PHẬT PHÁP : Học và thực hành PHẨM PHỔ MÔN

TÂM MINH

LHHH QUANG NGO 2 741.jpgMặc dù trong 28 phẩm kinh của Pháp Hoa, phẩm  nào cũng quan trọng, nhưng mỗi người chúng ta đều có một phẩm tâm đắc nhất và đối với Tâm Minh ( TM) , đó là phẩm Phổ Môn .  Phẩm này thể hiện rất rõ tính cách biểu tượng của ngôn ngữ Pháp Hoa, và nhất là cho chúng ta nhận rõ được pháp Hành của Bồ Tát Quán Thế Âm .  Phổ Môn là cánh cửa rộng mở , cánh cửa mở ra cho chúng ta thấy bất cứ sự vật , hiện tượng nào trong thế gian đều có 10 như thị và Phổ Môn đưa chúng ta vào 10 như thị của tất cả mọi sự vật, hiện tượng; đó là  : Tướng như thị, Tánh như thị, Thể như thị, Lực như thị, Tác như thị, Nhân như thị, Duyên như thị, Quả như thị, Báo như thị, Bản Mạt Cứu cánh như thị .  Phổ Môn, vì vậy,  là cánh cửa giúp ta đi vào thực tại của mọi sự hiện hữu qua 10 như thị ấy.

Sở dĩ gọi là “Phổ Môn” vì môi trường hoat động của đức Bồ Tát Quán Thế Âm rộng lớn vô cùng, nó không chỉ là môi trường của loài ngưòi, chư Thiên mà suốt cả lục đạo, và Tứ Thánh đạo.  [ Lục Đạo là : Thiên, Nhơn, A Tu La, Súc sanh, Địa ngục, Ngạ qủy ; Tứ Thánh là : Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, Phật (Bích Chi) ]  Phổ môn là pháp hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, đặc biệt của pháp môn này là cùng một lúc có mặt ở khắp các pháp giới, ở vô số thế giới để đem hạnh vô úy thí (hạnh không sợ hãi) tặng cho tất cả chúng sanh,   Đối với phàm phu thì kinh Pháp Hoa nói đến “phần đoạn sinh tử”, đối với hàng Thánh giả thì giảng “biến  dịch sinh tử”

Đi vào nội dung chủ yếu Phẩm Phổ Môn cho chúng ta thấy uy lực hoá độ của Bồ tát Quán Thế Âm thật là vô cùng ; ngài có thể gíup ta vượt thóat 7 loại tai nạn : tai nạn của LỬA , NƯỚC , GIÓ, QỦY La Sát, NẠN Hình Sự (GÔNG CÙM xiềng xích ) ; qủy Dạ Xoa,  Giặc Cướp .

Ỏ đây chính là đỉnh cao của ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Pháp Hoa  bởi vì những Lửa, Nước, Gió … ngoài nghĩa thông thường tức là nghĩa vật lý còn có ý nghĩa biểu tượng ; ví dụ Lửa : ngoài thứ lửa để nấu cơm, nướng bánh … còn có lửa sân hận, lửa phiền não … Lửa vật lý chỉ đốt cháy vật chất còn lửa sân hận, lửa phiền não có thể đốt cháy tâm can con người, đốt cháy cả sự nghiệp, danh dự … của cả đời người nữa.  Nhờ uy lực trì niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát” những loại lửa ấy không thể đốt cháy được phước đức của ta, mỗi khi gặp tai nạn mà ta có phước đức thì đó chính là điều kiện để thóat khỏi tai nạn.

Tương tự như vậy, Nước cũng có nhiều loại, nước vật lý, nước trong cơ thể mình và nước của tham ái, dục vọng .   Nước vật lý đem lũ lụt đến cho loài người, qua sông hồ, biển hay mưa bảo, nước trong cơ thể do thiếu cân bằng với các “đại” khác, gây ra bệnh cho chúng ta … còn nước của tham ái, dục vọng cũng có thể nhận chìm chúng ta bất cứ ở đâu và vào bất cứ lúc nào.

Gió cũng vậy,  Gió có nhiều loại khác  nhau.  Gió vật lý là do sự chuyển động của không khí, sự thay đổi áp suất.. ..gió này gây nên giông bão , tornado, …làm sập nhà cửa ; Gió nghiệp là gió do ác nghiệp tạo ra, Gió này có thể đẩy chúng sanh vào những đường ác như địa ngục ngạ quỷ, súc sanh …Gió phiền não thì khởi lên do tham lam, ngã mạn , sân si … có thể xô đẩy và nhận chìm chúng sanh trong biển sanh tử luân hồi . Còn gió danh lợi, địa vị quyền thế nữa, gió này có thể bứng hết gốc rễ đạo đức và từ tâm của chúng ta . Kinh nói, ngay lúc bị những ngọn gió xoáy đen tối đó ( hắc phong) đẩy đến đảo của qủy La sát nếu có người niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ tát thì sẽ được thóat khỏi nạn qủy La sát .. Vì khi niệm danh hiệu ngài Quán thế Âm Bồ tát với tâm Định và thanh tịnh, thì lòng từ bi nơi ta phát sinh mãnh liệt, tác động vào hạt giống từ bi của loài La Sát khiến chúng không những không ăn thịt ta mà còn phát khởi từ tâm cứu giùp người nữa .  Ở đây chúng ta học được “thiện tâm hay ác tâm ở một chúng sanh không cố định ; tùy theo thiện duyên hay ác duyên mà phát khởi ; vì vậy khi gặp ma thiêng chướng khí, giông tố bão bùng … nếu chúng ta nhất tâm xưng danh hiệu đức Quán thế Âm là chúng ta đã tạo duyên lành cho tâm từ tâm Bi nơi loài La sát sinh khởi. Ngoài ra, Qủy La Sát  còn có thể là những hạt giống bất thiện trong tâm ta, muốn ăn tươi nuốt sống những người trái ý ta,  lúc ấy ta hung dữ như một qủy La Sát … Sự có mặt của Bồ tát Quán thế Âm trong lòng, qua lời niệm danh hiệu ngài “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát” với tất cả thành tâm tha thiết , sẽ chuyển hoá tâm ta trở nên tươi mát hiền dịu, kéo ta ra khỏi trạng thái qủy La sát.

Tương tự, với các tai nạn như hình sự, bị qủy Dạ Xoa  ám hại, bị gông cùm xiềng xích … ( bị bắt bớ giam cầm , bị lảnh án tù, bị bệnh do qủy Dạ Xoa gây ra …) nếu thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ tát cũng có thể chuyển hoá tâm thức của người muốn ám hại mình, khiến cho họ trở về với bản tánh hiền lương , không còn có ác tâm nữa . Ngoài ra, bồ tát Quán Thế Âm còn được gọi là Quán Tự Tại nên khi ta toàn  tâm toàn ý niệm danh hiệu ngài cũng làm phát khởi và lớn mạnh hạt giống tự tại trong ta ; do đó, trong suy nghĩ, lời nói và hành động của ta trở nên sáng suốt, an nhiên, tự tại  .. cho nên tuy thân bị gông cùm xiềng xích nhưng tâm ta bình an , ta đã có tự do trong tư tưởng không lo lắng bất an ..và khi hội đủ duyên lành sẽ đuợc tự do thật sự . Như vậy, thân bệnh nhưng tâm không bệnh,  thân bị giam cầm nhưng tâm tự do v..v.. đó chính là diệu dụng của việc trì tụng kinh Pháp Hoa, đặc biệt là phẩm Phổ Môn .

Giặc cướp bên ngoài là tệ nạn xã hội, chúng đón đường cướp của giết người nếu ta chống cự … nhưng nếu cả đoàn người nhất tâm xưng danh hiệu Quán thế Âm Bồ tát thì giặc cướp sẽ hoảng sợ vì ánh sáng trí tuệ và niềm tin của đoàn người ; nhất là tiếng tụng niệm và danh hiệu cứu khổ cứu nạn sẽ thức tỉnh bọn người giặc cướp , có thể xui khiến họ rút lui .

Bên trong tâm thức chúng ta, giặc cướp là những tâm sở bất thiện, ngày đêm hoạt động không ngừng, cướp đi những thiện tâm trong ta giết chết huệ mạng của chúng ta ; những tên cướp này còn nguy hiểm hơn giặc cướp chận đường cướp của trên kia. Kinh Pháp Hoa (Phẩm Phổ Môn) dạy chúng ta niệm danh hiệu Quán Thế Âm là dạy ta “xoay cái niệm vào bên trong” sao cho chủ thể và đối tượng nhập thành một , khiến cho chất liệu TỪ và BI của Bồ tát  Quán thế Âm có mặt trong tâm thức ta, thấm nhuần và chiếu soi tâm ta cho đám giặc phiền não trong tâm ta tự nhiên tan biến, trả lại sự thanh tịnh cho tâm hồn .  Như vậy, niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm gíup ta vượt thóat được những phiền não đến từ bên ngoài lẫn bên trong ( ngoại ma nội chướng_ vì những tệ nạn bên ngoài luôn gắn liền với những tệ nạn trong tâm thức chúng ta _ vì có đồng thanh thì  mới tương ứng chứ ! )

Tóm lại, ở Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa,  Bồ tát Quán Thế Âm quả thật đã mở rộng cánh cửa đưa chúng ta đi vào Khổ Đế, (để thấy những khổ nạn từ bên ngoài và cả bên trong tâm thức chúng ta) rồi ngài lại mở thêm cánh cửa Tập Đế cho “ con mắt trí tuệ” của chúng ta nhìn rõ nguyên nhân của Khổ, và cuối cùng ngài mở luôn cánh cửa Đạo Đế chỉ rõ con đường diệt khổ qua Tín Căn, Tín Lực và Tấn Căn Tấn Lực cũng như Niệm Căn Niệm Lực, Định Căn Định Lực và Tuệ Căn Tuệ Lực _Thật là tuyệt vời phải không các Bạn ? !

Do vậy, mọi người đều trì tụng Pháp Hoa_ chính xác hơn là Phổ Môn_ vì ai cũng có thể hiểu , Phổ môn giúp chúng ta có cách nhìn từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ thô đến tế, từ nhỏ như một điểm đến lớn như toàn thể pháp giới … và ai cũng có thể với lòng tin thuần thành tha thiết niệm danh hiệu của Bồ tát Quan Âm .. đó là danh hiệu có năng lực nắm giữ và hộ trì tất cả mọi thiện pháp , đó là âm thanh mầu nhiệm, tinh tế và sâu thẳm như tiếng hải triều diệu vợi…có thể chữa lành mọi tâm bệnh của chúng ta :

Diệu Âm, Quán Thế Âm,

Phạm âm,  hải triều âm

Thắng bỉ thế gian âm

Thị cố tu thuờng niệm

Qua tu học, chúng ta thấy rất rõ đặc điểm của Kinh Pháp Hoa :

  1. Bất cứ hình thức nào chúng ta cũng có thể giảng nói Kinh Pháp Hoa
  2. Bất cứ hình thức nào chíng ta cũng có thể nghe Kinh Pháp Hoa
  3. Bất cứ hình thức nào chúng ta cũng có thể áp dụng kinh Pháp Hoa vào cuộc sống hằng ngày

Phương pháp thực hành tùy theo từng ACE, dựa theo nội dung trong phẩm Phổ Môn đã dạy về  Giới, Định và Tuệ như sau :

GIỚi HỌC :

Bi thể giới lôi chấn

Từ ý diệu đại vân

Chú cam lồ pháp vũ

Diệt trừ phiền não diệm

(Giới pháp thể đại Bi

Khởi thân vang như sấm

Diệu Pháp tâm đại Từ

Như mây lớn phủ khắp

Rưới mưa Pháp cam lồ

Dập tắt lửa phiền não)

ĐỊNH HỌC :

Chân quán, thanh tịnh quán

Quảng đại trí tuệ quán,

Bi quán cập từ quán,

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng

( Quán chiếu đúng sự Thật

Quán chiếu thật thanh tịnh

Quán chiếu trí tuệ lớn

Quán chiếu bằng đại Bi

Quán chiếu bằng đại Từ

Thường ước nguyện tu tập

Thường chiêm nghiệm ngưỡng mộ)

[ Trong bài kệ này chúng ta thấy 5 phươg pháp thiền quán hay Định học Phổ Môn :  1. Chân quán,   2. Thanh tịnh Quán ;    3. Quảng đại trí huệ quán    4. Bi quán     5. Từ quán .

Hành giả Pháp Hoa thường ước nguyện tu học, chiêm nghiệm và ngưỡng mộ  các pháp quán ấy. ]

TUỆ HỌC:

Vô cấu thanh tịnh quang

Tuệ nhật phá chư ám

Năng phục tai hoả phong

Phổ minh chiếu thế gian

( Ánh sáng trong không ô nhiễm

Mặt trời Tuệ phá vô minh

Điều phục nạn gió lửa

Chiếu sáng khắp thế gian )

Chúng ta luôn tinh tấn thực hành 5 phép quán của Định Học Phổ Môn để có thể giữ tâm bình khí hoà trứơc tất cả những ngọn gió đen ( hắc phong) của tình đời và lòng người .

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb