PHẬT PHÁP : Chúng tôi học Duy Biểu
TÂM TRÍ
Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu ( Ngũ Thập Duy Biểu Tụng ) của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có tính cách thực dụng, nghĩa là chúng ta áp dụng những bài tụng này vào đời sống hằng ngày, vào sự tu tập của chúng ta, vào sự xây dựng tổ chức, vào sự chuyễn hóa nội tâm và trị liệu những khổ đau, những chứng bệnh về tâm thần của con người.. . . .
Bài Tụng Thứ Nhất:
Tâm Là Đất Gieo Hạt
Mọi Hạt Giống Chứa Đầy
Tâm Địa Cũng Chính Là
Toàn Thể Hạt Giống Ấy
Bản tiếng Anh:
The Mind is a field
In which all kinds of seeds are sown
Whats is called the Mind-field
Is the totality of these seeds
– Câu thứ Nhất cuả bài tụng: Tâm Là Đất Gieo Hạt
Nếu muốn giữ gìn lại tất cả hạt giống, đừng để cho rơi rớt, mất mát đi thì phải có một cái gì để mà cất giữ. Không có cái gì có thể cất chứa hạt giống một cách chắc chắn và itếp nối bằng đất. Chúng ta trồng những cây Tía Tô, Kinh Giới đến mùa Thu thì những hạt Tía Tô, Kinh Giới rơi rụng xuống đất, có những lúc chúng ta không để ý tới hoặc xa nhà vắng mặt một thời gian, nhưng chính đất đã cất giữ những hạt giống ấy.Đến mùa Xuân sang năm, từ từ mọc lên những cây con Tiá Tô, Kinh Giới. Cho nên đất có nhiệm vụ bảo tồn và duy trì những hạt giống ấy. Cũng như vậy, Tâm cũng có tác dụng bảo trì các hạt giống ( Tâm thức ). Danh từ Duy thức là Năng Tàng, Năng tàng là khả năng có thể trử lại. Tàng có nghĩa là cất chứa, giữ gìn lại. Ví dụ như những Tàng Cổ Viện hay Bảo Tàng Viện, để cất chứa những tác phẩm nghệ thuật trong quá khứ. Tâm có tính chất Năng Tàng, Năng là có công năng, có khả năng, có thể làm một việc gì đó. Tàng là tàng trữ, cất chứa. Và hình ảnh tuyệt diệu là đất.
Chúng ta thường tụng kinh Địa Tạng, mở đầu bằng một bài ca ngợi Bồ Tát Địa Tạng trong đó có câu :Khế thủ từ bi Đại Giáo Chủ, Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng
Khế thủ từ bi Đại Giáo Chủ nghiã là: Cúi đầu trước bậc Giáo chủ lớn đầy lòng từ bi. Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng. Địa là đất, ngôn có nghĩa là, có ý nói là. Kiên là chắc chắn, vững bền, kiên cố. Hậu là dày, Quảng hàm tàng nghĩa là bao trùm, giữ gìn rất rộng rãi. Khả năng của đất có thể ôm trùm, bao hàm và giữ gìn một cách rộng rãi, nhờ nó có tính cách kiên và hậu. Người đời thường nói: Ông đó là người có hậu, người kia có đức dày. Còn những người mà buổi sáng thế này, buổi chiếu thế khác, không thể tin tưởng được, là người vô hậu, không có đức.Trong ngôn ngữ bình dân Việt Nam, chúng ta cũng đã dùng chữ Tâm Địa, Tâm là Đất, Người ta thường nói; Bà ấy tâm địa xấu xa, hoặc Bà kia tâm địa tốt lành. Tâm tức là đất vậy. Cho nên giáo nghĩa đã thấm sâu vào văn hoá Việt Nam.
Chúng ta có một vị thiền sư tên là Thảo Đường, làm tổ sư cúa một phái thiền ở Việt Nam. Ngài là người gốc Trung Quốc. Trước khi qua Việt nam, Ngài có học với thiền sư Bách Trượng. Một hôm trong khi thầy Bách Trượng giảng dạy cho đồ chúng thì có một thầy đứng lên hỏi vấn đề về con đường giải thoát và giác ngộ. Thầy Bách Trượng đã dùng một câu thơ để trả lời:
Tâm Địa Nhược Thông,
Tuệ Nhật Tự Chiếu
Nghĩa là khi mặt đất của tâm được cởi mở, được thong thả, được thông suốt thì mặt trời của trí tuệ tự nhiên chiếu xuống. Khỏi phải đi tìm mặt trời trí tuệ đâu xa. Nếu mặt trời không bị che lấp bởi mây mù, hay là ny lông thì tự nhiên mặt trời trí tuệ sẽ tự động tìm tới. Vì vậy chữ tâm địa là một thành ngữ, một danh từ rất là phổ thông.
– Câu thứ hai của bài tụng: Mọi Hạt Giống Chứa Đầy
Nghĩa là trong tâm cuả chúng ta có không biết bao nhiêu là hạt giống. Không có hạt giống nào là không có ở trong lòng. Tâm của chúng ta có thể phát hiện ra đủ loại hiện tượng. Có hạt giống của ma, hạt giống cuả Phật, hạt giống của thánh hiền, hạt giống của côn đồ, hạt giống cuả sự trung kiên, hạt giống của sự phản bội. Trong đất tâm của chúng ta có đầy đủ các loại hạt giống đó. Chúng ta có thể trở thành thánh nhân, chúng ta cũng có thể trở thành đạo tặc, nghĩa là chúng ta có hạt giống thánh nhân ở trong lòng, mà cũng có hạt giống cuả đạo tặc trong lòng. Chúng ta có hạt giống chung thuỷ ở trong lòng, mà cũng có hạt giống của sự phản bội ở trong lòng. Vấn đề là chúng ta có biết chăm sóc đúng cách hay không. Nếu chúng ta chăm sóc hạt giống của sự chung thuỷ, thì chúng ta trở nên một người chung thuỷ. Nếu chúng ta không chăm sóc hạt giống chung thủy, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ trở nên một người phản bội, phản bội lại bạn minh, phản bội cha mẹ của mình, chồng của mình, vợ cuả mình. Như vậy, tâm của mình chứa đựng tất cả loại hạt giống.
Khi một người nào đó được mô tả như một người trung kiên, chúng ta biết rằng trong người đó có hạt giống trung kiên, nhưng điều đó không có nghĩa là người đó không có hạt giống phản bội. Khi một người có tâm niệm cởi mở, tha thứ bao dung, chúng ta biết rằng người đó có hạt giống tha thứ bao dung rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là người đó không có hạt giống cuả sự hận thù, của sự nhỏ nhen, Người đó có hạt giống cuả sự hận thù, của sự nhỏ nhen, nhưng vì hạt giống đó rất nhỏ nên không phát hiện ra được. Khi một người đang tươi cười vui vẻ, chúng ta biết rằng người đó có hạt giống của niềm vui, nhưng điều đó không có nghĩa là người đó không có hạt giống của sự buồn rầu, của niềm đau nỗi khổ ở trong lòng. . Nó CÓ đó, nhưng lúc ấy nó chưa phát hiện. Trong một người phàm phu, có hạt giống của phàm phu, nhưng cũng có hạt giống của thánh nhân, Và trong một thánh nhân, có hạt giống của thánh nhân, mà cũng có hạt giống của phàm phu. Nếu chúng ta cẩn thận, thì hạt giống thánh nhân trong chúng ta sẽ tăng trưởng, lớn mạnh, và hạt giống phàm phu sẽ nhỏ đi, trở thành không quan trọng, không bao giờ phát triển được. Nếu chúng ta không cẩn thận, thì hạt giống phàm phu trong chúng ta sẽ lớn lên, và nếu chúng ta để cho mỗI ngày có người đến tưới tẩm hạt giống phàm phu trong chúng ta và chúng ta tự cho phép chúng ta tưới tẩm hạt giống phàm phu trong chúng ta, thì chúng ta sẽ trở nên một con người phàm phu. Điều này có thể thực hiện trong vài ba tuần lễ. Về việc tưới ẩm, không tưới thì thôi, nếu tưới thì nó mọc lên rất mau..
Câu thứ Ba và câu thứ Tư cuả bài tụng: Tâm Địa Cũng Chính Là
Toàn thể Hạt Giống ấy
Hai câu này nói về nội dung của sự cất giữ, gọi là Sở Tàng. Năng Tàng chủ thể cuả sự cất giữ, Sở Tàng là đối tượng cuả sự cất giữ. Đó là hai phần của tâm. Vì tâm có thể được nhận thức làm hai phần: Phần chủ thể và phần đối tượng. Tâm này là tâm căn bản, gọi là tàng thức.
Bây giờ chúng ta định nghĩa Tâm là gì, Tâm là Tàng Thức, còn có tên Nhất Thiết Chủng Thức là cái Thức nó gồm tất cả các hạt giống. Tâm có rất nhiều tác dụng, nhưng tác dụng đầu tiên là tàng. Tàng tức là cất giữ. Cất giữ với hai ý nghĩa: Chủ thể của sự cất giữ và đối tượng của sự cất giữ. Vậy khi nghe nói đến Tàng, chúng ta phải hiểu hai nghĩa, một là Năng Tàng, công năng tác dụng duy trì, hai là Sở Tàng, tức là tất cả những hạt giống đang được gìn giữ. Toàn thể hạt giống tức là Sở Tàng, còn đất là Năng Tàng. Nó còn có tên thứ ba là Ngã Ái Chấp Tàng, nó có thể trở nên đối tượng của sự thương yêu sai lầm, bám víu, không buông tha, tên thứ tư là Nhất Thiết Chủng là tất cả các hạt giống. Tâm được ví dụ cho đất. Vì vậy, đất là hình ảnh tuyệt diệu nói về tâm. Vì chính Tâm ( Tâm Điền ) là nơi cất chứa ( Năng Tàng ) những hạt giống ( chủng tử ) thiện hoặc bất thiện. Cho nên khi chúng ta thiếu chánh niệm trong hành động, thiếu lòng từ bi giết hại loài vật để cung phụng bản thân , lấy của cải không phải tự mình làm ra, quan hệ bất chính , hoặc nói năng thô lỗ, độc ác, xuyên tạc, vu oan giá họa, lưởi hai chiều, gây đau khổ cho người, hoặc giả khởi lòng tham lam, giận hờn, đam mê, ganh tỵ v.v là chúng ta tưới tẩm cho hạt giống bất thiện phục sẵn trong đất tâm ( tâm điền ) của chúng ta ngày càng to lớn thêm, Vì vậy cùng một sự việc xẫy ra, người thì nỗi giận ngay liền, không dằn đựợc cơn tức tối căm hờn, đôi khi xẫy ra bạo động, Nhưng cũng có người lại tự nhiên, bình tĩnh giải quyết nội vụ một cách êm đẹp, là nhờ vào sự hành xử có chánh niệm, biết lắng nghe và quán chiếu chiều sâu của vấn đề, biết tưới tẩm hạt giống hoà ái, tha thứ, bao dung, và đương nhiên hạt giống xấu càng ngày càng yếu nhỏ đi và nhờ sự thực tập tưới hoa không tưới rác, thì đến một ngày nào đó dù gặp cảnh ngang trái chúng ta vẫn bình tĩnh giải quyết sự kiện với phong thái hòa nhã, hiểu biết và thương yêu. Nhờ vậy cuộc sống cuả chúng ta luôn luôn an vui hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo:
– Ngũ Thập Tụng Duy Biểu cuả Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)