VĂN : HỒI ỨC VỀ NGÀY NÀY 45 NĂM TRƯỚC : 23-05-1966

NGUYÊN THANH

HỒI ỨC VỀ NGÀY NÀY 45 NĂM TRƯỚC (23-5-1966)

Lệnh tan hàng được thầy trụ trì chùa Tỉnh hội loan báo lại trên loa phóng thanh vào ngày 23 tháng 5 năm 1966.

Sau một hồi hoảng loạn, tôi ngơ ngác rời khỏi cái sân trường Bồ Đề, nơi mà mấy hôm nay mùi tử khí xông lên nồng nặc từ những xác người Phật tử (dân và lính) được sắp thành hàng chưa có dịp chôn cất…

Trước đó khoảng một tuần, tôi nhận lệnh từ thầy Tuyên Uý Trưởng của Tiểu Khu Quảng Tín để làm hướng đạo cho đoàn xe của Liên đoàn Quân nhân Phật tử Trần Hưng Đạo từ Quảng Ngãi ra kết hợp với Quảng Tín để đi Đà Nẳng bảo vệ chùa Tỉnh hội. Hồi đó tôi là một Hạ sĩ quan làm phụ tá hành chánh phòng Tuyên Uý Phật giáo Tiểu khu. Còn trong nghề huynh trưởng thì tôi mang cấp Tập, làm đoàn trưởng Thiếu Nam GĐPT Hoà An tại thị xã Tam Kỳ.

Qua nhiều trở ngại bởi sự ngăn chận theo lệnh của Trung ương, đoàn xe chúng tôi vừa đến địa phận Hoà Cầm ngoại ô Đà Nẵng thì bị máy bay bắn chận trúng vào chiếc xe dẫn đầu của tôi bởi một quả “đạn khói”… Tôi bị hất tung khỏi xe, nhiều tiếng la khóc, nhiều người bị thương. Đoàn xe ngừng lại, tôi nghe vang vang tiếng của Đại uý Tróng, người chỉ huy Liên đoàn ra lệnh rời khỏi xe và bố trí dọc hai bên đường… Máy bay vần vũ trên trời, cảnh hổn loạn cấp cứu dưới đất, tôi lại được lệnh lẫn vào những người bị thương để về chùa Tĩnh hội: “nhận đặc lệnh truyền tin”. Thế là người y tá lấy thuốc đỏ, lấy máu người khác bôi lên người tôi rồi băng bó, bỏ tôi lên băng ca, đẩy vào xe cứu thương… Xe Hồng Thập Tự đưa tôi vào bệnh viện Duy Tân với một số người bị thương thật. Khi thấy trong đoàn cứu thương có một Thầy mặc áo tràng màu vàng, tôi đến gặp Thầy và nói rõ mục đích, và yêu cầu được đưa về chùa Tĩnh hội. Thầy và xe cứu thương hú còi đưa tôi về và được hướng dẫn gặp chỉ huy. Tôi không biết mặt họ là ai, Đại tá Mẫn, Đại tá Yêu? Tôi nói rõ yêu cầu của Đại uý Tróng: “xin đặc lệnh truyền tin để liên lạc với bộ chỉ huy”… Từ đó tôi mặc nhiên trờ thành một chiến sĩ bảo vệ chùa Tĩnh hội.

****

Tôi chạy bộ trên đường Ông Ích Khiêm hướng xuống chợ Cồn. Tôi không gặp vòng vây phong toả của chiến xa và các lực lượng trừ bị như những ngày trước họ thường chạy ngang qua chùa và bắn vài loạt đại liên thị uy. Tôi trốn vào nhà của một tiệm ăn bên đường, xin một bộ áo quần để tắm rửa và thay quân phục (đã một tuần qua tôi không hề được tắm rửa).

Tôi đi ra đường Hùng Vương tìm về nhà của một người bạn, người đó cũng là Huynh trưởng, trùng tên trùng họ, trùng tháng, và năm sinh với tôi: Nguyễn Văn Hà – Liên đoàn trưởng GĐPT Huyền Cảnh… Và ngay chập tối hôm đó, tôi bị một toán TQLC đến nhà vây bắt đưa về trại Ngô Văn Sở gần tiệm may “Văn Hà”…

Tôi bị đánh hội đồng bởi một vòng vây khoảng nửa tiểu đội lính TQLC với những lời thoá mạ chửi rủa và luôn miệng đòi giao nạp khẩu súng ru-lô!!! Thực ra tôi không có khẩu ru-lô nào ngoài khẩu súng ru-lô bằng vàng nhỏ teo mà tôi đang mang trên sợi dây chuyền ở cổ. Đây là khẩu súng mà tôi đã trả lời với Văn Hà khi anh ta hỏi tôi quăng bỏ súng ống ở đâu?!

Tôi tỉnh dậy khoảng 6, 7 giờ sáng, khi mở mắt thì bị chóa vì mặt trời, tôi ú ớ chưa nhớ ra điều gì đã xảy ra sau khi thấy mình đang nằm trong con ngựa sắt bằng kẻm gai ngay giữa đường, trước cổng trại Ngô Văn Sở… Tôi dần hồi tỉnh, mình đã bị bắt và bị đánh bất tỉnh từ tối hôm qua… Mùi xú uế của phân! Tôi ngồi dậy kêu anh lính gác xin được đi vệ sinh… Hắn chửi thề và nói: “nó tỉnh lại rồi, đem ra dợt nữa tụi bay ơi!”. Tôi sụp xuống và lại thiếp đi… Không biết đến bao lâu sau thì tôi bị đá vào người và kêu ngồi dậy. Lính gác dẫn tôi ra nhà vệ sinh, tôi cởi hết áo quần ra giặt và lau rửa sạch phân đang dính trên người, rồi mặc lại bộ đồ duy nhất đó mà không có một mảnh quần áo lót.

Tôi bị còng tay đưa ra ngồi vào ghế sau của chiếc xe jeep có nhiều cần ăng-ten đang đậu sẳn…

“Thưa Thiếu tá, xong rồi…” Ông Thiếu tá ngồi lên phía trước với tài xế, còn cận vệ ngồi phía sau cạnh tôi. Xe chạy về đồn Quân cảnh Đà Nẳng. Bên ngoài hàng rào đồng bào đứng rất đông, bên trong nhiều tốp lính ngồi xếp hàng, tôi bị đẩy thẳng vào phòng giam với một khúc bánh mì, đây là bửa ăn đầu tiên (không có nước) trong suốt 20 giờ bị bắt.

Buổi chiều Quân cảnh chở tôi với một số người khác lên Sở I ANQĐ gần sân bay. Buổi tối, họ còng tay hai người lại với nhau và chở chúng tôi vào sân bay Đà Nẵng. Máy bay cất cánh ban đêm đưa chúng tôi vào Cục ANQĐ Sài Gòn.

Mấy ngày liền lấy khẩu cung, tôi được giam chung phòng với Thiếu tá Tôn Thất Tương, và được biết các phòng kế bên có Tôn Thất Trực, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi. Đặc biệt có huynh trưởng Nguyễn Văn Chức mà tôi được gặp lần đầu trong phòng giam và một lần cuối tại chùa Linh Sơn trong dịp dự trại Huyền Trang II Trung Ương tại trại trường Đà Lạt năm 1970, tôi gặp chỉ vài giờ trước khi anh bị tai nạn tử thương.

Khoảng một tuần sau tại phòng giam của Cục ANQĐ, tôi nghe tin Thiếu tá Lê Hoàng Minh, Tiểu đoàn trưởng Trâu Điên TQLC  đã tử thương trong trận phục kích của Việt Cộng tại Cua Lương Điền, khi đoàn quân của ông từ Đà Nẵng ra Quảng Trị… Tôi niệm danh hiệu Phật Di Đà và cầu nguyện cho linh hồn ông được siêu thoát…

Xe bịt bùng đưa chúng tôi lên trại Quang Trung – Hóc Môn vào ban đêm. Hai ngày sau chúng tôi lại lên xe bịt bùng chạy vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng vào ban đêm. Hằng loạt máy bay C123 và C130 đậu sẳn. Cứ 80 người lên một chiếc và máy bay lại cất cánh. Từng chiếc đáp xuống rồi bay lên. Chúng tôi ngỡ ngàng giữa cái sân bay xa lạ, chung quanh là hàng rào và rừng cây… Đây là đâu? Ai cũng tự hỏi mà không ai biết câu trả lời. Ngồi chụm nhau mà ngủ trong sương đêm. Sáng ra nhờ ai đó bắt gặp người dân địa phương đi rừng, hỏi ra mới biết chúng tôi đang ở trên đảo Phú Quốc…

***

Khoảng mười ngàn người quân nhân Phật tử bị bắt trong vụ biến động miền Trung đã được giam tại trại Dương Đông này, ngày ngày vào rừng đốn cây, xây dựng lán trại, tối lại chung nhau tụng kinh cầu nguyện… Dần dà, chúng tôi làm quen và kết thân với nhau.

Đủ mọi thành phần, cấp bậc lớn nhỏ trong Quân Cán Chính tham gia tranh đấu Phật giáo miền Trung đa số đều tập trung về giam ở đảo Phú Quốc. Chúng tôi được phân công ra cảng bốc dở hàng tiếp liệu, đi chợ, đi chùa, và có dịp làm quen với dân trên đảo, nhưng không ai trong chúng tôi có được lương tiền, tất cả đều cháy túi không một đồng xu . Người dân chẳng mua bán được gì với chúng tôi, nếu không nói là họ còn gánh nặng thực phẩm, quà cáp giúp cho chúng tôi. Từ đó cá nhân tôi có được thêm má nuôi, chị nuôi trên đảo và có cả đều kiện để vận động thành lập GĐPT tại chùa Dương Đông. Tiếc là sau một thời gian nhem nhúm thì tôi lại được trả về đất liền trong đợt sớm nhất, nên chẳng biết sau này cái GĐPT mà anh em chúng tôi vận động có được hình thành hay không?!

Tôi lên máy bay về đất liền với hai bàn tay trắng, ngoài một lá thư của huynh trưởng Lương Hoàng Chuẩn gửi về nhà ở Sài Gòn được tôi giấu trong thắt lưng, và tôi mang trên vai dấu tích bánh xe Pháp Luân mà hầu hết anh chị em trong trại đều được xăm để làm kỷ niệm với dòng chữ “Pháp nạn 23/5/1966”.

Về đến Sài Gòn, trong khi chờ nhận sứ vụ lệnh, tôi tranh thủ đưa thư đến nhà chị Chuẩn. Thăm hỏi mừng tủi biết tin chồng, tin cha, chị Chuẩn sai cháu đưa tôi lên chùa Ấn Quang. Tôi được gặp Thầy Thiện Hoa và đạo tràng, ai cũng thương mến hỏi han anh em ngoài đảo, đạo tràng quyên góp tiền bạc để mua sắm áo quần, túi xách và mua vé máy bay cho tôi để được về thăm gia đình, sau gần 6 tháng bặt tin…

Trước khi ra sân bay, tôi ghé Nha Tuyên Uý Phật Giáo, Thầy Hộ Giác thăm hỏi và cho tôi một số tiền nhỏ làm lộ phí. Sau một tuần ra miền Trung thăm gia đình, tôi trở lại Bộ Tổng Tham Mưu nhận Sứ vụ lệnh đi đơn vị mới: Chi Khu Năm Căn – Tiểu Khu An Xuyên. Trước lúc đi, tôi lại ghé chùa Ấn Quang gặp lại Hoà thượng Thiện Hoa. Ngài đã khuyên tôi: “Các con là những hạt giống Bồ Đề, người ta vung vãi đến đâu thì nơi đó giống Bồ Đề sẽ nảy mầm”.

Tôi lên đường ra đơn vị mới: không quân phục, không súng, không lương. Tôi trình diện Tiểu Khu An Xuyên, nhưng không chấp nhận ra đơn vị ở Chi Khu Năm Căn. Tôi viện dẫn lí do chưa được quyết định phục hồi quân tịch… Họ phân bổ tôi tạm thời về phòng Tuyên Uý Tiểu Khu. Tôi lại làm phụ tá hành chánh cho thầy Tuyên Úy Thích Thanh Hiện (trước đây tôi có dịp học khóa hành chánh ngành Tuyên Uý). Và đây là cơ duyên để tôi gieo giống Bồ Đề. Tôi bàn với thầy Tuyên Uý Trưởng và được thầy đồng thuận để vận động thành lập GĐPT tại thị xã Cà Mau… Đầu năm 1967, đơn vị GĐPT Thiện Mỹ ra đời, sinh hoạt tại chùa Quan Âm Cổ Tự, thầy Thanh Hiện là Cố Vấn Giáo Hạnh. Tôi là Liên đoàn trưởng, sáng lập viên đầu tiên với bác Gia trưởng Hoàng Nên. Hồi đó, các em học sinh An Xuyên tham gia vào GĐPT đông lắm. Nhiều anh em quân nhân Phật tử cũng vào tham gia sau này như Đại uý Giang (truyền tin của Tiểu khu), Trung sĩ Mai, Thượng sĩ Vân, sau này là Liên đoàn trưởng đời thứ II và thứ III của GĐPT Thiện Mỹ. Ngoài ra, các em huynh trưởng và đoàn sinh khác hồi đó là học sinh trung học An Xuyên, nay vẫn còn và đang ở hải ngoại như chị Thanh Thảo, Thu Vân ở Nam Cali, như Mã Lệ Châu, Nguyễn Cao Thăng ở San Jose, Mã Hoàng Minh ở Oregon, Châu Ngọc Thạch ở Utah, v.v.. Tất cả họ là những con chim đầu đàn của GĐPT Thiện Mỹ, cũng là tiền thân của GĐPT Quảng Thiện ngày nay. Và cô bé oanh vũ nữ Nguyễn Thị Bạch Tuyết năm xưa, bây giờ đã là Gia trưởng đời thứ II sau bác Hoàng Nên. Cô là người đã đóng góp công sức vận động hình thành thêm 6 đơn vị GĐPT khác tại Cà Mau sau 45 năm sinh hoạt không ngừng nghỉ với Gia đình Lam.

Bây giờ cứ mổi lần có dịp trở về thăm đất Mủi, khi đến với các đơn vị GĐPT ấy, các em vẫn ríu rít gọi tôi là anh Thanh, cái pháp danh Nguyên Thanh quen gọi từ xưa mà bác Gia trưởng Tuyết đã luôn nhắc nhở và vinh danh là người anh cả, sáng lập GĐPT Cà Mau. Đó là một niềm vinh hạnh hiếm hoi, là lời dạy mà tôi không quên từ Hoà thượng Thiện Hoa. Tôi không bao giờ quên chỉ vì tôi là một huynh trưởng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

California, ngày 23 tháng 5, năm 2011.
Nguyên Thanh Nguyễn Văn Hà

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb