ĐẠO LÀM ĐỜI SỐNG NỞ HOA
ĐẠO LÀM ĐỜI SỐNG NỞ HOA
ĐẠO KHIẾN ĐỜI TA KẾT QỦA
– **** –
Đã là Phật Tử chẳng ai là người không biết đến câu “ Đời là bể khổ, bến mê “. Câu nầy bàng bạc nằm trong giáo lý, bắt đầu bằng một định đề là cuộc đời chồng chất khổ đau và con người thì sống trong u mê, lầm lạc. Cũng vì câu nói nầy mà nhiều người đã nhìn đời không thấy đẹp tươi, đôi khi còn chán nản, buồn than kiếp sống! Và, những người không hiểu Đạo Phật thì đã cho rằng đạo nầy tiêu cực, yếm thế. Họ đã hiểu sai tinh thần giác ngộ, giải thoát.
Đạo Phật đã được hình thành từ trong cuộc sống, để giúp mọi người vượt thoát những khổ đau, để cho mọi người hiểu đời chân thật và thấy mình một cách rõ ràng nên mới gọi là đạo Giác ngộ, Giải thoát.
Giác ngộ có nghĩa là thấy rõ được mình, hiểu thấu được người và biết được sự chuyển lưu của cuộc sống, của con người
Giải thoát là bình thản trước nghịch cảnh, không ôm chặt những ưu đãi mà mình có được, không để tình cảm hay hoàn cảnh trói buộc mình, lại biểt chia xẻ buồn vui với mọi người và nhất là quên đi chính mình để hoà vào cuộc sống, để tìm hạnh phúc trong việc phục vụ tha nhân, cho đời ngày thêm tươi đẹp
Một vị Giáo Chủ Ấn Giáo đương thời, Ngài Sai BaBa đã kết tinh cuộc sống trong bốn câu sau đây :
-Tận cùng của sự khôn ngoan, của đạo lý là sự tự do
-Tận cùng của văn hóa là sự toàn hảo
-Tận cùng của sự hiểu biết la tình thương yêu, và
-Tận cùng của sự giáo dục là tạo thành một nhân cách mới
Những câu nói ngắn gọn nầy đã cho ta thấy cái nhìn rất sâu của ông. Ông đã không hề nói đạo nhưng chính những điều được trình bày trên là đạo vậy. Ông đã có cái nhìn về cuộc sống không khác gì về đạo Phật.
Thật thế, nếu tận cùng của sự minh triết, của đạo lý là sự tự do thì chính đó là hai chử “ giải thoát “của Phật Giáo. Nếu tận cùng của văn hoá là sự toàn hảo thì đó la cái “ Trí giác ngộ “ của Phật Giáo,. Nếu tận cùng của sự hiểu biết là tình yêu thương thì đó la “Tâm Bi” trong Phật Giáo. Và sau hết, nếu tận cùng của sự giáo dục tạo thành một nhân cách mới thì đối với Phật Giáo là con người “hỷ xả”, con người biết buông bỏ trong niềm vui làm đẹp đời và làm sáng đạo.
Những điều vừa trình bày trên đã nói lên cái sâu và đúng qua nhận định của Ngài Sai BaBa về cuộc đời. Nhưng còn cái nhận định rất sống của Ngài lại nằm trong hai chữ “ tận cùng “. Hai chữ nầy đã dẫn ta đến cuối con đường , đã dẫn ta đến một cảnh giới mới, một phát minh mới, đúng như câu trong ”Dịch học” Đông Pương là “Cùng tắc biến” nghĩa là đến cùng thì sẽ sinh ra cái khác. Cái khác của Phật Giáo mà hôm nay chúng ta muốn nói đến là ”trong phiền não thấy Bồ Đề “ hay” trong khổ đau thấy Giác Ngộ ” và “ trong trói buộc tìm được sự Giải Thoát “ hay nói khác đi là: tận cùng của sự phiền não thì Bồ Đề sẽ nở hoa, hay tận cùng của những sự ràng buộc ta sẽ tìm được sự tự do trong đó.
Đạo Phật không bão ta trốn tránh cuộc sống mà dạy ta nhập cuộc, để rút ra sự sống, để cho” Đời sống nở hoa “ và từ những bông hoa đó, người Phật Tử đã kết thành qủa giác ngộ, rồi hành giả thênh thang bước đi trên đường giải thoát, để vào căn nhà hạnh phúc, vào sự bình an nội tâm được gọi la Niết Bàn, ngay trong cuộc sống….
California,ngày 7 tháng 1 năm 2012
Tâm Hoà Lê Quang Dật
Sưu tập và lược soạn
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)