CẢM NGHĨ
KHI VỀ THAM DỰ ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG KỲ IX GĐPT VN TẠI HOA KỲ
Trong niềm hân hoan chuẩn bị tinh thần để lên đường tham dự Đại Hội kỳ IX GĐPTVN tại Hoa Kỳ thì Htr Diệu Tánh, Phụ trách Kỷ yếu và Bản Tin Đại Hội, gọi điện thoại yêu cầu tôi cho biết cảm nghĩ của mình khi về tham dự Đại Hội, để đưa lên Bản Tin.
Lẽ dĩ nhiên, điều đầu tiên tôi rất vui mừng vì sẽ được hội ngộ với những Áo Lam thân thương ở khắp các miền đất nước Hoa Kỳ… Theo như truyền thống của Gia Đình Phật Tử, Đại Hội là ngày sum họp của Áo Lam, là ngày trao đổi niềm vui nỗi buồn, là lúc tâm sự về những thăng trầm của Đơn vị, nhưng quan trọng nhất, Đại Hội chính là ngày để chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi qua, rút ưu khuyết điểm, cùng nhau đóng góp ý kiến, hoạch định hướng đi để xây dựng và kiện toàn Tổ chức. Và một điểm cũng khá quan trọng, trong giai đoạn hiện tại, là làm thế nào để tất cả các BHD GĐPT VN trên Thế Giới tiến đến sự thống nhất trong mọi lãnh vực.
Trong ý hướng thống nhất và kiện toàn đầu tiên, về lãnh vực Đại Hội, để chuẩn bị tham dự Đại Hội Thế Giới kỳ III sắp đến mà chúng tôi biết được, là BHD GĐPT Quốc Nội đã ban hành quyết định yêu cầu các BHD GĐPT Tỉnh / Thị tổ chức Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT các Tỉnh / Thị thống nhất Nhiệm kỳ 2012-2016 trong đệ nhất tam cá nguyệt năm 2012, để tổ chức Đại Hội huynh Trưởng Toàn Quốc trong đệ tam tam cá nguyệt năm 2012. Những BHD nào đã tổ chức Đại Hội thì tổ chức giữa Nhiệm kỳ để điều chỉnh thống nhất Nhiệm kỳ của các BHD Tỉnh /Thị là 2012-2016, như trường hợp BHD Quảng Đức, Việt Nam. Thi hành chỉ thị này các BHD Tỉnh đã tổ chức Đại Hội Huynh Trưởng như BHD Quảng Nam 1, BHD Lâm Đồng, BHD Ninh Thuận, BHD Bà-rịa Vũng Tàu, BHD Đồng Nai, BHD Bình Thuận trong Đệ nhất tam cá nguyệt 2012 .v.v.
Đối với Hải Ngoại, BHD Âu Châu sẽ tổ chức Đại Hội nhiệm kỳ VIII ( 2012-2016) trong tháng 7/2012, BHD Hoa Kỳ sẽ tổ chức Đại Hội Nhiệm Kỳ IX ( 2012-2016 ) trong tháng 4/2012. Riêng BHD Úc Đại Lợi đã tổ chức Đại Hội NK VIII
( 2010-2013 ) trong tháng 4 năm 2010 và BHD Canada đã tổ chức Đại Hội Nhiệm kỳ VIII ( 2010-2014 ) trong tháng 9 /2010 , hy vọng có thể điều chỉnh thời gian và niên hạn Nhiệm kỳ trong tương lai.
Đối với Hoa Kỳ, thiết nghĩ các BHD Miền của Hoa Kỳ cũng nên điều chỉnh để cùng tổ chức Đại Hội Miền trước Đại Hội BHD Hoa Kỳ và cùng thống nhất niên hạn nhiệm kỳ của các Ban Hướng Dẫn trên toàn Thế giới. Được như vậy trong Đại Hội toàn quốc Hoa Kỳ, chúng ta sẽ có các Tân Ban Hướng Dẫn, Trung Ương và Miền, cùng thực thi một Đề án cho nhiệm kỳ mới.
