PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 26 : ĐI LÀM TỪ THIỆN
TÂM MINH
Đi làm từ thiện
Bài học “Bốn Nhiếp Pháp” hay “Bốn nhiếp sự” thì anh chị em chúng ta đã được học đi học lại trong chương trình Phật pháp của ngành Thiếu và cả của Huynh trưởng. Làm việc thiện thì cũng đã được thực hành từ khi còn là một oanh vũ, từ trong nước ra đến hải ngoại cũng cùng một mục đích nhỏ nhoi “sáng cho người một niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” bởi vì bố thí là công tác hàng đầu của bốn nhiếp sự (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).
Từ những việc thiện chút chút của từng cá nhân, một em Oanh vũ, một đoàn sinh ngành Thiếu, một anh/chị Huynh truởng cho đến những đóng góp tập thể của GĐPT nói riêng, cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung vào những khi có tai trời ách nước hay lòng người điền đảo như lũ lụt ở quê nhà, bão Katrina, Rita ở Texas… hỏa hoạn, vụ khủng bố 9/11 ở New York, v.v… cộng đồng người Việt bao giờ cũng được coi là nhiệt tình và rộng rãi nhất thế giới; nói một cách chung, làm từ thiện là công việc rất quen thuộc của người Việt chúng ta, bất kỳ theo truyền thống tôn giáo nào.
Trở lại với những công việc từ thiện của Phật giáo nói chung, GĐPT nói riêng, chúng ta thấy rằng người Phật tử đi làm việc thiện chỉ có mục đích “ngắn” là cứu đói, cứu lạnh, nghĩa là đem cơm áo, gạo tiền đến những nơi cần cứu trợ, những người cô quả cô đơn cần giúp đỡ. Có một vài người bạn Tin Lành và Thiên Chúa giáo nói rằng người Phật tử đi cứu trợ về rồi thì người được giúp đỡ quên họ ngay, đừng nói là tên Chùa, hay tên tổ chức đã đến cứu trợ; lý do là vì Phật tử đi cứu trợ chỉ giới thiệu mình thuộc chùa nào, tổ chức nào chứ không nói như các bạn Tin Lành hay Thiên Chúa giáo nói: đây là Chúa cho; hãy nhớ đến Chúa, hãy rước Chúa vào lòng để được luôn cứu giúp, và lên Thiên Đàng, v.v…
Anh chị em huynh trưởng chúng ta cũng đã hơn một lần thảo luận về bố thí, về tài thí, pháp thí và vô úy thí, v.v… về cách làm việc thiện, về quỹ “Tự Nguyện Hướng Về Quê Hương” (TNHVQH) do Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại phát động và duy trì hơn 10 năm nay. Chúng ta khoan nói về quỹ TNHVQH đã, vì đó là hỗ trợ nội bộ GĐPT trong nước mà thôi, mà chỉ bàn đến những ý kiến liên quan đến công tác cứu trợ ở trong cũng như ngoài nước; sự hữu hiệu đến mức nào cũng đang là vấn đề “nóng” mà người Phật tử nói chung, huynh trưởng GĐPT nói riêng hằng trăn trở. Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng quen thuộc A, B, C.
A: Hôm nay chúng ta bàn đến chuyện cứu trợ hở?
B: Phải, nội dung đề tài của chúng ta là: ý nghĩa chính của bố thí là gì? Có phải chỉ là tài thí hay không? Và bố thí như thế nào mới là hữu hiệu nhất?
C: Thật vậy, lâu nay phần lớn công tác từ thiện của anh chị em chúng ta từ trong nước hay ở hải ngoại thì chủ yếu cũng là tài thí.
A: Mình có chỗ chưa hiểu ý các bạn; mình nghĩ rằng thực hành bố thí không chỉ là đi quyên góp, rồi đem cho/tặng tiền bạc, gạo, thuốc men, mùng mền, v.v… mà thôi, mà khi gia đình một Phật tử nào có người thân qua đời, quý Thầy/ quý Sư Cô đến cầu siêu, thuyết giảng cho người sống và cho cả hương linh nghe thì đây vừa là bố thí Pháp, vừa bố thí vô úy nữa đó các bạn à!
B: Mình đồng ý với bạn, nhưng đó là làm công tác từ thiện với những nguời Phật tử, họ đã có lòng tin vào Tam bảo, còn đối với những người chưa biết đến đạo Phật, chúng ta bố thí Pháp bằng cách nào? Làm sao để hoằng dương Chánh pháp? Làm sao để giới thiệu Phật pháp đến với họ?
C: Phải, phải, các bạn có nghe không? Ở Việt Nam, có những vùng mà dân chúng trước đây theo đạo Phật, nói đúng hơn là họ thường nói, “theo đạo Ông Bà”; trong nhà có bàn thờ ông bà tổ tiên và vài nhà cũng có tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, nhưng khi nghèo đói quá, thiếu ăn trầm trọng, có những đoàn truyền giáo Tin Lành đến cho gạo, cho tiền, cho kinh Thánh, v.v… thì nhà họ đổi thành tín đồ của đạo Tin Lành.
A: Mình cũng có biết chứ, nhưng đó là giai đoạn thôi, nếu họ là Phật tử thì tới một lúc nào đó, khi đời sống hết khó khăn họ cũng đi chùa trở lại; mình có quen biết vài gia đình như vậy, ở VN họ đã theo như vậy, nhưng khi gia đình họ được đi Mỹ theo diện HO chẳng hạn, họ qua đây đâu còn theo đạo Tin lành nữa. Mình vẫn gặp họ ở các chùa.
B: Nói cho đúng, Phật tử Việt Nam thật tình là chưa được học Phật pháp nên niềm tin chưa vững chãi; nhiều phụ huynh đoàn sinh của mình bảo rằng con cái của họ đi GĐPT biết đức Phật và Phật pháp nhiều hơn cha mẹ! Mình nghĩ họ nói rất thật đó.
C: Thật vậy, ngày xưa người ta đi chùa chỉ biết lễ Phật, xin xăm… rồi về chứ đâu giống như bây giờ sau các buổi lễ Phật, quý thầy còn giảng ý nghĩa của lễ Phật, của quy y, v.v…
A: Các bạn có biết tại sao có sự thay đổi sâu rộng trong nếp sống của Phật tử cũng như của chư Tăng/Ni như vậy không?
B: Mình nghĩ là tại vì sau 1975 người dân quá khổ, họ mới tìm đến Phật, Thánh, v.v… mới đi chùa nhiều. Trước 1975 ngày Chủ nhật chỉ có tín đồ Tin Lành, Thiên Chúa giáo mới phải đi nhà thờ (nghĩa là bắt buộc), còn Phật tử thì chỉ có Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT mới đi sinh hoạt ngày Chủ nhật, còn Phật tử không có đoàn thể thì không bắt buộc phải đến Chùa ngày Chủ nhật, chỉ có những lễ lớn họ mới đi Chùa.
C: Mình cũng nghĩ rằng sau 1975 tuy tôn giáo bị cấm đoán nhưng Phật tử lại tìm đến Chùa nhiều hơn, yêu cầu chư Tăng Ni giảng Phật pháp cho họ nhiều hơn… nhờ vậy “phong trào đi chùa” lại nở rộ ra không cản nổi!
A: Không những thế, Phật tử tham gia làm công tác từ thiện cùng với chư Tăng/Ni, nhưng Phật giáo làm từ thiện không kèm theo công tác truyền giáo như các tôn giáo khác.
B: Vì vậy người ta mới nói Phật giáo yếu hơn Tin Lành, các bạn nghĩ có đúng không?
C: Mình nghĩ rằng vì chủ trương khác nhau chứ không phải là vấn đề yếu hay mạnh.
A: Mình cũng nghĩ như bạn C, Phật giáo chủ trương từ bi nghĩa là đem vui cứu khổ theo ý nghĩa “Khóc với người đang khóc, an ủi họ, chia sẻ với họ và nếu họ đói thì cho họ thức ăn, lạnh thì cho áo, cho mền, v.v…” mà không đưa ra điều kiện là phải trả ơn bằng cách theo Phật.
B: Cho nên nhiều người cho rằng Phật giáo tiêu cực trong vấn đề dành tín đồ.
C: Đã gọi là tín đồ thì phải do đức tin đem lại, chứ “giành” làm sao được!
A: Thật ra, giành cũng được chứ! Ví dụ như ngày xưa, nước Việt Nam chưa có đạo Thiên Chúa; khi các thương gia người Pháp đến VN thì các Linh mục đi theo sau các thương gia để truyền đạo. Và để được dân chúng theo, họ làm những điều lợi ích cho dân chúng như thành lập nông trại, đồn điền, v.v… để dân chúng có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, từ đó họ mới giảng đạo, mới lôi cuốn vào đạo được.
B: Đức Phật cũng nói vậy mà, hãy lo cho chúng sanh hết đói, khỏi thân bệnh thì họ mới nghe Phật pháp được; và đức Phật mới nói muốn hành Bồ-tát đạo, người Phật tử phải trang bị cho mình ngũ minh pháp; các bạn còn nhớ không?
C: Nhớ chứ! Ngũ minh pháp là 5 khả năng để hành đạo và truyền bá đạo: Nội minh (Kinh điển, giáo lý), Thanh minh (ngôn ngữ, ngoại ngữ, chữ viết…) Nhân minh (luận lý học, đạo đức học), Y phương minh (Y học) và Công xảo minh (Khoa học kỹ thuật).
A: Đúng vậy, những người có kiến thức sâu rộng như vậy, lại thành thạo các kỹ năng về khoa học kỹ thuật thì đi đến đâu cũng có khả năng làm ra của cải vật chất, cứu độ chúng sanh, rồi sau đó làm cho họ tâm phục khẩu phục, nghe theo mình, v.v… do đó muốn truyền bá cái gì mà không được, thậm chí muốn trở thành người lãnh đạo họ cũng được nữa là!
B: Do đó, nhiều người cho rằng nếu mình muốn làm công tác từ thiện, mình phải làm có cơ sở như vậy.
C: Tất nhiên về lý thuyết thì đúng nhưng thực tế làm sao được?? Phật giáo ở đâu cũng nghèo hết! Ở trong nước cũng nghèo, ở hải ngoại cũng nghèo, làm sao có đủ tài lực vật lực bố thí lâu dài và qui mô như bạn nói được?
A: Ngoài ra, người Phật tử còn tin ở duyên nữa; có duyên với Phật pháp hay không cũng là vấn đề quyết định có theo Phật hay không.
B: Đúng vậy, và đức Phật cũng nói rằng không cần phải là Phật tử, quy y Phật mà chỉ cần thực hành Phật pháp, nghĩa là những lời Phật dạy, những chân lý mà chư Phật, chư Bồ-tát đã chứng ngộ, giúp cho chúng sanh sống an lạc.
C: Mình cũng đồng ý với các bạn, làm việc thiện có rất nhiều hình thức và phương tiện, nằm trong 3 nội dung tài thí, pháp thí và vô úy thí là được rồi.
A: Ở Mỹ, có nhiều ACE Huynh trưởng đã tháp tùng theo phái đoàn của quý thầy, đi vào các trại giam để thăm và an ủi các tù nhân, và cũng có vài trường hợp rất cảm động là có tù nhân xin được quy y với quý Thầy nữa; như vậy công tác từ thiện này vừa có ý nghĩa pháp thí, vừa có ý nghĩa vô úy thí phải không các bạn?
B: Mình xin thêm là làm từ thiện với tâm vô tư, không vụ lợi, không vì danh tiếng của riêng mình hay đoàn thể mình như anh chị em mình làm lâu nay, âm thầm mà hữu hiệu là được rồi! Dù chỉ là cứu đói, cứu trợ thiên tai… chứ chưa đạt đến phạm vi truyền đạo như các tôn giáo khác.
C: Nói rất đúng! Buổi nói chuyện hôm nay cũng tạm đủ phải không các bạn, mình cảm thấy rất có ích, xin chào tạm biệt và hẹn lần sau nha!
A và B: tạm biệt! tạm biệt! ■
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)