TIỂU SỬ Cố Huynh Trưởng CẤP DŨNG TÂM CHÁNH Hoàng Thị Kim Cúc

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG

TÂM CHÁNH HOÀNG THỊ KIM CÚC


Chị Hoàng Thị Kim Cúc, pháp danh Tâm Chánh, tự Thể Hạnh, sinh ngày mồng 8 tháng 11 năm Quý Sửu (5/2/1913).

Thân phụ là cụ ông Hoàng Phùng, thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ Thị Khuê. Chánh quán làng Xuân Tùy, Thừa Thiên. Trú quán tại thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.

Buổi thiếu thời sau những năm theo chân Thầy Mẹ công tác ở một số Tỉnh đàng trong, học xong bậc sơ học và tiểu học, sau về Huế học trường Đồng Khánh hết cấp trung học rồi tiếp tục giảng dạy tại đây cho đến ngày về hưu.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống Nho phong cao quý, lại được nung đúc với niềm tin Phật rạt rào và sâu sắc, chị Hoàng Thị Kim Cúc trong khoảng thời gian trưởng thành gần 50 năm đã trọn vẹn đem hết tâm hồn, tình cảm và ý chí phục vụ cho lợi ích của mọi người, nhất là đối với giới trẻ trong bao cảnh giao động của đất nước vào những năm trước mùa thu 1945 và mãi cho đến tận bây giờ.

Xin ôn lại vài nét về bối cảnh lịch sử liên quan đến GĐPT chúng ta. Tháng 8/1938, ngày 14, Đại hội đồng Tổng Hội An Nam Phật học họp tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm, Huế, một Phật sự trọng đại đến với chúng ta. Tổng hội đồng đặt nặng vấn đề giáo dục tuổi trẻ Phật giáo như sau : “KHÔNG CÓ MỘT THÀNH TỰU NÀO MIÊN TRƯỜNG MÀ KHÔNG NHẮM ĐẾN HÀNG NGŨ THANH THIẾU NHI. HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ THỪA CHÚNG TA TRONG NGÀY MAI”.

Ngày 28/8 năm ấy, một tiểu ban thống thuộc Tổng trị sự đề cử 3 vị đứng ra lo về Thanh Thiếu Nhi được hình thành để thực hiện quyết định này gồm ba vị ; cụ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch ; cụ Nguyễn Khoa Toàn và bà Cao Xuân Sang (tức Sư Bà Diệu Không) làm Ủy viên. Nguồn gốc GĐPTVN là ở đó.

Thể hiện tinh thần ấy, các đoàn Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ, Ban Đồng Aáu Phật Tử tùy căn cơ và môi trường đã ra đời như chúng ta đã học tập. Chưa kịp ổn định thì chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, dân chúng Huế ào ạt tản cư theo lệnh kháng chiến. Cơn gió lốc đầu tiên lay chuyển một tổ chức đang còn non yếu. Sau khi hồi cư, nhìn cảnh vật điêu tàn, nhà cửa đổ nát, lòng người trong cuộc đổi thay của thời cuộc làm sao tránh khỏi những thay đổi xé lòng. Cái khung cảnh và tâm lý ấy chấn động tâm hồn một thanh nữ xứ Huế vốn giàu tình cảm vị tha. Chị Kim Cúc đến với GĐPT Hướng Thiện là một ngả rẽ cho cuộc đời của mình. Điều ấy không có gì lạ.

Năm 1946, sau khi hồi cư, các Thầy, các anh chị đã từng sinh hoạt trong đoàn Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật hóa Phổ, Đồng Ấu Phật tử như chú Minh Châu, các anh Võ Đình Cường, Nguyễn Khoa Việt, Tráng Thông, Phan Cảnh Tuân, … nhen nhúm lại phong trào Gia Đình Phật Hóa Phổ. Cũng trong năm ấy, chị Hoàng Thị Kim Cúc do sự giới thiệu của anh Phan Cảnh Tuân (Thầy Phổ Hòa ngày nay) rón rén bước vào Gia Đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện. Đến với gia đình Hướng Thiện, chị chỉ đóng vai trò bạn đoàn, đó là biểu hiện sự thận trọng cần có trước sự giao thoa của thời cuộc. Chú Minh Châu lúc ấy nhận xét chị rất lanh lợi, mẫn tiệp, lãnh hội rất nhanh, rất sâu sắc về Phật Pháp. Sư Bà Diệu Không thường khen ngợi chị là người có thiện căn, có đạo hạnh và tích cực.

Năm 1948, lúc chị 35 tuổi, chị quyết định chính thức gia nhập vào Gia đình Phật hóa Phổ sau 2 năm tập sự với tính cách bạn đoàn. Chúng ta thấy rằng đó là một sự lựa chọn dứt khoát có đắn đo suy nghĩ như quyết định của một hành giả khi nhận lãnh một công án gồm 6 chữ GĐPTVN. Cũng như hành giả quyết tâm sống với công án của mình. Chúng ta đã thấy rằng chị Hoàng Thị Kim Cúc không rời khỏi công án của mình trọn cả cuộc đời của chị.

Trước khi quyết định chọn con đường đi cho mình, chị Tâm Chánh đã có lần xin xuất gia. Sư cụ Diệu Hương cho pháp tự Thể Hạnh. Đó là pháp hiệu Bồ Tát tại gia của chị khi vâng theo lời phân tích của Sư Bà Diệu Không về tánh và tướng. Sư Bà dạy :”Lúc này Phật giáo đang cần những Huynh Trưởng dạy dỗ đàn em, nối nghiệp tương lai. Đào luyện được một Huynh Trưởng thì khó nhưng tìm một vị xuất gia thì không khó lắm”. Thế là thân tại gia mà tâm của chị thì xuất gia từ lâu rồi. Do đó, chị đã kết hợp rất sâu sắc Đạo và Đời.

Về đời, chị đã nhận lãnh một việc làm rất khiêm tốn : Giáo sư Nữ Công gia chánh tại trường Đồng Khánh, Huế. Nghe thì rất khiêm tốn, nhưng về lãnh vực tinh thần thì rất trọng đại, giúp cho hàng hàng lớp lớp thiếu nữ Việt Nam hoàn thành thiên chức làm chị, làm vợ, làm mẹ, điều hành công việc gia đình đúng với truyền thống dân tộc và đạo pháp. Đó là bài học đầu tiên nhất mà ngành Nữ GĐPTVN phải nhận lãnh ở nơi người chị yếu đuối về thể xác nhưng dũng mãnh ở tinh thần.

Nhìn lại cuộc đời của chị, chúng ta chiêm nghiệm chị Kim Cúc thể hiện như thế nào cái công án mà chị đã nhận lãnh!

1/ Bước đầu tiên là chị thành lập Đoàn Nữ Phật tử Hương Trang (12/1948). Đem đạo vào đời không thể không nghĩ đến Nữ giới. Truyền thống dân tộc đã ghi đậm nét về người nữ, gia đình là cái nôi của xã hội, người phụ nữ chiếm vị trí quan trọng : dạy dỗ con cái nên người, điều hòa kinh tế gia đình, giữ gìn hạnh phúc, đem Phật pháp vào xã hội nếu không nhắm vào người phụ nữ trong gia đình thì còn ai ? Khi chọn ngành giáo dục Nữ Công gia chánh làm sự nghiệp cho mình. Chị Cúc của chúng ta tất nhiên đã mang chí nguyện đem đạo vào đời.

2/ Trong thời gian làm Trưởng ban Hướng Dẫn Thừa Thiên và Tổng hội Phật giáo Trung phần (từ 1958 – 1964), điều quan tâm nhất của chị là vấn đề huấn luyện Huynh Trưởng. Chị mở các trại huấn luyện toàn quốc, các trại huấn luyện cấp Tỉnh khắp 34 Tỉnh miền Trung và miền Nam. Chúng ta không quên trại huấn luyện Huynh Trưởng ngành Nữ đầu tiên tại chùa Phước Hải, Sài Gòn cho các tỉnh miền Nam (1964).

Năm 1964, sau khi GĐPTVN thống nhất toàn quốc, chị được bầu vào Ban lãnh đạo GĐPTTƯ. Với chức vụ Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn phụ trách ngành nữ toàn quốc – một công tác vô cùng trọng đại và khó khăn đối với chị vì tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu kém dần, lại thường xuyên ở Huế khó lòng điều hành việc chỉ đạo TƯ. Ngại rằng không chu toàn nhiệm vụ, cho nên năm 1965 chị có thư xin Trung Ương thay người khác nhưng không được chấp thuận cho nên chị phải đơn phương gánh vác trách nhiệm, bao nhiêu thì giờ nghỉ ngơi trong các dịp lễ lớn và toàn bộ thời gian nghỉ hè chị phải tập trung làm việc không ngơi, từ công tác tổ chức, thăm viếng, dự và mở các trại huấn luyện trên toàn quốc.

Sau khi GĐPTVN được thống nhất thật sự (1964), với tư cách Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương phụ trách ngành Nữ, chị luôn ưu tư về vấn đề tách rời sinh hoạt 2 ngành Nam Nữ. Từ đó chúng ta thấy rằng yếu tố sinh hoạt riêng biệt 2 ngành Nam Nữ chiếm một phần quan trọng trong công án GĐPT của chị Cúc. Chúng ta không quên những lời lẽ đanh thép trong các kỳ đại hội toàn quốc hay toàn phần khi đề cập đến sự cần thiết của sự tách biệt ấy. Có lúc chị đã khổ tâm rất nhiều khi phải chiến đấu, không phải với ngành Nam mà chiến đấu với sự tự ti, ỷ lại, giao khoán của chính chị em trong ngành Nữ. Một thành quả mà chị em ngành Nữ phải hãnh diện là Đại hội ngành Nữ toàn quốc tại Nha Trang năm 1969. Quả thật một ý thức vùng lên của ngành Nữ : tự tổ chức, tự điều hành, tự đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong tinh thần tự lập hoàn toàn. Nhắc đến đời chị, nhắc đến sự nghiệp và công hạnh của chị mà không nhắc đến sinh hoạt riêng biệt ngành Nữ là cả một thiếu sót lớn.

3/ Chị là người tiên phong đứng trên ngọn gió đầu sóng. Điều này được thể hiện tại Huế và Thừa Thiên. GĐPT chúng ta phải trải qua với nhiều cơn gió lốc lúc tàn bạo lúc âm ỉ vì sự bất bình đẳng tôn giáo của thế quyền. Lúc ấy, không một huynh trưởng nam nào có uy thế mà được tự do hoạt động nhất là sau vụ sát hại huynh trưởng Phan Duy Trinh tại vùng Kim Long, Huế. Thân gái dặm trường, chị phải đứng ra đương đầu. Trong trường hợp tương tự, GĐPT Gia Định không quên lời chị phát biểu trong lễ Hiệp Kỵ 1980 tại Già Lam Và các GĐPT miền Nam lại càng thấm thía chuyến thăm viếng của chị vào năm 1985. Chúng ta rất đau buồn khi nghĩ rằng chị mất đi là chúng ta mất một điểm tựa trong sóng gió ba đào.

4/ Chị đã sinh hoạt với cả con tim nóng hổi của mình, chị là gạch nối giữa anh chị em, chị đem lại hòa khí mỗi khi có bất hòa trong anh em. Chị chăm sóc đời sống của anh chị em huynh trưởng cũng như lo lắng cho chính đời sống của mình. Ai đau ốm, ai hoạn nạn, ai bệnh tật, ai gặp ngang trái là có chị đến, đến với tấm lòng một người chị, người mẹ.

Trong những năm đời sống kinh tế trở nên bi đát, khó khăn (sau 1975), từ Huế chị đã vào Sài Gòn khuyên nhủ anh chị em thành lập tổ hợp cùng giúp nhau sống qua ngày.

5/ Chị Cúc không ngồi một chỗ để điều khiển. Lúc còn là Trưởng ban Hướng Dẫn Trung Phần, nhiều cuộc thăm viếng các Tỉnh đã đưa chị từ miền Trung đến cả cao nguyên Trung Phần đèo heo hút gió. Sau khi thống nhất GĐPTVN năm 1964, với tư cách Phó Trưởng ban Hướng dẫn Trung Ương ngành Nữ, chị đã tổ chức các trại huấn luyện huynh trưởng, thăm viếng các tỉnh miền Nam, dự các trại họp bạn ngành Nữ của Sài Gòn, dự ngày Hạnh ngành Nữ của Gia Định, dự cuộc họp mặt tại Vĩnh Nghiêm.

Mùa hè năm 1974, vượt qua mọi khó khăn trắc trở, chị quyết tâm thực hiện một hành trình dài với chủ đích thăm viếng, chấn chỉnh tổ chức hay mở các lớp huấn luyện tùy theo yêu cầu của địa phương. Chị đích thân lãnh đạo đoàn huynh trưởng Trung Ương bắt đầu rời Huế ngày 10/06/1974 sinh hoạt trong 45 tỉnh, thành : Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Lâm Đồng, Đà Lạt, Di Linh, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Phú Bổn, Kon Tum, … Đến Kon Tum xem như đã hoàn thành tương đối tốt đẹp kế hoạch thăm viếng miền Trung, củng cố các sinh hoạt ngành Nữ GĐPT cả 3 ngành. Chị lại chuẩn bị kế hoạch vào Nam.

Tại miền Nam, GĐPT bấy giờ đã được thành lập khắp nơi nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn mới mẻ, cần uốn nắn nhiều điểm nhất là vấn đề ổn định tổ chức về cả hai mặt nhân sự, bộ khung huynh trưởng các ngành, vấn đề huấn luyện huynh trưởng về mặt chuyên môn và trau dồi kiến thức Phật pháp. Chuyến đi Nam này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển GĐPTVN đến tận các miền xa xôi – nơi mà cuộc sống tinh thần của quần chúng vốn chịu ảnh hưởng sâu nặng các trào lưu tín ngưỡng pha tạp.

Chị đã đặt chân đến hầu hết các tỉnh miền Nam : Sóc Trăng, Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Long Khánh, Vĩnh Bình, Gia Định, Sài Gòn cho đến tỉnh Phước Long biên ải.

Cuộc thăm viếng cuối cùng là một cuộc thăm viếng lịch sử. Năm 1986, một cuộc thăm viếng không kèn, không trống, không tiền hô hậu ủng, không cờ xí rợp trời, không có cả văn nghệ chào mừng nhưng là một cuộc thăm viếng đầy xúc cảm, đầy nước mắt và tình thương, trải qua những quãng đường gồ ghề lồi lõm tại các vùng kinh tế mới : Suối Nghệ, Ngãi Giao, Bình Ba, Quảng Thành, Kim Long, Quảng Phú, Bảo Lộc, Đà Lạt, Đơn Dương, Long Khánh, … cho đến cả Phước Long điêu tàn. Chị đi sâu vào tận các gia đình để khuyên răn, để khích lệ. Cảm động nhất là chị đã đích thân đến thăm gia đình một đạo hữu ở Suối Nghệ đã cưu mang, nuôi nấng một huynh trưởng (anh Tâm Phát Võ Văn Phác) bị bệnh nan y – người đã có công tạc tượng đức Quan Âm tôn trí tại trại trường GĐPTVN ở Đà Lạt.

Mỗi nơi chị đến là sự sinh hoạt vươn lên, nhìn tấm thân già yếu, mái tóc bạc, hàm răng rụng của cái tuổi 73, không một huynh trưởng nào, không một đoàn sinh nào, không một phụ huynh nào đã gặp chị mà không nhìn thấy một tấm gương sáng. Con tim của chị sưởi ấm những ai chần chờ dừng bước. Trái tim của chị là trái tim mặt trời chiếu rọi muôn vạn trái tim nhà Lam khiến cho ai nấy đứng lên bước tới.

Biết rằng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình sắp đến, chị muốn thực hiện một chuyến đi nữa với các địa điểm được dự tính : dự trại Hạnh tại Suối Nghệ, thăm các GĐPT vùng kinh tế mới tại Xuyên Mộc, Hòa Bình, thăm Xuân Sơn, Trị An, Cam Ranh, Nha Trang, Phan Rang, dự hiệp kỵ Đà Lạt … nhưng nhân duyên thăm viếng đã hết.

Ngày chung thất anh Lữ Hồ là ngày gặp gỡ cuối cùng giữa chị với anh chị em lâu năm có mặt tại Sài Gòn. Ngôi nhà cuối cùng mà chị đặt chân đến là nhà hai vợ chồng huynh trưởng Nguyễn Khắc Mão và chị Nguyễn Thị Thông, một chị trưởng lâu năm mà chị Cúc rất thương mến.

Cả cuộc đời của chị, cả tâm niệm của chị là muốn cho anh chị em nhà Lam keo sơn gắn bó, càng gặp khó khăn càng keo sơn, càng gắn bó. Chị đã dùng thân xác của chị để thể hiện lần cuối cùng công án của chị. Lúc 11 giờ ngày 30/06 Mậu Thìn tức ngày 11/08/1988, một tai nạn lưu thông không ly kỳ, không rùng rợn đã đưa chị vào bệnh viện Chợ Rẫy. Chị nằm bất động không đau đớn, không rên la, im lặng. Nhưng cũng từ giờ phút đó chuyển động cả một sức mạnh – sức mạnh tình Lam. Phòng hồi sức sau khi giải phẫu sọ não tràn ngập những cánh Lam, không nói năng nhiều chỉ với cái bắt tay nồng nhiệt khác hơn ngày thường, chỉ với cái nhìn nhau đượm vẻ lo âu, chị đang tạo dựng một sức ấm từ lâu có phần nguội lạnh.

Tin được truyền đi : Đà Lạt, Bảo Lộc, Phan Rang, Cần Thơ, Phước Long, Long Khánh, Suối Nghệ, … đã cử người về chăm sóc chị, 45 ngày tại Sài Gòn là 45 ngày quây quần bên chị. Bệnh tình khá hơn, chị được đưa về Huế. Tình Lam chuyển động về cố đô – cái nôi của GĐPTVN. Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Bình Định đã hợp tác với Thừa Thiên thay thế Sài Gòn như một cuộc giao ban của tình Lam.

Nhân duyên ở cõi Ta Bà đã hết. Vào lúc 12 giờ ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Thìn tức ngày 03/02/1989, chị trả thân tứ đại lại cho đất, nước, gió, lửa.

Bạn Có Thể Chưa Đọc...