Trở lại cảm nghĩ của mình trong ngày Hội lớn Áo Lam Hoa Kỳ. Bên cạnh niềm vui hội ngộ và có cơ hội được đóng góp ý kiến của mình, tôi cũng có niềm thao thức và nỗi lo âu cho tương lai Tổ chức của chúng ta từ Quốc Nội ra đến Hải ngoại nói chung và đặc biệt tại Hoa Kỳ nói riêng.
Trước hết là nghĩ về GĐPT VN tại Quốc Nội. Thật cảm thương cho các anh chị em Lam viên Quốc Nội của chúng ta. Các anh chị em đã phải sinh hoạt trong hoàn cảnh xã hội luôn bị đe dọa và áp bức. Trường hợp GĐPT Liên Quang ở Quảng Ngải, GĐPT Thuận Thành ở Đà Nẳng mới đây là những hành động bức tử của nhà Cầm quyền đối với GĐPT Quốc Nội. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, anh chị em Lam viên Quốc Nội đã chứng tỏ được tinh thần hy hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ chức rất cao; các anh chị đã quyết tâm, kiên trì giữ vững và đưa GĐPT tiến lên theo Lý Tưởng đã phát nguyện và tôn thờ.
Bây giờ hãy hướng về Đại Hội Hoa Kỳ với những suy tư và thao thức. GĐPT Hoa Kỳ của chúng ta luôn trãi qua những biến động từ ngày khai lập:
1. Trước năm 1975, GĐPT trực thuộc duy nhất một Giáo Hội : Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất. Sinh hoạt GĐPT thuần nhất, xây dựng và phát triển có quy mô và vững mạnh. Áo Lam sinh hoạt bên nhau với tình thân thương và đoàn kết.
Tại Hải ngoại, sau năm 1975, GĐPT VN tại Hoa Kỳ phải sinh hoạt trong các Tự viện thuộc 10 Tông Hệ Phái. Khách quan, chúng ta cũng phải thấy ngay việc khó khăn cho sự sinh hoạt của GĐPT. Lúc này GHPGVN Thống Nhất ở VN đang bị đàn áp nên tạm ngưng hoạt động.
2. Kể từ năm 1992 : Mặc dù ở VN, Giáo Hội PGVN Thống Nhất chưa phục hoạt nhưng theo Giáo chỉ của Đức Đệ Tam Tăng Thống, các Tông Hệ Phái tại Hoa Kỳ đã họp lại với nhau để hình thành Giáo Hội PGVN Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ..Tuy nhiên, sự thống nhất cũng không được vẹn toàn, nên GĐPT vẫn còn trong thế chịu ảnh hưởng của nhiều Tông Hệ Phái.
3. Năm 1998 : Sự phân hóa của GĐPT bắt đầu : Một số Đơn vị đặt trực thuộc Giáo Hội PGVN Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ – VP2 VHĐ , một số GĐPT vẫn sinh hoạt và chịu ảnh hưởng của nhiều Tông Hệ Phái, hoạt động theo quan điểm “ trung hòa “.
4. Năm 2003 : Tại Quốc Nội, Giáo Hội Phật Giáo VN được phục hoạt, hình thành Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo và suy cử Đức Đệ Tứ Tăng Thống.
Tại Hoa Kỳ : năm 2004, trong Đại Hội Hội Hợp nhất, một số Đơn vị đặt trực thuộc Giáo Hội PG VN Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ – VP2 VHĐ , một số Đơn vị vẫn còn sinh hoạt theo thế “ Trung hòa “. GĐPT lại bị phân hóa theo cách khác.
5. Năm 2008 : Giáo chỉ số 9 ban hành. Tại Đại Hội VIII, GĐPT VN tại Hoa Kỳ xác định không còn trực thuộc VP2 VHĐ . Tuy nhiên, tâm niệm luôn đặt mình trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất “ truyền thống “ và ghi rõ trên tiêu đề Văn thư, đồng thời sinh hoạt theo hệ thống hàng dọc : trực thuộc BHD GĐPT VN tại Hải Ngoại và BHD GĐPT VN trên thế Giới.
Trên đây là tóm lược những biến động tạo nên sự phân hóa GĐPTVN tại Hoa Kỳ. Nguyên ủy sâu xa và tác động khách quan được trình bày và giải thích trong một tài liệu khác.
Do những biến động nêu trên, GĐPTVN tại Hoa Kỳ có sự suy giảm vế số lượng. Về mặt tinh thần cũng phải gánh chịu chung hệ lụy.
Ngoài những vấn đề nêu trên phần lớn do tác động khách quan, chúng ta nhìn thêm những ảnh hưởng nội tại, về hàng Huynh trưởng lãnh đạo và hàng Huynh Trưởng thuộc thế hệ trẻ:
1. Do hoàn cảnh chiến tranh trên đất nước Việt Nam, thế hệ Huynh Trưởng lãnh đạo tại Hoa Kỳ hiện tại đã quá cao tuổi, phần lớn đã ngoài 70.
2. Do hội nhập trể, kiến thức của hàng Huynh Trưởng lãnh đạo gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhất là mặt văn minh kỹ thuật hiện đại và ngôn ngữ .
3. Khoảng cách tuổi tác giữa tầng lớp Huynh Trưởng lãnh đạo (70 tuổi trở lên) và Huynh Trưởng thành viên (thành viên BHD, Liên Đoàn Trưởng các đơn vị… ở lớp tuổi 30-50) quá xa nhau, do đó khó cảm thông và gần gũi.
4. Nhìn chung, hàng Huynh Trưởng lãnh đạo có kiến thức về Tổ chức ( vì có thời gian dài kinh nghiệm sinh hoạt và điều hành Tổ chức theo Nội Quy và Quy chế Huynh Trưởng) và Phật Pháp hơn các Huynh Trưởng trẻ ( có thể do có nhiều thời gian rảnh rổi nên tham dự tu học nhiều hơn), nhưng về phương diện “ quản trị và điều hành” ( administration & management) và sự tiếp cận với xã hội không được “ update “ theo kịp nền văn minh và kỹ thuật hiện đại (đa số Htr trẻ ở Đại Học đều được học về ngành “Quản trị”) do vậy có nhiều vấn đề và quan điểm không thống nhất, từ đó ý kiến của Huynh Trưởng trẻ gần như không được quan tâm. Htr trẻ với lòng nhiệt thành với Tổ chức, nhưng luôn cảm thấy mình không thể đóng góp ý kiến, sức lực và tài năng. Từ đó có thái độ buông xuôi và Phật sự chắc chắn sẽ không đạt kết quả như mong muốn.
(Htr trẻ thường thầm nghĩ và cho rằng: chính vấn đề “cấp bậc” đã giới hạn sự nhiệt tình đóng góp của tuổi trẻ. Cấp bậc đã là làn ranh phân cách . Hãy thẳng thắn cùng ngồi lại với nhau xem xét từng lãnh vực và điều hòa, giải tỏa sự phân cách trong điều kiện tốt nhất theo Nội Quy – Quy chế).
5. Hàng Huynh Trưởng lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm theo mô hình của Tổ chức GĐPT truyền thống, do quá trình sinh hoạt lâu dài, tuy nhiên không có thuận duyên để tổ chức trao truyền cho Htr trẻ. Vì vậy khoảng trống giữa 2 thế hệ vẫn mãi chưa thể thu hẹp lại gần hơn. Cả hai thế hệ Huynh Trưởng đều có tâm huyết xây dựng Tổ chức, nhưng không hóa giải được sự phân cách : “Có kinh nghiệm nhưng không đủ kỹ thuật và ngôn từ diễn đạt – Có đủ kỹ thuật và ngôn từ diễn đạt một cách khoa học nhưng không có nhiều kinh nghiệm. “Từ đó ta nhận thấy rằng : Việc tổ chức “ Tu dưỡng Huynh Trưởng” cần phải được quan tâm và đặt lên ưu tiên hàng đầu như BHD Quốc Nội đã thường xuyên thực hiện. Người Huynh Trưởng trẻ có thể lực, trí lực và lòng nhiệt tình. Chỉ cần Huynh Trưởng lãnh đạo trao tấm bản đồ để định hướng là những người tuổi trẻ sẽ có đầy đủ hành trang để sẵn sàng lên đường. Tấm bản đồ đó là gì? là Nội quy và Quy chế Huynh Trưởng; là Sứ Mệnh của Tổ Chức; là lý tưởng Áo Lam; là nội dung tu học, huấn luyện; là Tinh thần Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất
6. Người Huynh Trưởng trẻ, trước những tấm bản đồ đó, có thể hiểu thông suốt, thì hãy vững niềm tin để lên đường . Hãy dũng cảm nhận lấy trách nhiệm và an tâm để lên đường vì sau lưng hay bên cạnh các anh chị luôn có đôi mắt của những người anh người chị đi trước theo dõi, hỗ trợ.
7. Người Huynh Trưởng trẻ, có nhiều điểm thuận lợi: với kiến thức và kỹ thuật cao trong xã hội mới, thông thạo ngôn ngữ, có nhiều cơ hội tiếp xúc với tuổi trẻ, các hội đoàn trẻ ngoài xã hội để hòa đồng, học hỏi và phát triển năng khiếu tổ chức và điều hành, có khả năng chuyển ngữ và truyền đạt nội dung chương trình sinh hoạt, tu học, huấn luyện đến tầng lớp Đoàn viên mới, mở rộng tầm hoạt động của Tổ chức và sẳn sàng đón nhận những Đoàn sinh thuộc mọi chủng tộc trên đất nước Hiệp Chủng Quốc này.
Tóm lại, trong hoàn cảnh chịu sự phân hóa trầm trọng, chúng ta phải chấp nhận nghịch cảnh hiện tại, để cùng nhau xây dựng tổ chức. Chúng ta chỉ cần giữ vững những gì chúng ta đang có và cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện nó. Phải quan tâm, săn sóc và nâng niu bằng “Hiểu và Thương”, chúng ta sẽ đón nhận được những niềm vui thân ái, đoàn kết, bền vững mãi bên nhau.
Muốn vậy chúng ta hãy đặt nặng vấn đề nhân sự. Khi đã kiện toàn được vấn đề nhân sự, chúng ta sẽ từng bước kiện toàn Tổ chức.
Hãy giao cho Huynh Trưởng thế hệ trẻ trọng trách lãnh đạo, phụ trách việc tổ chức, quản trị và điều hành. Huynh Trưởng trên 70 đều tham gia vào Hội Đồng các Cấp để cố vấn, hỗ trợ. Một Hội Đồng Cấp thật sự có đầy đủ uy tín và năng lực để tham vấn và sinh hoạt sát với Ban Hướng Dẫn trong từng lãnh vực, thay vì một Hội đồng Cố vấn hữu danh vô thực.. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức những khóa Tu học, sách tấn nhau huân tập đạo đức, tác phong lãnh đạo, và những khóa Trao truyền (tu nghiệp) để người Huynh Trưởng đi trước truyền lại kinh nghiệm cho Htr kế thừa. Tổ chức những buổi hội thảo với sự tham dự mở rộng các Cấp để ghi nhận các ý kiến của các Huynh Trưởng trẻ. Những ý kiến thu thập được phải được đưa vào kế hoạch để khai triển thực hiện, thay vì chỉ ghi nhận chung chung mà không áp dụng. Thêm vào đó phải mở rộng phương tiện truyền thông ( Trang Nhà, Bản Tin on line v.v) để trao đổi tin tức sinh hoạt, ghi nhận ý kiến đóng góp xây dựng và tác động tinh thần hăng say của Lam viên chúng ta.
Và sau cùng, mỗi Huynh Trưởng chỉ nên đảm nhiệm một chức vụ, để có thể chu toàn bổn phận, trách nhiệm được giao phó. Nhất là để tránh hay giảm thiểu sự tròng chéo: Htr Ban viên BHD Trung Ương lại là Ban viên Ban Hướng Dẫn Miền, hay là Liên Đoàn Trưởng đơn vị (Ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, không đủ nhân sự).
Được dịp chia sẻ ý kiến và phần nào cảm nghĩ, nỗi lòng của mình đến quý anh chị em về tham dự Đại Hội kỳ IX GĐPTVN tại Hoa Kỳ trong tháng 4 năm nay, là niềm vui lớn của riêng tôi . Xin cầu chúc Đại Hội thành công viên mãn và mong sao tất cả anh em chúng ta đoàn kết bên nhau, tương thân tương ái, bền tâm vững chí để cùng nhau đưa chiếc Thuyền Lam Hoa Kỳ vượt qua khỏi cơn bão tố triền miên.
TÂM ĐĂNG