PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 21 : CÕI VĨNH HẰNG

TÂM MINH


Cõi vĩnh hằng

Mấy hôm nay trời Houston thật đẹp, được mấy đài phát thanh khen là Houston có “nắng vàng rực rỡ”; lòng người có thể vì vậy mà trở nên vui vẻ cởi mở hơn hay không?

Vừa đi dạo về, cả nhà đi vắng hết, tôi đang nghĩ đến một buổi sáng hoàn toàn độc lập tự do thì chuông cửa vang lên, nhìn ra thấy có ba người Việt nam, một người phụ nữ trung niên, một thanh niên và một thiếu nữ trẻ đẹp; không hiểu sao, tôi tự nhiên mở cửa mời họ vào nhà, như đã quen biết nhau từ trước! (Ở đây, người ta có thói quen không bao giờ mở cửa cho người lạ nhất là khi mình ở nhà có một mình. Đã nhiều lần có những “phái đoàn” người Mỹ, người Mễ, người Philippines, v.v… đến đây, nhưng tôi không bao giờ mời vào nhà khi biết mục đích của họ là truyền giáo, thì chỉ cần nhỏ nhẹ “I’m Buddhist” là họ đưa tặng mình vài cuốn sách nhỏ gọi là để cho mình “làm quen” với tôn giáo của họ rồi chào từ giã thôi) Lần này tôi chưa biết họ là ai, đến nhà có việc gì, tưởng là nhân viên của Cộng đồng đến nhắc đi bỏ phiếu (vote), v.v… Cho đến khi họ nhập đề, “Hôm nay là mùa Thanksgiving, chúng tôi ở hội Thánh Tin Lành, v.v…” thì tôi mới “euréka” ra cũng là mục đích truyền giáo. Nhưng đã lỡ rồi, tôi vẫn mời khách ngồi nói chuyện và uống nước trà.

Sau khi cô ta tự giới thiệu tên mình là L, người phụ nữ là H và anh thanh niên là N – con trai của chị H và tôi cũng tự giới thiệu tên mình là TN, cô L mở đầu câu chuyện “thuyết giảng” trước.

L: Chắc cô TN cũng có nghe về Chúa Trời rồi chứ? Hôm nay là mùa Lễ Tạ Ơn, chúng ta tạ ơn nước Mỹ đã cho chúng ta tạm dung, và người Mỹ thì tạ ơn Chúa… con muốn đến để giúp cô rước Chúa vào lòng.

TN: Mình chưa hiểu quý vị đây muốn nói gì? Chúa là Chúa Jesus Christ có phải không? Mình nghĩ hầu như ai cũng biết ngài chứ, qua sách vở và Thánh kinh, v.v…

H: Ồ chị TN cũng có biết Thánh kinh hả? Thế thì hay quá rồi, hôm nay chúng tôi có ý định đến thăm chị và gia đình cũng như giới thiệu Chúa đến với chị và gia đình chị.

TN: Mình cũng như mọi người đều biết, ngay các em nhỏ đi học Mẫu giáo cũng đã biết đến God rồi, nhưng đức tin của mình lại không đặt vào God mà đặt vào đức Phật vì tôn giáo của mình không phải là Thiên Chúa giáo, Tin Lành hay Hồi giáo mà là Phật giáo.

L: Lúc trước con cũng như cô TN, cũng đi Chùa, niệm Phật, nhưng con không thấy được cái gì hay cả, không thấy được hạnh phúc như khi biết được Chúa, được rước Chúa vào lòng nên hôm nay con muốn chia sẻ với cô niềm hạnh phúc đó.

TN: Đó là tại vì em không tìm hiểu sâu, nên không biết niệm Phật để làm gì, đi Chùa để làm gì, ý nghĩa quy y là gì, ý nghĩa sám hối là gì, v.v… còn mình cũng có Phật ở trong lòng nên mình thấy an lạc, hạnh phúc lắm.

L: Đó, cô nói sám hối, con cũng biết nhưng sám hối đâu có hết tội, đâu có ai giúp cho mình sạch tội? Còn Chúa chịu chết trên cây thánh giá để chịu tội thay cho con người, cô có biết điều đó không?

TN: Có, cô có nghe nói điều đó nhưng cô nghĩ tội ai làm phải tự mình gánh lấy, đâu có ai rửa cho ai được? Những tòa án thế gian mà còn phải giữ quy luật công bằng đó, làm sao tòa án của Chúa lại bất công như vậy?

H: Không phải là bất công mà là Chúa tha tội, Chúa nhân từ lắm, bác ái lắm, Chúa tha tội cho chị và rước chị vào cõi vĩnh hằng. Sau khi chết con người có hai con đường để đi một là thiên đường, hai là địa ngục; nếu chị theo Chúa, chị sẽ được rước lên Thiên Đường, ngược lại chị phải rơi vào hỏa ngục. Chị có tin con người khi chết là hết hay không?

TN: Dạ không, trong tín ngưỡng của mình, dòng sống của con người không phải bắt đầu từ khi lọt lòng mẹ và kết thúc khi trút hơi thở cuối cùng mà còn tái sinh luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp trước và sau nữa. Sự tái sinh này không do Trời, Chúa hay Phật định đoạt mà do chính những hành vi thiện hay bất thiện của mình.

L: Như vậy, làm sao cô bảo đảm là cô không làm ác? Làm sao cô biết chắc cô luôn làm thiện?

TN: Đâu có, cô chỉ nói là làm ác thì sẽ tái sinh vào đường ác, chịu đau khổ; còn làm thiện sẽ sinh vào những cõi thiện lành, an vui, v.v… Cô theo Phật là nghe theo lời Phật dạy, để làm lành tránh dữ chứ không phải để được Phật bao che cho những việc ác của mình; nếu cô làm ác, cô vẫn phải đọa địa ngục cho dù cô là Phật tử.

L: Nếu cô muốn mình luôn luôn làm điều lành thì trước hết cô phải rước Chúa vào lòng, Chúa mới bảo vệ cô, giúp đỡ cô nghĩa là phù hộ cho cô làm lành tránh dữ chứ một mình mình thì không ai làm nổi đâu!

TN: Trong truyền thống tín ngưỡng của cô (là Phật giáo) cũng có cầu nguyện, xin được phò hộ, xin được tiếp sức, để mình siêng năng làm lành tránh ác, giữ lòng lương thiện, nghĩa là cầu những vị Bồ-tát như đức Quán Thế Âm chẳng hạn, cũng như em cầu Chúa của em vậy đó. Trong suy nghĩ của cô, và như em nói là God chịu bị đóng đinh để chuộc tội cho con người thì God cũng là một vị Bồ-tát. Cô cũng được biết qua những truyện kể về những vị Bồ-tát cho con mắt của họ hay cho cả mạng sống của họ nữa.

H: Bên Phật giáo có cõi vĩnh hằng không?

TN: Phật giáo thấy rằng không có cái gì gọi là “vĩnh hằng” cả – nếu dịch chữ vĩnh hằng là “permanent” hay “eternal” vì mọi sự vật hiện tượng trên đời này đều vô thường (impermanent) có đó rồi mất đó, ngay quả đất chúng ta ở cũng đang biến đổi từng giây từng phút và tâm tư tình cảm của chúng ta cũng vậy, đâu có cái gì là “vĩnh hằng”. Tuy nhiên, Phật giáo cũng có nói đến cõi Cực Lạc.

H: Cõi Cực Lạc có phải là Thiên đàng của Phật giáo không?

TN: Dạ, không phải; cõi Cực Lạc dành cho những người niệm Phật rất chuyên chú nghĩa là vừa chuyên cần, miệt mài niệm Phật, vừa chú ý không xao lãng, không để cho một ý nghĩ nào chen vào ngoài việc niệm Phật; nếu được như vậy, sau khi chết sẽ được sinh về cõi Cực Lạc.

H: Cảm ơn chị TN đã cho nghe những điều này và đã mở cửa cho chúng tôi vào, cho uống nước trà, v.v…

L: Như vậy là cô TN chưa sẵn sàng để rước Chúa vào lòng; con tưởng nếu Cô đã sẵn sàng thì bắt đầu hôm nay tất cả chúng con cầu nguyện cho cô; nếu cô có gì thắc mắc cô cứ hỏi, và con có thể đem sách đến cho cô đọc và nghiên cứu nữa.

TN: Mỗi ngày cô đều lễ Phật mỗi buổi sáng và cuối buổi lễ Phật đều cầu an lành cho mọi người và mọi loài nữa (theo truyền thống Phật giáo, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc). Cảm ơn L, nhưng những cái đó để dành cho những người chưa có đức tin tôn giáo nào hết. Còn cô, cô đã có đức tin và cô không thay đổi đức tin của mình; tuy nhiên, cô không phê phán tôn giáo nào cả, mỗi người đều có tự do tín ngưỡng mà!

L: Nhưng nếu họ tin sai thì cô nghĩ mình có phải sửa đổi lại cho họ không?

TN: Cô không nghĩ như vậy. Cô chỉ biết phần mình là tin thì phải hiểu, còn đối với người khác, mình không dám nói với họ là họ tin sai đâu. Thậm chí chúng ta đều nghe những người khủng bố thuộc đạo Hồi bảo rằng God của họ phù hộ cho họ giết những người theo Ky tô giáo nữa. Cô cũng không lên tiếng chê bai phê phán hay khuyên họ theo đạo Phật chẳng hạn vì cô biết rất khó để thuyết phục một người bỏ Đạo của mình theo đạo mới. Cô lại không có khả năng và điều kiện để làm điều đó nên đành giữ im lặng thôi!☺☺!!

H: Chị TN này, chị có thể cho biết tại sao Phật giáo tin rằng con người ta bị điều khiển bởi cái nghiệp? Cái nghiệp này do ai đặt ra?

TN: Dạ, điều này mình đã có nói hồi nãy rồi. Nghiệp là những hành vi của mình, những lời nói và ý nghĩ; nếu mình nói năng và hành động do chủ ý tốt thì đó là mình đã tạo ra những nghiệp thiện, nếu nói năng hành động có ý hại người thì đó là ác nghiệp, sẽ dẫn mình đến những cõi ác… Đó là mình chỉ nói sơ, chứ giáo lý về nghiệp thì không thể nói hết được vì sách vở viết về nghiệp rất nhiều.

L: Con cũng hiểu như vậy, nhưng nếu mình không có Chúa trong lòng thì mình sẽ không làm nổi đâu.

TN: Cô nghĩ rằng nếu câu nói đó của em mà đổi lại một chút thì logic hơn: khi em suy nghĩ, nói năng và hành động tốt đẹp thì đó là em đã có Chúa ở trong lòng (cô thì có Phật ở trong lòng) còn nếu chúng ta luôn làm ác để hại người thì ta chỉ có Satan hay Ma vương trong lòng chứ không có Chúa và không thể rước Chúa vào lòng được.

L: Dạ không phải đâu cô, Chúa rất nhân từ thương chúng ta như người mẹ thương đứa con một của mình, không phân biệt người tốt hay người xấu, người lành hay người dữ, Chúa đều đón nhận, ôm vào lòng hết.

H: Cho nên Chúa đã sai đứa con trai duy nhất của mình đến thế gian để chịu chết thay cho con người đó!

TN: Mình thấy câu chuyện đã trở lại như ban đầu, nghĩa là không có kết thúc nên có lẽ mình không nên giữ các vị ở đây lâu, để các vị còn đi đến nhiều nhà khác.

Nhận được tín hiệu “tiễn khách” của tôi nên ba người khách mới quen đứng lên cáo từ ra về, chúc Happy Thanksgiving và hẹn gặp lại (chắc là Christmas họ sẽ trở lại chăng?). Đóng cửa xong, tôi chợt nhớ lại là chàng thanh niên từ đầu đến cuối không hề nói một tiếng nào. Cũng thật là hay! Chỉ gật đầu chào hai lần, khi bước vào nhà và khi ra khỏi nhà, nên không biết anh ta nói tiếng gì. Chắc khi về nhà anh ta sẽ nói với mẹ “đàn bà thật lắm lời, nghe ba người thay phiên nhau nói, con buồn ngủ quá chừng!” ☺☺

Nhân ngày vía đức Phật A-di-đà tháng 11 AL sắp đến, TM xin kể lại câu chuyện rất bình thường nhưng vẫn có cái cho mình suy gẫm. Công tác hoằng pháp của người Phật tử e không mạnh và sâu rộng bằng của người theo Tin Lành hay Thiên Chúa giáo vì họ chịu khó đi đến từng nhà để giảng đạo (Tây phương cũng vậy mà Á Đông cũng vậy). Ở những nước kém mở mang và nghèo đói, những người truyền giáo này còn cho tiền bạc, lúa gạo, nghĩa là cứu đói cứu nghèo kèm theo việc rao giảng đạo. Riêng TM đây là lần đầu tiên thật sự “đón tiếp” họ, mặc dù trong bà con, bạn bè, học trò cũ, v.v… có rất nhiều người làm công tác này, nhưng chưa bao giờ những người quen ấy tìm cách rủ mình “rước Chúa vào lòng” cả.

Tháng 11 dương lịch là mùa Thanksgiving ở Mỹ, Canada… đối với người Phật tử không chỉ có một ngày lễ tạ ơn hay một mùa lễ tạ ơn trong một năm mà ngày nào chúng ta cũng phải nhớ ơn và tạ ơn cả, đó là Tứ Ân mà chúng ta đã học và đã dạy các em của mình: ân Cha Mẹ, ân Thầy bạn, ân Xã hội và ân Tam bảo và ân muôn loài chúng sanh. Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới tương sinh, tương tức, tương quan, tương duyên, nghĩa là trùng trùng duyên khởi, không ai có thể sống độc lập; và khi đã có tương quan thì không khỏi có “ân oán” qua lại. Nếu tâm ta rộng lớn, biết xả bỏ oán hận và tràn đầy lòng biết ơn thì ba độc tham sân si cũng khó đột nhập; cho nên thực tập lòng biết ơn cũng là một pháp môn tu. Hằng ngày, chúng ta có không biết bao nhiêu dịp để tỏ lòng biết ơn: đi đứng, nằm ngồi, ăn cơm, uống nước, đi làm, đi dạo chơi, đi shopping, đi ngủ, thức dậy, v.v… nếu nhìn sâu vào ta đều thấy tràn ngập ơn của mọi người mà ta đang thừa hưởng; cho nên nói rằng Thanks giving Day không chỉ một ngày, một mùa mà là everyday đối với người con Phật, gần hơn, với người Huynh trưởng GĐPT là vì vậy, đức Phật dạy “tất cả chúng sanh đều là cha mẹ trong bảy đời của chúng ta” – thật là chí lý! Vì lòng biết ơn luôn kèm theo những tư tưởng tích cực, những niềm vui trong sáng với trí tuệ và đức tin vững chắc vào cái đẹp, cái lành.■

Bạn Có Thể Chưa Đọc...