TÂM MINH.
Hai dòng nước
Học lịch sử đức Phật Thích-ca từ Sơ sanh đến Xuất gia có nhiều đoạn làm cho chúng ta xúc động mạnh, ngay từ hồi còn ấu thơ đến khi đã trưởng thành. Thật vậy, đoạn kể thái tử Tất-đạt-đa không chạy đi xem lễ hạ điền như các vương tôn công tử khác trong hoàng cung mà tìm đến một gốc cây hồng táo ngồi tĩnh tọa, không phải ngồi trong vài ba phút mà ngồi hằng giờ, không phải ngồi vọc cát vọc đất chơi mà ngồi tham thiền hẳn hoi… Ôi, con người có nhân cách đặc biệt đã “phát tiết” ngay khi còn rất bé.
Theo tục truyền, khi đức Phật đản sinh, có hai vòi nước nóng và lạnh phun ra để tắm Phật. “Tắm Phật” đối với chúng ta còn có ý nghĩa sâu xa hơn một chút: đó là khi múc nước tắm Phật, mỗi người chúng ta đều phải nghĩ đến sự thanh lọc tâm ý để tâm ý không bị ô nhiễm bởi ba độc tham, sân, si. Mỗi khi tắm, chúng ta tự nghĩ: thân mình dơ thì lấy nước để tắm rửa còn Tâm dơ thì làm sao, lấy cái gì để rửa? Vì vậy bài học của “Tắm Phật” là dạy chúng ta phải thường xuyên “tắm gội” tâm mình trong đời sống hằng ngày, chứ không phải đợi đến ngày Phật đản mới nghĩ đến! Không những chỉ trong lúc tắm Phật hay tắm gội thân mình mà ngay cả trong những lúc rửa chén bát hằng ngày nữa, chúng ta cũng phải quán sát về sự tồn tại của thân tâm ô nhiễm và nỗ lực chuyển hóa đoạn trừ!
Có bài kệ nói là rửa chén bát với tâm chánh niệm, thanh lọc tâm ý thì việc rửa chén bát đó cũng linh thiêng không kém gì tắm tượng Phật sơ sinh:
Washing the dishes
Is like bathing a baby Buddha
The profane is the sacred
Everyday mind is Buddha’s mind
Thật vậy, nếu tâm ta luôn sống trong từng sát-na thiện, những việc làm của thân, miệng, ý đều nhằm huấn luyện tâm, cải tạo tâm… thì tất cả đều là Phật pháp. Cái tâm bình thường ấy chính là tâm Đạo, là tâm Phật; còn trái lại, cho dù chúng ta có đọc “thiên kinh vạn quyển” nhưng miệng luôn nói chuyện thị phi, ý luôn nghĩ cách làm hại người khác nếu họ làm trái ý mình, v.v… thì thật uổng công. Vì vậy, nếu chúng ta nghĩ rằng mình đi chùa 5 năm, 10 năm, 30 năm, 40 năm… rồi, nhưng nếu chúng ta không đi ra khỏi những tham lam (không phải chỉ tham tiền mới gọi là tham đâu nha!☺☺!!) thành kiến, cố chấp, ganh tị, tranh chấp, hẹp hòi, ích kỷ, phe nhóm, cục bộ… phiền não vẫn còn y nguyên và như thế thì việc đi chùa của chúng ta cũng coi như “dỏm” đó nha! ☺☺!!
Trở lại câu chuyện khi thái tử Tất-đạt-đa ra đời, có hai vị Long vương đến phun hai dòng nước để tắm cho Ngài; một vị phun ra dòng nước nóng, một vị phun ra dòng nước lạnh với ý nghĩa Thái tử là con người đặc biệt, có thể chịu đựng nổi sức mạnh của hai dòng nước, kham nhẫn nổi sức nóng lạnh, tượng trưng cho những áp lực nặng nề thường xuyên tác động lên con người đó là khổ-vui, được-mất, thịnh-suy, khen-chê, thường được gọi là “bát phong” của cuộc đời.
Nghĩa đen của việc tắm “hai dòng nước” rất dễ dàng thoải mái nhưng nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng thì thật là khó làm, khó chịu đựng, khó kham nhẫn. Thật vậy, những người chịu khổ trước được vui sướng, sau thường hay quên những ngày khổ cực, khinh chê những người bần cùng. Còn những người sướng trước khổ sau thì than thân trách phận, oán trời trách đất, làm nhiều chuyện khùng điên hại mình hại người, làm như trên đời này mình khổ là một chuyện hết sức vô lý, người ta khổ thì… OK!☺☺!! Người “được” thì hoan hô, hả hê, khoái chí, người “mất” thì tuyệt vọng, có thể đi đến tự tử, điên loạn, v.v… Đức Phật của chúng ta ở cái tuổi đắc chí nhất của cuộc đời, có đầy đủ tuổi trẻ, danh vọng, quyền lực của một vì vua, vừa đẹp, vừa hùng dũng, chiến thắng tất cả các vì vua khác, có vợ đẹp, con ngoan… Ngài không có một giây phút nào không trăn trở cho số phận con người trước vô thường của cuộc sống. Ngài không thao thức vì ngai vàng, vì giấc mộng đế vương, nghĩ cách chinh phục đất nước này, vương quốc nọ như những vị đại đế trong cuộc đời, nét mặt Ngài luôn u buồn vì nghe được một tiếng gọi của lương tâm, cầu mong Ngài tìm đường cứu khổ cho nhân loại, vì Ngài đã “thấy” rất rõ tuổi trẻ rồi sẽ úa tàn, sức khỏe rồi sẽ mất, nhường cho tuổi già và bệnh hoạn, và rồi cái chết sẽ đến lặng lẽ bất ngờ… ai cũng không qua khỏi quá trình ấy dù là người mạnh nhất trần gian; cho nên cái đau của Ngài là cái đau của nhân loại, của muôn loài chúng sanh. Ngài đã gánh lên vai mình những hoài bão lớn lao cao cả cho nên hai dòng nước nóng lạnh của cuộc đời, đối với Ngài đâu phải có áp lực lớn như đối với một con người bình phàm.
Vì vậy, Đạo của Ngài trao truyền cho chúng ta hôm nay là Đạo vô ngã. Ngài tuyên bố Phật pháp không phải là của cá nhân ai, chư Phật dù có ra đời hay không thì Phật pháp vẫn hiện hữu, Ngài không dành độc quyền về Phật pháp, mặc dù kinh điển Phật giáo dạy về Vô thường, Vô ngã, Nhân duyên, Duyên khởi, Nhân quả, Nghiệp báo, v.v… nhưng Ngài vẫn luôn xác nhận rằng đó là những định luật Ngài đã phát hiện ra, chứng minh và dạy cho đệ tử của Ngài, tất cả chúng sanh đều có quyền áp dụng những định luật đó vào cuộc sống của mình để có an lạc, hạnh phúc.
Chúng ta, nếu xưng là Phật tử, là con của đức Thế Tôn, chúng ta cũng phải thấm nhuần tinh thần ấy; vì mục đích của Phật pháp, luôn làm điều lợi ích cho chúng sanh, Phật pháp để chữa lành bệnh cho tha nhân, đem hạnh phúc đến cho chúng sanh chứ không gây nên đau khổ cho muôn loài.
Đức Phật của chúng ta, ngay khi Ngài còn tại thế cũng đã bị những người xấu dùng đủ thủ đoạn để ám hại, đủ mọi hình thức nói xấu, bôi nhọ vu khống, v.v… nhưng Ngài luôn im lặng, không có chuyện “ăn miếng trả miếng” như phàm phu; đôi khi đối diện với những người xấu ác, Ngài vẫn ôn tồn bảo rằng “những lời mắng nhiếc của ông xem như quà ông đem đến cho mà ta không nhận, ông hãy đem về đi!” chỉ có thế thôi!
Đức Phật, không phải của ai cả, cho nên khi nói “đức Phật của chúng ta” người viết đã kèm theo một lời xin lỗi trong tâm mình, đức Phật là người tỉnh thức, đạo của Ngài là đạo tỉnh thức, người tự nhận mình Phật tử là người cố gắng tu học theo Đạo tỉnh thức, sống chánh niệm trong mọi lúc, ở mọi nơi. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ sai, nói sai, làm sai, nghĩa là nói, làm những điều bất thiện hại người hại vật chỉ vì lợi ích bất chánh của cá nhân mình. Duy trì chánh niệm trong cuộc sống, chúng ta sẽ đi trong lòng cuộc đời với những áp lực của hai dòng nước nóng lạnh khắt khe của cuộc đời với tâm bình khí hòa, không loạn động, không nao núng, vì đã có Phật pháp làm kim chỉ nam, thuyền đời coi như đã được định hướng.
Nhân mùa Phật đản, chúng ta hãy thành tâm chúc nhau luôn tinh tấn tu học và tu tập để xứng đáng là người con Phật – Phật tử.■