TÂM MINH
Bài số 6:
Kính mừng Phật Đản
Kính thưa quý vị và các bạn,
Chúng ta thường nghe nói: “Người Việt Nam chúng ta đa số theo đạo Phật” hay “Đúng ra, người Việt Nam theo đạo thờ cúng ông bà”, v.v… Nhưng sự thật, nhiều người Việt Nam không biết gì về đạo Phật mặc dù họ có đi chùa đều đặn vào những ngày lễ như Phật Đản, Vu Lan, v.v… Ở trong nước, phần nhiều gia đình nào cũng có bàn thờ ông bà nhưng ở hải ngoại thì không phải như vậy, bàn thờ ông bà tổ tiên không phải thường xuyên được để trong nhà của tất cả người Việt ở hải ngoại, mà có nhiều gia đình chỉ khi nào có cúng giỗ, hay Tết… mời bày ra; trừ nhà của những huynh trưởng GĐPT mới có đầy đủ bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên trong nhà. Vì vậy, một số các em đoàn sinh ở nhà có thể không nghe cha mẹ nói về Phật, về ngày Phật Đản, v.v… và có em chỉ biết Phật Đản, Vu Lan, v.v… nhờ qua sinh hoạt với GĐPT. Chương trình tu học của GĐPT có bài “Lịch sử đức Phật Thích-ca từ sơ sanh đến nhập diệt”, nhiều em đoàn sinh bảo rằng em có đem về kể cho ba mẹ nghe, thật ra ba mẹ không biết nhiều như em!☺☺!!
Hôm nay, chúng tôi xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi “về ngày Phật Đản” giữa các huynh trưởng GĐPT mà chúng ta đã làm quen: A, B, C. Họ nói về những vấn đề từ thô thiển đến “cao siêu”, mục đích là để trao đổi kinh nghiệm hướng dẫn đàn em của họ và nhất là để giải đáp thắc mắc của các em thường xuyên đặt ra, về những vấn đề “siêu hình” có khi trả lời được, có khi chưa trả lời dứt khoát, có khi “bí” luôn. Ước mong được quí vị và các bạn bao dung và chỉ giáo.
A: Chào các em! Hôm nay có chuyện gì đặc biệt không?
B: Dạ, sắp đến Phật Đản rồi anh! Em không biết tại sao các anh chị thường nói “mùa Phật Đản là mùa Bồ-đề thay lá”? Bồ-đề là nghĩa đen hay nghĩa bóng? Là cây Bồ-đề hay là đạo Bồ-đề hở anh?
C: Dạ thưa anh, nhà em có trồng cây Bồ-đề, mùa Xuân thì lá xanh non đâm ra đẹp lắm, có phải vì vậy mà nói mùa Phật Đản là mùa Bồ-đề thay lá hay không?
A: Phải rồi! Mùa Phật Đản nhằm vào tháng Tư âm lịch, tháng Năm dương lịch, lúc đó ở Việt Nam mình là mùa Hè, nhưng ở đây là mùa Xuân, vì ở đất nước rộng lớn này, nhiều nơi tháng 3, tháng 4 vẫn đang còn có tuyết. Vì vậy, Bồ-đề ở Việt Nam có thể thay lá sớm hơn nhưng nói chung là vào mùa Phật Đản; người ta còn nói mùa Phật Đản là mùa sen nở vì hoa sen nở vào mùa hè và hoa sen cũng thường được dùng làm biểu tượng cho đạo Phật (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
B: Về tuợng Phật sơ sanh, các em Oanh Vũ của em thắc mắc là tại sao có chỗ thì tượng đức Phật đưa tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, có chỗ thì ngược lại, theo anh thì tượng nào mới đúng hở anh?
C: Em cũng có bị vài em hỏi như vậy và có em ngành Thiếu của em hỏi rằng tại sao đạo Phật là đạo vô ngã mà đức Phật sơ sanh của mình lại nói câu “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, nghĩa là “trên trời, dưới trời, chỉ có ta là bậc đáng tôn kính” phải không anh? Anh trả lời cho em đi nha!
A: Trước hết, anh xin lỗi là anh “chịu thua” hai câu hỏi này vì với câu thứ nhất, anh chưa bao giờ chú ý về “tay phải tay trái” của tượng Phật sơ sinh và thứ hai, câu nói của đức Phật sơ sinh, và đức Phật sơ sinh đã bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân có một hoa sen nở ra, v.v… Sự tích này được ghi lại và anh đã được nhìn thấy ở Bồ-đề đạo tràng, hình ảnh bàn chân đức Phật và bảy hoa sen, v.v… Mặc dù anh đã được nghe và đọc những lời giảng về câu nói của Ngài, nhưng anh chưa nắm vững lắm, nên anh hứa sẽ hỏi lại quý Thầy và lần sau sẽ giải thích rõ ràng cho các em nha! Còn câu hỏi nào nữa?
B: Về việc “tắm Phật sơ sinh” trong ngày lễ Phật Đản có ý nghĩa gì hở anh?
C: Có phải theo tục truyền khi đức Phật đản sinh, có hai vòi nước nóng và lạnh phun ra để tắm Phật không anh?
A: Cũng có sự tích ấy, nhưng ngoài ý kỷ niệm ngày Phật đản sinh, “tắm Phật” còn có ý nghĩa sâu xa hơn một chút: đó là khi múc nước tắm Phật, mỗi người chúng ta đều phải nghĩ đến sự thanh lọc tâm ý để tâm ý không bị ô nhiễm bởi ba độc tham sân si. Vì vậy, bài học của “Tắm Phật” là dạy chúng ta phải thường xuyên “tắm gội” tâm mình trong đời sống hằng ngày, chứ không phải đợi đến ngày Phật Đản mới nghĩ đến! Không những chỉ trong lúc tắm Phật hay tắm gội thân mình mà ngay cả trong những lúc rửa chén bát hằng ngày nữa!
B: À, em nhớ ra rồi, có bài kệ nói là rửa chén bát với tâm chánh niệm, thanh lọc tâm ý thì việc rửa chén bát đó cũng linh thiêng không kém gì tắm tượng Phật sơ sinh phải không anh?
Washing the dishes
Is like bathing a baby Buddha
The profane is the sacred
Everyday mind is Buddha’s mind
A: Phải rồi! Nếu tâm ta thiện, những việc làm của thân, miệng, ý đều nhằm huấn luyện tâm, cải tạo tâmv.v… thì tất cả đều là Phật pháp, cái tâm bình thường ấy chính là tâm Đạo, là tâm Phật.
C: Còn trái lại, cho dù chúng ta có đọc “thiên kinh vạn quyển” nhưng miệng luôn nói chuyện thị phi, ý luôn nghĩ cách làm hại người khác nếu họ làm trái ý mình v.v… thì thật uổng công, có đúng không anh?
A: Nói đúng lắm! Vì vậy, nếu chúng ta nghĩ rằng mình đã đi chùa 5 năm, 10 năm, 30 năm, 40 năm… rồi nhưng lại không từ bỏ những tham lam (không phải chỉ tham tiền mới gọi là tham đâu nha!☺☺!!) thành kiến, cố chấp, ganh tị, tranh chấp, hẹp hòi, ích kỷ, phe nhóm, cục bộ, v.v… thì phiền não vẫn còn y nguyên và như thế thì việc đi chùa của chúng ta cũng coi như “dõm” đó nha! ☺☺!!
B: Dạ, chúng em hiểu rồi!
A: Nãy giờ các em hỏi, bây giờ đến phiên anh nha! Các em nói cho anh nghe thử các em đã học được những bài học nào qua sự kiện đức Phật đản sinh?
C: Dạ, đức Phật đản sinh hay thị hiện ra giữa cuộc đời này là để chỉ cho chúng sanh phương pháp “ngộ nhập Phật tri kiến”.
B: Em cũng biết như vậy đó anh, nhưng bạn C có thể cho mình biết thế nào là ngộ nhập Phật tri kiến không?
C: Thưa anh, có phải “ngộ” là biết rõ, không lờ mờ, còn “nhập” là sống với, hòa nhập vào?
A: Phải đó, em nói tiếp đi!
C: Và “Phật tri kiến” hay tri kiến Phật là cái thấy, cái biết của Phật; đó là cái thấy “như thật” thấy thật tướng của sự vật, sự việc như-nó-là (as-it-is) chứ không kèm theo sự yêu – ghét, lấy – bỏ hay những ý tưởng phân biệt của riêng mình. Em thường được nghe các anh chị nói mình nhìn sự vật qua các lăng kính và cặp kính màu của mình nên mọi vật đều bị “méo mó” và đổi màu hết!
B: À phải, em biết rồi, ví dụ như khi nhìn các em của mình, mình ghi nhận em này giỏi về Phật pháp, em kia lười học, em nọ thích phá các bạn trong giờ học, v.v… mà không kèm theo ý nghĩ “em này dễ ghét quá, em kia dễ thương, phải tìm cách trị em nọ thẳng tay mới được”, v.v…
C: Chính vậy, hay khi nhìn trời mưa ta nói “trời mưa!” chứ không nói hay nghĩ “trời xấu, trời thật tồi tệ quá, mất một ngày đi chơi rồi”, v.v… hay khi nghe một em đang to tiếng với một em khác, ta ghi nhận “hai em đang có chuyện bất đồng ý kiến” chứ không nghĩ: “hai em này thật là vô kỷ luật, ồn ào quá, phải phạt cho một trận mới được” v.v…
A: Đúng! Chúng ta phải để cho cái thấy của mình hoàn toàn vô tư trong sáng không có thành kiến, không áp đặtv.v… như vậy thì sẽ không bị phiền não kéo theo sau! Thật vậy, như các ví dụ trên, nếu các em vô tư tìm hiểu thì sẽ thấy được cách giải quyết tốt đẹp cho đàn em của mình, các em của mình sẽ vui vẻ, hòa thuận lại với nhau; bằng lòng với cách giải quyết công bằng, với lòng bao dung của anh/chị Trưỏng của mình, tăng thêm niềm tin vào tổ chức GĐPT cũng như tăng trưởng niềm tin Phật, v.v…
B: Thật rất khó phải không anh? Làm thế nào để trước mọi thứ công việc xoay vần mỗi ngày, trước những biến cố của cuộc đời, chúng ta có thể luôn tỉnh thức để nhìn mọi sự việc, hiện tượng như-chúng-đang là (as-they-are) được?
A: Đúng thế! Cho nên mới nói mình tu học đề làm Phật, để có cái nhìn như đức Phật, nhìn đúng “Chân Như” của mọi sự vật, hiện tượng kể cả những hiện tượng tâm lý trong mình (có hằng hà sa số những niệm khởi lên rồi diệt đi ngay trong tâm mình); nếu mình làm được thì anh chị em mình là Phật hết rồi sao?? ☺☺!! Bài học về “tri kiến Phật” này quả thật là bài học mình phải tu tập, thực hành trong nhiều đời nhiều kiếp mới đạt được! Các em lần lượt nói lên những “bài học nhỏ” thử xem?
C: Sự thị hiện đản sanh của đức Phật trong thân thế thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da cho ta một tia hy vọng là chúng ta cũng sẽ có thể thành Phật.
B: Dạ, cũng như Ngài gián tiếp dạy cho chúng ta “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” vậy.
A: Đúng rồi, Ngài cũng đã dạy “mọi loài đều bình đẳng, không có cao thấp, và đất Phật ai cũng có thể đạt đến được.” Trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền, Phật dạy: “Tất cả chúng sanh là gốc rễ, Bồ-tát là hoa, Phật là quả; dùng nước Đại bi tưới cho đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể làm trổ hoa Bồ-tát và kết thành quả Phật.”
C: Thật là hay quá, cảm ơn anh đã giới thiệu, chúng em sẽ tìm đọc Hoa Nghiêm đã dịch ra tiếng Việt.
A: Các em còn bài học nào về Đản sanh không?
B: Dạ, em còn ghi nhận một bài học nữa là giá trị vươn lên của con người. Từ vũng lầy sinh tử con người có thể vươn lên địa vị Bồ-tát, Phật như hoa sen từ trong bùn lầy hôi tanh mà không nhiễm bùn mà còn vươn lên khỏi bùn, tỏa hưong thơm ngát cho thế gian nữa!
C: Dạ, em còn một bài học nữa là ngày Đản sanh chúng ta tưởng nhớ đến đức Phật với Phật pháp là những lời dạy của Ngài để thực hành chứ không chỉ để đọc tụng; em nói “tưởng nhớ” chứ không phải tưởng niệm vì đức Phật vẫn còn đó, những ai thực hành Phật pháp thì đều “thấy” được Ngài, Ngài vẫn tồn tại trong tâm họ.
A: Đúng vậy, đó là những người luôn ở gần bên cạnh Phật, còn đối với những người không lo tu học, không tự biết đủ (tri túc) thì Như Lai đã ở xa lơ xa lắc mất rồi! Sự thật, Phật không có sinh diệt, ngày Phật Đản có người “thấy” được đức Phật đang thuyết pháp, còn có người lại không hề cảm thấy hay nghe thấy gì cả, nghĩa là tâm họ đã ở quá xa Phật rồi!
B: Em cũng còn một bài học nữa: ngày Phật Đản là ngày hội của mọi người và dù em có cơ hội mừng lễ Phật Đản với các anh chị, bạn bè, đàn em, v.v… của em ở chùa hay vì hoàn cảnh mà chỉ được lễ Phật một mình trong nhà cũng không sao vì Phật dạy đạo tràng là ở ngay tâm của mình.
C: Thưa anh, em còn một bài học nữa: ngày em phát tâm theo Phật chính là ngày Phật Đản của em: em tưởng nhớ Phật, noi theo các hạnh lành của chư Phật, em được Phật hướng dẫn để theo dấu chân ngài đi đến bến bờ an lạc và hạnh phúc.
A: Như vậy là các em đã hấp thụ được cốt lõi của những bài học về Phật Đản; anh mong rằng các em sẽ áp dụng vào cuộc sống hằng ngày và tập cho đàn em của chúng ta cùng áp dụng. Chào các em, chúc các em một mùa Phật Đản an lạc và giải thoát! Tạm biệt!
B và C: Happy Vesak, anh! Tạm biệt! Tạm biệt!■