TUỔI TRẺ VÀ THIỀN
ĐỒNG TRÚC
(Viết cho các Em Ngành Thanh Thiếu)
Nầy Em,
Như đã hẹn, nên không gì khác hơn, với niềm hy vọng, Em đang về đây để cùng tôi, xuống thuyền, qua bên kia, đi vào khu rừng vô tận, tìm một “mật thư”, Thiền là gì Em nhé ! …
Đây rồi !
Thiền là không tên ! Thật như vậy ! Vì không tên nên Thiền khó có một ai diễn tả được. Vì không tên, nên Thiền cũng không có kích thước, hay thời gian giới hạn. Nơi nào, bất cứ ở đâu đều có Thiền, vì ở đó, nhiều khi có, mà không thấy. Thiền nhiều khi ở trước mặt mà chẳng bao giờ chứng thấy được. Không có một từ ngữ khả dĩ nào diễn tả được về Thiền, nên như “miễn cưởng” gọi là Thiền . Do đó, khi đã mang tên Thiền, thì người ta bắt đầu đua nhau tìm hiểu, nghiên cứu và thực tập hay tu Thiền. Như vậy, Thiền là gì, sao có thể quan trọng như thế, còn được cho rằng, Thiền là huyết mạch của Đạo Phật xưa nay.
Nếu những ai thích hợp với môn tu Tịnh Độ, thì cho rằng Thiền là sáu chữ Di-Đà, Nam-Mô A-Di-Đà Phật, hay còn được gọi là Lục Tự Di-Đà, hay Thiền là sáu chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng, hay Lục Tự Đại Minh, v.v…
Đối với các Bậc xuất gia, Thiền là Từ-Bi Hỷ-Xả, hay Tứ Vô Lượng Tâm, v.v.. Còn đối với những ai như Em và tôi, Thiền là tấm gương sáng, hoàn toàn vong ngã, cẩn trọng trong lời nói, cảnh giác trong hành động, Thiền là không có tánh kiêu ngạo, khinh thị, chỉ trích, lăng mạ và làm khổ đau người khác. Đơn giản hơn, Thiền là ăn chay, niệm Phật, tụng Kinh, bái Sám, hay khác hơn Thiền là Thiền, là mây trắng lững lờ trên bầu trời xanh thẳm, Thiền là ánh sáng mặt trời, mặt trăng, Thiền là mây trôi dưới nước, là Xuân tươi – Hạ nóng -Thu vàng – Đông tàn , là hơi thở, Thiền cũng là nhịp điệu của cung đàn …, Thiền là như vậy đó Em ! Hay tóm lại, Thiền là không tên .
Nếu có những ai cố đi tìm cho một định nghĩa về Thiền, hoặc những lý thuyết về Thiền, hay một công án cho Thiền, thì sẽ vô cùng thất vọng ; vì lẽ không bao giờ tìm thấy được những điều như muốn. Nếu có chăng chỉ là những điều Đức Thích Tôn, hoặc Chư Tôn Thiền Đức, các Bậc trưởng tử của Ngài đã giảng dạy. Theo Đức Phật, Thiền là thực hành cho bằng được sự nhiếp tâm và giữ ý với lòng Từ Bi bao la . Chẳng hạn, khi rửa tay, biết mình đang rửa tay, đang rửa sạch những nhớp bụi của thế gian, nguyện cho tâm mình cũng được tẩy sạch và nguyện cho mọi người ai cũng được đôi bàn tay sạch như mình. Mời Em cùng tôi qua bài Kệ rửa tay :
-Lấy nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay sạch
Gìn giữ trái đất nầy.
Hay khác hơn nữa, nơi Em và tôi, ai cũng từng đi bộ rất nhiều, tuy nhiên tôi và Em, rất có nhiều lúc, vô tình hay ít khi nào để ý đến đôi chân mình đang chạm mặt đất với những bước chân đi. Vì thế, mình đã không, hoặc ít khi biết đến cái hạnh phúc đang có, với hai bàn chân mình đang chạm đất. Nghĩ, cũng tội nghiệp, khi mình đang đi với những bước chân hời hợt một cách vô hồn, ít hoặc không khi nào để ý đến những loài hoa Dị Thảo trên đường mình đi, thêm nữa, ít khi nào để ý đến đôi chân mình hãy còn chạm đất, hoặc giả, mình đang đi với từng hơi thở, như qua bài Kệ :
-Từng mỗi bước chân đi
Xin nguyện cho mọi người
Thoát vòng sanh tử khổ
Thọ nhận nhiều thiện Pháp
“Án Địa Lị Nhật Lị Sa Ha”
Với hiện tại, như Em và tôi, với bao nhiêu người khác, đang sống với cái “bị biết”, mà quên hẳn sự có mặt của chính mình. Bị biết, là biết cái này, biết cái kia, rồi, biết đủ thứ …
Thế nhưng, những cái gì đang biết, đang hiện hữu, như không bao giờ nhớ đến, hay biết đến, như đang rửa tay, hay như đang đi bộ. Chính đó, mới là nguồn sống, nếu không có, thì thân để sống nầy, không khác gì khúc gỗ ngoài kia … Cũng chính đó, là chỗ sống của Thiền, không ai có thể bắt chước được. Dù ai lanh lợi, nghe hiểu nhanh chóng, ấy cũng chỉ là hiểu về Thiền, chứ chưa phải chính bản thân Thiền. Nếu chỉ hài lòng với cái hiểu về Thiền, chẳng khác nào, như đang đứng ngoài cửa để nhìn Thiền mà chơi !
Nầy Em,
Thiền là một sức sống chân thật ngay tự tâm của mỗi người, không có ở đâu khác hơn ngoài chính mình. Vì vậy, Em cũng như tôi, hay những ai có tâm, đều có Thiền, không phân biệt Nam hay Nữ, trẻ hay già, màu da hay tôn giáo … Đây là một chân lý bình đẳng thật sự, không do ai đặt ra ! Chính vì Thiền có ở ngay tâm, nên muốn đạt được Thiền là phải tự mình thể nghiệm lấy, không thể tìm trong sách vở hay lý luận . Có cảm nghiệm lẽ thật của Thiền, mới vượt qua ranh giới lý luận hay ngôn ngữ, và một cái nhìn về Thiền cỡi mở, thông cảm hơn. Thưa Em ! Vì nơi Em và tôi và ai ai cũng có Thiền . Sau một đêm ngủ, sáng ngày, Em và tôi thức dậy, đón nhận thêm một ngày mới tinh khôi, mở mắt với tâm linh sáng ngời, thôi không còn đóng khung trong giấc ngủ, từ đó, mình thấy đâu đâu cũng có ánh sáng của Thiền, qua câu Kệ :
-Thức dậy miệng mĩm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Thật vậy ! Trong Kinh hay ngoài cảnh, hoặc trong cuộc sống hằng ngày, cũng đều không thiếu ánh sáng của Thiền. Cả đến, một việc tầm thường trong đời sống xã hội, Thiền cũng được sáng ngời, như qua bài Ca dao “Cậu” Bờm, trong nhân gian Việt, như ai cũng thường biết đến :
“Cậu” Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười !!!
Hì hì hì !!!
Nầy Em ! Ở đây, nếu nhìn về khái niệm xưa nay, thì đó là bài Ca dao trong văn học nhân gian Việt. Nhưng, nếu nhìn với con mắt Thiền, thì quả trong bài Ca dao đó, có đầy ánh sáng Thiền, thực tại sáng ngời !
Mời Em suy nghĩ cùng tôi, xem cậu Bờm kia, đang đói bụng, thích có nắm xôi, ăn liền, là xong ! Ấy, rất là Thiền ! Phải không Em ? Nếu Bờm ngồi đó đợi “ba bò chín trâu”, hay đợi đủ thứ …, thì chẳng những không được gì, mà còn mất luôn cái quạt mo nữa. Bởi lẽ, Phú ông kia đâu khùng điên gì, đổi cái quạt mo với “ba bò chín trâu”? Phú ông chỉ gạt cậu Bờm thôi Em ạ !
Cũng vậy, giả như Em và tôi cứ ngồi đây mơ tưởng xa vời, tìm tòi sách vở, lý luận đâu đâu, là đánh mất ánh sáng thực tại đang hiện hữu. Chỉ là, buông thả tất cả lăng xăng, vọng tưởng trong đầu óc, hãy sống ngay với thực tại, với nhiệm mầu “Bây giờ ! và ở đây” ! Không cần phải thêm bớt, hay suy nghĩ gì hơn nữa ! Thiền là như thế, vượt ra ngoài cái khung dính mắc đang có, sẵn có, rồi Em cùng tôi thênh thang trên đường Thiền vô ngại, không thời gian, không kích thước, không giới hạn, không đến, không đi, không mời, cũng không cầm giữ … Trở về với thực tại, mong tĩnh thức để tìm về với tự tánh của chính mình. Có được như vậy, không đợi gì Niết Bàn bên kia, mà hiện tại Em và tôi đang trực chỉ chân tâm rồi . Hiện tại, đã là một Niết Bàn, an nhiên và tự tại lắm vậy !
Đó là con đường khai phóng tâm linh của Thiền, là Thực tại ! Bây giờ ! Ở đây ! Hạnh phúc thật tuyệt vời !
Hẹn Em lần sau …
ĐTR-HC