Vững bước tiến tu


Như một nhà thiết kế nội thất tài ba khi được đặt câu hỏi “ Qua hàng loạt hình ảnh trang trí nội thất tuyệt đẹp, hoàn mỹ nổi tiếng như thế, ở đâu, nội thất tòa nhà nào đẹp nhất đối với ông ? ”

Nhà thiết kế nội thất ấy không ngừng ngại trả lời rằng, một tòa nhà mà tôi sẽ thiết kế, trang trí nội thất tiếp theo trong nay mai.

Như vậy nguyên tắc xây dựng sự nghiệp đạo hạnh luôn hướng về phía trước, không bao giờ tự cho phép mình được hài lòng chỉ đơn giản với những thành quả đã ngộ đạt vừa qua cho chính mình, nhưng cần có những nổ lực hướng về cùng chúng sanh.

Cũng thế, người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cũng phải hiểu và cần nắm bắt nguyên tắc ấy, sứ mệnh trên con đường  xây dựng lý tưởng Bồ Tát đạo, tạo dựng đời sống tâm linh ngày thêm thăng hoa thì đâu là chổ dừng chân. Chí nguyện cầu chứng ngộ đạo Bồ Đề, hóa độ chúng sanh thì cho dù đã chứng ngộ ở mức nào đó cũng vẫn chưa đến đúng mức của sự chứng ngộ, khi còn có chúng sanh đang trong khổ đau, phiền não cần được cứu độ giải thoát. Nên không thể tự cho phép mình dẫm chân tại chổ mà phải nổ lực tu tập trong từng sát na, cầu đạt tuệ giác vô thượng Bồ Đề, Phát tâm hướng về bao chúng sanh, mà gần nhất là thế hệ đàn em đang cần sự có mặt của dũng cảm và kiên nhẫn từ nơi các Trưởng để cùng chung bước trên con đường tu đạo Bồ Đề.

Nếu chúng ta quá dễ dàng chấp nhận sống dưới những gì đã chứng ngộ vừa qua, mà không hề nghĩ đến khả năng có thể ngộ đạt xa hơn ở tương lai, không nổ lực năng tu của mình để tiến đến cảnh giới an lạc. Điều tệ hại nhiều hơn nữa nếu chấp nhận sống trong cái bóng tối u minh, thiếu tính năng dũng cảm để khai quật ánh sáng trí tuệ Bồ Đề mà mình đang có. Chính vì thiếu đi công năng tu tập để mở rộng Bồ Đề tâm, ta trở nên dễ dàng thỏa mãn với hiện tại dẫn đến tâm buông xuôi nảy sinh, và thường tự bào chữa cho tình trạng trì trệ trau dồi trí tuệ giúp tăng trưởng khả năng của riêng mình với lối suy nghĩ  tiêu cực;

” Khả năng của mình chỉ có nhiêu đó thôi.”

” Sự thành đạt trong tu tập đến đây là đủ lắm rồi”

” Mình đã làm khá tốt không còn gì hơn nữa.”

Nhưng sự thăng hoa cho  đời sống tâm linh không dừng lại ở bất cứ thời điểm hay không gian nào. Trong tu tập đòi hỏi mỗi một cá nhân chúng ta cần hướng xa hơn, khai thác tiềm năng mở rộng Bồ Đề Tâm bằng vào những phương pháp dấn thân phụng sự chúng sanh, luôn tiếp cận với những hạnh nguyện phụng sự tổ chức. Nuôi dưỡng Bồ Đề tâm bằng vào chuyên cần tu tập, thực hành những Bồ Tát hạnh, cho dù một việc làm rất nhỏ nhưng có mang chủ ý lợi sanh, chắc chắn nó sẽ là động cơ mới trong công năng nuôi lớn Bồ Đề tâm trong ta.

Như một cuộc đi bộ, hay trải qua những mối quan hệ nhân sinh trong xã hội, trên bước đường xây dựng sự nghiệp đạo hạnh cho đời sống tâm linh, chúng ta đều có thể gom nhặt kiến thức từ nhiều khía cạnh của xã hội, tạo thành năng lượng trợ duyên giúp đời sống thăng hoa, đạo hạnh tăng trưởng tiếp tục. Trong mỗi một chúng ta đều có khả năng có thể đạt được mức độ trong sự ngộ đạt chân lý tối thượng Bồ Đề, nhưng cần luôn ý niệm rằng trong đời sống xã hội, trong tu tập qua phương tiện tổ chức GĐPT, cũng như thực hành Bồ Tát hạnh luôn có những thách thức mới đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền chí, vững tâm, nhất là Từ Bi Tâm luôn được thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Nội lực được kết tụ nhờ vào thâm sâu kinh điển, làm khối năng lượng vô giá giúp chúng ta đạt mục tiêu mà chúng ta đã phát nguyện theo đuổi con đường tu tập, hoàn thành sứ mệnh xây dựng lý tưởng Bồ Tát đạo.

Thường khi chúng ta đã đạt được những gì trong đời sống mình hằng nguyện, vì thiếu trí tuệ Bồ Đề, chúng ta luôn cảm nhận như đang được sự ban ơn từ một đấng tối cao nào đó, và cảm ơn cho tất cả những gì mà mình đã đạt được. Với quan niệm ban ơn, trừng phạt như thế ta đã phủ nhận mọi thành quả mình đạt được là nhờ chính mình nổ lực để thành đạt. Nhưng xin hãy rất cẩn trọng, có khi chúng ta đạt được những gì trong cuộc sống một cách quá dễ dàng và thưởng thức đời sống theo chiều hướng vật chất của xã hội, nó sẽ rất dễ dàng  trở thành đời sống tự mãn, và nghĩ rằng thế là quá đủ và rất tốt, đã đạt được mục tiêu, đạt đến giới hạn.

Nhưng trong tu tập và hành Bồ Tát đạo sự ngộ đạt không chỉ cho riêng mình mà cần thực hiện những kỳ công lớn nhất cho chúng sanh, cho thế hệ tiếp nối trên con đường lý tưởng GĐPT. Tuy đã thực hiện được nhiều việc làm quan trọng trong quá khứ cho tổ chức, đạt được nhiều lời khen thưởng. Trong trường hợp này tâm tự mãn dễ phát sinh nên tốt nhất vẫn không nhìn thấy bất cứ điều gì, và hãy cứ an nhiên tự tại giữ vững cái nhìn là chưa tới. Đừng tự cho phép bản năng của chúng ta trở thành bị vây kín trong bốn bức tường tự mãn. Cần thiết lập cho mình một giấc mơ, một hy vọng, và vạch kế hoạch cho phương án mới trong chí nguyện xây dựng và bồi đắp lý tưởng Bồ Tát đạo. Vững niềm tin vào cuộc sống phiêu du đầy thử thách, phụng sự chúng sanh muôn loài là những công  năng tu tập để tự vượt lên cảnh giới an lạc cho đời sống.

Thông thường, chúng ta tự cho phép những chướng duyên nắm lấy chủ động trong những ý tưởng, suy nghĩ, biến thành nghịch cảnh trong hiện tại. Như khi một đối tác đồng hành, một người thân, hay một người bên cạnh nói lời tạo lên những cảm giác thối chí, tiêu cực nghi ngờ khả năng. Những lời tiêu cực này ám ảnh sẽ cản trở tiến trình tu tập của mình.

Nhiều ý tưởng tính tiêu cực cứ nảy sinh trong tâm trí, như mình không phải là gì cả, mình chẳng có tài năng và mãi trong ý niệm rằng mình chẳng sẽ bao giờ chứng ngộ cảnh giới tối thượng Bồ Đề, chẳng giúp gì được cho tổ chức phát triển, cho xã hội. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ  tự cho phép những từ phủ định, tâm dãi đãi tiêu cực cứ lấn lướt trong tâm trí. Khi những từ phủ định, trạng thái tiêu cực đã trội hơn trong tâm trí thì chúng sẽ tạo ra một thành trì làm cảng trở cho mọi bước tiến trong tu tập. Nó sẽ đánh đập xuống cả thể chất, cảm xúc, và tinh thần, niềm vui biến dần, thiếu tự tin, và lòng tự trọng xuống cấp một cách trầm trọng. Nên hiểu rằng không ai trong số những lời nói tiêu cực đó có thể thay đổi tiềm năng hoặc giới hạn được sự phát triển Bồ Đề Tâm bên trong chúng ta.

Hạt giống Bồ Đề  luôn hiện diện ở trong đó, không thể tự cho phép những người khác ảnh hưởng đến việc sử dụng khả năng khai mở Bồ Đề tâm rộng lớn. Chúng ta cần phải được ở trong những suy nghĩ tích cực, tự tin tưởng vào chính mình đang có khả năng, và tiềm lực luôn hiện diện bên trong đang chờ được khai thác để tận dụng vào chí nguyện xây dựng cho sự phát triển lớn mạnh tốt đẹp trên bước đường tu tập. Chỉ cần có được tâm trí thanh tịnh với tinh thần dấn thân trong chiều  hướng xây dựng, góp phần kiến tạo một xã hội ngày thêm lành mạnh. Giữ vững những suy nghĩ tích cực về bản thân, sẽ giúp giữ vững niềm tin cho mình trên con đường đi đến mục đích giải thoát và chứng ngộ.

Bất kể đã có nhiều lời phủ định đã phủ vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, dù đến từ một người phối ngẫu, hay những người thân cận bên cạnh đồng hành, chúng ta phải bỏ những từ ngữ phủ định đó xuống, vì chính những từ ngữ phủ định đó có tác động mạnh mẽ, có thể tạo ra các rào cảng trong tất cả mọi ý niệm và tâm trí. Đôi khi một chút cụm từ rất nhỏ, trông đơn giản nhưng có thể khiến cho chúng ta cứ loay hoay dẫm chân tại chổ, dần dần đánh mất lý tưởng cao đẹp của đời người áo Lam, vì thiếu sự tự tin vào bản thân mình. Đừng quên mình có đủ khả năng chiến thắng tất cả những gì chung quanh gợi tính tiêu cực. Nếu trong cuộc sống hằng ngày quanh quẩn suy nghĩ những loại tư tưởng thụ động, tiêu cực, thiếu tự tin, hoặc mặc cảm, thì mục tiêu phát khởi mở rộng Bồ Đề Tâm không có cơ hội nảy mầm, hạt giống Bồ Đề đó sẽ cứ nguyên vẹn cho đến khi được hội đủ nhân duyên tác động bởi ý thức chủ động khai mở của chúng ta. Vì vậy, phải tìm học, thực hành hạnh Bồ Tát, thể hiện tâm Từ Bi vào mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh,  hạt giống Bồ Đề trong ta sẽ có cơ hội nảy mầm sinh trưởng. Đó là một nguyên tắc để thành đạt trong tu tập.

Trong đời sống chúng ta thường cứ mãi ôm những nỗi đau buồn và sống trong sự hối tiếc, luôn phàn nàn về cuộc sống là không công bằng. Muốn đạt được những gì trong giấc mơ chúng ta không nên lãng phí nhiều tâm trí cứ mãi ôm vào cái thất bại, đau buồn hay những hào quang thành công rực rỡ trong quá khứ. Cần giữ một thái độ tích cực để nhìn thấy mục tiêu đang hoàn thành. Chìa khóa để mở cánh cửa giúp Tâm mở rộng và tăng cao hơn là phải lạc quan với cuộc sống, tiếp tục giữ vững niềm tin vào khả năng của mình có thể biến những giấc mơ thành hiện thực. Cần gieo giấc mơ cao đẹp trong trái tim, giấc mơ ấy sẽ được trở thành hiện thực nếu được thực hiện bằng vào những hành động hành Bồ Tát Hạnh, có nghĩa là dốc hết khả năng thành tâm dấn thân vào những công tác từ thiện xã hội, dấn thân phục vụ, tham gia vào những sinh hoạt của tổ chức và lập nguyện xây dựng lý tưởng màu Lam.

Phải có một trái tim biết yêu thương tha nhân, biết lấy chúng sanh làm mục đích trên bước đường khai sáng hiển lộ Bồ Đề Tâm. Đức Phật đã khai mở hướng đi cho chúng ta qua những lời dạy rất thực tế. Ngài biết chúng sanh có đủ khả năng để đạt được những  gì mà Ngài đã chứng ngộ. Nhưng Ngài sẽ không dẫn dắt chúng sanh bằng phương pháp cầm tay dìu đi, mà Ngài muốn chúng sanh phải bằng vào khả năng tự nhận ra rằng Ngài xuất hiện ở cõi Ta Bà như một hướng đạo tài ba có một không hai. Đôi chân trên thân thể của chúng ta, chúng ta phải tự bước vững trên đôi chân mình. Bằng vào khả năng tự thắp sáng ngọn đuốc của chính tâm mình, ngọn đuốc đó chính là Bồ Đề Tâm. Nói cách khác, cho dù đối diện với chướng duyên, nghịch cảnh chúng ta vẫn cảm thấy rằng khả năng giác ngộ vô thượng Bồ Đề, và có thể vượt ra ngoài những cảm xúc và hiểu biết sâu bên trong có hạt giống Bồ Đề. Luôn nhắc nhở chính mình rằng cần đặt một giấc mơ có đời sống an lạc, thanh tịnh trong tất cả mọi ý niệm và trang bị với tất cả mọi thứ cần thiết để hoàn thành giấc mơ đó.

Vì chí chưa lập, tâm không vững và niềm tin chưa được xây dựng bằng trí tuệ Bồ Đề, dẫn đến cảm giác thất vọng luôn trổi dậy khi đang hướng về mục tiêu đã hoạch định mà gặp phải nhiều chướng ngại. Lập chí nguyện tinh tấn đi tiếp tục theo kế hoạch, không nên thối chí một cách quá dễ dàng. Hiểu rằng Đức Phật đã dùng hơn 49 năm để trưng bày bản đồ chỉ hướng cho chúng ta tự tìm đến cánh cửa vào cảnh giới an lạc, chỉ cho chúng ta làm thế nào để phát triển, khai mở Bồ Đề Tâm, chỉ cần tinh tấn tu tập thực hành Bồ Đề Tâm Hạnh. Biết rằng hình thức thực hành các hạnh nguyện có khác nhau, nhưng không ngoài cách biết hướng về phía trước vào một phương tiện cho hướng đi của tương lai tốt hơn và giữ vững tâm niệm cầu chứng ngộ vô thượng Bồ Đề.

Những ước mơ có đời sống an lạc có thể lớn hơn ở môi trường hiện thực mà mình thấy chính mình. Đôi khi mình thấy bất lực trước môi trường, hoàn cảnh hiện tại, có khi cảm thấy mơ hồ, thấm chí thấy như quá xa khó đạt được. Phải vượt ra khỏi những cảm giác thụ động đó để thấy rằng những giấc mơ giác ngộ tâm linh có thể thực hiện ngay trong đời sống hiện tại, chỉ cần thoát ra khỏi những môi trường tự gò bó chính mình bởi cuộc sống vậy chất. Như một cây sồi, nếu trồng nó trong một cái chậu nhỏ thì sự tăng trưởng của nó sẽ bị giới hạn, vì khi gốc rễ của cây sồi đã đầy khắp cái chậu, nó sẽ không thể phát triển thêm. Vấn đề không phải với cây, đó là vì môi trường bóp nghẹt sự tăng trưởng. Con người chúng ta thường chấp nhận môi trường, hoàn cảnh dễ chịu, thuận tiện, thoải mái, đi cùng đời sống danh vọng, vật chất, cho phép mình sống trong tình trạng tự trói buộc mình vào những bức tường thành kiến, tư tưởng cố chấp, định kiến vị kỉ, tư duy ích kỉ nhỏ hẹp bị lấn áp bởi danh vọng xã hội, tính năng tuân phục đời sống vật chất, chứ không chấp nhận tự khai mở, đập vở bức tường thành kiến, cố chấp vốn đã theo mình từ vô lượng kiếp. Có những ý tưởng rất lớn  trong tâm tư cho tổ chức, cho tha nhân chúng sanh, nhưng cần điều kiện môi trường để những ý tưởng đó nảy sinh theo tiềm năng của nó. Chính chúng ta phải tự tạo lấy điều kiện và môi trường bằng vào nổ lực phá vở lớp thành kiến, cố chấp nơi chính mình. Điều kiện và phương tiện chính là đời sống trong lý tưởng GĐPT.

Thường khi đi qua một cuộc khủng hoảng thất bại nào đó, ý niệm đầu tiên vì ai đó đã gây ra, chúng ta bắt đầu với cái nhìn nghi ngờ vào mọi người và khởi đi với cảm giác cay đắng, tức giận, trút hết tất cả cho những gì có thể. Đôi khi phải đối mặt với những tình thế tâm trạng bị loại bỏ, và thất vọng, rồi tìm cách trút hết tất cả mọi sai lầm vào hoàn cảnh, tập trung vào khuynh hướng không có ích lợi gì, dần chuyển về với cuộc sống thụ động, cứ cho đó là kết thúc như không còn hướng đi nào khác. Không nên cứ bám vào loại tư tưởng đó, mà cần có kế hoạch khai thác phương pháp tu tập khác. Đối diện với những thực trạng đó, nhìn vào nó như là một khởi đầu mới và cứ tiếp nhận những điều đó  như là thực thể phải có trong đời sống. Tinh tấn vững bước và giữ cấp độ tu tập trong từng sát na sẽ giúp cho việc mở cửa cho Tâm Bồ Đề trong ta lớn mạnh.

Khi đi vào thực hành kế hoạch, triển khai phương pháp tu tập có nhiều điều xảy ra bất toại ý, vẫn phải vững bước cùng Từ Bi tâm để hướng về phía trước theo kế hoạch đã vạch. Không thể tự cho phép buông xuôi, duỗi mình cho tâm tán loạn để rồi bị tiêm nhiểm bởi môi trường tiêu cực, trở thành chán nản, quan trọng là biết khống chế ngay cái tâm bi quan trổi dậy. Loại bỏ cái tâm tự ti tiêu cực, tự cho phép tâm dãi đãi chiếm lấy không gian của mọi ý tưởng, chịu chấp nhận lối suy diển thụ động, mình kém tài năng không thể tu tập tiếp tục để đạt được những thành quả tốt đẹp cho đời sống thêm an lạc. Phải tự chính mình bắt đầu khai thác vào những tiềm năng tính sáng tạo để ứng dụng tốt hơn trong các kế hoạch tạo phương tiện tu tập.

Trong sự nổ lực cố gắng tu tập kiện toàn đời sống cá nhân luôn có nhiều điều ngoài ý muốn làm trở ngại theo cấp độ tiếp tục, một lần nữa và một lần nữa, buộc phải đối diện chướng ngại, nghịch cảnh và phiền não luôn trổi dậy như để ngăn cảng bước tiến tu tập. Nhưng nếu hành đạo trong đơn giản, mong được thuận duyên thoải mái trong tu tập, như thế sẽ làm giảm đi bản năng tinh tấn và sự giác ngộ khó đạt đến mức tối thượng. Giống như cơ thể người lực sĩ có cơ bắp săn chắc nhờ tập luyện đều đặn đúng cấp độ, nếu không tập luyện theo đúng mức độ thường nhật thì chúng nhớn nhảo, mềm èo kết cục trở thành một lực sĩ trên danh nghĩa chứ không đầy đủ năng lực thật sự.

Bất cứ một thành công nào cũng thế, đòi hỏi sự hy sinh, kiên nhẫn, bền tâm và chịu đựng trong mọi chướng duyên nghịch cảnh. Đối với người huynh trưởng lập nguyện tiến tu kiện toàn đời sống tâm linh, thăng hoa cuộc sống và thể hiện một đời sống chân chánh đối với xã hội môi trường chung quanh, là phương tiện tốt nhất để nhiếp phục nhân tâm. Như vậy đòi hỏi sự hy sinh càng lớn hơn, hy sinh ở đây không đòi hỏi chúng ta phải bỏ hết tất cả đời sống gia đình, hạnh phúc hôn nhân hay những gì đã thành đạt ở xã hội. Nhưng đòi hỏi chúng ta mở rộng Bồ Đề tâm để không trở thành người vô trách nhiệm với tha nhân, với lý tưởng tổ chức GĐPT. Sự hy sinh của người huynh trưởng là biết bỏ cái lạc thú, đam mê vô bổ ở xã hội của riêng mình. Có nghĩa là biết hy sinh thời gian của riêng mình để đến với cái lợi ích chung của tổ chức.

Phát tâm xây dựng, bồi dưỡng lý tưởng luôn ở trong quan điểm ta đã làm được gì để tổ chức phát triển chứ không phải tổ chức làm được gì cho ta thành công trong cuộc sống xã hội vật chất. Với cái nhìn bằng Bồ Đề Tâm, trí tuệ Từ Bi chúng ta đều phải thú nhận rằng tổ chức GĐPT đã đóng một vai trò rất lớn cho đời sống tâm linh của chúng ta. Có thể không nhận thấy, nghe, hay tưởng tượng được những điều tuyệt vời kỳ diệu của tổ chức, nhưng cũng đừng để bị đè nặng bởi các trạng thái tiêu cực hay những phiền nhiểu ý niệm về đời sống xã hội vật chất đến từ bên ngoài cuộc sống, thay vào đó, tận dụng khả năng để phát khởi ý nguyện mở cửa cho cái Bồ Đề Tâm lớn rộng, cho cái chí nguyện phụng sự lý tưởng GĐPT ngày thêm tăng trưởng. Thiết lập mầm hy vọng cho tiền đồ của tổ chức GĐPT bằng vào chất liệu từ bi tâm, sẵn sàng dấn thân cho những kế hoạch nhằm phát triển tổ chức trong hướng tốt nhất, vì chính đó là phương tiện duy nhất mà chúng ta đang được nhiều phước duyên sinh trưởng trong đó.

MINH TRUNG Lê Thanh Kỳ


digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb