tuần lễ đầu tiên sau khi thành đạo, đức Phật đã ngồi thiền định ở Kim Cang Tòa và thuyết kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và các đại Bồ Tát nghe.  Chúng tôi rời Kim Cang Tòa, đến chiêm bái tháp Animesa Locana.

LE HOI HANH HUONG 075.jpgLE HOI HANH HUONG 030.jpg

Trong tuần lễ thứ hai, đức Phật đã ngồi chăm chú nhìn cội Bồ Ðề, không chớp mắt tròn bảy ngày để tỏ lòng biết ơn cây đã che chở Ngài.  Tại tháp này có tấm bảng ghi: ANIMESA LOCANA (The Place of unwinking gazing). After Enlightenment Lord Buddha spent the second week in meditation here gazing unwinking at the bodhi tree.”

Rời tháp Animesa Locana, chúng tôi đến tháp Cankamana.

LE HOI HANH HUONG 025.jpgLE HOI HANH HUONG 022.jpg

Nơi đây, trong tuần lễ thứ ba, đức Phật đã đi thiền hành quanh nền Tháp này.  Ðúng hơn, đây là một khối đá dài 18.2 m và cao 0.9 m.  Bên trên khối đá có khắc những biểu tượng hoa sen. Tháp này đánh dấu tuần lễ thứ ba khi đức Phật đi kinh hành thì những đóa hoa kỳ diệu nở ra để đỡ chân Ngài. .Tại đây có tấm bảng ghi: CANKAMANA (Cloister Walk). Lord Buddha spent the third week here walking up and down in meditation. On the platform lotuses indicate the places where the Lords feet rested while walking.”

Chúng tôi tiếp tục chiêm bái đền Ratnagraha.

LE HOI HANH HUONG 072.jpg

Nơi đây, trong tuần lễ thứ tư, đức Phật đã ngồi thiền tư duy về lý nhân quả tương duyên; thân Ngài tỏa ra những luồng hào quang sắc màu xanh, vàng, đỏ, trắng và cam.  Màu sắc của lá cờ Phật giáo hiện nay. Tại đây, có tấm bảng ghi: “RATANAGHARA (The Place of Basic Contemplation) Lord Buddha spent the fourth week here in meditation reflecting on the Patthana or Causal law.”

Chúng tôi lại tiếp tục đến nơi đức Phật đã trải qua trong tuần lễ thứ năm. Ðó là cây NIGRODHA, nơi đức Phật đã ngồi thiền và một người Bà La Môn đã đến vấn nạn Thế Tôn, “thế nào là ý nghĩa của Bà La Môn?” Ðức Phật đáp rằng: “một người không phải khi sanh ra là Bà La Môn, mà chính là khi chết đi, việc ấy mới được quyết định tùy theo nghiệp quả do chính mình đã tạo.” Tại đây, có tấm bảng ghi: AJAPALA NIGRODHA TREE (Banyan tree). Lord Buddha spent the fifth week under this tree in meditation after enlightenment, here he replied to a Brahmana that only by ones deads one becomes a Brahmana, not by birth.”

LE HOI HANH HUONG 099.jpgLE HOI HANH HUONG 102.jpg

Cạnh cây này là trụ đá của vua A Dục, ngay cổng đi vào đại tháp Giác Ngộ.  Chúng tôi lại tiếp tục đi chiêm bái các thánh tích khác.  Phía bên trái đại tháp là hồ rồng MUCALINDA. Nơi đây, đức Phật đã trải qua trong tuần lễ thứ sáu.  Trong lúc Ngài thiền định, con rồng Mucalinda đã dùng thân và đầu che chở cho đức Phật.

LE HOI HANH HUONG 066.jpgLE HOI HANH HUONG 062.jpg

Ở giữa hồ có một tôn tượng đức Phật, được bảo hộ bởi một con rắn hổ man.  Trong hồ có trồng sen và súng.  Vào buổi sáng sớm thường có các vị tu theo Ấn giáo đến đây tắm, và dâng nước cúng Phật và mặt trời.  Chúng tôi, cũng đã đến vào ban đêm để thắp “đèn Trí Tuệ” quanh hồ, miệng khấn niệm Nhiên Ðăng Phật.

Trong tuần lễ thứ bảy đức Phật đã ngồi tại một gốc cây để chứng nghiệm sự an lạc giải thoát hoàn toàn, nơi đây Ngài nhận sự cúng dường của các vị thương gia, cũng như của bốn vị vua trời.  Tại đây, có tấm bảng ghi: RAJAYATANA (A kind of forest tree). After enlightenment, Lord Buddha spent the seventh week here in meditation. At the end of meditation, two merchants-tapussa and bhallika offered rice cake and honey to the Lord and took refuge-buddham saranam gacchami, dhammam saranam gacchami (sangha was not founded then).”  Sau bảy tuần lễ thiền định tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, đức Phật rời khỏi nơi đây đi về thành Ba La Nại (Varanasi) tìm những người đồng tu để truyền lại  những gì Ngài đã chứng ngộ.

LE HOI HANH HUONG 244.jpgLE HOI HANH HUONG 049.jpg

Ở giữa tháp đại Giác và hồ rồng Mucalinda là Trụ Ðá lớn của vua A Dục.

LE HOI HANH HUONG 064.jpg

Còn ba trụ đá nhỏ của vua A Dục được xây ở cổng ra vào.  Chung quanh đại tháp Giác Ngộ, có rất nhiều tháp của các vị vua, quan xây để nhớ ơn Ðức Phật.

Nhìn quanh khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng, hàng ngàn tín đồ tín tâm cầu nguyện và lễ bái.  Nhiều phật tử ngồi nhìn cội Bồ Ðề suốt ngày, người khác nhiễu quanh tháp hay tam bộ nhất bái, các nhà sư Tây Tạng thì lạy không ngừng nghỉ; nghe nói một mùa tu mỗi vị phải lạy đủ 400,000 lạy.  Phái đoàn chúng tôi hôm nay chỉ đến đảnh lễ và chiêm bái.  Chúng tôi còn 4 ngày để tiếp tục đến tháp Ðại Giác nhất tâm lễ lạy và cầu nguyện.  Trong tâm mỗi người chúng tôi nghe lòng lắng lại, bầu không khí linh thiêng và năng lượng vô hình của chư Phật, chư đại Bồ Tát như đang lan tỏa khắp mọi nơi.  Mỗi tiếng chuông, mỗi câu kinh hay mỗi một lá bồ đề rơi rụng, tất cả đều khiến cho tâm tư rung động, bàng hoàng và sự an lạc thanh thoát nhẹ nhàng dâng lên, êm ái dịu dàng như lạc vào thế giới của chư Thiên.

LE HOI HANH HUONG 111.jpg

Buổi sáng, phái đoàn đến thăm đại tháp Giác Ngộ; buổi chiều thả bộ từ trung tâm Viên Giác đến “khu phố” quanh đại Tháp để thăm dân cho biết sự tình.  Cũng là một thử thách, khi vừa bước chân ra khỏi trung tâm Viên Giác thì chạm ngay với một “đoàn người ăn xin”. Những người này bám sát vào chân để xin cho bằng được.  Nhìn thấy sự đói khổ và nghèo nàn của người dân thật khó cầm lòng.  Tuy nhiên, Thầy trưởng đoàn đã dặn dò trước là không được cho tiền những người đó, vì như thế chỉ tạo cho họ sự ỷ lại và nuôi dưỡng “đạo quân ăn xin này” càng ngày càng phát triển.  Thay vào đó, phái đoàn sẽ tổ chức công tác từ thiện trong những ngày ở Bồ Ðề Ðạo Tràng.  Ðoàn người thứ hai mà chúng tôi gặp là những người “bán hàng rong”, mua vội vã sẽ bị trả tiền cao và kém chất lượng.  Khu phố này nhỏ, nhưng lại có đủ phương tiện liên lạc như: sử dụng internet chỉ $1 một giờ; gọi điện thoại đến Mỹ thì $1 cho 5 phút.  Thức ăn và thức uống không ai dám thử vì đường xá dơ dáy và bụi bặm; giao thông mất trật tự.  Lạ thay, trên cùng một mảnh đất lại có hai khung cảnh trái ngược nhau như: “khổ đau và hạnh phúc” hay “địa ngục và thiên đàng.”

Ngày 13/2/04: (thăm Thành Vương Xá – Núi Linh Thứu và Trúc Lâm Tịnh Xá)

6:00 am:  Phái đoàn khởi hành đi thăm thành Vương Xá (Rajgir), là một địa danh quen thuộc qua nhiều kinh điển, nằm về miền bắc và cách Bồ Ðề Ðạo Tràng 60 km.  Thành Vương Xá, trước kia là thủ đô xứ Ma Kiệt Ðà (Maghada) của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), nay là một trung tâm Phật Giáo quan trọng và cũng là một trong những kinh thành cổ nhất thế giới.

Chúng tôi đến thành Vương Xá lúc 8 giờ 30 sáng.  Núi Linh Thứu hiện ra trước mắt

LE HOI HANH HUONG 118.jpgLE HOI HANH HUONG 120.jpg

Linh Thứu Sơn (Gridhrakuta), là một trong những ngọn núi bao bọc thành Vương Xá.  Tại đỉnh núi Linh Thứu, 16 năm sau khi thành Đạo, đức Thế Tôn đã truyền thuyết những kinh điển đại thừa như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh, kinh Bát Nhã Ba La Mật.  Ngài đã đến nơi đây 6 lần và cũng ở nơi đây, Ngài Ðại Ca Diếp đã đứng ra chủ trì việc kiết tập kinh điển sau đó.  Con đường bộ dẫn lên đỉnh núi Linh Thứu đã do vua Tần Ba Sa La xây đắp, đường rộng 1.5 m và dài 1 km 5.  Nguyên phái đoàn chúng tôi từ già đến trẻ, đều lên đến đỉnh núi Linh Thứu, dù có vị đã trên 70 tuổi.  Niềm tin và ý chí đã làm cho sức lực gia tăng.

Phái đoàn hành lễ thánh tích Linh Thứu Sơn.  Bầu không khí linh thiêng kỳ diệu, đỉnh núi cao nhô lên uy dũng, những dãy núi hùng vĩ bao quanh như đứng chầu.  Chúng tôi lại hình dung đến cảnh Pháp hội đã diễn ra nơi đây cách mấy ngàn năm trước, khi đức Thế Tôn thuyết giảng kinh cho chư Ðại Ðệ Tử, chư Bồ Tát, và chư Thiên.  Cảm giác bàng hoàng ngập tràn cơ thể, chúng tôi qùy lạy thật lâu, như để đón nhận lời vàng ngọc của đức Thế Tôn vang vọng từ chốn không trung mênh mông.

LE HOI HANH HUONG 123.jpgLE HOI HANH HUONG 126.jpg

Trên đoạn đường từ chân núi lên đến đỉnh Linh Thứu, chúng tôi đã gặp, trước hết là tấm bảng ghi dấu: “nơi đây vua Tần Bà Sa La đã cho đoàn tùy tùng dừng lại để vua lên đỉnh núi một mình thăm đức Phật”, kế đến là một tấm bảng ghi dấu: “nơi đây Ðề Bạt Ðạt Ða đã lăn đá làm chảy máu chân Phật.”

LE HOI HANH HUONG 136.jpgLE HOI HANH HUONG 138.jpg

Gần đỉnh Linh Thứu là động của Ngài A Nan và Ngài Xá Lợi Phất.  Vì thời gian giới hạn, phái đoàn chúng tôi đã không lên thăm tháp Hòa Bình (Shanti Stupa).  Tháp Hòa Bình nằm trên ngọn núi Bảo Sơn (Ratna Giri).  Ðường kính (diameter) của tháp là 144 m, vòm mái 72 m và chiều cao là 125 m.  Bốn bên tháp có bốn tượng bằng vàng, biểu trưng cho bốn cảnh lớn trong cuộc đời đức Phật: đản sanh, giác ngộ, thuyết pháp và thị tịch.

10:30 am:  Phái đoàn tiếp tục đi thăm đại học Nalanda, cách Linh Thứu Sơn 10 km.  Nalanda là một đại học Phật Giáo đầu tiên rất nổi danh, nơi đây đã sinh ra những tư tưởng gia của Phật giáo Ấn Ðộ vĩ đại như: Ngài Long Thọ, Ngài Mã Minh, Ngài Vô Trước, Ngài Thế Thân, v.v… Và một số nhà học giả Trung Quốc như: Ngài Huyền Trang, Ngài Nghĩa Tịnh, v.v… Nơi đây cũng là quê hương của Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên.  Hiện có một đại tháp, chứa xá lợi của Ngài Xá Lợi Phất.  Ðức Phật đã đến nơi đây để độ cho hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

LE HOI HANH HUONG 141.jpgLE HOI HANH HUONG 148.jpg

Ðại học Nalanda có chiều dài 14 km và rộng 5 km.  Ngài Long Thọ đã từng làm viện trưởng. ở đây, gồm 108 tu viện và tháp cho hơn 10,000 tăng sinh tu học và 1500 giáo sư.  Hiện tại, chỉ còn lại nền của 11 tu viện với vài vết tích của phòng ngủ, phòng tắm, phòng ăn và học đường.  Vào khoảng thế kỷ 12, quân Hồi giáo (Islam) đã đến tàn phá, đốt cháy đại học Nalanda và giết chết tất cả tăng sinh.  Máu chảy thành suối và phải mất 6 tháng mới cháy hết đại học.  Nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát, mọi người không khỏi không xúc động và nuối tiếc một thuở huy hoàng của Phật Giáo ngày nào.

Sau buổi cơm trưa, phái đoàn tiếp tục đi thăm suối nước Nóng (Tapoda Nadi) và Trúc Lâm Tịnh Xá (Veluvana), cách Nalanda 2 km về phía Nam.  Suối nước nóng là nơi đức Phật đã từng tắm, có nhiệt độ 105oF, có phóng xạ nguyên tử và chữa được nhiều bệnh tật.

LE HOI HANH HUONG 144.jpg

Trúc Lâm Tịnh Xá, gần suối nước nóng, là khu vườn Thượng Uyển (royal garden) của vua Tần Bà Sa La đã dâng cúng dường đức Phật. Nơi đây, đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh và nghỉ ngơi qua những mùa mưa.

LE HOI HANH HUONG 153.jpgLE HOI HANH HUONG 156.jpg

Phái đoàn trở về trung tâm Viên Giác lúc 5 giờ 30 chiều.  Buổi tối phái đoàn họp để chuẩn bị cho chương trình xã hội, từ thiện cứu trợ vào ngày hôm sau.  Sau buổi họp, chúng tôi lặng lẽ đến tháp đại Giác để nghe lòng thanh tịnh và cầu mong được tiếp nhận thêm nguồn năng lượng vô hình giữa chốn linh thiêng nhiệm mầu này. Thảnh thơi và an lạc! Trong khoảnh khắc tôi quên đi được thế giới khổ đau.  Ðêm về, tại trung tâm Viên Giác lặng yên, đứng giữa chuông trống Bát Nhã, tôi thấy được tôi, trong cảnh giới vô thường, tôi càng vững tin trên con đường tôi đang đi, con đường giải thoát của đức Thế Tôn.

LE HOI HANH HUONG 094.jpgLE HOI HANH HUONG 088.jpg

Ngày 14/2/04: (Thăm các chùa tại Bồ Ðề Ðạo Tràng và công tác Từ Thiện)

Hôm nay phái đoàn chúng tôi đi thăm các chùa tại khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng.  Trước hết, chúng tôi đến thăm chùa Miến Ðiện. Chùa này hiện đang thờ ngọc Xá Lợi Phật, cách tháp Ðại Giác 1 km.  Chùa này rất xưa, được vua Mundoon Myin xây dựng vào năm 1874 để khách hành hương Miến Ðiện trú ngụ.  Cách chùa khoảng vài trăm thước là sông Ni Liên Thuyền (Niranjana).  Ngày nay được gọi là sông Lilajan, bề rộng của sông gần 1 km, nhưng cạn tùy theo mùa.  Chính trên giòng sông này, năm xưa đức Thế Tôn đã tắm, trước khi Ngài đến ngồi ở cội Bồ Ðề.  Rời sông Ni Liên Thuyền, chúng tôi lần lượt đến thăm chùa Trung Quốc, chùa Ðài Loan, chùa Thái Lan, chùa Nhật Bản, chùa Tây Tạng, chùa Bhutan và cuối cùng là đến thăm chùa Việt Nam, có tên là Việt Nam Phật Quốc Tự.

LE HOI HANH HUONG 167.jpgLE HOI HANH HUONG 189.jpg

Mỗi chùa, đều có lối xây dựng theo thẩm mỹ và sắc màu riêng của quốc gia họ.  Chùa Thái xây dựng hoàn toàn theo kiểu Thái trong một khuôn viên rộng rãi, với kiến trúc hài hòa. Trong chánh điện của chùa là tôn tượng đức Bổn Sư, được đúc bằng tám loại kim khí do thái tử Thái Lan “Mushad Hanon Kittikheaehern” cúng vào năm 1956, trị giá 66 ngàn mỹ kim.

LE HOI HANH HUONG 186.jpgLE HOI HANH HUONG 201.jpg

Kế bên chùa Nhật là tôn tượng Ðại Phật, cao 15 m, kiến trúc theo lối Nhật Bản; hai bên có tôn tượng của mười vị Ðại Ðệ Tử của Phật: “Ngài A Nan, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Phú Lâu Na, Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên, Ngài La Hầu La, Ngài Tu Bồ Ðề, Ngài Ưu Bà Li, Ngài Ca Diếp, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài A Na Luật.” Chùa Việt Nam ở vị trí tương đối xa tháp Ðại Giác, cách chừng 3 km.  Chùa mang tên là Việt Nam Phật Quốc Tự, do Thầy Huyền Diệu xây dựng, nằm ở một khu biệt lập và khá rộng rãi, và hiện vẫn tiếp tục xây dựng mặc dù đã khánh thành vào 10/1/2003.  Tuy vì thiếu người chăm sóc nên trông có vẻ hoang sơ, điện Phật nằm ở trung tâm, bên phải là một nhà đang xây cất, phía xa bên phải là một ngôi khách xá hai tầng chừng 20 phòng, dành cho khách hành hương, thích sống tự túc và tỉnh lặng.  Trong sân chùa, có trồng nhiều cây và trước cổng chùa là một hồ nước với bông sen như cảnh chùa ở Việt Nam.

Sau buổi cơm trưa rất ngon miệng như thường lệ tại trung tâm Viên Giác, phái đoàn chúng tôi đến thăm và phát qùa cho dân làng nghèo Ấn Độ trong khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng.

LE HOI HANH HUONG 214.jpgLE HOI HANH HUONG 224.jpg

Khi chúng tôi đến, đã thấy dân làng ngồi sắp hàng đầy cả sân của một trường học.  Chúng tôi được ban Ðại Diện dân làng quàng tặng cho những vòng hoa đeo cổ và buổi phát quà bắt đầu. Có hơn 1200 phần quà được phát ra, mỗi người được 2 kg gạo và 20 rupees tiền Ấn (tương đương với 45 cent).  Món quà tuy nhỏ, nhưng niềm vui của người dân thật lớn lao, bộc lộ qua những nụ cười rạng rỡ và ánh mắt mừng vui.  Chúng tôi, thật cảm động và thương cho cuộc sống của người dân ở đây.  Tuy vậy, khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, họ sống rất an nhàn, mộc mạc, đơn sơ, nhưng hạnh phúc và thực tế, chứ không hề mộng tưởng hay chạy theo những mơ ước xa vời.

Chúng tôi lại tiếp tục đến thăm và phát sách vở, dụng cụ cho học sinh ở hai ngôi trường nghèo cũng ở gần khu vực đó.  Các em học sinh ở đây biết đến người Việt qua trung tâm Tu Học Viên Giác, qua qúy Thầy và các phái đoàn hành hương.  Các em rất qúy mến và gần gũi với người Việt chúng ta, thực tế là qua việc bảo trợ, giúp sức và yểm trợ thường xuyên của các phái đoàn hành hương.  Có thể nói, các em học sinh ở đây đến với đạo Phật ở tại Ấn Ðộ là do người Việt hướng dẫn và nuôi dưỡng.

Ngày 15/2/04: (Công tác từ thiện và đi dạo phố tại Bồ Ðề Ðạo Tràng)

Hôm nay, phái đoàn chúng tôi lại đi thăm một làng nghèo Ấn Ðộ ở xa hơn, cách trung tâm 40 km.  Thật không thể tưởng tượng đến sự khó khăn, cùng cực của một thôn làng, những ngôi nhà lá vách đất, những tiện nghi có vẻ núi rừng, một cuộc sống gần như bị xã hội lãng quên, những tấm chăn ấm, những món quà gói trọn tình người đã được trao tặng trong nổi bùi ngùi xúc động của người cho cũng như người nhận.  Có lẽ, cảnh cùng khổ như thế đã làm cho đức Thế Tôn đau xót, thương tâm.  Ngài đã phải lìa xa cung điện nguy nga lộng lẫy, vợ đẹp con thơ để vào tận rừng sâu, trải qua bao gian nan khổ hạnh, để tìm con đường giải thoát khổ đau cho chúng sinh.

Trưa hôm nay, phái đoàn chúng tôi tổ chức buổi lễ cúng dường Trai Tăng để tri ân quý chư Tôn Ðức trước khi giã từ trung tâm Viên Giác.  Theo lời chỉ dạy của đức Thế Tôn, chúng tôi tiến hành buổi lễ cúng dường tứ sự, để tỏ lòng thành kính và tri ơn chư Tôn Ðức, đồng thời phát nguyện dõng mảnh Bồ Ðề tâm, hộ trì Tam Bảo, tiếp tục bảo vệ và hoằng dương chánh Pháp.  Chiều nay, là buổi chiều cuối cùng tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, Thầy trưởng đoàn cho phép chúng tôi tự do đi “phố” để mua quà kỷ niệm.

Khu phố quanh khuôn viên đại tháp Giác Ngộ, là khu phố nhỏ nhưng lúc nào cũng huyên náo.  Nhiều nhất vẫn là những quày bán ảnh tượng đức Phật, giây chuỗi, lá Bồ Đề, ảnh các thánh tích, đĩa nhạc, v.v… Có nhiều nhà cho thuê điện thoại, sử dụng internet, một vài quán bán thức ăn và nước giải khát và nhiều giá cả khác nhau, “căn bệnh nói thách” khá trầm trọng; ra giá 1000 rupees, nhưng có thể bán chỉ 50 rupees mà thôi!!! (xin lưu ý điều này). Ðiều kém vui nhất cho khách hành hương là phải thoát cho bằng được “đoàn người bán hàng rong”, họ bám sát, cản đường để bán cho bằng được và “đoàn người ăn xin” nằm la liệt trên các lối đi đầy bụi bặm rác rưởi.  Thế mà, nạn ăn cắp hay móc túi, cũng như dùng lời lẽ không nhã nhặn với khách qua đường không hề xảy ra!!!  Tiền sử dụng là rupee (một mỹ kim bằng 50 rupees tiền Ấn).  Mỹ kim có thể sử dụng và đổi tại các nơi đổi tiền hay khách sạn, và tốt hơn là nên đổi tiền, trước khi ra khu phố này.  Phương tiện chuyên chở gần là “xe lôi”, giá chừng 30 rupees là đi một vòng khắp phố phường.

Tôi suy nghĩ mãi về hai khung cảnh gần như khá trái ngược bên trong và bên ngoài khuôn viên tháp Ðại Giác.  Bên trong tháp Ðại Giác, linh thiêng, thanh tịnh và an lạc bao nhiêu, thì bên ngoài là trần thế, hỗn độn và khổ đau bấy nhiêu.  Ðức Thế Tôn đã dạy: “Hạnh phúc và khổ đau; Bồ Đề và phiền não cũng chỉ là một.”

Tôi mỉm cười với ý nghĩ so sánh: “Tháp Ðại Giác nhô lên cao, uy dũng, trong sáng, giữa khu phố nghèo hèn khổ đau, chẳng khác những bông sen tinh khiết, thơm ngát vươn lên từ đám bùn lầy nước đọng.” Chúng tôi giã từ Bồ Ðề Ðạo Tràng, đầy với luyến lưu, xúc động và thành kính nhất!  Tôi và nhiều người đã không cầm được những giọt lệ thương quý nơi này, như phải xa người thân qúy nhất đời mình.  Kìa cội Bồ Ðề, nơi đức Thế Tôn đã thành Ðạo, Ngài vẫn còn ngồi đó, trong tim của hàng triệu người con Phật.  Kìa những đóa sen nở dưới chân Ngài khi Ngài thiền hành ngang đây.  Tiếng nhạc trời ca vang mừng đón Ngài thành đạo vẫn còn vang vọng trong không gian của Bồ Đề Đạo Tràng.  Tôi tỉnh thức trong hào quang bừng sang.  Lạy Phật, chúng con thành kính xin xa Ngài trong thân xác, nhưng tâm chúng con, xin gởi lại nơi đây, Bồ Ðề Ðạo Tràng, Bồ Ðề Ðạo Tràng thành kính.

Ngày 16/2/04: (chiêm bái Tứ Ðộng Tâm thứ hai: VƯỜN LỘC UYỂN, nơi đức Phật Chuyển Pháp Luân * Sarnath – The Place, where Buddha delivered his first teaching)

Chuyến xe bus đưa phái đoàn chúng tôi rời trung tâm Viên Giác đi thành phố Ba La Nại (Varanasi) để chiêm bái thánh tích Lộc Uyển (Sarnath) cách Ba La Nại 10 km.  Chuyến xe khởi hành lúc 4 giờ sáng để vượt đoạn đường dài 250 km.  Ðoạn đường này, không những xấu mà còn thường xuyên gặp nạn kẹt xe nữa.  Ðể được an toàn, Thầy trưởng đoàn cho biết xe chỉ ngừng lại để nghỉ lúc 7 giờ sáng khi mặt trời ló dạng.  Ngồi lặng yên trên xe, tôi có dịp quan sát hai bên đường, khung cảnh này khiến tôi nhớ lại đoạn đường đi lục tỉnh trên quốc lộ 4 vào những năm 1960.  Hai bên đường có những ruộng cỏ mênh mông và lác đác những căn nhà tranh vách đất hay những ngôi nhà lụp xụp trơ vách đá.

Tôi suy nghĩ tiếp, cũng trên đoạn đường này, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài đã rời cội Bồ Ðề đi đến Lộc Uyển để truyền đạo giải thoát cho 5 anh em của ông Kiều Trần Như đã cùng tu khổ hạnh với Ngài trước kia.  Ðoạn đường 250 km, với đôi bàn chân đơn độc trên sỏi đá, nắng sương không ngại.  Hôm nay đây, chúng con có dịp đến tận nơi này để mới có thể cảm nhận được những gian nan mà Ngài đã đi qua, sự hi sinh không bờ bến của Ngài, chỉ vì lòng từ bi vô lượng vô biên của Ngài đối với chúng sinh.  Còn ngày nay, phái đoàn chúng tôi đến thăm viếng, được đi bằng xe bus có đầy đủ tiện nghi, không gặp trở ngại nào cả.  Nghĩ đến, tôi thầm kính thương Phật, đấng từ phụ của chúng tôi.  Xe bus đến khách sạn Taj Ganges lúc 11 giờ (sau 7 giờ xe chạy).

Khách sạn Taj Ganges là khách sạn lớn 5 sao “5-Star hotel”, có đầy đủ tiện nghi cho du khách.  Thức ăn theo dạng buffet, hương vị Âu Mỹ và Ấn.  Hành lý của chúng tôi được nhân viên khách sạn mang lên tận phòng.  Chúng tôi nghỉ ngơi, ăn uống, tắm rửa thoải mái sau một hành trình dài 7 tiếng trên xe bus.

LE HOI HANH HUONG 250.jpg

Ngày 17/2/04: (Ngắm cảnh Bình Minh trên sông Hằng và chiêm bái Ðại Tháp Chuyển Pháp Luân)

Buổi sáng, phái đoàn chúng tôi thức dậy sớm để ra ngắm cảnh bình minh trên sông Hằng (Ganges River), chỉ khoảng sau 15 phút đi xe và 15 phút đi bộ xuyên qua khu phố nhộn nhịp ban mai, là đến tới bờ sông Hằng.  Sông Hằng, là tên mà chúng ta thường thấy trong nhiều đoạn kinh của đức Phật, dùng để mô tả số lượng đếm không được như là số cát sông Hằng vậy.

Sông Hằng bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas), chảy xuyên suốt qua Tây Tạng (Tibet) và Ấn độ dài 5575 km.  Trên một đoạn sông có một đền thờ, là nơi dân Ấn tôn sùng và kính ngưỡng như là một nơi linh thiêng nhất của họ.  Họ thường đến đó để tắm rửa và cầu nguyện, lễ bái.  Họ tin rằng tắm xong thì tội lỗi sẽ được rửa sạch và không còn tội nữa.  Chúng tôi bước xuống một chiếc thuyền, sức chứa từ 30 đến 40 người.  Thuyền chạy dọc theo bờ sông, nhìn lên những đền tháp cổ kính huyền bí, và ngay trên bến, nhiều người đang tắm gội, xa xa là khu hỏa thiêu xác người, ảm đạm và thầm lặng.  Ánh bình minh trải dài trên giòng sông là khung cảnh đẹp, mộng mơ cho khách hành hương.  Nhiều chiếc thuyền qua lại, vang vọng tiếng kèn, tiếng sáo và âm thanh hỗn độn của cả rừng người trên bến đã tạo nên khung cảnh có sắc thái kỳ lạ của giòng Sông.

LE HOI HANH HUONG 258.jpgLE HOI HANH HUONG 260.jpg

Phái đoàn chúng tôi trở về khách sạn, và sau buổi điểm tâm ngọt bùi hương vị, chúng tôi lên đường đi Lộc Uyển (Sarnath), cách Ba La Nại 10 km về phía Bắc.  Lộc Uyển, địa danh quen thuộc với anh chị em áo Lam chúng ta và nhất là đối với các anh chị em lần đầu tiên bước vào nghề Huynh trưởng đã phải tham dự trại với tên gọi “Lộc Uyển”.  Qua cổng sắt của khuôn viên, trước hết phái đoàn chúng tôi đến đại tháp Chuyển Pháp Luân (Dharmekha Stupa).  Tháp này được vua A Dục xây vào khoảng 300 năm trước Tây lịch, cao khoảng 31.3 m và đường kính (diameter) là 28.3 m.  Ðây là nơi đức Phật đã thuyết giảng bài Pháp đầu tiên “Tứ Diệu Đế” cho năm anh em Kiều Trần Như.

LE HOI HANH HUONG 285.jpgLE HOI HANH HUONG 281.jpg

Phái đoàn tụng kinh “Chuyển Pháp Luân” và đi kinh hành quanh đại Tháp; niệm danh hiệu đức Bổn Sư.  Thượng Tọa Thích Tâm Hạnh đã thuyết giảng bài “Tứ Diệu Ðế” để chúng tôi cùng ôn lại, hiểu sâu hơn về bài pháp đầu tiên, nhiệm mầu, và nhất là để mường tượng lại nơi chốn mà cách đây mấy ngàn năm, đức Phật đã chuyển bánh xe pháp tại đây.  Chúng tôi qùy lạy trước đại Tháp với tâm thành khấn nguyện, cầu xin cho đạo Pháp được trường tồn và chúng sanh luôn được an lạc.

Rời đại Tháp, chúng tôi đi dọc theo những nền móng của chùa Tháp xưa còn sót lại.  Trong cảnh hoang tàn đổ nát, chúng tôi vẫn có thể hình dung được hình ảnh nguy nga tráng lệ của thời đó.  Nơi đây, 30 tự viện bị Hồi giáo (Islam) tàn phá; tăng sĩ bị thảm sát; chỉ tưởng nghĩ đến thôi cũng đủ thấy xót xa, tê tái, lạnh cả người khi thả bộ trên các lối đi.  Vượt qua khu nền Tháp tự viện là tháp Dharmarajika, nơi đây nhà khảo cổ Cunningham đã tìm thấy xương Xá Lợi của Phật.  Phía sau tháp Dharmarajika là trụ đá của vua A Dục (Ashoka Pillar).  Vua A Dục đã xây trụ đá này khoảng 250 năm trước Tây lịch, nguyên thủy cao 21.33 m, trên đỉnh có tạc tượng sư tử bốn đầu.  Phần trên bị gãy, và hiện đang được để ở bảo tàng viện khảo cổ ở Lộc Uyển, còn phần dưới được bao bọc bằng một hàng rào sắt.  Trong phần trụ này, có khắc ghi hàng chữ khuyên các đệ tử Phật nên sống hòa hợp trong Tăng đoàn.

Gần khuôn viên Lộc Uyển là tháp Chaukhandi, tháp này đánh dấu nơi đức Phật gặp lại năm người bạn đồng tu.  Bên phải cổng ra vào là ngôi tịnh xá Mulgandha Kuti cao sừng sững. Chiều cao 30.48 m, lối kiến trúc giống tháp Ðại Giác tại Bồ Ðề Ðạo Tràng.  Bên phải tịnh xá là tôn tượng đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như.  Sau lưng tượng là cây Bồ Ðề được chiết từ cây Bồ Ðề tại Tích Lan, cùng nguồn với cây Bồ Ðề tại Bồ Ðề Ðạo Tràng.

LE HOI HANH HUONG 289.jpgLE HOI HANH HUONG 294.jpg

Phái đoàn tiếp tục đi xem vườn Nai (Deer Park), nơi đây chúng tôi nhìn thấy những con nai ngoan hiền đang chạy giỡn tung tăng.  Mỗi hình ảnh là mỗi sự gợi nhớ và trí tưởng tượng đến thật nhanh khiến chúng tôi thấy mình như được sống trong vườn Lộc Uyển ngày nào.  Ðoàn trở về khách sạn.  Buổi chiều tối được thong thả đi dạo phố.

Ba La Nại, thành phố “vĩnh cửu” là một trong những thành phố lớn của tiểu Bang Uttar Pradesh thuộc miền trung Bắc Ấn.  Thành phố này nổi tiếng vì nền văn minh của tâm linh trong suốt 2500 năm qua.  Phố xá, thì cũng giống như khu phố tàu ở Mỹ, buôn bán đủ các thứ.  Xe cộ lưu thông nhộn nhịp, còi xe reo inh ỏi.  Chúng tôi chỉ tốn 20 đến 30 rupees là được ngồi trên 1 chiếc xe đạp kéo (giống xích lô ở Việt Nam mình), chạy dọc theo 2 dãy phố để xem sinh hoạt ban đêm.  Chúng tôi hân hạnh được chứng kiến một đám cưới, rất khác lạ với các văn hóa khác; đó là đàn bà phải đi cưới đàn ông.  Ðàn ông ra giá cho lễ cưới, để đàn bà đi lễ, nhưng đàn ông đừng vội mừng, vì cưới xong thì đàn ông bao thầu hết việc nhà, buôn bán, làm lụng, trong khi các bà được thảnh thơi.

Ngày 18/2/04: (Chiêm bái Tứ Động Tâm thứ ba: CÂU THI NA, nơi Ðức Phật nhập Ðại Niết Bàn * Kushinagar – the Place, where Buddha died )

Phái đoàn chúng tôi rời thành phố Ba La Nại lúc 8 giờ sáng để đi Câu Thi Na (Kushinagar). Ðường xá của bang Uttar Pradesh khá hơn bang Bihar cho nên chúng tôi ngồi thoải mái trên đoạn đường dài 260 cây số.  Tài xế xe bus, phải công nhận là lái xe thật giỏi, có tài lái xe lách qua lách lại giữa đoàn xe đủ loại và ngưòi đi bộ không theo luật lệ giao thong gì cả.  Ðến 12 giờ trưa thì xe dừng lại ở khách sạn Tathagat, chỉ để ăn cơm trưa.

Sau đó, tiếp tục đến thị trấn Gorahkpur.  Thị trấn này còn cách Câu Thi Na 56 km.  Ðây là một thành phố lớn, là trung tâm của các tuyến đường đi các thành phố khác, kể cả quảng đường đến biên giới Nepal, có phi trường và các trung tâm buôn bán sầm uất.  Nhà cửa khang trang hơn và có nhiều công xưởng, nhà máy dọc theo con đường chính.  Khoảng 4 giờ chiều thì xe đến chùa Linh Sơn.  Chùa Linh Sơn là ngôi chùa Việt duy nhất ở tại Câu Thi Na.  Chùa do Sư cô Thích Nữ Trí Thuận trù trì.  Chùa Linh Sơn nguyên là của người Trung Hoa, lúc Ni Sư viên tịch, bàn giao lại cho Thầy Huyền Vi, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn trên Thế Giới.  Thầy Huyền Vi đề cử Sư cô Thích Nữ Trí Thuận từ Pháp sang chùa Linh Sơn trú trì, và tiếp tục xây dựng, kiến thiết chùa.  Nhờ sự tận tâm và tài giỏi của Sư cô Trí Thuận, chùa Linh Sơn đã được xây dựng và trùng tu rất lớn, khang trang hơn.  Hiện chùa đang xây cảnh tứ động tâm phía bên phải chùa, đẹp và trang nghiêm.  Chùa có hai dãy phòng ngủ, hai tầng, mỗi phòng có 7 giường ngủ, với sức chứa tất cả trên 200 người.  Phòng ăn rộng rãi và thoáng.  Ðiều cần lưu ý là vẫn còn tồn tại tiếng vo ve của muỗi muốn làm quen.  Phái đoàn chúng tôi nghỉ ngơi và buổi sáng sớm hôm sau, đã tụ tập trước điện Phật để công phu khuya, tụng Kinh Lăng Nghiêm và cùng lạy Hồng Danh sám hối.

LE HOI HANH HUONG 330.jpgLE HOI HANH HUONG 336.jpg

Ngày 19/2/04: (Chiêm bái chùa Ðại Niết Bàn và Ðại Tháp Trà Tỳ)

Hôm nay, trời vừa hừng sáng, tất cả chúng tôi lặng yên khác thường.  Thầy cho biết phái đoàn sẽ thiền hành từ chùa Linh Sơn đến chùa Ðại Niết Bàn.  Chúng tôi tĩnh lặng, nhẹ nhàng bước, bầu trời như trở nên ảm đạm u buồn.  Chừng 15 phút thiền hành, chúng tôi đến chùa Niết Bàn, nhìn chùa Ðại Niết Bàn từ xa, lòng tự nhiên thắt lại.  Nơi đây 2547 năm về trước. đức Thế Tôn đã nhập Ðại Niết Bàn.  Chùa Ðại Niết Bàn kiến trúc rất kỳ lạ, được phát hiện từ năm 1876 do nhà khảo cổ Carlleyle.  Ở chính giữa trong chùa là tôn tượng Phật Nhập Diệt, dài khoảng 6 m, Ngài nằm nghiêng, mặt quay về hướng Ðông, trên thân Ngài được choàng các tấm Y do các phật tử cúng dường.

LE HOI HANH HUONG 303.jpgLE HOI HANH HUONG 298.jpg

Ðược biết tôn tượng này vào thời đại Gupta, khoảng giữa năm 415 và 456 sau Tây lịch do một vị Tăng tên là Haribhadra tạo ra.  Phía sau chùa Ðại Niết Bàn là Ðại Tháp Niết Bàn, cao 45.72 m.  Ðại Tháp cùng chung nền với chùa Niết Bàn với chiều cao 2.74 m từ mặt đất.  Phía sau lưng chùa Niết Bàn và Ðại Tháp Niết Bàn là một nền gạch đá mà theo như kinh sách kể lại, thì nơi đây chính là nơi đức Phật Nhập Diệt. Trước chùa Ðại Niết Bàn còn có 2 cây Ta La Song thọ, và hai cây này mới trồng lại sau này.

LE HOI HANH HUONG 315.jpgLE HOI HANH HUONG 312.jpg

Phái đoàn chúng tôi, không ai mà không rơi nước mắt khi bước vào phía trong chùa Ðại Niết Bàn cả.  Trong phần lễ lạy và tụng kinh Ðại Niết Bàn, nhiều người đã khóc, như đang chứng kiến cảnh đức Thế Tôn vừa giã từ.  Hình bóng Ngài hiện về trong tâm thức và giây phút sau cùng của đức Thế Tôn bỗng trở về trong khoảnh khắc.  Nhìn tôn tượng Ngài nằm bất động trên bệ đá, đôi mắt hiền hòa của Ngài nhắm lại, tự tại an nhiên, bầu không khí linh thiêng dịu vợi, đang tràn ngập vào trong những trái tim đầy xúc động.

Chúng tôi, đi nhiễu quanh bệ nằm của đức Thế Tôn, tâm thành kính hướng về Ngài với tất cả niềm xúc động thương kính vô biên.  Chúng tôi bịn rịn, rời chùa Ðại Niết Bàn, không gian trầm buồn.  Trước tháp Ðại Niết Bàn, chúng tôi ngồi quay quần lắng nghe Thầy Tâm Hạnh giảng kinh Di Giáo (lời dạy sau cùng của đức Thế Tôn đầy tình thương và sự khích lệ cho các đệ tử của Ngài”, trong đó Thầy nhắc lại lời Phật dạy: “lấy Giới Luật làm trọng để hành trì Giáo pháp của đức Thế Tôn; Giới là Thầy.” Thầy thuyết giảng về lịch sử của khu vực đức Phật nhập diệt.  Thầy kể lại tiến trình về những ngày cuối cùng của đức Phật với hàng đệ tử Ngài theo lời trong kinh sách.  Phái đoàn chúng tôi, lại tiếp tục chiêm bái Ðại Tháp Trà Tỳ, nơi hỏa thiêu nhục thân đức Phật.  Ðại Tháp Trà Tỳ cách chùa Ðại Niết Bàn 2 km.  Phái đoàn di chuyển bằng xe bus, và khi đến nơi đã cùng qùy lạy đảnh lễ dưới chân Tháp thật lâu.  Tháp Trà Tỳ có hình như một nấm mồ lớn, cao và tròn.  Vẫn tâm trạng bùi ngùi, xúc động chúng tôi giã từ.

LE HOI HANH HUONG 322.jpgLE HOI HANH HUONG 339.jpg

Sau khi thăm toàn bộ khu vực Phật nhập diệt, phái đoàn được Thầy trưởng đoàn hướng dẫn đến thăm chùa Thái Lan, một ngôi chùa với kiến trúc đồ sộ, thẩm mỹ, và đẹp nhất ở Câu Thi Na.  Ngoài ra, tại đây còn có các chùa Nhật Bản, Ðại Hàn, Tây Tạng và cạnh chùa Linh Sơn là chùa Miến Ðiện rất hùng vĩ.

Sau buổi cơm trưa đậm đà với hương vị Việt Nam, phái đoàn được Sư cô Trí Thuận hướng dẫn đến thăm trường tiểu học Linh Sơn do chùa Linh Sơn xây dựng và bảo trợ.  Trường có 400 học sinh nghèo; song song với bộ môn văn hóa, các em còn được học Phật Pháp và học cách niệm danh hiệu Chư Phật và Chư Bồ Tát bằng Tiếng Việt.  Ngoài trường tiểu học Linh Sơn, Sư cô Trí Thuận còn bảo trợ cho nhiều trường học sinh nghèo khác nữa, với số lượng học sinh khoảng 4000 em.

Câu Thi Na, nơi đức Phật Nhập Diệt lại có diễm phúc được chọn để xây dựng “công trình Ðại Phật Di Lặc” (Maitreya Project).  Bên cạnh tầm mức quan trọng của sự biểu trưng về văn hóa Phật Giáo, công trình Ðại Phật Di Lặc còn mang đến nhiều lợi ích cấp thời và thực tiễn cho người dân tại địa phương.  Tôn tượng được kiến thiết để trường tồn đến 1000 năm.  Trong một thiên niên kỷ, tôn tượng sẽ đóng góp và hỗ trợ vào đời sống xã hội, kinh tế, vào sự an ninh tốt đẹp cho dân chúng trong vùng và cũng đồng thời cung ứng vô vàn lợi lạc vào đời sống tâm linh của những chúng sanh nào hữu duyên viếng thăm chiêm bái tôn tượng.  Thánh đài này sẽ bao gồm những đại hùng Bửu Điện, phòng triển lãm, công viên và nhiều phòng khánh tiết.  Công trình này do đức Lạt Ma Zopa Rinpoche sáng lập và cũng là vị lãnh đạo tinh thần của công trình Ðại Phật Di Lặc.  Công trình được sự tài trợ của nhiều nước trên thế giới.  Dự án sẽ xây tôn tượng Phật Di Lặc với chiều cao 152 m bằng đồng, trong một khu đất rộng lớn, có một công viên và bên trong tượng Phật sẽ là một thư viện của Phật Giáo trên toàn thế giới.  Kinh phí ước lượng là 20 tỷ đồng, và đã được gởi đến Ủy Ban xây dựng. Công trình sắp được khởi công, dự trù sẽ hoàn thành trong năm 2008.

Ngày 20/2/04: (Chiêm bái Tứ Động Tâm thứ tư: LÂM TỲ NI, nơi đức Thế Tôn Ðản sinh * Lumbini – the Place, where Buddha was born)

Phái đoàn chúng tôi rời Linh Sơn tự lúc 6 giờ sáng để đến thành phố Sonauli, đây là thành phố biên giới của Ấn độ và Nepal.  Từ Câu Thi Na (Kushinagar) đến thành phố Gorahkpur, đường dài 52 km, và từ thành phố Gorahkpur đến Sonauli, khoảng cách 96 km.  Xe đến biên giới Ấn Ðộ và Nepal vào lúc 9 giờ 30 sáng, sau khi đã vượt đoạn đường 148 km.

Nếu không có tấm bảng nhỏ ghi “Welcome to Nepal”, thì khó nhận biết đâu là biên giới, bởi vì biên giới là khu phố buôn bán nối dài giữa hai quốc gia và người đi bộ qua lại dễ dàng. oàn Xe chúng tôi dừng lại, trình hộ chiếu và đơn xin nhập cảnh xong đóng thuế nhập cửa khẩu.  Cách đây không lâu, quý khách muốn qua Nepal thì phải có VISA, và đóng $30, nhưng nay thì đã được miễn trừ.  “Xin lưu ý: là khách hành hương phải có passport và quốc tịch rõ rang, thì Nepal mới chấp nhận cho nhập cảnh.” Thẻ xanh (Re-entry Permit) không được chấp nhận.  Những người này cần có passport ghi rõ quốc tịch, như Việt Nam chẳng hạn, và thủ tục nhập khẩu kéo dài trong 30 phút.

Phái đoàn chúng tôi tiến vào thành phố Siddharta Nigar, thành phố biên giới của Nepal.  Nhà cửa và người dân Nepal, trông giống Trung Hoa, người Nepal da trắng và có vẻ hiền hòa hơn người Ấn.  Xe bus đưa chúng tôi đến khách sạn 4 sao “4-Star hotel” Nirvana, cách biên giới 16 km, để ăn uống và nghỉ ngơi.  Khách sạn xinh đẹp, nhân viên đón tiếp rất niềm nở.  Buổi ăn trưa tại đây được mọi người thích thú vì giống thức ăn ở nhà hàng Chợ Lớn Việt Nam.  (giờ Nepal hơn giờ Ấn độ 30 phút.  70 đồng Nepal = 50 rupeess Ấn Ðộ = $1)

LE HOI HANH HUONG 346.jpgLE HOI HANH HUONG 351.jpg

Sau buổi nghỉ trưa, phái đoàn khởi hành đi chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) cách biên giới 22 km, và sau 40 phút phái đoàn chúng tôi đã đến thánh tích Lâm Tỳ Ni.  Ðể bớt cơn nắng gắt, Thầy trưởng đoàn cho chúng tôi viếng thăm các chùa trong khu vực Lâm Tỳ Ni. Ðược biết, khu này có 16 ngôi chùa của các quốc gia, đã và đang xây cất trùng tu.  Phái đoàn chúng tôi lần lượt đến thăm chùa Thái, chùa Miến Ðiện, chùa Ấn Ðộ, chùa Tàu, chùa Ðại Hàn, chùa Linh Sơn và chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Việt Nam.  Các chùa tại thánh địa này xây cất thật vĩ đại.  Chúng tôi, đến Linh Sơn Tự của Thầy Huyền Vi và chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Thầy Huyền Diệu.  Không như các nước phật giáo bạn, việc xây dựng chùa tại đây đều được sự tài trợ của các quốc gia liên hệ.  Các chùa Việt Nam xây dựng với sự kêu gọi đóng góp tự nguyện, dù vậy chùa Việt Nam “Linh Sơn và Việt  Nam Phật Quốc tự” cũng đẹp và to lớn không thua kém gì chùa của các nước bạn.  Sau khi thăm các chùa, phái đoàn chúng tôi tiến vào Vườn Lâm Tỳ Ni.  Ngay chính giữa là đền thờ Mẫu Hậu Ma Gia, có tấm bảng ghi:  “Mayadevi Temple Birth-Place of Lord Buddha”,

LE HOI HANH HUONG 354.jpg

bên cạnh là trụ đá của A Dục Vương.

Chúng tôi đảnh lễ và tụng kinh trước trụ Tháp, lòng tưởng nhớ đến ngày trọng đại của trời, người cách đây mấy ngàn năm truớc.  Ngày Ðản sinh của đức Thế Tôn.  Chính nơi đây Ngài đã sinh ra làm thân người, rồi xuất gia tìm Ðạo, để chỉ cho chúng sanh con đường giải thoát. Bây giờ, chúng tôi không còn được nghe nhạc trời vang dội giữa không trung bao la, không còn được nhìn thấy sắc màu hào quang rạng chiếu, cũng không còn cảm nhận được hương thơm tinh khiết của ngàn hoa vô ưu đón chào Ngài của thưở đó, mà chỉ biết xúc động, tiếc thương khi đứng trước khung cảnh hoang tàn đổ nát của những đền đài vương giả vàng son một thời.  Bước vào bên trong đền Mẫu Hậu Ma Gia, ngay chính giữa, để sâu dưới mặt đất là một tấm bia đá để đánh dấu nơi đây “Ðức Phật đản sinh” và được bao bọc bằng một lớp gương dày.  Phía trên tường là một tấm phù điêu khắc hình Mẫu Hậu Ma Gia đang vươn vai bẻ cành hoa vô ưu, bên hông Mẫu Hậu, thái tử Tất Ðạt Ða được sinh ra và bà dì Ma Ha Bà Xa Bà Ðề đang dang tay ẳm Thái Tử.

LE HOI HANH HUONG 358.jpgLE HOI HANH HUONG 368.jpg

Cạnh đền Mẫu Hậu Ma Gia là một hồ nước đã tuyên truyền rằng: “Mẫu Hậu đã tắm rửa ở đây trước khi sinh Thái Tử.”.  Và thái tử đã tắm, khi mới sinh ra đời.  Nơi đây có tấm bảng ghi:  “Sacred Pond * Mayadevi bathed here before giving birth to Buddha”.  Bên cạnh hồ là một cây vô ưu còn xanh tươi.  Ngoài đền Mẫu Hậu, là tấm bia đá đánh dấu nơi thái tử sinh ra, tấm phù điêu, Mẫu Hậu Ðản sinh, trụ đá A Dục Vương, hồ nước thiêng và cây vô ưu rủ bong cùng những nền đá cũ của tự viện đổ nát.  Lâm Tỳ Ni không còn để lại vết tích nào của một thời danh lam thắng cảnh cả, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn quanh vườn Lâm Tỳ Ni, những hàng cờ giăng trên lối, phất phới bay, ngàn lá cây rạt rào theo gió thoảng trong nắng chiều tắt lịm giữa bầu không khí tỉnh lặng linh thiêng.

Với nhiều xúc cảm, bùi ngùi, thương tiếc, chúng tôi ra về, nhẹ nhàng trên lối đi.  Ôi! Lâm Tỳ Ni, Lâm Tỳ Ni, thánh tích mà cả hàng triệu chúng sinh, ai cũng đều mong ước một ngày nào có được cơ duyên đến lễ lạy và chiêm bái.  Chúng con đã đến và sẽ ra đi, nhưng Lâm Tỳ Ni, Lâm Tỳ Ni, vẫn vang mãi trong tim của chúng con.

Ngày 21/2/04 : (Thăm Thành Xá Vệ (Sravasti) và Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana)

Phái đoàn chúng tôi rời khách sạn Nirvana lúc 6 giờ sáng để trở về biên giới Ấn Ðộ và chiêm bái thành Xá Vệ và Kỳ Viên Tịnh Xá.  Ðoạn đường dài 188 km.  Trước khi đến thành Xá Vệ chúng tôi đi qua một thành phố sầm uất có tên Balrampur.  Ði thêm một đoạn đường 17 km từ thành phố Balrampur, chúng tôi dừng chân ở khách sạn Lotus Nikkon Hotel, một hệ thống liên khách sạn lớn ở Ấn Độ, để ăn trưa.  Sau buổi cơm trưa thịnh soạn, chúng tôi đi thăm thành Xá Vệ và Kỳ Viên Tịnh Xá của Ngài Cấp Cô Ðộc & thái tử Kỳ Đà dâng cúng.  Xá Vệ từng là một kinh thành lớn của vương quốc Câu Sa La do Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) trị vì. Con của Vua Ba Tư Nặc là thái tử Tỳ Lưu Ly, vì hận thù giai cấp, nên đã tàn sát gần 10,000 người họ Thích.

LE HOI HANH HUONG 382.jpgLE HOI HANH HUONG 376.jpg

Vào khuôn viên của Kỳ Viên Tịnh Xá, trước hết chúng tôi đến lễ lạy tại Hương Thất của đức Phật (nơi đức Phật đã trú ngụ), cạnh đó là một giếng nước.  Nơi đây, đức Phật đã từng tắm gội.  Ngay ở cổng đi vào Tịnh Xá là Cây Bồ Ðề A Nan.  Cây Bồ Ðề này do Ngài Mục Kiền Liên lấy giống từ Bồ Ðề Ðạo Tràng đem đến trồng ở đây theo lời xin của Ngài A Nan.  Kỳ Viên Tịnh Xá do Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc mua của thái tử Kỳ Ðà, bằng vàng lót toàn bộ đất vườn để cúng dường lên Phật.  Trong suốt cuộc đời hoằng Pháp, đức Phật đã lưu lại nơi đây 25 mùa mưa để thuyết giảng kinh Ðiển ghi lại trong bộ A Hàm và kinh điển Ðại Thừa, như kinh Thiện Pháp, kinh Tự Quán Tâm, kinh A Di Ðà, kinh Kim Cang, v.v… Chúng tôi tiếp tục đến thăm tháp của Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc và Tháp Vô Não (là người đã chủ tâm giết Phật trước khi trở thành đệ tử của Phật.)

Sau khi tham quan thành Xá Vệ, phái đoàn tiếp tục hành trình đến Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, cách Xá Vệ 190 km.  Sau một đoạn đường khá dài, chúng tôi đến khách sạn Taj Residency của thủ đô Lucknow vào lúc 6 giờ chiều.

LE HOI HANH HUONG 397.jpgLE HOI HANH HUONG 401.jpg

Khách sạn 5 sao Taj Residency là một khách sạn sang trọng và lớn nhất tại thành phố Lucknow này.  Phái đoàn được hưởng trọn vẹn những giây phút thoải mái với đầy đủ tiện nghi cũng như thức ăn, thức uống rất ngon miệng.  Thầy Hạnh Nguyện, trưởng đoàn cho biết, theo quan niệm của Thầy, thì quý khách hành hương rất cần được hưởng những tiện nghi thoải mái, để bù đắp cho những đoạn đường dài mệt nhọc.  Có như vậy, quý khách hành hương, mới giữ mãi một ấn tượng đẹp về vùng đất Phật.  Nếu không, họ sẽ sợ hãi và không còn ý nghĩ trở lại mai sau.

Ngày 22/2/04 :                        (Trên nẻo đường đất nước Ấn Ðộ)

Hôm nay, là một ngày vất vả cho phái đoàn, vì phải trải qua đoạn đường dài 369 km bằng xe bus từ thủ phủ Lucknow đến thành phố Agra về phía tây.  Ðể yểm trợ tinh thần, phái đoàn được Thầy trưởng đoàn cho phép tổ chức ca hát bỏ túi và kể chuyện vui trên xe.  Ðạo hữu Bảo Thành, là người lớn tuổi nhất, nhưng lại là người có máu văn nghệ nhất của đoàn.  Ðạo hữu đã mở đầu bằng một tâm sự chân thành của người con Phật, tìm về chốn Quê Hương cha lành để thăm lại nơi đức Bổn Sư đã trải qua trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sinh, cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ trầm luân.  Rồi sau đó, là những bài hát hướng về Quê Hương Việt Nam thân yêu, giọng hát ngọt ngào của đạo hữu đã được sự tán thưởng nhiệt liệt của phái đoàn.  Tiếp đến là Ð/h Minh Ngọc trong bài Trầm Hương Ðốt; Ð/h Minh Lý trong bài Ðây là Tịnh Ðộ, Ð/h Quảng Liên trong bài Em đi Chùa Hương và tôi, Tâm Ðăng trong bài Giòng A Nô Ma.

Một đặc điểm, không biết là vui hay buồn cho quý khách hành hương trên khắp đoạn đường bộ mà xe đã đi qua, đó là “thoải mái giữa cánh đồng” và nam cũng như nữ, vì phương tiện “restroom” không có, mà thỉnh thoảng nếu có ở các trạm xăng, thì cũng không thể vào được.  Cái việc bất thường này, đối với những người phương tây như chúng ta, thì cảm thấy hơi khó chịu, nhưng đối với người bản xứ thì chẳng có gì mà phải quan tâm.  Có một Ð/h vui tính la lên rằng trong chuyến đi này, tất cả chúng ta đều bị bệnh “Diabete (tiểu đường)”. Khi xe đang chạy, nếu có nhu cầu, chỉ cần dơ ngón tay út là tài xế cho xe ngừng lại, ngay giữa cánh đồng hoang, rộng rãi, “mọi người cứ mạnh ta, ta cứ đi!”

Người dân Ấn, sống rất an nhàn thoải mái, và dù có nghèo nàn họ cũng an phận. Điều đáng buồn, là vấn đề GIAI CẤP rất khó tách khỏi trí óc của họ.  Họ tự nhận được mình nằm ở giai cấp nào thì mình hành xử theo giai cấp đó, vậy thôi! chẳng hề tranh đấu.  Thời đức Phật còn tại thế, Ngài quyết tâm phá bỏ giai cấp trong xã hộ Ấn độ và Ngài dạy rằng: “không có giai cấp, khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.” Chính vì thế mà các tôn giáo khác đã chống lại Phật Giáo.  Và với quyền lực khống chế, dân chúng phải tuân theo, cho nên đạo Phật chỉ có 8% tại xứ Phật mà thôi.  Ðó là điều mà các nhà nghiên cứu tôn giáo đang quan tâm.  Phái đoàn chúng tôi, đến thành phố Agra lúc 10 giờ đêm.  Ðáng lẽ, xe bus đến sớm hơn, nhưng vì hệ thống giao thông tắc nghẽn nên đã đến trễ hơn 4 giờ.  Nạn kẹt xe ở trên các đường bộ thường xảy ra vì đường nhỏ và số lượng xe cộ lưu thông qúa nhiều, không kể đến luật lệ giao thong, chẳng ai tuân thủ, xe cộ cứ chen lấn nhau mà đi.  Ðêm nay, phái đoàn nghỉ tại khách sạn 5 sao Taj View.  Một khách sạn lớn tại thành phố này, và cũng như các khách sạn sang trọng mà chúng tôi đã đi qua.  Sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi, chúng tôi được ăn buffet với đầy đủ hương vị Ấn và Âu Mỹ, xong được nghỉ sớm để lấy lại sức mà tiếp tục hành trình của ngày hôm sau, đó là đi thăm kỳ quan thứ Bảy của thế giới: “Ðền TAJ MAHAL”.  Riêng cá nhân tôi, Tâm Ðăng, đã dùng Internet có sẵn tại khách sạn để gởi “tường trình” về cho Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại, như tôi đã báo cáo khi đến Bồ Ðề Ðạo Tràng, Lộc Uyển, Câu Thi Na và Lâm Tỳ Ni.

Ngày 23/4/04:            (Thăm đền TAJ MAHAL: Kỳ quan thứ bảy của thế giới)

Chúng tôi đến thăm đền Taj Mahal rất sớm.  Xe dừng lại ở xa và chuyển sang xe bus nhỏ để di chuyển đến cổng đền.  Vì là một kỳ quan thế giới, nên khách du lịch từ bốn phương đến rất nhiều.  Vé vào cổng khá đắt: 750 rupees ($17 USD).  Vào cửa phải qua 2 trạm kiểm soát an ninh.

Ðền Taj Mahal, kỳ quan thứ bảy của thế giới, biểu tượng của Ấn Ðộ, được xây dựng từ năm 1632 và hoàn thành vào năm 1653 (gần 21 năm) do vua Shah Jahan xây cất, để tưởng nhớ đến hoàng hậu thứ ba yêu quý của ông là “Mumtaz Mahal”.  Ðền này được kiến trúc sư người Iran tên Ustad Ahmad Lahauri thiết kế và đã tuyển chọn hàng ngàn nhân công từ khắp các nước nổi tiếng cho công trình xây dựng; đền được xây bằng 35 loại đá quý.  Taj Mahal quả thật là một công trình vĩ đại của loài người. Khắc nghiệt thay, khi đền vừa được xây xong, lúc ấy vua Shah Jahan ở tuổi 65, đã bị thái tử Aurangzeb bắt giam và nhốt vào nhà ngục tại Agra Fort.  Lịch sử kể lại, qua song cửa nhà tù, vì hoàng đế bất hạnh này chỉ có thể nhìn đền Taj Mahal, một công trình vĩ đại mà ông đã khởi công xây cất để tưởng niệm hoàng hậu Mumtaz Mahaj trong, và sau khi ông chết vào năm 1966, thái tử Aurangzeb đã cho chôn cất gần bên cạnh hoàng hậu yêu quý của ông.

LE HOI HANH HUONG 424.jpgLE HOI HANH HUONG 430.jpg

Sau khi thăm đền Taj Mahal, phái đoàn trở về thủ đô Tân Ðề Li (New Delhi) lúc 9 giờ 30 sáng và đến khách sạn Intercontinental lúc 2 giờ chiều.  Chiều nay là buổi chiều cuối cùng trên đất Ấn, chúng tôi được tự do tham quan thành phố và mua sắm.  Trước khi ra phố Thầy trưởng đoàn nhắc nhở về giá cả nói thách của người dân Ấn.  Xe bus đưa chúng tôi đến đường Janpath, tại khu thị tứ Connaught Place.  Trên con đường này, phố xá xe cộ và người qua lại tấp nập và ồn ào.

Delhi có Old Delhi và New Delhi.  Old Delhi, có nhiều thắng cảnh xa xưa gồm những kinh thành đồ sộ mang đầy nét cổ kính của một thời oai hùng chinh chiến, có trường đại học Delhi, với nhiều tăng sinh Việt Nam đang du học.  New Delhi, thì có khu vực Connautght Place sầm uất, trung tâm của việc mua sắm, tiêu khiển.  Trên đoạn đường này, chúng tôi đã mua vải vóc, áo quần, tượng Phật và nhiều món quà kỷ niệm khác.  Một đạo hữu mua món quà với giá 50 rupees khi người bán hàng ra giá 500 rupees.  Hàng hóa tương đối rẽ, nói đúng hơn trị giá của đồng dollar thì không bao nhiêu, cho nên mọi ngườì mua mà không hối tiếc. Thầy trưởng đoàn yêu cầu chúng tôi trở về khách sạn trước 6 giờ để xe bus đưa đi tham quan vài thắng cảnh tại Delhi.  Chúng tôi được nhìn tòa nhà Quốc Hội và India Gate, niềm tự hào của người dân Ấn.

8 giờ tối, chúng tôi tham dự buổi cơm thân mật, họp cuối hành trình và chia tay ở tại một quán ăn chay thật tuyệt vời với hương vị nấu theo kiểu Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nghe Thầy trưởng đoàn đúc kết và nhận xét về chuyến Hành Hương Ðất Phật lần này.  Thầy tri ân Thầy Tâm Hạnh, đã có nhiều hướng dẫn Phật Pháp cho phái đoàn, Thầy cám ơn tinh thần tham dự và chia xẻ của các đạo hữu trong phái đoàn, mặc dầu có những chuyến đường hơi vất vả, nhưng với tâm nguyện và lòng thành của qúy đạo hữu hướng về nơi miền đất Phật đã làm xoa đi những nhọc nhằn.  Thầy hy vọng phái đoàn sẽ có nhiều phước báu và lợi lạc cho bản thân và gia đình.  Thầy xác định rằng, Thầy chỉ muốn tạo duyên lành đến với những Phật tử nguyện mong được về Chiêm bái Thánh Tích, nên Thầy đứng ra tổ chức Hành Hương, chứ Thầy không phải là “Guide” trong đoàn du lịch. Và phái đoàn chúng ta là phái đoàn Hành Hương, chứ không phải phái Ðoàn du lịch.  Để đáp lại, tôi, Tâm Đăng thay mặt cho phái đoàn hành hương đã bày tỏ lòng tri ơn, biết ơn đến với Thầy Hạnh Nguyện, Trưởng Ðoàn, Thầy Tâm Hạnh và qúy Thầy cô tại trung tâm tu học Viên Giác đã tạo duyên lành để giúp cho phái đoàn chúng tôi có được một Chuyến Hành Hương Ðất Phật thật nhiều phước báu và hoàn thành ý nguyện của chúng tôi.  Và Tâm Ðăng đã cùng với các thành viên trong phái đoàn hứa, sẽ chu toàn nhiệm vụ của Ban Hộ Trì Tam Bảo cho Trung Tâm Tu Học Viên Giác mà toàn thể qúy Ðạo Hữu trong phái đoàn đã họp và hình thành một Ban Hộ Trì Tam Bảo cho Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Lucknow ngày 22/2/04.  Buổi cơm chia tay trong thân tình, thầy trò, huynh đệ, thương cảm nhẹ nhàng.  Mọi người cùng nhau hẹn ngày tái ngộ.

LE HOI HANH HUONG 449.jpgLE HOI HANH HUONG 446.jpg

Ngày 24/4/04:        (Giả từ Ðất Phật *** trở về Hoa Kỳ)

Ðể khỏi chậm trễ trong việc làm thủ tục tại phi trường, chúng tôi rời khách sạn lúc 3 giờ sáng.  Các đạo hữu tiếp tục hành trình đi Việt Nam cũng tháp tùng theo.  Riêng các đạo hữu trở về Berlin, Ðức quốc, thì đi chuyến xe khác ra phi trường sau chúng tôi, vì giờ khởi hành khác nhau. Tại cổng hải quan ở phi trường New Delhi, chúng tôi trình passport và giấy departure, sau khi đưa hành lý qua máy kiểm soát và gởi hành lý qua khỏi trạm thứ nhất, chúng tôi lại qua trạm thứ hai, quan thuế cũng trình passport và giấy departure có đóng dấu ở trạm hải quan, và rồi qua phòng chờ đợi sau khi qua trạm kiểm soát hành lý xách tay.  Chúng tôi qua tới cổng số 5 theo loa phóng thanh và lên máy bay.

7 giờ sáng giờ Ấn Ðộ, chuyến bay 752 của Cathay Pacific airline, đưa chúng tôi rời khỏi New Delhi đi Hong Kong.  Giả từ Ấn độ… Giả từ đất Phật hằng kính của chúng con! Máy bay đến Hong Kong lúc 2 giờ chiều.

Nơi đây, đoàn chúng tôi chia thành 2 nhóm: nhóm về phi trường San Francisco và nhóm về phi trường Los Angeles, gồm những người cư trú tại nam California như Santa Ana, San Diego v.v… và các tiểu bang miền trung, miền đông nước Mỹ như Minnesota, Las Vegas, Georgia, Connecticut v.v…

Chuyến bay 882 của Cathay Pacific airline, lại đưa chúng tôi rời Hong Kong vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 24/2/04 để đi Los Angeles.

California nắng ấm, Los Angeles quen thuộc hiện ra trong khung cửa của máy bay.  Ðồng hồ chỉ 14 giờ ngày thứ ba 24/2/04.  Chúng tôi đã hoàn thành chuyến hành hương chiêm bái thánh tích. Và tôi vẫn còn một chặng đường từ Los Angeles đi San Diego, một đoạn đường ngắn ngủi, không đủ thời gian để tôi hồi tưởng lại cuộc hành trình đầy phước báu và nhiều lợi lạc, mà tôi đã cảm nhận được; một cuộc hành trình thỏa lòng mong ước tâm nguyện của tôi từ bấy lâu nay.

Ðối với các đạo hữu trong đoàn hành hương xem như đã chấm dứt, nhưng đối với riêng tôi thì là điểm bắt đầu.  Vâng! bắt đầu cho một cuộc hành trình mới mà nhiệm vụ đã được Ban Hướng Dẫn GÐPT VN Hải Ngoại giao phó cho tôi: đó là nhiệm vụ “tiền thám hành trình về đất Phật” để chuẩn bị cho Ðại Hội Hải Ngoại Kỳ 3, Họp bạn Huynh trưởng thế giới và chiêm bái Thánh Tích, chung trong một danh xưng: “Lễ Hội Hành Hương Ðất Phật” do BHD GĐPT VN Hải Ngoại tổ chức từ ngày 4/11/04 đến 20/11/04 tại Bồ Đề Ðạo Tràng, Ấn Độ.

Lộ trình tôi đã đi qua, đã được sự đồng ý của Thầy Thích Hạnh Nguyện, Trưởng đoàn hành hương đất Phật, chính là lộ trình chiêm bái Thánh Tích của đại Gia Ðình Áo Lam sắp đến.

Nghĩ đến giây phút hội ngộ của các anh chị em áo Lam từ khắp bốn phương trên quả địa cầu, sẽ cùng quay về, em tóc xanh, anh tóc bạc, tôi vô cùng sung sướng.  Cùng lớn lên trong một tổ chức, chung một lý tưởng, một sứ mệnh giúp Đạo và Đời, cùng mặc chiếc áo Lam hiền, nay trở về sum họp ở nơi quê hương của đấng Cha lành thì còn gì hạnh phúc cho bằng!!!

Tôi nguyện cầu chư Phật gia hộ để Phật sự trên được hoàn thành viên mãn.  Và nguyện cầu phước báu cùng an lạc đến với tất cả anh chị em Lam viên và gia đình.  Kính xin chư Phật chứng giám lòng thành của chúng con.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb