VIẾT CHO CÁC EM NGÀNH THANH THIẾU: CHÂN NGÃ

ĐỒNG TRÚC

CHÂN NGÃ

Viết cho các Em Ngành Thanh Thiếu

Nầy Em !

Đó là một ngày nắng đẹp, những ngọn gió nhẹ, thổi tan mây, làm trời trở nên quang đãng, trong xanh, ấm áp, thật tuyệt vời !  Không đành lòng từ chối với chính mình, có ý định làm một cuộc đi bộ vào khu rừng mang tên Superior National Forest, cách nhà tôi không xa lắm.

Để tạm chiếc xe tại bãi đậu xe, và tiếp tục đi vào khu rừng, cây cối, hoa lá trong rừng tỏa ra mùi thơm ngai ngái, hăng hắc, nhưng nồng nàn, dễ chịu. Càng đi sâu vào rừng, tiếng động của trần gian như bỏ lại bên ngoài và nơi chốn thâm sâu, tĩnh mịch, tiếng gió, tiếng lá cây, tiếng chim kêu ríu rít, hòa cùng tiếng muôn thú khác, là những âm thanh duy nhất, bây giờ và ở đây !

Một khoảng đường khá xa, nên thấm mệt, thoáng nghe như mỏi chân, tôi chọn một tảng đá khá bằng phẳng, bên cạnh tàng cây có bóng mát và ngồi lên, sửa mình qua thế ngồi thoải mái, thở nhẹ, hít sâu …

Bổng, trước mặt tôi, xa xa một chút, đó là một đạo sĩ ẩn tu, như đó là một người thuộc thổ dân Châu Mỹ (American Indian) , hay được gọi là người da đỏ, theo cách gọi của người Việt.  Đoán chừng, người nầy đang tu tập khổ hạnh, như nhịn đói cũng khá lâu, nên thân thể gầy ốm, trơ xương, toàn thân ông, da sạm nắng và đầy bụi, mặt mũi ông ta hốc hác, đôi mắt lõm sâu vào, như hai hốc núi.  Cũng đoán rằng, hình như ông ta đã khổ hạnh tu tập lâu lắm rồi, ông ta tự hành hạ thể xác mình để mong đạt đến “Thần Ngã” và chính vì cái thiếu hiểu biết đó, là hình phạt cá nhân trong sự tu tập.

Thật vậy ! Rất có nhiều người muốn đạt tới bản ngã Thượng Đế qua phương cách hành trì khổ hạnh, ép xác, v.v… Sự nỗ lực đạt tới Thượng Đế đã khiến người ta chối bỏ cuộc đời nầy và tìm cách hủy diệt thể xác mình.

Thiết nghĩ, những người mê muội đó, thực ra chỉ là những kẻ “bịp bợm”, tự lừa dối mình và lừa dối người.

Cái lối tu ép xác khổ hạnh, hay đời sống phóng túng, hoang đàng, xa hoa, không phải là con đường chân chánh, dẫn con người đi tới nẽo Chân-Thiện-Mỹ.  Con đường thứ ba duy nhất, đưa con người về đến Chân Như Tự Tánh là con đường cân bằng giữa hai cực đoan ấy. Đạo Phật, gọi đó là con đường Trung Đạo (The Middle Way).  Đúng vậy ! Con người cần có sự cân bằng mới đứng vững, đi vững được.  Ngược lại, mất cân bằng, con người sẽ nghiêng ngã và té xuống.  Thêm nữa ! Sự vui hưởng nhục dục cũng như khổ hạnh, ép xác v.v…, đều đưa con người tới sự hủy diệt.

