TRANG TƯỞNG NIỆM : Anh TÂM HUỆ Cao Chánh Hựu

LỜI THƯA :

Thưa các anh chị em Lam Viên thân mến

Ngày 31/3/2011 tức là ngày 27 tháng 2 năm Tâm Mão, Ngày Đại Tưởng của anh TÂM HUỆ CAO CHÁNH HỰU, chúng tôi dành MỘT TRANG TƯỞNG NIỆM trên Trang Nhà Hải Ngoại để quý anh chị em Lam viên viết đôi giòng tưởng nhớ về anh ..Vâng chỉ đôi giòng thôi để nhớ về một người anh Áo Lam đã trọn đời hy hiến cho Tổ chức ..

Gởi E mail ( chữ Việt có dấu, Unicode ) hoặc bài viết đính kèm ( Unicode ) , chúng tôi sẽ đăng lên TRANG TƯỞNG NIỆM . Chỉ xin quý anh chị gởi đôi giòng tưởng nhớ thôi ( từ 10 chữ đến 100 chữ ) , để có thể đăng chung trên TRANG TƯỞNG NIỆM .

Kính cám ơn

TÂM ĐĂNG

TRANG TƯỞNG NIỆM

Anh Tâm Huệ kính thương

Mới đó mà đã 2 năm rồi anh nhỉ ..2 năm kể từ ngày anh ra đi về Cỏi Phật, để lại biết bao thương nhớ, biết bao trống vắng cô đơn ..Với em thì hình ảnh và kỷ niệm bên anh luôn hiện về trong tâm tưởng ..Anh với em như hình với bóng trãi qua năm tháng dài miệt mài với Đại hội, với họp hành, với văn thư, với báo cáo …và với những lúc bên nhau trong Bệnh viện đau ốm, thập tử nhất sinh.  Bản Tin Hải ngoại còn đó, chồng văn thư với bút tích của anh vẫn còn đây..văn phòng làm việc trống lạnh, tủ sách, hình treo đã phủ lớp bụi mờ.. mà bóng hình anh vẫn xa xôi trong khoảnh không gian tỉnh mịch..

Nhớ đến dáng đi khập khểnh của anh mà đôi môi vẫn nở nụ cười rạng rỡ, nhớ những đêm khuya trời mưa gió đưa anh vể, mà tình Lam sưởi ấm khiến lòng anh chẳng lúc nào thấy băng giá cô đơn.. Trong em, anh là hiện thân của Bồ Tát..

2 năm rồi anh nhỉ ..em ngồi viết đôi giòng về anh để thay giòng nước mắt ..anh đi rồi, anh xa rồi, em thấy đau buồn và thương nhớ anh lắm anh ơi ..

TÂM ĐĂNG


___________

Anh Hựu ơi !

Cuộc đời anh, anh đã tập nhẫn nhục từ thuở thiếu thời cho đến lúc đến với GĐPT.Trong thời gian sau 1975 với thực trạng trong nước và môi trường đặc biệt tại hải ngoại, gia đình riêng …, hạnh nguyện nầy càng được anh thử thách mỗi lúc mỗi nhuần nhuyễn.

Anh về cõi Phật an vui,

Chúng em ở lại bùi ngùi nhớ anh.

Gương nhẫn nhục, đức hy sinh,

Chúng em xin nguyện theo anh hành trì.

Mãi mãi thương mến anh, Anh TÂM HUỆ Cao Chánh Hựu của chúng em.

NGUYÊN MẪN

__________

Thưa Anh Hựu ,

Người ta nói “ Sống thì biển hồ lai láng, chết thì kể tháng kể ngày” Bây giờ em mới thật hiểu hết ý nghĩa .. Anh Hựu thi đại tường, anh Tuân thì thất tuần … nếu 2 Anh đang còn đó, đâu có bao giờ đếm tháng dếm ngày Anh hí? Tuy nhiên em vẫn chưa thấy xa 2 Anh ngày nào  cả.

[Pháp chỉ cho viét từ 10 chữ đến 100 chữ nên em phải ký tên và dừng đây]

TÂM MINH VƯƠNG THÚY NGA


__________

Bốn Mùa Nhớ Anh

Mùa Xuân năm ấy u sầu

Tin anh vĩnh biệt nhói đau bao người

Mùa Hè năm ấy chơi vơi

Vắng anh vắng cả nụ cười dòn tan

Mùa Thu thiếu ánh trăng vàng

Sông xanh thiếu dấu chim Lam ẩn mình

Mùa Đông sắp đến rồi anh

Kỳ III (ba) Đại Hội* nhìn quanh thiếu người!

NGUYÊN TỪ NGUYỄN QUỐC HƯNG

___

*ĐH Thế Giới kỳ III tổ chức vào mùa Đông 2012

_____________

Cảm niệm

Hai năm trời qua nhưng em vẫn không quên được anh, nhất là mỗi khi lục lạo trong phòng chất chứa đồ dùng của GĐPT..thấy câu “ banner “ màu xanh chữ trắng viết đậm nét “ Mừng thượng thọ 70 của Huynh Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu “ lòng em vô cùng xúc động, nhớ lại những động tác mà anh cười cười nói nói rất dễ thương và hiền hòa, rồi anh kéo chúng em có cả chị Tâm Chánh, Anh Hồng Liên ra vòng tròn  ”..một hai, một hai “, ôi quá là vui trong chiều hôm đó..thế mà giờ đây anh đã bỏ chúng em ra đi vĩnh viễn. Buồn quá anh ơi !! Thương quá là thương.  Những kỷ niệm mà anh đã để lại, đấy là hành trang hỗ trợ cho chúng em trên con đường tiếp nối anh để dìu dắt đàn em thân yêu của chúng ta.

Thương về anh Tâm Huệ, nhân ngày Kỷ niệm Đại Tường của anh

Em.

TÂM HỎA LÊ QUANG DẬT

____________

Nói với Anh…

(…dù hình hài Anh không còn nữa… nhưng Lam Tình vẫn sống mãi trong Anh…)

Thưa Miền Tây… đang dõi mắt trông theo làn mây trắng, mây bay về đâu? gợi nhớ về anh, hình ảnh anh ngồi làm việc nơi góc phòng ở VPTT hiện ra, rõ rệt. Lần đó, về trại Trần Nhân Tông, Út đã đến viếng anh lần đầu ở văn phòng anh làm việc, anh đến muộn, ngồi chờ anh, bóng dáng hiền hòa mở nhẹ cánh cửa đi vào, mừng vui kể xiết. Anh đã khoe với Út, văn phòng nhỏ hẹp nhưng với anh không nơi nào ấm cúng cho bằng! vì tình lam mặn nồng của khắp năm châu đang ở bên cạnh anh! đó là tấm bản đồ GĐPT trên khắp thế giới, đã cho anh niềm tin để sống. Ngồi đó bên anh, anh cho xem những thứ tài liệu anh đã và đang làm cho tổ chức, công phu và sáng tạo của anh. Út ngồi lắng nghe anh, mà trong lòng phải kính phục cái chân tình anh đã đặc biệt dành riêng cho Lam viên trên khắp địa cầu. Nhịp cầu nào có tình Lam nối bước, là nơi đó anh đi qua… Chan hòa tình anh!!!

Nhắc đến anh là kỷ niệm tràn về, nỗi nhớ không thể phôi phai, hệt như Út vừa mới trò chuyện cùng anh vậy! Dẫu rằng, Út biết anh, phụ giúp anh một số việc nhỏ nhặt, và trong khoảng thời gian ngắn nhất, nhưng nhiều kỷ niệm khó quên về anh. Cảm giác như mới, mà đã sắp tới ngày húy kỵ 2 năm cho Anh rồi đấy!!! 2 năm vắng bóng anh; cả không gian miền Tây lẫn miền Đông đều u buồn, ảm đạm, âm thầm vắng lặng, vắng tiếng reo điện thoại ở văn phòng vào khoảng trưa miền Đông; vắng tiếng cười hòa ái; vắng những dòng email thân tình đầy triết lý của anh, hương sắc lam-tím không phai, nhưng chạnh lòng bùi ngùi tiếc nuối, khi Út đọc lại những dòng emails cuối anh viết gởi cho miền Đông năm nào, tất cả chỉ có thể mường tượng lại trong ký ức, chứ không bao giờ còn cơ hội để nâng niu như hiện thực được! Hiện thực là đây, tim Lam chan chứa và chẳng bao giờ rời nhau!!!

Út nghe thế gian thường nói: “thời gian là liều thuốc chữa lành bao ẩn khuất đau thương” nói như vậy không hẳn là niềm đau hay tiếc nuối có thể phai mờ theo dòng thời gian được. Và nhất là tình Lam mặn nồng tha thiết, thể như ACE đang thở cùng một dòng máu Lam, nên vết đau của Lam tình khó mà nhạt phai. Nhưng dù sao, phải có những tiếc nuối đó để nhìn lại, thì mới tiến thân và tiếp tục đoạn đường dài phía trước được. Với tình thương và nhiệt huyết anh đã gói trọn cho GĐPT trong suốt cả một đời. GĐPT đã trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió, đớn đau trong những năm tháng dầu sôi lửa bổng trên quê hương mình, thế mà anh vẫn đứng vững, vẫn đường ta ta đi, vẫn lý tưởng ta tôn thờ. Và lý tưởng này không phải cho riêng cá nhân anh, mà sự sống còn, nuôi lớn một tổ chức để thoát khỏi những năm tháng đau thương ấy. Anh đã hy sinh cuộc đời, quên mình để mở lối cho Lam viên bước vào.

Qua bao năm tháng hành hoạt của anh, là một huynh trưởng GĐPT anh đã thể hiện đúng mục đích, châm ngôn, và hướng đi qua cuộc sống anh, đúng theo tinh thần Phật giáo. Anh tự chuyên cần, ngoài việc hết mình phụng sự cho tổ chức, cho đạo pháp, cho quê hương, anh còn tự rèn luyện thân tâm, để thành một người huynh trưởng kiểu mẫu: anh sống cho tổ chức, anh sống cho mọi người, gương từ hòa, nhẫn nhục, hỷ xả và lắng nghe của anh bất diệt. Anh tích cực rèn luyện và thực hành đúng theo châm ngôn của GĐPT.

Lắng nghe là nghệ thuật sống đẹp! “Nói ít nghe nhiều” là châm ngôn của anh. Anh lắng nghe, để xoa dịu niềm đau khắc khoải trong lòng lam viên huynh tỷ muội. Anh lắng nghe để tự sửa mình. Anh lắng nghe để khuyến nhắc tinh thần, để giúp hòa giải, để tìm ra phương cách mới giúp nối kết sự rạn nức. Đó là người anh kính quý mà Út gọi là Miền Tây thương kính…

Hôm nay đây, ngồi nhớ về anh, có lẽ anh đang thúc giục với niềm hoài mong: “Chim Lam ơi, hãy bay về chung tổ ấm”. Tổ ấm này đã nuôi lớn thân tình, đã khắn khít nhau, xẻ chia ngọt bùi của gần 70 năm chung cùng, hãy cầm tay nhau, hãy cất cao tiếng hát “Đây gia đình… cùng chung mái ấm…” hãy đoàn kết, hãy thương yêu, hãy về lại, để nhớ về nhau những gì ta đã trao nhau trong 70 năm, tình chung màu áo!!!

Mấy năm trước anh có gởi tặng cho Út, nguyên một bộ đồng phục Lam cũ của anh với lời nhắn nhủ rằng: “Đây là một trong những bộ đồng phục cũ nhất của Miền Tây, để đánh dấu màu sắc thời gian có nhạc phai, nhưng màu sắc Lam Tình không phai!”

Anh luôn động viên, luôn nhắc nhở với chân tình tha thiết, cẩn mật. Với anh, dù còn hay mất, trái tim Lam của anh hẳn là bất diệt!!! ACE ơi! Hãy nhớ quay về, hội ngộ cái chân tình của 70 năm hành hoạt để thành kính tưởng nhớ về anh.

DIỆU TÁNH

***

Kính bái vọng Anh Tâm Huệ ,
Thời gian đi nhanh quá , mới đó mà đã hai năm rồi , ngày được tin Anh thu thần qui tịch, em vô cùng xúc động, vẫn biết sắc thân huyễn giã có đến thì phải có đi , mà sao tâm tư em  mãi thương tiếc  , vẫn biết giờ nầy Anh đã an phần tịnh độ . Nhưng  hình ảnh Anh vẫn mãi hiện hữu trong lòng em . Nhân ngày Đại Tường  chân thành thắp nén hương lòng tưởng niệm người Anh Cả mà em hằng kính mến .

Trân trọng.

Tâm Trực

Huỳnh Văn Trung .CaNaDa

________________

Thương kính người anh

Cách đây 14 năm, lần đầu tiên em được gặp anh và được anh đón tiếp trong khi chờ đợi tất cả phái đoàn đến tham dự Hội Nghị Huynh Trưởng Hải Ngoại. Mỗi ngày em được anh cho nghe bài hát trầm hùng nhưng rất tự tại trong băng nhạc “Mặt trời hồng tỉnh thức” của Võ tá Hân.

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mĩm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời.

Trong dịp đó em đã kiếm mua dĩa nhạc tại Los Angeles và đem về trú xứ. Từ đó đến nay đây là dĩa nhạc duy nhất mà em luôn nghe mỗi ngày. Nói không ngoa khi thưa rằng anh đã ở trong tâm khảm người em áo lam từng ngày, trước cũng như sau khi anh rời bỏ báo thân.

Anh ơi! Anh không còn thở vào, thở ra nhưng anh đang an trú trong lòng đoàn thể Áo Lam qua những hình ảnh tuyệt đẹp mà anh để lại cho chúng em.

Nhắc về anh…còn nhiều và nhiều lắm dù gặp anh chỉ qua các lần đại hội……Tất cả vẫn còn in đậm nét trong em.

TÂM BẠCH

____________

Tưởng niệm ông anh lam cùng họ

Quá đổi tự hào khi được nhắc đến anh. Những mẫu chuyện trước 1975,  huynh trưởng nhận trác gọi hầu tòa trong dịp trại mà lòng vui như tết đến. Những câu chuyện chị Cả kể khi thăm anh ở trại cải tạo: xông xáo, làm việc chẳng nề hà để không chỉ bạn mà “cán bộquản giáo” cũng bất ngờ về tinh thần đồng sự ở anh.

… Đến xứ người khá muộn nhưng anh đã nhanh chóng kết nối áo lam bốn phương. Nền tảng GĐPTVN trên Thế giới đã được vun bồi qua hai lần Đại Hội trên đất Phật ghi đậm cân não của anh. Em lam khắp nơi luôn nhớ về anh và thương quý anh. Địa chỉ Email của anh chắc vẫn còn được giữ lại trong hộp thư lưu trữ của mỗi người. Anh đã thể nhập lại cõi Ta Bà chưa nhỉ ?!?

Thương kính
DIỆU QUANG CAO THỊ LIÊN MINH

___________

GIỮA CUỘC ĐỜI ĐUỔI BẮT MÀ LÒNG VẪN AN NHIÊN

Anh trọn trung với tổ quốc—-với dân tộc, Anh ấp tràn tinh LAM với tổ chức GIA ĐÌNH PhẬTTử

Với một ỦY VIÊN CHÍNH PHỦ tòa án mặt trận vùng, ở một vị trí yếu nhân như thế, mà đời sống giản dị, khiêm tốn, có lẽ trong anh chị em ÁO LAM chúng ta ai cũng biết, nói về anh thì nhiều việc cần và đáng nói lắm, cao cả lắm, nhân từ lắm ,anh vẫn cô đơn, cái cô đơn hiếm có trong cuộc đời, cái cô đơn mà ấp tràn tình nghĩa, cô đơn mà không cô đơn, vì anh sống cho tha nhân bằng lý tưởng BI TRÍ DŨNG mà anh đã chọn từ thuở thanh xuân …….

…. Tháng chạp, năm 73, tôi vào Đà nẵng dự cuộc họp, ghé thăm Anh

Sau khi hỏi thăm tin tức anh chị em ….. Anh lôi trong ngăn kéo ra một bì thư dày cộm, anh nói: lương thámg 13 của anh đây, Thẩm mang về cho chị ỦY  nói chị và mấy cháu tiêu TẾT, Gia đình chị đang gặp lúc khó khăn….nếu chị hỏi gì thêm thì em cứ cười thôi không nói của ai và cũng đừng nói gì về Thẩm cả nghe…. Sau khi đưa địa chỉ, anh dặn thêm, xong việc về đây, chiều đi ăn cơm với anh và ngủ lai với anh, mai rồi ra HUẾ  trời mưa, tối đi đường nguy hiểm….lấy xe anh mà đi, ….thôi xe em cũng được, xe anh mang ẩn số , em sợ…….ANH HỰU của chúng ta là thế đó…..

THÁNG BA, ĐẠI TƯỜNG CỦA ANH

MINH QUANG LÊ VĂN THẨM

_________________

Hai năm qua tuy rằng anh khuất bóng

Nhưng tiếng “Sư tử hống” vẫn còn

Ngọn hải triều rất  mềm nhưng oai dũng

dẹp bao nhiêu chướng ngại ngăn đường

lời cuối cùng vang vọng bốn phương

Xây kết một Tình Lam  trên Thế Giới

ĐỨC QUẢNG

_______________

TƯỞNG NIỆM ANH TÂM HUỆ-CAO CHÁNH HỰU…

Kính thưa anh Tâm Huệ,

Đã hai lần tháng Ba GĐPT Thiện Tài hầu kỵ Anh tại chùa An Lạc, thành phố High Point, bang North Carolina…

  • Năm dầu, Tiểu tường Anh, em quỳ ở phía cuối Chánh Điện ngẩng mặt nhìn lên khung hinh Anh trên bàn thờ linh, tập trung thần trí đọc Kinh niệm Phật chú nguyện hương linh anh an tịnh nơi miền Cực Lạc. Sau lễ cầu siêu, cô Mộng Hoa,  vui cười nói với em rằng:’’Cậu của cháu nhất định siêu thoát rồi cô ạ. Cả đời ông theo GĐPT, thương con thương cháu, hiền khô à’’ Em cũng cười trả lời Hoa:’’ Đúng lắm, Anh chị em nhà Lam cũng đều nghĩ như vậy. Mọi người đều kính quý và  thành tâm nguyện cầu cho anh về cõi Phật. Nơi đó cũng có Gia Đình Phật Tử để anh chăm sóc, thương yêu …’’

Nói sao cho hết kỷ niệm mỗi lần nghĩ đến Anh và công hạnh với cõi đời thờ kính Tam Bảo, dìu dắt đàn em học Phật của Anh? Thôi thì hãy nhìn Anh nơi cõi Thanh Tịnh xa vời vợi đó, với Tâm Huệ thơm quý mà nhân lên, đạt cho được Cao Chánh Pháp Phật trong cuộc hành trình mới nối tiếp tiền kiếp anh đã từng phát nguyện hành hoạt  !

Năm nay, Đại Tường Anh, Chùa An Lạc tổ chức Cầu siêu ngày 20/3/11. Cả GĐPT/ Thiện Tài đều tham dự, riêng em vắng mặt. Em chỉ kịp chào Anh qua lời dặn dò cháu Liên Đoàn Trưởng lo chu đáo lễ Đại tường Niên Trưởng.  …

Ngối trên máy bay từ NC lên Chicago, em nghĩ đến ngôi sao sáng rỡ trong hàng Giao Phẩm tinh hoa của Phật Giáo Hải ngoại vừa vụt tắt: Hòa Thượng Thich Trí Chơn, Chủ Tịch Hội đồng điều Hành Phật Giáo HN tại Hoa Kỳ… Ngài là vị Cố Vấn Giáo Hạnh vô cùng kính Quý của Nhà Lam Miền Tố Liên, Hòa Thượng Xe Buýt của chúng em…Em không kềm được dòng lệ khóc Thầy.  Cuối cùng, cố nuốt xúc cảm, em nhắm mắt niệm Phật, nhất tâm nguyện cầu Chơn Linh Hòa Thượng Vãng Sanh Cực Lạc, chỉ nhất tâm cầu nguyện.

Cho đến khi có thông báo đến ơoi, chuyển tiếp chuyến bay rời Chicago đi Cali…Em chợt trở về  cảm xúc ngùi ngùi tiếc thương của một đứa con ở xa về dự tang lễ Thầy,  chợt nhớ ngày tháng Ba 2009 đồng thể nỗi xót xa, ấm ức, nghẹn ngào em về dự tang lễ Anh…Bước chân lầm lủi, nặng trịch dù chỉ với cái túi hành lý nhẹ hều trên tay. Em đi mà sợ tới, muốn đến mau nhìn thấy Anh sao mãi ngần ngừ, lủi thủi.

Rồi em đã đến Cali, em đã đến nơi Anh hóa thành thiên cổ.

…Người đầu tiên em gặp là anh Pháp. Anh Pháp gọi tên em hơi thảng thốt, hai anh em không nói gì thêm, chỉ rưng rưng nước mắt. Có lẽ chúng em cùng nhớ đến tấm hình em ngồi giữa Anh, anh Pháp, anh Mai chụp trong  ĐH GĐPTVN/TG ở Thái Lan tháng 8/08, nay vắng Anh? Vắng anh mãi mãi…!Ôi! Không! Anh Tâm Huệ ơi! Anh Sống mãi bên chúng em mà, phải không?

Đây rồi, xác thân Anh nằm trong áo quan đó, mà cách trở từ đây, từ đây biền biệt…Anh thật gần mà vời vợi xa…Em nhớ những lời email anh viết. Nhớ tiếng cười giòn thoải mái sau cấu tếu chung vui. Làm sao quên được những cống hiến chất chứa, trải dài từ trong nước ra Hải ngoại Anh dành cho Tổ chức Áo Lam và chuổi ngày giàu bệnh án, thận cận nhà Thương hơn nhà mình buổi cuối đời riêng Anh ? Ôi! Anh Tâm Huệ !

….Ngày tháng Ba năm nay, em đến chùa Bát Nhã dự lễ tang Đại Lạo Hòa thượng Thích Trí Chơn. Người đầu tiên em gặp cũng lại là anh Pháp. Anh Pháp lặng lẽ nhìn em. Hinh như anh muốn nói :’’ Em lại về dự lễ tang…’’ Em thở dài ngước mắt nhìn vào hội trường ngợp vòng hoa Tang phúng diếu và nói lạc đề: ‘’Tháng trước em bị cảm năng chứ không thì em đã về dự lễ tang niên trưởng Phan Cảnh Tuân-Thầy Phổ Hòa rồi! Em có hình chụp kỷ niệm thi lên núi Linh Thứu cùng Thầy và Tâm Lễ – nhân dịp ĐH GDPTVN/TG và hành hương di tich Phật ở  Ấn Đô năm 2004. Thầy Vô địch, anh Pháp nhớ không?’’

Ôi!Mới đó… mà nay đã chung thất Thầy Phổ Hòa !

Xin vọng bái Thầy, vọng bái Anh Tâm Huê

A DI ĐÀ PHẬT

DIỆU ANH

_______________

NGÀY ĐẠI TƯỜNG, NHỚ ANH HỰU

Anh Hựu ơi! nhân ngày Đại Tường, em xin viết lên những cảm nghĩ trong lòng mình để tưởng niệm về Anh.

Kính thưa Anh, em thấy ở đời, trong lĩnh vực nào cũng có những nhân tài xuất chúng để người khác học hỏi, noi gương. Nếu ở thế gian có những vị anh hùng, mà sự đóng góp của họ đáng được lưu danh hậu thế, thì trong Tổ Chức của mình cũng đâu có khác. Phải có những bậc Đàn anh, Đàn chị xứng đáng làm khuôn thước, mẫu mực để lớp đàn em học hỏi, noi gương.

Đối với lớp hậu học như em, quý anh chị Trưởng lão Tiền bối mỗi người mỗi vẻ, người được điều nầy thì mất điều kia, ưu điểm mặt nầy thì khiếm khuyết mặt khác. Không biết em nói có quá lời hay không, nhưng với riêng em, Anh là người hoàn toàn không tỳ vết. Từ ngày bắt đầu làm việc, hành xử trên cương vị Huynh Trưởng, em chưa hề nghe được bất kỳ một lời “tố khổ”, chê trách, phàn nàn nào của người khác về Anh. Được gần Anh, được làm việc, được tiếp xúc, thư từ qua lại, em học được nơi Anh biết bao nhiêu điều lợi ích để phục vụ Tổ Chức cũng như để “ứng nhân xử thế” ở đời.

Em đã đọc được đâu đó trong Luận: “Như Lai thuyết những điều đã chứng. Như Lai chứng những điều đã thuyết”. Từ ngày được gặp Anh, học những bài học từ thân giáo nơi Anh, em đã viết lại thành câu “thần chú” đặt trước bàn nơi em làm việc: “Huynh Trưởng nói những điều đã làm. Huynh Trưởng làm những điều đã nói”. Cả cuộc đời Anh, những lời Anh đã nói, những việc Anh đã làm, những điều Anh đã viết xuống, và ngay cả nội dung của bài Sứ Giả (khi còn là bản thảo Anh gởi cho em), nay đều đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc”. Nơi Anh, em đã học được những gì???

Trước hết, em học được nơi Anh đức tánh nhẫn nhục và sự chịu đựng bền bĩ. Với những ngày dài lao nhọc, thiếu thốn, đói khổ trong ngục tù, những năm tháng bị đày ải nơi sơn lam chướng khí, thâm sơn cùng cốc, ma thiêng nước độc trong vô vọng, Anh vẫn an nhiên đối mặt với hoàn cảnh nghiệt ngã của thời cuộc một cách hết sức vững vàng trong tư cách của một “trại sinh Vạn Hạnh”. Trên quan gánh của cặp thùng đi gánh nước, tình tự Áo Lam vẫn cất cánh bay cao, chan hòa bàn bạc, mà không một lời than trách, oán đối, hận thù. Đây là điều “cực kỳ” hiếm có. Nghe Anh đọc lại bức thư Anh viết gởi chị Cúc, khiến em nhớ lại lời dạy của một người anh trong gia đình, khi em còn nhỏ: “Đời người có hai trường đại học lớn, một là ở nơi quân đội, hai là ở chốn lao tù. Đó là nơi để rèn tâm luyện chí. Tốt nghiệp hai trường đại học đó, con người sẽ thật sự trưởng thành!”.

Trong hoàn cảnh riêng của Anh với nhiều ngang trái, ai nghe nói đến cũng xót xa, ái ngại pha nỗi bất bình. Riêng Anh vẫn yên lặng, đường hoàng chấp nhận một cách tự tại, an nhiên với nghiệp báo của mình mà không một lời kể lễ, than thân trách phận hay tìm cách tránh né. “Bốn mùa mưa nắng” Anh vẫn hàng ngày lui tới, sớm tối đi về, vẫn tận tụy làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình riêng, đối với Tổ Chức chung, đối với quốc gia xã hội, với trọn vẹn tấm lòng khoan thứ, bao dung. Đó là một bài học rất lớn cho em về đức tánh nhẫn nhục và tinh thần trách nhiệm.

Người xưa thật là sâu sắc. Theo lối chiết tự, viết chữ Nhẫn, ở trên là chữ Đao, bên dưới là chữ Tâm. Lưỡi đao treo trên đầu mà trong lòng không run sợ, cho dù đang sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã mà vẫn an nhiên tự tại, lúc đắc chí cũng vẫn không đổi dạ thay lòng (phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất). Trong cái nhục mà không thấy nhục mới thật sự là Đại trượng phu.

Trong bài Sứ Giả Anh đã viết: “Người Huynh Trưởng phát nguyện trọn đời phụng sự đạo pháp, phụng sự Gia Đình Phật Tử Việt Nam”, thì trọn cả cuộc đời, Anh đã chẳng phục vụ lý tưởng GĐPT đó sao? Trong tổ chức mình, “tứ hải giai huynh đệ”, “muôn phương tám hướng” hội tụ một nhà. Trong phiên họp “chín người là đã có mười ý” huống hồ trong Tổ Chức, mỗi anh mỗi chị lệ thuộc vào mỗi vị trí, ảnh hưởng vào mỗi hoàn cảnh, bị “lôi kéo” về những “phiá” khác nhau, từ đó mà sinh ra mỗi người có mỗi quan điểm, mỗi người có mỗi cách hành xử, mỗi thái độ sinh hoạt. Nhưng với riêng Anh, từ lúc “sơ phát tâm” (lúc nào nhỉ, Anh muốn em ghi vào đây từ những ngày Đồng Ấu ở Quảng Ngãi hay những năm tháng đầu đời cầm Đoàn ở Gia Thiện, Chơn Tri?) cho đến lúc chấm dứt hơi thở cuối cùng, xả bỏ thân mạng trong cõi đời ô trọc, phù du nầy, Anh vẫn chỉ trước sau như một, kiên cố mà không hề mảy may lay động: lấy Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng làm chuẩn, thẳng một đường đi tới. Cho dù trong “thuở hoàng kim của Tổ Chức, người về đông vui như hội” hay những lúc “sóng gió tơi bời” một mình một bóng, Anh vẫn lạc quan: “Đường dài chúng ta cùng vui lên mà đi. Mười người cũng vui, mà lúc chỉ còn có một người cũng phải vui” (Lời anh Hựu). Đó là bài học cho em về tấm lòng trung kiên đối với Tổ Chức.

Em được nghe kể một giai thoại về Anh trong đại hội Gia Long năm xưa. Lúc phiên họp khoáng đại công cử Ban Hướng Dẫn, Anh đang ở dưới bếp. Khi được mời lên hội trường, Anh liền đưa tay lên nói: “Tôi xin nhận”, mà không biết mình được công cử giữ trách nhiệm gì. Cách hành xử nầy đã được lập lại một lần nữa trong đại hội tại Bangkok vừa qua mà em đã “thân lâm” chứng kiến. Dù thân mang trọng bệnh, sự sống chỉ còn được tính từng ngày, nhưng khi đại hội tín nhiệm Anh vào chức vụ Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn TG, Anh đã lập lại lời nói năm xưa (nhưng dài thêm mấy chữ): “Mỗi người mang một trái tim, riêng Tâm Huệ nầy có 2 trái tim, nhưng đại hội tín nhiệm thì Tâm Huệ xin nhận”. Em đã tham dự hầu hết các đại hội được tổ chức ở Hải Ngoại, nhận thấy người góp ý thì nhiều, nhưng khi được giao trách nhiệm thì thường nêu lý do này khác để tìm cách từ chối, nhưng riêng Anh thì không. Khi còn sinh tiền, Anh Thục cũng đã có lần nói với em: “Huynh Trưởng khi đã thọ nhận cấp bậc là đã trở thành tài sản chung. Tổ Chức phân công đâu, làm đó mà không được quyền từ chối”. Đó là một bài học cho em về tính tuân thủ kỷ cương, tôn trọng Tổ Chức của người Huynh Trưởng vậy.

Anh thường nhắc: “Người Huynh Trưởng phải luôn luôn biết điều phục thân, khẩu, ý ở mọi nơi, trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh, bằng cử chỉ, ngôn ngữ, hành động, bằng tác phong thân giáo của chân chánh Phật tử”. (Trích, Sứ Giả, Tâm Huệ Cao Chánh Hựu). Tánh em quá thẳng, thương ai thì nói thương, ghét ai là nói ghét chứ không đóng kịch được, cho nên nhiều khi làm lỡ việc. Từ đầu năm 1996, khi xảy ra một vài việc được gọi là “biến cố CPH”, mà một vài người cho rằng đây là cuộc khơi mào, bắt đầu cho những xáo trộn của GH sau nầy, một vài vị muốn dùng giáo quyền, giáo lịnh…, dùng những cách mà ngoài thế gian người ta thường dùng để nhằm “xóa tên” em, kể cả họ viết thư cho Anh để vận động với Anh “khai tử” em. Nhưng khi được nghe em tỏ bày và có ý định muốn phân định cho rõ trắng đen đúng với sự thật. Lúc đó, Anh chỉ “nhẹ nhàng” nói với em: “Sự thật đâu phải lúc nào cũng cần phải được nói ra”. Anh đã nhắc nhở em điều phục tâm ý là như vậy đó.

Sau những ngày đại hội kỳ II ở Chùa Viên Giác, Đức Quốc năm 2000, lúc đó sức khỏe của Anh cũng đã sa sút rất nhiều. Lúc chia tay, em cũng tưởng là “không còn được gặp lại Anh tôi nữa rồi!”. Nhưng rồi, nợ trần vẫn chưa trả dứt, Anh lại gượng dậy để sống còn, để tiếp tục gánh vác trọng trách của Tổ Chức trong hoàn cảnh chẳng sáng sủa gì.

Thêm bốn năm sau, lúc đón Anh từ trên xe bus bước xuống trước một khách sạn ở Thailand, trong những ngày chờ đợi tập trung các phái đoàn để cùng qua Ấn Độ năm 2004, em ôm Anh hỏi rằng: “Anh đi đường có mệt không?”, Anh chỉ cười nhẹ, trả lời: “Trọc lóc H. ơi!”. Sau đại hội kỳ III ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn, Anh lại vẫn phải tiếp tục với trọng trách của mình trong hoàn cảnh ngày càng nhiễu nhương hơn, “sau cơn mưa, trời lại tối”. Từ những ngày sau đó, sức khỏe của Anh như ngọn đèn dầu cạn, đã đi đến hồi suy kiệt. Cuối năm 2007, Anh viết thư cho em nói rằng: “H. ơi! Anh vào bệnh viện lần nầy là bất quá tam”, nhưng sau đó sức khỏe lại được phục hồi. Em có thưa với Anh: ”Từ nay về sau, Anh đừng có nói bất quá tam, quá tứ gì với em nữa hết nghen”. Có lẽ vì tinh thần trách nhiệm và trọng trách đối với Tổ Chức còn quá nặng nề, mà ý chí đã giúp Anh vượt thắng được cơn bạo bệnh hay chăng?

Lúc gặp lại Anh ở Thailand năm 2008, “dung nhan tàn tạ” quá mau, tóc Anh đã rụng gần hết, em ôm Anh và hỏi: “Thưa Anh, Anh có được khỏe không?”. Em thường bị mấy anh chị lớn la rầy là bị “Âu hóa” mất rồi (vì thói quen, hễ gặp mặt là hỏi anh, chị có khỏe không, how are you). Khi đó, nắm tay em Anh vẫn chỉ mĩm cười: “trọc lóc H. ơi!”. Mỗi lần nghĩ đến Anh là em nhớ lại lời nói thân thương nầy, và ngược lại, lúc sờ tay lên đầu “trọc lóc”, em lại nhớ đến Anh với nụ cười thật nhẹ. “Lỡ mai tôi chết mặt nhăn, làm ơn sửa hộ nhăn răng giống cười” (Lời anh Hựu).

Mỗi lần em thấy đâu đó những chữ “trực thuộc, thống thuộc, liên thuộc”, là hình ảnh của Anh với tấm lòng tận tụy, với những năm tháng miệt mài bền bĩ hiện về rõ ràng trong tâm trí. “Thời thế thế, thế thời phải thế”. “Lực bất tòng tâm” là vậy đó. Nhưng thưa Anh, lúc nào em cũng tin rằng rồi cái thời ma vương quỷ ám sẽ chấm dứt, bóng tối sẽ qua đi, tình trạng “sứ quân” “vô chính phủ” trong Tổ Chức mình rồi cũng sẽ có ngày phải chấm dứt để trở lại với nề nếp quy củ cố hữu.

Anh đã nói: “Người Huynh Trưởng tâm niệm vô ngã, vị tha, hòa đồng cùng tập thể, thương yêu, đùm bọc, sách tấn nhau dõng mãnh, tinh tấn. Đồng thời nêu gương sáng cho thế hệ kế thừa”. (Trích, Sứ Giả, Tâm Huệ Cao Chánh Hựu). Các anh chị lớn đã kể lại rằng: khi làm việc chung với Anh, không bao giờ nghe Anh thở than, trách móc. Em đã đọc trong sách Nho giáo: “Học đạo không bằng hiểu đạo. Hiểu đạo không bằng vui với đạo”, (Tri chi giả bất như hiểu chi giả. Hiểu chi giả bất như lạc chi giả). Cả cuộc đời Anh là tấm gương sáng ngời vô uý. Từ thuở thiếu thời bước chân vào Tổ Chức cho đến khi bỏ lại các em để ra đi nửa chừng trong “trò chơi lớn”, Anh đã chẳng vui với đạo là gì?

Suốt cả cuộc đời, Anh đã tận tụy, đã thực hiện đúng đắn và đầy đủ bổn phận, trách nhiệm của mình: “Người Huynh Trưởng tâm niệm giữ vững niềm tin, thắp sáng niềm tin, mang niềm tin đến cho các em, đến cho tất cả mọi người bằng tâm huyết, bằng hành động cụ thể và thiết thực, bằng gương sáng hiền hòa, nhẫn nhục, tháo vác, nói ít làm nhiều, và bằng cách khai sáng, hiển lộ tiềm lực, khả năng từ bi, trí tuệ, dũng lực của đạo Phật nhập thế”. Anh đã nói lên những lời như vậy và đã làm đúng theo như vậy. Cho dù là lúc ở trên đỉnh vinh quang hay dưới đáy tuyệt vọng, nơi chốn quan trường hay ở chốn bình dân, lúc nào Anh cũng dễ gần gũi, lúc nào Anh cũng đối xử với mọi người bằng tất cả tấm chân tình mà không cần phải phô trương, đánh bóng, không cần phải quan cách, trau chuốt màu mè. Cả đời Anh là tấm gương khiêm cung, bình dị, chỉ biết đem cho, hy sinh cho người khác mà không cầu sự báo đáp, đền bù.

Anh Hựu ơi! Em biết ơn Anh. Bằng chính bản thân mình, Anh đã mang lại cho em niềm tin, để trên con đường dài thăm thẳm “không phải lúc nào cũng có hoa và bướm”, em còn đủ nghị lực vượt thắng những lúc yếu lòng để tiếp tục đi tới.

Thời gian qua mau. Lúc đứng bên Thái Sơn, thấy cũng giống như những ngọn núi khác. Nhưng khi đã đi xa rồi, nhìn lại, thấy Thái Sơn cao ngất, vòi vọi, hùng vĩ phi thường!

Nhân ngày Đại Tường, em viết lên những điều suy nghĩ, như đốt nén hương lòng, với tất cả tấm lòng thương kính tưởng nhớ về Anh.

TÂM LỄ

Viết nhân lễ Đại tường Anh Hựu, ngày 28 tháng 2 năm Tân Mão (01.4.2011)

______________________

LỜI THƯA :

TRANG TƯỞNG NIỆM ANH TÂM HUỆ đến đây chấm dứt . Lễ Đại Tường anh Tâm Huệ đã được tổ chức ngày 2/4/2011 tại Chùa Phổ Đà , Thành phố Wesminstre, California .

Xin chân thành cám ơn các anh chị đã đóng góp vào TRANG TƯỞNG NIỆM . Đã bày tỏ tình cảm chân thành đối với người anh thân thương, trọn đời hy hiến cho Tổ chức.

TÂM ĐĂNG

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb