MẬT NGHIÊM.
CÁI MỘT TRONG PHẬT GIÁO
Các bạn thân mến,
Bạn là người vừa đến tuổi Xuân mới bước vào Đời, hay đang đi nửa đoạn đường dài, hoặc đã bắt đầu chậm bước, cuối chiều xế bóng, chúng ta đều không khác nhau là cùng chung một đường đi và đích đến.
Đường đi là đường dài của một kiếp người. Còn đích đến là ngày lìa trần thế mà không một ai tránh khỏi, chỉ khác nhau là sớm muộn, trước sau. Nếu bạn là người có tín ngưỡng hay gởi mình nơi Đạo giáo, thì chỗ về có thể là Nước Chúa, Thiên Đàng hay Niết Bàn, Cực Lạc. Nhưng dù chỗ đến là nơi nào đi nữa thì cũng vẫn là chuyện sau khi rời bỏ cõi đời này, chuyện của niềm tin hơn là hiện thực.
Trở vể thực tại, con đường chúng ta đi vẫn là chuỗi ngày dài đầy thử thách, và chính những bài học “ Trường Đời “ nầy khiến chúng ta trưởng thành, chính chắn. Các tôn giáo thường chuẩn bị con đường cho các tín đồ để khi rời bỏ cõi này có nơi gởi gấm. Con đường đó là tìm cách trở về với Thượng Đế hay hiệp thông với Thiên Chúa để sau này được về bên các Ngài, sau khi bỏ xác chốn trần gian. Yoga có nghĩa là hợp nhất, hiệp nhất giữa Tiểu Ngã và Đại Ngã. Đạo Lão cũng tìm cách cho con người khế hợp với vũ trụ để được trường sanh bất tử, tùy theo tín ngưỡng , chúng ta có một nơi nào để nương tựa tinh thần. Chỗ tìm về của phần đông tôn giáo là về với “ ĐẤNG SINH RA TẤT CẢ”, có thể gọi bằng những tên khác nhau, tùy từng địa phương và dân tộc. Đó là “ hướng ngoại tìm cầu” có nghĩa là hướng về bên ngoài mà tìm tòi và cầu xin.
Đạo Phật khác hẳn với những tôn giáo khác, con đường cho người Phật tử đi, là giải thoát chính mình, không cầu xin ở một Thượng Đế hay thần linh nào khác. Đó là con đường “ hướng nội “, tức là tìm hiểu chính mình, để giải quyết vấn đề của con người và vũ trụ, vạn vật.
“CÁI MỘT” mà các tôn giáo tìm về để nương tựa là Thượng Đế, là Đấng sinh ra tất cả.
“ CÁI MỘT “ mà Đạo Phật tìm về là “ CON NGƯỜI”, con người sống đúng chân lý, mà chân lý là “ Lẽ Thật” của sự sống, chứ không phải chân lý là của một Đấng nào đặt ra, hay là chính Đấng đó. “ CON NGƯỜI “ chính là “ Thượng Đế ” của mình.
Trong Kinh Di Giáo Phật dạy : “ Này hởi A Nan! Con hãy lấy mình làm hòn đảo cho chính mình, hãy lấy mình làm nơi nương tựa cho mình, đừng tìm ở ai và nơi nào khác !”
Đó là con đưởng thực nghiệm của Phật Giáo, con đường giải quyết khổ đau trần thế cho con người, và cũng là con đường giải thoát chính mình để được tự do tuyệt đối. Đó là con đường đề cao phẩm giá con người, con đường tích cực vào đời và dựng xây xã hội với giới hạnh đủ đầy của người Phật tử.
Các bạn ạ, con đường đó chúng ta đang đi, con đường sáng lạng và rộng mở, được giáo pháp chỉ đường với Từ Bi và Trí Tuệ làm chất xúc tác và soi rọi cho ta. Tình thương là keo nhựa nối liền mọi người, trí sáng là ngọn đèn dẫn dắt ta trong đêm dài tối tăm của kiếp người vào cuộc sống. Và “ CÁI MỘT “ thực nghiệm, cái “ Con Người “ của Đạo Phật là con người rộng mở, con người tương quan, tương liên với mọi người và tương nhập, tương tức với vũ trụ và vạn vật. Nên, MỘT LÀ TẤT CẢ, chính là điểm đó mà tình yêu và trí sáng còn mãi mãi …
Chào các bạn, hẹn bạn thư sau.