Tôi nhớ rất rõ, có một đoạn trong Bộ Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya) (Collection of Middle-Length Discourses), Đức Thích Tôn đã ví dụ sự tu tập qua các sợi dây đàn.  Nếu dây đàn chùng quá, âm thanh sẽ không phát ra được, nếu dây đàn căng quá, tiếng đàn cũng không kêu.  Do đó , người Nhạc Sĩ, hay người chơi đàn phải điều chỉnh sợi dây, sao cho nó vừa mức, không chùng mà cũng không căng ; để âm thanh phát ra thành các nốt nhạc tuyệt vời, nghe êm dịu hơn.  Quy luật của âm nhạc và quy luật cuộc sống con người cũng giống nhau.  Sự thật là mức cân bằng giữa hai cực đoan (extremist)

Một thoáng nghĩ đến với tôi, tôi liền đánh liều tiến gần đến vị đạo sĩ khổ hạnh kia, để trình bày với ông ta thấy sự sai lầm trong đường lối tu tập của ông ta (dĩ nhiên, tôi tiếp xúc với ông ta bằng Anh Ngữ) . Tôi khéo léo, nhẹ nhàng và lễ phép thưa với ông “-Hãy quên đi những ước mơ, những khao khác cuồng vọng đạt tới Đại Ngã, xin góp ý với ông, chỉ cần ngồi yên quan sát.  Hãy ví tâm của ông như ly nước đầy cáu bụi, ông hãy để ly nước ấy xuống một nơi nào có mặt bằng phẳng ; và rồi ông sẽ thấy, theo quy luật tự nhiên, những cáu bụi kia sẽ từ từ đọng xuống đáy ly, và nằm yên ở đó”. Ông đạo sĩ nghe xong, đôi mắt ông nhìn tôi chăm chú, trên gương mặt lộ diện, như ông ta tĩnh giấc sau một giấc ngủ dài …

Tiễn ông, với đôi mắt nhìn theo và bóng ông khuất dần sau những hàng cây dẻ, cây sồi, cây phong (Arorns trees, Marical-oak trees, Birch trees), còn lại nơi tôi, trong giây phút hiện tại thật sâu sắc hơn, bởi vì giây phút hiện tại chính là không gian, trong đó mọi chuyện được xẩy ra, rồi bỗng có những khoảng trống phát sinh giữa những ý tưởng.  Đó là không gian và sự tĩnh lặng dưới bóng râm, trên tảng đá, ánh sáng của nắng trưa xuyên qua tàng cây, khe lá, tiếng kêu của muôn thú, tiếng động của lá rừng đã trả về chân thực im lắng của không gian, vạt nắng tô điểm trên hoa cỏ dại thêm màu vàng nhạt …

Trong trí nhớ, đưa tôi về với một đoạn trong cuốn sách Stilliness Speakes của Eckhart Tolle đã nói nhiều về sức mạnh của tĩnh lặng, của Chân Ngã, tức là bản chất chân thực, bất hủy hoại, vĩnh cửu của mình. “-Khi Bạn đánh mất liên lạc với sự im lắng ở nội tâm, Bạn sẽ đánh mất liên lạc với chính mình. Khi Bạn đánh mất với chính mình, Bạn sẽ tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng.  Cảm nhận nội tại về chính tự thân mình, tức bản chất chân thực của Bạn là gì, bản chất ấy không thể tách rời khỏi sự im lắng.  Đây chính là cái Chân Ngã sâu kín của Bạn, vượt lên trên tên gọi và hình tướng”.

Quả thật vậy thưa Em !

Tâm thức của Em và tôi, tức là cái biết linh hoạt và sống động, nhưng vô hình tướng (bodiless) ở trong tôi và Em, đó chính là bản chất chân thực của mình.  Cũng vậy ! Những hạt bụi phiền não sẽ rơi rụng khi Em và tôi ngồi yên, cân bằng và lặng lẽ, quan sát từng sát na hoạt động của dòng tâm thức (the mind).  Một ngày nào đó, khi ý thức hoàn toàn vắng bặt mọi vọng niệm phân biệt, Tiểu Ngã và Đại Ngã sẽ tan biến đi trong Chân-Ngã.

Bây giờ, mời Em cùng tôi ứng dụng qua ly nước đầy bụi cáu, hãy để ly nước ấy lên một mặt bàn bằng phẳng, rồi Em và tôi cùng nhau chứng nghiệm xem sao ?

Kìa ! Thấy không Em ! Ấy là CHÂN NGÃ vậy !

Chào Em ! Hẹn Em lần sau nhiều hơn  Em nhá !

ĐTR-HC

Xứ Vạn Hồ, cuối Hè 2011

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb