PHẬT PHÁP : CÒN BAO LÂU NỮA ?
NGUYÊN MẪN .
Còn bao lâu nữa ?
(Thành kính tri ân Sư Phụ TS, vị Thầy khả kính
đã giáo dưỡng tôi trên bước đường học đạo giải thoát và luôn ân cần nhắc nhở tôi Công Án “Còn bao lâu nữa.”
***
Xin lỗi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhại theo bài hát của anh, tôi vẫn thường nghêu ngao để tự nhắc mình “Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt, Cùng Tử tôi ơi, hãy sớm quay về” !
Thú thật, tự biết rõ mình ngu si bởi tập khí vô minh từ vô thỉ, gây bao tội ác bởi lầm mê, nên trong những sinh hoạt bình thường hằng ngày, kể cả lúc đi đứng nằm ngồi, vào ra cười nói, nghỉ ngơi …, tuy không viết hai chữ Chánh niệm Tỉnh Giác trên giấy, treo trên tường cao ở lối đi vào ra dễ thấy, tôi vẫn thường tâm tâm niệm niệm – tự hứa nhất định không quên (thất niệm), xác quyết quên là thoái hóa, là rơi vào hố sâu, vực thẳm, là thất bại cuộc đời, là chướng duyên tu hành nhập đạo – nên luôn luôn nhắc mình, gióng lên tiếng chuông cảnh giác :
“Một phút lỡ lầm, ngàn năm ân hận,
Quay đầu nhìn lại, thân trăm tuổi rồi.”
hoặc :
“Thà một ngày học được pháp tối thượng
Còn hơn sống cả trăm năm không được học pháp tối thượng.”
Rồi những lúc công phu tụng niệm sáng tối, tôi đã ý thức tiếng chuông là lời gọi của Chư Phật :
“Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gởi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẽo đau buồn.”
Qua các lời dạy của Phật trong Kinh Pháp Cú trên xem ra đơn giản, chỉ vỏn vẹn vài câu, học tuy dễ thuộc mà sao Hiểu – Thực Hành – Chứng Ngộ …, để đừng lỡ lầm ân hận khi thân trăm tuổi – thà một ngày học pháp tối thượng – ba nghiệp lắng thanh tịnh -, tự hỏi, tôi đã quyết chí bước vào dòng thánh, lội dòng nước ngược, vượt biển sinh tử, tu tập tiêu trừ vọng niệm, thể nhận được chân lý vô tướng, tâm không còn chấp trước, phân biệt, để an nhiên tự tại … “Vượt thoát nẽo đau buồn” chưa ? Sao đường đi tới của tôi còn lắm long đong lận đận, vẫn là “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”, bụi phủ che mờ tự tánh, phải chăng gốc ở hai chữ “Vô Minh” Nghiệp Báo, Trùng Trùng Duyên Khởi … tôi chưa thấu triệt bởi thiếu quán chiếu hành thâm.
Rồi giật mình, nhớ lời Phật dạy, được sinh làm người không phải dễ, phải có quá khứ hiện tại tu tập, làm lành tránh dữ, chuyển hóa thân tâm, phát nguyện Quy Y, tu trì Giới luật, nếu không một phen mất thân người sẽ chẳng biết đến bao giờ mới trở lại.Cổ nhân từng ví dụ sự khó khăn vô cùng ấy quá hơn việc yêu cầu cây cột bằng đồng mỗi năm nở hoa.Cũng như trong Kinh Pháp Hoa ví dụ cho vấn đề trở lại làm người ở kiếp sau giống như con rùa mù trôi giữa đại dương, trong đại dương ấy có một tấm ván nổi trên mặt nước, tấm ván này có một lỗ hổng; con rùa mù ấy một trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần, nó phải làm sao tìm gặp được tấm ván là một điều khó, song thế chưa đủ, nó phải làm thế nào chui vào trúng lỗ hỗng của tấm ván mới bò lên được, ấy là hai điều khó.Vậy mà nay đã được làm người, lại là người Phật tử, mang thân phế tật, trên đầu tóc đã bạc, má đã nhăn, răng đã rụng nhiều, da trên bàn tay đã có đường xếp gấp, sao tôi vẫn cứ mãi u mê dại khờ ?
“Còn bao lâu nữa ?”. Còn bao lâu nữa mà chần chờ, giải đãi ? Cùng tử tôi ơi, hãy sớm quay về Phật tánh, ánh sáng quang minh Pháp Hoa diệu vợi, ánh sáng Duy Ma bất nhị bất tư nghì, ánh sáng Thắng Man ba lời nguyện lớn, Phật trí bình đẳng, ánh sáng Lăng Nghiêm chơn tâm thanh tịnh thường hằng …. Vẫn còn nhớ lời phát nguyện lúc làm Huynh trưởng, lúc thọ cấp với bao kỷ niệm tràn đầy cảm xúc trong đêm khuya thanh vắng hay buổi sáng hừng đông lúc mặt trời chưa ló dạng, dưới sự chứng minh của Chư Tôn đức và sự hiện diện của Anh Chị Em Áo Lam đồng và trên cấp đã ấn chứng cho quyết tâm tu học, phụng sự Đạo pháp, thân tâm không thối chuyển, “Giả sử như hư không kia có thể tiêu diệt, nhưng chí nguyện phụng hành của con vẫn không bao giờ thay đổi”, vậy mà bao năm qua sao vẫn lửng lơ, hẹn hò, vẫn chần chờ không dứt khoát, tựu trung vẫn là “lục bình trôi líu ríu”?
“ Còn bao lâu nữa ?” mà vẫn cứ lăng xăng trói buộc với bát phong dậy sóng phiền não (Được – Thua, Danh thơm – Tiếng xấu, Ca tụng – Khiển trách, Hạnh phúc – Đau khổ), tức tám ngọn gió thổi vào đời sống làm chao động ngọn đèn tâm, mà chưa thực hiện được tâm khinh an, hỷ xã, vẫn để cho trần cảnh đẩy đưa? Có nhớ không, lời Lục Tổ :
“Bồ Đề bản tự tánh
Khởi tâm tức thị vọng
Tịnh tâm tại vọng trung
Đãn chánh vô tam chướng.”
Tóm lại, Ngài chỉ cho chúng ta biết bản tánh đó là Bồ Đề, vừa dấy niệm là vọng ; vọng lặng, tâm thanh tịnh thì thoát khỏi ba chướng (Nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng).
Vậy thì, tôi ơi ! Mạnh dạn tiến lên ! Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt, tự tánh trong ta hãy sớm quay về.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)