TẾT TRUNG THU

TÂM MINH

Tết Trung Thu

Kính thưa quý vị và các bạn,

Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay rất ít biết về văn hóa dân tộc nói chung, về những lễ hội cổ truyền của người Việt nói riêng. Thật vậy, các em rất rành nguồn gốc ngày lễ Noel (Christmas) hay ngày lễ Tình nhân (Valentine’s Day)…, nhưng những ngày lễ Việt Nam như Tết Đoan Ngọ hay Tết Trung Thu thì rất ít em biết. Rất ít em biết tại sao có lễ hội Trung Thu, tại sao có bánh Trung Thu, rước đèn Trung Thu v.v… Gia đình Phật tử (GĐPT) ngoài những ngày đại lễ, ngày Vía… của Phật giáo, còn tham gia những sinh hoạt cộng đồng nên phải dạy cho các em biết những lễ hội truyền thống, những ngày tết thiếu nhi v.v… để các em hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của những ngày lễ, những cuộc vui ấy.

Riêng về Tết Trung Thu, một cái Tết của thiếu nhi, còn gọi là ngày trông đợi trăng của các em, cũng rất đặc biệt với người Phật tử vì trăng và đạo vốn thường gặp nhau trong thơ Thiền, trong những từ ngữ như “mặt trăng chân lý” hay “tiêu nguyệt chỉ” (ngón tay chỉ mặt trăng) nên anh chị em Huynh trưởng GĐPT vẫn tổ chức hằng năm cho các em đoàn sinh của mình vui Trung Thu trong khuôn viên chùa hay với các cộng đồng bạn.

Tết Trung Thu tuy bắt nguồn từ Trung Hoa nhưng khi đến Việt Nam thì ngoài Hằng Nga ra, trăng Việt Nam còn có thêm Thỏ Ngọc, chú Cuội v.v…

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc mạn đàm bỏ túi về nguồn gốc và ý nghĩa tết Trung Thu giữa các Huynh trưởng trẻ GĐPT A, B, C mà chúng ta đã làm quen trước đây.

A: Chào các bạn, lại sắp đến Trung Thu rồi!

B: Đáng lẽ đã đến rồi đó chứ, năm nay trễ vì có tháng bảy nhuận.

C: Phải rồi! Năm nào mình cũng tổ chức vui Trung thu cho các em mà chưa bao giờ nói về nguồn gốc, sự tích và ý nghĩa tết Trung Thu cho các em cả, năm nay chắc chúng ta phải nói đó!

A: Đúng vậy, mặc dù, nếu các em muốn biết thì chỉ cần vào Net là biết liền, nhưng về phía chúng ta, muốn nói thì chúng ta phải tập hợp hiểu biết của chúng ta lại, cử một người đại diện viết xuống rồi mới đem ra đọc hay nói cho các em nghe được chứ!

B: Vậy thì mình bắt đầu và luân phiên, chúng ta nối tiếp cho đến khi hết chuyện nói về tết Trung thu nha! Truyện bắt đầu từ vua Đường Minh Hoàng bên Tàu, vào một đêm khuya trăng rất sáng của ngày rằm tháng 8 (âm lịch), trăng thanh gió mát, vua dạo chơi một mình ngoài thành và gặp một ông Tiên tóc trắng như tuyết; ông vung tay một cái hóa ra một chiếc cầu vồng một đầu giáp với cung Trăng và đầu kia chấm đất, rồi mời nhà vua cùng với mình bước lên cầu vồng đi thăm cung Trăng một chuyến.

C: Thế rồi nhà vua đi lên cung Quảng dạo chơi, gặp nàng Hằng Nga xinh đẹp như hoa nên khi trở về vua luyến tiếc cảnh cung Hằng thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu. Trong nhân gian, vào ngày tết này, người lớn thì uống rượu, uống trà và ăn bánh để thưởng Trăng, trẻ con thì múa lân (múa thiên cẩu) từ đó có tết Trung thu và bánh Trung thu.

