PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 28 : ÂM NHẠC PHẬT GIÁO TRONG GĐPT

TÂM MINH

Âm Nhạc Phật Giáo trong GĐPT

Kính thưa quí vị và các bạn,

Chương trình tu học của đoàn sinh Gia Đình Phật Tử (GĐPT) gồm có Phật pháp, Hoạt động thanh niên, Văn nghệ, và Hoạt động Xã hội. (Riêng ở Hải ngoại còn có thêm bộ môn Việt Ngữ).

Vì vậy, văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng, là một trong các bộ môn tu học của đoàn sinh GĐPT. Vì mục đích của GĐPT là truyền bá đạo Phật đến thiếu nhi nên phải cho các em “học mà chơi, chơi mà học” chứ không thể chỉ đến Đoàn để học Phật pháp không thôi. Vì vậy, Văn nghệ cũng như Hoạt động thanh niên là những môn học để “hấp dẫn” các em đến với tổ chức. Văn nghệ GĐPT gồm có báo chí, ca, múa, nhạc, kịch, hội họa, điêu khắc… dùng để chuyển tải văn hóa Phật giáo cũng như văn hóa dân tộc đến với đoàn viên GĐPT. Chính vì vậy, âm nhạc nói riêng hay văn nghệ nói chung của GĐPT có màu sắc đặc biệt, không giống của những đoàn thể thanh niên khác trong xã hội. Một ví dụ nhỏ, một vở kịch, cho dù là hài kịch cũng phải có nội dung luân lý đạo đức hay Phật pháp chứ không được dùng những từ ngữ bất lịch sự, suồng sã,… như ở ngoài đời. Âm nhạc GĐPT cũng vậy, gồm những sáng tác của những huynh trưởng đang sinh hoạt hay đã nghỉ sinh hoạt, những nhạc sĩ gốc Phật tử, hay có cảm tình với GĐPT, v.v… những bài ca ấy đều có nội dung ca ngợi đạo Phật, tình Lam, sự tu tập, cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát, v.v… với nét nhạc vui tươi, trong sáng chứ không ca ngợi những tình cảm lãng mạn, yếu đuối với những làn điệu sướt mướt như ngoài đời nên âm nhạc đó có thể được gọi là âm nhạc Phật giáo.

Để đi sâu vào chi tiết, ví dụ quá trình phát triển âm nhạc Phật giáo ở trong nước và hải ngoại cũng như để biết thêm về những huynh trưởng nhạc sĩ hay những nhạc sĩ ái hữu của GĐPT ở khắp nơi, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa những huynh trưởng A, B, C quen thuộc của chúng ta trong đề tài này.

A: Hôm nay, chúng ta nói về Âm nhạc Phật giáo hả??? Sao mà rộng lớn vậy?

B: Đâu có, chúng ta chỉ nói đến âm nhạc trong GĐPT mà thôi, nhưng nhạc sinh hoạt của chúng ta thường có nội dung Phật pháp, tu học, v.v… nên gọi là âm nhạc Phật giáo cũng đúng thôi!

C: Đúng vậy, ngay cả nhạc trình diễn, nghĩa là có thể hát đơn ca trong các buổi trình diễn văn nghệ sân khấu hay văn nghệ lửa trại cũng có nội dung Phật pháp hay luân lý với lời ca và nhạc điệu trong sáng, thanh thoát, nhẹ nhàng… nên cũng xứng đáng được gọi là âm nhạc Phật giáo chứ bộ!

A: Đồng ý, nhưng có điều hơi buồn là ngày xưa, văn nghệ GĐPT nói chung, nhạc PG của GĐPT nói riêng, rất có giá nha, hơn xa bây giờ! Nghe nói ở Huế, những đêm văn nghệ sân khấu do GĐPT tổ chức mỗi dịp Phật đản hay Vía xuất gia chẳng hạn, xuất sắc lắm nha, vé bán không đủ nữa đó!

B: Đúng vậy, các anh chị lớn kể lại, hồi đó GĐPT tổ chức những đêm văn nghệ sân khấu với những bài ca, vở ca kịch, hoạt cảnh, v.v… đều là của những tác giả huynh trưởng GĐPT hết!

