PHẬT PHÁP: TỪ BI VÀ KẺ THÙ
TỪ BI VÀ KẺ THÙ
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma (thứ 14)
Chuyển ngữ: Phương Dung
Phân tích được như vậy chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta chỉ nên giận cái tâm vô minh sai lầm trong con người kia, vì nó chính là nguyên nhân khiến cho họ hành động điên rồ. Chúng ta nên quán xét như vậy để ứng xử với các hoàn cảnh khó khăn xảy đến cho cuộc đời mình.
Nên nhớ tâm sân hận sẽ đưa chúng ta gặp nhiều đau khổ hơn trong kiếp sau. Vì thế, khi gặp cảnh thiệt thòi và đau khổ chúng ta nên nhẫn nhục và chịu đựng. Làm như vậy có thể giúp chúng ta thoát khỏi các hoàn cảnh khổ đau ở tương lai.
Khi sân hận chúng ta dễ dàng đi đến hận thù và có thể giết hại cả những người đã từng tử tế và giúp đỡ chúng ta, hoặc chúng ta có thể gây nên những điều độc ác làm hại đến người khác. Như vậy sân hận không bao giờ đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người. Chính sân giận là một loại kẻ thù vô cùng độc hại của tâm và chúng ta cần quán chiếu để tránh xa nó.
Một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ là khi tâm bị sận giận, hận thù, độc ác dẫn dắt chúng ta đến những hành động sai lầm, bất thiện đối với người khác. Những ác nghiệp đó sẽ tàng trữ trong tâm thức của chúng ta và khi chết chúng sẽ đưa chúng ta đi tái sinh trong các cõi thấp hèn cực kỳ đau khổ. Lúc đó bao nhiêu công đức tu tập của chúng ta cũng đều tiêu tan. Vì vậy để đối trị lại tâm sân giận và hận thù, chúng ta cần phải thực tập hạnh nhẫn nhục. Mặt khác, khi có người làm hại chúng ta, tâm chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất thái độ từ bi đối với họ.
Giáo pháp của Ðức Phật dạy chúng ta chịu đựng và nhẫn nhục để có được tâm bình an và sáng suốt. Nhờ vậy, khi chúng ta phải va chạm với những năng lực thù hận hay nghịch cảnh nào đi nữa, tâm chúng ta vẫn có được thái độ bình thản và an lành. Ngoài ra sự nhẫn nhục chịu đựng của một người tu tập tâm linh trước các tình cảm khó khăn đau khổ, còn cho thấy giá trị của sự kiên cường và dũng cảm của họ, vì đó cũng là cơ hội để chuyển hóa tâm thức để đạt tới giác ngộ và giải thoát. Bởi vì khi không khổ đau, chúng ta sẽ không quyết tâm chấm dứt vòng luân hồi sinh tử.
Lẽ dĩ nhiên khi chúng ta tuyên chiến với phiền não, chắc chắn chúng ta sẽ phải gặp nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Ðối với cuộc sống của một con người ở thế gian, đâu có ai đi đánh nhau mà lại an lành, thoải mái. Bởi vì khi chúng ta khai chiến với nghịch cảnh và phiền não, đương nhiên các năng lượng tốt lành trong chúng ta sẽ suy yếu đi, còn lo lắng ưu phiền thì lại tăng tưởng thêm. Vì vậy, trong tình cảnh đó chắc chắn chúng ta sẽ phải chịu đựng ít nhiều buồn khổ. Ðiều quan trọng là chúng ta hiểu được vấn đề sẽ là như vậy, để có thể chấp nhận và chịu đựng để chấp nhận những nỗi khổ xảy đến cho chính mình để vượt qua lòng thù hận. Theo tôi, đó mới là người thắng trận và thực sự là anh hùng có sức mạnh nội tâm.
Ðối với người ác tâm làm hại chúng ta, nếu chúng ta tập quán từ bi và nhẫn nhục, chúng ta có thể tiêu trừ được nhiều ác nghiệp cũ. Kẻ thù làm hại chúng ta là vì vô minh. Nếu chúng ta cũng thù hận và trả đũa lại, thì cả hai đều sai lầm và có lỗi. Nếu chúng ta không bị vô minh làm cho u tối, chắc chắn chúng ta sẽ không hành xử giống như người đã làm hại chúng ta.
Tâm sân giận và hận thù có thể đưa chúng ta chịu cảnh khổ đau trong địa ngục cả ngàn năm. Hiểu được sự tai hại của tâm sân hận, chúng ta phải cố gắng tự chủ nơi bản thân và loại bỏ tính xấu này. Nếu không, chúng ta cứ tạo thêm ác nghiệp thì công trình tu tập của chúng ta cũng tiêu rụi đi như một đám lửa tàn.
Bình thường khi nghe người khác khen ngợi về một người nào đó, chúng ta thường khởi tâm ganh tỵ. Thái độ này thật là sai lầm cần phải loại trừ. Như vậy chúng ta thường cầu nguyện câu “mong cho chúng sinh được an lạc” để làm gì? Ðó chỉ là lời cầu nguyện suông của chúng ta? Nếu chúng ta thật tâm mong ước cho tất cả chúng sinh được an vui thì tại sao người ta vui còn bạn thì bực mình? Nếu chúng ta thường cầu nguyện “mong cho chúng sinh đồng thành Phật Ðạo” thì tại sao bạn lại ghen tức khi người ấy đến bờ giác ngộ và được người đời kính nể? Tại sao chúng ta lại sinh tâm đố kỵ và cạnh tranh với người được nhiều phước lành hơn chúng ta? Khi món quà đó hay ân phước đó không phải là của bạn, thì tại sao bạn lại bực tức và giận dữ? Nếu bạn không muốn họ được phước lành và an vui, thì bạn cầu nguyện cho chúng sinh để làm gì?
Nhưng người có tu tập tâm linh tâm và làm các điều thiện vì thế ngày nay họ được các quả lành. Tại sao bạn lại ganh tỵ với họ? Hãy thử nghĩ cho kỹ xem vì sao bạn lại vui mừng khi thấy người khác thất bại và đau khổ? Ác tâm đó sẽ đưa dẫn bạn đọa đày trong địa ngục tăm tối chịu khổ đau trong nhiều kiếp. Tiền tài, địa vị, danh tiếng của kiếp người thật là phù du, ngắn ngủi. Vì thế chúng ta cần có trí tuệ để phân biệt được điều gì nên làm và cố gắng làm để mang lại lợi ích cho chúng sinh. Còn những điều bất thiện có nguy cơ làm hại, gây khổ đau cho người khác và đưa chúng ta đến chỗ thấp hèn thì chúng ta nên dừng lại, trước khi chúng ta tạo nên quá nhiều nghiệp ác.
Theo giáo lý của Ðạo Phật, đức nhẫn nhục cực kỳ quan trọng trong hạnh nguyện của Bồ Tát, và nhờ có kẻ thù xuất hiện mà chúng ta phát triển được đức hạnh này. Vì vậy kẻ thù cho chúng ta cơ hội để thực tập hạnh nhẫn nhục mà không phải làm hại đến ai. Người bị coi là kẻ thù vì họ có ý làm hại chúng ta; nhưng chính họ cũng là người giúp cho chúng ta cơ hội thực tập hạnh nhẫn nhục của các vị Bồ Tát. Nếu ai cũng tốt bụng và từ ái với chúng ta thì làm sao chúng ta có cơ hội để thực tập đức hạnh này?
Nếu chúng ta là người tu tập tâm linh và bị kẻ thù gây trở ngại, chúng ta nên quán tưởng kẻ thù như là một cơ duyên để chúng ta tu tập nhẫn nhục. Vì vậy khi chúng ta nuôi dưỡng được lòng thương xót đối với kẻ thù thì chúng ta cũng sẽ có được tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh. Ðó cũng là dấu hiệu cho thấy sự thành công của chúng ta trên đường tu tập tâm linh.
Theo lý nhân quả, vì nghiệp ác của đời trước nên kiếp này chúng ta bị kẻ thù làm hại. Còn kẻ thù của chúng ta vì vậy tạo nghiệp ác trong đời này mà phải chịu cảnh khổ trong địa ngục ở tương lai. Vì làm hại chúng ta mà kẻ thù phải nhận lãnh nghiệp quả khổ đau. Như vậy chính chúng ta cũng có trách nhiệm về những nghiệp bất thiện này của kẻ thù. Hơn nữa, kẻ thù còn tạo cơ hội cho chúng ta thực tập hạnh nhẫn nhục và đạt đến giác ngộ. Suy gẫm cho kỹ thì kẻ thù là người mang đến lợi ích cho chúng ta trên đường tu tập.
Nhờ có kẻ thù làm hại, mà chúng ta phát triển được tâm nhẫn nhục và đức tính vị tha. Vì vậy, cho dù kẻ thù làm hại chúng ta, chúng ta vẫn luôn cố gắng đối xử với họ bằng tâm từ ái. Chúng ta hành xử như vậy cũng là cách đền đáp ân đức của chư Phật và Bồ Tát vì các Ngài thương yêu muôn loài với lòng Từ Vô Lượng.
Nếu chung ta có lòng nhẫn nhục, bao dung tha thứ những chúng sinh đã làm hại ta, thì không những chúng ta mang lại an vui cho chúng sinh mà chúng ta còn làm đẹp lòng chư Phật. Ðây là phương cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn quý Ngài và tạo sự bình an hạnh phúc nơi tâm chúng ta.
Khi nuôi dưỡng lòng Từ Bi chúng ta nên suy gẫm về những nỗi khổ đau của chúng sinh và đó cũng là động cơ thúc đẩy chúng ta dấn thân giúp đỡ chúng sinh giảm đi phần nào đau khổ. Bình thường trong cuộc sống, chúng ta thường bận rộn với những chuyện vui buồn của thế gian và của chính mình nên chúng ta thường bỏ quên chúng sinh. Do đó tất cả phiền não, khổ đau mà chúng ta gặp phải thường là kết quả của lòng tham đắm hạnh phúc cho riêng mình. Chính lòng vị kỷ và sự nhận thức sai lầm về tự ngã đưa chúng ta đến bất an, khổ đau và độc ác.
Ðể tránh những điều tai hại này chúng ta cần phải nỗ lực phục vụ chúng sinh, làm cho chúng sinh được an vui hạnh phúc như chư Phật đã làm. Ðó cũng là cách chúng ta báo đáp ân đức sâu dày của chư Phật.
Chúng ta cũng phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta thường sống ích kỷ, hay ganh đua với người bằng sức và ghen tỵ với người hơn mình. Vì vậy chúng ta thường tự cảm thấy tại sao người kia được mọi người kính nể còn ta thì lại không? Tại sao người kia thường được ngợi khen còn ta thì không ai đoái hoài đến? Tại sao người kia luôn sung sướng mà ta thì quá nhọc nhằn? Tại sao người kia nổi danh khắp nơi trong khi ta thì quá lu mờ chẳng được ai chú ý? Ðây là những cảm thọ làm phát sinh phiền não và đưa dẫn chúng ta vào chốn sinh tử luân hồi khốn khổ.
Nếu từ bao lâu nay, chúng ta chỉ sống ích kỷ lo cho mình và thường hay làm hại đến người khác, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải suy nghĩ lại và bắt đầu huấn luyện tâm thức chính mình để quan tâm đến an vui, lợi ích của chúng sinh. Khi nhận thức được sai lầm của sự chấp ngã, chúng ta phải cố gắng lìa bỏ nó đi và tích cực đóng góp khả năng của chúng ta vào việc mang lại hạnh phúc cho muôn loài. Hãy trao tặng chúng sinh khả năng, thì giờ và công sức của chúng ta với tấm lòng thành khẩn. Làm như vậy chúng ta sẽ thực tập được sự lìa bỏ vướng mắc của thế gian vốn là nguồn gốc phát sinh mọi khổ đau.
Tâm thanh đắm, sân si, ganh tỵ, ghét bỏ hay thù hận chỉ khởi lên khi chúng hội đủ điều kiện và vì vậy chúng cũng có thể bị loại trừ. Bản chất của tâm là trong sáng và tỉnh thức. Cho nên chúng ta có thể tu tập để lìa bỏ vọng tâm và phát triển chân tâm.
Cũng như vậy, khi tâm si mê thì chúng ta bất an và đau khổ. Khi thoát ra được cảm thọ của si mê thì tâm được bình an hạnh phúc. Chúng ta cần quán tưởng về sự vướng mắc của chúng ta và đối tượng của sự vướng mắc. Hãy thử nghĩ xem chúng ta vướng mắc với ai và vì sao ta lại vướng mắc. Nếu chúng ta thực tâm hiểu cuộc sống thế gian chỉ là giấc mộng thì chúng ta có nên mù quáng si mê và vướng mắc nữa không? Cũng như bạn và kẻ thù; những người làm tốt đẹp cho chúng ta thì gọi là kẻ thù. Như vậy chúng ta sẽ vướng mắc vào người mà chúng ta thương.
Và chúng ta cũng rất sai lầm khi nghĩ rằng kẻ thù luôn luôn là người xấu ác. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhân duyên kết hợp và vì thế nó cũng là huyễn mộng vô thường như giấc chiêm bao thì chúng ta sẽ buông bỏ được tất cả ngã chấp.
Vì ngã chấp mà chúng ta bị trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Ðức Phật dạy chúng ta phương pháp thoát khổ là quán chiếu về tính cách trống rỗng, không có tự tánh của các pháp. Nếu chúng ta đọc nhiều kinh sách chỉ có kiến thức thôi thì cũng chẳng ích lợi gì, chúng ta phải chuyên cần tu tập theo các pháp Ðức Phật dạy, chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến bờ Giác Ngộ và Giải Thoát./.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)