PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 13: TA BÀ VÀ CỰC LẠC

TÂM MINH.

Bài số 13: TA BÀ và CỰC LẠC

Ta-bà và Cực Lạc

Kính thưa quí vị và các bạn,

Xin kính chào tái ngộ với quí vị và các bạn,

Tuổi trẻ hôm nay đến với đạo Phật không còn như tuổi trẻ của những năm 50-60 nữa, hồi đó con người nói chung và tuổi trẻ nói riêng, đức tin mạnh hơn lý luận nên huynh trưởng GÐPT lúc đó dạy Phật pháp cho các em dễ dàng hơn, nhất là những bài học có chút màu sắc thần thoại, thần thông, những hiện tượng lạ hay những phép tu Mật tông, pháp chuyển di tâm thức (phowa), trì chú, v.v… Mà những điều này, dù không có trong chương trình nhưng các em cũng có thể đọc trên Net và đưa ra thắc mắc nhờ anh chị Trưởng giải đáp!☺☺!!

Tuổi trẻ thường hay đòi được “mắt thấy tai nghe” mặc dù hơn ai hết, họ đã được khoa học cho biết rằng khả năng thấy, nghe của mắt tai của con người rất hạn chế: những màu sắc mắt ghi nhận được không ngoài dãi 7 màu: đỏ, cam, vàng, xanh (green), lam (blue), chàm (indigo), tím; ngoài 7 màu đó, mắt không thể thấy được rất nhiều những màu sắc khác gọi chung là tử ngoại (ultraviolet, ngoài màu tím) hay hồng ngoại (infra-red, ngoài màu đỏ). Còn tai cũng vậy, những âm thanh quá nhỏ – gọi chung là những hạ âm – lỗ tai con người không ghi nhận được nhưng loài chó có thể nghe được; còn những âm thanh quá lớn cũng có thể làm lỗ tai bị đau nhức hay thậm chí có thể bị điếc luôn!☺☺!! Như vậy mà còn đòi mắt thấy tai nghe gì nữa! Tuy nhiên, không vì thế mà người huynh trưởng không dám dạy cho đoàn sinh của mình những bài có trong chương trình tu học và chủ yếu là dạy cho các em áp dụng những bài học ấy vào cuộc sống như thế nào.

Vì thế các huynh trưởng trẻ, thường trao đổi với nhau về những vấn đề liên quan đến tu học của mình và dạy lại cho các em đoàn sinh của mình. Hôm nay, chúng tôi kính mời quí vị nghe cuộc hội thoại bỏ túi về vấn đề “Ta-bà và Cực lạc” lan rộng đến những từ ngữ Tha lực, Tự lực, Tịnh Ðộ, tu Thiền, tu Tịnh độ, Thiền Tịnh song tu, tu Mật tông, v.v… giữa 3 huynh trưởng A, B, C mà chúng ta đã từng làm quen trong mục này.

A: Chào các bạn, hôm nay chúng ta nói về đề tài gì hả?

B: Trước hết là về một câu hỏi của một em: “Tịnh Ðộ là gì? Cõi Cực lạc có hay không có?” và câu hỏi này được nhiều em hưởng ứng, các em rất thích nghe câu trả lời của mình.

C: Vậy bạn đã trả lời như thế nào?

B: Tôi trả lời rằng: “Trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca có giới thiệu về cõi nước của đức Phật A-di-đà ở Tây phương, đó là cõi Tịnh Ðộ hay Cực lạc.” Và tôi có đọc những đoạn cho các em biết về cõi nước đó, cũng có nói sơ về 48 lời nguyện của đức Phật Di-đà.

A: Rồi các em có hỏi tiếp không?

B: Có chứ! Các em bảo rằng mình là Phật tử thì mình tin, còn những người khác làm sao để cho họ tin?

C: Rồi bạn trả lời như thế nào?

B: Tôi đem câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Cá” kể cho các em nghe và kết luận rằng: Rùa sống được cả trong nước lẫn trên cạn nên có thể biết những chuyện ở trong nước và có khả năng đi lên trên mặt đất để thấy những cảnh tượng trên mặt đất; còn Cá chỉ biết sống dưới nước, không có phổi, thở bằng mang, v.v… nên không thể hiểu được những gì có trên mặt đất mà Rùa thì không thể diễn tả cho Cá biết những gì ở trên mặt đất vì những thứ đó dưới nước không có, làm sao nói cho Cá hiểu được? Cũng vậy, cõi Cực lạc chỉ có trí Phật mới hiểu được vì Phật biết cả 2 cảnh giới – Ta-bà và Tịnh độ; còn chúng ta chỉ biết Ta-bà thôi, làm sao đức Phật giảng cho ta nghe hiểu được, chúng ta là Phật tử nên tin Phật là được rồi.

C: Phải rồi, bạn có thể nói rằng người đã ăn xoài mới biết mùi vị của nó, còn người chưa bao giờ ăn làm sao biết? Vả lại, làm sao bảo người ta tả ra cho mình hiểu được?

A: Đúng vậy, đừng nói là Cực-lạc, chỉ nói Paris, London, New York, Sydney, v.v… nếu bạn là một người suốt đời chưa ra khỏi nơi mình sống là miền thượng du Bắc Việt hay miền đầm lầy Cà Mau, chưa bao giờ nghe ai nói đến thì cũng không thể nào biết được.

B: Phải, phải! Mình còn nói với các em là trong vũ trụ (universe) có hàng triệu ngân hà (galaxies), mỗi ngân hà có hàng tỷ ngôi sao, mỗi ngôi sao lại có những vệ tinh quay quanh nó, tạo nên một hệ thống hành tinh của nó. Quả đất của chúng ta cũng chỉ là một vệ tinh của một ngôi sao lớn là mặt trời tạo nên thái dương hệ – tức là hệ thống hành tinh của thái dương (thái dương=mặt trời). Ðiều đó khoa học mới kham phá sau này nhưng trong Kinh đức Phật đã nói (cách đây mấy ngàn năm) đến “tam thiên đại thiên thế giới” rồi!

C: Như vậy là tốt rồi, chuyện các em đã giải quyết xong, hãy nói chuyện của mình đi!

A: Bạn lại có chuyện gì?

C: Mình không còn thắc mắc Tịnh Ðộ có hay không như các em nữa nhưng nghe nói người tu Tịnh Ðộ chỉ cần niệm Phật và dựa vào tha lực của đức Phật A-di-đà là được vãng sanh, vì đức Phật A-di-đà có lời nguyện là ai niệm danh hiệu Ngài đều được vãng sanh Cực lạc; mình thấy vô lý quá! Các Bạn có thể nói rõ điểm này không?

B: Đâu có ai nói “hồ đồ” như vậy được !☺☺!! Người tu Tịnh Ðộ nương vào tha lực của đức Phật A-di-đà là đúng, nhưng nếu không tự lực tích cực làm lành tránh ác, giữ tâm niệm thanh tịnh, không tạo thói quen nhất tâm niệm Phật… thì làm sao khi chết có thể sáng suốt niệm Phật cầu vãng sanh được? Làm sao giữ tâm đừng tán loạn để niệm Phật được?

A: Đúng vậy, thí dụ như mình có đủ hết các địa chỉ, số điện thoại cần thiết như bệnh viện, cấp cứu, bác sĩ gia đình, v.v… nhưng đến khi bệnh nặng nổi lên làm mình đau đớn, thần trí không tỉnh táo, không tìm ra được những địa chỉ đó đã ghi ở đâu thì làm sao mà kêu cứu được hở bạn C? Đó là chưa nói có còn đủ sức để bấm (dial) những số phone đó không nữa!☺☺!!

C: Mình hiểu rồi, như vậy dựa vào tha lực chỉ là một phần, còn phải nỗ lực tinh tấn niệm Phật, và một khi đã nhất tâm niệm Phật tức là phải có định tâm rồi, đâu khác gì Thiền nữa, phải không?

B: Đúng vậy! Chúng ta phải biết kết hợp tự lực và tha lực chứ không nên quá khích cho rằng mình chỉ cần tự lực không cần tha lực hay ngược lại, chỉ cần 6 chữ Di-đà là tốc vãng Tịnh Ðộ!

A: Bạn nói đúng lắm, ai nói rằng tu Thiền không cần tha lực? Tu Thiền mới chính là cần tha lực đó, không phải sao? Các bạn có nghe nói không, tu Thiền mà không có Thầy hướng dẫn thì nhiều người đã đi đến điên loạn, tẩu hỏa nhập ma, v.v… cho nên cái tha lực lớn nhất đó là ông Thầy của mình, người hướng dẫn cho mình tu Thiền đó các bạn ạ! Ði tham dự các khóa tu, đi nghe giảng ở Chùa, hay nghe những bài giảng trên Net, v.v… không phải là tha lực sao?

