PHẬT PHÁP : ĐIỀU HAY Ý ĐẸP : NGHIỆP

LỜI BAN BIÊN TẬP :

Ban Biên tập hân hạnh giới thiệu cùng Lam Viên Bốn Phương : Huynh Trưởng Cấp TẤN TÂM HÒA LÊ QUANG DẬT, Đại Diện BHD Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Phó Trưởng Ban Truyền Thống & Xã Hội BHD GĐPT VN tại Hoa Kỳ, đương nhiệm Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Quảng Đức và Tây Nam Hoa Kỳ. Tuổi đời trên 75, luôn tận tâm tận lực, hết lòng phục vụ cho Tổ chức GĐPT Việt Nam. Một trong những mối quan tâm nhất của anh Tâm Hòa đối với Thế hệ trẻ Áo Lam hiện tại, nhất là ở Hải Ngoại,  là vấn đề TU HỌC. Những ý nghĩ bộc bạch và tâm niệm anh sẽ thực hiện nay mai, hướng về Thế hệ trẻ GĐPT, được anh thưa cùng Lam Viên Bốn Phương sau đây. Ban Biên Tập Trang Nhà Hải Ngoại xin hân hoan giới thiệu.

Kính thưa các Bạn Lam Viên bốn phương

Tâm Hòa Lê Quang Dật có tâm ý muốn đóng góp chút gì sự hiểu biết của mình qua Phật Pháp. Do vậy thời gian gần đây tinh thần tương đối ổn định nhờ đọc một số bài thyết giảng của các Bậc Trưởng Lão Tôn Túc cũng như kinh điển. Tâm Hòa rút ra đôi ý trọng yếu bổ ích cho đời sống hàng ngày của anh chị em chúng ta và xin được MỘT NGÀY GHI LẠI MỘT ĐIỀU HAY Ý ĐẸP để gởi đến các anh chị em chúng ta cùng chia sẽ. Rất mong quý anh chị em Lam viên Bốn Phương đón nhận, Đây cũng là niềm khích lệ tinh thần cho một Huynh Trưởng có tuổi đời khá cao như Tâm Hòa Lê Quang Dật

Thân kính

Tâm Hòa Lê Quang Dật

NGHIỆP

Người không hiểu Giáo Pháp khi làm điều quấy, họ thường nhìn quanh để xem có ai thấy không, nhưng NGHIỆP của chúng ta luôn luôn theo dõi ta. Không thể nào thoát quả của Nghiệp. Hành động tốt đem lại quả tốt. Hành động xấu đem lại qủa xấu, Đừng kỳ vọng Thánh, Thần, Chư Thiên, những kẻ khuất mày khuất mặt sẽ bảo vệ bạn. Cũng đừng tin tưởng ngày tốt, ngày xấu. Đó là những điều không thật. Bạn sẽ luôn luôn đợi chờ ngày tốt, giờ tốt, tháng tốt, năm tốt, vị Thần này, vị Thánh nọ. Tin tưởng vào những điều đó chỉ đem lại đau khổ cho bạn mà thôi.

BÌNH AN

Thưa, có người hỏi: Thế nào là Bình An ?

Dạ, có người trả lời: Thế nào là hổn loạn ? Bình An là không hổn loạn.

Bình An nằm ngay trong chúng ta, nó ở cùng chổ với bất an và đau khổ.

Không thể tìm Bình An trong rừng sâu hay trên đồi cao. Cũng không thể do vị Thầy khả kính, khả ái cho ta được. Ở đâu có đau khổ, ở đó có con đường thoát ly. Càng cố gắng chạy trốn đau khổ là thật sự càng hướng đến khổ đau.

Làm bất cứ việc gì cùng với Tâm xã bỏ. Đừng kỳ vọng sự đền đáp hay tán dương. Xã bỏ một ít sẽ có một ít Bình An. Xã bỏ nhiều sẽ có nhiều Bình An. Xã bỏ hoàn toàn sẽ được Bình An hoàn toàn và cuộc đấu tranh với thế gian này sẽ đi đến chỗ chấm dứt…

CHỮ TÂM

Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng rất quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm. Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người.

–        Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên

–        Tâm gian dối thì cuộc sống bất an

–        Tâm ganh ghét thì cuộc sống hận thù

–        Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui

–        Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá

–        ….

Cho nên, ta không những đem TÂM CAN mình đặt ngay trên ngực để yêu thương mà còn :

–        Đặt trên tay để giúp đỡ người khác

–        Đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân

–        Đặt trên chân để mau mắn chạy đến với người củng khổ

–        Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh

–        Đặt trên tai để nghe biết lời than trách, góp ý của kẻ khác

–        Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẽ trách nhiệm với anh chị em

THÂN XÁC KHÔNG TIM THÌ THÂN XÁC CHẾT

LÀM NGƯỜI KHÔNG CÓ TÂM THÌ CUỘC SỐNG CHỈ CÓ HẬN THÙ

VÀ LÀ MỐI NGUY HIỂM CHO MỌI NGƯỜI

ĐẠO

Chữ ĐẠO là tiếng của Trung Hoa, dịch ra tiếng Việt là CON ĐƯỜNG

Con đường có hai loại: Có hình tướng và không hình tướng

1)    Con đường có hình tướng như là loại đường có trên mặt đất ( đường làng, đường cái quan, đường mòn..) để cho xe chạy và người đi và đường dưới mặt đất ( địa đạo ) như đường xe lửa ngầm, đường hầm..

2)    Con đường không có hình tướng ( đạo Vô vi ). Con đường Vô vi thuộc về TÂM ( TÂM ĐẠO ). Con đường thuộc về Tâm có nhiều ngả đi lên và đi xuống. Đường đi lên là con đường sáng, Đường sáng ở đây là Tâm trong sáng, được biểu thị bằng CHÂN THIỆN MỸ

–        Con đường CHÂN là con đường về cỏi Phật ( Phật Đạo ) tức là Tâm đã được trí tuệ giác ngộ. Cho nên chữ Đạo trong Đạo Phật là Bản Thể, Chân Như

–        Con đường THIỆN là đường về các cỏi Trời ( Thiên Đạo ) do Tâm tu tập các Pháp Tu Thiện ( Thiện nghiệp )

–        Con đường MỸ la đường về cỏi Người ( Nhân Đạo ) do Tâm tu tập Phật Pháp và hành trì Năm Giới

Riêng về NHÂN ĐẠO, có nhiều đường như nói Đạo Vua tôi, Đạo Quân sư, Đạo vợ chồng v.v. cho nên Đạo có nghĩa là BỔN PHẬN

Nhưng con đường đi lên thuộc về Tâm, mà Tâm con người không thực hành

được ắt sẽ bị đi xuống những con đường ác, như đường vào loài A Tu la Đạo, Địa ngục Đạo, Ngạ quỹ Đạo, Súc sanh Đạo. Nhưng con đường thuộc về Tâm, ta không thể rờ mó được, không thấy, không có ngôn từ để diễn tả. Đạo không nói ra được nhưng ta có thể thấy Đạo qua thái độ và lời lẽ đối đãi, đối xữ, cư xữ của con người với con người, con người với loài vật bằng lời nói và hành động Từ Bi Hỷ Xã ái ngữ thân thương, làm cho con người, loài vật được lợi ích, an lạc, hạnh phúc thì đó là Thiên Đạo.

Từ đấy ta có thể nói ĐẠO là Đạo Từ Bi, Hỷ Xã, ĐẠO là Đạo Ái Ngữ, Lễ độ, Khiêm cung, Trang nghiêm, Thanh tịnh.

Đạo làm người không phải dể tạo được một sớm một chiều. Đó là cả một tiến trình được nuôi dưỡng, đào tạo từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành và phải luôn được trau dồi gìn giử. Cổ nhân đã nói : “ Học chữ thì dễ mà học làm người Chân chính vạn lần khó khăn hơn “..Nhân sinh quan về điều tốt hay xấu thường do ảnh hưởng từ trong gia đình ra xã hội. Gia dình và xã hội là môi trường đào tạo ĐẠO LÀM NGƯỜI.

LỜI NGUYỆN CẦU BUỔI SÁNG

Nhân Mùa Tạ Ơn, tôi sưu tập được bài kệ “ LỜI NGUYỆN CẦU BUỔI SÁNG “ ( dành cho Tuổi trẻ ), tôi đề nghị quý Bác Phụ huynh nên hướng dẫn con trẻ vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, vệ sinh thân thể, mặc bộ đồ tươm tất, đến trước bàn Phật, lễ phật 3 lễ thật cung kính rồi quỳ tụng bài :

“ LỜI NGUYỆN CẦU BUỔI SÁNG” dành cho Tuổi trẻ , rồi từ đó trở thành nề nếp, thói quen. Mong lắm thay.

LỜI NGUYỆN CẦU BUỔI SÁNG

( Dành cho Tuổi trẻ )

Thành tâm quỳ dưới Phật Đài,

Cúi đầu lạy Phật, đón ngày mới sang

Phật Đà từ ái nghiêm trang,

Cha lành của khắp Mười Phương vạn loài

Xin nghe con trẻ tỏ bày

Lời cầu nguyện của kiếp này kiếp sau

Trước là cha mẹ ơn sâu

Được nhiều phước đức sống lâu tuổi trời

Ông bà Tiên Tổ nhiều đời

An vui cỏi Phật thảnh thơi tu hành

Xin cho thế giới thanh bình

Ai ai cũng sống hiền lành với nhau

Thầy cô vất vả công lao,

Mong sao sẽ được phước cao đức đầy

Còn con xin nguyện từ đây

Siêng năng học tập để ngày lớn khôn

Đáp đền cha mẹ công ơn

Đắp xây thế giới đẹp hơn bây giờ

Hôm nay con trẻ dại khờ,

Biết bao mơ ước con chờ mai sau

Nguyện trên Ơn Phật nhiệm mầu

Cho con trí tuệ hiểu sâu mọi điều

Cho lòng con biết thương yêu

Để con giúp đở được nhiều tha nhân

Cho con lễ độ ân cần

Biết nhường kính với người gần kẻ xa

Từng ngày cuộc sống đi qua

Xin cây Đạo Đức nở hoa trong lòng

Đôi điều con trẻ ước mong

Cúi xin Đức Phật cảm thông độ trì

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT ( 3 lần )

( Lễ Phật 3 lễ rồi rút lui )

MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON,

BA CÂY CHỤM LẠI THÀNH HÒN NÚI CAO.

Kính thưa quý vị,

Người Cư Sĩ Phật Tử, đặc biệt người Huynh Trưởng trong GĐPT VN, chúng ta phải có bổn phận PHẬT HÓA gia đình mình để bảo tồn Phật Pháp lâu dài về sau.

Nếu chúng ta đã khẳng định rằng ĐẠO PHẬT LÀ CHÂN LÝ, là con đường đi vô cùng ích lợi cho mọi người. Hướng dẫn con người hoàn thiện ĐẠO LÀM NGƯỜI, thì việc chúng ta hướng dẫn, khuyến khích, kiểm soát con em mình tu tập theo Đạo Phật là việc làm rất có ý nghĩa, rất cần thiết, và là một công đức rất quan trọng cho tất cả mọi người trong gia đình.

Đối với trẻ, việc tu dưởng Đạo Đức, cũng như việc học Văn Hóa cần phải được kiểm soát và khuyến khích vì chúng chưa đủ khà năng để tự đi một mình. Ngay cái gọi là tuổi trưởng thành 18, cũng còn rất non nớt. Chính vậy, mà sự chăm sóc của Quý Phật tử Phụ Huynh, Quý anh chị Huynh Trưởng các Cấp rất cần thiết, “ trồng cây 10 năm, trồng người 100 năm “. Câu trong vòng kép này rất khó nghe, nhưng nghĩ cho cùng, muốn có MỘT HẠT BỒ ĐỂ vững chải, TRUNG KIÊN với ĐẠO thì phải được tôi luyện từ thuở ấu thơ, từ trong gia đình  ..

Mong rằng tất cả chúng ta bắt tay cùng làm ..


( Xin xem tiếp ĐIỀU HAY Ý ĐẸP ở bài :     ĐAU KHỔ     )




digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb