PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 17: PHẬT HỌC VÀ KHOA HỌC

TÂM MINH

Bài số 17:

Phật học và khoa học

Kính thưa quý vị và các bạn,

Tuổi trẻ tượng trưng cho sự mới mẻ, sự tươi mát, sự tiến bộ… Những đặc tính này giống như khoa học với cuộc sống con người. Khoa học phát minh ra bánh xe, cuộc sống con người được nhẹ nhàng nhanh chóng; khoa học phát minh ra điện, cuộc sống có thêm nhiều tiện nghi; khoa học phát hiện ra những hạt vật chất: Nguyên tử, phân tử, proton, neutron, électron, v.v… Con người có máy vi tính, có vệ tinh nhân tạo… nhưng cho đến nay khoa học chưa phát hiện được Tâm là gì, mặc dù điều này đức Phật nói riêng và những thiền sư nói chung đã biết cách đây mấy ngàn năm rồi!

Những nhà khoa học cho rằng Tâm là bộ não. Nói một cách cụ thể Tâm là trái tim do bộ não điều khiển nhưng đức Phật nói Tâm điều khiển và vận hành bộ não. Trái tim cũng như bộ não, chỉ là một cơ quan của thân, không phải là Tâm. Rồi Ngài còn nói “Thân với Tâm là một”.

Những nhà khoa học phải dùng viễn vọng kính để nhìn xa, phải dùng điện thoại viễn liên để nghe tiếng nói từ ngoài ngàn dặm, và tất cả những phương tiện hiện đại này chỉ mới có từ vài trăm năm nay. Trong khi bằng năng lực Thiền định, đức Phật và những vị Thiền sư ở thời đại Ngài đã làm được. Quý Ngài có thiên nhãn thông (divine eyes) có thể thấy cùng khắp, có thiên nhĩ thông (divine ears) nghe được âm thanh ngoài ngàn dặm; quý Ngài còn có tha tâm thông (đọc được tâm tư, tình cảm của người khác)… Những điều này cho đến nay vẫn còn là “phép lạ” đối với cả những người bình thường lẫn những khoa học gia, vì bộ não không có khả năng tạo ra thần thông. Năng lực thiền định cho phép con người bay được, lặn được, đi xuyên qua tường được… mà không cần đến phi cơ, tàu ngầm, máy đào đất, v.v… cho nên nói: “Bộ óc không phải là Tâm, càng không thể điều khiển Tâm”. Người ta không thể thấy Tâm nhưng năng lực của Tâm xuyên qua việc thực tập Thiền và ứng dụng Thiền vào đời sống, vào việc trị liệu những “bệnh thời đại” làm cho ngày càng có nhiều người tìm hiểu, nghiên cứu Phật giáo, một tôn giáo hay một triết thuyết rất kỳ diệu nhưng cũng rất thực tiễn. Giống như điện, không ai thấy nhưng ứng dụng của nó thật là cùng khắp và đa dạng: Điện vào thì đèn sáng lên, vào bàn ủi hay lò sưởi thì nóng, vào tủ lạnh hay máy lạnh thì lạnh ngắt, vào radio thì cho ra tiếng, vào Tivi thì tạo ra cả hình và tiếng, v.v… Thật đúng là “thiên biến vạn hóa”. Xin mời quý vị và các Bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng trẻ A,B,C bàn về Phật học và khoa học.

A: Chào các bạn! Đề tài của chúng ta hôm nay là gì đây?

B: Các em của mình hỏi rằng tại sao không nói “khoa học tiến gần đến đạo Phật” mà lại nói “đạo Phật tiến gần đến khoa học”?

C: Thật là nhiều chuyện quá! Cậu cho mình biết đi, hai câu ấy có gì khác nhau?

B: Đúng vậy, mình cũng đã hỏi em ấy như thế và nó trả lời: đức Phật biết trước, nói trước, khoa học bây giờ mới khám phá ra; cũng như nói “em giống Ba em” đúng hơn là nói “Ba em giống em”.

A: Tụi nhỏ bây giờ lý sự thật, thôi đừng cãi với các em ấy nữa, coi như “khoa học và đạo Phật tiến gần lại với nhau” cũng được, nhưng chúng ta cần nói đến những vấn đề gì liên quan đến đạo Phật và khoa học đây?

C: Dạ, các em bảo rằng đức Phật nói Ngài là vị lương y chữa lành tâm bệnh, nhưng các anh chị nói Ngài cũng chữa lành thân bệnh nữa.

A: Đúng vậy, vì Ngài đã dạy thân với tâm là một mà! Em trả lời sao?

B: Em nói Ngài có thể chữa lành cả tâm bệnh lẫn thân bệnh và ở Mỹ tâm bệnh còn trầm trọng hơn cả thân bệnh. Em còn ví dụ nữa: Tâm bệnh thì như là bệnh trầm cảm (depression), bệnh bị áp lực quá nặng vì công việc, vì phiền muộn (stress)…

C: Em còn nói thêm vài số liệu ví dụ như hằng năm, nước Mỹ đã phải chữa trị 15 triệu người bị bệnh trầm cảm trong đó có 30.000 người tự tử, các bác sĩ đã phải viết chừng 185 triệu toa thuốc trong năm 2005 và hằng năm, ngân sách y tế đã phải tiêu 83 tỉ dollars (USD) cho bệnh này (gồm tiền chữa trị và mất năng suất làm việc, thời gian nghỉ việc và tự tử…)

A: Các em chịu khó sưu tầm số liệu thật giỏi đó! Nhưng các em phải nói từ từ cho các em nhỏ hiểu ưu điểm của Phật giáo trong việc giúp chữa trị bệnh là như thế nào chứ!

B: Dạ phải! Nhiều bác sĩ (hay nhân viên chăm sóc sức khỏe) khuyên bệnh nhân của mình thực hành Thiền để chữa trị những chứng bệnh như: Đau nhức thân thể hay tay chân do bệnh tật gây ra; các chứng lo âu, trầm cảm, hay căng thẳng tinh thần; cao huyết áp (high blood pressure – Bộ Y tế Hoa Kỳ đã đề nghị thực hành Thiền là bước quan trọng trong chương trình giảm huyết áp); bệnh hay quên, v.v…

A: Thiền tập chú trọng cả về huấn luyện tâm và thân; sự vận động thể lực giúp làm gia tăng lượng oxyt nitric trong máu (NO) vì chất này có khả năng phòng ngừa tự nhiên cho những bệnh về tim mạch, không cần dùng thuốc.

C: Thưa anh, Thiền là pháp môn của Đại thừa hay Tiểu thừa? Phật giáo Tây Tạng là Nam tông hay Bắc tông?

B: Bạn quên rồi sao? Phật giáo Tiểu thừa còn gọi là Nam tông, là Phật giáo (PG) truyền xuống các nước ở phía Nam (Thái Lan, Miến Điện, Cambốt, Lào…) với các Kinh điển bằng tiếng Pali còn PG Đại Thừa hay còn gọi là Bắc tông là Phật giáo được truyền qua các nước ở phía Bắc như Mông Cổ, Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật bản, Korea, Việt Nam… với các Kinh điển viết bằng Sanskrit (Bắc Phạn).

A: Đúng vậy, PG Tây Tạng là PG Đại thừa. Thiền thì không của riêng tông phái hay tôn giáo nào cả. Trước đức Phật đã có rất nhiều đạo sĩ tu Thiền, nhưng khi PG xuất hiện thì Thiền PG khác với thiền ngoại đạo như chúng ta đã có lần bàn đến. Chẳng hạn như cách thực hành thiền của một ông
Shogun khác với Thiền tập của GĐPT chúng ta vậy… À, các em có nhớ đức Đạt-lai Lạt-ma 14 (ĐLLM 14) đã nói gì với trên 10 ngàn nhà thần kinh học tại thủ đô Washington DC không?

C: Dạ có. Ngài nói rằng, Tâm con người được huấn luyện có khả năng rất lớn lao trong việc chuyển hóa những cảm xúc, tư tưởng, tình cảm… do vậy, có thể giúp ích rất nhiều cho khoa thần kinh.

B: Ngài còn nói rằng dựa trên những bản báo cáo về các cuộc nghiên cứu thần kinh học sơ khởi về cách luyện Tâm, thì chỉ cần thực hành giản dị sự chú tâm đều đặn (concentration, meditation) hay chú ý nuôi dưỡng lòng từ bi là có thể đưa đến những thay đổi trong não bộ, mà những thay đổi này có thể quan sát được và đo lường được nữa (bằng máy móc).

A: Phải, Ngài còn cho biết những khám phá mới đây của khoa thần kinh học đã chứng minh tính cách mềm dẻo của bộ não; truyền thống Thiền quán của Phật giáo cũng giúp nới rộng lãnh vực nghiên cứu khoa học này qua những phương pháp huấn luyện Tâm liên hệ đến sự thay đổi bộ não. Ví dụ, thiền quán có thể làm thay đổi hoạt động các khớp sợi thần kinh cùng sự sinh ra các tế bào thần kinh mới trong bộ não.

C: Ngài còn nói rằng sự hiểu biết sâu sắc về Tâm giúp con người hiểu biết về giáo dục và sức khỏe tâm thần. Ví dụ, khi Tâm được nuôi dưỡng và thường xuyên tưới tẩm bằng lòng từ bi, tận gốc rễ nhận thức của người thực hành sẽ tạo sự cảm thông với những người khác, và điều này còn đưa đến những tác động có lợi ích lớn lao trong xã hội, như ý thức về tinh thần đồng đội, tình đoàn kết, v.v…

B: Thiền đã được thực hành hằng ngàn năm tại những nước Á Đông, tại sao không áp dụng để chữa bệnh như người Tây phương hở anh?

A: Tại sao không? Do chúng ta không để ý nghiên cứu đó thôi, những phương pháp trị liệu trong Đông Y áp dụng Thiền có rất nhiều, nào là Khí công tâm pháp, Tai chi, nào là Thái cực quyền, Dịch cân kinh, v.v… nhằm đào luyện cả về thể chất lẫn tinh thần nữa. Tây Y như chúng ta đã nói trên cũng áp dụng Thiền trong các chương trình phát triển sức khỏe và ở hải ngoại cũng có nhiều vị Thiền sư Tây phương rất xuất sắc.

C: Dạ phải, người ta nói tập khí công tâm pháp 5 ngày mỗi tuần sẽ giúp những người đã 75 tuổi và trước đây chưa thực hành vận động ít bị lãng trí hơn những người không luyện tập. Nhưng khí công tâm pháp đâu có phải là Thiền Phật giáo hở anh?

B: Phải rồi, đây là Thiền nói chung, đó là tại mình hỏi anh về “thiền chữa bệnh” không nói riêng về Thiền Phật giáo .

C: Vậy xin anh nói thêm về chức năng tâm lý trị liệu của Phật Pháp cho em nghe với.

A: Thiền Phật giáo đã được thực hiện hằng ngàn năm để đem lại sức khỏe và an lạc cho thiền sinh, gồm có hai dạng: Thiền tĩnh lặng và thiền hoạt động; Thiền tĩnh lặng là ngồi yên một chỗ trên bồ đoàn, lại có hai loại: Thiền chỉ và Thiền quán. Thiền chỉ đơn giản nhất là chú tâm vào hơi thở vào hơi thở ra… còn Thiền quán thì để tâm buông xả, rộng mở, tự nhiên… Thiền hoạt động như là thiền hành, đi bộ mà chú tâm vào hơi thở và bước chân, hay chuyển động chân tay với sự phối hợp nhịp nhàng của hơi thở như trong Thái cực quyền hay Khí công hay Dịch cân kinh, v.v… và ở đây đã có những báo cáo cụ thể những trường hợp Thiền (tập Dịch cân kinh, tập Thái cực quyền, tập khí công… chữa lành bệnh ung thư nữa đó).

B: Ngoài ra, tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú, lạy hồng danh, lạy vạn Phật, v.v… cũng đều là một dạng của Thiền Phật giáo phải không anh?

A: Đúng vậy, đó là thuộc về Thiền hoạt động. Hiện nay ở Tây phương Thiền cũng đã được áp dụng rất phổ biến không chỉ trong các thiền viện mà cả trong các bệnh viện nữa.

C: Em nghe nói có môn tâm lý trị liệu dùng Phật pháp (Buddhist Psychotherapy) phải không anh? Cái này như thế nào? Anh có thể cho chúng em nghe một ví dụ dễ hiểu không?

B: Đó là dùng phương pháp hướng dẫn bệnh nhân quán chiếu về từ bi và vô ngã để đối trị với phương pháp chữa trị dựa trên mô hình hữu ngã (self-psychology) lâu nay đã đưa đến hay làm tăng thêm những xung đột tâm lý phức tạp, có phải không anh?

A: Đúng vậy, đó là phương pháp giúp bệnh nhân phát triển tâm Từ và hướng ngoại, quên mình để nghĩ đến và giúp đỡ những người/vật chung quanh, hay hướng đến môi trường chung quanh (cây cỏ, hoa lá…) và kết quả là chính lòng vị tha đã giúp họ khỏi bệnh.

C: Dạ, em cũng có nghe là năng lực “cho” còn mạnh hơn là năng lực “nhận” nhưng em chưa hiểu hết.

A: Bác sĩ David Brazier kể chuyện một bệnh nhân già yếu, tiều tụy vì bệnh trầm cảm (depression) không chịu ăn uống, chỉ uống rượu suốt ngày, có thể nói là “vô phương cứu chữa”; khi nhìn thấy con chó của ông ta tuy bệnh nhưng mập mạp vì ăn uống đầy đủ hơn chủ, bác sĩ biết ngay rằng ông ta đã dành nhiều tình thương cho con chó. Thế là bác sĩ cùng với bệnh nhân săn sóc con chó, mỗi ngày cùng với bệnh nhân đem chó đi bác sĩ thú y và giao cho bệnh nhân trách nhiệm cho chó ăn và uống thuốc đúng giờ… Dần dần, bệnh nhân bắt đầu ăn uống trở lại, đã biết tự chăm sóc cho mình và khỏi phải ở lại điều trị trong bệnh viện tâm thần như trước.

B: Thế mới biết con người ai cũng có khả năng thương yêu nhưng không có hoàn cảnh để phát huy nên những hạt giống từ bi bị ẩn giấu quá sâu anh hở? Chữa bệnh có khi là làm cho những hạt giống đó trồi lên để phát huy tác dụng của chúng là được rồi phải không?

A: Phải đó, bác sĩ còn nói rằng khi con người cảm thấy mình thừa thãi, vô dụng vì không thể cống hiến điều gì cho người khác nên họ thường có ý định tự tử.

C: Thời đại này có nhiều bệnh thật kỳ lạ, ví dụ như bệnh “mất chú ý” ADHD (Attention Deficit Hyperactive Disorders) và nghe nói thuốc trị bệnh này đưa đến việc làm tăng tỷ lệ tự tử nơi trẻ em? Chuyện này là như thế nào hở anh?

A: Trẻ em xao lãng việc học, ham chơi quá mức, quá năng động đến một giới hạn nào đó thì bị gán cho cái bệnh đó và hàng ngày phải uống thuốc Ritalin khi đến trường. Nguyên nhân chính của bệnh là do những trò chơi quá mạnh trên máy vi tính (games, những hình ảnh bạo động trong các phim trên TV… kích thích tính năng động nơi các em vốn đã sẵn có. Đã có báo động về việc tăng tỷ lệ tự tử nơi các trẻ em uống quá nhiều các loại thuốc trị bệnh ADHD. Vì vậy, có nhiều bất lợi nếu lạm dụng thuốc men, nhất là đối với những tâm bệnh.

B: Người ta nói ngài ĐLLM 14 là một bác sĩ giỏi về phân tâm học và về bệnh tâm thần có phải không anh?

A: Đức ĐLLM 14 tuy không phải là một bác sĩ y khoa nhưng ngài có tâm từ rộng lớn, Ngài có thể xem người khách đối diện và Ngài là một. Nhiều người nói gặp được Ngài là bao nhiêu phiền muộn đều rơi rụng hết. Đây là nguyên tắc tối ưu về chữa tâm bệnh mà Tây phương vẫn mong đạt đến: Bác sĩ chữa tâm bệnh (psychotherapist) và bệnh nhân trở thành một thực thể duy nhất. Như vậy, bác sĩ có thể quán chiếu sâu vào tâm thức, tiềm thức, vô thức… của bệnh nhân để biết nguyên nhân sâu xa của căn bệnh và cách chữa trị.

C: Như vậy quý tu sĩ Phật giáo, quý Thầy của mình… cũng có thể làm được chứ anh hở?

A: Phải rồi, quý Thầy của mình có thể đóng vai trò tích cực hơn, quan trọng hơn trong việc điều trị tâm lý hỗn loạn càng ngày càng gia tăng.

B: Nhiều người nói rằng đối với các em GĐPT (trách nhiệm của anh chị em chúng ta) cũng như đối với quần chúng Phật tử (trách nhiệm của quý Thầy) phải giảng như thế nào cho Phật Pháp đi vào lòng xã hội, phải dùng những từ, những ví dụ cụ thể gần gũi… để họ thấy hấp dẫn, chứ cứ nói phải dẹp tham sân si… mà không chỉ cách dẹp như thế nào thì họ dễ thấy nản lắm…

C: Dạ, đúng vậy. Người ta nói rằng quý Thầy tu theo đạo Phật rất giỏi về tâm lý vì họ có cả bộ Tạng luận Abhidharma cũng như Duy thức là những tác phẩm ưu việt của Phật giáo trong sự phân tích tâm lý con người thật hoàn chỉnh. Theo đó, quý Thầy có thể tìm được phương pháp tối ưu trong việc chữa trị tâm bệnh.

A: Và chính lối sống an lạc (cư trần lạc đạo) của từng Tăng sĩ hay lối sống tập thể hòa hợp của Tăng đoàn là tấm gương sáng cho mọi người, là một thí dụ điển hình về thân giáo mà khó có một bác sĩ tại gia nào theo kịp. Lần sau, chúng ta sẽ bàn về việc làm cho Phật pháp trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn đối với tuổi trẻ nha! Hôm nay như vậy cũng tạm đủ rồi. Tạm biệt!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb