PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 20: HÒA BÌNH VÀ PHẬT PHÁP
TÂM MINH
Hòa bình và Phật pháp
Kính thưa quí vị và các bạn,
Chúng ta đã từng nghe nói “Đạo Phật là Đạo Hòa Bình” nhưng muốn có hòa bình thì không thể chỉ có một người hay một phía mà được, vì “một con én không thể làm nên mùa xuân”. Thật vậy, ngay trong đời sống hằng ngày, lấy một ví dụ rất nhỏ như khi chúng ta quan sát hai người nói chuyện với nhau chẳng hạn, nếu người nói có thái độ hòa nhã, chân thành, tình cảm thì người nghe sẽ thấy thích và cuộc đối thoại trở nên vui vẻ nhẹ nhàng; ngược lại, nếu người nói có thái độ cộc cằn, lạnh lùng hay thô lỗ… tức khắc người nghe sẽ phản ứng lại bằng cách muốn chấm dứt câu chuyện càng sớm càng tốt!☺☺!! Hòa bình hay chiến tranh chính là không khí của cuộc đối thoại, nhỏ như giữa hai người, lớn hơn như giữa hai phe nhóm, lớn nữa như giữa hai quốc gia…
Như vậy, chúng ta đã hiểu tại sao người ta nói rằng “đạo Phật là đạo hòa bình” chưa? – Xin thưa, đó là vì đạo Phật dạy người Phật tử Từ bi (và Trí tuệ) – Thế nhưng đâu phải người Phật tử nào cũng có từ bi và trí tuệ? Đúng vậy! Ví dụ như Đề-bà-đạt-đa vừa là đệ tử Phật, vừa là em họ của Ngài nhưng đã ba lần bảy lượt mưu hại đức Thế Tôn. Vì vậy, chúng ta phải nói rằng: Phật giáo đã đóng góp rất nhiều cho hòa bình thế giới vì nền giáo dục Phật giáo được đặt trên căn bản Từ bi – tình thương vô điều kiện.
Vấn đề này cũng là vấn đề mà những người huynh trưởng GĐPT thường suy ngẫm để giáo dục đàn em của mình trở nên người Phật tử chân chính, trước hết và trên hết là giáo dục các em huân tập lòng từ bi bằng những việc thiện hằng ngày “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ.” Để đi vào chi tiết sự hướng dẫn các em làm thế nào để hiểu biết nhu cầu của tất cả mọi người, mọi loài là tình thương, cách phát khởi và phát triển tình thương (lòng từ bi), v.v… Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi sau đây giữa các huynh trưởng trẻ quen thuộc của chúng ta A,B,C.
A: Hôm nay chúng ta nói về nền hòa bình thế giới? Đề tài gì mà to tát quá vậy hở các bạn?
B: Đâu có! Chúng ta chỉ nói về sự đóng góp của Phật giáo vào nền hòa bình của nhân loại mà thôi!
C: Mình nghĩ rằng đề tài sẽ được hạn chế để thiết thực hơn, đó là nói chúng ta đã dạy và còn phải dạy các em của chúng ta những gì (về Phật pháp và các sinh hoạt thường ngày) để đem đạo Phật vào Đời, đem tình thương để xoa dịu những nỗi đau của những người quanh mình.
A: Đúng vậy, những buổi nói chuyện của anh chị em chúng ta bao giờ cũng “tản mạn” đủ thứ khó mà tập trung vào một vấn đề lớn! Ở đây, mình xin bắt đầu bằng “mục đích cuộc sống” đơn giản mà chúng mình đã dạy các em nha! Đó là “Tất cả mọi người, ai cũng muốn hạnh phúc và sợ đau khổ”.
B: Chúng mình còn dạy cho các em rằng: khi chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì bản thân mình càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.
C: Phải rồi, ví dụ, mỗi tháng chúng ta tổ chức sinh nhật chung cho các em, tập cho các em biết vui chung, tặng quà, viết lời chúc mừng… và các em cũng công nhận rằng sinh nhật ở Đoàn còn vui hơn sinh nhật ở nhà nữa (có nhiều em không được tổ chức sinh nhật ở nhà càng cảm thấy vui hơn vì được anh chị trưởng và các bạn nhớ đến sinh nhật của mình).
A: Chúng ta còn cho các em tập ghi sổ Việc Thiện “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” – khi làm được những việc như thế đối với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, người nghèo đói, người đau khổ đang khóc v.v… các em sẽ ghi vào Sổ Việc Thiện hay Sổ Hạnh cùng với cảm tưởng của mình – Có em nói rằng mình (người cho) cũng hạnh phúc, có khi hạnh phúc hơn “người nhận” (người được mình “cho”) nữa.
B: Chúng ta cũng tập cho các em “bỏ ống”, nghĩa là phát cho các em những “con heo” để các em bỏ tiền vào đó, tiền ăn quà, tiền đi shopping, mà các em tiết kiệm được để đến mùa Vu lan, Phật đản, Tết, hè, v.v… có thể gởi về cho các bạn ở Việt Nam bị khuyết tật hay bệnh hoạn, những bạn nhà nghèo không có tiền mua sách vở học, hay không có tiền may đồng phục GĐPT để đi sinh hoạt, v.v… Khi có bão lụt, tai nạn… chúng ta còn cho các em xuống đường lạc quyên, các em sẽ thấy mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng việc làm ý nghĩa của mình.
C: Các em sẽ thấy được một mình mình không làm được gì nhưng cả đơn vị, một số đông… có thể để dành được những số tiền lớn, có khả năng cứu đói hay cứu trợ bão lụt. Các em sẽ hiểu được sức mạnh của tình thương, của sự chia sẻ, một nhu cầu của tất cả mọi người cũng như mọi loài.
A: Đúng vậy, nhu cầu về tình thương đã có sẵn trong huyết quản của mỗi chúng ta; ngay cả loài vật cũng bị tình thương chi phối và cuốn hút một cách tự nhiên.
B: Chúng ta cũng kể cho các em nghe những chuyện cổ tích, những mẫu chuyện đạo, chuyện tiền thân, ví dụ như Lòng Hiếu của chim Oanh vũ, Tình mẫu tử của loài vật, Con Sư tử trọng pháp, Con Voi hiếu nghĩa, chuyện Thạch Sanh, Cô bé Lọ Lem, Tấm Cám, v.v… để các em thấy tình thương chiếm vị trí quan trọng nhất dù đối với loài người hay loài vật, và không có tặng phẩm vật chất nào trên thế gian sánh được với tình thương. Cảm nhận được yêu thương là món quà quí giá nhất trên đời.
C: Thật vậy, từ lúc sơ sinh cho đến 3,4 tuổi, em bé rất cần đến những cử chỉ yêu thương, chăm sóc, sự vuốt ve âu yếm của bà mẹ thì trí não mới phát triển tốt được; nếu thiếu đi những điều này, não bộ của em bé có thể bị tổn thương hoặc không hoàn hảo được.
A: Còn nữa, nếu trong lúc cho con bú mà bà mẹ nổi giận hay buồn phiền chẳng hạn thì dòng sữa mẹ đối với em bé cũng không còn ngon ngọt tươi mát nữa.
B: Phải rồi, đừng nói là trẻ em, ngay cả người lớn cũng vậy! Nếu một bệnh nhân được một bác sĩ có tấm lòng nhân hậu, tận tụy chăm sóc và hết lòng mong cho bệnh nhân chóng bình phục thì bệnh nhân ấy sẽ an tâm, phấn khởi và sẽ được bình phục sớm hơn dự tính. Đó là phương pháp chữa trị có hiệu quả nhất, cho dù kỹ thuật không được cao. Ngược lại, nếu vị bác sĩ thiếu nhiệt tình, nóng nảy, không quan tâm đến bệnh nhân thì người bệnh sẽ lo lắng, buồn rầu, tủi thân… nên cho dù với kỹ thuật cao, bệnh nhân này cũng khó bình phục sớm.
C: Cho nên chúng ta còn dạy các em làm thế nào để phát triển lòng từ bi nữa, nói đúng hơn là phát triển tâm Từ (tình thương vô điều kiện – unconditional Love).
A: Đúng vậy, đạo Phật nói chung, GĐPT nói riêng, dạy về tình thương có khác ngoài đời một chút; đó là “vô điều kiện”, vì sao? – Xin thưa là vì hầu hết tình thương/tình yêu trên thế gian này đều là thứ tình “có điều kiện” cả! Ngay cả tình yêu nước, yêu quê hương, v.v… cũng vậy! Tôi yêu nước tôi, yêu dân tộc tôi, yêu quê hương tôi, v.v… cái gì cũng phải có “của tôi” mới yêu, còn của người khác, nước khác thì phải coi lại đã!! Có khi không yêu còn “thù” nữa! ☺☺ !!
B: Đúng đó! Cả tình mẫu tử, tình phụ tử… cũng có khi có điều kiện luôn! Các bạn có tin không? Thật vậy, thường chúng ta nghĩ rằng cha mẹ thương con bằng tình thương vô điều kiện nhưng không phải luôn luôn vậy đâu! Ngày xưa thì:
“…phụ xử tử vong,
tử bất vong bất hiếu”
(Cha bảo con chết mà con không chết là con bất hiếu).
Như vậy thì người cha này có yêu con vô điều kiện không? – Nếu yêu con thì sao lại bảo con mình đi chết được? Lại còn kèm theo “không chết là bất hiếu” nữa! Ngày nay thì cha mẹ có thể từ con vì nó không nghe theo mình, không đi theo con đường của mình hay vì nó làm mất danh dự mình, v.v…
C: Vì vậy, điều mình muốn huân tập vào trong lòng các em của mình là chia sẻ nỗi buồn, “khóc với người đang khóc” không phân biệt người đang khóc đó là dễ thương hay không dễ thương.
A: Muốn phát triển tâm Từ chúng ta cần có thời gian và chịu kiên nhẫn; chúng ta phải tập “quán chiếu” sự bình đẳng giữa mọi người: ai cũng muốn được hạnh phúc và sợ đau khổ, ai cũng muốn được thuận lợi, dễ dàng và sợ khó khăn trở ngại… từ đó tâm vị tha của ta càng ngày càng lớn, ta thấy gần gũi với mọi người hơn.
B: Đúng vậy, đối nghịch với tâm Từ là tâm giận dữ, ích kỷ, thù hận. Chúng ta cần phải dẹp bỏ ích kỷ, thù hận, ganh ghét mới có thể thực tập được thương yêu, vì thương yêu là bao dung, tha thứ, hoan hỷ…
C: Tâm từ không chỉ dừng lại nơi con người mà phải rải đến tận loài vật, cỏ cây hoa lá. Thật vậy, bảo vệ môi trường cũng là một cách thực tập tâm Từ; không làm ô nhiễm môi trường, không đốn cây, phá rừng bừa bãi… đều là những hình thức rải tâm Từ đến cây cỏ, thiên nhiên; ở thời đại chúng ta đã có những tiếng kêu cứu bảo vệ môi trường, bảo vệ “Mẹ Đất”.
A: Nếu các em của chúng ta được nhắc nhở từ nhỏ thì sẽ huân tập được tình yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây hoa lá, từ đó yêu loài vật, yêu con người rất dễ dàng. Những ai được yêu thương sẽ dễ dàng yêu thương người khác. Chúng ta, những người anh, người chị yêu thương, săn sóc đàn em của mình, không cần ai trả lương… đó là bài học sống động để cho các em, đến phiên mình, sẽ tự động yêu thương, chăm sóc cho các em nhỏ hơn; đó chính là ý nghĩa chân thật của hai chữ “Gia Đình” trong GĐPT.
B: Phải rồi! Bằng cách phát triển tâm vị tha như vậy, chúng ta sẽ phát triển tinh thần trách nhiệm đối với người khác, với mong ước giúp họ vượt qua khó khăn, phiền não, lo âu… không phân biệt thân sơ, tốt xấu; đó chính là tình thương vô điều kiện của đạo Phật.
C: Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần có nhiều bạn và không nên có “kẻ thù” – tôi định nghĩa “kẻ thù” là những ai gây khó khăn, trở ngại cho chúng ta về cả tinh thần lẫn vật chất.
A: Tôi thì lại thấy ngược lại, bạn có nghe nói “Ơn kẻ dữ chứ không ơn người hiền” hay không? Vì chính gặp khó khăn mình mới phát khởi lý trí và lòng kiên nhẫn để đối phó và chế ngự khó khăn.
B: Mình cũng đồng ý với bạn A vì Luận bảo vương tam muội cũng dạy rằng “Ở đời đừng cầu không khó khăn vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy” và “sự nghiệp đừng mong không bị chông gai vì không chông gai thì chí nguyện không kiên cường”. Như vậy, khó khăn và chướng ngại – những kẻ thù – giúp ta thêm khiêm tốn và kiên cường.
C: Mình xin nhắc lại, kẻ thù không phải là con người mà là cái tính xấu mà người ấy có; ví dụ anh Thanh có tính ích kỷ, ngã mạn thì mình ghét là ghét cái tính ngã mạn, ích kỷ đó chứ không phải ghét anh ấy, nói cách khác một khi anh ấy thay đổi tính nết thì anh ấy có thể là bạn thân của mình.
A: Như vậy bạn cũng ích kỷ rồi đấy nha! Bạn phải rải tâm Từ của bạn đến anh ấy để một ngày nào đó tình thương của bạn có thể chuyển hóa anh ấy chứ, đâu phải đợi anh ấy chuyển hóa rồi bạn mới chơi thân?
B: Đúng vậy, hồi nãy mình có nói đó, phát triển tâm Từ là đồng thời phát triển tinh thần trách nhiệm đối với tha nhân, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn (kể cả những tính xấu: ích kỷ, ngã mạn, cố chấp, v.v…)
C: Mình hiểu rồi! Cảm ơn các bạn đã soi sáng! Như vậy, đối với người Phật tử, tất cả mọi người đều là bạn, không có kẻ thù. Nói cách khác, lòng từ bi của Phật giáo rất cần cho cuộc sống con người, và do đó rất cần cho hòa bình của thế giới.
A: Đúng vậy, chúng ta đã nói về những đóng góp của nền giáo dục Phật giáo cho hòa bình nhân loại vì Phật pháp là liều thuốc chữa trị “tâm bệnh” và khi tâm bình thì thế giới bình mà, có phải không?
B: Phải rồi, nói tóm lại, người Phật tử tại gia như chúng ta, giữ gìn Năm giới để hoàn thành nhân cách tốt đẹp tức là đã góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh. Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều giữ Năm giới thì sẽ không còn trộm cắp, giết người, v.v… cũng không còn nước nào muốn xâm chiếm nước nào nữa, có phải không?
C: Cái này thì chưa chắc! Nói vậy mà không phải vậy đó nha!
A: Đúng thế! Phật giáo đóng góp cho hòa bình thế giới, có thể nói đây là Đạo của hòa bình, vì đạo này dạy người ta về Từ bi và Trí tuệ – hai yếu tố không thể nào gây ra chiến tranh, hiềm khích – nhưng con người có áp dụng Phật pháp vào cuộc sống hay không, đó mới là điều quan trọng.
B: Đúng, đúng, “với một chữ NẾU, người ta có thể để thành phố Paris vào trong một cái chai” rồi (Avec un SI on peut mettre Paris dans une bouteille).
C: Nói tóm lại, lòng từ bi làm cho chúng ta thấy mọi người đều là anh em và quả đất này là ngôi nhà chung của chúng ta.
A: Đúng vậy! Chúng ta có bổn phận phải bảo vệ ngôi nhà này bằng cách thực hành lòng từ bi để chuyển hóa vị kỷ thành vị tha, để trên hành tinh này không còn cảnh dối gạt nhau, lạm dụng lẫn nhau và mưu hại lẫn nhau.
B: Và chúng ta có được tấm lòng rộng mở để hiểu biết và yêu thương tất cả; được như vậy thì quả đất này sẽ là cực lạc quốc hay thiên đường hay gì đó, tùy ý bạn, nghĩa là một nơi lý tưởng, có hạnh phúc tuyệt đối… không cần đi đâu tìm nữa.
C: Tôi nghĩ rằng không cần phải là Phật tử hay không, nếu bạn thực hành tâm Từ, tâm Bi thì bạn đã có chiếc chìa khóa, đã bước vào một thế giới hạnh phúc, hòa bình, an lành.
A: Đúng vậy, đức Đạt-lai Lạt-ma, người được mệnh danh là “vị sứ giả của hòa bình” đã nói rằng: chúng ta không cần phải theo một tôn giáo nào, cũng không cần phải chạy theo một ý thức hệ nào; điều cần thiết là tất cả chúng ta phải tự phát triển nhân cách tốt đẹp của bản thân.
B: Mặc dù đề tài của chúng ta là Hòa bình và Phật giáo nhưng chúng ta đã bàn rộng ra rất nhiều phải không các bạn?
C: Tuy bàn rộng nhưng vẫn không lạc đề, chúng ta đã nói lên được những suy tư của chúng ta làm sao để dạy cho đàn em của chúng ta và bản thân chúng ta thực tập tâm Từ Bi để đem lại hòa bình, an lạc cho tâm mình và cho tất cả mọi người chung quanh mình.
A: Mình nghĩ buổi nói chuyện hôm nay đã tạm đủ, và rất lợi lạc; chúng mình dừng ở đây được chưa?
B và C: Được ! Được, tạm biệt!■
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)