C: Phải rồi, mình đồng ý, tha lực còn làm mình vững tin hơn, có thể nói là nhờ có tha lực mà tự lực sẽ tăng trưởng; nhưng có người nói rằng vừa tu Thiền vừa tu Tịnh độ giống như người đi qua sông bằng cách đứng 2 chân lên trên 2 chiếc thuyền; như vậy thì nguy hiểm quá!

B: Với giả thuyết như vậy thì thấy rõ người ấy sẽ bị té nhưng nếu dựa vào thực tế, trong những cuộc đua thuyền vòng quanh thế giới, người ta thấy rằng phần lớn những loại thuyền đôi (catamaran) hay thuyền 3 (trimaran) là những loại thuyền buồm gồm 2 hay 3 chiếc thuyền nhỏ ghép lại, đều thắng giải vì nó chắc chắn không bị hư giữa đường (gảy cột buồm, lủng đáy, v.v…) và đi nhanh hơn nhiều.

A: Ðúng thế, với 37 Phẩm trợ đạo mà chúng ta đã học, ta có thể tu theo một hay nhiều phẩm vì mỗi phẩm hỗ trợ cho những phẩm kia, đâu có thể nói rằng “tu bố thí thì chỉ nên lo chuyện bố thí đi, đừng vừa tu bố thí vừa trì giới” được, có phải không?

C: Bạn muốn nói rằng Bồ-tát tu Lục độ Ba-la-mật cũng như đi trên chiếc thuyền có sáu máy hay thuyền buồm gồm sáu thuyền nhỏ ghép lại? Như vậy tốc độ sẽ nhanh lắm?

A: Phải! Vì vậy điều phải cần biết là người lái có đủ khả năng điều khiển thuyền máy không; cũng như đi xe hơi nhanh hơn đi bộ nhưng phải biết lái xe, đi máy bay phản lực nhanh hơn xe hơi nhưng phải biết lái máy bay phản lực vì nếu không đủ khả năng hay sơ sót về kỷ thuật thì không những không đến nơi mà còn mất mạng, tan xác nữa !☺☺!!

B: Như vậy là chúng ta đã nắm vững về tha lực, tự lực. Bây giờ xin hỏi các bạn, ta có thể tu hai, ba pháp môn cùng lúc hay không? Ví dụ như ta thường nghe “Thiền Giáo đồng hành”, hay “Thiền Tịnh song tu”, hay “Thiền Tịnh Mật đồng hành” đó!

C: Tôi có nghe một vị Thầy giảng rằng có thể tu hai, ba pháp môn cùng một lúc, ta có thể chọn một cái làm pháp môn chính (chánh tu) và những cái kia là phụ (trợ tu, trợ đạo).

A: Phải rồi, có lý lắm, như vậy nếu bạn tu Thiền mà muốn tu thêm Tịnh Ðộ thì chỉ cần khi xả thiền, bạn phát nguyện và hồi hướng cầu về Cực lạc để được tiếp tục tu học với Tăng thân thanh tịnh của cõi đó.

B: Tổ Vĩnh Minh, vị tổ thứ 6 của Tịnh Ðộ tông, có nói: “Có Thiền có Tịnh Ðộ giống như cọp thêm sừng” (Hữu Thiền, hữu Tịnh Độ dụ như đới giác hổ).

C: Nhưng hiện giờ chúng ta đang ở cõi Ta-bà, hằng ngày phải đối diện với nhiều phiền não khổ đau, làm sao để đối phó và vượt qua những chướng ngại đó, hay chỉ cần niệm Phật A-di-đà là đủ?

A: Tu Tịnh độ mà nếu chúng ta không xa lìa ham muốn, không buông bỏ yêu-ghét, thị phi, không thoát ra khỏi lưới ái dục, còn luyến tiếc hư danh, tài sản, v.v… thì cho dù đức Phật A-di-đà có đến rước, e rằng chúng ta cũng không đi nỗi, vì nghiệp ái quá nặng, không phải sao? ! ☺☺!!

B: Hay! Bạn nói làm tôi nhớ đến câu chuyện của Thangtong Gyelpo, vị Thầy Mật tông Tây Tạng nổi tiếng về phép “chuyển di tâm thức” (Phowa); nghĩa là có khả năng tống thần thức của người hấp hối về thẳng cõi Cực lạc. Người nào vừa chết hay đang hấp hối mà có duyên lành gặp được hay thỉnh được Ngài thì coi như chắc chắn vãng sanh.

C: Thật là kỳ diệu, câu chuyện như thế nào?

B: Một hôm, Ngài đến một làng kia, tập họp dân làng lại và tuyên bố rằng: hôm nay là ngày lành tháng tốt, ai muốn về Cực lạc ta sẽ giúp cho. Nói xong, Ngài nhìn khắp mọi người nhưng không ai trả lời cả, trong khi ngày thường, họ băng ngàn lội suối để thỉnh Ngài về nhà làm phép phowa hay cầu siêu cho thân nhân. Thấy lạ, Ngài hỏi từng người. Chỉ vào một thanh niên, Ngài hỏi: “Chú không muốn về Cực lạc à?” Người thanh niên trả lời: “Dạ, thưa Ngài! con muốn lắm chứ nhưng còn mẹ già nên không thể bỏ đi”. Chỉ vào một người trung niên, Ngài hỏi: “Anh có muốn về Cực lạc không?” – “Thưa Ngài, con muốn lắm nhưng bây giờ còn vợ con nên chưa đi được”, v.v… Cứ như thế Ngài hỏi hết mọi người trong làng, cả người trẻ lẫn người già, người nào cũng từ chối chưa muốn về Cực lạc bây giờ với đủ mọi lý do: còn cha mẹ, vợ con, ruộng đất, nhà cửa, nợ nần, v.v… và v.v… Cuối cùng có một em bé 10 tuổi bằng lòng về cõi Cực lạc ngay hôm nay – em mồ côi cha mẹ và không có họ hàng bà con gì hết!

C: Hèn gì đức Phật ngày xưa khi về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ chỉ cho phép những người xuất gia mới được đi theo Ngài thôi!

A: Tôi nghĩ rằng ngay cả những vị xuất gia nếu có mặt trong làng trên đây cũng chưa chắc đã sẵn sàng để về Cực lạc ngay bây giờ vì quí Ngài còn nhiều việc phải làm như việc Chùa, những Phật sự quan trọng còn dang dở, v.v…

B: Đúng vậy, như bạn A đã nói hồi nãy, tu Tịnh Độ cũng phải trau giồi phước huệ, làm chủ tâm ý, có định lực để xa lìa ái dục, xa lìa ham muốn… thì khi lâm chung, đức Phật A-di-đà đến rước mới đủ dũng cảm cắt đứt những hệ lụy tình cảm thế gian thường tình đi theo Ngài về Cực lạc được chứ!

C: Đúng rồi, chỉ có Thần Chết, xuất hiện bất cứ lúc nào mới đem một người đi khi thọ mạng đã hết, không ai lấy hẹn trước, cũng không ai từ chối được mà thôi. Vì vậy, ta phải chuẩn bị để khi Thần Chết hiện ra ta vẫn còn sáng suốt để nhất tâm niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài đến rước chúng ta về Cực lạc, phải không?

A: Phải, phải! Những ai đang tu Tịnh Ðộ có nghĩa là họ đã biết và đã gieo duyên với đức Phật A-di-đà từ nhiều đời nhiều kiếp trước nhưng nghiệp ái quá nặng, định tâm còn yếu nên chưa xả được, vì vậy mới kẹt lại Ta-bà đó thôi. Chư Tổ có câu: “Ái bất trọng bất sinh Ta-bà, niệm bất nhất bất sinh Tịnh Ðộ” đã rõ ràng quá rồi!

C: Câu đó nghĩa là gì vậy?

B: Nghĩa là “nghiệp ái không nặng thì đã không sinh ra ở cõi Ta-bà này, niệm Phật không nhất tâm thì không thể sinh về Tịnh Ðộ Cực lạc được”.

C: Như vậy, tu Tịnh thêm Thiền để tăng định lực như thế nào hở các bạn?

A: Bạn chia thời khóa biểu ngồi Thiền, niệm Phật… hay thực hành chuyên niệm là tốt nhất.

B: Ngồi Thiền giúp thân trụ vững vàng thì tâm mới định. Trong lúc ngồi niệm Phật, bạn phải nhiếp tâm chăm chú không để những ý tưởng khác chen vào; nếu có một tạp niệm thì phải nhận ra ngay, trở về với chánh niệm, để biết rằng niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật; chứ niệm Phật mà nhớ nghĩ chuyện đời, vui buồn giận hờn, v.v… thì làm sao tương ưng với Phật và cảnh giới Tịnh Ðộ của Phật được?

C: Cảm ơn các bạn nhiều, tôi đã hiểu vì sao niệm Phật không chuyên nhất thì không thể sinh về thế giới Tây phương Cực lạc được.

A: Dù tu Thiền, tu Tịnh hay Thiền Tịnh song tu nhưng đang còn sống ở thế gian này, chúng ta vẫn phải thực hành những công hạnh khác như lễ Phật, sám hối, bố thí, cúng dường… để tạo phước, mới mong nghiệp chướng (hay ma chướng của ngoại cảnh hay ở ngay trong tâm chúng ta) không phá hoại đường tu của chúng ta.

B: Đúng vậy, mục đích chính của tu hành là để cầu giải thoát sinh tử luân hồi. Tu Thiền, tu Tịnh Độ, tu Mật tông… hay bất cứ tu pháp môn nào mà vẫn còn tham đắm thế gian, không xa lìa ái dục, thì cũng giống như muốn chèo thuyền qua sông mà dây neo buộc vào bờ vẫn chưa chịu tháo ra! ☺☺!!

C: Các bạn có nghe nói Ta-bà với Tịnh độ là một hay không? Và có nghe bài kệ này chưa?

Trang nghiêm Tịnh độ

Nơi cõi Ta-bà

Ðất Tâm thanh tịnh

Hiển lộ ngàn hoa.

A: Có nghe rồi! Đó là quan niệm của Thiền “bây-giờ và ở-đây” (now and here); theo đó, chánh niệm là Tịnh độ, là an lạc rồi. Lúc đó dù ta đang uống trà, đang đánh răng súc miệng, đang mở máy TV hay máy vi tính (computer), đang lặt rau, đang đổ rác, v.v… Nghĩa là bất cứ đang làm việc gì bình thường nhất, giản dị nhất, ta cũng cảm nhận được thực tại nhiệm mầu, cảm nhận được cái tịnh trong cái bất tịnh (cái sạch trong cái dơ), cái thường trong vô thường, vì lúc đó tâm ta đang ở trạng thái thật thanh tịnh, vườn tâm đang nở hoa .

B: Có phải bạn nói những thi kệ phỏng theo “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu” mà chúng ta đã dạy cho các em học thuộc và áp dụng trong đời sống hằng ngày không?

A: Phải đó!

C: Tôi cũng đã nhớ ra rồi, để tôi đọc các bạn nghe nha!

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây.

Ðánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ

Hoa nở tự vườn tâm.

Một thùng rác bẩn

Một bông hồng thơm

Muôn vật chuyển hóa

Thường trong vô thường.

Mặt trời xanh rờn

Một rổ rau tươi

Vạn pháp nương nhau

Làm nên cuộc đời.

C: Tôi quên mất 2 bài về máy vi tính và xem TV rồi!

B: Đó là :

Tâm là máy truyền hình

Với muôn ngàn nút bấm

Chọn thế giới an lành

Cho tươi vui cuộc sống.

Thắp lên máy vi tính

Ý tiếp xúc với tàng

Tuệ giác càng tăng trưởng

Nuôi lớn “hiểu” và “thương”.

A: Nói tóm lại, Ta-bà hay Cực lạc đều xuất phát từ tâm, khi tâm ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh; khi tâm ta lăng xăng, ngoại cảnh đều lăng xăng tán loạn theo… Trong cuộc sống, vì vậy nhiều khi trong một vài sát-na nào đó, một vài giây phút nào đó, ta quả thật đã nếm được mùi vị an lạc của thế giới thanh tịnh ở cõi Tây phương Cực lạc của đức Phật A-di-đà, chỉ là không lâu, ta lại bị cuốn hút vào những ham muốn, vui buồn, đấu tranh… của cuộc đời, nên đời đời cứ trôi lăn trong sinh tử.

B: Như vậy hôm nay chúng ta đã giải quyết được nhiều nghi vấn về tu hành, về Nhân gian Tịnh Ðộ, Tự lực, Tha lực… Thật vui và lợi ích, xin tạm biệt các bạn, chúng ta hẹn gặp lại lần sau nha!

A và C: Tạm biệt, tạm biệt!■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb