PHẬT PHÁP :TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN V) : HỎI VÀ TRẢ LỜI
PHÁP THOẠI CỦA THẦY THÍCH THÁI HÒA
TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN V )
( Nguyên văn và video phát âm ở cột phải bên dưới )
Hỏi và trả lời
Hỏi:
Làm thế nào để giáo dục thành công theo Tứ tất đàn ?
Trả lời:
Thầy trình bày chỉ mang tính phổ quát. Từ cái phổ quát đó, các anh/chị/em sau khi học sẽ vận dụng vào đời sống thực tế, tùy thuộc trách nhiệm của mình đối với tổ chức, với xã hội, với gia đình huyết thống.
Ví dụ, đối với Thế gian tất đàn. Mình biết rằng, trẻ em thì ham chơi, đó là sự thực. Mình phải biết được như vậy thì mới giúp được nó. Nếu không biết sự thực đó, mình sẽ dễ nổi giận, sẽ có những cử chỉ không tao nhã với nó, không thông cảm với nó thì sẽ khó để giáo dục nó thành công.
Từ bản thân, đến tổ chức, đến gia đình huyết thống cũng như vậy. Muốn giáo dục con mình, em mình, trước hết phải biết được tập khí của nó, biết tính cách, bản chất của nó. Cái biết đó là cần thiết.
Hoặc mở rộng ra, sống trong xã hội, muốn thay đổi xã hội, mình phải biết xã hội đó như thế nào. Đó là cái biết thuộc về thế gian tất đàn. Biết như vậy, và tùy theo hoàn cảnh thực tế để có được các phương pháp như Vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn và đưa đối tượng về với mục đích mà mình muốn giáo dục, muốn uốn nắn.
Hỏi :
Mình đã hiểu Tứ Tất Đàn, mình cũng hiểu những tính chất của xã hội. Làm sao để áp dụng Tứ tất đàn vào xã hội Hoa Kỳ được, thưa Thầy ?
Trả lời :
Mình có thể ứng dụng Tứ tất đàn vào việc hàn gắn lại những gì đã rạn nứt, phân hóa trong GĐPT tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam. Trước hết, mình phải đặt ra câu hỏi “tại sao nó phân hóa”, và mình biết rằng phân hóa là chuyện tất yếu, không có tổ chức nào mà không phân hóa, ngay trong sự tu học của Tăng đoàn thời đức Phật cũng đã từng phân hóa và ngay trong tổ chức xã hội chính trị, các đoàn thể xã hội cũng đã từng phân hóa, hiện tại đang phân hóa và trong tương lai cũng sẽ phân hóa. Đó là điều tất yếu. Nhưng tất yếu đó do đâu? Mình phải thấy rõ đó là do chấp ngã của mỗi người, do chấp kiến của mỗi người. Người ta không chống đạo Phật, người ta không chống đức Phật, nhưng anh em chống nhau, các thầy chống các thầy, Phật tử chống các thầy, các thầy chống Phật tử, Phật tử chống Phật tử, từ đó mà tạo ra phân hóa. Sự phân hóa đó là tất yếu, vì thế gian này ai cũng chấp ngã cả; ở đời thì chấp ngã theo kiểu đời; ở đạo thì chấp ngã theo kiểu đạo.
Như vậy, để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải biết rằng thế gian như vậy là như vậy. Nhưng qua Vị nhân tất đàn, mình biết được chấp ngã của ông A như thế nào, cảa ông B như thế nào, ông C như thế nào, biết rõ nhân nào, duyên nào đưa tới chấp ngã đó, phân hóa đó. Biết rõ như thế rồi mới có thể tìm cách hàn gắn được.
Tiếp theo là phải có phương pháp đối trị như thế nào, đối với người chấp ngã nặng thì phải đối trị như thế nào, gần gũi họ như thế nào, thân cận họ như thế nào. Nếu người đó có cái ngã rất lớn, mà mình đến với họ còn giương cái ngã của mình ra, cho to hơn họ nữa, thì cái ngã đó của họ càng lớn hơn, lớn theo cái ngã của mình, như vậy thì vấn đề sẽ không được giải quyết. Vấn đề không giải quyết được thì Đệ nhất nghĩa đế tất đàn không hiển lộ được.
Cho nên, đối với GĐPT Việt Nam ở quốc nội cũng như ở hải ngoại, các anh/chị/em đã biết được nhược điểm như thế rồi, thì mình chỉ đề cao đạo Phật thôi, đề cao Tam bảo thôi, và tất cả chúng ta đều hướng về đó. Khi chúng ta đã hướng về đó thì những dị biệt có thể xóa được.
Nếu là mâu thuẫn trong GĐPT thì chúng ta chỉ nhắm tới mục đích và lí tưởng của GĐPT thôi, còn những ai đi ra ngoài, ra khỏi mục đích, lí tưởng đó thì họ không phải thuộc về GĐPT, mình bận tâm làm gì, mình không thể hòa hợp được. Cũng như nước với sữa thì có thể hòa hợp, còn nước với dầu thì hòa hợp làm sao được. Nếu họ đã đi sai lí tưởng hay bản chất của họ không còn là GĐPT nữa, thì không cần đặt ra vấn đề hòa hợp đối với những người đó.
Nhưng, nếu họ muốn biến GĐPT thành công cụ phục vụ cho bản ngã của họ, thì mình không đặt vấn đề GĐPT với họ, mà mình đặt vấn đề nhân quả và cuộc sống với họ, để họ thấy rằng, nếu họ làm như vậy sẽ có hậu quả, quả báo như vậy trong hiện tại và tương lai. Phải chỉ rõ cho họ thấy hậu quả do họ lạm dụng đem lại.
Nhưng không phải bạ đâu nói đó mà phải nói đúng lúc, đúng chổ, đúng vị trí của họ. Nói bằng cách nào? Ta nói với tâm trạng không phải chỉ trích, không phải hận thù, trách móc mà nói bằng tâm từ bi, tâm độ lượng. Nói cách này không được, thì mình nói cách khác, bản thân mình không nói được, thì phải nhờ người khác, người có duyên với họ thì hiệu quả sẽ lớn hơn. Điều này ngày xưa Đức Phật đã từng ứng dụng. Có những vùng, những trú xứ Đức Phật không cần đi tới đó thuyết pháp, mà chỉ cần cử ngài Xá Lợi Phất thôi, vì ngài Xá Lợi Phất có duyên với vùng đó hơn Đức Phật, nên ngài Xá Lợi Phất tới đó nói, người ta nghe hơn là Đức Phật nói, vì sao ? Vì họ có duyên với ngài Xá Lợi Phất hơn là có duyên với Đức Phật. Có những chỗ Đức Phật nói ngài Mục Kiền Liên đi thôi. Lại có những chỗ Đức Phật nói ngài Phú Lâu Na đi thôi. Nhưng có những chỗ Đức Phật phải đích thân đi. Cho nên khi thuyết pháp, giáo hóa, làm việc, mình phải vận dụng giáo lý nhân duyên triệt để vào trong pháp hàn gắn này. Vậy nên phải hiểu rõ Đối trị tất đàn, Vịnhân tất đàn, Thế gian tất đàn để đưa người ta đi về với Đệ nhất nghĩa đế tất đàn, nhằm mục đích hàn gắn, cùng hướng tới, cùng thực hiện mục tiêu, lí tưởng của GĐPT là điều rất cần thiết.
Có những trường hợp chị Thúy Nga nói không có tác dụng bằng anh Mai, có những trường hợp anh Mai nói không có tác dụng bằng anh Hưng, có những trường hợp anh Hưng nói không có tác dụng bằng anh Hùng, thì vai trò của người lãnh đạo là phải biết dùng người, biết nhân duyên của từng người để đưa họ về với Đệ nhất nghĩa tất đàn, tức là về với sự đoàn kết để lo cho cái chung. Đối với những người chưa phải là Phật tử, mình cũng gần gũi, đưa họ đi về với Phật tử, với sinh hoạt, đào tạo họ dưới nhiều hình thức khác nhau để cuối cùng, họ có thể đứng vào đoàn thể của mình để yểm trợ mình hay đứng ngoài đoàn thể mình để yểm trợ mình. Tất cả những điều đó, mình đều phải biết ứng dụng Tứ tất đàn này hết.
Hỏi :
Tập thể hình thành từ cá nhân, nhưng có nhiều mâu thuẫn. Biết rằng đoàn kết là sức mạnh, nhưng đã có sự phân hoá trầm trọng; ví dụ bây giờ trong nước cũng như hải ngoại đều có 3 Ban hướng dẫn. Áp dụng Tứ tất đàn như thế nào để đối trị sự phân hoá?
Trả lời :
Một huynh trưởng là một người đã được đào tạo, được huấn luyện và hoàn thành chương trình huấn luyện rồi, từng quỳ trước Tam bảo để phát nguyện, rồi được truyền đăng. Mình huấn luyện là huấn luyện theo định hướng của GĐPT, theo mục đích của GĐPT để đóng góp vào sự nghiệp chung của Phật giáo. Mình huấn luyện như thế nào mà giờ đây lại tạo ra sự phân hóa? Mình phải đi tìm nguyên nhân. Và mình thấy rõ nguyên nhân, có thể là do huấn luyện chưa chín, huấn luyện có tính cách hình thức; hoặc là mình đã huấn luyện kỹ lưỡng rồi, chín chắn rồi, nhưng vẫn xảy ra tình trạng đau buồn như thế là do nghiệp chủng của người đó, là do vận hệ của tổ chức, cộng thêm hoàn cạnh xã hội tác động vào- có khi vững rồi, nhưng hoàn cảnh xã hội tác động vào khiến cho người ta lung lạc tâm, chí, hạnh, nguyên của họ, biết rõ nguyên nhân phân hóa, biết rõ những khó khăn của tổ chức, thì người lãnh đạo, người cầm thuyền mà lái, phải cầm tay chèo cho vững, phải biết trên con sông mình đi có khúc cạn khúc sâu, khúc thẳng khúc cong. Phải biết rõ như vậy, để lèo lái khôn khéo, vượt qua.
Do đó, tình trạng này xảy ra, mình quy lỗi cho một người là không đúng, mà có thể nói rằng, trên nghĩa tương đối thì sơ suất phần nhiều là ở nơi người lãnh đạo, vì mình cầm lái mà không biết địa thế con sông, khi gặp khúc cong mà mình chèo như khúc thẳng, cạn mà chèo như sâu thì đương nhiên là gặp trở ngại. Vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo phải có khả năng thực sự, đức hạnh thực sự, tuệ giác thực sự. Và thật sự, thì nên là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, nên khi có chuyện, phải tập trung trí tuệ của nhau, và người có trách nhiệm phải lắng nghe các ý kiến, nhiều khi có ý kiến rất đơn sơ, nhưng lại giúp mình được rất nhiều.
Các anh/chị/em thấy rằng, hiện nay, GĐPT trong nước cũng như ở hải ngoại bị phân hóa. Là do đâu? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân. Khi tìm ra được nguyên nhân rồi, thì mình mới tìm phương pháp đối trị. Nếu không tìm ra được nguyên nhân, thì không thể có phương pháp đối trị. Vì vậy, chúng ta phải có Vị nhân tất đàn trước đã, xem thử người đó như thế nào, vì hoàn cảnh nào mà như thế. Có thể họ túng thiếu, hoặc vì họ ham danh. Mình phải biết như thế để tìm được cách đem họ trở về. Và liệu họ có thể trở về không? Nếu không về thì mình sẽ tính thế nào? Nếu họ về thì có lợi gì cho mình, nếu họ không bỏ cái ham danh, ham lợi, ham tiền của họ. Nếu họ đến với GĐPT, vì những thứ ấy, chứ không phải vì mục đích, lí tưởng thì mình xem họ là gì của GĐPT, có nên hàn gắn hay không.
Còn giả như các huynh trưởng của mình vì nhẹ dạ, vì lầm đường lạc lối, vì không nhận thức được mà rơi vào những tình trạng đau buồn như thế, thì mình cũng phải biết rõ họ đang ở trong tình trạng ấy, để kéo họ về lại với tổ chức, để cùng nhau xây dựng tổ chức.
Cũng có những trường hợp, người đó có tài thật sự, nhưng cũng có chứng, làm rất giỏi, nhưng cũng hay bỏ vạ giữa đường cho mình. Nếu mình thấy rằng, tài năng của người ấy, giúp cho tổ chức của mình thành công nhiều hơn là thất bại, thì mình cũng phải chấp nhận cái chướng đó của người ấy, để có lợi cho tổ chức trước mặt, và sau đó mình tìm đủ mọi cách để giúp đỡ họ chuyển hóa những cái chướng của họ. Làm được việc nầy, trước hết mình phải thấy rõ con đường và điểm đến của mình, sau đó mình phải tập hạnh kiên nhẫn đối với những người trong tổ chức có tài năng mà «chướng » ấy, để họ cùng đi với tổ chức mình và giúp cho tổ chức mình.
Do vậy, chúng ta cần phải phân tích cho rõ. Một người phân tích có thể chủ quan, nên phải có con mắt của tập thể, con mắt của tổ chức, phân tích một cách khách quan. Từ đó mà có phương pháp trị liệu ứng dụng thích hợp.
Tôi nghĩ rằng, mình làm với tâm bồ đề, với tình thương, với trí tuệ, thì trước sau gì mình cũng sẽ hàn gắn được, hàn gắn được với những người cần phải hàn gắn. Còn mình không thể hàn gắn được với những người không có bản chất của GĐPT, mình không thể hàn gắn được với những người chỉ lợi dụng GĐPT để mưu cầu cá nhân. Nếu mình có hàn gắn với những người lợi dụng ấy đi nữa, thì trước sau gì cũng sẽ vỡ ra lại mà thôi, vì sao ? Vì không cùng bản chất. Đó là điều mà các anh/chị/em cần phải phân tích cho rõ, dưới cặp mắt của Các các vị nhân tất đàn. Điều này cần đến tuệ giác trực tiếp. Do đó, Thầy ngồi ở đây mà đưa ra phương pháp tổng quát để các anh/chị/em y cứ vào đó mà thực hiện, thì chắc chắn là không thành công. Vì sao? Đức Phật đã dạy “nhất thiết pháp thị bất định pháp- tất cả pháp đều là pháp bất định”. Cho nên đòi hỏi người lãnh đạo, người ngoại giao, người thực hiện lí tưởng phải là người có khả năng, có tâm huyết, có tuệ giác và phải trực tiếp xử lý công việc. Các các vị nhân tất đàn là vậy, phải trực tiếp tiếp xúc với từng đối tượng, để biết nhân, duyên, quả báo của họ mà giúp họ thay đổi. Người chống mình thì làm họ bớt chống; người không hiểu mình thì làm cho họ hiểu mình hơn; người xa mình thì làm cho họ gần lại mình ; người đã gắn bó với mình thì làm cho họ gắn bó thêm. Tôi nghĩ, những việc làm như thế có thể nằm trong tầm tay của các anh/chị/em, nhất là các anh/chị/em trại sinh Vạn Hạnh, vì mình là con cháu của Vạn Hạnh mà.
Hỏi :
Có những Đơn vị không trực thuộc BHD, vì qúy Thầy Trụ trì không cho phép. Như vậy, phải áp dụng TTĐ như thế nào để giữ được sự tồn tại của Đơn vị và tương quan tốt đẹp với BHD?
Trả lời :
Tuy có khó khăn, nhưng các anh/chị/em phải liên thông với nhau. Nếu việc liên hệ công khai trở ngại thì mình liên hệ bí mật. Điều này trong xã hội người ta vẫn thường làm, có những chuyện liên hệ tình báo lâu ngày, đến khi thành công rồi mọi người mới biết rằng, người trong cuộc là người của ai. Tuy nhiên, mình phải nói cho người liên hệ đó biết, dù là công khai hay bí mật, thì đệ nhất nghĩa tất đàn luôn luôn là điểm về của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể gặp nhau ở nơi Đệ nhất nghĩa tất đàn, còn Đối trị tất đàn hay Vị nhân tất đàn hay Thế gian tất đàn, thì mình tùy duyên mà sử dụng. Nếu chúng ta có thể gặp nhau nơi Đối trị tất đàn hay Vị nhân tất đàn hay Thế gian tất đàn để cùng đi tới Đệ nhất nghĩa tất đàn thì thật là quý, nhưng cuộc đời này làm gì có được thuận duyên 100% như thế. Cho nên , nếu không gặp nhau được ở nơi Thế gian tất đàn, Vị nhân tất đàn hay Thế gian tất đàn, thì mình sẽ gặp nhau ở nơi Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Những người lãnh đạo, như các anh Liên Đoàn Trưởng hay các anh Đại diện miền hay Ban Hướng Dẫn Trung Ương phải có nhiều kế hoạch để liên thông, cách này không được thì mình dùng cách khác. Liên thông ở nơi chỗ nào? Ở nơi Đệ nhất nghĩa tất đàn. Nghĩa là các anh/chị/em gặp nhau không phải ở nơi huyết thống mà là gặp nhau ở nơi lý tưởng của Gia đình Phật tử Việt Nam, chúng ta phải thông báo, phải nói cho nhau biết dù hình thức này hay hình thức khác, dù nằm bên này hay bên kia, chúng ta cũng chỉ là một, Gia đình Phật tử Việt Nam chỉ là một, Gia đình Phật tử Việt nam trên thế giới chỉ là một mà thôi. Một đó là gì? Đó là Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện; Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống; Phật tử trau dồi trí tuệ tôn trọng sự thật; Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm; Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.
Chúng ta gặp nhau ở năm điểm đó và cùng nhau thực hiện năm điểm đó là chúng ta đã có bản chất như nhau rồi, những mâu thuẫn khác chỉ là những thứ nhỏ không đáng kể. Còn nếu mình bỏ đi mục đích giáo dục của mình, không thực hiện năm điều luật đó thì không thể gọi là Gia đình phật tử được. Nếu họ không phải là Gia đình phật tử, họ chỉ lợi dụng Gia đình phật tử thôi, thì làm sao mình có thể liên thông với họ được! Và nếu có liên thông rồi, thì cũng sẽ tạo ra chia rẻ mà thôi. Như vậy, các anh/chị/em phải liên thông với nhau và khẳng định mình là Phật tử qua những thể hiện trong đời sống, qua mục đích mình đến với tổ chức, mình đến với gia đình qua năm chất liệu đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta. Cũng như các anh/chị/em gặp Thầy ở nơi tâm phụng sự Tam bảo, tâm phụng sự xã hội theo tinh thần Phật giáo. Còn nếu Thầy lợi dụng xã hội, xây chùa thật to, rồi muốn xã hội phụng sự Thầy, rồi Thầy ngồi trên đầu xã hội để làm thế này thế khác cho cái ta của thầy, thì làm sao mấy anh/chị/em gặp Thầy được, mặc dù Thầy là một Thầy tu.
Vậy, nên anh Hưng phải liên thông với các tổ chức GĐPT đang khó khăn, phải thông cảm với họ, phải liên kết được với họ ở bên trong. Đó là cái thông minh của mình. Liên kết được để có thể nhắc nhở họ, làm chi thì làm, chứ áo lam của mình là một, tình lam của mình là một, mục đích của mình là một. Đã là một rồi, thì sớm muộn gì mình cũng là mình thôi, mình sẽ đi về được với nhau, như trăm sông, hói đều đi về được với biển, mà biển thì chỉ có một mùi vị duy nhất là mặn. Mình phải nói với nhau như thế, và trước sau gì mình cũng về với nhau thôi, cũng gặp nhau thôi. Còn nếu không cùng là bản chất, không cùng là lý tưởng, cho dù ngồi bên nhau mà quay lưng lại với nhau thì cũng đã xa nhau rồi. Cụ thể, Thầy đang nói pháp thoại với các anh/chị/em đây, mà các anh/chị/em mỗi người đang ở một tiểu bang xa lắc mà vẫn gặp được nhau. Do vậy, mình phải nhấn mạnh điểm gặp gỡ nơi lý tưởng, nơi Đệ nhất nghĩa tất đàn đó cho nhau. Còn những dị biệt, do hoàn cảnh, do hiểu lầm, thì mình phải tìm cách tháo gỡ cho nhau từ từ. Như thế, tuy có dị biệt mà không tạo ra mâu thuẫn, không tạo ra chiến tranh.
Cho nên, phải nhấn mạnh Đệ nhất nghĩa tất đàn, khi có mâu thuẩn, mình chỉ nhắm tới điểm chung mà nói, chứ không khuếch đại mâu thuẫn đó ra, không xé vấn đề ra thêm. Đó là cách mà người lãnh đạo GĐPT trong lúc này, trong giai đoạn này cần phải biết để làm.
Hỏi:
Phương pháp ứng dụng Tứ tất đàn hiện nay?
Trả lời:
Các anh/chị/em đã biết, người biết ứng dụng Tứ tất đàn vào đời sống của bản thân và xã hội, người đó phải có một tuệ giác lớn, quán chiếu được Các các vị nhân tất đàn, tức là thấy được sự sai biệt của từng cá nhân hay từng cộng đồng, từng đơn vị, từng lằn mức khác nhau của xã hội. Sau khi thấy được sự sai biệt đó, người ấy mới có thể ứng dụng Tứ tất đàn để đưa đến cái chung là Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Cũng vậy, môi trường, luật pháp xã hội Việt Nam khác với xã hội Mỹ, và ngay trong xã hội Mỹ, mỗi tiểu bang lại có đặc thù riêng, mỗi vùng trong mỗi bang lại có một cách khác nhau. Người lãnh đạo GĐPT phải nắm được những điều đó để vận dụng, để đưa người ta đi tới với Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đệ nhất nghĩa tất đàn theo cách nhìn của GĐPT là lí tưởng đào tạo thanh thiếu niên trở thành những Phật tử chân chính và những thanh thiếu niên sau khi được đào tạo này sẽ đóng góp được vào việc xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Trước hết phải nắm được mục đích gồm hai nội dung như vậy, rồi từ đó bắt đầu tùy duyên mà vận dụng, nhưng dù vận dụng kiểu gì, thì cũng không đi sai với mục đích, để cuối cùng phải đạt được mục đích, như đã cụ thể hóa qua năm điều luật của GĐPT. Năm điều luật đó, không phải là điều dùng để đọc mỗi ngày, đọc mỗi tuần, mỗi khi đến chùa, mà đó chính là nếp sống, là sự sống, là hơi thở, là cơm ăn, nước uống của mình, trở thành chất liệu trong đời sống của mình. Tôi nghĩ, khi một huynh trưởng đã có được năm chất liệu đó, nhất định họ sẽ tìm về với mục đích đã từng nêu lên, mục đích mà họ đã từng phát nguyện.
Cho nên, phương pháp ứng dụng bây giờ là các anh/chị/em không phải chỉ đọc tụng năm điếu luật này mỗi lần đến chùa, mà phải ứng dụng vào trong đời sống của mình để mình thực sự có bản chất là Phật tử, bản chất là huynh trưởng của GĐPT, rồi từ đó, chúng ta sẽ đi tìm những cái có cùng bản chất để tương giao, tương ngộ, để cùng nhau lo việc chung.
Chỉ cần có một chất liệu “Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống” thôi, thì mọi mâu thuẫn sẽ được hóa giải ngay. Chẳng lẽ, Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống mà không thương anh em mình được sao, tình lam với nhau mà không thương nhau được sao, con người với nhau mà không thương nhau được sao, đồng một lý tưởng mà không thương nhau được sao. Chỉ cần thực tập được điều luật này, đốc thúc nhau có được bản chất đó, thì tự nó sẽ hòa hợp. Nếu thiếu tình thương, thì sẽ không thể nào hòa hợp được. Khi có tình thương, thì ngay cả người làm sai, mình cũng thấy tội, mình tìm cách này, cách khác để cứu giúp họ. Cho nên, vấn đề là mình có được chất liệu “mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống” không hay chỉ là quy ước trên sách vở, nói trên miệng mà thôi.
Thầy nghĩ trong thời điểm này, các anh/chị/em chỉ cần đem năm điều luật của GĐPT mà ứng dụng, thực tập để mỗi người thật sự có được chất liệu đó, thì nhất định GĐPT không bao lâu sẽ đoàn tụ với nhau, còn những ai, những cái gì không phải là GĐPT sẽ tự loại mà không cần mình phải cố công loại bỏ làm gì.
_____________
CÂU HỎI :
PHƯƠNG PHÁP NÀO GIẢI QUYẾT SỰ PHÂN HÓA CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HIỆN NAY ?
và nhiều câu hỏi liên quan đến GIA ĐÌNH PHẬT TỬ…
Xin đón xem PHÁP THOẠI TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN VI )
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)