TÂM NGHĨA sưu tầm
CUỘC TỰ-THIÊU CỦA THIỀN-SƯ TRUNG-ĐÌNH TẠI CHÙA THIÊN-MỤ.
(Dưới thời Chúa Nguyễn-Phúc-Thuần)
Võ-Vương Nguyẽn-Phúc-Khoát mất, trong phủ Chúa ở Phú-Xuân liền xãy ra sự tranh giành quyền-vị vốn đã âm-ỉ từ trước, Trương-phúc-Loan chuyên-quyền, lại được bà Nguyễn-thị Ngọc-Cầu mẹ của Nguyễn-Phúc-Thuần rất tin cẫn, nên Trương-phúc-Loan và bè đãng đã âm-mưu truất-phế Nguyễn Phúc-Côn là con thứ 2 của Võ-Vương đễ lập Phúc-Thuần là con thứ 16 cùng cha nhưng khác Mẹ, mới được 12 tuổi lên thay. Nguyễn Phúc-Thuần là 1 kẻ bất tài và bất-lực “tuổi trẻ thích chơi bời múa hát, có bệnh không gần đàn bà được, sai người con hát dâm loạn với cung-nữ để làm vui, chuyên dùng Trương-phúc-Loan, tôn làm Quốc-phó, Phúc-Loan bán quan, buôn ngục, hình phạt và thuế khóa nặng nề…” ( Trích Sách của Lê-Quý-Đôn, Sđd,trang 71).
Ở ngoài dân-gian thì lúc bấy giờ Thuận-hóa lâm vào nạn mất mùa, đói kém luôn mấy năm, lại phải đánh trận, bắt lính không thôi, quân và dân bất bình, sùng sục chỉ mong làm loạn.
Xã-hội đã loạn lạc, kinh-tế, văn-hóa và tín-ngưỡng đi sâu vào sự suy đồi. Tuy nhiên trong thời đại này có một sự-kiện của Tín-ngưỡng đạo Phật xãy ra, đã quần-chúng-hóa chùa Thiên-Mụ: Đó là cuộc HỎA-THIÊU của Thiền-sư “Trung-Đình”. Không biết Thiền-sư là người ở đâu và tên gì. Chỉ vì Ngài thường-trú trong các Ngôi-Đình-Làng, nên người ta gọi Ngài là Trung-Đình Hòa-Thượng. Ngài tu theo hạnh Đầu-đà, thường đi khất-thực lang-thang ở các làng, lúc nào trên mình Ngài cũng đeo 3 cái bị:1 cái để đựng đồ ăn-mặn do người ta cúng-dường, Ngài nhận để cho lại người Nghèo, 1 cái để đựng đồ ăn chay phần Ngài dùng, còn 1 cái to nhất thì khi đến đâu, về đêm Ngài treo lên mái Đình làng để ngồi trong đó. Đêm đêm trì-tụng kinh-điển, ngày ngày lang-thang đi xin ăn, áo quần không cần-thiết, chỉ đóng khố, tóc để bù-xù, trẻ con trông thấy là sợ hãi. Dân vùng Thuận-Hóa thường diễn tả Ngài qua 3 tiếng “Ông Ba Bị”, có nơi gọi Ngài là “Ông Ba Hịm”. Nhưng có ai biết trong cái hình dung kỳ lạ, cỗ quái như thế mà Ngài đã Ngộ-Đạo! Ngài đã xin Chúa Nguyễn-Phúc-Thuần cho lập Hỏa-đàn ở chùa Linh-Mụ, và xin bố-cáo cho nhân-dân biết để đến dự cuộc Hỏa-Thiêu của Ngài. Tương-truyền khi mọi người xin Ngài “lưu-lại” cho một chút thi-thể, Ngài đưa lên 1 ngón tay. Lúc đốt lửa bốc mạnh thành gió đẩy lệch chiếc mũ Quan-Âm của Ngài đang đội, trong lửa đỏ rần-rật, Thiền-sư đã lấy tay sửa mũ lại cho ngay ngắn như củ, miệng vẫn tụng niệm. Người đi dự đông như kiến cỏ, tranh nhau lấy trầm-hương ném vào Hỏa-đàn. Thiêu xong, quả nhiên có 1 ngón tay không cháy. Người ta thu lượm tro và ngón tay còn lại đem xây Tháp thờ bên triền núi phía Tây chùa Thiên-mụ ( Đoạn này viết theo tài-liệu của Thượng-Tọa Thích-Mật-Thể, “Việt-nam Phật-Giáo Sữ-lược”, trang 207-208, Minh-Đức tái bản, Đà nẵng, 1960). Tháp này hiện nay vẫn còn tại chỗ củ, tục gọi là “Tháp Ba Bị”, Tháp vuông cao độ 1m, bốn mặt đều khắc chú phù, trên chóp là hoa-sen nở. Tháp vẫn ở phía Tây, ngoài vòng chùa hiện nay.
Thời bấy giờ trong giới Phật-giáo Thuận-Hóa, có Ngài Pháp-Vân Hòa-thượng đã làm 1 bài thơ tặng Thiền-Sư Trung-Đình nói về cuộc Hỏa-thiêu của Ngài (Theo sách của Thượng-Tọa Thích Mật-Thễ đã dẫn ở trên). Có lẽ cuộc Hỏa-thiêu này là một cách Hóa-Đạo của Thiền-sư để Nhân-Dân-Hóa ngôi chùa Thiên-Mụ chăng? Nếu không có sự-kiện này thì Nhân-dân thành Phú-Xuân ít ai có thể đến chùa Linh-Mụ được, vì đó là Ngôi Chùa của Cung-Đình từ xưa đến thời bây giờ (nơi thờ các Bài-vị của giòng Họ chúa Nguyễn).
Nhưng rồi cái đến nó phải đến, thế lực của Nguyễn-Phúc-Thuần càng ngày càng yếu. Năm Quý-tỵ (1773) ở thôn Tây-Sơn, huyện Phù-Ly, tỉnh Bình-Định, Nguyễn-Nhạc khởi nghĩa, lấy dân làm binh, đánh chiếm thành Quy-nhơn và Quãng-Ngãi: “Phúc-Thuần sai quân đi đánh thì thua ngay “từ đó Quân của Nguyễn Phúc-Thuần cứ nghe tin quân Tây-Sơn là vỡ chạy, không có ai dám đối địch, từ Ải-Vân trở vào Nam, lực-lượng Tây-Sơn chiếm hết, trong cỏi náo động…” (Trích Sách Lê-quý-Đôn trang 71).
Tại kinh thành Phú-Xuân, Trương-Phúc-Loan đã chuyên-quyền trên 30 năm, tham-lam tàn-nhẫn, giết hại nhiều người, lấy của Công và của Dân làm của riêng, giàu vô kể: “Một năm từng gặp lụt mùa Thu, những rương hòm ở vườn Phấn-Dương bị ướt, phơi vàng đầy chiếu, mây sáng chói cả sân” (Trích sách Lê-quý-Đôn, trang 336).
Vào đầu tháng Chạp năm Giáp Ngọ ( 1774-1775) Quân lính của tướng nhà Trịnh miền Bắc Việt-nam là Hoàng-Ngũ-Phúc đã tiến chiếm kinh-thành Phú-Xuân (Huế) vào một ngày gần Tết Nguyên-Đán năm Ất-mùi ( 1775). Trương-Phúc-Loan bị bắt và Nguyễn-Phúc-Thuần chạy thoát vào Nam (nam Việt-nam)./.