TƯỜNG THUẬT : BUỔI GIẢNG KINH DUY MA CẬT của THẦY THÍCH NGUYÊN SIÊU
TƯỜNG THUẬT
BUỔI GIẢNG KINH DUY MA CẬT CỦA THẦY THÍCH NGUYÊN SIÊU
Kính bạch Thầy,
Thưa Anh Chị Em,
Lời đầu tiên con (Tâm Minh) xin chân thành cảm ơn Thầy đã nêu gương Tinh tấn cho Anh Chị Em chúng con noi theo: Thầy vào đúng giờ, ra đúng giờ, không lấy thêm và không bỏ trống lớp học một phút nào cả! (con biết nói như vậy là “khen phò mã tốt áo” sẽ bị Thầy la rồi ! J J !! )
Thầy mở đầu làm Anh Chị Em nhớ đến “Người di tản buồn”. Thật vậy, Thầy nói: Nhân duyên đưa đẩy, từ quốc độ này qua quốc độ khác, từ trú xứ này đến trú khác, hôm nay chúng ta ở đây, ngày mai thì sao v.v.. tuy nhiên, dù đi đâu, ở đâu, làm gì … chúng ta luôn nhớ đến và tinh tấn đi trên con đường chư Tổ đã đi, Phật Giáo Việt Nam nói chung và Gia Đình Phật Tử nói riêng, đã đi …
Trung kiên với lý tưởng của mình, với lời phát nguyện sắt đá của mình, Anh Chị Em đã gặp nhau để cùng nhau tu học Đạo Giải thoát. Đem áp dụng vào cuộc sống và hướng dẫn đàn em cùng áp dụng Phật Pháp, để được an lạc và giải thoát; suốt hơn 70 năm nay, Anh Chị Em đã mang trong lòng lý tưởng ấy và mãi mãi Anh Chị Em sẽ luôn cưu mang lý tưởng đó.
Đức Phật đã giảng nói Pháp của ngài trong nhiều Pháp Hội, trong đó có đạo tràng Duy Ma Cật. Ở đây ngài giới thiệu một mẫu người Phật tử tại gia lý tưởng, đó là trưởng giả Duy Ma Cật, Ông không sống ẩn dật, dưới hình thức nghèo túng mà ông rất giàu có, nổi tiếng, thê thiếp nhiều, tôi tớ cũng đông, thế nhưng ông vẫn có thể hành Bồ Tát đạo; nói cách khác tinh thần Bồ tát đạo của giáo lý Đại thừa được thể hiện qua nhân vật Duy Ma Cật _ sống trong cuộc đời ô nhiễm mà không bị nhiễm ô, sống trong giàu sang, nhung lụa nhưng không tham đắm, vẫn thực hành Bồ Tát đạo, vẫn có thể tịnh Phật quốc độ và vẫn thành tựu chúng sanh; thử hỏi đó là một nhân vật huyền thoại hay là một nhân vật lịch sử ?
Rồi Thầy chuyển mạch, giới thiệu bản Kinh “Duy Ma Cật Sở Thuyết”
do Thầy Tuệ Sỹ Việt dịch [Thầy cũng nói sơ qua lược sử phiên dịch Kinh này, từ ngài Cưu Ma La Thập đến ngài Tăng Triệu _ nhờ có những vị này, ngày hôm nay chúng ta mới có tam tạng Kinh điển và ngày hôm nay chúng ta mới được phước phần ngồi lại học bộ Kinh Duy Ma Cật này.] Thầy lướt qua Dàn bài của sách với 14 Chương và dừng lại ở chương giới thiệu:
I. Nhân cách huyền thoại
II. Ý nghĩa nhân cách và ý nghĩa lịch sử
III. Cơ sở tư tưởng
IV. Lịch sử hành đạo
Thầy lướt qua tên 14 Chương của Kinh trong sách “Duy Ma Cật Sở thuyết” và cho Anh Chị Em biết là Thầy chỉ trình bày 10 thiện pháp và 8 pháp thành tựu trong phẩm thứ 10 là phẩm “Phật Hương Tích.”
Thầy dạy rằng học Kinh Duy Ma Cật là học những điều gì ? _đó là:
– học cách hoàn thiện bản thân, hoàn thiện tha nhân,
– học cách sống vô nhiễm giữa thế gian ô nhiễm (ô nhiễm là gì ? là nhiễm tham, sân, si, là say mê dục lạc, bị khồng chế bởi ba độc Tham Sân Si, là ham muốn của cải vật chất, danh lợi, quyền thế v.v.., …. thế gian có đủ mọi thứ cho con người say đắm điên đảo…. nhưng Duy Ma Cật không bị dính mắc, luôn thanh tịnh tâm ý dù có đủ tất cả hình trạng của thế gian nhưng tự thân luôn thanh tịnh và làm cho mọi người chung quanh mình cũng được thanh tịnh nữa.) [Thầy nói: Anh Chị Em Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cũng vậy, cũng luôn tu học, tu tập, soi rọi lại mình, để hoàn thiện mình, để giáo dục các em của mình_ tuổi trẻ Phật giáo của Việt Nam ở hải ngọai _]
– học tinh thần độ sinh của Duy Ma Cật: không mệt mỏi, không nhàm chán, không ngừng phát triễn các hạnh Từ Bi và Trí Tuệ của chư Phật và chư Bồ Tát; không giận hờn hay thù oán ngay cả đối với người gây hại cho mình, đó là tinh thần độ sinh của trưởng giả Duy Ma Cật, nhẫn nhục, bao dung, hứng chịu tất cả để có thể chuyển hóa chúng sanh _ như lời dạy của đức Phật trong phẩm Voi (kinh Pháp Cú):
Ta như voi giữa trận
hứng chịu cung tên rơi
chịu đựng mọi phỉ báng
ác giới rất nhiều người
– học công hạnh tu chứng của Duy Ma Cật: không xao lãng trong việc làm lợi ích chúng sanh, vì làm lợi ích chúng sanh chính là cúng dường chư Phật => Bồ tát Duy Ma Cật luôn thăng tiến, không để ngũ dục lôi kéo, tôn giả lập mạng trên tinh thần làm lợi ích cho tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà này không phân biệt (cũng vậy, Anh Chị Em Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử sống trong cuộc đời nhưng không bị đời làm vẩn đục, tư tưởng đem vui cứu khổ luôn được nhắc nhở trong lòng “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”)
– học cách cúng dường chư Phật trong 10 phương pháp giới (chứ không phải chỉ cúng dường đức Phật Thích Ca là Giáo chủ cõi Ta Bà này)
Trước khi trình bày 10 thiện pháp và 8 pháp thành tựu, trong phẩm “Phật Hương Tích” Thầy dặn dò Anh Chị Em nhớ 5 chữ: TÂM ĐẠI BI KIÊN CỐ
Vì Bồ tát Duy Ma Cật giới thiệu với các Bồ tát cõi khác về cõi Ta Bà như sau: “Chư Bồ tát ở cõi này có tâm đại bi kiên cố đối với chúng sanh. Việc làm lợi ích hết thảy chúng sanh của họ trong một đời hơn cả những vị ở cõi kia đã làm trong hàng trăm ngàn kiếp. Vì sao vậy ? _ Thế giới Ta Bà này có 10 sự pháp thiện mà các cõi Tịnh Độ khác không có. 10 thiện pháp đó là gì ?
1) Lấy Bố thí đối trị bần cùng
2) Lấy trì giới đối trị phạm giới
3) Lấy nhẫn nhục đối trị sân nhuế
4) Lấy tinh tấn đối trị giãi đãi
5) Lấy thiến định khắc phục loạn ý
6) Lấy Trí Tuệ dẹp tan vô minh
7) Nói pháp trừ nạn để vượt qua 8 nạn
8) Dạy pháp Đại thừa cho người còn chấp pháp Tiểu Thừa
9) Lấy các thiện căn giúp người vô đức
10) Thường dùng 4 nhiêp pháp để thành tựu chúng sanh.
[10 thiện pháp này không có gì khó hiểu nên Thầy không cần giảng sâu, chỉ lưu ý Anh Chị Em về thiện pháp thứ 8 _không nên hiểu nhầm Tiểu Thừa và Đại Thừa là 2 tông phái Nam Tông, Bắc Tông đâu _ đây nói về cái Tâm: người có tâm Tiểu thừa là người chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ lo tu chứng phần mình không có mục đích hoá độ cho tha nhân; người có Tâm Đại thừa thì ngược lại, tu là vì lợi ích chúng sanh, “chúng sanh chưa thành Phật thì tôi chưa thành Phật” lời phát biểu của Bồ tát Địa Tạng là tiêu biểu cho tâm lượng của Bồ tát (Đại thừa)
Thầy tiếp tục với 8 pháp thành tựu. Bồ tát thành tựu bao nhiêu pháp để ở trong thế giới này tu hành mà không bị thương tích, không bị tổn hại, mà ngược lại tái sinh Tịnh độ; đó là nhờ Bồ tát đã thành tựu 8 pháp sau đây:
1) Làm lợi ích chúng sanh không cần báo đáp
2) Chịu tất cả khổ não thay cho chúng sanh và hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh.
3) Tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh, khiêm hạ, vô ngại.
4) Tôn kính chư Bồ tát như đối với chư Phật
5) Khi nghe Kinh chưa từng nghe cũng không khởi nghi hoặc
6) Không đối nghịch với Pháp của hàng Thanh Văn
7) Không ganh tị vì người được cúng dường, không tự cao lợi đắc của mình, trái lại ở đó tự chế ngự Tâm mình,
8) Thường tự xét lỗi mình, không tranh tụng sở đoản của người, nhất tâm cầu thành tựu mọi công đức,
Tám pháp thành tựu này cũng không có chữ gì khó phải đào sâu, nhưng quan trọng là ở thực hành. Ví dụ: ở số 1 Thầy nói về tinh thần vô tướng của đạo Phật _Thi ân không cần báo đáp (Bố thí vô tướng => “cho” mà không thấy có người cho, người nhận và vật đem cho …) Ngoài ra khi nghe nói “ chịu tất cả khổ não thay cho chúng sanh” ( số 2) ta không nghĩ là ta có thể làm được nhưng Thầy giảng: qua chặng đường rất dài (trên 70 năm) với bao lần Pháp nạn, nhiều Anh Chị Em Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử đã nằm xuống, đã hy sinh thân mạng của mình để hồi hướng công đức cho chúng sanh.
Điều số 5: bất cứ Kinh nào cũng có “lục chủng thành tựu”
[Ở đây nói đến chữ “nghi” làm chúng ta nhớ đến cái “nghi” của Tham Thoại Đầu mà các thiền sư thường dạy “đại nghi thì đại ngộ”. NHƯNG cái này không giống cái nghi của số 5 ở trên đây đâu nha! Cũng là đề tài cho Anh Chị Em chúng ta “quán chiếu”]
Với mỗi thành tựu Thầy đều cho những ví dụ cụ thể dễ hiểu. Thầy lưu ý chúng ta: Anh Chị Em Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cũng là những Bồ tát tại gia nhưng không phải mọi người đều có cái thấy giống nhau, chúng ta phải thấy được cái khác nhau đó, nhưng thấy để vận dụng lảm sao cho lợi ích, khai triễn thế nào để có thể trên thì phụng sự chư Phật, dưới cứu độ (chuyển hoá, giáo dục, phục vụ …) chúng sanh và luôn nhớ nhất tâm cầu thành tựu mọi công đức vì công đức là vô cùng quan trọng. [Đây cũng là một đề tài cho Anh Chị Em chúng con “quán chiếu” phải không, bạch Thầy ?]
Để kết thúc bài giảng, Thầy nói: Sau khi Duy Ma Cật và Văn Thù thuyết các pháp như vậy hàng trăm ngàn chư Thiên đã phát tâm cầu giác ngộ tối thượng và mười ngàn vị Bồ tát đắc vô sanh pháp nhẫn, còn Anh Chị Em ở lớp học này có ai đắc vô sanh pháp nhẫn chưa J J !!
Sau phần hồi hướng, buổi giảng Pháp của Thầy kết thúc đúng 8 giờ 30 tối, giờ California (tức 10 giờ 30 tối ở Houston, TX)
Xin kính tri ân Thầy và cung kính tiễn Thầy hồi liêu.
(Tâm Minh ghi )
Phản hồi (1)
10-12-2011 at 17:22
Phai cong nhan su ghi chep tuyet voi cua Tam-Minh VTN.
Dung khong sai 1 ly loi giang cua Thay. Sao ma ghi toc-ky tai-tinh vay? Kham-phuc that do, Tam-Dang NVP cung khong kem gi, nhung so ra thi… ben 9, ben 10 thoi. Cam on quy anh chi, dien-thoai cua Tam-Nghia LHD toi hom 8 Nov 2011 co nghe truc-tiep Thay giang, nhung co khi nghe khong ro, bay gio doc lai bai cua Tam-Dang & Tam-Minh lai cang ro rang hon. Thay Thuyet-Phap… hay that!
Tam-Nghia Le-huu-Dang,
( Hoaky-San Jose Nov 10, 2011)
Trackbacks - Pingbacks (0)