TÂM MINH.
Thiền bây giờ và ở đây
Kính thưa quí vị và các bạn,
Xin kính chào tái ngộ quí vị và các bạn, xin mời quí vị và các bạn cùng tham dự cuộc hội thoại của 3 anh em huynh trưởng trẻ A, B, C tản mạn về “Thiền bây giờ và ở đây” (The Here & Now Meditation).
A: Hôm nay theo như đã hứa, anh sẽ nói chuyện với các em về phương pháp Thiền bây giờ và ở đây; nhưng trước hết, anh muốn các em nói cho anh biết tại sao người ta thiền? (meditate)
C: Để tìm sự an ổn nội tâm (inner peace) để chấm dứt đau khổ, phiền não, để nâng cao tâm hồn và khí chất (to improve one’s heart and behavior), để mở mang trí tuệ (to develop wisdom)…
B: Để chứng nghiệm chân lý (to realize the Truth), để chữa trị (to heal)? để thăng tiến về phương diện tâm linh (to evolve spiritually); để đạt đến giác ngộ (to attain enlightenment)?
A: Đúng vậy, các em đã nói rất đúng về những mục đích từ nhỏ đến lớn từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp của việc tu thiền. Nguyên nhân của phiền não bất an là do cái tâm (mind) lăng xăng của ta; nó không ngừng chạy nhảy tứ tung, liên tục lải nhải, không phút nào ngừng nghỉ, ngay trong giấc ngủ của chúng ta.
B: Dạ, em hiểu rồi, cái tâm mình nó luôn bận rộn với những hồi tưởng về quá khứ.
C: Và những lo lắng, sợ hãi, toan tính về tương lai, phải không anh?
A: Phải đó, và nó còn dày vò chúng ta với những quan điểm và cái nhìn “méo mó” của con người vì quen phê phán, phân tích, lý luận, để dựng lên những yêu-ghét, lấy-bỏ. Từ đó mới phát sinh ganh tị, hận thù, bạo lực, v.v…
B: Như vậy làm sao Thiền có thể đương đầu với cái tâm như vậy hở anh?
A: Trước hết, mục đích chính của Thiền là làm cho cái Tâm lắng dịu xuống (“lying down” that “mind”); trong Thiền phương Ðông, người ta thường nói là “giữ cho Tâm ở cùng với Thân”.
C: Nghĩa là sao hở anh?
A: Nghĩa là tùy thuộc vào mục đích khác nhau, dùng những phương pháp tập cho tâm dừng lại (stopping), hoặc giữ tâm hoàn toàn tĩnh lặng (complete stillness), hay vắng bặt tư tưởng (absence of thoughts), hay tỉnh giác về chuyển động của tư tưởng, hay ngăn chặn sự khởi lên của tư tưởng (prevention of arising thoughts)…
B: Còn “Thiền bây giờ và ở đây” thì làm sao?
A: “Thiền bây giờ và ở đây” không chỉ có nghĩa ngồi khoanh chân lại hằng giờ; cũng không phải tham thiền hay thiền định như chư Tăng Ni… Tất cả chúng ta đều có thể thực hành một cách dễ dàng.
C: Chúng ta ngồi Thiền sau giờ lễ Phật hay trước giờ lễ Phật có phải là loại Thiền này không?
A: Đúng vậy! Chúng ta ngồi thiền với tâm bản nhiên, không mong cầu, không sợ hãi điều gì, cũng không thấy mình chứng đắc một cái gì.
B: Anh nhắc lại kỹ thuật cho chúng em đi (“here and now” meditation technique) – kỹ thuật của mức thứ nhất đó (level one technique).
A: Có 3 bước :
Bước 1, hít vào thật chậm qua mũi, thở ra bằng miệng, cảm thấy như có một làn sóng quét sạch từ đầu đến chân làm toàn thân thư giãn (relax) hoàn toàn. Mắt nhắm hay mở cũng được nhưng nhớ đừng chú mục vào đâu cả và cũng đừng tập trung tư tưởng vào bất cứ gì.
Bước 2, biết rằng “thân đang ở đây”, tâm đang đi đến vùng trái tim; để cho thân tâm thư giãn, nhất là thư giãn tất cả những cơ bắp (muscles) quanh mắt và trán dù mắt nhắm hay mở. Mơ hồ biết rằng tâm đang ngự tại vùng trái tim (vaguely know that the mind is sitting at the heart area).
Giữ nguyên trạng thái không suy nghĩ, không tập trung đó tối thiểu là 1 phút và tối đa là 30 phút. Có thể nhắm mắt lại nếu thiền lâu hơn một phút.
B: Thường anh cho chúng em ngồi 15 phút nhưng chỉ vài phút là tâm “chạy nhảy” rồi anh à!
A: Anh biết chứ! Nếu tâm bắt đầu lang thang, chúng ta lập tức im lặng nhắc nhở nó “thân đang ở đây” thì nó sẽ trở về chỗ cũ, còn chúng ta cũng thả lỏng thân tâm như lúc mới bắt đầu.
C: Còn bước thứ 3 thì sao anh?
A: B thử nhắc lại bước thứ 3 đi, chắc em còn nhớ?
B: Dạ, bước thứ 3 là hít vào một hơi thật sâu và thở ra chậm rãi, thư giãn thân thể để kết thúc thời thiền tập.
A: Chúng ta có thể thiền bất cứ lúc nào chúng ta muốn: khi đi dạo, khi ngồi trên xe bus, khi sắp hàng đợi đến phiên mình, v.v… thời gian dài ngắn tùy hoàn cảnh, có thể chỉ là vài phút.
C: Mục đích để thư giãn, tinh thần bớt căng thẳng, tránh được stress phải không anh?
A: Phải rồi, nhưng mục đích chính của chúng ta là để luôn sống trong hiện tại, trong sự kiểm soát của tâm và giữ tâm tĩnh lặng và cân bằng (quân bình – equanimity) giữa cuộc đời huyên náo này.
B: Vậy hằng ngày, ta phải thường tự nhắc nhở “thân đang ở đây” thở thật sâu và giữ sự yên tĩnh trong 30 giây, sau đó trở lại công việc bình thường và giữ tâm ở vùng trái tim càng lâu càng tốt, phải không anh?
A: Đúng vậy, hãy thực tập thật tốt, thật nhuần nhuyễn bước 1 để có thể kinh nghiệm tình trạng tĩnh lặng trong một thời gian kha khá rồi mới nên qua mức thứ 2. Nhớ rằng “dục tốc bất đạt” (rushing may hinder successes).
C: Anh nói lại cho chúng em, đặc tính của Thiền “bây giờ và ở đây” là gì hở anh?
A: Đặc tính của thiền bây-giờ-và-ở-đây là không bị kiềm chế: Hành giả giữ hoàn toàn trong trạng thái không làm gì cả (inaction) không tập trung (unfocused), không chú mục (unwatchful), không kiềm chế (unrestraining) và không chú tâm (un-contemplative).
B: Lợi ích của Thiền “bây giờ và ở đây” là gì?
A: Trước hết là đơn giản và dễ thực hiện. Thứ nữa là sau khi kinh nghiệm được sự tĩnh lặng của tâm, hành giả có thể tiến xa hơn dù thực tập theo phương pháp khác cũng được.
Hơn nữa, chúng ta không thể thực hiện “thế giới hòa bình chúng sanh an lạc” nếu chúng ta không có sự bình an trong tâm hồn.
C: Phải rồi, em nhớ hôm bữa anh nói còn phải thay đổi cách nhìn của mình về những sự việc chung quanh mình sao cho “tích cực” nữa phải không?
A: Đúng vậy! Ðau khổ phiền não thật ra đến từ trong lòng ta, không phải do bên ngoài! B này, em hãy nói xem chúng ta phải thay đổi cách nhìn như thế nào trong những trường hợp nào?
B: Dạ, trước hết là phải thay đổi thói “lải nhải của tâm”. Ví dụ mẹ em rầy oan cho em một lần; nhưng em cứ nhớ hoài và lâu dần thì tưởng ngày nào mẹ em cũng la em như vậy! Ta nói tâm ta hay “lải nhải” là vậy; những lúc đó ta phải tỉnh giác kéo tâm lại cho nó biết việc ấy không có, đừng có lải nhải nữa.
A: Còn gì nữa? Bây giờ em đã nhớ chưa C? Nói tiếp đi!
C: Dạ nhớ rồi! Chúng ta thường hay dùng chữ “phải” mà không biết dùng chữ “nên”. Vì vậy, chúng ta bực tức khi mọi người không vâng lời ta, vì họ đâu có suy nghĩ giống ta! Tại sao ta “bắt buộc” họ phải đồng ý? Đó chính là nguyên nhân đem lại phiền não cho ta.
A: Còn nữa, chúng ta thường “muốn” rất nhiều mà không được toại nguyện, thế là đau khổ phiền não! Làm sao để đối trị? Chúng ta hãy cân nhắc “ta MUỐN cái này hay là CẦN cái này?” Nếu câu trả lời là “cần” hãy tiến tới, nếu câu rả lời là “muốn” thì hãy quên nó đi!
B: Hay quá! Còn nữa, hãy sống trong hiện tại! Như mẹ em, thường đau khổ vì những việc đã xảy ra trong quá khứ! Còn ba em thì trái lại, không ngừng lo lắng vì những chuyện chưa xảy ra. Như vậy ba mẹ em quên mất là họ đang sống trong hiện tại! Và sự lo lắng đau khổ của họ thật là… một bên là vô duyên, một bên là vô cớ và không thay đổi được cái gì cả, ngoại trừ tự làm khổ mình !☺☺!!
A: Các em rất giỏi, bây giờ anh đưa ra những tiêu đề sau đây, các em xem thử làm như thế nào, nghĩ như thế nào, thay đổi cách nhìn như thế nào mới là tích cực, góp phần vào việc ổn định nội tâm nha:
Tin vào nghiệp
Sự tương quan giữa người và người
Rút ra được bài học gì?
Về đúng-sai, thiện-ác v.v…
Hạnh phúc và đau khổ
Thay đổi người khác
Thay đổi hoàn cảnh
Sự tha thứ
Sự tin tưởng
v.v…
Các em có thêm vấn đề gì nữa, mình sẽ cùng nhau thảo luận trong lần họp mặt tới đây nha!
B&C: Dạ! Dạ! Tạm biệt anh!■
Thiền ở đây và bây giờ (tt)
Kính chào tái ngộ quí vị và các bạn,
Hôm nay, chúng tôi xin mời quí vị và các bạn theo dõi một cuộc hội thoại giữa 3 huynh trưởng trẻ A, B, C về Phật Pháp nhập môn; vì cả 3 anh em đều không thông thạo tiếng Việt lắm, cũng như danh từ Phật Pháp, nên thỉnh thoảng phải nhắc nhở nhau những danh từ tiếng Anh, tiếng Pali đã học được để dễ ghi nhớ hay hiểu rõ hơn. Ðề tài hôm nay tiếp nối câu chuyện “Thiền bây giờ và ở đây”.
A: Chào các em, sao, hôm nay các em có vấn đề gì mới không? Có suy gẫm những điều anh nói hôm trước không?
B: Dạ, thưa anh, hôm bữa anh có nói Thiền nói riêng và Phật pháp nói chung dạy chúng ta “không nên bám víu, nắm giữ hay dính mắc bất cứ điều gì” (nothing whatsoever should be grasped at or clung to) có phải không ạ?
A: Phải rồi, em nhớ đúng lắm!
C: Như vậy mình cũng không nắm giữ Phật pháp sao?
A: Đúng vậy, mình phải thực hành Phật Pháp chứ không phải là nắm giữ Phật pháp; đức Phật, giáo pháp của Ngài như chiếc bè để qua sông, không phải để vác lên vai mà đi! Em có thể nói rõ hơn điều này cho bạn C hiểu không?
B: Dạ được, này nha bạn C, ví dụ khi bạn hiểu được ý nghĩa của giới; ví dụ giới không trộm cắp, bạn thực hành nó, nghĩa là kiềm chế lòng tham, không lấy những đồ vật không phải của mình chứ không phải bạn học thuộc lòng các giới đó, đem ra “khoe” mình thông thuộc, nào là không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp… mà không hề tự hỏi mình xem chứ mình có hay nói dối không, có hay bắn chim, bắt cá hay không v.v…
A: Còn nữa! Tại sao một người thất bại trong việc giữ giới không trộm cắp? Tại vì người ấy bám víu vào sự vật đến nỗi không tự kiềm chế được lòng ham muốn mới đi đến phạm giới trộm cắp.
C: Em hiểu rồi, cũng như tại sao tâm trí ta luôn xao lãng, không phút nào có thể định tâm? Ðó là tại vì tâm ta đang còn dính mắc một điều gì, còn vướng bận một điều gì, phải không anh?
A: Đúng vậy, khi C trả lời câu hỏi này, anh chợt nhớ đến…
B: Một bài hát, có đúng không?
A: Đúng!..
C: Em cũng vậy, đó là bài hát ngắn của anh Thanh Toàn:
Gatê,Gatê, Paragatê, Parasamgatê, Buddhi Svaha!(3)
Này anh em ơi tiến lên tiến lên soi lại mình đi,
Tâm chúng ta vướng bận điều gì?
Tâm chúng ta vuớng bận điều gì!
Gatê,Gatê, Paragatê, Parasamgatê, Buddhi Svaha!(3)
A: Vậy là 3 anh em mình tâm linh tương thông rồi ! ☺☺!!
C: “Tâm linh tương thông” là gì hở anh?
B: Là telepathy đó!
C: Ồ thì ra là vậy, dễ hiểu vô cùng!
B: Xin hãy trở lại vấn đề của chúng ta, làm sao để thực hành sự không bám víu, không nắm giữ? (how to put in practice this non-grasping and non-clinging?)
A: Đức Phật chỉ dẫn rất rõ ràng cho chúng ta cách thực hành thật đầy đủ như sau:
Khi thấy một vật, chỉ đơn thuần là thấy vật ấy (viewing an object by way of the eye, just see it).
Khi nghe một âm thanh, chỉ đơn thuần là nghe âm thanh ấy.
Khi ngửi một mùi, chỉ đơn thuần là ngửi mùi ấy.
Khi nếm một vị, chỉ đơn thuần là nếm vị ấy.
Khi thân xúc chạm một vật, chỉ đơn thuần là sự xúc chạm.
Khi một ý nghĩ khởi lên, hãy nhận biết và ghi nhận ý nghĩ ấy.
B: Thật là hay quá! Như vậy em có thể nói ngắn gọn lại như vầy không? Khi nghe thì chỉ là nghe,
Khi thấy thì chỉ là thấy,
Khi ngửi thì chỉ là ngửi,
Khi nếm thì chỉ là nếm,
Khi xúc chạm thì chỉ là sự xúc chạm,
Khi một ý nghĩ khởi lên trong tâm thì ý thức điều đó.
A: Được chứ! Đại ý là khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua các giác quan (senses), chúng ta chỉ đơn thuần ghi nhận mà không để cho ý niệm về “tôi”, “ta”… xen vào.
C: Em chưa hiểu, anh nói rõ hơn một chút được không?
A: “Khi thấy một vật gì, chỉ đơn thuần là thấy” có nghĩa là: khi mắt tiếp xúc với một vật, em hãy quan sát vật ấy, ghi nhận chúng để biết cần phải làm gì nhưng đừng để cho tâm yêu – ghét khởi sinh. Vì sao? Nếu em khởi tâm yêu thích thì ham muốn theo liền, em sẽ tìm cách nắm giữ nó, bám víu nó; nếu để cho ghét khởi lên thì sân hận sẽ phát sinh và em sẽ tìm cách hủy hoại nó… từ đó mà có yêu ghét lấy bỏ, đó là sự dính mắc vào cái ta hay tự ngã ( ego_ self ); nếu là như vậy thì sẽ có phiền não khổ đau đến liền!
C: Nhưng thực tế, hễ thấy cái gì là ta “yêu” hay “ghét” ngay, ví dụ thấy cái hoa đẹp thì ta thích, thấy con rắn thì ta sợ, thấy con chó dữ thì ta ghét v.v… làm sao “giữ cho cái thấy thuần là cái thấy” được?
B: Vậy mới gọi là phải tu tập, phải thực tập.
A: B nói đúng! Phải thực tập để cái nhìn sự vật ngưng ngay tại đó, và trí tuệ nội quán (wisdom, insight) sẽ vận hành một cách tự nhiên.
C: Nói cách khác, ta đừng có thành kiến, chỉ ghi nhận sự vật như-nó-đang-là ( as-it-is) phải không anh?
A: Ðúng vậy, cho nên có câu nói các em còn nhớ không? “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” đó!
B: Dạ, em có nhớ_nghĩa là “tiếp xúc với trần cảnh mà không khởi tâm yêu ghét thì không cần phải hỏi thiền nữa” phải không anh?
A: Phải rồi!
C: Như vậy em đã hiểu; khi nghe một âm thanh thì ta cứ việc nghe: ví dụ nghe ai khen thì đừng khởi tâm ngã mạn, nghe chê đừng chán nản hay thù ghét người chê mình v.v… phải không anh?
A: Phải đấy! Hằng ngày, mắt ta thấy vật này, người kia, cảnh nọ, tai nghe đủ loại âm thanh, mũi ngửi đủ thứ hương thơm cũng như mùi hôi… cả 6 giác quan không ngừng tiếp xúc với ngoại cảnh, như vậy, chỉ cần thực tập công phu “thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe…” cũng đủ là một phép rèn luyện tâm rất tốt rồi!
B: Như vậy gọi là tu thân đó phải không anh?
A: Em muốn nói chữ “tu thân” nào? Ðức Khổng Tử ngày xưa có nói: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; thì không phải hoàn toàn giống hai chữ tu thân của anh em mình, tu thân đó là nói chung; còn ở đây, chúng ta thấy rằng chúng ta có thể khởi sự Tu (quán sát – thiền tập) ngay nơi thân và tâm của mình-bây giờ và ở đây.
C: Tu như thế nào là đạt hở anh?
A: Trong thực hành, chúng ta phải luôn quán sát thân tâm một cách chánh niệm, tỉnh thức. Khi ta chỉ đơn thuần quán sát thân tâm, biểu hiện qua 6 giác quan mà không thêm bất kỳ một yếu tố nào vào, có nghĩa là không xem thân này là “tôi” hay “ta” hay “của tôi”, “của ta”… tức là ta đang thực hành Bát chánh đạo.
B: Ồ hay quá! Anh giảng rõ chỗ này cho chúng em nghe đi anh!
A: Trước hết chúng ta đã biết đến 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; mỗi giác quan có 5 yếu tố; ví dụ về sự thấy, B cho anh biết 5 yếu tố của sự thấy là những gì?
B: Thưa anh, đó là: căn, trần, thức, xúc, thọ.
Mắt = cơ quan thu nhận hình sắc (căn),
Vật được mắt nhìn thấy = đối tượng (trần),
Thức = sự nhận biết đối tượng (consciousness of the eye),
Xúc = sự xúc chạm xảy ra giữa mắt, vật được thấy và thức,
Thọ = cảm giác vui, khổ hay thờ ơ (không vui, không khổ).
A: Giỏi lắm! Như vậy, có tất cả mấy yếu tố, C cho anh biết đi!
C: Dạ thưa anh, mỗi giác quan có 5 yếu tố thì 6 giác quan có tổng cộng là 30 yếu tố.
A: Ðúng vậy! Các em thấy không? Mỗi yếu tố đều có thể bị chúng ta nắm giữ lấy, lầm tưởng đó là “ta” hay ‘của ta.” Nếu thiếu chánh niệm, chúng ta có thể nhầm lẫn sự nhận biết là “tôi” hay “ta”; tương tự, chúng ta có thể bám víu vào xúc hay thọ và xem chúng là “tôi” hay “ta”.
B: Em hiểu rồi, thật là dễ sợ anh hở? Vì mỗi ngày như vậy, chúng ta có thể lầm tưởng biết bao nhiêu lần với 30 yếu tố đó, xem rằng chúng là “ta” hay “tôi” hay “của tôi”…
A: Phải rồi! Và nếu có sự dính mắc vào sự vật thì liền đó sinh phiền não đau khổ ngay; như thế là ta đã tự xô mình vào mạng lưới chằng chịt của chấp ngã, tham ái, và vậy là ta không đi trên con đường đức Phật đã dạy; có phải không C? Em thử giải thích xem?
C: Dạ thưa anh, vì đức Phật dạy chúng ta đừng chấp chặt vào 6 giác quan cùng với các yếu tố liên hệ đến chúng.
A: Đúng rồi, vậy là C đã nắm được vấn đề tu ngay trên thân này: nhờ luôn luôn canh phòng bằng chánh niệm, quan sát các sự vật và ghi nhận mọi ý tưởng sinh khởi… nên chúng ta không nhận giác quan nào hay yếu tố nào liên hệ đến chúng làm “ta “ hay “của ta” cả, chính ngay lúc đó Bát chánh đạo khởi sinh.
B: Bây giờ em càng hiểu rõ tại sao ngài Achaan Chah nói tu Bát chánh đạo là tu hai con mắt, hai lỗ tai, hai cái mũi và cái lưỡi rồi!
A: Các em rất giỏi! Bây giờ các em có câu hỏi nào nữa không?
C: Thưa Anh, hôm bữa anh có nói chúng em hãy suy nghĩ về nghiệp; hôm nay em muốn hỏi anh: nghiệp có vai trò như thế nào trong Phật học? (What role does Kamma play in Buddhism)
A: Trước hết, B hãy trả lời cho anh: nghiệp là gì?
B: Thưa anh, nghiệp (kamma) là những việc làm, những hành động của thân miệng, ý với tác ý (cetanã), nghĩa là cố ý chứ không phải vô tình hay tình cờ.
A: Đúng rồi! Những tư tưởng, lời nói và hành động đều được phát sinh do “ý muốn làm” Phật giáo gọi ý muốn làm đó là “tác ý” (cetanã). Tất cả những hành động có tác ý dù thiện hay bất thiện đều tạo nghiệp. Những hành động không có chủ tâm, không có tác ý, dù biểu hiện bằng lời nói hay việc làm đều không tạo nghiệp.
C: Thưa anh, như vậy nghiệp có phải là định mệnh hay số mạng không?
A: Không, Phật giáo không nói rằng nghiệp là do tiền định hay một oai lực nào giáng lên con người mà chính những hành động (cố ý) thiện hay ác tự nó gây ra những phản ứng lành hay dữ.
B: Nghiệp và nghiệp lực có khác nhau không?
A: Nghiệp tự nó là một năng lực.
C: Thưa anh, nghiệp được tích trữ nơi thân hay trong tâm con người?
A: Em hỏi anh đúng ngay câu mà cách đây mấy trăm năm, vua Milanda đã hỏi ngài Nãgasena (ta quen gọi là ngài Na Tiên Tỳ-kheo); anh kể lại cho các em nghe đây:
Một hôm vua Milanda hỏi Ðại đức Nãgasena:
Kính bạch Ðại đức! Nghiệp được tích trữ ở đâu?
Tâu Ðại vương! Ta không thể nói nghiệp được tích trữ ở một nơi nào trong cái tâm luôn luôn biến đổi, hay một nơi nào khác trong thân thể con người. Nhưng tùy thuộc nơi danh và sắc, nghiệp khởi hiện trong một lúc thích ứng. Cũng như ta không thể nói trái xoài được tích trữ ở nơi nào trong cây xoài, nhưng tùy thuộc nơi cây xoài, và khi đầy đủ cơ duyên, nó sẽ trổ ra đúng lúc, đúng mùa.
B: Thật chí lý! Ngài Na Tiên cho ví dụ về trái xoài và cây xoài hay quá! Tuy nhiên, em xin anh nói thêm về sự chuyển hóa tâm bằng con đường thiền ‘bây-giờ-và-ở-đây’ đi anh!
A: Ðúng vậy, anh xin lỗi! Đức Ðạt-lai-lat-ma (ÐLLM) 14 nói: chìa khóa của sự chuyển hóa tâm là hiểu biết về sự vận hành của tình cảm và tư tưởng trong ta, biết được chúng hoạt động ra sao.
C: Thì ta đã biết như trên đây, khi tiếp xúc với sự vật rồi đó phải không anh?
A: Phải, nhưng chưa đủ! Chúng ta còn phải nhận diện được những tư tưởng tình cảm đối nghịch trong nội tâm ta khi chúng khởi lên (tâm sân, tâm từ…) và tự tìm ra cách giảm thiểu những năng lực bất thiện như giận, ghét, và phát triển những tình cảm đối nghịch với chúng là tình thương và lòng từ bi.
B: Nghĩa là chúng ta phải luyện tập không ngừng nghỉ để nuôi dưỡng những tính thiện trong ta, phải không anh?
A: Phải đó, ÐLLM 14 cũng nói rằng bản chất các cảm nghĩ trong con người là khi ta càng để tâm đến chúng và biết cách khai triển thì chúng càng lớn mạnh, vì vậy, chúng ta phải thực hiện việc huân tập này khi thực tập thiền, vì thiền theo Phật giáo là một thứ kỷ luật tâm linh giúp chúng ta kiểm soát tư tưởng và cảm xúc.
C: Em hiểu rồi, đức Phật có giải thích là tại sao con người cho dù có hưởng thụ bao nhiêu dục lạc và “thỏa mãn ước nguyện” thì rốt cuộc vẫn đau khổ phiền não? Đó là tại vì cái tâm đầy những tư tưởng tình cảm lăng xăng, lung tung, vô kỷ luật mà con người không kiểm soát được lại bị chúng kiểm soát ngược lại và khống chế nên mới ra nông nổi đó phải không anh?
A: Đúng vậy!
B: Vì vậy nên mới nói thiền là một thứ kỷ luật tâm linh?
A: Phải! Thiền giúp ta chú tâm vào một đối tượng nhất định; đến đây anh phải nói thêm cho các em về hai danh từ mới nữa, đó là “Thiền chỉ” hay thiền vắng lặng (Samatha) và “Thiền quán” hay “Thiền Minh sát” (Vipassana) chính là qua thiền quán ta có thể luyện được cho mình khả năng chú tâm vào một đối tượng nhất định.
C: Anh có thể cho em một ví dụ làm sáng tỏ sự khác biệt giữa thiền chỉ và thiền quán không?
A: Ví dụ như thiền quán về vô thường chẳng hạn. Có một người luôn luôn chú tâm vào ý tưởng “mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này đều thay đổi từ phút này sang phút khác”: người ấy đang thực hành thiền chỉ (thiền vắng lặng).
Có một người khác, thiền quán về vô thường bằng cách luôn luôn áp dụng, kiểm chứng giáo lý vô thường vào mọi sự vật hiện tượng, làm mạnh thêm sự tin tưởng về định luật vô thường trong họ: người này đang áp dụng Thiền Minh sát.
B: Đây là Thiền Phật giáo phải không anh?
A: Không chỉ Phật giáo mới áp dụng hai phương pháp thiền này. ÐLLM 14 nói rằng những người Ấn Ðộ giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, v.v… đều thực hành hai phương pháp thiền này từ rất xa xưa, ví dụ họ chú tâm và đề mục Thượng Ðế và họ đã đạt đến sự tin tưởng tuyệt đối về Thượng Ðế; và đức Phật cũng dạy là trước Ngài đã có rất nhiều bậc đạo sư đạt mức độ rất thâm sâu về thực hành thiền định.
C: Em biết rồi! Nhưng đạo Phật khác với các tôn giáo khác là ba đặc điểm (tam pháp ấn) phải không anh?
B: Là 4 đó, không phải 3 ạ!
A: Ba cũng được mà 4 cũng được, đó là những gì, B thử kể ra đi!
B: Dạ, đó là: 1. Mọi sự vật hiện tượng (tất cả các pháp) đều do nhân duyên tạo thành, thay đổi không ngừng (vô thường); 2. Những gì bất tịnh đều đưa đến khổ (khổ); 3. Không có sự vật nào có tự tánh riêng biệt và tồn tại độc lập cả (vô ngã _ Không); 4. Niết-bàn là nơi thật sự có an lạc (Niết-bàn tịch tĩnh).
C: Anh B, có điều thứ hai em không hiểu; anh nói rõ hơn đi!
B: Chữ “ bất tịnh” ở điều thứ hai có nghĩa là những tư tưởng tình cảm tiêu cực, làm tâm bị nhiễm ô và khi tâm bị nhiễm ô thì dẫn đến đau khổ phiền não; nói cách khác, nếu tâm không bị nhiễm ô thì con người sẽ có hạnh phúc lâu dài như lúc ban sơ chúng ta hằng ao ước.
C: Như vậy thì em hiểu rồi, ý nói là gốc rễ của đau khổ phiền não không phải từ bên ngoài đến mà chúng đã nằm sâu trong tâm ta từ lâu?
A: Đúng thế! Như vậy các em đã nắm được ý nghĩa của ba pháp ấn (hay 4 pháp ấn) rồi chứ gì? Có thắc mắc gì về đó nữa không?
B: Dạ, còn “Niết-bàn tịch tĩnh” em nghĩ rằng mình nghe Phật dạy chứ mình làm sao biết “Niết-bàn là nơi nào” được?
A: Ở trình độ anh chị em chúng ta, phải hiểu “Niết-bàn tịch tĩnh” xác định rằng bản chất của tâm là thanh tịnh; những ý niệm sai lầm, những tư tưởng, tình cảm, cảm nghĩ… tiêu cực không có trong bản chất của tâm. Chúng chỉ là “những đám mây đen” đi ngang qua “bầu trời tâm” trong sáng. Như vậy khi tâm trở lại bản tánh tự nhiên của nó như thiền sư Bankei nói “tâm Phật bất sinh” thì lúc đó tâm ở trạng thái Niết-bàn.
C: Còn vô ngã và tánh không giúp ta cái gì, thưa anh?
A: Tuệ giác về tánh rỗng không của các pháp có khả năng giúp ta loại trừ những tư tưởng và cảm xúc bất thiện cũng như những nhận thức sai lầm, gốc rễ của chúng. Nhờ vậy, tâm ta sẽ không bị ô nhiễm, hay sẽ được tịnh hóa khi những chất cấu bẩn được quét ra khỏi nó.
B: Thưa anh, tâm Phật hay Phật tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh, như vậy, trí tuệ và từ bi cũng sẵn có trong mình rồi, tại sao chúng ta phải tận lực để phát triển nó bằng phương pháp thiền nữa?
A: Em hãy xem những hạt giống. Tất cả hạt giống đều có khả năng trở thành một cái cây, nhưng nếu không được gieo trồng trên đất tốt, không được chăm sóc tốt như tưới tẩm, làm cỏ, bón phân, giữ nhiệt độ thích hợp… thì liệu nó có trở thành một cái cây mạnh khỏe không? Cũng thế, những hạt giống trí tuệ và từ bi trong ta nếu không được ta tận lực nuôi dưỡng thì làm sao nở ra hoa giác ngộ được? Đó là chưa nói khu vườn tâm của chúng ta còn có những hạt giống tiêu cực; ví như cỏ dại luôn mạnh hơn hoa quí; ai đã từng làm vườn đều biết điều này. Vậy “làm cỏ” tức là quét sạch những cấu bẩn làm ô nhiễm tâm.
C: Hôm nay chúng ta đã học nhiều quá rồi anh! Em thích nhất là vô ngã (không có “tôi” và “của tôi”) và tánh không, em đọc lại bài thơ mà trước buổi nói chuyện này em chưa hiểu lắm; bây giờ em càng thích hơn.
B: Bài thơ gì? Của ai?
C: Dạ của ngài Shantiveda, do ÐLLM 14 giới thiệu:
“Tôi đâu cần nói gì thêm?
Người ích kỷ làm việc lợi cho mình
Phật làm việc ích lợi cho người khác
Hãy nhìn vào sự khác biệt đó.
Nếu tôi không đổi hạnh phúc của tôi
Lấy sự đau khổ của người khác
Tôi sẽ không đạt tới quả vị Phật
Và ngay trong cõi Ta bà, tôi cũng sẽ không vui.
Gốc rễ của mọi khổ đau trên thế gian
Nằm trong các ý nghĩ về “Tôi”
Nguồn gốc tất cả hạnh phúc
Là ý nghĩ hướng về người!
A: Hay lắm! Phải đó các em, mỗi khi ta đối xử vị tha thì ta lập tức thấy bình thản và an lạc hơn, lòng từ bi đã đem lại phước báo cho ta ngay lập tức… chúng ta bớt lo cho bản thân mình nhiều mà chuyển sự quan tâm ấy qua tha nhân; đó chính là chuyển hóa tâm. Bây giờ, chúng ta nghỉ nha! Tạm biệt các em, hẹn lần sau!
B& C: Dạ, tạm biệt, tạm biệt!!!