TRÁCH NHIỆM VÀ BỔN PHẬN NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPT VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI MỚI

Trách nhiệm và bổn phận
Người Huynh Trưởng GÐPT Việt Nam
trong Xã-Hội mới


Ở bất cứ một xã hội, một quốc gia hay một tôn giáo nào người ta đều có xây dựng một mẫu người để thay thế mình và làm tiêu chuẩn cho mọi người noi theo…Và mẫu người đó luôn “Dấn thân và Nhập thế”.  Ðể hầu thực hiện trọn vẹn những đường lối, tư tưởng và học thuyết của chính xã hội, quốc gia và tôn giáo đó đang chủ trương.

– Lão giáo có bậc chân nhân nhập thế với tinh thần

“Vô vi nhi tác”.

– Nho giáo có bậc quân tử nhập thế hành đạo

“Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ”.

– Thiên Chúa giáo có người Ki-tô hữu

“Biết sống theo ý Chúa và làm rạng rỡ danh Chúa ba ngôi”.

– Ðạo Phật thì có bậc Bồ Tát

“Sống Hỹ xã – Từ bi và luôn hoằng pháp giáo lý của Ðức Phật”.

Ðể hoằng dương giáo lý của Ðức Phật thì trong đạo Phật đã có những Tăng đoàn Tăng lữ và những vị tu-sĩ Phật Giáo đã và đang gánh trên vai những trọng trách thiêng liêng; đó là hoằng pháp, độ sanh để mong cho nhân loại thoát khỏi những khổ đau của đời.

Ngoài ra đạo Phật của chúng ta còn có một đoàn thể trẻ đầy nhiệt huyết và luôn dấn thân; đoàn thể này có một tổ chức quy mô, một lý tưởng rõ ràng để phục vụ đó là Gia-Ðình Phật-Tử. Tổ chức trẻ  nầy nguyện trung kiên với lý tưởng của mình là phụng sự Ðạo pháp và với mục đích cố đem Ðạo vào Ðời để hòa nhập Ðời với Ðạo.

Gia-Ðình Phật-Tử vốn là một tổ chức trẻ của Phật-Giáo đã được thành lập trên quê hương yêu dấu Việt-Nam của chúng ta đã trên năm mươi (50) năm nay; mà sự phát khởi đầu tiên là Gia Ðình Phật Phổ Hóa. Thoát thai từ đoàn “Thanh niên Phật học Ðức Dục”. Ðoàn này do một số anh em thanh niên trí thức, yêu nước tại miền Trung thành lập và đặt trụ sở ở Huế, do đạo hữu Lê-đình-Thám hướng dẫn tinh thần.

Họ là những người trẻ đầy lòng nhiệt huyết đã có công đi tiên phong để dẫn đường, mỡ lối cho tổ chức trẻ nầy ra đời và cố nuôi dưỡng, gầy dựng để hầu mong làm sao cho tổ chức Gia Ðình Phật Tử được trường tồn cho đến mãi về sau nầy. Mặc dầu trong thời gian đầu họ đã gặp rất nhiều sự khó khăn, trở ngại và biết bao nhiêu là sự gian truân, thử thách; nhưng cũng nhờ vào sự cố gắng, lòng hăng say và một trí tuệ sáng suốt mà họ đã vượt qua được mọi “chướng duyên”…Và hơn thế nữa là ở trong từng con tim của những người Trẻ đó, họ luôn nuôi một Lý Tưởng đó là luôn có một niềm tin tuyệt đối đến giáo lý vi diệu của Ðức Từ Phụ và nhất là họ đã học được năm (05) điều luật của Gia Ðình Phật Tử để làm kim chỉ nam. Cũng nhờ vậy mà họ chính là những người đã kịp thời nhận thức được sự đồi trụy của nền văn hóa ngoại bang và không muốn cái thứ văn hóa xấu xa đó sẽ tiêm nhiểm, làm cho thanh niên bị mất gốc; đồng thời họ cũng thấy cái quan điểm của Ðạo Phật rất gần với họ và họ xem Ðạo Phật như là một tôn giáo có đủ triết lý sống theo đúng với đường lối mà họ đang hướng tới đó là: giữ được truyền thống, đạo đức của dân tộc và có được một nền tảng tâm lý vững chắc cho cuộc sống mới.

Rồi cũng chính đoàn thanh niên Phật Học Ðức Dục nầy đã khai sinh và hướng dẫn cho những đoàn thanh niên Phật giáo khác tại miền Trung lúc bấy giờ như là: Ðồng-Ấu Phật-Tử, Thanh-Niên Phật-Tử, Hướng-Ðạo Phật-Tử và Gia-Ðình Phật Phổ-Hóa (tức Gia-Ðình Phật-Tử ngày nay). Và chính Gia Ðình Phật Tử là đoàn thể duy nhất còn giữ lại cái hoài bảo và chí hướng của đoàn Phật Học Ðức Dục. Chính tất cả những đường hướng, mục đích và nội quy của Gia Ðình Phật Tử bây giờ là của đoàn Phật Học Ðức Dục thời đó.

Vào thời điểm này, cũng ngay trong thành phố Huế thân yêu đó vừa là trung tâm của Phật giáo đã dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo. Vậy thì sự ra đời của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam là một phản ứng tự nhiên của một tôn giáo mà tôn giáo đó lại chính là Phật giáo. Phật giáo đã gắn liền với sinh mệnh của đất nước suốt dòng lịch sử của dân tộc. Trong nhiều ngàn năm trước, từ khi Ánh Ðạo Vàng được soi sáng mảnh đất của Tổ Tiên ta, đạo Phật  từ đó không chỉ là đạo Phật mà là Phật Giáo Việt Nam; Phật Giáo Việt Nam không chỉ là một tôn giáo đem lại cho con người những “phương tiện” để từ đó con người nhận thấy được cái khổ rồi thoát ra,  nhưng lại đem đến cho con người một niềm tin ở chính mình và từ niềm tin đó con người tìm ra được chân lý của sự khổ và rồi tự mình giải thoát sự khổ đó và đạt đến an lạc; đó chính là “cứu cánh” mà Ðạo Phật đã chủ trương vậy. Phật giáo Việt Nam vốn đã hiện hữu trên mảnh đất thân yêu Việt nam ngay từ thuở bình minh lịch sử của đất nưóc, đã cùng với dân tộc chịu chung những vận mệnh thăng trầm hưng phế suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và  cũng chính vì Phật giáo đã luôn gắn liền với dân tộc nên Ðạo Phật đã luôn cố dung hòa một cách hài hòa giữa Ðạo và Ðời vào lòng của con người, rồi từ đó hầu mong góp phần váo xây dựng một nền tảng văn hóa, đạo đức cho dân tộc Việt Nam vậy.

Tổ chức Gia-Ðình Phật-Tử người con cưng và trung kiên của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và là tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã từ ánh sáng của tinh thần chấn hưng Phật Giáo mà lớn lên và trưởng thành. Gia Ðình Phật tử không còn là một nhóm nhỏ mà đã trở thành một tổ chức rộng lớn với hàng vạn đoàn viên đã hoạt động hăng say trên mọi miền đất nước từ các thành thị lớn cho đến những thôn làng hẻo lánh tất cả mọi nẻo đường đều có bóng dáng những tà áo Lam thân thương, rất hiền hòa, nhân hậu, đoàn kết và luôn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Họ là những người con Phật, những anh chị Trưởng luôn cố gắng giáo dục những Thanh, Thiếu Niên và Ðồng-Ấu trở thành người Phật-Từ chân chánh, một đoàn sinh ngoan hiền, một người con hiếu thảo, một người dân hữu ích, cũng như mong làm sao để Chấn Hưng Phật Giáo và Phục Hưng Dân Tộc, đó chính là nguyện vọng, trach nhiện và bổn phận của người Huynh-Trưởng vậy.

Các bạn cũng nên biết rằng từ một em nhỏ mới học cấp một đến các em ở vào độ tuổi vị thành niên, các em đến với Gia-Ðình Phật-Tử tùy thuộc vào ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và lời khuyên bảo của các bậc cha mẹ hay vì bản tính ham vui nên đi theo bạn bè. Nhưng trái lại đối với những bạn thanh niên nam, nữ, thì không giản dị như thế; có người vì tính hiếu kỳ, hiếu động muốn tìm hiểu đường lối và mục đích của tổ chức Gia-Ðình Phật Tư, cũng có những bạn trẻ vì mộ Ðạo. Nhưng riêng với những Huynh-Trưởng của chúng ta thì khác; có người vì còn thương mến các em và còn quyến luyến với tá áo Lam, cũng có những anh chị Trưởng vì hoàn cảnh gia đình, công việc, sự học vấn.v.v…Nên đã bị gián đoạn một thời gian bây giờ trở lại sinh hoạt với các em. Nhưng đa số là đã dược đào tạo lên bởi những đoàn sinh đã sinh hoạt lâu năm, có khả năng và đã trưởng thành. Vì thế, cho nên người Huynh-Trưởng Gia-Ðình Phật-Tử có đủ mọi giới, mọi thành phần trong xã hội như trước đây ở tại quê nhà. Từ những nông dân, công nhân, thương gia, công chức, quân nhân đến các giáo chức, sinh viên và học sinh.v.v…Còn bây giờ ở hải ngoại mặc dầu các bạn đang bận rộn với công việc hoặc với sự học hành, nhưng vớí sự nhiệt tình của tuổi trẻ các bạn đã đến với Gia Ðình Phật-Tử, đó chính là các bạn đã có căn duyên với Ðạo, căn duyên ấy được phát hiện ở đức tin. Ðức tin chính là sự sống của con người, là sức mạnh của tinh thần và là ngọn lửa nung nấu tâm hồn. Ðức tin của người Huynh Trưởng không phải chôn giấu trong tâm tưởng của chính mình, mà phải toát ra, phải thể hiện bằng hành động. Vì tin vào tính cách hằng cửu của Phật giáo cho nên người Huynh Trưởng phải tâm niện rằng: “Tổ chức Gia-Ðình Phật-Tử là một tổ chức trường cửu, chứ không phải chỉ trong một giai đoạn nhất thời nào đó mà thôi”.

Các bạn cũng nên nhớ rằng rồi mai đây trong số những Huynh Trưởng nầy có người sẻ trở thành cấp lãnh đạo trong Ban-Hướng-Dẫn của Gia-Ðình Phật-Tử; và có người sẻ là những cư-sĩ uyên thâm giáo lý Phật giáo hay cũng có những anh. chị Trưởng sẻ trở thành những tu-sĩ Phật Giáo; (như có một bậc cao Tăng nào đó đã từng nói: một người Phật Tử khi đã trở thành là một Huynh Trưởng trong Gia Ðình Phật Tử thì chính là đã đi được một nữa đường của người tu sĩ Phật Giáo rồi đó), thật không phải là đã quá lời. Vì sự hy hữu và tính cách vĩnh cửu đó, nên người Phật Tử phải tin vào sinh mệnh của Gia-Ðình Phật-Tử và nhất là phải hiểu rỏ cái tổ chức, đoàn thể mà mình đang là một thành viên; đó là mình cố gắng đem Ðạo vào Ðời và nhập Ðời với Ðạo để hầu dung hòa hai ý đó thành một, để cho cuộc sống được hài hòa có ý nghĩa hơn lên.

Vậy đã là một Phật tử hay nói đúng hơn khi bạn đã trở thành là một người Huynh Trưởng Phật tử, dù muốn hay không, một cách nghiễm nhiên bạn phải mang trên vai những trọng trách thiêng liêng đối với bản thân, gia đình, tổ chức, giáo hội và đất nước. Lịch sữ năm mươi năm hành hoạt của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã cho chúng ta thấy: Ðây là một tổ chức quy mô và kiến hiệu trong việc phổ cập hóa nếp sống lành mạnh và giải thoát của giáo lý Phật Ðà trong từng cá nhân và gia đình người Phật tử, đặc biệt là đối với các thế hệ thanh thiếu niên. Ðây cũng là tổ chức biểu hiện lòng trung kiên tuyệt đối với Ðạo pháp, Giáo-Hội và Tổ quốc Việt-Nam.  Trong hiện tại và tương lai tiến hay lùi, mạnh hay yếu; phần lớn là do các anh chị, em Huynh-Trưởng và cũng chính các Huynh-Trưởng phải chịu trách-nhiệm về sự sống còn của Gia-Ðình Phật-Tử vậy,

Những ai hằng quan tâm đến vấn đề giáo dục trong hàng ngủ thanh, thiếu niên Phật giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ cũng như ở hải ngoại. Những ai đã từng tổ chức, hướng dẫn và huấn luyện những đoàn viên Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ và hải ngoại hiện nay, đã luôn trăn trở và nghĩ đến một vấn đề then chốt; đó là cố tìm cách để đào tạo những thanh, thiếu niên trưỡng thành trong GÐPT thành những thành phần lãnh đạo trẻ để hầu tiếp nối các lớp Huynh Trưởng lớn tuổi, gánh vác trọng trách; và mong sao lớp Huynh-Trưởng trẻ nầy dẫn dắc, dạy bảo các em đoàn sinh trở thành một Phật tử chân chính hầu góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Ðó chính là trách nhiệm và bổn phận của:

Người Huynh-Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trong xã hội mới.

Vậy người Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử là gì?

Huynh Trưởng là thành phần lãnh đạo, có đầy đủ các đức hạnh lẫn tài trí và là người có trách nhiệm và bổn phận với chính tổ chức của mình để hầu thay mặt tổ chức Gia-Ðình Phật-Tử mong rèn luyện, dạy bảo các em đoàn sinh trở thành một người con ngoan trong gia đình, một công dân tốt cho xã hội sau nầy. Huynh Trưởng còn là người thực hiện đường lối, lý tưởng của Gia-Ðình Phật-Tử Việt Nam để phục vụ đạo pháp, dân tộc và con người. Ðể xây dựng nên một đội ngũ Huynh Trưởng cho Gia Ðình Phật Tử Việt-Nam trong xã hội mới nói chung và tại Hoa-Kỳ nói riêng. Vì thế chúng ta cần thiết phải có những trại huấn luyện Huynh Trưởng từ Sơ cấp đến trung cấp được tổ chức liên tục và phải được sự phối hợp của các Ban hướng Dẫn từ trên xuống dưới hạ tầng; để hầu đào tạo một lớp Huynh-Trưởng trẻ có khả năng và hăng say phục vụ cáí lý tưởng chính mình đã chọn. Cũng trên đường hướng đó thì tương lai của thế hệ Huynh-Trưởng trẻ nầy chính là các bạn. Các bạn đang được kế thừa những kinh nghiệm của các bậc Thầy, các anh chị Trưởng đã đi trước và cùng với sự nhiệt tình, năng động của tuổi trẻ, đó là điều rất thuận lợi, rất may mắn mà các bạn phải lấy làm hãnh diện. Các bạn phải mạnh dạn phát triển những sự học hỏi, những điều hiểu biết của chính mình trên một chiều hướng tốt đẹp để hầu duy trì mãi màu Lam của GÐPT và màu cờ năm sắc của Phật Giáo trong lòng của dân tộc vậy.

Như đã trình bày ở trên về vai trò của người Huynh Trưởng GÐPT Việt Nam trong xã hội mới.

Trước khi muốn được làm một Huynh Trưởng thực thụ và để được đơn vị đề cử đi dự những khóa huấn luyện do Ban-Hướng-Dẫn Miền tổ chức qua các trại đào tạo Huynh Trưởng từ Lộc-Uyễn, A-Dục… thì mỗi đơn vị Gia-Ðình Phật-Tử chúng ta được sự đồng thuận của Ban Hướng Dẫn Miền để tổ chức những lớp huấn luyện Sơ cấp tại đơn vị Gìa-Ðình Phật-Tử của mình hầu đào tạo các em thành những đội, chúng trưởng và sau một thời gian dài sinh hoạt với Gia Ðình Phật Tử. Khi mà các anh chị Liên Ðoàn Trưởng cùng ban Huynh Trưởng của đơn vị mình nhận thấy các em hội đủ điều kiện và có đủ tư cách, khả năng, khi đó mới có thể đề nghị cho các em đi dự những khóa huấn luyện đào tạo Huynh Trưởng thực thụ qua các trại Lộc-Uyển, A-Dục. Qua các cấp đào tạo như vậy sẽ cho người Huynh Trưởng ý thức được trách nhiệm và bổn phận của chính mình đề tạo dựng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam được vững mạnh sau nầy. Cũng chính vì tầm quan trọng đó nên các Huynh Trưởng của các trại huấn luyện phải được huấn luyện thật kỹ càng, chu đáo và đồng thời các bạn phải cố gắng học tập; nêu thắc mắc, đưa ý kiến và tiếp nhận những kiến thức, kinh nghiệm của các anh chị Huynh Trưởng giảng viên để hầu có một số vốn liếng cho sau nầy khi các bạn mãn khoá. Các tân Huynh Trưởng sẽ có được một sự hiểu biết về tất cả những đường lối chỉ huy; tư cách và nhiệm vụ cũng như tác phong, đạo đức của người Huynh Trưởng hầu dìu dắt, dạy bảo các em và giúp cho đơn vị trong việc quản lý tốt đẹp để có thể tiến mạnh trên đường tu học, phục vụ Ðạo pháp, dân tộc và lý tưởng của chính mình đã chọn.

Một khi đã hy sinh cho lý tưởng thì phải thấu hiểu lý tưởng đó. Như chúng ta đã biết tất cả đường lối của Gia Ðình Phhật Tử là “cứu cánh để có thể biện minh cho phương tiện”, mà con đường đi tới của Gia Ðình Phật Tử không phải chỉ là hành động cho cơ hội, cho hiện tại mà nhắm về mục đích “trồng người.” Người Huynh Trưởng không phải chỉ biết mặc áo Lam, thổi còi, cắm trại, văn nghệ.v.v..Người Huynh Trưởng cũng không phãi chỉ là công cụ để “tranh đua, đấu đá” nhau giữa các phe phái hay là để trang trí cho các buổi lể tại các Chùa, các Tu viện.v.v..Ðể rồi từ đó quên hẵn đi trách nhiệm và bổn phận và nhất là lý tưởng mà mình đang theo; cho nên người Huynh Trưởng cần nhất là phải biết được đường lối giáo dục chánh của tổ chức Gia Ðình Phật Tử và phải cố tìm hiểu, suy xét thật rõ ràng con đường mình đang đi. “Ði tới đâu? Và để làm gì?”.

Trước khi có cho mình một quyết định cuối.

Con đường tương lai của Gia Ðình Phật Tử đang đi là:

Ðào tạo một thế hệ đoàn sinh trẻ trong Gia Ðình Phật Tử Việt Nam ở Hoa Kỳ  cũng như ở hại ngoại thành những người Huynh Trưởng có khả năng và đầy thiện chí; mà thế hệ Huynh Trưởng trẻ nầy ngoài việc trau dồi đức hạnh, tu học Phật pháp lại còn có một nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn các em trở về với cội nguồn của dân tộc đó là dạy cho các em học tiếng Việt. Và đó cũng là tất cả những gì mà người Huynh Trưởng phải có bổn phận và trách nhiệm phải chu toàn. Muốn được như vậy người Huynh Trưởng phải thương yêu các em đoàn sinh, phải hòa nhã với tất cả mọi người, không nề hà khó nhọc, chấp nhận sự gian nan; hết mình vì đại gia đình áo Lam. Ðó là chân dung người Huynh Trưởng trong Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

Trước khi đi sâu vào đề tài chính của chúng ta là:

Trách nhiệm và bổn phận của người Huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trong xã hội mới thì ít nhất chúng ta cũng nên biết qua một cách khái quát về đường lối, tổ chức và sự phát triển của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa-Kỳ (trong xã hội mới) hiện nay như thế nào.

Các bạn thân mến.

Trong hoàn cảnh của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ (trong xã hội mới) chúng ta có được một số điều kiện rất thuận lợi.

Những cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương tương đối đã được hình thành, điều đó đã giúp cho việc điều hành được dễ dàng và thống nhất hơn. Mặc dầu có một vài trường hợp cá biệt còn hầu hết những tổ chức giáo dục mang tính chất Gia Ðình Phật Tử dầu trên một danh xưng, hay một danh nghĩa nào đi chăng nữa nhưng hầu hết đều đã được thống nhất trên một quy mô rộng lớn và đồng đều, cũng nhờ vậy mà những tổ chức hay hệ phái nào trong Phật Giáo của chúng ta có ý đồ chia rẽ hay  tự ý muốn cô lập để cố tạo dựng thêm một hệ thống thứ nhì hầu gây khó khăn, tai tiếng và làm lũng đoạn tinh thần của tổ chức chúng ta hiện nay thì tất cả đều bị thất bại. Dầu cho Phật Giáo tại Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung có nhiều hệ phái riêng biệt, song hành hay đối chọi nhau chăng nữa nhưng tất cả đều công nhận tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam hiện nay là cơ cấu lãnh đạo Phật tử căn bản duy nhất đáng được tin cậy trong việc đào tạo những thanh, thiếu, đồng niên trở thành người Phật tử ngoan hiền và sau đó sẽ thành những Huynh Trưởng chân chính.  Vì vậy chúng ta đã và đang cố gắng kiện toàn nhân lực bằng cách là cố đào tạo những Huynh Trưởng lớn lên tại Hoa Kỳ nói riêng và tại Hoa-Kỳ nói riêng, có trình độ học thức, kiến thức và tinh thần dấn thân vì Ðạo pháp để mở ra những khóa huấn luyện Huynh Trưởng từ Sơ đến Trung cấp; để cố đào tạo lớp Huynh Trưởng trẻ có khả năng, đầy lòng nhiệt huyết, yêu mến các em và tha thiết với đoàn, cũng luôn mong cầu lớp Huynh Trưởng trẻ nầy sẽ đưa Gia Ðình Phật Tử Việt Nam và giáo hội được tiến mãi theo sự tiến hóa của xã hội mới nầy vậy.

Chúng ta cũng đã được kế thừa những hệ thống tổ chức, nguyên lý giáo dục từ quê nhà trước đây. Cái truyền thống tốt đẹp ấy chúng ta phải cố gắng duy trì và đồng thời chúng ta cũng phải tìm cách học hỏi cái mới, những điều hay cho phù hợp vớí văn hóa và phong tục của xã hội mà ta đang sống. Vì chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội mà thường khi những nếp văn hoá hoàn toàn khác biệt với truyền thống văn hóa Việt Nam. Ðó là chưa kể đến sự cách biệt của tuổi tác, kiến giải; giữa hai thế hệ “Già, Trẻ” do đó thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam được trưởng dưỡng và tác thành trong môi trường văn hoá mới, hấp thụ bởi nền văn hoá tây học, đa dạng. Từ đó cách sống và sự suy nghĩ sai biệt giữa hai thế hệ “Già, Trẻ” đó là những hệ quả tất nhiên. Ðể có thể hướng dẫn đúng mức và hiệu quả, Gia Ðình Phật Tử cần phải nghiên cứu nghiêm túc nội dung và phươong thức giáo dục để làm thế nào vừa bảo lưu được truyền thống văn hóa đặc thù của dân tộc – đạo pháp, vừa thích nghi được với bối cảnh văn hóa mới tại xứ người. Ðặc biệt Gia Ðình phật Tử cần quan tâm sâu xa đến chiều hướng suy tư của từng lớp Huynh Trưởng trẻ để hầu khuyến khích những sáng tạo lành mạnh và hữu ích nhằm khích lệ bản tánh hiếu kỳ của tầng lớp thanh, thiếu niên trẻ có thiện duyên với Ðạo pháp vào sinh hoạt với Gia Ðình Phật Tử. Trong chiều hướng ấy Gia Ðình Phật Tử cần phải chú trọng nhiều hơn nữa về phương thức đào tạo các Huynh Trưởng trẻ thật đa dạng và thực dụng (bằng cách là Phật hóa các trò chơi trong các chương trình sinh hoạt) và cũng cố làm thế nào để cho họ nhìn thấy được lý tưởng và đức tin đối với Ðạo pháp và dân tộc. Những lợi điểm nầy là điều kiện căn bản mà tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như hải ngoại cần duy trì và phát triển; mong rằng đó là một cơ hội tốt để đưa tổ chức chúng ta tiến mạnh hơn.

Tuy nhiên tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như tại hải ngoại đã không sao tránh khỏi gặp những điều nan giải, những sự khó khăn và đó chính là những trở ngại không ít cho sự tiến triển của tổ chức chúng ta; mà những ai có trách nhiệm và hằng quan tâm đến tổ chức trẻ nầy đều không tránh khỏi bị bức xúc và khó nghĩ cũng như đang cố tìm một đường hướng để giải quyết vấn đề trên.

Vậy chúng ta là những Huynh Trưởng, là những ngườii có trách nhiệm trực tiếp với tổ chức Gia Ðình Phật Tử thì chúng ta cũng phải tìm hiểu thật tường tận, phân tích kỷ lưởng những yếu tố, nguyên nhân nào đã đưa đến những sự khó khăn

như hiện nay; để rồi chúng ta có một cái nhìn xa hơn hầu tìm cách chấn chỉnh lại tổ chức của chúng ta đựơc kiện toàn hơn.

Những vấn đề hàng đầu mà chúng ta đang lưu tâm đến đó là cơ cấu tổ chức của Gia Ðình Phật Tử từ trung ương đến địa phương.

Ngoài Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Thế Giới

Ở mỗi Quốc Gia, hay liên Châu chúng ta đều có một Ban hướng Dẫn.

Riêng tại Hoa-Kỳ chúng ta cũng có Ban hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Hoa Kỳ là cơ cấu cao nhất của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ; kế đến là Ban Hướng Dẫn Miền và tiếp đến là tổ chức Gia Ðình Phật Tử của từng địa phương.

Theo sự hiểu biết của Tác giả thì không phải riêng gì tại Hoa-Kỳ mà ở tất cả những Ban Hướng Dẫn Gia đình Phật Tử trên toàn Thế Giới chúng ta đang còn thiếu nhân sự, nhiều khi một Thành viên lại phụ trách đến hai nhiệm vụ cho nên kết quả không được như ý muốn, nhưng rồi cũng đành chịu và… chờ…nhân sự và… huấn luyện Huynh Trưởng rồi hãy bổ sung sau. Vì trên thực tế có nhiều vấn đề rất tế nhị – Trở ngại địa lý, điều kiện và hoàn cảnh và sức khỏe của từng Uỷ Viên, Thành Viên một, nên không thể hoạt động đồng bộ. Tất cả những điều đó đã khiến cho Ban Hướng Dẫn đã gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại và không thể vận dụng được toàn lực khả năng của từng Uỷ Viên, Thành Viên nên việc điều hành đôi lúc bị bế tắc gây ảnh hưởng rất nhiều cho việc tổ chức những trại đào tạo và những khóa huấn luyện, những lớp tu học cho Huynh Trưởng.

Từ trước đến nay đã có những khóa huấn luyện đào tạo Huynh Trưởng để đáp ứng sự thiếu hụt đang xãy ra thường xuyên tại nhiều đơn vị, nhưng rồi cũng không thể bổ sung đủ nhu cầu số Huynh Trưởng đang cần; Vì từ sự huấn luyện đến cách điều khiển đoàn, đội là cả một khoảng cách xa, nếu các Huynh Trưởng không tự mình cố gắng tìm tòi, học hỏi và kiên nhẫn, rèn luyện chính mình thì kết quả chỉ là vô ích thôi. Nếu chúng ta đi sâu vào vấn đề sinh hoạt Gia Ðình Phật Tử thì lớp Huynh Trưởng trẻ nầy rất cần thiết để chinh phục và dạy bảo các em Thanh, Thiếu và Ðồng niên ở xã hội mới nầy. Vì họ cùng chung một thế hệ, có chung một lối sống, một sự suy nghĩ và hơn nữa họ còn có được một ưu điểm. Ðó là “Ngoại ngữ”. Vì vậy nên các anh chị Huynh Trưởng trẻ đã dễ hòa đồng, thông cảm với các em và cùng các em chia xẽ được sự hiểu biết lòng tin yêu để cùng nhau sinh hoạt dưới màu Lam của Gia Ðình Phật Tử. Rồi từ đó đường lối sinh hoạt của Gia Ðình Phật Tử sẽ có những chương trình dồi dào, phong phú cũng như sự giáo dục các em được hữu hiệu hơn.  Nhưng còn một trở ngại lớn là chúng ta thiếu những kinh sách chưa được dịch thuật, những sự sưu tầm các tài liệu hữu dụng, nên số Huynh Trưởng trẻ đôi lúc không thấu hiểu được ý nghĩa tận tường những bài giáo lý và những đề tài học tập quá xa lạ, còn bở ngỡ, nên dễ bị lúng túng, nhàm chán trong việc cầm đoàn rồi từ đó tinh thần bị suy kém dần làm cho lớp Huynh Trưởng trẻ nầy không còn khả năng muốn sinh hoạt và tự rút lui, bỏ cuộc. Những Huynh Trưởng trẻ nầy cũng như những đoàn sinh thuộc thế hệ mới hiện nay đang sống tại quê hương thứ hai nầy, nhưng họ lại nghĩ rằng đó chính thực là quê hương của mình (vì có rất nhiều em ở tuổi vị thành niên, các bạn trẻ thanh niên đã sinh ra và lớn lên tại nơi nầy), nên họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều về sự giáo dục, cách sống, cái nhìn và lối suy nghĩ; nhất nhất mọi thứ đều bị hấp thụ, đều ảnh hưởng đến văn hóa của người bản xứ; nên tất cả đều khác hẳn với lớp người lớn tuổi cở bậc cha mẹ, anh chị của họ đã từng sinh ra và lớn lên tại quê nhà, dẫu rằng bây giờ họ là những lớp Huynh Trưởng lớn tuổi nhưng đầy thiện chí, kiến thức và kinh nghiệm.

Mặc dầu cũng có một vài tổ chức cư sĩ, hay cá nhân hoặc ngay cả chính những Huynh Trưởng có thiện ý và hằng quan tâm đến vần đề thịnh suy của Gia Ðình Phật Tử và Phật giáo ở hải ngọai đã cố tìm cách cải tiến chương trình bằng cách dịch thuật các kinh sách, tài liệu hoặc sưu tầm những kinh sách quý giá; nhưng sự canh tân, cố gắng đó rất lẻ loi, đơn điệu vì vậy không được tác dụng nhiều.

Và đó là những khó khăn mà chúng ta là những người Phật tử là những Huynh Trưởng có trách nhiệm phải sáng suốt nhận thức, và mạnh dạn vượt qua cho bằng được. Nếu chúng ta muốn cho tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ  cũng như ở hải ngoại được phát triển mạnh hơn, và được vững bền mãi thì đó là vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải quan tâm để hầu bổ sung và chấn chỉnh lại làm sao để cho tổ chức Gia Ðình Phật Tử của chúng ta luôn được vững tiến mãi trên đường Ðạo pháp đúng với tinh thần của Phật Giáo vậy.

Liên-Hoa,

Mùa Phật-Ðản,

Thân tặng các anh chị Huynh-Trưởng.

Nhân Ngày Đại Hội Miền Quảng Đức

Tâm-Tường.-Lê-đình-Cát


digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb