VĂN : ƠN NGHĨA SINH THÀNH
NGUYÊN MẪN
Nhân mùa Vu Lan thắng hội, mùa báo hiếu PL 2551 lại trở về, từ nơi xa xôi hải ngoại, vọng hướng quê hương, nhớ về dất tổ, bao kỷ niệm đẹp đẽ, dễ thương, trìu mến của thời thơ ấu lại hiển bày trong tâm tưởng của tôi về ơn nghĩa sanh thành của hai đấng MẸ CHA.
Kính thưa Ba Mạ,
Hằng ngày từ sáng sớm tinh sương, sau thời gian tu học con đều dâng hương bạch Phật, nguyện sống tỉnh thức, sám hối tội lỗi, đền đáp tứ trọng ân.
Con nhớ thương ba mạ quá ba mạ ơi ! Nước mắt con đã tuôn chảy lúc nào con chẳng hay, nhưng môi con đã mặn, lòng con bồi hồi như muốn níu kéo thời gian xa xưa trở lại để con vẫn là đứa con nhỏ dại, hằng ngày vẫn được sống bên cạnh ba mạ để được ba mạ hết sức thương yêu dạy bảo, cưng chìu, dỗ dành, che chở …, với tâm lượng luôn luôn bao dung tha thứ mà lòng tràn ngập hạnh phúc vô biên :
“Ví mà tôi đổi thời gian được,
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”
Vì vậy mà ca dao tục ngữ Việt Nam đã ca ngợi công cha nghĩa mẹ sâu dày :
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông,
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.”
và :
“Đêm khuya trăng rụng xuống cầu,
Cảm thương cha mẹ, dãi dầu ruột đau.”
với lòng nguyện cầu :
“Đêm đêm khấn vái Phật, Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
hoặc qua câu đối :
“Cha muôn thuở vầng dương soi sáng, độ lượng gian lao không ngại khó,
Mẹ nghìn đời dòng suối ngọt ngào, bao dung tận tụy chẳng hề than.”
Nhưng, với Phật giáo thì đức Thế Tôn đã từng dạy báo hiếu không chỉ là bổn phận thiêng liêng của người con đối với Ông Bà, Cha mẹ nhiều đời, mà đó chính là Hạnh, -hạnh Phật-, là đạo, -đạo Hiếu-, đã làm người thì không thể quên ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vì vậy trong nhiều kinh, Phật đã từng dạy về Đạo Hiếu, về Hạnh Hiếu nhưng sâu xa nhất là qua Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Báo Phụ Mẫu Ân, phổ cập trong nhân gian được nhiều Phật tử thuộc nằm lòng :
“Công dưỡng dục thâm ân dốc trả,
Nghĩa sinh thành đạo cả mong đền.
Làm con hiếu hạnh vi tiên.”
…
“Thường cầu nguyện thung huyên an hảo,
Cùng bảy đời phụ mẫu siêu sanh,
Ngày rằm tháng bảy mỗi năm,
Vì lòng hiếu thảo ơn thâm phải đền.”
hoặc :
“Ví có người ân sâu dốc trả,
Cõng mẹ cha tất cả hai vai,
Giáp vòng hòn núi Tu Di,
Đến trăm ngàn kiếp ân kia chưa vừa.”
Nhất là đức Thế Tôn đã ân cần chỉ giáo người nào biết bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của người con. Chúng ta cũng dã từng được dạy:
“Phụ mẫu hiện tiền như Phật tại thế.”
“Gặp thời không có Phật, biết thờ kính phụng dưỡng cha mẹ, chính là thờ Phật vậy.”
***
Nói đến tình thương cao cả của cha mẹ đối với con cái và bổn phận ơn đền nghĩa trả của con cái đối với hai đấng sinh thành là nói đến mối tương quan đậm đà thắm thiết trong bổn phận, tình cảm thiêng liêng của con người có đạo hiếu, có truyền thống văn hóa dân tộc, ngàn trăm năm trước cũng như mãi mãi về sau vẫn nhất như không bao giờ thay đổi.
Nhất là đối với phương Đông trầm lặng, thích sống nội tâm, không thích bon chen, tranh đua, không màng hý luận hơn thua sai đúng, con người hướng thượng, thì ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục luôn luôn được xem trọng, đề cao.
… Biết được “tin vui”, mẹ âm thầm bắt đầu lo lắng đủ điều, từ giữ gìn bảo trọng sức khoẻ, sắp đặt chiếc áo, tấm quần cho trẻ sơ sinh, chiếc áo len ngăn lạnh, chiếc áo ngắn che nóng, chiếc mền nhỏ nhắn, chiếc nôi xinh xinh, vài món đồ chơi ngộ nghĩnh … suốt ngày đi vào đi ra, đi tới đi lui, lúc ngồi lúc nằm, lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi, lúc xem sách, lúc nguyện cầu … không lúc nào mẹ không nghĩ đến đứa con sắp sinh.Mẹ cẩn thận giữ gìn từng bước đi, chậm rãi để khỏi té ngã, lựa chọn món ăn, thức uống để mẹ ăn là ăn cho con, mẹ nói là nói giùm con, mẹ sống là vì con, rất mong khi con chào đời, con sẽ rất dễ thương bụ bẫm giống mẹ, giống cha.Vì thế trên chiếc bàn nhỏ để cạnh đầu giường, mẹ đã không quên thiết trí một hình ảnh đẹp nhất, thánh thiện nhất như hình một em bé rất xinh xắn dễ thương, hoặc, là thần tượng tôn kính của mẹ, như hình mẹ hiền Quan Âm với dáng dấp thanh cao, hiền dịu.
Rồi theo thời gian, cái thai lớn dần, mẹ lại vui hơn nhưng cũng không kém phần lo lắng đủ điều.Thương con, gắn liền mạng sống của mẹ, mẹ đã bắt đầu nghĩ đến vấn đề thai giáo để con mẹ sau này lúc nào cũng là người con hiếu hạnh, xứng đáng là con ngoan của mẹ, người công dân gương mẫu của dòng giống Lạc Việt.
Gần ngày sinh, mẹ trông đợi, giữ bình tĩnh nhưng lòng không khỏi lo âu, nhất là đối với đứa con so đầu lòng, mẹ chưa một lần có kinh nghiệm về mang nặng đẻ đau.Ngày đêm từng giờ từng phút mẹ đều thành tâm nguyện cầu, xin ơn trên ban phước lành cho mẹ tròn con vuông, gia đình nở rộ tiếng khóc, cười trong hạnh phúc đầm ấm một nhà hòa thuận tin yêu.
Bụng mẹ quặn đau, tiếng khóc oe oe khi con ra đời, nước mắt mẹ âm thầm tuôn chảy mà lòng mẹ sung sướng vô cùng.Mẹ bắt đầu có niềm vui lớn, gia đình có thêm một bông hoa chớm nở, tiếng cười tiếng khóc của trẻ đều là hạnh phúc của mẹ. Mẹ báo tin cho bà con nội ngoại, bạn bè xa gần biết, như thể mẹ vừa trúng số độc đắc không bằng.
Riêng người cha, tuy thời gian nghe tin vợ có thai không rộn ràng lo lắng như mẹ, không mong cầu có con trai hay con gái, không chuẩn bị tả lót, áo quần cho con, hẳn cha nghĩ rằng đã có mẹ lo rồi, nhưng tấm lòng của cha lại rất âm thầm kín đáo, tình cảm để dành cho con cha mang theo hằng ngày hoặc khi lam lũ ngoài đồng ruộng với ruộng lúa nương khoai, hoặc khi làm công nhân trong hảng xưởng, công chức tại văn phòng, kể cả người chiến sĩ khi xông pha ngoài trận tuyến …, cha luôn luôn đợi chờ từng ngày mong con được ra đời mạnh mẽ, dễ thương, kháu khỉnh, mặt mày đức tính giống mẹ, giống cha.
Theo thời gian con lớn lên, cha mẹ tập cho con từng bước đi, lúc đầu còn chập chững, từ từ vững chắc, con đi đứng được, nói năng được, dầu chỉ vài ba tiếng bập bẹ, cha mẹ mừng vô cùng.
Con lên năm, sáu tuổi, cha mẹ đã nghĩ đến việc đưa con vào trường học, học những chữ cái vỡ lòng, học toán số cộng trừ nhân chia … nhất là học luân lý đạo đức của con người phẩm hạnh, “Tiên học lễ, hậu học văn.”
Con khôn lớn, cha mẹ vẫn không rời con, luôn luôn gần gũi dạy dỗ, nhất là đối với con gái, cha mẹ lại càng nhất mực giáo dưỡng căn dặn đủ điều, sợ sau này lúc về nhà chồng con mình bị mang tiếng là cha mẹ thiếu dạy nên con hư hỏng.
Nhìn chung, cha mẹ dạy con nhiều điều lắm, chung quy cũng chỉ do tình thương của cha mẹ to lớn vô cùng, bao la như biển thái bình, bền bĩ như suối nguồn tuôn chảy không cạn.
Nhưng lời cha mẹ ân cần dạy dỗ nhất đối với con vẫn là luôn luôn muốn con giỏi giang đức hạnh, qua tục ngữ “Học Ăn, Học Nói, Học Gói, Học Mở”… theo truyền thống tập quán của dân tộc Việt.
Ăn, danh từ quen thuộc, tưởng chừng nói ra là hiểu được, không dè cũng khá phức tạp.Sợ con theo tập khí tham ăn, ăn không kể giờ giấc, nơi chốn, ăn quên nhường người trên kẻ dưới, gặp gì ăn nấy, cha mẹ dạy con :
“Ăn nhắm nồi, ngồi nhắm hướng”, ham ngon miệng không cần bổ dưỡng, tranh ăn không biết xấu hổ thẹn thùng, cha mẹ dạy :
“Miếng ăn là miếng tồi tàn …”
“Ăn để sống, không phải sống để ăn”.
Rồi có khi thì đóng vai vị thầy thuốc, cha mẹ dạy con chỉ ăn những thức ăn có khả năng nuôi dưỡng thân thể và bảo trì sức khoẻ, có khi lại là vị thầy dạy luân lý đạo đức nhắc nhở con trước khi ăn hãy tự hỏi thức ăn này từ đâu tới, có phải là tặng phẩm của đất trời cộng với bao công phu lao tác và phải biết rằng thức ăn của ta có thể tạo ra bằng sự đau khổ của những loài hữu tình và vô tình khác.
“Hai tay nâng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Từ đó, cha mẹ dạy con :
“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”,
“Uống nước nhớ nguồn”,
“Ăn cây nào rào cây ấy”.
Ngoài những thức ăn nuôi sống cơ thể, con cũng cần những thức ăn cho tinh thần.Cha mẹ lưu ý con loại bỏ những sách báo, phim ảnh … đồi trụy, bạo động, tránh xa những nơi giải trí vô bổ, sa đọa.Những món ăn tinh thần phải là những thứ làm cho tâm con thoải mái, trí tuệ con ngày một mở mang.
Thêm nữa, ăn cũng còn là những niềm ước ao ta muốn cho đời ta. Chẳng hạn ta mong muốn phải đậu cho được bằng cao, phải có cho được chức lớn, xem tài, sắc, danh, thực, thùy là cứu cánh hưởng thụ của sự sống …, thì những mong muốn như thế thâm nhập vào đời ta, chắc chắn không chóng thì chầy ta sẽ khổ vì chúng.Nhưng cũng có những ước muốn giúp ta có đầy đủ năng lực thực hiện được hoài bão, lý tưởng mục đích cao đẹp của con người, như muốn được là thầy thuốc để chữa bệnh cho người với tâm thức “lương y như từ mẫu”, muốn là nhà khoa học phát minh phương pháp làm con người sống lâu mạnh khỏe để giúp đỡ cho gia đình, xã hội, hoặc quyết tâm tu tập, chuyển hóa thân tâm để thành người khất sĩ độ đời (nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vi sinh tử sự, giáo hóa độ xuân thu) thì đó là những loại thức ăn có thể đưa ta tới cuộc sống hạnh phúc, an lạc dài lâu.
Sau hết, loại thức ăn khác, là sự biểu hiện của thức gồm có y báo và chánh báo.Chánh báo là con người gồm 5 uẩn của ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta.Vì nghiệp lực gây ra từ nhiều đời nhiều kiếp nên bây giờ ta có chánh báo này, với y báo này.Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức.Vì vậy ta phải biết mỗi ngày ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào ? Ta cho nó ăn tình thương, niềm vui, tha thứ, buông bỏ hay cho nó ăn lăng xăng, mê muội, lười biếng, đam mê hư hỏng ?
Nói cũng vậy, tuổi ấu thơ cha mẹ dạy con tập đánh vần để con nói đúng mặt chữ vần trắc, vần bằng đã là khó, đừng cà lâm, ngọng nghịu sai dấu chính tả đã là khó, mà lần lượt tập cho con nói có câu, câu ngắn, câu dài không sai văn phạm lại càng khó hơn.Càng lớn, cha mẹ dạy thêm cho con về công dụng của lời nói, về việc dùng ngữ ngôn lúc giao tiếp với mọi người, về tác dụng của nói năng và im lặng “lời nói là bạc, im lặng là vàng”, xử dụng ái ngữ (lời nói yêu thương), để xây dựng tình thân ruột thịt gia đình, bạn bè, lân lý “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc muốn có tuệ giác, an lạc thì lời nói phải là chánh ngữ, ngay thẳng, đúng đắn, thành thật, nên nói lúc nào và nói với đối tượng nào.
Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” nhằm nhắc nhở, trước khi nói hãy suy nghĩ cho kỹ, vì lời nói có thể đem vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc, tự tại hay khiếp sợ đối với kẻ khác … Ông bà ta có câu nói nhiều, nói nhanh thì hay trật là thế đó.Người ăn không ngồi rồi thường là người hay ngồi lê đôi mách, ăn nói không chủ đích, trở thành con người mất tư cách bị mọi người khinh rẻ.Trái lại khi cần dùng lời nói để giáo dục, khuyên lơn, bênh vực lẽ phải thì dầu có gặp phiền toái cho mình mà thực hiện được đạo nghĩa, chân lý thì vẫn mạnh dạn cương quyết không từ nan.Nói cũng là lời ban lệnh, như lệnh tiến quân của người chỉ huy giữa trận tiền, pháp lệnh của quan tòa giữa tòa án, hậu quả lời nói rất quan trọng, liên hệ đến tự do và mạng sống con người, phải hết sức cẩn trọng, sai một ly, đi một dặm, làm máu đổ, đầu rơi, khổ đau biết bao cho nhiều người liên hệ.
Tại nhà trường thầy giáo dùng lời nói để giảng dạy học trò nên người hữu dụng, tại Phật đường, Thánh đường, lời thuyết giảng của Chư Tăng Ni và Linh mục với nghĩa lý lúc thì thực dụng, lúc thì triết học cao siêu, sẽ giúp ích rất nhiều cho con người phàm phu trần tục mau chuyển mê thành giác, sớm được phép lành mầu nhiệm, được an vui hạnh phúc.
Con sắp trưởng thành,cha mẹ dạy con trai phải mạnh dạn, lanh lợi, tự tin, không ganh tỵ, ích kỷ nhỏ nhen, xông pha vì đời, con gái phải nết na, đảm đang, công dung ngôn hạnh, như :
“Công là đủ mùi xôi thức bánh,
Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.
Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,
Không tha thướt nói cười lơi lả”,
(Gia huấn ca Nguyễn Trải)
ngôn là lời nói khiêm tốn, hiền hòa, dễ thương :
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”,
và hạnh là nét đẹp bên trong, là nết na, hương thơm của người con gái đức hạnh có thể lan tỏa khắp mọi nơi, gây được cảm tình tốt đẹp và sự thân thiện quý mến, kính trọng của người khác.
Khi con vào đời, cha mẹ còn dạy con cách giao tiếp với nhân quần xã hội “tam nhơn đồng hành, tất hữu ngã sư”, hoặc chọn bạn mà chơi, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, học hành ở trường, học khôn qua bạn, học mãi khôn ngưng, và đừng cống cao ngã mạn khinh người, nịnh trên nạt dưới, giữ tư cách của con người có học, có hành, có nhân cách.Noi gương sáng của người con trong “nhị thập tứ hiếu”, của ông Carnot, khi đang làm thủ tướng nước Pháp trở về thăm trường xưa, thầy cũ, vẫn luôn luôn xưng tụng trước mọi người về công ơn giáo dưỡng lớn lao của thầy, một mực kính yêu ghi nhớ ơn thầy mãi mãi với tâm thành đền đáp.
…
Tình thương của cha mẹ đối với con, tình con đối với cha mẹ không dựa trên nguyên tắc bổn phận, luật pháp xã hội quốc gia ban hành, mà là cha mẹ thì thương con, là con thì thương cha mẹ, tình cảm rất tự nhiên cao quý, thiêng liêng bền bĩ, không lấy tiền mua được, không dùng sức mạnh khuất phục được, và cũng không có bút mực nào diễn tả hết được.
…
Ôi ! Ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nói làm sao cho hết, viết làm sao cho cùng, đời đời kiếp kiếp, là Phật tử, chúng ta luôn luôn lập nguyện tinh tấn tu học, giúp mình độ người, quyết mở rộng tâm bồ đề, hành đạo Bồ tát … mới may ra đền đáp công ơn cha mẹ trong muôn một.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)