C: Đến nay cũng còn lưu truyền, như vở kịch Mùa Gặt Ác, Suối Từ, Thoát Ngục Vàng của huynh trưởng Nguyên Hùng. Những nhạc sĩ huynh trưởng như Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang, Lê Cao Phan, Đỗ Kim Bảng, Phạm Mạnh Cương, Anh Lạc Nguyễn Đình Luyện, Lê Mộng Nguyên, Lê Mộng Bảo, Dương Xuân Dưỡng, Dương Xuân Nhơn, Ngô Mạnh Thu, v.v…

A: và sau này cũng có nhiều huynh trưởng nhạc sĩ như Như Vinh Nguyễn Văn Xứng, Nguyên Định Bửu Ấn, Đức Quảng Nguyễn Hoàng Phụng và những HTr. nhạc sĩ bên Âu Châu, Úc Châu nữa… Ngoài ra, còn có các vị Tăng Ni trẻ trong nước cũng như HN nữa.

B: Đúng vậy, về âm nhạc, GĐPT chúng ta có thật nhiều nhân tài, đó là chưa kể những bài Thiền ca từ các đạo tràng tu học khắp nơi từ trong nước ra tới hải ngoại với các nhạc sĩ vô danh (nghĩa là các bài ca mà chúng ta thường hát không thấy ghi tên tác giả !!☺☺!! )

C: Còn ca sĩ gốc Phật tử và GĐPT cũng nhiều nha! Ví dụ như Hà Thanh, Thanh Thúy, Thanh Mai, Bảo Yến, Quang Lê, Ngọc Hạ, Trang Mỹ Dung, Mộng Lan, Trọng Nghĩa, v.v…

A: Cũng phải nhắc lại là huynh trưởng GĐPT ngày xưa rất nhiều vị vừa là Hướng đạo sinh (boy Scout) nữa như anh Phan Cảnh Tuân (hiện nay là thầy Phổ Hòa), anh Lê Cảnh Đạm, anh Lê Bá Ngữ, v.v… nên GĐPT cũng dùng chung những bài hát của Hướng Đạo, miễn là có nội dung thích hợp với GĐPT.

B: Phải đó, vì Hướng Đạo không cứ phải là Phật tử, họ không cần ăn chay, không cấm sát sanh như Anh Chị Em mình nên họ dạy cho đoàn sinh đi câu cá, bắt chim, đi săn bắn, làm bẫy, v.v… là những điều mình không dạy cho các em mình.

C: Ồ vậy hả? Nhưng đâu có bài hát nào nói chuyện đi săn đâu!!

A: Có chứ, không phải dạy đi săn nhưng ví dụ như bài “Con Cò” có lời ca bắt đầu như vầy: “Ta ra thăm đồng đêm tối không trăng sao…” gặp được một chú cò, anh ta nói “Cò ơi mi chớ hòng tha!”, rồi sẵn dây anh ta bắt chú cò, đem trói lại rồi hẹn sẽ về nướng chú cò lên để “chén” _ cái này Anh Chị Em mình đâu có được! (điều luật của Oanh Vũ: “em thương người và loài vật”, thì phải bảo vệ loài vật chứ, sao thấy con cò đi ăn đêm lại bắt về làm thịt ăn!!)

B: Vì vậy, âm nhạc GĐPT có thể nói là âm nhạc Phật giáo (PG) vì nó phản ảnh tinh thần từ bi của PG, trong cái vui cũng phải có chừng mực, không sa đà để rồi phạm giới đã phát nguyện.

C: Đúng rồi, kỳ đi trại ở một khu đất trại có cái hồ lớn mà chủ nhân cho câu cá thoải mái, thế nhưng huynh trưởng và đoàn sinh chúng mình không ai nghĩ đến chuyện câu cá cả khiến chủ nhân ngạc nhiên và có phần nể nữa!

A: Âm nhạc GĐPT, theo các bạn có mấy loại?

B: Mình thấy có các loại sau đây: 1. Nhạc sinh hoạt; 2. Nhạc Đạo; 3. Nhạc Lễ; 4. Thiền Ca.

C: Mình cũng đồng ý cách phân chia của bạn B; ví dụ loại 1: Nhạc sinh hoạt như những bài Gia Đình Thân Ái, Vui Dựng Gia Đình, Kết Đoàn, Em Đến Chùa, v.v… loại này nhiều vô số; 2. Nhạc Đạo như “Đêm Thành Đạo”, Trái Tim Bồ-tát, Từ Đàm quê hương tôi, v.v… 3. Nhạc lễ như những bài chỉ hát trong khi làm lễ Chào cờ Sen Trắng, hay chào cờ Phật giáo hay lễ Phật, ví dụ: “Trầm Hương Đốt”, “Phật Giáo Việt Nam”, Đóa Sen Trắng, v.v… 4. Thiền Ca như “Đây là Tịnh độ”, “Sáng nay đi thiền hành”, “Mặt trời hồng tỉnh thức”, v.v…

A: Các bạn dài dòng quá! ☺☺ !! Đáng lẽ các bạn chỉ trả lời mình: hãy xem cuốn sách Nhạc “ánh Đạo Vàng” của anh Đức Quảng đã xuất bản cách đây mấy năm, với hơn 500 bài hát ảnh sưu tầm cả Nhạc và Lời thì biết ngay! Tuy nhiên, mình muốn hỏi các bạn một điều nữa: những bài nhạc xưa có còn thích hợp với tuổi trẻ hôm nay không?

B: Về tinh thần, nội dung thì mình thấy không có gì cũ cả, nhưng với các em của chúng mình ở hải ngoại, tiếng Việt không rành nên những bài dài quá các em không thuộc được, trở ngại cho sinh hoạt chung.

C: Đúng vậy, cho nên phải soạn lại những bài hát sinh hoạt sao cho ngắn, ít từ khó và dễ nhớ, dễ thuộc như bài “Yêu Mến Mẹ Cha” chẳng hạn, với Oanh Vũ thì những bài hát kèm theo điệu bộ càng tốt.

A: Phải đó, cố huynh trưởng nhạc sĩ Bửu Ấn đã có nhận xét: “Cuộc sống của tuổi trẻ hôm nay so với 40 năm trước đã có quá nhiều xáo trộn và đổi thay, cả về vật chất lẫn tinh thần, chúng ta phải làm cách nào để phát huy hiệu quả tốt nhất cho bộ môn văn nghệ theo đúng đường hướng GĐPT, Phật giáo và Dân tộc vì văn nghệ (âm nhạc nói riêng) đóng vai trò hấp dẫn trong vui chơi giải trí mà cũng là một phương tiện huân tập sâu sắc, nhẹ nhàng và vững chắc, dễ thấm sâu tinh thần Phật giáo, dân tộc, tuổi trẻ khi vào đời…”

B: Đúng rồi, nhưng đó là việc đại sự, ngoài buổi hội luận của ACE mình, xin nói thêm: âm nhạc GĐPT còn có một đặc điểm nữa là không phân biệt nhạc trong nước hay nhạc ở hải ngoại, tất cả đều có Đạo vị, GĐPT và màu Lam; và được nhanh chóng phổ biến trên Net nên Anh Chị Em trong nước và ngoài nước (cả Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ và Canada) đều biết.

C: Để kết thúc, mình xin đề nghị mỗi người chúng ta hát một bài mà chúng ta thích nhất và theo thứ tự, người bắt đầu hát một bài ca sinh hoạt, người tiếp theo hát một bài nhạc Đạo còn người thứ ba phải hát hai bài, một bài nhạc Lễ và một bài Thiền ca.

A: Được thôi nhưng chúng mình “hát” mà ghi lên giấy thì chỉ có lời thôi chứ đâu có nhạc!

B: Nhạc thì xem trong cuốn sách nhạc của anh Đức Quảng đó.

C: Phải rồi! Mình xin bắt đầu trước bằng một bài ca sinh hoạt mà mình thích: Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này: 1, 2, 3, 4, 5.

Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này: 5, 4, 3, 2, 1.

1 đều chân bước nhé, 2 quay nhìn nhau đi, 3 cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa, 4 nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà, 5 nhớ mãi tình này trong câu ca!

A: Mình xin hát bài nhạc Đạo:

Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời! Nammo Buddhaya.

Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết! Nammo Dharmaya.

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những ai nguyện sống cuộc đời tỉnh thứ! Nammo Sanghaya.

B: Đến phiên mình, xin hát một bài thiền ca mình thích vì bài bạn A vừa hát gọi là nhạc Lễ cũng được mà nhạc Đạo cũng được:

Đây là Tịnh độ, Tịnh Độ là đây!

Thở vào Chánh niệm, An trú hôm nay

Phật là lá chín, Pháp là mây bay,

Tăng thân khắp chốn, Quê hương nơi này.

Thở vào hoa nở, Thở ra trúc lay

Tâm không ràng buộc, Tiêu dao tháng ngày.

A: Như vậy là đầy đủ cho buổi hội luận hôm nay rồi nha! Xin tạm biệt!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb