<h2″>BẢO HỘ VÀ PHÁT TRIỄN SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA
Hòa Thượng Thích Thái Hòa
BẢO HỘ VÀ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA
Pháp thoại do Hòa thượng Thích Thái Hòa giảng
tại văn phòng công ty FDI – Sài Gòn
Ngày 19 tháng giêng, năm Ất mùi (nhằm ngày 09/03/2015)
Như chúng ta đã biết, bất cứ một tổ chức nào muốn bảo hộ và phát triển sự nghiệp thì phải có phương pháp. Nếu bảo hộ mà không có phương pháp thì hiệu quả bảo hộ của chúng ta không có kết quả. Muốn phát triển sự nghiệp mà không có phương pháp thì không thể phát triển được. Muốn bảo hộ sự nghiệp mà không có phương pháp thì sự nghiệp đó chỉ là sự hư ảo mà thôi. Phát triển sự nghiệp mà không có phương pháp thì sự phát triển đó chỉ là sự mơ ước hão huyền. Cho nên chúng ta cần thực hiện phương pháp bảo hộ và phát triển sự nghiệp của chúng ta. Có năm chất liệu để thực hiện phương pháp bảo hộ và phát triển sự nghiệp đó là:
- Chân thật
Chúng ta lấy gì để bảo hộ sự nghiệp của mình? Chúng ta lấy gì để phát triển sự nghiệp của mình? Tiền bạc, luật pháp, áp lực, năng lực, tất cả những điều đó chưa đủ khả năng để bảo hộ sự nghiệp của chúng ta, chưa đủ khả năng để phát triển sự nghiệp của chúng ta.
Chất liệu bảo hộ và phát triển sự nghiệp của chúng ta là chất liệu chân thật. Nếu thiếu chất liệu này, chúng ta không thể bảo hộ và phát triển được sự nghiệp. Thiếu chất liệu chân thật thì chúng ta có dùng kỹ thuật, nghệ thuật để bảo hộ và phát triển sự nghiệp được không? Không, những điều đó không thể thay thế sự chân thật được. Có thể nói đó chỉ là chiến thuật chứ không phải là chiến lược. Cho nên, chúng ta phải biết đem tâm chân thật để bảo vệ sự nghiệp và phát triển sự nghiệp của chúng ta. Sự chân thật là một phép lạ có khả năng bảo vệ sự nghiệp của chúng ta khiến cho sự nghiệp của chúng ta tồn tại một cách có ý nghĩa. Điều này quý vị có thể chiêm nghiệm từ nơi bản thân mình.
Người xưa có câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” có nghĩa là điều mình không thích người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác. Đó là sự thật. Như vậy, ở trên đời này, có ai muốn người khác nói dối với mình không? Không! Có ai muốn người khác làm dối với mình không? Không! Rõ ràng, chúng ta không muốn ai nói dối với mình, không muốn ai làm dối với mình. Không thích, thì chúng ta có thiết đặt mối quan hệ không? Không. Không thiết đặt quan hệ thì làm sao phát triển được. Không quan hệ và không tin tưởng nhau làm sao bảo hộ cho nhau. Cho nên, chất liệu bảo hộ, chất liệu phát triển là từ nơi sự chân thật, và tôi cho rằng nếu chúng ta sống với chất liệu chân thật thì chất liệu ấy có khả năng bảo hộ và phát triển sự nghiệp của chúng ta.
Có lẽ, quý vị cũng đã đọc được những thông tin trên mạng, quý vị cũng đã thấy có những doanh nghiệp bước đầu rất thành công, nhưng sau đó thất bại. Bởi vì, bước đầu thì chân thật nhưng sau đó là giả dối. Cho nên, nếu chúng ta sống thiếu yếu tố chân thật sẽ không bảo hộ và không thể phát triển được sự nghiệp của chúng ta.
Chúng ta có sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung. Một sự nghiệp riêng cho chúng ta và sự nghiệp chung cho tổ chức và cho cộng đồng nhưng dù chung hay riêng thì chúng ta đều phải thiết lập trên chất liệu chân thật.
Quý vị có thấy rằng, chúng ta sống chân thật với nhau ăn có ngon không? Ăn rất ngon. Ngủ có khỏe không? Ngủ rất khỏe. Chúng ta đi tới đâu cũng rất tự nhiên. Bởi vì, chúng ta sống rất chân thật mà chân thật là nhu cầu cao nhất của đời sống con người. Nó chế tác ra hạnh phúc cho con người chúng ta.
Chúng ta thiếu chân thật thì đừng nói đến sự nghiệp, đừng nói đến phát triển sự nghiệp. Dù cho cuộc đời này, mọi người có xảo trá đến mấy đi nữa thì mình cũng đem tâm chân thật mà sống. Chúng ta sống chân thật thì chết cũng chân thật. Chúng ta sống dối trá, thì chết cũng dối trá. Lối sống dối trá không hấp dẫn và thú vị bằng lối sống chân thật. Nó không bình an như lối sống chân thật.
Dối trá cũng chết mà chân thật cũng chết. Nhưng dối trá chết trong lo âu, sợ hãi, đau khổ. Còn chân thật thì chết trong an lạc, trong thảnh thơi, không có gì phải ân hận, cần chết thì chết thôi.
Dối trá cũng cười, chân thật cũng cười nhưng cái cười của dối trá không bền, cái cười của chân thật thì hồn nhiên và thoải mái vô cùng.
Như vậy, chúng ta lấy cái gì để bảo vệ sự nghiệp của chúng ta? Lấy chân thật. Chúng ta lấy cái gì để phát triển sự nghiệp của chúng ta? Lấy chân thật. Đây là điều có khả năng xây dựng và phát triển sự nghiệp của chúng ta lớn mạnh. Tự thân của mỗi người đem chất liệu này cống hiến cho cái chung của tập thể, từ đó nó trở nên vững mạnh, vững mạnh có cơ sở.
Mỗi người đem sự chân thật hiến tặng cho cái chung, ví như một trăm rưỡi người ở trong công ty FDI, đem sự chân thật đó cống hiến cho cái chung thì nó trở thành một khối chân thật, khối chân thật đó trở nên bất hoại, các sự cạnh tranh bên ngoài không đánh phá nổi.
Không có bậc thánh hiền nào ở trên đời này dạy con người sống giả dối. Không có bậc minh triết nào trong đời này sống cuộc sống giả dối. Nếu sống giả dối thì họ đã không trở thành thánh hiền. Nếu sống giả dối thì họ đã không trở thành bậc minh triết.
Sống không chân thật thì không ai gọi đó là bậc đạo đức mô phạm cho đời. Sống mà không chân thật thì không ai để cho mình trở thành người lãnh đạo. Muốn lãnh đạo thì phải làm gì? Phải sống chân thật thôi. Khi mình sống chân thật, mình không thích làm lãnh đạo, người ta vẫn tạo điều kiện, yêu cầu mình lãnh đạo. Còn sống giả dối thì không được bền lâu và trở nên nguy hiểm khi mình làm lãnh đạo.
Sống chân thật có hai chất liệu tạo thành đó là lương tâm và lương tri của con người. Mình sống chân thật tự mình mình biết, không cần ai biết. Tự lương tâm, lương tri của mình phán xét, không cần tranh chấp với ai và không cần ai phán xét.
“Dù ai nói ngả, nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
Cho nên, khi chúng ta sống mà lương tâm không bị cắn rứt, lương tri không bị dày vò thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta sẽ vững chãi trong sự nghiệp của mình.
- Từ hòa
Từ là từ bi, thương yêu. Hòa là hòa thuận. Nghĩa là trong đời sống chúng ta sống biết thương yêu và biết hòa thuận với mọi người để sống cùng và sống với. Chất liệu này cũng để bảo hộ và phát triển sự nghiệp của mình.
Quí vị thử nhìn lẵng hoa ở trước mặt, lẵng hoa này tự nó không trở thành lẵng hoa nếu nó không có những cái không phải có từ lẵng hoa. Ví dụ như không khí không phải là hoa nhưng nếu không có không khí, thì không thể nào có được lẵng hoa. Đất không phải là hoa nhưng nếu không có đất thì không thể nào có hoa. Nước không phải là hoa nhưng nếu không có nước để tưới hoa thì không thể nào có hoa. Phân bón không phải là hoa nhưng nếu không có phân bón thì hoa không thể nào tươi tốt. Không có con người chăm sóc, bảo vệ thì hoa không thể tồn tại lâu dài. Hoa trở nên đẹp khi nào nó ý thức được là nó đang sống cùng, sống với những gì không phải là nó. Nếu nó ý thức được như vậy thì nó mới có từ hòa. Nó sẽ thương nó, bảo vệ nó bằng cách thương và bảo vệ những gì không phải là nó mà tạo ra nó.
Ví dụ như anh Kết làm kế toán trưởng, anh bảo vệ anh là anh phải biết bảo vệ những thuộc cấp của anh. Anh phải biết bảo vệ những gì liên hệ đến công việc của anh bằng tâm chân thành. Như vậy, anh Kết là người có chất liệu vừa chân thật, vừa từ hòa. Từ đó, những người chung quanh sẽ bảo vệ anh. Còn nếu anh chỉ biết anh mà không biết những người chung quanh thì không ai bảo vệ anh. Không ai bảo vệ anh, vì anh thiếu chất liệu từ hòa, nên anh tự cô lập và tự hủy diệt chính anh. Đó là chân lý. Anh Kết phải thấy cho được điều đó thì anh mới bảo vệ và phát triển được sự nghiệp của anh.
Cũng vậy, khi một đóa hoa nhận ra nó được tạo ra bởi những cái không phải là hoa thì đó mới thật sự là hoa.
Người lãnh đạo cũng vậy, lãnh đạo được tạo ra bởi những cái không phải lãnh đạo, không có gì để lãnh đạo thì người đó mới thật sự có tài năng lãnh đạo. Còn cứ cho rằng, mình là người lãnh đạo thì người đó không bao giờ có khả năng lãnh đạo và không có khả năng bảo vệ cương vị lãnh đạo, cũng không thể phát triển khả năng của mình đến với những người chung quanh. Bởi vì, cứ cho mình là người lãnh đạo, mình đi tới với những người bị lãnh đạo thì họ sẽ tránh xa mình. Gặp mình họ có chào mình thì với tính cách đối đãi, đối phó và đối tác hơn là chân tình. Người lãnh đạo không bao giờ nghe được tiếng nói chân thật của người thuộc cấp, vì sao? Vì họ thiếu chất liệu từ hòa.
Chúng ta thương mình, thương người đồng sự, nhưng đồng thời cũng phải có khả năng thương người đối nghịch mình.
Trong quy luật phát triển, thương người đồng sự cũng để phát triển, thương người đối nghịch cũng để phát triển. Đây chính là điểm mạnh của dân chủ Tây phương. Nó phát huy tính chất đối lập mà lại đối lập trong từ hòa. Cho nên, chúng ta phải biết thương, thương mới hòa, thương mới thuận.
Khi chúng ta biết sống cùng, sống với mọi người, được nghe tâm tư, hơi thở, suy nghĩ, hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh thuận lợi của từng người, của từng công việc mà mình chia sẻ được thì đó đúng là người lãnh đạo. Nếu thuộc cấp không thấy những điều đó thì mình rọi sự hiểu biết của mình vào cho họ thấy. Bởi vì, nhân viên thì họ chỉ thấy chuyên môn của họ thôi. Mình là người lãnh đạo thì mình phải có cái thấy xuyên suốt, mặt bao quát và chi ly hơn họ. Nhưng mình phải nói với họ bằng cách nào? Nói bằng cách từ hòa. Không phải nói bằng cách kẻ cả. Nói bằng cách kẻ cả, có thể làm cho khả năng của người dưới bị thui chột. Đây là điều mà quí vị lãnh đạo cần phải lưu ý.
Đừng bao giờ nói với người khác bằng cách nói của kẻ cả. Đây là kinh nghiệm của bản thân. Đôi khi tôi cũng gọi quí thầy trẻ, mấy chú, mấy điệu ra ngồi chơi, ăn mứt bánh với tôi ở Tàng Kinh Các. Thỉnh thoảng, cũng cũng hát hoặc ngâm thơ hoặc kể chuyện cho họ nghe, không khí khi đó trở nên hòa thuận thân thiện. Quí thầy trẻ, mấy chú, mấy điệu có khả năng tự thân kích hoạt, bắt đầu thể hiện khả năng của mình. Nhờ có từ hòa, nên có sự thể hiện khả năng của thuộc cấp, nên ta mới thấy được tài năng của thuộc cấp để nâng đỡ. Cho nên, trong sự hòa thuận của người lớn, trong sự từ hòa của người lớn, chúng ta có thể thấy được khả năng và tài hoa của người thuộc cấp qua sự kích hoạt của chất liệu từ hòa. Tôi đã sử dụng những điều này đối với các thầy trẻ.
Cứ vào đêm 30 Tết mỗi năm, tôi mời quí thầy trẻ, mấy chú, mấy điệu vào Tàng Kinh Các để cùng uống trà, ăn mứt gừng; tôi nói những lời dễ thương với quí thầy, mấy chú, mấy điệu rồi chúc Tết và lì xì. Trong khung cảnh đó, ai có gì đều bộc bạch ra. Không khí rất dễ thương và tự nhiên, nó tạo ra tiền đề để ngày mai mình đón xuân rất có ý nghĩa. Tôi đã thực hiện như vậy và thấy mình rất hạnh phúc. Công ty của chúng ta phải tổ chức buổi tổng kết cuối năm như những điều tôi đã chia sẻ, chứ đừng tổng kết mà bày ra ăn uống, nhậu nhẹt say sưa, mất hết tự chủ, rồi nói những lời không dễ thương với nhau.
Người ta kính mình mà sợ hãi, thương mình mà lờn, thì mình chưa phải là người lãnh đạo có tài. Kính mà sợ hãi là chuyện bình thường. Kính mà quí, thương mà quý mới hay, thương mà không lờn là điều chúng ta cần phải học tập và nuôi dưỡng.
Có chất liệu từ hòa trong đời sống tự thân của chúng ta, trong công việc của chúng ta thì sự nghiệp của chúng ta được bảo hộ và được phát triển. Trong sự nghiệp chung và sự nghiệp riêng của chúng ta, cũng phát triển bằng chất liệu từ hòa. Có chân thật rồi cũng phải có từ hòa. Có chân thật mà nói như “cục vắt hòn” thì không ai chịu được sự chân thật đó. Chân thật mà nặng hơn cả búa tạ khiến mọi người đều khiếp sợ thì khả năng của thuộc cấp không thể phát triển được. Mọi người cộng sự sẽ xa lánh. Cho nên, có sự chân thật rồi, cũng cần phải có từ hòa, khiến điều hành công việc sẽ trở nên sống động và nhẹ nhàng.
Vậy quý vị phải nhớ chất liệu thứ hai để bảo hộ và phát triển được sự nghiệp của chúng ta là từ hòa.
- Khiêm cung
Thường thường, chúng ta làm việc gì mà thành công, người ta tâng bốc mình, mình bắt đầu mất trọng lực. Khiêm cung, nó không đẩy mình ra khỏi trọng lực của mình, dù họ có tâng bốc mình hay công việc có thành đạt nhưng mình vẫn luôn luôn giữ được trọng lực, trọng điểm của mình. Còn nếu mình thành công mà người ta tâng bốc mình, mình mất tự chủ sẽ bị bật ra khỏi trọng lực của mình thì mình không bảo hộ và phát triển được sự nghiệp của mình.
Có nhiều doanh nghiệp đã thất bại chỉ vì được khen thưởng, được tâng bốc rồi mất cảnh giác. Bộ phận giám đốc mất cảnh giác, nhân viên mất cảnh giác thì sẽ không bảo vệ và phát triển được sự nghiệp của mình. Khiêm cung là chất liệu mình cần phải thực tập.
Người ta khen, mình chấp nhận hoan hỷ. Mình rà xét cái khen đó như thế nào. Có những cái khen độc hại hơn những cái chê, phải không? Nhưng có khi chê nó độc hại hơn là khen. Cho nên, cả khen hay chê đều có thể độc hại hoặc khen hay chê đều có thể đưa tới lợi ích. Vậy nên mình phải khiêm cung trước thất bại hoặc thành công để bảo vệ được sự nghiệp của mình.
Quý vị thử đọc lịch sử đi, quý vị sẽ thấy nước Nhật trong thế chiến thứ hai thất bại hoàn toàn, đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Nhưng đến năm 1960, nước Nhật phát triển trở lại, họ đã có video. Chính phủ Nhật đã dạy cho dân chúng rằng, nước mình đang nghèo khó nên phải tự nỗ lực, tự trọng, phải tự khắc phục mọi hoàn cảnh của nước mình. Người Nhật trước thế chiến thứ hai rất tự phụ về khả năng của mình, do thiếu khiêm cung, họ đã trở thành quân phiệt với nhiều quốc gia, nhất là ở Đông Nam Á, nên họ đã bị thất bại trong thế chiến thứ hai. Nhưng sau thế chiến thứ hai, người Nhật đã trở nên khiêm cung và họ đã thành công nhiều mặt, khiến cả thế giới kính nể họ. Tôi đã cùng với quý thầy trẻ và chị Pháp Nguyên đi đến Nhật. Người Nhật chào mình rất hay. Khi chúng tôi tới khách sạn, bộ phận tiếp tân đứng xếp hàng hai dãy, ăn mặc sạch sẽ, chỉnh tề. Khi mình đi vào, tất cả đều cúi đầu chào, cho đến khi mình đi qua họ mới ngẩng đầu lên. Họ mang hành lý vào cất đặt rất tươm tất. Khi mình rời đi, họ cũng đứng xếp hàng hai bên để chào và đợi khi xe chuyển bánh họ mới ngẩng đầu lên và đi vào. Chính đức tính khiêm cung đó làm cho khách du lịch đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái mỗi khi đến đất nước Nhật. Mọi người đến Nhật đều cảm thấy quý trọng người Nhật, không ai dám khinh rẻ họ. Họ đã bảo vệ được uy tín của họ. Nếu được đi du lịch và nghiên cứu tiếp, tôi cũng sẽ đến nước Nhật. Đất nước Nhật tuy giàu có và thành đạt nhưng người dân Nhật vẫn khiêm cung. Đó là cái đức của người giàu, cái đức của người có trí tuệ và là cái đức của người thành đạt. Nếu không có đức, lấy cái gì để bảo hộ và phát triển sự nghiệp của mình. Quý vị có thấy được đức tính khiêm cung đó không? Nó rất hay! Mọi người, ai tới trước, đi trước. Ai tới sau, đi sau. Tài nguyên của đất nước họ không bằng tài nguyên của đất nước Việt Nam; thiên tai lại xảy ra quá nhiều, nào là động đất, sóng thần, núi lửa, nhưng nhờ đức tính khiêm cung mà khách du lịch mọi nơi trên thế giới đều ưa thích đến đất nước này và đóng góp không ít cho sự phồn vinh của nước Nhật.
Tôi nghĩ rằng một chất liệu nữa góp thêm vào phương pháp để bảo hộ được sự nghiệp của chúng ta đó chính là chất liệu khiêm cung. Làm việc gì ta không nên tự kiêu, tự hào, tự đắc. Quý vị hãy cố gắng thực tập.
Quý vị có tài hoa, nhưng phải biết khiêm cung thì uy tín của mình sẽ lớn lên rất nhiều. Tuy mình tài giỏi, mình thấy người kém hơn mình, mình không thích, lại hay nạt nộ, hay la rầy vì họ làm sai. Họ kém khả năng đối với mình, nên làm sai là điều mà mình có thể chấp nhận để giúp họ hoàn chỉnh. Mình chỉ nói nhỏ nhẹ để hướng dẫn cho họ hoàn chỉnh. Như vậy, đức khiêm cung có khả năng bảo hộ được sự nghiệp chung. Nhưng đối với người giàu có, người trí thức, người có quyền lực, người thành đạt mà nói chuyện khiêm cung thì đó là chuyện rất khó đối với họ. Nhưng, tất cả chúng ta phải biết rắng, buổi sáng chúng ta thành đạt nhưng buổi chiều chúng ta có thể thất bại. Lúc đầu chúng ta có quyền lực nhưng sau đó chúng ta sẽ là nạn nhân của quyền lực, vì sao? Vì chúng ta thiếu đức khiêm cung. Khiêm cung, chất liệu này sẽ bảo vệ được sự nghiệp cá nhân và cộng đồng của chúng ta.
- Học hỏi
Khiêm cung là phải học hỏi, nếu không khiêm cung thì không có sự học hỏi. Khiêm cung thì không cô đơn. Khiêm cung thì cảm giác cô độc sẽ không có trong lòng chúng ta. Cái cảm giác cô đơn và cô độc chỉ xảy ra cho người kiêu ngạo, cho những người tự cho mình là số một, tự cho mình là nhà lãnh đạo. Khiêm cung gắn liền với sự học hỏi. Kiêu ngạo gắn liền với sự ngu dốt. Tự đắc và tự kiêu gắn liền với sự thất bại. Cho nên, chúng ta phải học hỏi chất liệu thứ tư này.
Muốn học hỏi thì phải làm gì? Chúng ta phải biết ngồi yên lắng nghe nhiều người chia sẻ với mình.
Thường thường, tôi thích đi đến những nơi mà không ai biết mình để được ngồi yên và lắng nghe người khác nói. Tôi ít thích tới những nơi mà người ta đã biết về mình. Tới đó, phần nhiều buộc phải nói mà không được ngồi lắng nghe. Tới những nơi mà họ không biết về mình, mình sẽ lắng nghe được nhiều điều rất thú vị.
Lúc tôi đi Hoa Kỳ về, quá cảnh ở phi trường của Đài Loan, chị Pháp Nguyên và thầy Từ Niệm mua cho tôi một tô phở chay. Ở đó, không ai biết tôi, cho nên tôi ngồi ăn rất tự nhiên và có cảm giác thoải mái để ngắm nhìn máy bay lên xuống, nhìn những kiện hàng chuyển vận từ chiếc xe đi ra sân bay. Tôi ngồi đó, cảm nhận được cuộc sống, cảm nhận được công việc của các anh chị em FDI đang làm công tác chuyển vận. Công việc có cả một dây chuyền rất chặt chẽ. Từ anh tài xế lái chiếc xe, người đổ xăng, đến người sử dụng cần cẩu đưa hàng hóa lên xuống. Tất cả đều hòa điệu, nhịp nhàng trong từ hòa, khiêm cung.
Tôi ngồi đó, vừa ăn, vừa nhìn mọi người chung quanh với những người không biết mình là ai. Nên mình học hỏi được rất nhiều từ những người không biết mình là ai ấy. Nếu có người biết mình, họ sẽ mời mình vào phòng VIP, mà vào đó mình trở nên nghèo nàn, vì mọi người ở đó tự khẳng định đẳng cấp của mình, nên phần nhiều là không chân thật. Mình ngồi giữa những người không quen biết, không đẳng cấp thì sự chân thật của họ sẽ lộ ra, mình sẽ học hỏi được rất nhiều điều hay từ họ.
Khi vào Viện Bảo tàng Khoa học Không gian của Hoa Kỳ, tôi thấy chiếc máy bay và xem sách hướng dẫn, rồi bấm ra những dữ liệu; tôi hỏi nhân viên ở đó về chiếc máy bay nào bay sang Việt Nam đầu tiên, chiếc máy bay ấy bay tới Việt Nam với sứ mệnh gì, hiệu quả đem lại cho đất nước Việt Nam là gì, ai là người phi công lái máy bay tới Việt Nam đầu tiên… Mình đặt những câu hỏi như người không biết gì, nếu mình cho rằng cái gì mình cũng biết hết thì không hỏi được những điều mình cần biết. Cho nên, khiêm cung là để được học hỏi. Học hỏi ở đâu? Ở mọi nơi, mọi lúc, mọi không gian, mọi đối tượng. Nhờ vậy, kiến thức của mình lớn rộng ra, có đủ điều kiện để bảo vệ và phát triển được sự nghiệp của mình. Đôi khi, một đứa trẻ vẫn bảo hộ được sự nghiệp của mình. Mình được thành đạt rồi mà coi thường những người chung quanh, đó là cái dở nhất của con người thành đạt.
Khi tôi đến chùa Như Lai, ở thành phố Denver, có một Ni cô không biết tôi là ai nên khi mấy thầy trò vừa bước vào chùa, người hướng dẫn đưa xuống nhà bếp, Ni cô hỏi: “Này quý vị, đã vào lạy Phật chưa mà xuống nhà bếp?”. Tôi cười và nói: “chúng tôi đang đói, làm gì thấy Phật mà lạy, cô dọn cơm cho chúng tôi ăn xong rồi tính. Đói thì làm gì biết Phật mà lạy”. Ni cô nghe nói, liền đi dọn cơm cho chúng tôi ăn. Nhờ Ni cô không biết mình là ai, nên mình mới nói được những gì cần nói với Ni cô ấy. Còn nếu như Ni cô đã biết mình rồi thì cô sẽ không nói như vậy và mình cũng không có cơ hội nói được điều cần nói ấy với Ni cô. Cho nên, không quen biết lại có cơ hội học hỏi có khi hơn cả quen biết.
Quý vị biết không, có nhiều người hỏi tại sao người ta phải phát minh ra chiếc máy bay. Đó là do người ta quan sát từ nơi con chim bay để người ta phát minh ra chiếc máy bay. Có những nhà bác học đã học cách rơi từ một quả táo hay từ nơi sức đẩy của nước. Không phải mọi cái tốt đẹp chúng ta đều phải học từ thầy giáo hoặc ở trường Đại học mà phải học thực tế từ nơi các vật thể, từ nơi cuộc sống.
Như vậy, yếu tố thứ tư là phải biết học hỏi. Người biết khiêm tốn là biết học hỏi và người biết học hỏi là người khiêm tốn. Người học trò càng khiêm tốn, càng kích thích xúc tác khả năng của thầy giáo dạy cho mình. Và chỉ có học mới hiểu được sự và lý. Hiểu sâu cạn mọi vấn đề. Chính sự hành xử sinh ra từ nơi sở học, sở hành, mới có khả năng bảo vệ được sự nghiệp của chúng ta, mới phát triển được sự nghiệp của chúng ta. Thiếu sự học hỏi, mình trở thành cục bộ, cái nhìn của mình trở nên thiển cận. Ở đây, các trưởng phòng có ai cho mình là giỏi không? Nếu tự cho mình là giỏi là một sự thất bại. Thất bại ngay nơi cái tự cho mình là giỏi ấy.
Cách đây vài bữa, có chú điệu ba chỏm của chùa Phước Duyên đến Tàng Kinh Các gõ cửa mời tôi đi dùng cơm trưa. Tôi hỏi: “Ai đó?” Chú điệu thưa: “Dạ con!”. Tôi hỏi: “Con là ai?”. Chú điệu trả lời: “Con là Thương”. Tôi hỏi: “Có phải con thật là Thương không?”. Chú điệu trả lời: “Dạ thật!”. Tôi gọi vào và nói: “Xin lỗi con! Thầy đánh máy trang này cho xong đã rồi đi ăn cơm, con đợi thầy nhé!”. Chú điệu đứng bên cạnh, tôi vẫn cứ làm việc. Đang đánh máy thì bị nhảy chữ, chú điệu liền nhắc: “Thầy đánh máy sai rồi”. Tôi nhìn lại thì thấy mình đánh bị sai thật, liền nói: “Thầy xin lỗi con, cảm ơn con!”. Chú điệu cảm thấy hạnh phúc, khi chú điệu chỉ ra cái sai của thầy rất tự nhiên và tôi cũng thấy hạnh phúc khi nghe chú điệu chỉ cho mình những cái sai ấy. Khi được người nhỏ tuổi chỉ cho mình thấy cái sai, dù cái sai mình không cố ý làm, mình vẫn cảm thấy rất vui, cái vui rất tự nhiên. Nếu chú điệu quá cung kính và sợ hãi thì chú sẽ không dám chỉ cái sai cho mình. Đôi khi, chúng ta dùng uy lực của người lớn để đối xử với người trẻ, chúng ta không những làm tiêu hao năng lượng của người trẻ mà còn làm tiêu hao năng lượng của người lớn rất nhiều. Đây là một kinh nghiệm mà chúng ta luôn luôn cần phải học hỏi. Chỉ có học hỏi và học hỏi trong khiêm tốn nó mới có khả năng bảo vệ được sự nghiệp của chúng ta.
- Phải biết nắm lấy cơ hội
Chúng ta ai cũng có cơ hội để nắm lấy sự nghiệp của mình. Nếu chúng ta không biết nắm lấy cơ hội để thực hiện những gì tạo thành sự nghiệp cho chúng ta và cho cộng đồng, chúng ta sẽ mất cơ hội. Phải biết nắm lấy cơ hội trong điều kiện có thể để mình thấy và nói lên sự thật. Nắm lấy cơ hội, có nghĩa là mình thể hiện tài năng đúng lúc, đúng chức năng của mình bằng tất cả tấm lòng chân thật.
Đối với lãnh đạo, nếu có cơ hội để nói sự thật với nhân viên thì nên nói. Nếu mình không nói thì không ai biết để giúp mình. Hễ có cơ hội là phải thể hiện ngay và tạo ra cơ hội để thể hiện sự thật và khả năng của mình.
Tại công ty FDI này, tôi thấy đây là môi trường thao tác để chúng ta thực hiện chất liệu từ hòa với nhau, chất liệu chân thật với nhau trong tình đồng nghiệp. Nếu, chúng ta tới đây như là để đối phó với công việc, đối phó với cuộc sống thì chúng ta sẽ không có hạnh phúc. Chính chất liệu chân thật và từ hòa xúc tác làm cho mình thích tới đây nhiều hơn, thích gặp gỡ anh em đồng nghiệp nhiều hơn. Thiếu chất liệu đó, chúng ta chỉ tới làm cho xong việc rồi về, thì không khí trong công ty trở nên nặng nề, làm việc không thoải mái thì không có kết quả nhiều.
Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội để thực hiện sự chân thật và từ hòa của mình. Phải nắm lấy cơ hội để thực hiện hạnh khiêm cung và học hỏi của mình, để cho những người chung quanh yểm trợ.
Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta ai cũng có sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung. Dù sự nghiệp riêng hay chung, chúng ta luôn luôn thực tập năm phương pháp gồm chân thật, từ hòa, khiêm cung, học hỏi và nắm lấy cơ hội. Năm chất liệu này mà thực hiện và ứng dụng vào trong sự nghiệp riêng và chung của chúng ta thì nhất định sự nghiệp của mình được bảo hộ và phát triển. Đây không phải là một lý thuyết mà là một sự trải nghiệm. Bởi vì, mỗi ngày mình đều thực tập chân thật, từ hòa, khiêm cung, học hỏi và biết nắm lấy cơ hội thì chính những chất liệu này có khả năng bảo hộ và phát triển sự nghiệp của chúng ta và sự nghiệp chung của tổ chức chúng ta.
Khi đời sống của mình đã có những chất liệu này bảo hộ rồi thì mọi nguy hiểm đều được chuyển hóa. Vì sao? Bởi vì mình đã có phước đức nơi tự thân. Chính phước đức nơi tự thân lớn lên chiêu cảm được những người chung quanh, họ tự nhiên sẽ yểm trợ mình mà không cần bất cứ một điều kiện nào.
Tóm lại, muốn bảo hộ và phát triển sự nghiệp của chúng ta thì phải có năm chất liệu:
- Chân thật.
- Từ hòa.
- Khiêm cung.
- Học hỏi.
- Phải biết nắm lấy cơ hội.
Đây là lời pháp thoại xin được chia sẻ cho đại chúng hôm nay, kính mong đại chúng hoan hỷ cùng nhau thực tập.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Đệ tử kính ghi