MẨU CHUYỆN ĐẠO : LẠI U MÊ NỮA RỒI

TÂM NGHĨA LÊ HỬU ĐÀNG

LẠI U- MÊ NỮA RỒI!

–        Hòa Thượng thường dạy như thế nào?

–        Ngài ít dạy bằng lời, phần nhiều chỉ bằng Thân Giáo. Hồi đó ở dưới quê súng đạn bất thường, nên tôi và các em lên chùa tạm trú để đi học cho tiện.  Đôi lúc đứng hầu quạt Ngài thấy một vài việc cũng khá vui.

–        Vui như thế nào? anh kể một vài chuyện cho chúng tôi nghe với.

–        Như là, như là… biết bắt đầu như thế nào nhỉ, như là… một hôm có một nhà sư từ tỉnh hội Phật Giáo Quảng Ngãi ra hầu Ngài, lúc đó tôi đang đứng quạt hầu Ngài, thầy kính cẩn chào Hòa Thượng, vào phòng đấp y và ra lạy Ngài một lạy rồi quỳ xuống và rút trong túi đeo vai một tờ giấy, trình việc xong vị sư đó lạy thêm hai lạy nữa như khi chúng ta lễ Phật vậy.  Sau khi vị sư đó đã kính cẩn chào từ biệt để ra chùa Từ Đàm gặp qúy Thượng Tọa của Tổng trị sự Trung phần.  Ngài thong thả hỏi tôi:

–        Cháu thấy đi tu như Ôn có thích không?

–        Bạch Ôn sướng thiệt!

–        Cháu có muốn đi tu và được như Ôn không, hử?

–        Dạ muốn!

–        U mê! đi tu là cầu mong giải thoát, sung sướng chi những cái lạy phù phiếm đó! Cháu có biết rằng tối nay và những ngày sắp đến Ôn phải tu nhiều hơn để bù đắp sự tổn đức vừa rồi không? Cháu đã thấy ai mài dao chưa hả?

–        Bạch Ôn con thấy rồi, người ta mài dao trên hòn đá mài.

–        Đúng vậy, sau khi mài thì con dao ra sao?

–        Dạ, thì con dao sắt thêm!

–        Còn hòn đá thì sao?

–        Dạ, hòn đá thì…thì…

–        Thì sao? hòn đá thì mòn đi phải không? Dạ đúng. Ôn cũng như hòn đá mài, người ta càng lạy Ôn thì đức của Ôn càng mòn đi, mỗi ngày mòn một ít, rốt cuộc Ôn chẳng còn chi cả, đôi lúc còn tệ hơn cả người chưa tu nữa đó!

–        Bạch Ôn, thế thì Ôn đừng cho họ lạy!

–        Lại u-mê nữa rồi, đi tu mà sợ tu thì làm sao thành thầy chùa được!

–        Một lần khác, tôi cũng đứng hầu quạt Hòa Thượng, trời chiều khá mát mẻ, nhưng Ngài vẫn để tôi quạt hầu Ngài, trong chùa thầy tri-khách đang tụng kinh chiều, tiếng chuông mõ trong cảnh chiều xuống của một ngôi đại tự thật là êm ả và thanh thoát, thêm giọng tụng kinh thật hay của thầy tri-khách làm tôi buồn ngủ quá! Sau buổi kinh chiều, Hòa Thượng gọi thầy tri khách đến gặp Ngài, Ngài nói với thầy:

–        Thầy nên đổi cách tụng hằng ngày, đi tu là một niềm vui lớn, nếu thầy cứ giữ giọng tụng kinh u buồn đó, thì tôi e thầy tu không trọn đâu!

–        Và quả đúng như vậy, 8 năm sau Thầy đã rời chùa để lập gia đình!

–        Ngài là biểu tượng của uy nghi, đi đứng nằm ngồi của Ngài thật là đặc biệt khó quên, hồi tưởng lại những ngày còn thơ ấu đó với những lời dạy dỗ bằng Thân Giáo của Ngài làm cho tôi đã trở thành như hôm nay.

–        Chắc còn nhiều chuyện vui, anh kể thêm đi (anh X hăng hái dục)

–        Chuyện nhà chùa thì nhiều, nhưng kể thêm một chuyện nữa thôi nhé, lớn tuổi rồi cũng mệt, mới hồi nào mà đã mấy chục năm qua, tôi còn nhớ hồi đó anh PXS du học từ Pháp về, anh và một người bạn vào hầu thăm Hòa Thượng, anh PXS thấy Ngài là sụp lạy từ ngoài cửa, nhưng khi người bạn của anh PXS cũng sửa soạn lạy như anh, thì Hòa Thượng vội vàng đứng dậy xua xua tay không để ông đó lạy ngài (!)

–        Khách ra về, tôi hỏi Ngài: “Bạch Ôn, tại sao anh PXS lạy Ôn thì Ôn cho lạy, còn ông kia thì Ôn từ chối?”

–        Hòa Thượng thở dài: “không phải Ôn sợ những ngày sắp tới phải tu nhiều hơn trước để lấy lại đức đã mất, mà vì PXS là Phật tử, anh ấy biết lạy các Hòa Thượng là có lợi lạc cho anh ấy, như nước ruộng cao chảy xuống ruộng thấp, nhưng ông kia thì không nghĩ như vậy, Ôn đang ngồi mà để cho ông ấy lạy thì tính oán hận và ngã mạn của ông ta sẽ có dịp phát tác, mà như vậy vô tình Ôn đã làm cho người khác khó tu, và đức khiêm nhường của ông ấy sẽ không còn như trước, mà tất cả chỉ vì Ôn!”

–        Kể thêm đi anh, chuyện anh thú vị quá! (lại cũng anh X)

–        Nhà chùa thì vui nhiều, ngay như chuyện các chú Tiểu đã vui rồi, cũng hồi đó mỗi lần Tết đến, tín đồ lên chùa lễ Phật rất là đông, tôi được phân công cùng các Điệu, phần pha trà nước cho khách, thì trăm lần như một, bao giờ tín đồ cũng lì xì tiền tết cho các Điệu, còn tôi thì không! tôi chưa bao giờ được tín đồ lì xì, có lẻ vì đầu tôi có tóc chăng! tôi không biết, nhưng hồi đó tôi bực mình lắm, đã vậy thì mình tổ chức đánh bạc!

–        Đánh bạc! (anh X kêu lên)

–        Đúng vậy, tôi hẹn với các Điệu, đợi các thầy đi ngủ, chúng tôi kéo nhau ra tháp, với vài cây đèn sáp, chúng tôi đánh xì lắc, các anh có biết đánh xì lắc (blackjack) không ? lấy bài carter rút, ai qua 21 điểm là thua, là bù, ai dưới 15 là không biết chơi, còn lại từ 15 đến 21 ai cao điểm là ăn, là thắng người kia, lẽ tất nhiên tôi luôn luôn thắng!

–        Tại sao? (anh X bồn chồn làm đổ cả chén trà!)

–        Thì tôi ăn gian chứ sao nữa! Các Điệu, cũng như các Thầy, tính ai cũng thực thà như mình, cứ mỗi lần tôi đưa bài ra hô to 21 điểm, hô xong chưa kịp trình làng là tôi đã lùa tiền!

–        Các Điệu không bao giờ kiểm tra bài của anh sao? (chị H bất nhẫn phát biểu!)

–        Hô xong là tôi lùa bài, và lại các Điệu không bao giờ kiểm tra, họ tin rằng trên đời này ai cũng thật thà cả!

–        Tội anh nặng quá! chị B vừa cười vừa phê phán.

–        Thực ra hồi đó tôi rất hà hề (!), tại sao tín đồ cứ lì xì những người không biết tiêu tiền, còn tôi biết cách tiêu họ lại không lì xì, và lại những ngày lễ lạc tôi cũng mệt như các Điệu chứ! dù sao tôi cũng là đàn nhà chùa mà!

–        Mặc dù chỉ ở chùa để đi học thôi, không phải chú Điệu, nhưng gần đèn nến cũng sáng đôi chút, mỗi lần đi học về trong cập sách của tôi bao giờ cũng có mấy ổ bánh mì biếu các Điệu, như là một xin lỗi ngầm. Các Điệu mến tôi lắm, có tôi là vui, vì tôi thường tổ chức nhiều trò chơi ngoài đời!

–        Lại trò chơi ngoài đời! (Chi H bất mãn)

–        Đúng vậy, chơi đá bóng trên một mảnh ruộng gần chùa, trò chơi đi trốn tìm trong đem tối v.v… có một lần, 1 Điệu đã ở trên cây đến 2 giờ sáng, thì có gì đâu, Điệu trốn kỹ quá, tìm Điệu mãi mà không được, chúng tôi đi ngủ, đúng 2 giờ sáng Điệu vào lây chân, đánh thức chúng tôi dậy và thì thầm: “mấy đứa bay đi ngủ hả? tại sao không gọi tao với? tao ở trên cây đào đợi mãi không thấy mấy đứa bay đi tìm nên bây giờ mới xuống đây!”

–        Nghe chuyện anh, tổn đức quá! (Cũng lại chi H phát biểu!), mấy Điệu hồi đó bây giờ ra sao rồi, Thượng Tọa cả chứ?

–        Hiện giờ đang là 2 Hòa Thượng, mấy vị kia đều Thượng Tọa cả, có vài vị có chùa trong Nam, một trong những vị này đã từng du học Hoa Kỳ, Ấn độ và có 2 bằng tiến sĩ.  Gặp lại cố nhân (là thằng tôi ngày xưa đó!), họ mừng lắm, nhắc chuyện ngày xưa và tiếc rằng hồi đó vui quá! Một trong những vị này nói với tôi:  “chúng tôi có về thăm chùa làng của anh, thăm nhà xưa của các anh, khu vườn của anh hiện nay còn đó, nhưng nhà xưa không còn, thấy anh để lại bài thơ trên tấm bia kỷ niệm tại nền nhà củ khá hay”, và thấy đọc thuộc lòng:

“Về thăm lại vườn xưa,

Cô đơn mấy bóng dừa.

Nhà tan người thất tán,

Bia buồn đứng trong mưa!

Bia buồn đứng trong mưa!

Xa xa tiếng chuông chùa,

Về đâu Kha, Bá, Đỗ,

và Mai, Đàng, Bôi xưa!”

–        Nghe Thầy đọc bài thơ với tất cả thương mến, nhìn thầy và nhớ lại thời hoa niên, tôi ngậm ngùi xúc động, ai mà không có một thời thơ dại! và ai mà lại không có cả một bầu trời quê hương … ./.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb