NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN ĐI TÌM Ý NGHĨA CHỮ PHẬT
NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN ĐI TÌM Ý NGHĨA CHỮ PHẬT
Chữ Phật mà ta thường dùng trong ngôn ngữ hằng ngày là chữ đầu của danh từ Phật Đà, phiên âm từ chữ Buddha, tiếng Phạn dịch là “ Người Giác Ngộ “. Thông thường khi nói đến “ giác ngộ” thì người ta hiểu ngay là sự thấy đúng, thấy phải một điều gì hay việc gì mà trước kia đã lầm lẫn. Vậy thì, khi gọi Phật là “ Người Giác Ngộ” thì Ngài giác ngộ cái gì và giác ngộ thế nào?
Trước hết Phật giác ngộ cái gì ?
Trong kinh đã nói là Ngài thấy rõ được thực tướng của nhân sinh và vũ trụ nói cách khác là Ngài đã thấy được cái thật của đời sống con người và cuộc sống của vũ trụ.
Còn Phật giác ngộ thế nào ?
Thì cũng trong kinh nói : Ngài thấy được “cái Ta” không thật có và vạn vật đều do nhân duyên mà hợp thành, hay nói khác đi thì con người ta cả phần tinh thần lẫn vật chất đều do nhiều yếu tố kết thành nên cái gọi là “Ta” chỉ là một danh từ của một hợp thể không tồn tại độc lập nên “ Cái Ta” chỉ là giả danh, giả hợp. Hơn thế về tâm lý, sinh lý cũng như vật lý của mỗi người luôn luôn thay đổi nên “Cái Ta” lúc trước không còn là “Cái Ta” bây giờ và chắc chắn không phải là “Cái Ta” của ngày mai. Nhưng một chuổi dài những “Cái Ta” đó cho ta cái cảm tưởng là ”Ta” hiện hữu không đổi. Theo Phật pháp thì ”Cái Ta” đó thường luôn thay đổi từng phút, từng giây, từng một phần ngàn của giây hay nhỏ hơn thế nữa. Vậy thì, con người do nhân duyên mà có thì vạn vật cũng bởi nhân duyên mà thành.
Tôi xin kể lại đây một câu chuyện vấn đáp giữa Phật và những người Bà La Môn khi Phật còn tại thế để các bạn hiểu được chính Đức Phật định nghĩa thế nào là Phật, thế nào là người Giác ngộ. Một người Bà La Môn hỏi Phật bằng bài kệ như sau:
Phật là một danh từ
Vượt lên trên thế gian
Là do cha mẹ đặt
Hay Bà La Môn cho
Người đã đáp rằng :
Phật biết đời quá khứ
Thấy rõ kiếp vị lai
Cũng biết cả hiện tại
Cùng thành, trụ, hoại, không
Điều nên biết đã biết
Việc nên làm đã làm
Cái cần dứt đã dứt
Cho nên gọi là Phật
Và Ngài còn thêm rằng :
Phật là người chỉ đường
Tìm an vui trong khổ
Dút sinh tử đau thương
Xa lìa các trần cấu
Khổ nảo chẳng còn vương
Cho nên gọi là Phật
Đó là hai đoạn vấn đáp trích trong Kinh Tạp A Hàm, nói rõ ý nghĩa thế nào là Phật, nhưng đây chỉ là trên phương diện lý thuyết, còn về phần thực hành chúng ta phải hiểu thế nào là Phật.
Phật là người giác ngộ, là người luôn tỉnh thức, là người thấy được khổ đau của con người, là người đã tìm ra và vạch rõ con đường thoát khổ để cứu độ con người cùng với muôn loài vạn vật.
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật đã nói:” Vì đại sự nhân duyên nên Chư Phật ra đời để chỉ cho chúng sinh thấy được và vào được “cái Thật”, có được nhận thức đúng như Phật”. Nhận thức của Phật khác chúng ta ở chỗ Ngài thấy rõ nghiệp báo và nhân quả, thấy rõ cái gì khiến chúng ta luân hồi, sinh tử để mà cắt đứt, để mà giác ngộ giải thoát.
Hôm nay nhân mùa Phật Đản chúng ta bàn về ý nghĩa chữ Buddha tức là Người Giác Ngộ. Người Giác Ngộ đó là thầy dạy chúng ta thoát khổ đau, đem lại an vui và hạnh phúc đời đời cho con người trong vũ trụ. Ngài là người tìm ra Chân Lý nên có kệ rằng :
“ Trăng sao có thể đổi dời
Núi non cũng có một thời hóa không
Biển sông có lúc cạn dòng
Nhưng lời Phật dạy không bao giờ lầm !”
Chân lý còn đó, Đức Phật còn đây, chúng ta cùng theo bước chân Ngài và con đường Ngài đã vạch để mà thành Phật cho đúng với câu Ngài nói :” Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành “
MẬT NGHIÊM
( Đạo Làm Đời Sống Nở Hoa )
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)