PHẬT PHÁP : TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN VII – LỜI CUỐI )

PHÁP THOI CA THY THÍCH THÁI HÒA

TỨ TẤT ĐÀN ( PHẦN VII )

( Phần Cuối )

( Nguyên văn và video phát âm ở cột phải bên dưới )

Hỏi và trả lời và

LỜI CUỐI

Hỏi:

Làm sao để giảng về thế giới Atula và Địa ngục mà không phụ thuộc vào sách vở ?

Trả lời:

Thế giới Atula hay địa ngục được hình thành nơi tâm của mỗi chúng ta. Cảnh giới Atula là gì? Đó là sự nóng giận, sự cạnh tranh, hơn thua mà tạo nên. Cho nên hễ nhìn vào nơi tâm mình mà có những hạt giống hơn thua, cạnh tranh, thị phi, giận hờn, gây chiến với nhau thì đó chính là thế giới Atula. Vì vậy, đối với thế giới atula, mình có thể thực nghiệm và thấy được thế giới này ngay ở nơi tâm của mình.

Thế giới địa ngục cũng vậy. Địa ngục chính là những hành động xấu ác ở nơi mỗi chúng ta. Khi chúng ta manh tâm giết một người nào đó, nói xấu một người nào đó hay hại một con vật nào đó, thì đó chính là hành động đem địa ngục đến cho người khác, loài khác và cho chính mình trong tương lai. Chúng ta phải dạy điều đó cho mọi người để họ biết nhìn vào trong tâm của chính họ, mà biết sống hài hòa, không tranh chấp, không thị phi, không gây chiến với nhau và có tâm từ bi với mọi người, nghĩa là mình đang ổn định xã hội của chính mình, ổn định gia đình mình, ổn định tổ chức của mình. Rõ ràng, đây không phải là sách vở mà chính là một sự thực nghiệm, thực nghiệm nhìn sâu vào nơi tâm mình. Đức Phật đã dạy, tất cả thế giới đều từ nơi tâm mình mà biểu hiện. Tâm mình có đủ cả thập pháp giới. Do đó, Atula không phải là thế giới ngoài mình đâu. Biết như vậy, để khi người ta lỡ có giận mình, mình không giận lại thì cái giận kia sẽ tự tiêu; người ta oán mình mà mình không oán thì cái oán đó cũng sẽ tự tiêu. Cũng giống như khi ta ráng sức đôi một hòn đá, nhưng không có lực cản thì hòn đá chỉ chạy theo lực đôi đến một mức độ nào đó thì phải dừng. Nhưng nếu mình cản lại thì sẽ tạo ra phản lực làm viên đá có thể vỡ ra và chính mình cũng có thể vỡ ra.

Như vậy, cảnh giới địa ngục, cảnh giới Atula hay cảnh giới chư thiên, cảnh giới của Phật đều không ra khỏi tâm mình. Biết như vậy để thực tập và hướng dẫn mọi người thực tập để thấy cho rõ.

Anh Mai làm tổng thư ký của gia đình phật tử thế giới nên lẽ đương nhiên là anh phải cố gắng rồi và anh phải thông minh để cho những người trợ lý của anh giúp anh. Cũng giống Obama làm tổng thống Mỹ thì đâu phải ông có tài năng về tất cả mọi lĩnh vực, mà phải nhờ vào các trợ lý của ông về các châu lục, các vùng và các ngành. Ông chỉ tài hơn chúng ta là ông có khả năng quyết đoán đúng, khi có tất cả những sự kiện cung cấp cho ông. Cũng vậy, anh Mai hay tất cả các anh cũng vậy, mình phải nhờ tất cả những người dễ thương của mình, trung thành với tổ chức cung cấp cho mình những sự kiện đúng và từ những sự kiện đúng đó, mình có khả năng quyết đoán chuẩn xác để mà thi hành. Tất cả những cái đó đều là từ Tứ tất đàn hết.

Hỏi:

Tất cả các cảnh giới đều do tâm, đều từ nơi tâm mà biểu hiện, vậy có phải tất cả đều là ảo không? Như vậy thì có mâu thuẫn với sách vở nói rằng có sáu cảnh giới để đi vào không? Chúng con là “Nhân” nên chưa bước vào cảnh giới ngạ quỷ, cũng chưa bước vào cảnh giới địa ngục, thì làm sao hiểu được các cảnh giới đó, chỉ có thể hiểu được qua sách vở. Vậy có phương pháp nào để thấy rõ, để chỉ cho các em thấy rõ được điều này, nhất là trong thời đại văn minh ngày nay.

Trả lời:

Có một câu chuyện thế này: có một vị đến hỏi một vị Thiền sư “thế nào là giận dữ?” . Vị Thiền sư đáp rằng “mặt ông ngu như bò mà hỏi giận dữ làm gì”. Người kia liền nổi giận “tôi hỏi Thầy, Thầy không nói thì thôi, cớ chi lại nhiếc tôi ngu như bò! Thầy không có phép lịch sự! Thầy tu hành không đúng đắn”. Vị Thiền sư cười và nói “đó chính là sự giận dữ! Ông đã thấy chưa?”

Cũng vậy, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula, chư thiên đều từ nơi tâm của mình. Tâm của mình có thì nó có, tâm của mình không thì cái đó không.

Anh nói địa ngục như huyễn, Atula như huyễn, như mộng cũng đúng. Đức Phật nói ngay cả cảnh giới con người mà còn như mộng, như huyễn nữa, thì huống gì cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ. Nhưng nên nhớ rằng, dù huyễn mộng, nhưng vẫn có nhân quả, gieo nhân xấu thì lãnh quả khổ, chứ không phải huyễn mộng, nghĩa là không có chi hết trơn đâu. Việc Thầy đang nói chuyện với các anh/chị/em đây, cũng là chuyện như huyễn, như mộng, nhưng vẫn có tác dụng trong đời sống của mỗi chúng ta. Các anh/chị/em vẫn nghe được. Khi nghe được, tiếp nhận được rồi, thì có thể tu tập để làm thay đổi cuộc sống của mình. Cho nên cảnh giới này, cảnh giới kia là cái huyễn mộng của tâm, mà tâm luôn tồn tại, tâm có, nên các cảnh giới đó có theo tâm. Và nhân quả là nhân quả nơi tâm, ngoài tâm không có nhân quả. Nếu mình tạo nghiệp nặng, khi xả bỏ thân này sẽ rơi vào cảnh giới đó. Vì vậy, chuyện Mạt Na Thức và A Lại Da Thức không có gì trái với tâm hết. Mạt Na Thức, A Lại Da Thức, Ý thức hay các thức còn lại đều là thức của tâm mà thôi. Các hạt giống đã nói là các hạt giống của tâm. Khi kết thúc sinh mệnh, tâm nặng về hạt giống nào thì tâm thức sẽ sà vào cảnh giới đó, biểu hiện ra những cảnh giới đó cho mình sống, cho mình vui, cho mình buồn, cho mình khổ. Ngoài tâm không có khổ cũng không có lạc. Anh vui hay buồn thì lấy gì mà vui, mà buồn? Gia đình của anh vui hay buồn thì lấy cái gì để vui, để buồn? Anh vui hay buồn là do tâm anh vui, do tâm anh buồn. Gia đình của anh là cọng nghiệp của các thành viên gia đình anh. Nếu các thành viên đó có tâm vui thì cọng nghiệp gia đình anh vui. Nếu gia đình đó có nhiều tâm mâu thuẫn nhau, nhiều phiền não thì tạo ra gia đình nhiều mâu thuẫn. Bởi vậy, thế giới này đâu phải là thế giới ngoài tâm. Nhưng, đừng nghĩ rằng huyễn mộng mà không có cái huyễn mộng. Huyễn mộng mà vẫn có cái huyễn mộng, vẫn có cái nhân quả như huyễn, như mộng. Cho nên, chúng sinh dù huyễn mộng, dù sống trong cái huyễn mộng mà vẫn khổ đau. Bồ Tát thấy vậy, nên mới phát khởi đại nguyện “chúng sinh vô biên thề nguyện độ”, làm việc suốt ngày, suốt đêm, suốt cuộc đời, nhưng không bao giờ chấp thủ. Chứ Bồ tát không nói thế giới huyễn mộng, nên không làm gì hết, đắp chăn nằm ngủ cho khỏe. Vì vậy, phải dạy cho mọi người về nhân quả, nghiệp báo rõ ràng. Nhân quả vô thường, nghiệp báo vô thường, nên mình mới tu, tu để thay đổi cảnh giới ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh thành cảnh giới con người hoặc cao hơn. Đó mới gọi là ứng dụng Tứ tất đàn vào xã hội. Chứ nếu xã hội mà cứng đờ thì làm sao mình ứng dụng.

Hỏi:

Chúng con đọc năm điều luật của gia đình phật tử, nhưng áp dụng vào đời sống rất ít ỏi. Kính xin Thầy triển khai thêm về phần tình thương cũng như tôn trọng sự thật trong đạo Phật là đạo như thật để anh/chị/em chúng con ứng dụng vào đời sống hằng ngày.

Trả lời:

Mỗi tuần sinh hoạt, các anh/chị/em đều đọc năm điều luật của gia đình phật tử.

Thứ nhất là “Phật tử quy y Phật Pháp tăng và giữ giới đã phát nguyện”. Điều luật này bao gồm cả bốn điều luật ở phía dưới và bốn điều luật ở phía dưới chỉ là khai triển, cụ thể hóa điều luật thứ nhất này.

Rõ ràng, đã là Phật tử thì phải quy y Phật Pháp Tăng, không quy y Phật Pháp Tăng thì không thể gọi là Phật tử được. Và Phật tử thì phải giữ giới đã phát nguyện, chứ không giữ giới đã phát nguyện thì sao gọi là Phật tử? Có giữ giới thì mới thân cận được với Tăng, mới thân cận được với Pháp, mới thân cận được với Phật.

Thứ hai là “Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống”.

Phật tử học theo ai mà mở rộng lòng thương? Phật tử học theo Phật. Cho nên mình phải học tình thương rộng lớn của Phật.

Phật tử học theo ai mà tôn trọng sự sống? Bởi vì Phật mới là vị tôn trọng sự sống. Lấy cái gì để chứng minh? Có phải chỉ là lý thuyết không? Không! Chính bản thân Ngài tôn trọng sự sống, nên chỉ một loài vật nho nhỏ, Ngài cũng không nỡ tâm tàn hại. Bản thân Ngài không tàn hại mà còn dạy cho những ai đến với Ngài, làm đệ tử Ngài cũng không nên tàn hại chúng sinh, mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống. Thương đây không phải chỉ là thương mình, thương gia đình mình mà thương cả xã hội; không phải chỉ thương xã hội con người mà còn thương cả những chúng sinh thấp kém hơn mình. Cho nên, vì tình thương, vì từ bi mà mình ăn chay để không tàn hại chúng sinh. Đức Phật đã nói, các Tỳ kheo đệ tử Như Lai thì không cuốc đất làm tổn hại các loài vật dưới đất, khi uống nước phải có đãy lọc nước để khỏi tàn hại những loài vi khuẩn nho nhỏ trong nước mà mình không thấy. Tất cả những cái đó không phải lý thuyết mà là thực tế, phải sống, phải thực tập. Mình tin Phật, thương Phật, nên mình mở rộng lòng thương như Phật đã mở rộng; mình tôn trọng sự sống như đức Phật đã từng tôn trọng. Vì tôn trọng sự sống nên mình không phí phạm hơi thở của mình, mà phải thở như thế nào để hơi thở mang lại chất liệu bình an cho mình và mọi người. Bây giờ Phật đã niết bàn rồi, mình dựa vào đâu để mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống? Dựa vào Pháp. Những lời Phật dạy vẫn còn đó trong tam tạng giáo điển, được chư tổ kết tập, khai triển, trước tác, giảng thuật. Vì vậy, mình dựa vào Pháp mà mở rộng lòng thương, học tập Pháp, thực hành Pháp mà mở rộng. Và mình nương vào Tăng, là đoàn thể gồm tối thiểu là bốn thầy Tỳ Kheo hay bốn vị Tỳ Kheo Ni sống trong sự thanh tịnh, hòa hợp để mà tu học, để thể hiện tâm từ bi, mở rộng lòng thương của mình. Nhờ có Tăng mà mình được trao truyền giới pháp hiện nay. Cho nên Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện là vậy.

Thứ ba là “Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật”. Ai là trí tuệ? Mình trau dồi trí tuệ theo hướng nào? Theo hướng của Phật! Chỉ có Phật là trí tuệ. Đời này làm gì có ai trí tuệ ngoài Phật. Đời này có trí thức, có học thức, kiến thức nhưng không có trí tuệ. Cho nên mình phải đem kiến thức của mình, học thức của mình, trí thức của mình nhập vào nơi trí tuệ của Phật để trở thành trí tuệ của Phật. Chỉ có người có trí tuệ mới biết sự thật, thấy sự thật, thấy được giá trị của sự thật mà tôn trọng. Cũng như anh Mai đã nói, nhờ có trí tuệ tôn trọng sự thật nên anh em mình mới gần nhau, không nói láo nhau, không nói láo với xã hội, nên xã hội mới tôn trọng mình. Còn nếu mình nói láo với xã hội để mà sống, mà ăn, mà hưởng thụ, để ăn trên ngồi trước thì xã hội đâu có nể mình? Mình ngồi được là nhờ có khẩu súng, có lựu đạn, có bom nguyên tử. Vất những thứ đó đi sẽ không ai cho mình ngồi. Đức Phật không cần cảnh sát, không cần quân đội, không cần nhà tù, không cần quyền uy, không cần cậy thế cậy quyền vua cha. Bởi vì Ngài đã có chất liệu quý báu là trí tuệ, nên Ngài thấy được giá trị của sự thật là vĩnh cửu, là bất diệt nên tôn trọng và bảo vệ nó, sống với nó.

Phật tử mình cũng vậy, phải trau dồi trí tuệ theo tiêu hướng của Phật, tiêu hướng của Pháp, tiêu hướng của Tăng. Bằng con đường nào? Bằng giới, định, tuệ. Mình phải giữ giới. Phật tử không thọ giới, không giữ giới sao lại gọi là Phật tử được! Phật tử mà không biết thiền định, ăn nói vụt chạc, chụp mũ người này, chụp mũ người kia thì không thể gọi là Phật tử được! Và Phật tử là phải có trí tuệ để gạn lọc trước khi tin và nói. Vì vậy là Phật tử thì không thể tin người khác nói xấu anh mình, nói xấu thầy mình một cách thiếu trí tuệ. Phật tử tôn trọng sự thật, nhưng phải là sự thật có được từ sự trau dồi trí tuệ. Mà chỉ có Phật mới trí tuệ. Phật là tiêu chuẩn hoàn hảo về trí tuệ. Nên chúng ta phải hướng tới đó, lấy trí tuệ của Phật làm tiêu chỉ, khuôn thước cho mọi hành động của người con Phật.

Điều thứ tư: “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”. Phật tử sống rất dễ thương. Trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, nghĩa là cả thân, cả tâm đều dễ thương. Thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh. Sống ở đâu cũng hướng tới ba nghiệp thanh tịnh. Nếu bây giờ chưa thanh tịnh thì chút nữa thanh tịnh, nếu chút nữa chưa thanh tịnh thì chút chút nữa thanh tịnh, tức là phải lấy cái thanh tịnh đó làm tiêu chí hướng tới. Ba nghiệp thanh tịnh mới tương xứng với Phật, vì Phật thì ở đâu, lúc nào cũng thanh tịnh ba nghiệp. Nên mình phải tu, phải tập, nếu có sai lầm thì sám hối. Sám hối bằng phương pháp đối diện trước đức Phật, đối diện trước một bậc Thầy, đối diện trước một đoàn thể, trước anh em hay đối diện với tâm mình mà tự trách. Rõ ràng điều luật này nói về ba nghiệp thanh tịnh của một người Phật tử, mà nói đúng ra, đó là chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng trong Bát chánh đạo. Điều luật này có gốc rễ từ nơi Bát chánh đạo, nên lấy Bát chánh đạo làm thể. Bát chánh đạo là con đường của bậc Thánh đi, con đường đi tới cõi Thánh. Phật tử thì phải đi tới cõi đó, thực hành những hành vi đó để đi tới với cõi đó.

Điều luật thứ năm là “Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Đạo”. Mấy anh/chị/em thấy vui, thấy thích không? Mình cố chấp thì làm sao dũng tiến được? Mình chỉ có thể bước tới một cách hùng dũng, khi nào mình biết buông bỏ những thấp hèn trong đời sống của mình, những cố chấp trong đời sống của mình. Nói cách khác, mình phải biết buông bỏ những gì tầm thường trong đời sống thế gian mà bước tới.

Vậy nên, Phật tử mà không có thương nhau sao được? Người nào hỷ xả, người ấy đi đến được với người khác một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. Ai mà nặng nề, cố chấp thì trước sau gì cũng trì lại nơi cõi sinh tử mà thôi, chứ không thể bước đi trên con đường đạo. Trong bài “Kính mến Thầy” mà anh/chị/em thường hay hát có câu: dẹp tan tham sân hận/ ánh đạo hằng mong bước đến gần. Cái làm cho mình không tới gần được với đạo là tham, sân, si, kiêu mạn trong mình. Mình dẹp những cái đó đi thì mình đến gần được với đạo, thể nhập được với đạo, và mình chính là đạo, đạo chính là mình. Còn nếu mình cứ ôm lấy tham, sân, si, kiêu mạn, không chịu buông bỏ thì khó mà có hỷ, xả, có niềm vui. Cũng có niềm vui do cố chấp, chấp thủ đem lại, nhưng đó là niềm vui nguy hiểm. Niềm vui do buông bỏ tham sân si mới là niềm vui vĩnh cửu, vô biên và có thể sống với nhau bằng niềm vui đó, đi trên đường đạo bằng niềm vui đó. Chính niềm vui của hỷ xả đẩy mình đi tới với đạo và bước trọn vẹn trên con đường đạo.

Thực hành điều luật thứ năm này thì không có khó khăn nào mà mình không thể liên kết được, không hòa giải được với nhau hết. Do đó phải thực tập. Thầy nghĩ các anh/chị/em cần phải có những khóa tu để khai triển cụ thể năm điều này, để kiểm tra, kiểm chứng xem mình có hỷ xả ngang đâu, đặc biệt là trong nghịch cảnh.

Thầy nghĩ, các anh/chị/em phải ứng dụng năm điều luật đó một cách cụ thể, bằng những phương pháp cụ thể. Năm điều này là khuôn vàng thước ngọc, nhưng phải đem nó ra dọn mà ăn, chứ đừng nên cất hoài trong tủ, hay thỉnh thoảng mới đem ra lau chùi thì chẳng hay chút nào.

Lời cuối

“A Di Đà Phật ! Trước khi chấm dứt thời pháp thoại này, trước hết, Thầy cúi đầu đảnh lễ Tam Bảo, nhờ ân đức Tam Bảo mà Thầy trò chúng ta có được một chút Phật Pháp, có được chút thiện căn phước đức nhân duyên để chúng ta sống xứng đáng, cho ra con người giữa cõi người ta này. Và nhờ Tam Bảo soi đường chỉ lối, nên thầy trò mình mới đi tới, gặp được nhau trong những thời Pháp thoại như thế này. Vậy nên, trước hết chúng ta chấp tay kính lễ Tam Bảo, biết ơn Tam Bảo.

Sau đó là chúng ta chấp tay kính lễ cha mẹ, tổ tiên, ông bà nội ngoại của chúng ta, đã cực kỳ thông minh, biết lựa chọn một tôn giáo, một niềm tin cho chính tổ tiên ông bà chúng ta là Tam Bảo, là đạo Phật. Từ đó chúng ta sinh ra trong dòng dõi huyết thống đó, nên gặp được Tam Bảo rất dễ dàng, thay vì khó khăn như những người khác.

Thứ ba là chúng ta chắp tay biết ơn mọi người mọi loài giúp thầy trò chúng ta có được thời Pháp thoại này. Đói làm sao mà nói ? mà nghe ? Nên chúng ta no mới nói được, mới nghe được. Nếu không có những dụng cụ khoa học, tin học như thế này thì Thầy trò mình nói với nhau bằng kiểu gì ? Nói ai nghe ? Ai nói mà nghe ?

Quan trọng hơn nữa, Thầy biết ơn tất cả quý vị, các anh/chị/em. Nếu Thầy nói mà không có người nghe thì cái nói làm sao mà thành ! Các anh/chị/em đã chịu khó lắng nghe thầy và mỗi người đã phải tự khắc phục hoàn cảnh, bận rộn, công việc của mình để học hỏi, để lắng nghe. Mà lắng nghe Thầy nói, không phải để cho tự thân các anh/chị/em mà là để có thêm một chút tư lương làm hành trang để lo cho tổ chức, lo cho giáo hội, nghĩa là lo cho cuộc đời, cho xã hội và cho muôn loài.

Cho nên đựơc thành tựu như thế này, là nhờ công ơn của tất cả, mà trong đó Thầy chỉ là một hạt bụi rất nhỏ. Nhưng dù rất nhỏ nhoi, mình cũng xin đem hồi hướng công đức đó cho hết thảy chúng sinh, mong cho tất cả chúng sinh, ai cũng biết hướng về Phật Pháp để tu học, để bản thân gia đình và xã hội ngày càng đẹp lên, tạo nên sự an lạc, hòa bình cho thế giới con người, cho nhân loại. Và Thầy cầu chúc tất cả các anh/chị/em hiện diện cũng như không hiện diện và toàn thể gia đình của tất cả các anh/chị/em luôn luôn sống trong ánh sáng hào quang của chư Phật để phụng sự chánh Pháp, làm lợi lạc cho muôn loài. Chúng ta xin chắp tay hồi hướng cho tất cả đều thành tựu Phật đạo”.

***

(Pháp Thoại nầy TT Thích Thái Hòa giảng hai lần cho trại Vạn Hạnh I, GĐPT Hoa Kỳ. Lần thứ nhất vào ngày 26/4/2010 và lần thứ hai vào ngày 03/5/2010 tại Tàng Kinh Các chùa Phước Duyên – Huế, qua mạng Internet, chúng tôi xin được ghi lại và chuyển sang văn viết để cống hiến cho những ai cần đến nó.

Tâm Thư và Nguyên Nhã kính ghi).


Bạn Có Thể Chưa Đọc...