TUỔI TRẺ GIEO DUYÊN THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO
TUỔI TRẺ GIEO DUYÊN THEO
TINH THẦN PHẬT GIÁO
Ngày Phật Đản truyền thống đang về. Mùa Phật Đản đến với nhân loại và quần sanh như mang theo một thế giới thanh tịnh và một bầu trời an lạc trước một điệu sống đầy chao đảo với hiện trạng địa cầu đang nóng lên và sự xung đột chính trị, võ trang giữa các quốc gia và nhóm phái ngày càng nghiêm trọng.
Với lịch sử trên 2000 năm, đạo Chúa (2015), đạo Phật (2558)… sẽ tìm phương sách đối trị như thế nào trước sự thách thức và khủng hoảng toàn cầu. Đó sẽ là một câu hỏi trường kỳ chứ không chỉ là vấn đề đặt ra và trả lời trên diễn đàn thuần lý trong năm ba ngày lễ hội.
Hôm nay là ngày khai mạc VESAK – ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HIỆP QUỐC – lần thứ 12 được tổ chức ở Thái Lan trong 3 ngày 28, 29 và 30 tháng 5 – 2015 tại trường đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya.[1] Về tham dự Đại lễ có hơn 5.000 thành viên chính thức, trong đó có hơn 1.500 đại diện quốc tế đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 3.500 vị thuộc nước chủ nhà Thái Lan.
Vesak – Phật Đản Tam Hợp – là một thuật ngữ tương đối còn mới lạ với đại chúng Việt Nam. Đây là một lễ kỷ niệm gồm cả 3 dấu mốc quan trọng trong đời đức Phật thời tại thế cùng hợp lại: ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của đức Phật Thích ca Mâu ni.
Vesak là tên gọi tháng Tư của năm theo lịch Ấn Độ. Người Ấn Độ theo Phật giáo xem tháng Vesak là một thời điểm thiêng liêng. Ngày trăng tròn tháng Tư là ngày đã diễn ra 3 sự kiện trùng hợp đặc biệt gắn liền với cuộc đời của đức Phật.
Tuy đại lễ Vesak đã được tổ chức tại các quốc gia theo đạo Phật Nam tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái, Lào, Miên vào những thời kỳ rất xa xưa, nhưng mỗi nước chọn theo một thời điểm và cách thức riêng để đón mừng ngày đản sanh của đức Phật. Cho đến ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mới chính thức công nhận đại lễ Vesak là một lễ hội mang tính chất văn hoá, tôn giáo quốc tế của Liên hiệp quốc để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng và tinh thần bất bạo động của đức Phật.
Vesak đang diễn ra tại Thái Lan năm nay chọn nội dung chủ đạo cho toàn khóa lễ hội là ĐẠO PHẬT VÀ KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU (BUDDISM AND WORLD CRISIS) với bốn tiêu đề chính:
1- Phật giáo đồ đáp ứng trước những xung đột xã hội (Buddhist response to social conflicts) 2- Phật giáo đồ đáp ứng trước sự ô nhiễm suy thoái môi sinh (Buddhist response to environmental degradation) 3- Phật giáo đồ đáp ứng trước sự khủng hoảng giáo dục (Buddhist reponse to educational crisis) 4- Phật giáo và cộng đồng Châu Á (Buddhism and Asean Community)
Về phía Phật giáo Việt Nam từ trong nước có 118 vị đại diện, gồm tu sĩ, cư sĩ, Phật tử và đại chúng tham dự Vesak tại Thái Lan và trong Hội Đồng Vesak có sự tham gia của ba vị tu sĩ thời danh Việt Nam là quý thượng tọa Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Thích Tuệ Sỹ và Thích Nhật Từ.
Đặc biệt trong số 47 tham luận viên trình bày về đề tài “Phật Giáo và Sự Khủng Hoảng Toàn Cầu” trong lễ hội Vesak năm 2015 nầy, có sự góp mặt của một người tuổi trẻ Phật tử Việt Nam: Tiến sĩ Bạch Xuân Khỏe (Phẻ) đến từ Sacramento, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Anh cũng là người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ đầu tiên được mời tham dự trình bày tham luận trong một hội nghị Phật giáo với tầm cỡ quốc tế như Vesak.
Bạch Xuân Khỏe, sinh năm 1976, là người thuộc thế hệ trẻ sau Chiến Tranh Việt Nam. Xuất thân là cậu bé quê vùng Nhơn Lý, Bình Định, Khỏe rời quê mẹ theo gia đình qua Mỹ trong lứa tuổi hoa niên. Trên vùng đất mới Hoa Kỳ, tuổi trẻ tỵ nạn hay di dân theo phụ huynh đều có sự ngỡ ngàng về xã hội, văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ. Trong một hoàn cảnh mà người Mỹ thường rót vào tai người mới tới “bơi hay chìm” (swim or sink) thì bản năng sinh tồn của con người bỗng vươn dậy. Hoàn cảnh mới nầy là ngọn lửa thử vàng đối với tuổi trẻ Việt Nam. Và sau một thế hệ 30, 40 năm tuổi trẻ Việt Nam đã chứng minh cho thế giới phương Tây và phương Đông biết rằng, căn cơ và trí tuệ của người Việt Nam không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Bạch Xuân Khỏe đã chứng minh điều đó khi anh trở thành giáo sư khoa học và đạt được những mảnh bằng cơ bản và cao cấp nhất trong những nấc thang học vị của hệ thống giáo dục hiện nay.
Thế nhưng, lấy mảnh bằng tiến sĩ và dạy trung học, đại học tuy khó nhưng mà dễ vì đó là những quy ước thành văn. Sống làm sao như một kẻ sĩ bơi lội giữa hai dòng văn hóa Đông, Tây mới là khó vì nó thuộc về lương tri và đạo lý không có khuôn hình, tướng trạng rõ rệt. Có lẽ phải vận dụng cách nhìn của thầy Thích Nhất Hạnh về sự quan trọng của Môi Trường Sống khi Thầy tâm sự với hàng tu sĩ trẻ mới thật là thấm đậm sâu dày. Trong trường hợp của Bạch Xuân Khỏe, tuy lớn lên trên đất Mỹ nhưng anh đã được tưới tẩm cội rể đất lề quê thói của quê hương và gia đình về tinh thần chung thủy và hiếu đạo; đồng thời, Khỏe đã sớm nương tựa vào suối nguồn từ bi, trí tuệ của Phật giáo thể hiện qua tinh thần Bi, Trí, Dũng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam mà anh đã dấn thân và sinh hoạt từ những ngày đầu trên đất Mỹ cho đến hôm nay.
Vu Lan 2004, khi viết lời tựa cho tác phẩm đầu tay, tập thơ nhan đề Mẹ, Cảm Xúc và Em của Bạch Xuân Khỏe, tôi rất ngạc nhiên và cảm động khi biết có một người trẻ tuổi làm thơ, viết văn cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trong môi trường sống “Mỹ toàn ròn” như nơi nầy. Từ đó đến nay, Khỏe đã viết và xuất bản đến 7 tác phẩm văn chương, phần lớn là song ngữ Việt, Anh.
Trong tất cả các quốc gia Phật giáo, chỉ Phật giáo Việt Nam có một đoàn thể Phật tử trẻ là Gia Đình Phật Tử. Ước mong rằng, trường hợp huynh trưởng tiến sĩ Bạch Xuân Khỏe là một ví dụ cụ thể về trường hợp “tuổi trẻ gieo duyên với tinh thần Phật giáo.”
Xin chúc một mùa Phật Đản an lạc và phước hạnh.
Trần Kiêm Đoàn
[1] http://www.undv.org/vesak2015/en/index.php
[2] http://www.undv.org/vesak2015/paper/mindful_leadership.pdf
[3] http://vietbao.com/a235892/vesak-thai-lan-moi-tham-luan-1-thay-giao-my-goc-viet-de-tai-tham-luan-doan-dap-ung-phat-giao-doi-voi-mau-thuan-xa-hoi
[4] http://www.undv.org/vesak2015/en/conference.php
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)