PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 23: NHỮNG BÀI HỌC THÀNH ĐẠO

TÂM MINH

Những bài học thành đạo

Nói đến ngày Thành đạo của đức Thế Tôn, chúng ta thường chú ý đến sự hoàn thành công phu tu tập của Ngài, công phu chuyển đổi vọng tâm để Niết-bàn hiển lộ. Thành đạo là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đấng Giác Ngộ dạy cho chúng ta những bài học vô cùng quí giá. Là huynh trưởng GĐPT, ngoài việc tu tập cho bản thân, chúng ta còn có bổn phận trao truyền cho đàn em gia tài Phật pháp và hiểu biết về đạo Phật… nên những bài học lại càng có giá trị hơn. Đạo Phật dạy chúng ta giáo lý giải thoát và cách thực hành giáo lý ấy ngay trong đời sống hằng ngày. Vấn đề của anh chị em chúng ta là biết thời đại hóa giáo lý ấy để có thể trang bị cho đàn em của mình những kiến thức cơ bản về vai trò của tuổi trẻ trước nhu cầu bức thiết của xã hội, đó là đối trị và hóa giải những bất trắc, những trở ngại, những ma chướng (tham, sân, si) từ trong tâm mình và trong tâm người khác để đem đến an lạc thật sự cho mọi người trong xã hội. Đó chính là chúng ta đã “góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” thông qua con đường giáo dục thanh thiếu đồng niên Phật tử vậy.

Cụ thể như là những bài học về Thành đạo; có vài người sẽ bảo rằng, “những bài học này các em đã học từ Oanh Vũ đến ngành Thiếu ở các bậc Cánh Mềm, Chân Cứng rồi Hướng Thiện, Sơ Thiện… đâu có phải bây giờ mới áp dụng!” Xin thưa, cái mới không phải ở nơi bài học mà ở nơi sự áp dụng bài học vào cuộc sống, nơi cách mình hướng dẫn các em thực hành. Ngoài ra, khi các em đọc thêm ở đâu đó một sự kiện gì liên quan đến đức Thế Tôn, các em đều có thể đem hỏi chúng ta. Ví dụ điển hình như vừa rồi, có các em được đi với gia đình qua Ấn Độ đã đến chỗ cây Bồ-đề, nơi đức Phật ngồi tham thiền suốt 49 ngày và thành đạo dưới gốc cây cũng như tháp kỷ niệm nơi đức Thế Tôn đứng nhìn cây Bồ-đề ấy ở tuần lễ thứ hai sau khi thành đạo. Tương tự như vậy, một em khác lại hỏi rằng: đức Phật bị ma vương cám dỗ trước khi thành đạo hay sau khi thành đạo? Chúng ta biết ngay rằng em ấy đã đọc về những việc làm của đức Thế Tôn sau khi thành đạo, ấy là vào tuần thứ 5, ba người con gái của Ma Vương là Taṇhā, Aratī, và Rāga đã đến cám dỗ Ngài nhưng tất cả đều thất bại. Thật ra, sau khi thành đạo, trên con đường hoằng hóa Phật pháp, đức Phật đã gặp nhiều “đại nạn” do quần chúng quậy phá, mưu sát cũng có, cám dỗ cũng có, vu oan giá họa rồi bêu xấu cũng có, nhưng đức Phật luôn giữ nguyên tắc “ai cho mình cái gì mà mình không nhận thì người ta sẽ đem về!”, không minh oan, không trả lời, không thù oán hay tìm cách “trả đũa” như thế gian thường tình.

Xin trở lại với những bài học Thành đạo; trước nay bài trong chương trình ngành Thiếu chỉ kể về đêm Thành đạo, còn sau khi thành đạo đức Phật đã làm gì, chúng ta chỉ cho các em đọc thêm trong “The Buddha and His Teachings” của Narada Māha Thera, Phạm Kim Khánh dịch ra tiếng Việt Đức Phật và Phật Pháp.” Có nhiều em “confused” (nhầm lẫn) về khoảng thời gian 49 ngày của đức Phật dưới cội Bồ-đề. Thực ra trước khi thành đạo, đức Phật đã ngồi thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm và đêm cuối cùng Ngài đã “thành đạo”. Sau khi thành đạo, Ngài còn lưu lại nơi đó trong bảy tuần (49 ngày). Huynh trưởng thì nhận thấy rằng không chỉ với sự kiện xuất gia hay thành đạo mới có những bài học cho chúng ta mà bất cứ công việc gì dù rất bình thường trong sinh hoạt của Ngài cũng đáng cho chúng ta suy gẫm, học tập. Xin mời quý vị và các bạn tham dự buổi hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng GĐPT quen thuộc của chúng ta A, B, C về vấn đề này.

A: Chào các bạn, sắp tới lễ Thành đạo rồi đó. Các bạn có tập được cho các em vở kịch nào mới không?

B: Cũng có, nhưng Oanh Vũ của mình nhỏ quá, các em lớn đã lên Đoàn hết rồi nên hơi khó, các em nói tiếng Việt chưa rành lắm!

C: Thôi, khoan hãy nói chuyện kịch cái đã, mình đang muốn đem thắc mắc của một em nghành Thiếu của mình kể cho các bạn nghe đây. Em ấy nói rằng khi học về Thành đạo, các anh chị dạy 10 đạo quân của ma vương mà đức Phật chiến thắng cuối cùng là Tham ái, Ngã mạn, v.v… nhưng em ấy đọc thấy sau khi thành đạo, đức Phật vẫn còn bị ba người con gái đến quậy phá nữa.

A: Vậy bạn đã trả lời như thế nào?

B: Chắc bạn đã nói về ba người con gái này của ma vương chứ?

C: Không, mình chỉ nói cho các em biết sau khi thành đạo, đức Phật trên đường hành hóa, đã gặp rất nhiều trở ngại, bên trong cũng như bên ngoài, bên trong thì Đề-bà-đạt-đa quậy phá, ngoài thì những người xấu muốn hại Ngài…

A: Sao bạn không nói về bảy tuần lễ sau ngày thành đạo, đức Phật giữ yên lặng để suy gẫm về đạo nhiệm mầu Ngài vừa chứng được, và lưu lại bên cây Bồ-đề?

B: Hay là chúng ta thay phiên nhau lần lượt ôn lại 7 tuần đó đi hở? Và nêu lên bài học cho chúng ta? Mình xin bắt đầu bằng tuần thứ nhất: Ngài ngồi bất động dưới tàng cây Bồ-đề để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối của tuần này, Ngài xuất thiền và suy nghiệm về “12 nhân duyên” theo chiều xuôi, rồi theo chiều ngược.

C: Theo chiều xuôi, nghĩa là “tùy thuộc nơi nhân mà quả phát sinh”: tùy thuộc nơi vô minh mà hành phát sinh, tùy thuộc nơi hành mà thức phát sinh… Còn theo chiều ngược là “với sự chấm dứt của nhân thì quả chấm dứt”: với sự chấm dứt của vô minh, hành chấm dứt, với sự chấm dứt của hành thì thức chấm dứt, v.v… có phải không?

A: Phải rồi! Bước qua tuần thứ 2, Ngài vẫn giữ yên lặng. Nhưng trong sự yên lặng ấy, Ngài đã tỏ lòng tri ân với cây Bồ-đề. Ngài đứng xa ra để chăm chú nhìn cây Bồ-đề trong suốt một tuần không chớp mắt! Về sau, vua A-dục (Asoka) có dựng lên một bảo tháp để kỷ niệm nơi ấy gọi là Animisalocana Cetiya (Animes Lochan) đến nay vẫn còn. Hồi đi dự lễ hội hành hương GĐPT trên thế giới (năm 2004), các đại biểu đều thấy tháp này. Hiện trong tháp có chứa ba tạng kinh Hoa Nghiêm bằng chữ Tây Tạng nên các vị sư Tây Tạng khi đến chiêm bái Bồ-đề đạo tràng thường hướng về tháp này tụng kinh, đảnh lễ.

B: Đến tuần thứ 3, đức Phật vẫn lưu lại bên gốc cây Bồ-đề nên chư Thiên nghi ngờ không biết Ngài đã đắc quả Phật chưa. Đọc được tư tưởng ấy, Ngài dùng thần thông tạo ra một “đường kinh hành quí báu” (ratana camkamana) và đi thiền hành lên xuống suốt một tuần.

Trong tuần lễ thứ tư, Ngài suy tưởng về giáo lý cao siêu của Tạng Luận (Abhidhamma). Khi Ngài suy tưởng về lý nhân quả tương quan bộ khái luận thứ 7 của tạng Luận, Tâm và Thân, Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết, phát ra một vầng hào quang 6 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp. Vì lẽ đó, nơi này được gọi là “bảo cung” (ratanaghara), tức căn phòng quý báu.

C: Đến tuần lễ thứ 5, đức Phật ngồi dưới cội cây trứ danh Ajapāla để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Vào cuối tuần, sau khi xuất định, có một người Bà-la-môn ngã mạn (huhunka jātika) đến chào hỏi Ngài rồi nói: Này tôn giả Gotama, đứng về phương diện nào và trong những điều kiện nào người ta trở thành bậc Thánh? Để trả lời, đức Phật đọc lên bài kệ:

Người đã tránh xa mọi điều tội lỗi

Không còn ngã mạn,

đã thanh lọc mọi ô nhiễm

thu thúc lục căn

thông suốt các pháp học

chân chính sống đời phạm hạnh thiêng liêng

Người ấy được coi là bậc Thánh (Brahmana)

Đối với người ấy không còn sự bồng bột

Dù ở nơi nào trên thế gian.

A: Ngoài ra, trong Túc Sanh truyện còn nói chính trong tuần lễ thứ 5 này, ba người con gái của Ma vương là Taṇhā, Aratī và Rāga đến quyến rũ đức Phật nhưng đã thất bại!

B: Tuần lễ thứ 6, đức Phật từ cây Ajapāla chuyển qua cây Mucalinda và ở tại đây trong một tuần để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Bỗng có một trận mưa to, gió lớn kéo đến, trời đất tối đen, gió lạnh thổi suốt trong nhiều ngày… nhưng đã có Mãng xà vương Mucalinda từ trong hang chui ra dùng thân mình quấn quanh đức Phật 7 vòng, đầu và miệng rắn che trên đầu Ngài, vì vậy, thân Phật không bị ướt. Sau 7 ngày trời quang mây tạnh, Mucalinda tháo mình ra, bỏ lốt rắn hiện thành một chàng thanh niên chắp tay đứng trước Phật; đức Phật đọc bài kệ như sau:

Đối với hạng người tri túc,

đối với người đã nghe và đã thấy chân lý,

thì sống ẩn dật là hạnh phúc.

Trên thế gian này,

người có tâm lành, có thiện chí,

người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn

đối với tất cả chúng sanh

là hạnh phúc.

Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng

là hạnh phúc.

Phá tan được thành kiến, “ngã chấp”

Quả thật là hạnh phúc tối thuợng.

Hiện nay chỗ này là một hồ nước lớn nằm về phía Nam của đại tháp, có hình tượng đức Phật Thích-ca ngồi giữa hồ. Hồ này có tên là hồ Rồng mù (Muchalinda) để kỷ niệm đức Phật được thần Rắn che mưa.

C: Vào tuần lễ thứ 7, đức Phật bước sang cội cây Rājāyatana và ở đó chứng nghiệm quả phúc giải thoát. Sau khi xuất định, Ngài được Tứ Thiên Vương dâng bát cúng dường và Ngài cũng đã nhận tặng phẩm sữa và đề hồ của hai vị thương gia tên là Tapassu và Bhallikā; đây là hai vị đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật trong thế giới loài người.

A: Những Phật ngôn đầu tiên của đức thế Tôn đến với thế gian là hai bài kệ sau đây (trong kinh Pháp Cú có ghi lại, đó là hai bài Kệ 153 và 154):

Lang thang qua bao nhiêu kiếp luân hồi,

Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp

Kẻ xây dựng lên ngôi nhà này.

Cứ mãi tái sanh, khổ sở thay!

Ô kìa anh thợ làm nhà!

Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm.

Cây đòn tay bên thềm gảy đổ

Rui mè kèo cột bỏ ngổn ngang.

Ta nay chứng đắc Niết-bàn,

Ái tham, dục vọng, hoàn toàn tiêu tan[1]

B: Thật là quá hay! Các bạn thấy đức Phật dùng ngôn ngữ biểu tượng có “tuyệt cú mèo” không? Căn nhà = cái thân ngũ uẩn này của chúng ta; anh thợ làm nhà là ai? Xin thưa đó là ái dục (Taṇhā), chính ái dục là nguyên nhân tiềm ẩn trong tất cả chúng ta và kéo chúng ta trở đi trở lại trong vòng sinh tử luân hồi; chỉ khi nào “Ái tham dục vọng tiêu tan” thì chúng ta mới thấy Đạo được.

C: Còn rui mè, kèo cột là cái gì?

A: Bạn thật là ngây thơ quá, đó là cái sườn của căn nhà ngũ uẩn, là những phiền não ô nhiễm như tham (lobha) sân (dosa) si (moha), hoài nghi (vicikiccha), ngã mạn (mana), tà kiến (ditthi), phóng dật (uddhacca), v.v… đó chứ gì nữa!

B: Còn “cây đòn dông” chịu đựng cái sườn nhà cho cái nhà khỏi sập là vô minh, vì vậy muốn phá sập căn nhà như đức Phật đã làm, phải diệt hết các vật liệu để anh thợ làm nhà không còn cách nào mà làm nhà được nữa!

C: Hiểu rồi! Nghĩa là sườn và đòn dông là vô minh và phiền não, đâu có đáng cho ta ham muốn, có cái gì đâu mà bám víu, nên giật sập là phải rồi! ☺☺!!

A: Như vậy, chúng ta thấy việc ôn lại “thời khóa biểu” của đức Thế Tôn trong những tuần lễ sau ngày Thành đạo đã cho chúng ta một “lô” những bài học thật hay, thâm thúy… đáng cho chúng ta suy gẫm phải không các bạn? Vậy chúng ta tạm chấm dứt buổi nói chuyện ngang đây nha! Happy New Year! Chào tạm biệt!

B và C: Tạm biệt, Happy New Year!■


[1]. Thiện Nhật dịch, “Tìm hiểu và học tập Kinh Pháp Cú”.

Bạn Có Thể Chưa Đọc...