PHẬT PHÁP : BA CỎI KHÔNG YÊN

BA CÕI  KHÔNG YÊN

NGUYÊN MẪN

“Tam giới bất an do như hỏa trạch”

Lửa bủa vây, mái nhà sắp sụp, kèo cột cũng rã theo, tình trạng căn nhà vô cùng nguy hiểm.Ta phải chạy ra ngay ! Phải chạy gấp ! Lửa đang cháy khắp căn nhà, lửa đang táp quanh ta, nóng phỏng da và đau đớn toàn thân.Nguy ngập thay tứ chi  bị thiêu đốt, tứ đại tiêu tan, tâm ta bất tịnh, bất an vô cùng.Ta hãy mau mau tìm ra ngay cửa chính, ở ngoài kia châu báu ngọc ngà đang chờ đợi sẵn .

Nhưng, tại sao, căn nhà đang cháy, chỉ có một cửa để ra, mà ta vẫn ngu si chần chờ, nô đùa, hò hẹn, ham chơi, lý luận mong cầu, tham đắm chạy theo những kế sách này, những toan tính nọ, mãi mãi dính mắc tham ái dục trần để rơi vào sanh tử sáu nẽo luân hồi ? Ta có khác nào loài vật sắp bị cắt tiết mà vẫn tranh giành thức ăn, mổ cắn nhau, không biết rằng, vài giờ hoặc vài ngày nữa sẽ bị đem ra làm thịt.

Sự thực là do thói quen thất niệm ta đã không chuyển hóa được những tâm sở đại phiền não, tùy phiền não, tâm bất thiện, chuyển thức thành trí…

Lửa, biểu tượng sức nóng lớn nhỏ, phá hoại của cải tài sản vật chất, tuy làm ta mất mát tiếc nuối, tốn kém tiền bạc, cần phải xây dựng trở lại, nhưng lại có những thứ lửa nóng khác làm hư hỏng, phá hoại đời sống tâm linh, nhân cách đạo đức con người, trầm trọng nguy hiểm tận cùng hơn cả bom, đạn, thiên tai, môi trường hư hỏng … đó là các tâm hành đại phiền não tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến và tùy phiền não như phẫn, hận, não, phú, tật, xan, cuống, xiễm, hại, vô tàm, vô quý, phóng dật …, nếu không được ta tâm niệm ngày đêm cố gắng chuyển hóa thì cơn lửa phiền não này sẽ lan rộng, hậu quả lớn hơn gấp vạn lần sự thiêu rụi của lửa phá hoại tài sản vật chất. “ Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm.”, và “Tam giới bất an, do như hỏa trạch.”

Tham muốn nhiều sinh ra gian dối, sân hận nhiều sinh nóng nảy, u mê, ngu dốt, đốt phá cả rừng công đức, si nhiều là vô minh không biết hướng đi, lạc đưòng, mất nẽo tìm về, khổ hơn loài lạc đà phơi mình chở nặng giữa sa mạc, và mạn là tánh khí của con người cho ta là trên hết, cái gì của ta cũng là số một, bất chấp chân lý thực tướng vạn pháp giai không, nghi là thiếu chánh tín, khinh mình, tự xem mình là hạ liệt, và ác kiến là sự suy nghĩ nhận định không đúng chánh pháp.Những thứ lửa này, theo duy thức học, khổ não vô cùng, chết rồi nghiệp chướng phiền não vẫn phải mang theo tạo thành chúng sanh khổ đau trong lục đạo.

Chúng ta đang sống trong thế giới bất an, có thể tan hoại bất cứ lúc nào, thường xuyên bị đe dọa bởi chiến tranh nguyên tử, chiến tranh hóa học, hơi độc … thiên tai động đất, cuồng phong, bão lụt, núi lửa, bệnh tật nan y vô phương cứu chữa … mà vẫn điềm nhiên tọa thị cảm thấy yên ổn, say mê trong dục lạc không lối thoát, không biết đó là rắn độc, là hầm chông, hố lửa …Ta đã tự nhủ mình thưòng xuyên quán chiếu các pháp hữu vi đều như mộng ảo, như điện chớp, sương rơi …, quán vô thường, vô ngã, niết bàn – không, vô tướng, vô tác …, thực tập chánh niệm từng giây từng phút trong cuộc sống hằng ngày hay chưa ? Ta đã cảm nhận được niềm vui của sự tu học chánh pháp và hành trì chánh pháp hay chưa ? Chánh pháp có phải là thức ăn bổ dưỡng, là pháp hỷ sung mãn, thiền duyệt vi thực giúp ta có cuộc sống tỉnh thức, an lạc không ?

Từ đó ta lập nguyện tinh tấn tu học qua Văn – Tư – Tu, Giới – Định – Tuệ, quay về nương tựa tự tánh chân tâm, Phật tánh thường hằng, Như Lai Viên Giác Diệu Tâm.

Chúng ta quyết lập nguyện trở về ngôi nhà Tam Bảo, hành trì giới luật nghiêm minh, tự độ, độ tha, sám hối tội lỗi, thực hành tam tụ tịnh giới, duy tuệ thị nghiệp, thẳng tiến qua bờ bỉ ngạn.

Và nhất là phải nhận biết để đề phòng lửa dữ, lửa vô minh, lửa duyên sanh sanh, lão, bệnh, tử mà bảo hộ thân tâm, chuyển hóa phiền não thành những tâm hành chánh niệm tỉnh thức.

Chúng ta cũng nên thường xuyên tự hỏi ta đang làm gì, việc này có đem lại lợi lạc cho ai, có phù hợp với giáo lý Tứ Đế, Bát Chánh Đạo … có chuyển hóa được bao phiền não dính mắc trói buộc ?

Trong những lúc gặp chướng duyên khắc nghiệt, những trở ngại phũ phàng, tình đời đen bạc, tình đạo thiếu niềm tin …, chúng ta phải suy nghĩ gì, làm gì đúng đắn, thiết thực nhất, để vừa hợp mục đích, hợp lý tưởng mà không làm xáo trộn tinh thần tu học bất nhị, trung đạo của người Phật tử ?

Phải chăng đó là sự thử thách, trắc nghiệm về tinh thần nhẫn nhục, hỷ xã, hòa ái, được xem như thiện tri thức giúp ta, như trường hợp Đề Bà Đạt Đa đối với Đức Phật.

Là Đoàn viên Áo Lam, chúng ta hãy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, và “chiến thắng trăm ngàn quân không bằng tự chiến thắng mình, tự chiến thắng mình, mới là chiến công hiển hách nhất.”

Tuy lời Phật dạy luôn luôn đúng sự thật, Phật pháp là chân lý tối thượng, nhưng lúc ứng xử cũng phải tùy căn cơ, hoàn cảnh, đối tượng, không gian, thời gian, đó chính là phương tiện khéo léo, tùy duyên bất biến vậy.

Đã có mục đích, lý tưởng rồi, chúng ta hãy sẵn sàng căng buồm vượt sóng nhắm hướng ra khơi dầu mưa gió bão bùng, thiên nhiên đe dọa, chúng ta vẫn không hề lo sợ chùn chân lùi bước, mà tất cả đều chỉ vì “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.”

Anh chị em ơi ! hãy tự thương mình, luôn luôn sống trong tỉnh thức và thương bao người em nhỏ dại mà tinh tấn tu học nhiều hơn, nhẫn nại nhiều hơn, không cầu quả nhỏ, không tự khinh mình, không hoài nghi, không rụt rè,

không cố chấp, dầu có lần tạm nghỉ chân rồi vẫn hăng hái tiếp tục lên đường quay về Phật tánh – tâm ta có Phật, ta sẽ thành Phật, đã thành Phật “chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng”.

Kính lạy Phật, chúng con từ bao đời, bao kiếp, ngu dại bởi tập khí sâu dày, nay đã biết quay về nương tựa hải đảo tự thân, thề nguyền làm lành tránh dữ, giữ tâm ý thanh tịnh, để xứng đáng là con của đấng Như Lai.

Còn điều gì vui hơn nữa, hạnh phúc dài lâu hơn nữa, lý tưởng trong cuộc sống chính là chia sẻ niềm đau khổ của mọi người, lấy hạnh phúc của  những người khác làm nên hạnh phúc của chính mình.

Vui ca lên bạn ơi ! Đời rất nhiệm mầu, rất đáng sống.

Bạn Có Thể Chưa Đọc...