PHẬT PHÁP :TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN VI) : HỎI VÀ TRẢ LỜI ( tiếp theo )

PHÁP THOI CA THY THÍCH THÁI HÒA

TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN VI )

( Nguyên văn và video phát âm ở cột phải bên dưới )

Hỏi và trả lời

Hỏi :

Phương pháp nào giải quyết sự phân hóa của GĐPT hiện nay?

Trả lời:

Thầy nói dứt khoát GĐPT không có phân hóa. Chỉ có duy nhất một tổ chức GĐPT mà thôi, đó là tổ chức GĐPT Truyền thống đúng hiến chương của Giáo hội PGVNTN, đúng với nội quy, quy chế của GĐPT. Một tổ chức GĐPT chỉ mang danh là Phân ban ở trong Nam nữ cư sĩ, thì đó một tổ chức khác, một Giáo hội khác, không dính chi đến tổ chức GĐPTVN, vì họ có hiến chương và nội quy riêng của họ. Nếu có dính chăng, thì ở chỗ như dính với các tổ chức hướng đạo Phật tử, sinh viên Phật tử, học sinh Phật tử. Họ có thể là bạn của mình mà không phải là con người đồng hành của mình. Và một tổ chức GĐPT  khác mới đây thì lại càng không phải, vì nó hoàn toàn không đúng với nội quy, quy chế, không đúng với hiến chương Giáo Hội PGVNTN. Một tổ chức như vậy không phải là một tổ chức GĐPT. Cho nên, GĐPT chỉ có một tổ chức duy nhất thôi, đó là tổ chức GĐPT truyền thống đúng nội quy, quy chế, hiến chương của GHPGVNTN, có truyền thừa, có lịch sử. Và Thầy đã thường nhắc nhở các anh/chị/em, nếu có thay đổi nội quy, quy chế thì chính tự thân các anh/chị/em thấy cần thay đổi, mình sẽ triệu tập đại hội đúng nội quy, quy chế, đúng hiến chương; chứ không phải do người này hay người kia tác động, do thế lực này hay thế lực kia tác động. Và không có một cá nhân nào có quyết định tùy tiện đối với tổ chức GĐPT.

Cho nên, nói đúng ra, nếu có luật pháp công minh, thì mình sẽ tước đi tất cả những hoa sen, những danh nghĩa mà người ta đang lạm dụng đối với tổ chức GĐPT. Mình kiện ra tòa án quốc tế, và nếu cần, mình có thể kiện những chính phủ sở tại đang công nhận các tổ chức đó, theo công ước quốc tế. Đó là nói theo pháp luật. Một tổ chức có đăng ký hẳn hoi huy hiệu hoa sen, cấp hiệu đàng hoàng đâu ra đó, chính phủ thấy rằng cấp hiệu này, huy hiệu này, quy chế này đã được công nhận qua nhiều đời, đã có truyền thống rồi mà nếu có tổ chức khác đăng ký, chính phủ sẽ không chấp nhận cho tổ chức mới ấy mà phải bảo vệ pháp lý cho tổ chức đã có từ trước.

Vì vậy, mình nói tổ chức GĐPT có thế mà không có thống cũng sai, mà phi thế phi thống cũng sai. Hễ là tổ chức GĐPT, thì chỉ có một bản nội quy thôi, và chỉ có một bản hiến chương của GHPGVNTN thôi. Ai đi đúng như thế thì gọi là GĐPT đúng nghĩa, còn giả danh, giả nghĩa là chuyện của họ, nếu cần thì mình xem họ là bạn, là các đoàn thể của tổ chức tôn giáo bạn, chứ không thể gọi họ là mình. Họ không phải là mình thì sao mình gọi là phân hóa! Họ tách mình ra, mượn danh nghĩa mình để làm chuyện khác, không đúng hiến chương, không đúng nội quy, quy chế của GĐPT, thì đó không phải là mình rồi. Do đó, đề nghị các anh/chị/em đừng quan tâm đến những cái đó làm gì cho mệt tâm mình. Mình chỉ cố gắng un đúc, trau dồi, tu học để có thể hiến tặng được những gì mà tổ chức mình đã hiến tặng cho mình, tiếp tục sứ mệnh đó để nuôi dưỡng tổ chức của mình, để khỏi tủi hổ với hạnh nguyện cao đẹp của mình, khỏi tủi hổ với truyền thống mà cha ông thầy tổ đã để lại cho mình. Và các anh/chị/em, nên xem những tổ chức không phải GĐPT đó là những tổ chức tôn giáo bạn hay mình đã từng quan hệ như những tổ chức của những đoàn thể khác, nếu thấy cần. Còn nếu thấy không cần thì thôi, đừng để ý. Và nếu những người kia thấy mình đã đi sai rồi, đã đi chệch hướng với lý tưởng của GĐPT rồi, chệch hướng với quy chế, nội quy của tổ chức rồi, họ biết quay về, sám hối và biết phục thiện trở lại, xin có được sự hướng dẫn của mình; khi đó mình sẽ có những phương pháp thích hợp sau, chứ không phải chấp nhận một cách dễ dàng. Đó là điều mà các anh/chị/em nên lưu ý và cần bàn bạc.

Hỏi:

Khi chúng con đã nói rõ nguyên tắc pháp lý, nội qui GĐPT,… thì qúy Thầy cho rằng GĐPT chống Giáo Hội; mở trại Huấn Luyện thì cho rằng hướng dẫn sai, rồi đuổi Ban Huynh Trưởng (BHT) ra khỏi chùa lập một BHT mới để dễ sai khiến. Chúng con im lặng! Làm sao chúng con có thể áp dụng Tứ tất đàn để hoá giải giữa các vị xuất gia và GĐPT ?

Trả lời:

Nếu họ thật sự là tu sĩ của GHPGVNTN, thì họ phải hiểu hiến chương của giáo hội hơn ai hết, họ phải hiểu nội quy, quy chế của GĐPT hơn ai hết. Trong lúc đó, mình nói đúng nội quy, quy chế của GĐPT, đúng với hiến chương Giáo hội mà họ nói mình chống giáo hội, thì giáo hội đó là giáo hội nào, giáo hội Cổ Sơn Môn, Lục Hòa Tăng hay một giáo hội đội lốt tôn giáo để làm chính trị, chứ không phải là phụng sự dân tộc và nhân loại đúng như hiến chương của GHPGVNTN. Trong tình trạng đó, thứ nhất là họ chưa hiểu GH, chưa hiểu tổ chức GĐPT, thì mình phải có bổn phận ẩn nhẫn, rồi trình bày cho vị Thầy đó hiểu về hiến chương của GH, về nội quy, quy chế của GĐPT đã được GH phê chuẩn để cho vị ấy biết. Chống giáo hội nghĩa là chống hiến chương, chứ không phải là theo thầy này bỏ thầy kia; phá giáo hội chính là phá hiến chương của GH. Chứ còn theo Thầy A hay theo Thầy B, chưa hẳn là theo GHPGVNTN. Đó chính là ứng dụng Vị nhân tất đàn, để có Đối trị tất đàn và cuối cùng là đưa họ về Đệ nhất nghĩa tất đàn.

Hỏi:

Có vị bảo rằng, chúng con không theo các Thầy là chống Giáo hội có phải không?

Trả lời:

Phật tử quy y Tăng không phải là quy y một Thầy Tỳ kheo. Quy y Tăng thì lúc nào và ở đâu cũng tồn tại, còn quy y một Thầy Tỳ kheo, Thầy đó chết thì mình hết quy y sao!

Do học đạo, dạy đạo bị lầm lẫn dẫn tới việc gây khó khăn cho tổ chức. Cũng như mình bảo vệ giáo hội, chứ đâu phải mình đi theo một người lãnh đạo sai hiến chương, pháp lý của giáo hội. Phần nhiều người ta nhận thức lầm, tưởng rằng người lãnh đạo giáo hội là giáo hội. Đó là sai lầm mà mình cần phải học để thấy và làm cho mọi người chung quanh cũng thấy. Nếu không, người ta sẽ lợi dụng hết cái này đến cái khác, cuối cùng không phải phân hóa một mà phân hóa thành trăm, thành ngàn và ai cũng xưng hùng, xưng bá hết.

Vị đó dù thế nào đi nữa vẫn là cá nhân, còn nói chuyện đúng sai theo tổ chức, thì phải có quy chế để xác định đúng sai chứ! Nếu người ta làm việc tùy tiện, mà mình đi theo đám tùy tiện đó, thì trước sau gì mình cũng bị hủy diệt, theo kiểu “tùy tiện sinh thì tùy tiện diệt” của đám người tùy tiện. Đối với đám người làm việc tùy tiện, anh hùng cá nhân, phi nguyên tắc, mình để ý đến họ làm gì. Nếu mình để ý đến loại tùy tiện sinh, tùy tiện diệt ấy, thì không đời nào mình giải quyết xong cái tùy tiện ấy của họ.

Đừng nghĩ rằng, Thầy là số một. Không có Thầy nào số một hết. Chỉ có Tam bảo là số một thôi. Phật tử phải hiểu điều đó. Đây không phải là lý thuyết mà là thực tế. Đây là sự thực tập, sự chứng nghiệm. Vấn đề là mình có đủ bản lãnh để khẳng định được mình là ai không. Phật tử thì phải thực tu, thực học theo những gì đức Phật đã dạy, chứ không nên tùy tiện làm theo cá tính của mình.

Mình quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng chứ có phải mình quy y cá nhân một Thầy nào đâu. Nếu quy y với một Thầy, Thầy đó không tu, bỏ về đời, mình cũng về đời theo Thầy đó luôn sao; Thầy đó đi ăn cướp, mình cũng chạy theo Thầy đi ăn cướp sao! Thầy Tỳ kheo có thể ăn trộm, có thể ăn cướp, có thể giết người, có thể lấy vợ. Bởi vì, một Thầy Tỷ kheo, khi không có duyên tu hành đàng hoàng, đời sống của Thầy đó, có thể xảy ra những chuyện không đàng hoàng đó. Nhưng, Tăng thì không bao giờ có chuyện đó.

Một Thầy Tỷ kheo có thể giết người, nếu không, sao lại có giới cấm một Thầy Tỷ kheo không được sát sanh? Một Thầy Tỷ kheo có thể đi ăn trộm của người khác, nếu không, sao lại có giới luật cấm Thầy Tỷ kheo ăn trộm? Một Thầy Tỷ kheo có thể hành dâm, nếu không, sao trong luật lại có giới cấm Thầy Tỳ kheo dâm dục? Một Thầy Tỷ kheo có thể nói láo, nếu không, sao giới luật lại cấm Thầy Tỷ kheo nói láo?  Một Thầy Tỷ kheo có thể phạm phải bất cứ một giới luật nào, do Phật chế định, nhưng Tăng thì hoàn toàn thanh tịnh. Tỷ kheo chỉ là thành viên của Tăng bảo mà không phải là Tăng bảo. Tăng bảo phải là bốn vị Tỷ kheo sống thanh tịnh và hòa hợp với nhau trở lên. Vì vậy, mình quy y Tăng, chứ không phải quy y với Thầy Tỷ kheo nào hết. Nếu Thầy Tỷ kheo nào có giới, có định, có tuệ, thì vị ấy được Tăng cử làm vị truyền giới cho mình. Nên, hiểu đúng giới luật, thì mình quy y Tăng, chứ mình đâu có quy y một cá nhân thầy nào đâu. Thầy nào hướng dẫn phật tử tu học đúng với Giới, Định, Tuệ, thì mình đi theo, nương tựa để tu học, nếu hướng dẫn sai Giới, Định, Tuệ, thì mình có quyền từ bỏ vị đó, mà không có lỗi gì đối với giới luật hay đối với đạo cả.

Phật tử muốn bảo vệ đạo phải biết cho rõ những điều như vậy. Mình không vì tình cảm riêng tư, mà hư hỏng lý tưởng và mục đích tu học của mình. Cái gì đúng chánh Pháp thì mình cứ nói và làm. Nếu nói và làm đúng chánh Pháp mà thân này bị hủy diệt, thì cũng chấp nhận, chứ không có gì phải sợ hãi hết.

Hỏi:

Làm thế nào để mình đi đúng hướng?  Trong Phật giáo chú trọng đến Pháp thí mà không chú trọng đến tài thí phải không?

Trả lời:

Mình đi tới với đạo Phật mà không phải với tâm mong cầu giải thoát, tâm từ bi, tâm “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, mà đem quan điểm chính trị, quan điểm này, quan điểm kia để tới với đạo Phật, thì trước sau gì tổ chức mà mình gây dựng đó cũng bị phân hóa thôi. Cho nên, phải đi tới với đạo Phật bằng tâm từ bi, tâm trí tuệ, mong cầu đời sống giải thoát giác ngộ, lợi mình, lợi người, tự độ, độ người thì đương nhiên mình sẽ đi đúng hướng mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Đó là cái hướng của Đệ nhất nghĩa tất đàn.

Còn đi tới với Phật giáo bằng quan điểm này, quan điểm nọ, thì mình sẽ tạo ra rắc rối cho chính bản thân mình, chứ không phải cho Phật giáo; mình sẽ không thu hoạch được những gì mà Phật giáo cống hiến cho mình. Có câu chuyện như sau: một vị khách đến hỏi chuyện một vị thiền sư; vị thiền sư vẫn chế trà, tràn đầy cả chén mà vẫn tiếp tục chế; khách thắc mắc tại sao nước trà trong chén đã đầy mà thiền sư vẫn rót vào; vị thiền sư cười và nói “cũng vậy, hễ người đã mang đầy quan điểm mà tôi có nói, thì nói kiểu gì cũng không vào được trong đầu họ, ví như nước trong chén đã đầy, có rót chừng nào đi nữa cũng tràn ra thôi”. Cho nên, người mang quan điểm, thành kiến chính trị, thành kiến phe nhóm này phe nhóm khác, để đi tới với đạo Phật thì không bao giờ họ nhập vào được trong đạo Phật, họ không bao giờ đi tới được cửa ngõ của đạo Phật, chứ đừng nói họ là Phật tử, hay là người của đạo Phật. Nhiều người chỉ là hình thức Phật tử, chứ nội dung không phải là Phật tử đâu! Quý anh/chị/em phải hiểu cho được điều này để mình yên tâm tu học, và mình mong rằng, làm thế nào mình được gặp các bậc thầy tu hành đúng như những gì mà Đức Phật đã dạy và mình cũng có thể học được từ nơi anh chị em của mình là những chân Phật tử; chứ chiếc áo, cái đầu chưa thể gọi là Thầy tu, là Phật tử hay là cái gì trong đạo Phật hết.

Lại nữa, hỏi rằng bây giờ người ta phát triển pháp thí, mà trong Phật giáo không chú trọng đến tài thí? Thật sự ra tài thí, pháp thí, vô úy thí, ba cái này hỗ dụng cho nhau như Tứ tất đàn mà mình đã học. Người ta đói, mình không cho người ta ăn mà thuyết pháp, ai thèm nghe; người ta no rồi, mình đem thức ăn ra mời, người ta chê, thì mời làm gì. Cho nên, chuyện tài thí, pháp thí, vô úy thí, phải tùy từng đối tượng, hoàn cảnh mà ứng dụng, chứ không phải là nhất thiết, cố định. Như vậy, Phật tử cần phải nỗ lực học hành, làm kinh tế không mỏi mệt. Để làm gì? Không phải để làm giàu. Người Phật tử làm đủ ăn thôi. Mình làm kinh tế là để giúp cho những người không có điều kiện kinh tế. Đó là mình đang ứng dụng Vị nhân tất đàn.

Mình thuyết pháp không phải vì danh, vì lợi, không phải để người ta tâng bốc mình là pháp sư, là giáo sư, là người nổi tiếng, để người ta cúng dường tiền bạc cho mình hay để được người ta ca ngợi mình; thuyết pháp với tâm ý như vậy gọi là tà mạng, tà ngữ, không đúng với chánh pháp mà Đức Phật muốn người đệ tử của Ngài phải thực hiện. Mình thuyết pháp là vì muốn cho người ta hiểu rõ pháp mà tu tập. Đó là điều mà các anh chị em phải lưu ý.

Hỏi:

Thế giới dưới cái nhìn của Phật giáo bao gồm ba cõi sáu đường, chứ không phải chỉ giới hạn trong phạm vi loài người. Nhưng làm thế nào để nói điều đó cho những người chưa tin Phật hiểu được?

Trả lời:

Xã hội Phật giáo bao gồm ba cõi sáu đường. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo, họ vẫn tin có Thiên đàng và Địa ngục. Tín đồ các tôn giáo khác cũng tin thiên đàng, địa ngục, ví dụ Bà La môn giáo cũng tin có Phạm Thiên. Cho nên, mình nói thế giới gồm ba cõi sáu đường là mình nói với cái nhìn toàn thể và chính xác, còn nói chỉ có thiên đàng và địa ngục thì vẫn còn hạn chế. Đối với các tôn giáo khác, mình nói có cõi trời thì họ chấp nhận liền. Nhưng đối với Phật giáo, cõi trời gồm có trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, và Dục giới do cái gì tạo nên, Sắc giới do cái gì tạo nên, Vô sắc giới do cái gì tạo nên, địa ngục do gì tạo nên.

Trước hết, mình đồng với các tôn giáo khác là Địa ngục do những người làm ác tạo nên. Và mình cụ thể hóa địa ngục trong xã hội con người là những kẻ ăn trộm ăn cướp, bị bắt, giam cầm, tra khảo, đánh đập hay địa ngục ở chính nơi các bệnh viện, nơi mà con người bị cưa, bị xẻ, rên xiết đủ thứ. Cho nên, khi mình nói đến thiên đàng, địa ngục, những người tôn giáo khác sẽ chấp nhận, và từ sự tương đồng đó mà mình chia sẻ những vấn đề sâu sắc hơn.

Có một lần Thầy giảng ở Dòng con Đức Mẹ vô nhiễm Kim Long, Thầy cũng không nói gì đến Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, mà chỉ nói đến sự tương đồng của Phật giáo và Thiên Chúa giáo qua tiếng chuông thôi. Thầy nói đến cách nghe chuông, cách thực tập hơi thở khi nghe chuông. Mình sẽ đi từ những điểm gặp nhau cơ bản đó, để từ từ mà nói về cái rộng, cái sâu, cái chuẩn xác của mình. Còn nếu mình phủ nhận họ hoàn toàn thì không cách gì mà mình nói với nhau được.

Đối với những người không có tôn giáo, mình không cần phải nói với họ về niềm tin tôn giáo. Mình nói với họ cách khác. Chẳng hạn, mình nói với họ tin vào công việc mỗi người đang làm, nếu ai không tin vào công việc đang làm thì không thể thành công được; nếu không gắn bó với công việc đang làm thì mình sẽ thất bại. Sau khi nói những điểm tương đồng, mình có thể nói về những điểm sâu-cạn, rộng-hẹp.

Nhờ gì mà mình nói được những điều ấy? Nhờ Tứ tất đàn. Nhờ ứng dụng tứ tất đàn. Nhờ vào thế gian tất đàn. Thế gian hiểu ngang đâu thì mình ứng dụng ngang đó, thế gian chấp nhận ngang đâu thì mình bắt đầu từ ngang đó mà nói. Còn chuyện sâu, rộng, hẹp là do trình độ tu tập của mình, trình độ học Phật của mình. Nếu mình nói mà thiếu thế gian tất đàn thì không ai hiểu được. Vì vậy, người nắm Tứ tất đàn thì nói với ai cũng được, dù là có tôn giáo hay không có tôn giáo; có trí thức hay không có trí thức; dù thánh hay phàm, dù người thuộc bên này hay bên kia. Vì tất cả đều là con người. Mình nói bắt đầu nơi cái tình người, rồi từ đó mà tiến xa hơn, nói về nhân ái, bác ái, từ bi. Còn nếu không đi từ tình người mà nói ngay về từ bi, bác ái thì không khác gì xây nhà lầu trên cát. Cho nên, các anh/chị/em đi vào cuộc đời phải cực kỳ thông minh. Chỉ học trong sách vở thì không đủ, vì sách vở không bao giờ diễn tả hết thực tế cuộc sống được. Mình phải có tu học, phải có tuệ giác để ứng đối với cuộc đời, tùy duyên để mình thuyết pháp, giáo hóa chứ không có một nguyên tắc cố định nào hết.

Hỏi:

Vậy đối với những người thanh thiếu niên không tin vào thiên đàng địa ngục mà chỉ tin vào khoa học, mình có thể nói rằng mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ được không?

Trả lời:

Đối với những người chỉ tin khoa học mà không tin cái gì khác, mình phải chỉ cho họ khoa học có hai mặt. Nếu khoa học được sử dụng bằng trái tim thì mang lại lợi ích cho con người, cho xã hội. Nhưng nếu lợi dụng văn minh khoa học, sử dụng khoa học với các thủ đoạn thì sẽ mang lại nguy hiểm hơn là xây dựng xã hội con người. Mình không cần phải truyền bá tôn giáo, chỉ cần nói tai hại do khoa học mang lại cho xã hội con người. Ngày nay xã hội đang la làng lên vì nạn ô nhiễm môi trường, đó chính là hậu quả của khoa học chứ còn gì. Khoa học giúp con người bao nhiêu thì chính khoa học tàn hại con người bấy nhiêu. Ngày trước cha ông mình mất rất nhiều thời gian để đào được một hầm mỏ, ngày nay nhờ văn minh khoa học, con người đào mỏ nhanh, khai thác tài nguyên thiên nhiên rất nhanh và rất nhiều. Do đó mà thiên nhiên lên tiếng. Bởi vậy, mình đã có trí thức khoa học, mà còn có thêm tâm từ bi nữa thì sẽ sử dụng khoa học rất có lợi ích. Trái lại, mình chỉ có trí tuệ khoa học mà thiếu tâm từ bi khi sử dụng khoa học thì khoa học là một thảm họa cho xã hội con người.

Còn bản thân con người là cả một khoa học tự nhiên vĩ đại, cái mũi nằm ở đâu, con mắt, cái miệng nằm ở đâu, tất cả vị trí của chúng đang nằm đều là những sự phối hợp có khoa học cả. Ấy là khoa học của nhân duyên, nhân quả. Không có người nào mà tóc mọc dưới chân cả. Bản thân con người là một khoa học mầu nhiệm, còn cái khoa học hiện nay đang phát triển đó, nó là khoa học của tri thức con người, rất hạn chế, và đang hướng tới cái khoa học tự nhiên của con người đã vốn có. Do đó, nên hướng niềm tin vào một nền khoa học hạn chế đó đến với một niềm tin khoa học vô hạn. Nhưng để nói được điều đó, mình phải nói cho họ, con người là một đối tượng nghiên cứu, nhưng cho dù có nghiên cứu đến mức nào đi nữa, khoa học tri thức cũng không thể nào giải thích tường tận được sự có mặt của một ngón tay.


digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb