TÂM MINH
Bài số 10 : VU LAN TRONG LÒNG TÔI
Bạn thân mến,
Cứ mỗi lần Vu Lan đến, lòng tôi lại rộn lên bao nhiêu ý nghĩ về Mẹ, về chữ Hiếu, về sự Chết, về Ðịa ngục, về Tái sinh, v.v…
Mẹ là đề tài muôn thuở; chữ Hiếu, vì vậy cũng đã có quá nhiều người đề cập đến và viết về, cho nên hôm nay tôi muốn gởi đến Bạn những ý nghĩ nhỏ của mình về sự chết, về tái sinh, về địa ngục, v.v… Bạn nha!☺☺!!
Bạn còn nhớ không? Năm xưa, khi chúng ta còn học Trung học, chúng ta đã định nghĩa “chết” là gì không? Chết là chấm dứt những phản ứng cháy trong cơ thể mình (vì Hóa học hữu cơ dạy chúng ta rằng “thở” là phản ứng cháy của cơ thể chúng ta – vốn là một hydrat carbon – với ôxy để sinh ra khí carbonic và hơi nước; như vậy chết là chấm dứt các phản ứng cháy đó): đó là cái chết vật lý-hóa và sinh học.
Thật ra con người nói chung và chúng ta – bạn và tôi – nói riêng, đã chết rất nhiều lần, đó là “sinh diệt trong từng sát na,” Bạn có từng nghe cụm từ này không? Ðúng vậy, từ máu huyết cho đến các tế bào trong cơ thể con người đều thay đổi từng ngày từng gìờ, thế cho nên con người mới có phát triển, lớn lên, già đi rồi mới đi đến chết được chứ! Ðó là về thân; còn tâm cũng vậy, khi vui khi buồn, khi “ma” khi “Phật”… không hề đứng yên một chỗ cho nên có thi sĩ đã than “từ tôi phút trước qua tôi phút này”, nhiều khi không cần phải một phút mà chỉ một giây thôi, thậm chí một sát na thôi!
Ngoài cái chết vật lý-hóa-sinh học ra, con người còn có thể chết về mặt ý thức. Thật vậy, có khi nào bạn ăn mà không biết mình đang ăn? nghe mà không hiểu người ta nói cái gì, nhìn mà không thấy cái gì cả (nghĩa là không nhận biết được) hay không? Ðấy là những lúc bạn quá đau khổ hay giận dữ, nỗi đau hay sự xúc động, giận dữ… đã làm mờ cặp mắt, làm điếc lỗ tai, làm hư vị giác,… làm cho chúng ta tạm thời như bị hư tất cả các giác quan, không thể cảm nhận được cái gì quanh ta cả, như vậy không phải ta đang chết hay sao?
Bạn có sợ chết không? Bạn có sợ bị đưa xuống địa ngục không? Bạn có biết bạn sẽ tái sinh về đâu không? Bạn có mong giải thoát sinh tử luân hồi không? Ðó là những điều tôi muốn nói chuyện với Bạn trong mùa Vu Lan này.
Ðức Phật nói: không ai thương lượng được với đạo quân Thần Chết, nghĩa là không ai hẹn truớc được, không ai muốn đi sớm hơn cũng không thể trể hơn được cả! Ðến giờ đến ngày khi Thần Chết đến là mình phải ra đi. Như vậy tại sao chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng để đừng bị bối rối, hụt hẫng… khi cái chết đến bất ngờ?
Chuẩn bị bằng cách nào ư? Theo lời đức Phật dạy, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ ta phải tự nhủ rằng: có thể ngày mai không dậy nữa; như vậy những gì cần làm hãy làm đi, đừng hẹn đến mai; đối với mọi người hãy tử tế, vui vẻ đi để nếu không có dịp gặp lại họ nữa thì cũng không có gì phải ân hận. Về bản thân, để chuẩn bị cho một sự ra đi nhẹ nhàng, nghĩa là “sống an chết lành” ta phải thực tập buông bỏ để ra đi không một chút luyến tiếc, dính mắc.
Thế nào là buông bỏ? Buông bỏ là không bám víu, không tham đắm cũng không ghét bỏ, giữ cho cái thấy, cái nghe… hằng ngày vẫn chỉ là cái thấy, cái nghe thuần túy, trong sáng; và đối với các giác quan khác cũng vậy. Từ đó tâm ta sẽ tĩnh lặng, minh triết và tuệ giác sẽ tăng trưởng. Chúng ta thực tập sự buông bỏ để thấy rằng mỗi khi buông bỏ được một cái gì mà mình rất ưa thích thì ta sẽ cảm nhận được một sự mãn nguyện sâu xa hơn là sự bám víu vào nó.
Buông bỏ còn có nghĩa hoan hỷ, không chấp nê, dễ tha thứ, bao dung, bao gồm việc ai chưởi mình cũng không trả thù, ai nói oan mình cũng không nổi sân… vui với sự thành tựu của người khác…
Khi tâm ta đã tĩnh lặng, ta sẽ không còn sợ cái gì nữa; vì chết là một giai đoạn khác của sự sống và vì ta không còn bám víu vào bất cứ gì ở đời sống này cho nên vô thường đối với ta không có gì gọi là “đột ngột” cả! Thật vậy, thân này tan rã nhưng không có nghĩa là sự sống không có; những giáo lý về thân trung ấm, về nghiệp, về tái sinh… chúng ta đều đã được học; cho nên dù chưa có ai chết rồi sống lại kể cho mình biết về những chuyện bên kia cửa tử nhưng chúng ta vẫn biết rằng đời sau của chúng ta đã được định hình sơ bộ bởi những nghiệp mà chúng ta đã gây ra trong kiếp này.
Bạn có sợ đọa địa ngục không? Nếu Bạn không hại ai, nếu Bạn không làm cho ai đau khổ, nếu Bạn không độc ác, không khủng bố ai, v.v… thì Bạn không cần phải sợ đọa vào địa ngục, vì địa ngục là nơi “tạm trú” của những người ác độc, luôn tìm cách hãm hại người khác, đau khổ của mọi người là hạnh phúc của họ v.v…
Nếu Bạn không bỏn xẻn, rít róng, thấy người ta đói không đành lòng, biết bố thí cho người nghèo khó, bần hàn, biết chia cơm xẻ áo cho đồng loại, v.v… thì Bạn khỏi cần sợ sẽ đọa vào ngạ quỷ v.v… Nói cách khác, tuy chúng ta không phải là những nhà tiên tri, bói toán nhưng chúng ta cũng suy ra được chúng ta sẽ tái sinh vào những cõi như thế nào.
Bạn có biết cận tử nghiệp không? Ðó là cái nghiệp xuất hiện trước khi chết có công năng làm thay đổi lộ trình tái sinh của chúng ta; ví như chúng ta sắp lên tàu đi Sàigòn thì đột nhiên nhận được một bức điện tín bảo phải đi Sóc Trăng vậy đó!JJ!! Như vậy cận tử nghiệp thật là quan trọng phải không Bạn? Vì vậy, chúng ta phải hết sức thận trọng trong mọi hành động về thân, miệng, ý, để tránh việc trước khi ra đi về cõi Thiện vì suốt đời làm lành, mà phải nhận một bức điện bảo đổi lộ trình đi về một nơi bất thiện nào đó!
Cuộc đời này, cho dù chúng ta có sống đến trăm năm hay hơn nữa, cũng chỉ là một giấc mộng, nghĩa là khi tỉnh giấc “nồi kê chưa chín,” mọi chuyện xảy ra đều không có thực, hay nói cách khác “tất cả đều KHÔNG” như một nhà thơ kia đã nói:
“Dù cho mộng dữ hay lành
Ðến khi tỉnh giấc cũng là không thôi”.
Cứ như vậy, chúng ta sống, chết, tái sinh, sống chết… cứ mãi trôi lăn trong 3 cõi 6 đường; ai mà không muốn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi phải không Bạn? Nhưng tu như thế nào để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi thì ngoài khả năng của tôi rồi; tôi chỉ có thể thảo luận với Bạn về việc sống trong đời này mà giải thoát khỏi những phiền não đau khổ vì cố chấp, hẹp hòi… mà thôi.
Mùa Vu Lan, ngày Rằm Xá tội vong nhân, luôn xui cho mình nghĩ đến những tư tưởng liên quan đến cái chết, đến thọ nghiệp, đến Mục Liên Thanh Ðề, đến “Văn tế thập loại chúng sanh” của thi hào Nguyễn Du… và lòng ta tự nhiên chùng xuống… Bạn có thấy buồn không? Bây giờ chúng ta hãy nghĩ rằng Vu Lan cũng là mùa Báo Hiếu, Mùa chư Tăng xuất hạ, mùa Hoan Hỷ của quí Ngài với ngày Tự Tứ, như ngày Tết của nhân gian, chư Tăng được tăng thêm hạ lạp: nghĩ như vậy là ta vui lại liền, có phải không Bạn? Xin tặng Bạn 5 chữ “T” của một vị Thầy dạy chúng ta tu tập đạo giải thoát, đó là: Thương, Tha, Tùy, Thôi, Thoáng.
Thương = từ bi (sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ)
Tha = tha thứ, bao dung
Tùy = tùy duyên
Thôi = buông bỏ
Thoáng = open-minded
Thân chúc Bạn một mùa Vu Lan an lạc và giải thoát.■