A: Khi Tết Trung thu đến Việt Nam thì có thêm nhiều mục nữa: cúng ông bà, phá cỗ, rước đèn, múa lân. Ban ngày người lớn bày ra nấu nướng làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, chiều thì có tục lệ “phá cỗ”; các cô thiếu nữ khéo tay làm đủ thứ mứt bánh, gọt đu đủ thành hoa thủy tiên, hay quả này quả nọ, hay nặn bột thành những con vật nhỏ xíu, rồi bỏ màu xanh đỏ tím vàng trông rất đẹp mắt. Khách được mời đến để thưởng thức những món ăn ngon và cũng để “chọn” vợ cho con trai của mình trong các thiếu nữ khéo tay, tài hoa, được coi như đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh… Có khi các chàng trai cũng được mời đến làm khách nữa.

B: Ban đêm thì thiếu nhi rước đèn, ca hát vang làm thành phố trở nên vui nhộn. Lồng đèn trung thu cũng thật là muôn màu muôn vẻ nhưng cái chung vẫn là một ngọn đèn ở giữa và khung lồng đèn thì đủ hình, đủ cỡ, hình cầu, hình ông sao, hình bươm bướm, hình cá chép v.v… được phất giấy gương đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng để các em xách đi trong đám rước cùng với các bạn.

C: Tết Trung Thu đối với làng quê Việt Nam còn một ý nghĩa khác nữa, đó là ngày Rằm trăng sáng. Sau vụ mùa gặt hái xong, cha mẹ không còn đầu tắt mặt tối vì công việc đồng áng nữa. Họ có thì giờ chơi với con cái, cùng làm lồng đèn, cùng ăn bánh trung thu, cùng thưởng trăng… với con. Cho nên, ngày Tết Trung Thu không chỉ là tết của thiếu nhi mà còn là của tất cả gia đình và còn nữa, các bạn có biết bánh trung thu có những thứ gì không?

A: Biết chứ, bánh trung thu gồm hai loại: bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thì nhân mặn, bánh dẻo thì nhân chay (bằng đậu xanh không thôi); nhân bánh nướng thì có đủ thứ hết: nào là hạt dưa, lạp xưởng, vi cá, hạt sen v.v… nhưng ở giữa có một cái lòng đỏ trứng (thường là trứng vịt muối) tượng trưng cho mặt trăng tròn của ngày Rằm tháng tám. Bánh trung thu có hình tròn hay hình vuông tượng trưng cho mặt trăng và quả đất (ngày xưa người ta cho rằng quả đất của chúng ta là hình vuông).

B: Ngoài ra, các bạn có biết chú Cuội là ai không? Chị Hằng là ai không? – Tùy theo bạn ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, bạn sẽ nghe sự tích chú Cuội khác nhau. Chú Cuội ở miền Bắc là một thanh niên rất siêng năng giỏi dắn nhưng từ khi nghe được tiếng hát và thấy được điệu múa của tiên nữ thì đâm ra ngơ ngẩn, như người mất hồn, chàng không còn siêng năng công việc đồng áng nữa, thường “bỏ trâu ăn lúa” của người ta, về nhà bị cha đánh đập la mắng cũng không để ý, cứ chú ý lắng nghe “tiếng nhạc thiên thai”; chàng rất cô đơn vì không ai hiểu được mình, cuối cùng cả người vợ chưa cưới cũng bỏ Cuội, về sau nghe nói anh ta đã ra đi tìm tiên nữ không trở về làng nữa.

C: Còn sự tích anh Cuội và chị Hằng ở miền Nam thì có khác một chút: anh Cuội may mắn kiếm được một chai nước trường sinh đem chôn dưới một gốc cây trong vườn, chị vợ anh tên là Hằng tình cờ thấy được, lấy nước rửa mặt, rửa tay thì thấy da thịt trở nên đẹp quá, chị bèn đổ lên người tắm luôn, cái cây được tưới tẩm bằng nước đó lớn lên vùn vụt, chị ôm lấy cây trì xuống nhưng cây đã lao vút lên đến mặt trăng, anh Cuội về thấy vậy hiểu hết sự tình, nhớ vợ, đêm đêm nhìn lên mặt trăng để tìm khuây khỏa. Tục truyền về sau, khi anh chết, được Ngọc Hoàng thượng đế cho tái sinh lên mặt trăng ở với chị Hằng; đêm rằm tháng tám trăng sáng nhất, người nhân gian sẽ được thấy chú Cuội ngồi gốc cây đa chờ chị Hằng đến để tâm sự.

A: Còn ở miền Trung thì chú Cuội mê chị Hằng Nga ở trên cung Trăng cho đến chết vẫn còn “ôm một mối mơ” nên một nhạc sĩ miền Trung đã sáng tác bài hát:

Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ

Lặng yên ta nói Cuội nghe

“Ở cung Trăng mãi làm chi!”

B: Những bài hát về chú Cuội và Hằng Nga cũng đã thay đổi rồi các bạn à, các bạn có nghe bài hát của thế hệ thứ ba về chú Cuội và Hằng Nga không?

“… từ ngày có hỏa tinh bay

bay có ba ngày lên tới mặt Trăng

Ố tang tình tang, ố tang tình tình

Cuội đành đem chị Hằng Nga

Tìm xứ xây nhà không biết ở đâu

Ố tang tình tang ố tang tình tình… ”

C: Như vậy qua chuyện kể về tết Trung thu, về cung Trăng, chú Cuội, về chị Hằng, chúng ta thấy rất rõ ràng tâm hồn của từng hạng người, từ vua Đường Minh Hoàng của nước Tàu qua chàng thanh niên mơ mộng của Việt Nam (mơ theo tiên nữ với khúc Nghê Thường) đến anh nông dân hiền lành chất phác (thương nhớ vợ)… mỗi người có một thế giới riêng, một Hằng Nga riêng của mình.

A: Các bạn có thấy ngày tết Trung thu ở Việt Nam mình rất gần với ngày lễ Halloween ở Mỹ không? Đối tượng chính cũng là trẻ em; cha mẹ Việt Nam làm lồng đèn cho con đi khắp phố phường, làm bánh trung thu… còn cha mẹ Mỹ thì hóa trang cho con, đưa các con đến các nhà để xin kẹo… nói lên tình cha mẹ đối với con cái trong một mùa vui của thiếu nhi. Còn nữa, chuyện con thỏ ngọc trên cung Trăng các bạn có biết không?

B: Biết chứ! Đó là vào đêm rằm Trung thu có một cậu bé thay vì được xách lồng đèn vui chơi với bạn bè thì cậu phải băng rừng lội suối, vượt sông… tìm thuốc cứu mẹ đang đau nặng; nhưng đêm rằm có trăng sáng thì nước sông dâng cao, không thể nào qua được, cậu bé ngồi khóc, con thỏ động lòng thương chạy lại giúp bạn nhỏ đi hái thuốc… Cảm động vì tấm lòng hiếu thảo của cậu bé và lòng tốt của thỏ con, Tiên Nga cho cậu bé thuốc về cứu mẹ và cho thỏ con lên chơi với mình, từ đó thỏ có tên là Thỏ Ngọc.

C: Chuyện Trung thu như vậy là tạm đủ, mình chỉ xin thêm là ngày nay, đoàn lân của các đơn vị GĐPT ở khắp nơi đã lớn mạnh, nhất là ở những thành phố lớn đông người Việt, Tết nào các chùa cũng có múa lân và bắt đầu Trung thu là các em tập dượt để Tết Nguyên Đán là đi múa ở các nhà hàng Trung Hoa hay Việt Nam; đó là cách gây quỹ hữu hiệu nhất của hầu hết các GĐPT ở đây (hải ngoại).

A: Phải đó, đoàn lân của các đơn vị cũng là một trong những lực hấp dẫn các em vào Đoàn đối với ngành Thiếu; buổi nói chuyện hôm nay tạm đủ, chúng ta tạm chia tay nha!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

Bạn Có Thể Chưa Đọc...