Luận văn Kết Khóa
***
HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN TẠI HẢI NGOẠI
VỚI NHỮNG THỬ THÁCH TRONG THẾ KỶ THỨ 21
**
LỜI NÓI ĐẦU: Đây là bài thuyết trình của Chúng Trúc Lâm – Montréal, trại sinh Trại Huấn Luyện cấp II Huyền Trang 1 Canada, trình bày trong Trại Kết Khóa được tổ chức ngày 1 tháng 9 năm 2012 tại chùa TỪ THUYỀN (Brampton, Ontario).
DẪN NHẬP:
Mục đích của Gia Ðình Phật Tử là đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần vào việc cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo.
Chúng ta cùng nhận định rằng tại Hải Ngoại, mục đích đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh là không thay đổi, phù hợp ở mọi hoàn cảnh, nhưng đối tượng để đào tạo thì đã thay đổi hoàn toàn. Tương tự, góp phần cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo không thay đổi nhưng đối tượng xã hội mà những người Phật Tử mong góp phần cải tạo cũng đang thay đổi từng giờ, từng phút.
Thật vậy, sự hình thành và phát triển GĐPTVN tại Hải Ngoại kể từ những năm 1976 đến khoảng 1990, có tính cách tự phát tại những nơi có đồng bào Phật tử định cư có chùa chiền và nhất là có các anh chị huynh trưởng nơi đó GĐPT được thành lập. Chúng ta có thể nhận định đây là giai đoạn chuyển tiếp của GĐPT Việt Nam. Trong giai đoạn nầy, huynh trưởng là các anh chị đã được đào luyện tại Việt Nam, có kiến thức, có khả năng huấn luyện trẻ, còn đoàn sinh là các em tuổi từ 5, 6 đến 13, 14 tuổi sinh ra tại Việt Nam và sẽ trưởng thành tại Hải Ngoại, là thế hệ thứ hai người Việt tỵ nạn. Sau năm 1990, giai đoạn chuyển tiếp đã qua. Các em đoàn sinh thuộc thế hệ thứ hai giờ đây đã lớn, tốt nghiệp Đại Học, sự nghiệp vững chắc và một số đã trở thành huynh trưởng để hướng dẫn lại các đoàn sinh thuộc thế hệ thứ ba sinh ra tại Hải Ngoại. (Những năm ghi trên, có tính cách tượng trưng dùng chỉ cho GĐPTVN đầu tiên thành lập tại Hải Ngoại).
GĐPT VN tại Hải Ngoại giờ đây ba thế hệ chung một mái nhà với những nền văn hoá và giáo dục Đông Tây lẫn lộn, nẩy sinh những khác biệt trong quan điểm và đã tạo ra những thử thách mới trong vấn đề điều hành và tổ chức.
PHÂN TÍCH:
Trong phần thuyết trình hôm nay, chúng Trúc Lâm xin trình bày những đặc điểm về môi trường hải ngoại, về đoàn sinh hải ngoại và từ đó nẩy sinh những thách thức mà chúng tôi cảm nhận được trong quá trình sinh hoạt của GĐPT Quan Âm cũng như khi nhận xét về các đơn vị bạn. Những lúc có thể, chúng tôi xin giới thiệu hay đề nghị những phương thức đã và đang áp dụng để đáp ứng lại những thử thách này. Chúng tôi mong mỏi đón nhận sự chia xẻ và đóng góp ý kiến cuả toàn trại để tìm ra những phương thức tốt đẹp hơn.
- Đặc điểm môi trường hải ngoại:
a) Xã hội: • Một cách tổng quát thì xã hội Tây phương ngày nay được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng dân chủ, bình quyền, và tự lập đã được giảng dạy ngay từ nhỏ. (Đặc điểm nầy ngay từ đầu đã có những xung đột với văn hóa Đông phương) • Ngôn ngữ bản địa, không phải là Việt ngữ đã được tập luyện từ những năm đầu đời. • Được hỗ trợ bởi nền kỹ thuật tân tiến và mỗi ngày mỗi đổi mới đã thúc đẩy nhu cầu xã hội càng ngày càng nâng cao. (Từ đây xã hội tiêu thụ được thành lập và những tệ nạn xã hội đã phát sinh).
b) Chùa: • Những năm đầu phần lớn các Chùa được thành lập do một số Cư Sĩ chủ xướng vì nhu cầu của người Việt tỵ nạn địa phương. Đa số (quý Cụ) có nhận thức về đạo Phật rất lệch lạc, thiên kiến theo lối đạo đức Khổng Mạnh. Chú trọng nhiều về tang chế và đây là nguồn thu nhập chính của Chùa • Ít hiểu biết về GĐPT. • Chư Tăng, Trụ Trì các Chùa theo nhiều tông phái khác nhau (hoặc ý kiến khác nhau trong Ban Trị Sự, những vị Cư Sĩ lãnh đạo Chùa) khiến sự thống nhất các GĐPT rất khó khăn.
c) Phụ huynh (thế hệ thứ hai): • Vốn hiểu biết về văn hóa, tiếng Việt hoặc nhận thức về đạo Phật và về sinh hoạt GĐPT rất hạn chế. • Cách giáo dục nuông chiều thái quá con cái trong gia đình hoặc không có thì giờ chăm sóc con, hoặc chăm sóc quá nhiều: cuối tuần trẻ phải học nhiều thứ như học nhạc, học bơi lội, học võ…2.
2.Đặc điểm đoàn sinh hải ngoại:
Đây là những đoàn sinh thuộc thế hệ thứ ba, sinh ra và lớn lên trong môi trường hải ngoại, hoàn toàn hấp thụ nền giáo dục Tây phương • Việt ngữ kém, ý thức về nguồn gốc kém. Việt ngữ dạy trong GĐPT một giờ đồng hồ mỗi tuần, học trước quên sau! Hầu hết các em tự nhận mình là người bản địa gốc Việt Nam. •Kiến thức, kỹ thuật cao • Suy nghĩ độc lập, tự do phát biểu và phản biện. • Nhưng thụ động và đòi hỏi nhiều quyền lợi.
- Thử thách và hướng giải quyết:
Tất cả những đặc thù về môi trường, về đoàn sinh mà chúng tôi vừa liệt kê ở trên đã đặt ra những thử thách mới đối với người Huynh Trưởng cằm đoàn (thế hệ thứ hai). Huynh Trưởng cũng có một tiểu gia đình của mình, có những bổn phận phải lo toan như mọi người chủ gia đình khác: bổn phận với hãng xưởng, với gia đình, với con cái… THỜI GIỜ là thử thách đầu tiên của người Huynh Trưởng.
a) SINH HOẠT : Muốn cho một buổi sinh hoạt cuối tuần (khoảng 4 giờ) linh động, hấp dẫn được các em thì Huynh Trưởng phải làm việc, soạn chương trình tại nhà, ít nhất là hai buổi tối trong tuần. Sự chuẩn bị phải thật là chu đáo để ứng phó với những thử thách sau:
• Ngôn ngữ: Đây là rào cản thứ nhất. Tuy Việt ngữ hiện tại vẫn còn là ngôn ngữ chính trong sinh hoạt, nhưng muốn cho đoàn sinh thông hiểu, không nản chí đôi khi Huynh Trưởng phải giải thích bằng tiếng bản địa. Huynh Trưởng còn phải tìm đọc Phật pháp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh… để giảng dạy lại cho các em. Trầm trọng hơn nữa, chính vì rào cản ngôn ngữ này mà các em, nhất là các OV, không cảm nhận được niềm hân hoan ở trại họp bạn như các anh chị thuở trước. Đơn giản là các em không thể trao đổi với nhau khi họp bạn. Ví dụ OV Quan Âm chỉ biết tiếng Pháp, OV những nơi khác ở Canada chỉ biết tiếng Anh … Các em Thiếu thì đỡ hơn vì ở Québec các em được học thêm tiếng Anh … nên có thể trao đổi ít nhiều với các bạn.
Đối với phụ huynh cũng vậy, những thông báo hoặc chương trình sinh hoạt phần nào quan trọng chúng tôi đều soạn song ngữ.
• Tinh thần dân chủ, tự do suy nghĩ và quyền được phản biện: Các em sinh trưởng ở hải ngoại, chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội Tây phương nên có những suy nghĩ và hành động khác với những thế hệ trước. Các em được làm quen và sống trong môi trường tự do, dân chủ, bình đẳng, khác xa với lối giáo dục gia phong cuả Việt nam (các em quá ‘thông minh’ còn lợi dụng quyền nầy để làm khó người lớn!). Lối giáo dục áp đặt “trên nói dưới nghe, người lớn bao giờ cũng đúng” dựa trên Khổng, Lão, không thể áp dụng cho các em. (Tuy người lớn dựa trên kinh nghiệm để hướng dẫn các em ĐÚNG hay SAI, nhưng với giáo dục Tây phương các em tự chọn lựa, tự quyết định và nếu sai sửa chửa sau đó). Các em thích được có ý kiến, và đôi khi có những câu hỏi nhiều khi làm các anh chị lúng túng trong khi các giáo trình, tài liệu tu học tiếng Việt được soạn sẵn từ nhiều chục năm về trước. Tuy một số nơi đã soạn và ban hành giáo trình song ngữ, nhưng cơ bản nội dung vẫn đã được sọan từ nhiều năm trước trong bối cảnh GĐPT sinh hoạt tại quốc nội.
Đây cũng là một thử thách mới đối với các anh chị Huynh Trưởng. Các anh chị phải, một lần nữa, vận dụng óc sáng tạo, để các em không nhàm chán và phải có hiểu biết về tâm lý đoàn sinh cũng như Phật Pháp để lựa chọn bài học cho hợp với lứa tuổi và tâm lý trẻ em hải ngoại.
Đơn cử như bài học “Hoàng tử nhẫn nhục và hiếu thảo”, Hoàng tử vì lòng hiếu thảo đã chắp nhận bị chặt đầu, lấy não làm thuốc để cứu vua cha (truyện đạo cho OV bậc Cánh mềm)… Thay vì cảm động về sự hy sinh và lòng hiếu thảo cuả Hoàng tử, các em lại khiếp sợ với chuyện chặt đầu, lấy não! Nên trong chương trình tu học cuả OV, GDPT Quan Âm đã không dùng bài này nữa.
Trên thực tế, về tu học, mỗi điạ phương, mỗi GĐ đã tự uyển chuyển thay đổi theo nhu cầu và tình hình địa phương, nhưng chúng ta chưa có sự thống nhất ở cấp cao hơn.
Kiến Nghị : Chương trình Tu học, Sinh hoạt các bậc xin được duyệt xét và san định theo tình hình Hải Ngoại.
• Tiếp cận thông tin: Kiến thức và Kỹ thuật được nâng cao. Các đoàn sinh ngày hôm nay, được làm quen với vi tính từ nhỏ nên thông thạo kỹ thuật, nhất là kỹ thuật vi tính mới. Các em thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ trên nền tảng kỹ thuật mới như email, facebook. Cũng vì sử dụng mạng kết nối, nên các em có được dịp tiếp cận nhiều thông tin hơn. Các em có thể học hỏi mọi thứ trên máy vi tính. Từ những hiểu biết về Đạo cho đến những kiến thức xã hội bên ngoài. Với vốn hiểu biết non nớt, các em dễ bị hoang mang vì không biết đâu là sự thật, đâu là cạm bẫy. Các em sẽ tìm đến các anh chị huynh trưỏng để hỏi và làm sáng tỏ vấn đề. Ví dụ cụ thể ở GĐPT Quan Âm, một em OV 12t (chuẩn bị lên thiếu) theo trào lưu mới tham gia hệ thống Facebook. Nhưng vì không có kinh nghiệm và thiếu hiểu biết về những đe doạ, cạm bẫy trên mạng xã hội này, nên em đã vô tư chấp nhận nhiều lời mời kết bạn. Và đúng như các chuyên gia đã cảnh báo, trong số các lời mời kết bạn có kẻ xấu. Kẻ xấu bắt đầu giở trò tán tỉnh, quấy rối. Em hoảng quá đã hỏi ý và tìm sự giúp đỡ từ các chị huynh trưởng.
Ngoài ra, việc hẹn các em để đến chùa ngoài giờ sinh hoạt để làm Phật sự hay công tác khác sẽ rất tiện lợi và nhanh chóng khi liên lạc bằng mạng xã hội như Facebook. Đi trại về, các em chia sẻ hình ảnh trại cũng trên các mạng xã hội như vậy.
Đương nhiên là nếu chúng ta không biết gì về kỹ thuật mới này sẽ khó tiếp cận, để chỉ bảo và giúp đỡ các em khi cần thiết.
• Đòi hỏi về an sinh xã hội: Càng ngày càng có nhiều em mắc bệnh hen suyễn (asthm) hay dị ứng thực phẩm. Ở Quan Âm có 1 em bị suyễn rất nặng, khi đi trại được phép ban đêm về khách sạn vì tính mạng có thể gặp nguy hiểm nếu gặp ẩm thấp. Một vài em khác bị hen suyễn và dị ứng nhẹ hơn nhưng luôn phải có epipen để phòng hờ.
Trong xã hội hiện đại vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, với rất nhiều luật lệ ràng buột. Ít nhất Liên Đoàn Trưởng phải nắm vững điều nầy để tránh cho Gia Đình gặp phải những điều hối tiếc về sau. Tuy chương trình hoạt động thanh niên của GĐPT cũng có dạy về y tế và cứu thương, nhưng không đầy đủ và nâng cao, nhất là không có chứng chỉ của cơ quan y tế. Trong tương lai, GDPT Quân Âm có dự trù gửi anh chị em huynh trưởng đi học khoá sơ cứu có chứng chỉ do cơ quan y tế điạ phương tổ chức.
Thêm vào đó, đơn ghi danh đoàn sinh theo mẫu không có thông tin về bệnh tật. Trong khi đó, với các hội đoàn người nước ngoài, bao giờ cũng có phần thông tin y tế, số điện thoại liên lạc khẩn cấp. Nên, tuy không có trong mẫu đơn chính thức, khi nhận đoàn sinh mới, BHT Quan Âm đều hỏi thông tin y tế và ghi thêm vào đơn ghi danh, sau đó thông báo cho tất cả anh chị em huynh trưởng được biết để đề phòng trường hợp bất trắc.
b) ĐIỀU HÀNH: Nếu nhận định những thử thách về Sinh Hoạt thuộc sự liên hệ trực tiếp giữa đoàn sinh thế hệ thứ ba và Huynh Trưởng nắm đoàn, thì những thử thách về Điều Hành lại nẩy sinh giữa những Huynh Trưởng ở những thế hệ khác nhau trong phần tổ chức, lãnh đạo.
Xã hội văn minh ngày hôm nay có những yêu cầu gắt gao về thời gian hay thời hạn. Mọi việc đều có giới hạn về thời gian. Do đó nhu cầu nâng cao hiệu quả làm việc thật là cấp thiết. Nâng cao hiệu quả làm việc được thực hiện bằng cách ứng dụng kỹ thuật mới và thay đổi cách làm việc.
• Ứng dụng kỹ thuật mới: Chẳng hạn như hội họp qua mạng, văn thư, báo cáo gởi qua mạng v.v… Đã được áp dụng hầu như khắp nơi.
• Cách làm việc giữa các thế hệ: Thế hệ trẻ, được đào luyện tại các trường lớp hải ngoại và làm việc tại các công sở có cách làm việc theo tiêu chuẩn xã hội mới: nhanh nhạy thông thoáng, uyển chuyển, đặt trọng tâm vào kết quả. Làm việc có kế hoạch, thảo luận nghiêm chỉnh, phân công, phân nhiệm rõ ràng, tôn trọng thời gian hoàn tất công tác, tránh dẫm đạp vào phần hành của nhau. Khuyết điểm của thế hệ đàn em là thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về tổ chức GĐPT. Trong khi thế hệ đàn anh nhiều khi đặt nặng vấn đề câu chữ, bị ràng buộc nhiều bởi các văn bản, hình thức, nội quy được soạn thảo và ấn hành từ nhiều năm về trước, và nhiều khi các anh lấy quyết định theo tình cảm. Đây là mấu chốt phát sinh những mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này sẽ là rào cản để phát triển sinh hoạt. Nó làm phiền lòng những thế hệ đàn anh và làm nản chí thế hệ đàn em. Từ đó giảm thiểu hiệu quả làm việc.
Thử thách ở đây chính là tìm ra tiếng nói chung.
c) TÌM HƯỚNG ĐI CHO GĐPTVN TẠI HẢI NGOẠI : Chúng tôi xin mượn một đoạn trong bài viết Người Huynh Trưởng Thời Đại của tác giả Trần Trung Đạo đề cập về vấn đề nầy.
[…]
Phải chăng chúng ta muốn có một tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hải ngoại đóng vai trò như một bộ phận bất khả phân ly của tổ chức Gia Đình Phật Tử trong nước, trên đó xây dựng một hệ thống lãnh đạo theo dạng kim tự tháp; dùng các cấp Tập Tín Tấn Dũng làm tiêu chuẩn phân định quyền hạn và trách nhiệm; dùng phương tiện trại (Lộc Uyển, A Dục …) làm thước đo cho trình độ tu học và khả năng lãnh đạo của mỗi đoàn viên; đối xử với nhau theo nề nếp gia phong, thương yêu nhưng nghiêm khắc, hy sinh nhưng phục tùng, anh nói em nghe, chị nói em nghe; học tập theo các tài liệu, phương án, giáo trình bằng tiếng Việt được soạn sẵn từ nhiều chục năm trước; khép kín trong các hình thức và cơ cấu tổ chức nặng tính tập trung?
Phải chăng chúng ta muốn một tổ chức Gia Đình Phật Tử, dù bắt nguồn từ Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong nước nhưng phát triển thích nghi trong một môi trường mới với một hệ thống xã hội mở; kính trọng các nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, trong đó, các đoàn viên đã phát nguyện đều có quyền hạn và trách nhiệm như nhau đối với sinh mệnh của tổ chức, kể cả việc bầu ra các cấp trưởng để lãnh đạo mình; mở rộng việc phát triển đoàn vào các cấp trung học, đại học và các tầng lớp chuyên gia tại các công tư sở, phát động phong trào học Phật (Buddhism Study) trong giới trẻ tại các đại học; mở rộng mạng lưới liên kết để học Phật trong giới trẻ với các nhóm, các tổ chức Phật Giáo tại các quốc gia mà chúng ta đang cư ngụ; các trại huấn luyện được thay bằng các lớp giáo lý ở chùa; các hội nghị Phật học bằng hai thứ tiếng do chư tôn đức giảng dạy mỗi mùa hè; khuyến khích đoàn viên ghi học các môn Phật học tại đại học; tổ chức các hội thảo chuyên đề về giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật để đào tạo đoàn viên thành những chuyên viên giỏi, đa dạng về chuyên môn lẫn tư cách lãnh đạo (leadership); dấn thân vào các hoạt động văn hóa, xã hội để đem lại lợi lạc cho địa phương nơi đoàn viên đang cư ngụ thay vì quanh quẩn trong đoàn quán của mình với những bài hát thiếu nhi; đơn giản hóa các thủ tục và hình thức kể cả đồng phục; trẻ trung hóa và sinh động hóa hoạt động của đoàn?
[…]
Nói chung, những thử thách về điều hành và tổ chức, chung quy đều phát sinh từ nhận thức và sự tương quan giữa các thế hệ: Già và Trẻ
GIÀ & TRẺ
Đây là vấn đề xưa… như trái đất! Sự mâu thuẫn, nhỏ thì bất như ý, lớn hơn thì gây xung đột có khi đi đến chia rẽ. Tổ chức GĐPT chúng ta như một gia đình lớn, như là một xã hội thu nhỏ mà trong đó dung chứa mọi thành phần, mọi trình độ, ở mọi lứa tuổi từ nhi đồng đến lão niên. Tại Việt Nam, với nền giáo dục Đông phương, sự mâu thuẫn giữa Già và Trẻ không đặt ra, có lẽ vì đây không phải là vấn đề trầm trọng và cũng có lẽ vì giới Trẻ trong nước không dám phản biện. Nhưng tại Hải Ngoại, với nền giáo dục Tây phương mà xã hội được xây dựng trên nền tảng cá nhân, thì sự mâu thuẫn nầy đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Ở đây Chúng Trúc Lâm không đặt vấn đề ĐÚNG hay SAI mà chúng tôi chỉ nêu lên một sự thực hiển nhiên mà chúng ta phải giải quyết để tổ chức GĐPTVN cất cánh tung bay tại Hải Ngoại.
Muốn giải quyết vấn nạn nầy, không gì bằng chúng ta quay về quán xét tự thân mỗi người, Già cũng như Trẻ. Trong một bức Thư Bút không ghi danh tác giả, có viết một câu thơ như sau: NHẪN một chút, sóng yên gió lặng!.. Lùi một bước, bể rộng trời cao…
ĐỐI VỚI NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG TRẺ: Có 2 vấn đề chúng ta cần phải quán xét:
• Thứ nhất: Chúng ta phải nhớ rằng trong vòng 20 năm, 30 năm hay 40 năm sắp tới, mình cũng sẽ trở nên Già. Để giải quyết vấn nạn Già Trẻ không tái phát sinh, chúng ta phải phát nguyện rằng khi trở nên Già chúng ta sẽ không giống như những người Già mà chúng ta đang “phàn nàn” ngày hôm nay: nào là cố chấp, bảo thủ, không chấp nhận ý kiến đổi mới của người Trẻ .v.v.. và v.v… Chỉ có như thế thì chúng ta mới cẩn trọng trong lời nói, trong cách thức trình bày để không hối hận khi mình trở nên già nua!
• Thứ hai: Chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng, GĐPT là một Trường Học, và chúng ta là những nhà giáo. Thế trong GĐPT dạy gì? Dạy làm người Phật Tử Chân Chánh! Có nghĩa là chúng ta dạy Đạo Đức Phật Giáo cho các em, chúng ta gieo trồng những hạt giống Bồ Đề vào tâm hồn thơ dại của các em. Chúng ta không dạy cho các em vi tính, facebook… hay những kiến thức của nền văn minh hiện đại hoặc tiếng Anh hay tiếng Pháp mà chúng ta nói viết thông thạo. Chúng chỉ là những phương tiện, dẫu đây là những phương tiện cần thiết để chúng ta tiếp cận với các em của thế hệ thứ ba. Chúng ta không nên lầm lẫn “phương tiện” với “cứu cánh”, không nên lầm lẫn “ngón tay” với “mặt trăng”!
ĐỐI VỚI HUYNH TRƯỞNG… GIÀ: Danh từ nầy nhất định là không chỉnh. Không một tổ chức nào có những đoàn viên ở tuổi 60, tuổi 70, hay tuổi 80 mà vẫn còn vui vẻ, trẻ trung như tổ chức Áo Lam chúng ta. Cái tinh thần nầy có được là nhờ ở công phu tu tập thiền định, tinh thần an vui tự tại, hạnh hành Bồ Tát Đạo mà quá trình sinh hoạt 50 năm, 60 năm đã hiểu lộ. Nhưng chúng tôi vẫn tạm sử dụng từ GIÀ để đối với từ TRẺ nêu trên.
Tình hình thực tế là GĐPTVN hiện nay đã “Vượt Biên” vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, có mặt khắp năm Châu, bốn Biển. Cái xã hội mà GĐPTVN Tại Hải Ngoại “phải” góp phần xây dựng không chỉ là cái xã hội Việt Nam mà còn là cái xã hội Hoa Kỳ, Canada, xã hội Úc, là xã hội Pháp… hay là cả cái Thế Giới nầy nói chung. Đây là xã hội ĐA VĂN HÓA, xã hội TOÀN CẦU HÓA. Chủ nghĩa quốc gia cực đoan không còn nữa. Những gì là TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM sẽ được sàng lọc và chỉ giữ lại những điều có Giá Trị Bổ Sung cho nền văn hóa Đa Văn Hóa. Đây là một sự thực, chấp nhập được sự thực nầy (nhất là đối với các huynh trưởng lãnh đạo và GĐPTVN tại quốc nội), thì GĐPTVN chúng ta sẽ có hướng phát triển toàn cầu, đóng góp không nhỏ cho việc HOÀN THIỆN xã hội Thế Giới. Nhưng những thay đổi nầy rất là chóng mặt đối với các huynh trưởng của thế hệ thứ nhất người Việt tỵ nạn.
Dĩ nhiên, với cái nền văn hóa Đa Văn Hóa nầy vàng thau, tốt xấu lẫn lộn… Các anh, các chị hãy tin tưởng ở các em huynh trưởng thế hệ thứ hai, họ đủ “nội lực” để chỉ chọn lựa và truyền đạt những cái tốt nên theo cho các em đời thứ ba và nối tiếp.
Trong cái nhập nhằng tốt xấu phải chọn lựa, thay đổi tứ tung, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là CON ĐƯỜNG BỒ TÁT, là CÔNG PHU TU TẬP mà các anh, các chị đã chứng tỏ cho đàn em trong suốt quá trình 50 năm, 60 năm phụng sự LÝ TƯỞNG MÀU LAM. Trong suốt bề dày của Lịch Sử GĐPTVN từ những ngày đầu thành lập cho mãi tận đến ngày nay, sự hy hiến của các anh, các chị cho Tổ Chức làm sao kể cho xiết… Đây là một KHO TÀNG vô giá, là một BẢO VẬT đúng với mọi thời đại, mọi nền văn hóa, và mọi thế hệ. Ngọn nến TRUYỀN ĐĂNG TỤC DIỆM mà các anh, các chị truyền trao sẽ giúp cho những huynh trưởng của Thế Hệ Đời Thứ Hai, Thứ Ba và liên tục kế tiếp… không chao đảo, biết chọn lựa những giá trị tốt đẹp đa diện của nền văn minh Đa Văn Hóa để giữ gìn, phát huy và công hiến cho thế hệ đàn em, làm tròn trách nhiệm của người HUYNH TRƯỞNG TRONG THỜI ĐẠI MỚI.
Các anh, các chị nhất định có một vị trí bất khả thay thế trong tổ chức GĐPTVN. Các anh, các chị là NGỌN HẢI ĐĂNG lấp lánh trong đêm giúp cho các huynh trưởng TRẺ nắm bắt được những quyết định sáng suốt để LÃNH ĐẠO tổ chức, đẩy mạnh phong trào GĐPTVN trên toàn Thế Giới, hòa nhập vào nền Văn Minh Nhân Loại như là một Tác Nhân trọng yếu.
KẾT LUẬN:
Cộng nghiệp của dân tộc Việt Nam đã đưa đẩy Gia Đình Phật Tử Việt Nam đối diện với cộng đồng thế giới mà không hề có một sự chuẩn bị trước. Thế nhưng, một cách rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 30 năm GĐPTVN đã thiết lập được một mạng lưới toàn cầu mà từng đơn vị đã kết nối chặt chẽ trong Tình Lam thắm thiết. Các anh, các chị Huynh Trưởng của thế hệ thứ nhất đã vươn cánh tay ngàn dặm nối kết Vòng Dây Thân Ái từ Quốc Nội đến Hải Ngoại.
Trong sứ mệnh giáo dục của GĐPTVN Tại Hải Ngoại, các Huynh Trưởng của thế kỷ thứ 21 sẽ phải vượt qua những thử thách mới bằng chính NỘI LỰC của mình. Với “Tâm Bồ Đề Kiên Cố, Chí Tu Học Vững Bền”… chúng ta sẽ hoàn thành được tâm nguyện của Người Huynh Trưởng. Và có như thế, GĐPTVN mới hoàn thành được sứ mệnh thời đại: GÓP PHẦN HOÀN THIỆN XÃ HỘI THẾ GIỚI./.
Chúng Trúc Lâm chấm dứt bài thuyết trình tại đây, chúng tôi xin lắng nghe những ý kiến đóng góp của các anh chị và sẽ trình bày thêm những phân đoạn có thể tối nghĩa mà các anh, chị sẽ nêu ra. Thân chào tất cả ACE./.
Tài liệu tham khảo, đọc thêm:
1) Tham Luận Người Huynh Trưởng Thời Đại Nhân Đại Hội GĐPTVN Tại Hoa Kỳ. Tác giả: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo. Nguồn: http://www.trantrungdao.com/van/thamluangdpt.htm
2) Cảm nghĩ khi về tham dự Đại Hội Huynh Trưởng Kỳ IX GĐPTVN Tại Hoa Kỳ. (Tác giả: Huynh trưởng Tâm Đăng Nguyễn Văn Pháp, Ủy viên Nghiên Cứu Kế Hoạch BHD/ GĐPTVN / TG. Nguồn: Trang nhà Hải Ngoại).
3) Giáo dục thanh thiếu niên Phật tử trong xu hướng toàn cầu hóa. (Tác giả: Huynh trưởng Tâm Minh Vương Thúy Nga, Phụ tá Ủy viên Giáo Dục BHD/ GĐPTVN/ TG. Nguồn: Trang nhà Hải Ngoại).