PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 14: TÁM CÁI BIẾT
TÂM MINH
Bài số 14 : Tám cái biết
Kính thưa quí vị và các bạn,
Tuổi trẻ Phật giáo hôm nay đến với Phật Pháp như đi lạc vào một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ, ngoài việc thưởng thức hương sắc tuyệt vời đem lại an lạc cho bản thân, các em còn muốn được biết tên, nhớ tên những danh từ Phật pháp để khi đọc sách, tham khảo có thể hiểu được dễ dàng. Đó là lý do các anh chị đi trước thường nói chuyện, trao đổi với các em của mình để vốn liếng tiếng Việt về Phật pháp được nâng cao.
Hôm nay, chúng tôi xin kính chào tái ngộ với quí vị và các bạn trong đề tài “8 cái biết” dưới hình thức một cuộc hội thoại bỏ túi giữa 3 anh em huynh trưởng trẻ A, B, C đã được làm quen với quí vị và các bạn.
A: Chào các em, hôm nay anh muốn giới thiệu với các em về một danh từ được Việt hóa, coi thử các em có còn nhớ “gốc gác” của nó là gì không? đó là danh từ “cái biết”.
B: Dạ thưa anh, em nhớ chứ! Nhưng anh nói “8 cái biết” thì em không biết hết.
C: Em cũng vậy, “cái biết” có phải là consciousness mà chúng ta thường gặp trong các bài Phật pháp với danh từ chữ Hán là “thức” phải không Anh? Nhưng em đã quen chữ này rồi nên khi Anh nói “cái biết” em nghe lạ tai hơn là chữ “thức”.
B: Ðúng vậy đó anh, khi học về chánh niệm, anh có nhắc tụi em “to act in full consciousness” tức là ý thức rõ việc mình đang làm, đồng nghĩa với “mindfullness” đó phải không Anh?
A: Các em khá lắm, như vậy các em hãy áp dụng chữ “thức” là “cái biết” để nghĩ xem chúng ta đã học được bao nhiêu loại thức rồi? C hãy kể trước đi nha!
C: Dạ thưa anh, như chúng em đã học trong bài “ngũ uẩn” thì có 6 cái biết (thức); đó là: nhãn thức (consciousness of the eyes), nhĩ thức (consciousness of the ears), tỉ thức (consciousness of the nose), thiệt thức (consciousness of the tongue), thân thức (consciousness of the body) và ý thức (consciousness of mind).
A: Đúng rồi, B có gì bổ sung không?
B: Dạ, em muốn thêm là khi nói đến “thức” thì phải nói đến “căn” và “cảnh”; vì bộ ba căn+cảnh+thức không thể tách rời nhau nên được gọi là “tam hòa hiệp” (threefold continuation).
C: Dạ, em cũng nhớ ra rồi. 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. 6 trần là đối tượng của 6 căn; đó là sắc (form), thanh (sounds), hương (perfume), vị (taste), xúc (contact), pháp (dharma hay dhamma).
A: Các em rất giỏi, anh chỉ muốn bổ sung thêm 1 chút là chữ “thức” (vijnana), một thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp, chỉ sự nhận biết. Như các em đã nhắc lại được 6 cái biết rồi, trước khi nói thêm 2 cái biết nữa, anh hỏi các em thêm vài chi tiết về 6 cái biết trên.
B: Hãy cho anh biết, khi nói căn+cảnh+thức không thể tách rời nhau, chúng ta muốn nói đến cái gì?
B: Dạ thưa anh, chúng ta muốn nói rằng: Nếu mắt nhìn (look at) mà không có mặt của nhãn thức thì tuy nhìn mà không thấy gì cả (we don’t see anything). Tương tự, tai nghe mà không có sự hiện diện của nhĩ thức thì nghe mà không hiểu là đang nghe cái gì, v.v… Ngoài ra, sự kết hợp của 3 yếu tố căn+cảnh+thức làm phát sinh ra xúc và đưa đến cảm thọ (vui, buồn, không vui không buồn).
C: Nghe khen thì vui, nghe chê thì buồn và hết nghe rồi vẫn còn nhớ lại những cảm giác đó…
A: Đúng thế các em ạ! Vì vậy nói đến “thức” là phức tạp rồi. Trong Phật pháp chúng ta thường gặp những chữ như “biển thức” hay “thức biến”… ý nói các thức không hoạt động độc lập mà kết hợp với nhau, xuất hiện rồi biến đi, tạo ra một biển cảm giác gồm những hiện tượng tâm-vật lý sinh diệt không ngừng (the whole process of these psycho-physical phenomena which are constantly becoming and passing away…)
B: Vậy ngoài 6 cái biết trên đây còn cái biết (thức) nào nữa hở Anh?
A: Còn thức thứ 7 và thức thứ 8 nữa.
C: Thức thứ 7 tên là gì? tác dụng như thế nào hở Anh?
A: Thức thứ 7 tên là Mạt-na thức; Mạt-na là cái gốc của Ý nên Mạt-na còn được gọi là Ý căn (cũng như con mắt là nhãn căn vậy). Nói 1 cách dễ hiểu, những lúc ý thức bị gián đoạn (ngủ mê, bất tỉnh nhân sự, côma, bị chụp thuốc mê…) nó không bị mất hẳn mà nương vào thức thứ 7 là Mạt-na; ý thức vì vậy được ví như cái cây có cái rễ là thức thứ 7 (Mạt-na). Công năng của thức thứ 7 này là chấp trước, so đo, suy xét, phân biệt, phân biệt ta và nguời, bảo thủ cho “cái tôi”, “cái ta” (self).
B: Còn thức thứ 8 là gì hở Anh?
A: Thức thứ 8 là A-lại-da thức (Alaya), còn có tên là Tàng thức. A-lại-da thức được coi như là cái KHO chứa mà Mạt-na dùng để cất hết vào đó những điều mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm… dưới dạng chủng tử (hạt giống, seeds) Ðó là lý do tại sao có nhiều cảnh, nhiều người, ta gặp từ hồi thơ ấu vẫn có thể tái hiện trong trí ta khiến ta nhớ lại.
C: Như vậy Mạt-na là mạnh nhất phải không anh? Vì nó có khả năng dùng A-lại-da để cất giữ…
A: Nói như vậy để cho dễ nhớ cũng được, Mạt-na có khả năng TRUYỀN những điều mắt thấy, tai nghe, v.v… (gọi là các pháp hiện hành) vào A-lại-da, vừa có khả năng TỐNG các chủng tử ở trong A-lại-da khởi ra hiện hành nữa.
B: Như vậy, A-lại-da, thức thứ 8 là một cái kho vĩ đại, vì nó có thể cất giữ những gì Mạt-na muốn nắm giữ trong nhiều đời nhiều kiếp phải không Anh?
A: Đúng vậy, Hòa thượng Thiện Hoa có một bài kệ nói về 8 thức hay 8 cái biết, chúng ta cùng học thuộc lòng cho dễ nhớ nha:
Anh em 8 chú 1 chàng si
Duy có Ý thức rất linh ly
5 người ngoài cửa lo buôn bán
Làm chủ trong nhà đệ bát y
C: Em không hiểu gì cả! Anh giảng rõ nghĩa đi nha!
B: Em hiểu rồi, để em nói cho C nghe: 1 chàng si = si mê, chấp ngã đó, ám chỉ thức thứ 7 (Mạt-na) là chấp có cái tôi và cái của tôi; Ý thức rất linh ly là rất nhạy bén, linh động, khôn ngoan; “5 người ngoài cửa” = 5 thức trước: nhãn thức, nhĩ thức… thân thức; đệ bát y là thức thứ 8 đó (bát = 8, thất là 7, lục là 6, v.v…)
A: Như vậy, các em đã hiểu “8 cái biết” là gì rồi phải không?
B&C: Dạ phải!
A: Bây giờ anh muốn các em cho anh biết, sau khi học qua 8 cái biết này, chúng ta áp dụng vào cuộc sống như thế nào?
B: Chúng ta tu cho từng cái biết, nghĩa là đối với 5 cái biết trước (nhãn thức, nhĩ thức…) chúng vô tư vô tội, chúng ta tu tập làm sao để cái thấy vẫn chỉ là cái thấy thuần túy, cái nghe chỉ là cái nghe…
C: Dạ, em cũng hiểu rồi, tu tập về cái thấy, chúng ta để cho cái thấy khách quan, đừng khởi tâm phân biệt, ham muốn, phê phán, v.v… ví dụ mắt ngắm nhìn một bông hoa thì chỉ thuần là quan sát, nhìn ngắm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa, không khởi tâm muốn hái cái hoa đem về nhà, hay khởi tâm chê bai cái vườn hoa, người chủ khu vườn v.v… và v.v… Cũng thế, khi nghe chỉ thuần là nghe âm thanh mà không bị vướng vào yêu-ghét, lấy-bỏ… nghĩa là đừng để cho anh chàng Mạt-na chen vào.
A: Vậy là các em đã nắm được vấn đề; các em có nghĩ đến áp dụng tu tập về thức thứ 7 và thứ 8 như thế nào không?
B: Dạ, như trên dây, chúng ta cố gắng loại trừ tâm phân biệt, giữ tâm bình đẳng đối với mọi người, mọi vật mà ta thường tiếp xúc-nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt đối xử-đó là một phương pháp tu cho thức thứ 7 không hoành hành ngang nhiên, lộng quyền nữa.
C: Còn đối với thức thứ 8 thì chúng ta cố gắng xông ướp (huân tập) vào tâm thức mình những hạt giống tốt: những hạt giống của từ bi, trí tuệ, tinh tấn, v.v… để trung hòa những hạt giống xấu đã được xông ướp vào từ nhiều đời nhiều kiếp…
B: Anh có thể nói thêm về thức thứ 8 và chủng tử với hiện hành khác nhau như thế nào cho chúng em biết không anh?
A: Thức thứ 8 được xem là thức căn bản vì nó chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và là nguồn gốc của tất cả các hiện tượng tinh thần. Tất cả những việc làm có tác ý (intention) của thân, miệng, ý (gọi chung là nghiệp) đều được tích lũy trong A-lại-da thức dưới hình thức những hạt giống, đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện hành.
C: Thế nào là nhân duyên đầy đủ? Và hiện hành là như thế nào? Anh cho em một ví dụ cụ thể đi nha!
A: Ví dụ, trong tâm thức chúng ta có những hạt giống thiện và bất thiện: như những hạt giống của sự giận dữ, sân hận là bất thiện, nếu gặp thuận duyên như bị ai chọc tức, khiêu khích, mắng chưởi, đánh đập… thì những hạt giống đó sẽ hiện hành ngay-nghĩa là chúng ta liền đỏ mặt nổi giận, rồi phản ứng lại bằng mắng chưởi, đánh đập. Những hành động hiện hành mới này-chính là những chủng tử mới của nghiệp, lại được xông ướp vào Tàng thức, tạo ra một vòng tròn tiếp tục tạo tác và chịu sự chi phối của nhân quả luân hồi. Những hạt giống tư tưởng trong A-lại-da cũng như hạt giống trong cây chanh: hoa chanh và trái chanh tuy chưa xuất hiện nhưng nó đã ẩn tàng trong cây chanh, chỉ cần hội đủ thời gian, sự tưới tẩm, bón phân… cây chanh sẽ đơm hoa kết trái.
B: Nói vậy, khi các hạt giống đang ngủ yên trong Tàng thức thì gọi là Nhân, khi đầy đủ các trợ duyên nó hiện khởi ra thì gọi là Quả, phải không Anh?
A: Đúng vậy, và nhân quả luân lưu, cho nên mới nói: chủng tử sinh hiện hành, hiện hành huân tập chủng tử. Vì vậy, GÐPT chúng ta chú trọng giáo dục về xông ướp (xông ướp). Những điều mắt thấy, tai nghe,… những hành động của thân, miệng, ý… được cất kỹ vào Tàng thức chờ ngày xuất hiện. Do vậy chúng ta phải rất cẩn trọng trong việc tu tập và giáo dục cho đàn em, con em của chúng ta.
C: Em hiểu rồi, vì vậy, chúng ta phải siêng năng tưới tẩm những hạt giống tốt trong tâm như từ bi, trí tuệ, thanh tịnh, v.v… để khi đủ trợ duyên sẽ đơm hoa kết thành những trái an lạc hạnh phúc.
B: Còn những chủng tử xấu (tham sân si) như sâu ăn hại cây, như cỏ dại chiếm đất làm cây khô héo ta phải xịt thuốc trừ sâu, phải siêng năng nhổ sạch cỏ… để chúng khỏi xông ướp vào A-lại-da làm nhân cho những quả đắng về sau .
A: Đúng vậy! Ngoài ra, chúng ta phải làm gương tốt cho các em trong khi nói năng, sinh hoạt: đừng nói một đằng làm một ngã, đừng dạy các em những thói hư tật xấu (như hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, nói xấu lẫn nhau, ăn nói bậy bạ, nổi nóng…) Ngược lại, chúng ta trao truyền cho các em qua những bài học về Phật Pháp, Việt ngữ, Hoạt Ðộng thanh niên… những lời hay ý đẹp, những nét đẹp của văn hóa dân tộc, những đức tính, những truyền thống, những nền nếp sống đạo đức… là chúng ta đã xông ướp vào Tàng thức của các em một vườn hoa thơm trái ngọt, như trao tặng các em một hành trang vào đời rất quí giá vậy.
C: Nhờ bài học về A-lại-da này, em biết nghiệp không chỉ là do những tác ý trong đời này mà còn do bao nhiêu đời kiếp trước nữa… thật là ghê gớm quá! Như vậy, nghiệp không phải do từ bên ngoài mà do tự bên trong tâm của ta phải không Anh?
A: Đúng vậy! Thực tế cho thấy các trẻ em cùng cha mẹ, cùng trong một điều kiện về vật chất, hoàn cảnh… giống nhau nhưng tính tình có khi rất khác nhau; thậm chí anh em song sinh cũng không giống nhau hoàn toàn về tâm tính; vì vậy giáo dục phải lấy căn bản là con người (đứa trẻ) chứ không thể theo một khuôn mẫu nào cố định được.
Anh tặng các em mấy câu thơ của thi hào Nguyễn Du nói về nghiệp nha:
… Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẩn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
B: Cụ Nguyễn Du cũng giỏi Phật pháp quá Anh hở? Cụ nói “mang lấy nghiệp” vào thân nghĩa là cụ hiểu rằng “nghiệp” chính là những chủng tử đã được xông ướp vào A-lại-da đó mà!
A: Đúng rồi, nhưng em đã “khen phò mã tốt áo” rồi đó B à!
C: Là sao hở anh ?
A: Là mình khen một thi sĩ tài hoa và trí tuệ thì cũng như khen 1 vị phò mã có áo đẹp vậy thôi, có gì lạ đâu, ai mà không biết!!☺☺!!
Thôi nha, bữa nay tạm đủ, tạm biệt các em !
B&C: Tạm biệt! Tạm biệt!■
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)