PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 31 : SỐNG THIỀN

TÂM MINH

Sống thiền

Kính thưa quí vị và các bạn,

Cách đây 50 năm, tu Thiền đối với người Phật tử nói chung và Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) nói riêng không quen thuộc như bây giờ. Quý Thầy, quý Sư cô, nghĩa là các vị Cố vấn Giáo hạnh của GĐPT chưa đem Thiền phổ biến rộng rãi cho hàng Phật tử trẻ tuổi, hẳn là có lý do riêng, ở đây xin miễn bàn. Còn nhớ hồi đó, có vài người muốn giới thiệu Thiền với các Huynh trưởng bạn mình, đã nói rằng: chúng ta tu như vầy là tu theo Tịnh Độ, chỉ đi chùa, niệm Phật, tụng kinh, tụng chú, v.v… được coi như “đi bộ” đến giải thoát sinh tử luân hồi, còn tu Thiền coi như được đi bằng máy bay phản lực, với tốc độ rất nhanh, như vậy mới có thể gọi là “tốc vãng Tịnh Độ” được chứ! Ngày ấy, những anh chị huynh trưởng cao niên bây giờ mới chưa đầy 20 tuổi còn với những huynh trưởng ở độ tuổi 65 thì lúc đó mới ở lứa tuổi ngành Thiếu 15, 16 thôi! Thế cho nên đã có những “lời qua tiếng lại” rất ngây thơ như “Đi máy bay phản lực nếu bị tai nạn là chết tan xác, còn đi bộ có bị tai nạn cũng chỉ trợt tay trợt chân thôi” !☺☺!!

Về sau này, đặc biệt là sau 75, chư Tăng Ni dạy Thiền cho đệ tử tại gia của mình rất nhiều. Có lẽ vì sau nhiều biến cố kiểu “một đêm mất sạch” hay “đổi đời đột ngột” nhiều người trở thành điên loạn, bệnh tâm thần gia tăng thấy rõ nên quí vị mới lấy “bí kíp” ra truyền dạy để độ đời chăng? Cho nên nhiều chùa, thiền viện dạy Thiền rộng rãi cho Phật tử; từ đó chương trình Lễ Phật của GĐPT có thêm 10 phút ngồi Thiền hoặc trước hoặc sau buổi lễ Phật; tiếp theo là trong những năm 80, những bài thi kệ của thầy Nhất Hạnh từ làng Hồng ở Pháp được phổ biến về Việt Nam – những bài thi kệ này lấy ý từ “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu” là cuốn sách vỡ lòng của các vị Sa-di, Sa-di-ni (những chú Tiểu) khi mới bước chân vào Chùa (cửa Thiền). Như vậy, nếp sống Thiền Môn hay Sống Thiền là nếp sống của chư Tăng Ni, những tu sĩ Phật giáo, những người theo chân đức Phật, sống theo hạnh nguyện của chư Phật vậy.

Có người cho rằng Thiền là đặc điểm của Phật giáo Trung Hoa, có người lại cho rằng Thiền là của Nhật Bản, v.v… nhưng nếu chúng ta trưởng thành trong giáo lý, trong Phật pháp, nghĩa là nếu chúng ta có học Kinh thì chúng ta sẽ thấy rằng Thiền định hay Định là một trong 3 môn học của Phật giáo: Giới, Định, Tuệ. Đã là Phật pháp thì Phật pháp Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam cũng là Phật pháp, chỉ thay đổi do du nhập vào những xứ sở khác nhau mà thôi! Cũng giống như cam trồng ở Việt Nam và cam ở Mỹ, trong sách vở vẫn gọi là “cam”, ăn vào ai cũng biết đó là cam dù nó là cam Việt Nam, cam Mỹ hay cam Pháp, cam Trung Hoa…

Có một cuốn sách nhỏ kể chuyện rằng dân Nhật bản phần đông sống Thiền, nghĩa là Thiền đã xâm nhập vào cuộc sống của họ khiến cho họ sống bình tĩnh, không sợ hãi, không hấp tấp… cho dù động đất sắp xảy ra họ cũng không chen nhau chạy trốn, v.v… Có người lại bảo rằng người Nhật rất nhạy cảm, tự tử một cách dễ dàng, động một chút là mổ bụng… vậy thì làm sao nói họ sống Thiền được! Thật đúng là “chín người mười ý”. Nếu chúng ta cứ chạy theo ý kiến của mọi người thì sẽ bị lạc lối ngay! Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại của những người huynh trưởng trẻ quen thuộc A, B, C của GĐPT, trình bày ý kiến của họ về Thiền, cách áp dụng Thiền vào đời sống đoàn sinh và huynh trưởng GĐPT và lợi ích thực sự của những phương pháp Thiền mà họ đã thực hành.

A: Chào các bạn! Đề tài hôm nay là gì nhĩ?

B: Là về “Sống Thiền” đó!

C: Thiền có phải là pháp tu đặc biệt của Phật giáo không? Vì mình có nghe nói rất nhiều phương pháp Thiền lắm, không chỉ một cách mà anh chị em mình áp dụng thôi đâu!

A: Thiền không phải chỉ Phật giáo mới có đâu, các tôn giáo khác cũng có. Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết là trước đức Phật đã có nhiều vị có khả năng thiền định thâm sâu lắm mà; nhưng mục đích có thể không giống nhau…

B: Thật vậy, ngay chúng ta đây, tùy theo trình độ các em chúng ta giới thiệu Thiền với các em cũng khác nữa mà! Cho nên với Oanh Vũ khác, ngành Thiếu khác, và Huynh trưởng lại khác nữa!

C: Tại sao vậy? Đã là Thiền thì phải giống nhau chứ, tại sao lại khác được?

A: Tại bạn B nói không rõ: Khác là khác ở cách truyền đạt, cách thực hành, thời gian thực tập, v.v… Ví dụ nói với các em Oanh Vũ đâu có nói như với Huynh trưởng được.

B: Đúng vậy, đối với các em Oanh Vũ thì dạy Thiền cho các em với mục đích luyện cho các em có thể tập trung chú ý, giữ yên lặng, tập các em ngồi yên, đừng nói chuyện… có lợi ích trước mắt là những giờ học sau các em bớt hiếu động, bớt ồn ào, bớt “quậy” là quý rồi!

C: Cho nên chúng ta tập cho các em ăn cơm trong yên lặng, ăn cơm trong chánh niệm, đi thiền hành, v.v… đó phải không?

A: Phải đó! Ban đầu là vậy, ngành Thiếu chúng ta có thể chỉ cho các em phương pháp chú ý đếm hơi thở, hít vào biết mình đang hít vào, thở ra biết mình đang thở ra, và cứ mỗi lần thì đếm thầm là 1, 2, 3… cho đến 10 không xao lãng, không lộn xộn; nếu đếm nhầm thì phải bắt đầu đếm lại; mục đích cũng là luyện sự định tâm.

B: Còn đối với Huynh trưởng thì chúng ta được đòi hỏi cao hơn nghĩa là sau khi điều hòa được thân và hơi thở rồi thì phải tiến đến việc “nhìn sâu” vào một vấn đề gì làm mình trăn trở, tìm cách giải quyết, hoặc là nhìn sâu vào tâm mình… gọi là “quán”.

C: Chúng ta hãy kể cho nhau nghe về kinh nghiệm này đi nha! Ví dụ chúng ta hãy kể là chúng ta đã áp dụng như thế nào và đã được lợi ích gì, v.v… có được không?

A: Được chứ! Ví dụ như mình; các bạn biết không? Vấn đề mình “quán” là tại sao khi hành Thiền mình phải ý thức rõ điều gì mình đang làm? Không được nghĩ ngợi lung tung? Ý thức là gì? Vô thức là gì?… mình thấy được ý thức là chánh niệm còn thất niệm cũng tương đương với vô thức.

B: Bạn hãy cho ví dụ rõ hơn đi, mình chưa nắm bắt được ý của bạn !

C: Mình cũng vậy, bạn định nghĩa vô thức là gì? Ví dụ?

A: Mình không dám nói định nghĩa vì mình không có khả năng đi sâu vào triết học, mình chỉ lấy một ví dụ nhỏ: Khi mình tỉnh táo, biết mình đang làm gì, nói gì, mình sáng suốt, v.v… đó là mình có ý thức, có phải không? Còn khi mình buồn ngủ, mình có thể nói mớ, mình không biết mình đang làm gì, đang nói cái gì, mình mất sự sáng suốt; khi ngủ cũng vậy, mặc dù ý thức vẫn hoạt động nhưng mình nghĩ nó giảm đi rất nhiều so với lúc mình tỉnh táo; vì vậy, Thiền là tỉnh táo, tập trung sự chú ý vào việc làm gì đó (đếm hơi thở, quán một vấn đề gì, ăn cơm, uống nước…) ngay lúc bây giờ và ở đây.

B: Hiểu rồi, mình đồng ý với bạn!

C: Mình cũng hiểu rồi, xin mời tiếp tục!

A: Mình đã thực tập như vậy đó, nghĩa là không suy nghĩ lung tung, có ý thức trong mọi lúc, ở mọi nơi, chú tâm vào việc mình làm, lúc rảnh mà không có việc gì làm (ví dụ đứng chờ ở bưu điện, ở nhà bank, ở quầy trả tiền…) mình niệm Phật và chú tâm nghe được tiếng niệm Phật trong lòng mình. Như vậy, Thiền không chỉ lúc vào thiền đường, hay lúc ngồi thiền theo giờ giấc đã định… Mình được nhiều lợi lạc không ngờ: đọc kinh sách mình hiểu nhiều hơn, nói cho ai vấn đề gì người ta hiểu mình dễ hơn trước, và điều lợi lạc nhất là mình cảm thấy an lạc hơn, kiên nhẫn hơn, vô tư, không dễ dàng bị vướng vào những thị phi quanh mình như trước.

B: Thật là hay quá, mình sẽ học tập áp dụng phương pháp của bạn. Về phần mình, mình áp dụng phương pháp dùng những bài kệ để luyện Tâm, như chúng mình đã dạy cho các em.

C: Là những bài kệ lấy ý từ Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu đó hả?

A: Nghĩa là bạn dùng phương pháp đó để khi “căn” đối diện vói “cảnh” thì tâm không chướng ngại hay vướng mắc phải không?

B: Đúng vậy, hơn thế nữa, đây còn là một phuơng pháp giáo dục cái nhìn của mình cũng như điều chỉnh những phản ứng của mình trước những cảnh “mắt thấy tai nghe thân tiếp xúc”.

C: Tại sao phải điều chỉnh những phản ứng của mình trước mỗi hoàn cảnh?

A: Tại vì có những phản ứng tiêu cực làm cho tâm mình trì trệ thụ động phải không? Bạn hãy nói rõ hơn đi nha!

B: Các bạn thấy không? Thật ra, bản thân mỗi sự vật, hiện tượng… chỉ là một dữ kiện (data) bình thường nhưng vì mỗi người chúng ta đều có muôn ngàn hồi ức (memories) và cảm xúc mạnh (strong affected, very much impressed) về một vật gì đó, một cảnh nào đó cho nên mỗi vật, mỗi cảnh đều có thể gợi lên trong chúng ta những tâm trạng rất khác nhau. Đôi khi đối với người này thì vật ấy cảnh ấy không là gì cả nhưng với người kia lại gây ra những cảm xúc đặc biệt hay những “cú sốc” lớn không ngờ được!

C: Mình hiểu rồi, ví dụ nhìn một cuốn Kinh, có người nghĩ đến Phật, Chúa, chùa, nhà thờ… và cảm thấy an lạc, hạnh phúc còn có người lại nghĩ đến mê tín dị đoan, đạo đức giả, và cảm thấy buồn chán, mệt mỏi…

A: Đúng vậy, mắt nhìn thì tâm liền phản xạ (reflect, react…)

B: Và sự phản xạ là do liên kết với những dữ kiện sẵn có trong ký ức, có những phản xạ tự nhiên như nhìn thấy con rắn thì lùi lại, nhưng có những phản xạ làm cho thần kinh mình căng thẳng, đây chính là đầu mối của stress. Vì vậy, khi đọc câu “đối cảnh vô tâm tức thị Thiền”. Mình hiểu được Thiền giúp mình bình tĩnh, không bị căng thẳng nghĩa là có năng lực chữa lành được căn bệnh thời đại là “stress”. Ví dụ như vừa mở mắt thức dậy, nghe tiếng chim hót mình cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, cảm thấy yêu đời, yêu người và tự hứa với mình “đem mắt thương nhìn cuộc đời”.

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Nguyện sống cho trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

C: Mình nhớ rồi, đó là phương pháp xảo nguyện chúng ta đã từng nhắc đến?

A: Đúng vậy, đó là cách tập cho các chú Sa-di “sống thiền” nghĩa là khi gặp cảnh thì không phản ứng theo thói quen, nghĩa là không “móc nối” với ký ức nữa mà móc nối với chân lý giải thoát.

B: Phải rồi, ví dụ khi nghe ca nhạc, có bài kệ:

Ca nhạc tụ họp

Nguyện rằng chúng sanh

Vui với chân lý

Biết nhạc là giả.

Khi đã ‘biết nhạc là giả” nghĩa là có tỉnh thức không thể sa đà say sưa đưa đến buông thả quên hết mọi sự….

C: Hay khi vừa đặt chân xuống đất thì đọc:

Bỏ chân xuống đất

Nguyện rằng chúng sanh

Tâm đắc giải thoát

An trụ bất động.

A: Rồi khi bạn ngồi vào máy vi tính, bạn đọc bài kệ :

Thắp lên máy vi tính

Ý tiếp xúc với Tàng

Tập khí nguyện chuyển hóa

Nuôi lớn Hiểu và Thương.

B: Đúng vậy, cho nên tùy theo công việc hằng ngày của mình, mình có thể nghĩ ra những bài kệ tương tự để tập cho tâm mình sống thiền, đó là cách mình chọn, còn bạn C thì sao?

C: Mình thì mình thấy sống đời sống của một huynh trưởng GĐPT là ‘sống thiền” rồi! Các bạn thấy có đúng không? Này nha! Mình đi sinh hoạt GĐPT không lãnh lương, không có lợi về tiền bạc mà có khi “hao tốn” như đổ xăng chạy xe đi đưa rước các em, mua hamburger cho các em ăn khi nó kêu đói bụng, thì giờ thì khỏi nói rồi, ngày Chủ Nhật coi như “đi toong”, weekend hay ngày lễ, người ta vui chơi với vợ con/ chồng con/ cháu chắt, v.v… mình thì thường đi trại, đi họp, đi đại hội, v.v… như vậy có phải là mình đã tu hạnh bố thí không? Mình cũng như đoàn sinh, luôn giữ luật của huynh trưởng một cách nghiêm túc, như vậy không chỉ là học Giới, tu Giới mà còn trì Giới nữa, phải chưa?

A: Mình hiểu ý bạn rồi, người Huynh trưởng phải luôn tinh tấn, để làm gương cho các em. Trời nắng trời mưa, mùa đông mùa hè… không cần biết; hễ sáng Chủ Nhật là phải đi sinh hoạt, trước đó phải chuẩn bị cho phần việc của mình… Đến Đoàn “chăn dắt” một đàn em lớn có nhỏ có ngoan có nghịch có, cá biệt cũng có nhưng không bao giờ được nổi nóng với các em (người huynh trưởng mình có tu mà!☺☺!! ai lại đi mắng mỏ các em, đánh đập các em hay nói cộc cằn với các em? Có phải không?) Với các anh chị huynh trưởng cũng vậy, 9 người 10 ý nhưng mình cũng không to tiếng với nhau, giận dữ, v.v… như ở ngoài đời thường; ấy không phải là chúng ta đang tu hạnh Nhẫn Nhục sao? Đúng vậy, ngày xưa người ta nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa”. Ở nhà khó tu nhất là vì toàn là người thân nên không sợ họ giận, có gì cứ “xổ” ra hết! Rất khó tu hạnh nhẫn nhục; bây giờ ở GĐPT phải tôn trọng năm điều luật nên rất khó!

B: Còn trí tuệ và Thiền định nữa: người Huynh trưởng GĐPT phải có trí tuệ mới tu 3 hạnh trên được, và mới hoàn thành nhiệm vụ làm Huynh trưởng của mình được: phải đầu tư trí tuệ mới có thể nghĩ ra một trò chơi hấp dẫn, một bài giảng lôi cuốn, một vở kịch, một điệu múa, v.v… cho một đêm văn nghệ, sân chơi, v.v… Sự đầu tư trí tuệ, hoặc trí tuệ cá nhân hoặc trí tuệ tập thể đều cần sự tập trung, óc sáng kiến, trí thông minh, v.v… Đó chính là tu tập về Trí tuệ và Thiền định của người Huynh trưởng GĐPT, chưa kể những lúc cùng các em thực tập ăn cơm chánh niệm, thiền hành, thiền trà, thiền tọa, v.v… nữa.

C: Như vậy các bạn đồng ý với mình rồi chứ? Chúng ta đã tu nhưng không thấy mình có tu, đã làm nhưng không thấy mình có làm, đã cho mà không thấy có người cho và người nhận vì GĐPT dạy chúng ta làm như vậy, dạy chúng ta ý nghĩa “cho” và “nhận”, v.v… rồi nên chúng ta không chấp chặt, không dính mắc.

A: Đồng ý, thật sự chúng ta thực hiện đúng đắn những lời phát nguyện của mình từ lúc quy y, đeo hoa Sen, phát nguyện làm huynh trưởng, phát nguyện trong các kỳ trại huấn luyện, trong các lễ thọ Cấp, v.v… vì “GĐPT cũng là một pháp môn tu” mà! Anh Nguyễn Khắc Từ đã nói như vậy đó!

B: Vậy là hôm nay chúng ta đã trao đổi kinh nghiệm về sống thiền của một huynh trưởng GĐPT là như thế nào rồi đó nha! Xin tạm biệt và xin hẹn đến lần sau nha!

A và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

Bạn Có Thể Chưa Đọc...