Tinh thần Trại trường

I. TRẠI TRƯỜNG – MỤC ÐÍNH YÊU CẦU:

Như chúng ta đã biết: Trại trường GÐPT là nơi huấn luyện Huynh Trưởng có tính cách qui mô: toàn Tỉnh, toàn Miền hay Toàn quốc, có tính cách thường kỳ với diện rộng lớn. Ðất đai dùng để xây dựng Trại trường được pháp lý chính quyền, thông qua các thủ tục hành chánh luật định. Tổ chức GÐPT có chủ quyền kiến trúc theo yêu cầu sinh hoạt của mình và được hoàn toàn xử dụng theo mục đính đã đề ra. Trại trường còn là nơi tập huấn chuyên môn hoặc tổ chức các trại như: trại họp bạn, trại chuyên ngành toàn quốc, hay miền…Do những đặc điểm mang tính cách giáo dưỡng thuần túy như vậy mà nơi xây dựng Trại trường đòi hỏi các điều kiện, yêu cầu sau đây:

–        Ðất công được phép khai phá hay đất của tư nhân hiến tặng làm Trại trường.

–        Phải là khu đất rộng rãi, biệt lập: cách xa phố thị lẫn xóm làng.

–        Có vòng rào qui định chủ quyền, có cổng trại, có đài tượng tiêu biểu ý nghĩa, có phòng hội, có giếng nước, và các phương tiện sinh hoạt khác phục vụ cho số lượng đông người… Ngôi Nhà Chung của Tổ chức phải được xây cất kiên cố, bề thế, khang trang… Dĩ nhiên là do đóng góp tích lũy tịnh tài của từng đơn vị, do đơn vị chủ quản thi công, và do các ban Bảo Trợ trực thuộc gây quỹ ủng hộ…

–        Trang trí “nội thất” cơ bản như hệ thống âm thanh, bàn ghế, bảng…nhà dù lớn nhỏ, tăng, bạt, cờ, dây, gây, cờ…kể cả nồi chảo chén dĩa mua sắm để dùng chung, giảm việc mang vác đi chuyển năng nhọc, mất mát vì đường xa của trại sinh.

–        Công cử người chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo quản tài sản vật chất của Trại trường.

–        BHD/TƯ có kế hoạch và lịch trình các loại trại cụ thể trong năm để các địa phương tham dự, hoặc luân phiên trách nhiệm xử dụng…

II. TRẠI TRƯỜNG của GÐPTVN- DẤU ẤN và HOÀI VỌNG:

Sau Ðại hội Huynh Trưởng toàn quốc năm 1964 tại Saigon, nghị quyết xây dựng Trại trường GÐPTVN tại Ðà Lạt hình thành. Ban Hướng Dẫn GÐPT Ðà Lạt-Tuyên Ðức được ủy nhiệm thực hiện toàn bộ công trình từ thủ tục xin chủ quyền đất đến trách nhiệm quản lý thi công. Cụ thể các bước:

–        Nhận quyết định thừa nhận chủ quyền 17,6 ha lô đất đồi thông gần hồ Than Thở do chính quyền Ðà Lạt Tuyên Ðức ban hành tháng 3/1967.

–        Nhận giấy phép xây cất Trại trường tháng 1/1969, BHD Ðà Lạt Tuyên Ðức khỏi công đặt viên đá đầu tiên có sự tham dự của BHDTƯ và đại diện BHD các tỉnh cùng toàn thể HTr. cấp Tấn toàn quốc.

–        Xây cổng trại, vòng đai trại, Ðài Lục Hòa, nhà sàn cố định: anh Nguyên Tín TBHD/GÐPT Ðà Lạt -Tuyên Ðức thiết kế và trực tiếp quản lý thi công.

–        Tôn tạo và an vị tượng QuanThế Âm trên đỉnh Ðài Lục Hòa: các anh Bạch Hoa Mai, Võ Văn Phát và BHD Ðà Nẵng đảm trách.

–        Vạch phương án tiếp theo nhằm hoàn chỉnh phương tiện sinh hoạt trong Trại trường như phân khu tiểu trại, làm sân thể thao, trồng cỏ trên các khu sinh hoạt chung, xây hội trường, nhà kho, hệ thống dẫn nước, v.v… do BHD/TƯ chủ động.

Rất tiếc, tất cả công trình đã phải dở dang theo cùng vận nước từ đầu năm 1975. Cuộc đổi đời toàn diện xoáy tận cùng xã hội miền Nam. Ðời sống tâm linh bị xâm phạm, phân hóa bời bời. ACE Huynh trưởng trôi giạt bốn phương, kẻ vào tù, người di tản, tứ tán trong cuộc sinh nhai, sinh tồn! GÐPT “ẩn cư” vào Ðoàn quán tại Tâm. Cho đến những năm đầu thập niên 80, BHDTƯ khởi động sinh hoạt. Hầu hết các đơn vị GÐPT các Miền lần lượt tái sinh-hồi hoạt, nhịp bước đi tới theo nhiều hình thái “tuỳ duyên”. Ðại hội Huynh trưởng toàn quốc bất thường nhiều lần tổ chức nhân lễ Hiệp kỵ tại Ðà Lạt ..Lam viên đã không quên cùng nhau về thăm “Trại Trường”. Ðài Lục Hòa trải qua phong sương vẫn sừng sững trên đồi cỏ cây xanh rờn. Ðứng trước dấu tích trí tuệ duy nhất còn lại, cảm xúc dâng tràn. Ðoàn Áo Lam kết nhiều vòng xung quanh Ðài, hát vang bài Giây Thân Ái trong nỗi ngậm ngùi, tiếc thương, lẫn hoài vọng…

Hẳn nhiên trại sinh Vạn Hạnh I và nhiều Huynh Trưởng lớp sau đã hơn một lần đến Trại Trường, trong tâm khảm không phai dấu ấn Ngôi Nhà Chung của Gia Ðình Chúng ta. Hình tướng Trại Trường nay chỉ còn “Hồn Thu Thảo-Bóng tịch dương” * nhưng tinh thần “Lục Hòa” vẫn sống động mãi theo bước đường phục hoạt và phát triển mạng mạch GÐPT khắp nơi trên thế giới. Ý niệm xây dựng Trại trường GÐPT VN  nhen nhún trở lại. Tại quê nhà cũng đang lên kế hoạch chờ thuận duyên. Ở Úc Châu, Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ các tỉnh, bang rộng lớn, đơn vị GÐ lại rời rac, xa xôi…Chỉ nơi nào cư dân Việt quần tụ sinh sống đông đúc thì có nhiều đơn vị GÐ thành lập. Nhưng nhìn chung, địa bàn sinh hoạt chưa thuận lợi để xây dựng Trại trường tỉnh, Miền hay Trung Ương. Thay vào cái khó đó, nhiều Trai trường “di động” cấp Miền, và Trung Ương vẫn xuất hiện nhiều nơi do nhu cầu Huấn luyện Huynh Trưởng các cấp và tổ chức nhiều khóa chuyên tu, các khóa tu học theo muà (khóa Hè, khóa Ðông…). Trong tương lai, nhất định sẽ có nhiều hình thức Trại trường GÐPTVN được xây dựng phù hợp, đáp ứng mục đích yêu cầu huấn luyện, huấn nghiệp củaTổ chức Áo Lam.

III. TRẠI TRƯỜNG thứ 2 và TRỌNG TRÁCH của TRẠI SINH VẠN HẠNH:

Ðối với người HTr. đã tuần tự lớn lên các cấp (I, II và III) từ Trại trường địa phương đến Trung Ương- chịu sự huấn luyện và tự huấn luyện đúng quy trình theo NQ-QC của Tổ chức thì dấu ấn Trại trường và trách nhiệm Trại sinh càng sâu đậm, nặng nề..

Huynh Trưởng trại sinh cấp III, những người đã có bề dày thọ trì Phật pháp, rèn luyện tinh thần trách nhiệm, vững chải trong các lãnh vực chuyên môn, trau dồi nhân cách: “người Phật Tử chân chính để phụng sự Ðạo Pháp và dân tộc”…là những thành viên mang trọng trách thịnh suy của Tổ chức GÐPT.

Ðối diện với Trại trường thứ 2, bối cảnh thăng trầm của đất nước, cuộc sống Xã hội-nhân quần muôn mặt, nơi mà- người HTr GÐPT nói chung- người Trại sinh Vạn Hạnh nói riêng, tuổi đời ỡ ngưỡng cửa lục tuần trở lên, hằng khép mình khiêm cung tu Bồ-tát-hạnh và dấn thân hành Bồ-tát-đạo… làm thế nào để xứng đáng làm gương cho đàn em?

Lịch sử gần 70 năm hành hoạt và tiến trình phát huy thực lực của hàng ngàn đơn vị và đội ngũ Huynh trưởng GÐPT một lòng “vì Ðạo tiến lên”, có mặt trên khắp thế giới ngày nay đã giới thiệu phần nào chân dung người Trại sinh Vạn Hạnh. Biết bao lớp lớp Huynh Trưởng, ngày nào cũng là Chủ nhật, sinh hoạt, tận tụy, hy sinh thì giờ, tiền của, sức lực, trí tuệ để giáo dưỡng, hướng dẫn đàn em thân yêu cùng dấn thân góp phần mưu cầu xây dựng xã hội an cư lạc đạo! Châm ngôn Bi Trí Dũng luôn luôn là kim chỉ nam trong mọi hành hoạt đời người Áo Lam. Vì vậy, trong bất cứ ở hoàn cảnh nào, đội ngũ Trại sinh cũng có mặt, cũng khích lệ nhau sách tấn tu học, tu tập giới-luật, kinh điển nhà Phật, lấy “Trí tuệ làm sự nghiệp’’mà hành xử trong đạo, ngoài đời.” Ðem tâm nhu nhuyến, tâm điều hòa, tâm lạc thiện, tâm hoan hỷ, tâm phò hộ, tâm như tâm Phật’’* để trải ra cuộc sống chung: mình với mọi người. Quả vậy, Có huân tập, hun đúc Tâm như thế, chúng ta mới biết sám hối, xả bỏ mê lầm, biết chuyển hóa mọi chướng duyên phiền não, biết hành xử đúng đắn trong mọi trường hợp đau khổ và hạnh phúc; hiểu thương mình và hiểu thương mọi người để cùng tạo dựng hạnh phúc.

Chúng ta đã biết: sống trên đời này, mối tương duyên ta với người phụ thuộc hoàn toàn vào nhau. Khi một điều gì đó làm tổn thương đến người thì nó cũng sẽ làm tổn thương đến ta. Nếu ta trải rộng tình thương, sự quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của người khác, chia sẻ khổ đau cùng họ, thể hiện sự rộng mở và chân tình đối với họ, chính là chúng ta gặt hái được những lợi lạc lớn lao. Lòng vị tha đem lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và trường tồn. Nhưng cuộc đời là vô thường. Mọi diễn biến không như ý chúng ta. Chính đạo đức nhân bản-từ giáo lý Phật đà- là điều kiện thiết yếu để thiết lập giá trị làm người, người Huynh trưởng GÐPT. Chúng ta luôn luôn phát huy các kiến thức “Ngũ minh” và trau dồi nội tâm, khai thị “Tri-kiến Phật”, nâng cao Phật tính, đánh thức cái khả năng tự chứng (tự nội) của chính mình. Và phải kiên trì ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống như nhịp thở ra-vào trong thân ta! Cuộc đời Phật tử chúng ta từng sống và hành xử theo 3 điều luật ngành Oanh, 5 điều luật ngành Thiếu, tuyên giữ những lời phát nguyện trước bao lần quỳ gối kính cẩn nhận ánh sáng Vô Tận Ðăng, thấm sâu tinh thần TÍN-HẠNH-NGUYỆN và cùng nhắc nhở nhau giữ tâm kham nhẫn, thanh tịnh và ‘’vạn đồng nhất thể’’ mà hành hoạt, ứng xử trong cuộc đời. Chúng ta hiểu rõ thái độ, hành động, lời nói, cử chỉ của người HTr  Vạn Hạnh nhất nhất tác động đến hàng HTr đồng sự và đàn em của chúng ta, ảnh hưởng đến uy tín của Tổ chức chúng ta. Chúng ta luôn kính trọng thành quả phụng sự Ðạo pháp và Dân tộc của những người đi trước và giúp đỡ, hướng người đi sau tiếp bước vũng vàng trên đường tu học Phật đúng tinh thần “vạn đồng nhất thể” làm lợi đạo, ích đời. Ðó là trọng trách nặng nề của chúng ta.

Khẳng định vai trò trách nhiệm như thế là cách thể hiện lòng trân quý biết ơn Tổ chức GÐPT và bộc bày sự hãnh diện quá trình hiện hữu của Trại sinh Vạn Hạnh đã-đang- sẽ hy hiến phần đời mình cho mục đích cao đẹp của Tổ chức. Cái gạch nối giữa ba khoảng thời gian trên là hoài vọng dựa trên thực chất đã có để phát huy, tin tưởng, hứa hẹn đi tới cái đích cưối cùng. Ðạo đức đời thường dạy ta “Thắng không kiêu, bại không nản” trước mọi tình huống để thức tỉnh và nhìn nhận lực lực khả năng của mình mà rèn luyện tính khiêm cung, kham nhẫn để vươn lên tốt hơn. Trong mọi thuận duyên, mọi nghịch cảnh- nội tại hay ngoại tại- xảy ra, chúng ta học cách trải rộng tình thương yêu, kính trọng con người, đời sống và danh dự của từng  cá nhân hay tập thể…Bỡi một lẽ giản dị: học Phật, chúng ta hiểu rốt ráo vạn pháp vô thường. Những phước lành, những điều bất hạnh luôn xảy ra trong đời sống mà mọi người phải đương đầu, không ai tránh khỏi. Ðược-thua, danh thơm-tiếng xấu, ca tụng-khiển trách, hạnh phúc-đau khổ…là những bước thăng trầm diễn biến trong đời người, trong cuộc xống xã hội không ngừng. Hiểu như thế nhưng rơi vào vòng quay Vô thường chúng ta đã tu chứng được bao nhiêu?

…Trong thời gian qua, đã xãy ra nhiều diễn biến và hậu quả “Vô Thường” khiến cho ánh sáng Trí tuệ tưởng như nhạt nhòa theo cảm xúc người con Phật. Trại sinh Van Hạnh chúng ta có giao động, có lo lắng, có buồn phiền và có cả niềm riêng… Cái “có” phiền não đến nhanh nhưng không ngự trị lâu vì chúng ta hiểu được pháp Vô Thường trong vạn thể. Niềm riêng đến sau nhưng khẳng khái, thể hiện tinh thần KIÊN-TRÌ-ÐỊNH-LỰC của người Trai sinh lớn lên từ nhiều Trai trường trong việc tu Bồ-tát-hạnh, hành Bồ-Tát-đạo…Trại sinh VHI HN đã kết đoàn, quyết đứng lên kề vai gánh vác trách nhiệm thịnh suy của Tổ chức-mà tiền nhân đã khai sinh, khai thị, viết tiếp trang lịch sử GÐPTVN đương đại.

Ðại Hội HTr. toàn Thế giới Kỳ II vừa qua tại Bangkok, Thái Lan, đã mở ra ở Trại trường mới tại một nước Phật giáo là Quốc giáo, một lần nữa khẳng định thêm tinh thần quyết tâm hy hiến của Tổ chức GÐPT VN/Thế giới cũng chỉ vì mục đích phục vụ an sinh của dân tộc và trường tồn của đạo Pháp. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều Trại trường xuyên lục địa như thế mọc lên. Huynh Trưởng khắp nơi chan hòa huân tập, chia sẻ kinh nghiệm hành hoạt. Tin tưởng từ Trại trường tổ chức tốt sẽ sản sinh nhiều hàng huynh Trưởng trung kiên kế thừa, gánh vác sự nghiệp của Tổ chức, làm rạng rỡ và trường tồn GÐPT VN vậy!…

Ngọn đèn TÍN-HẠNH-NGUYỆN được thắp lên là dịp chúng ta nhìn lại nhân cách của chính mình, là tiếp tục tu rèn‘’thân giáo’’để ngày càng xứng đáng thêm trong quá trình hiện hữu trước đồng môn, đồng sự, đồng nghiệp, đàn em và xã hội.

Ðức Phật dạy rằng: “Tài sản của anh sẽ ở lại khi anh chết, họ hàng và bạn bè sẽ theo anh đến tận mồ. Nhưng chỉ có những hành động tốt, xấu mà anh đã làm trong suốt cuộc đời sẽ cùng anh sang thế giới bên kia”.

Trân trọng Trại Trường GÐPT VN.

Diệu Anh

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb