GIA ĐÌNH VẠN HẠNH : Tu tập SÁM HỐI, Đời sống AN VUI

TU TẬP SÁM HỐI ĐỜI SỐNG AN VUI

Ngoại trừ những đấng đã đạt đến bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, bi trí siêu việt, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn… còn lại, giữa thế gian thường tình, nghiệp lực chất chứa vô minh, thì không một ai không vướng bụi trần mang ít nhiều tội lỗi…
Kinh Đại Niết Bàn dạy: Thế gian có hai hạng người dũng mãnh: Thứ nhất là người không làm điều ác.Thứ hai là người đã làm điều ác mà biết hối lỗi.
Chúng ta thuộc hạng người thứ hai, may mắn được sinh ra từ kim khẩu của Phật, có chủng tử Phật, được thừa nhận là con Phật nên dầu nghiệp chướng sâu dày, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc nhưng đã biết sám hối quay về nương tựa hải đảo tự thân, kế thừa gia tài của đấng cha lành làm hiển lộ Phật tánh.
Nhưng do tập khí sâu dày trong đời này và từ nhiều đời, nhiều kiếp trước, ta đã gây phiền não, khổ đau cho ta không ít cũng như đã gây phiền lụy, khổ đau, thất vọng cho nhiều người khác nữa.
Để nhận diện được những tập khí tiêu cực, những chướng ngại, nghịch duyên…, thiết nghĩ không gì hơn là ta phải cố gắng thường xuyên định tâm sống trong chánh niệm tỉnh thức, dùng ánh sáng trí tuệ bát nhã soi sáng thâm sâu vào tự thân, và quyết tâm chuyển hóa phiền não, dính mắc, cố chấp ngã sở, nguyện chữa lành căn bệnh ngu si đã đưa ta trôi lăn trong vòng nghiệp chướng trầm luân sinh tử… Hãy chiêm nghiệm và thành khẩn noi gương Đức Bồ tát Quán Tự Tại “Hành thâm Bát nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.” Và cũng nhờ sự soi sáng phản quan tự kỷ thường xuyên này, ta đã có được tâm niệm an lành, cuộc sống vui tươi, giúp mình, giúp người bớt khổ đau và thêm hạnh phúc.
Nhưng đôi khi vì chủ quan, vì quá thương mình nên ta đã không tự thấy dược hết nhừng lỗi lầm, vì vậy mà phải nhờ mọi người giúp đỡ, soi sáng . Soi sáng không phải là một việc làm miễn cưỡng, lấy lệ, cũng như không xem đây là một buổi tự kiểm, phê bình, mang tính cách chỉ trích, bài bác như người đời đã làm. Là Phật tử, là Đoàn viên Áo Lam ta lập nguyện dứt khoát sẽ không bao giờ làm khổ ta và nhất định không làm khổ người. Vậy chúng ta hãy cùng đem ánh sáng trí tuệ, tình thương, cùng có tâm hỷ xả thanh tịnh nguyện chuyển hóa tự thân và bạn hữu để cùng có an lạc, hạnh phúc. Nương vào bạn đồng hành tu học lại có được sự dẫn dắt của những bậc thiện tri thức ta sẽ có nhiều thuận duyên, hạt giống tình thương, trí tuệ mỗi ngày sẽ nảy nở, phát triển.
Để khỏi ân hận, để có được niềm vui trọn vẹn mỗi ngày trong hôm nay và mai sau, thì tinh thần Sám Hối chính là phương châm giúp ta chuyển hóa thân tâm, duy trì chánh niệm, tiêu trừ phiền não, và dẹp sạch tội lỗi, vì Sám là Ăn năn, và Hối là chừa bỏ. Vậy Sám Hối là chúng ta nguyện ăn năn chừa bỏ những tội lỗi đã sai phạm do cố ý hay vô tình gây ra trong hiện tại và quá khứ. Người thành tâm sám hối sẽ hoan hỷ sửa chữa liền ngay những sai lầm khi được tập thể soi sáng cùng với tâm niệm biết ơn, đền ơn.
Như đã trình bày ở phần trên, dù cố gắng hết sức tránh những lỗi lầm, vụng dại ta cũng không sao tránh khỏi tội lỗi nhiều, ít từ thân miệng ý gây ra. Vậy Sám Hối là điều tối cần thiết ph?i làm đối với tất cả mọi người Phật tử nói chung và người Đoàn viên Áo Lam nói riêng khi đã chọn cho mình một lý tưởng để phụng sự theo châm ngôn Hòa-Tin-Vui, Bi-Trí-Dũng sống cho mình và vì người:
“Tập Từ Bi.
Hành Hỷ Xả.
Sáng cho người thêm niềm vui.
Chiều giúp người bớt khổ.”
Có nhiều nghi thức để Sám Hối, nhưng theo truyền thống Phật giáo Việt nam, nghi thức thông thường nhất được áp dụng tại các Chùa là mỗi tháng có 2 ngày 14 và 30 AL, Phật tử đến Chùa để lạy Sám Hối hồng danh (lạy 108 lạy theo danh hiệu Phật.) Chư Tôn Đức Tăng Ni cũng có những nghi thức tụng niệm mỗi thời công phu sáng và công phu tối để phát lồ sám hối và nhất tâm đãnh lễ Tam Bảo chính là quán chiếu tự tâm bào mòn bản ngã để nghiệp chướng mỏng dần, quay về tánh giác.
Ngoài ra còn có nghi thức Sám pháp Dược sư, Sám pháp Lương hoàng, Từ bi thủy sám, Lục thời sám pháp khoa nghi do vua Trần Thái Tông sáng chế… Nhưng thực sự khi đã quán chiếu mỗi sợi tóc là ngàn tội lỗi vô minh, khi đã thấy được sám hối là tối cần thiết như hơi thở cần cho sự sống, thì sám hối khẳng định là một lập nguyện quyết tâm thường xuyên không hạn định thời gian, ngay trong từng sát na của sự sống cũng đều cần ý thức thành khẩn sám hối.Vì vậy, Sám Hối chính là pháp môn tu học để tiếp cận với Phật trí và được thành Phật.
Hai tâm sở Tàm và Qúy cũng có liên hệ tương duyên nhân quả với tinh thần Sám Hối của người Phật tử. Tàm là mắc cỡ với chính mình, và Qúy là mắc cỡ đối với người khác. Phật dạy rằng Tàm và Qúy là 2 món trang sức rất qúy cho con người và có công lực không nhỏ. Không thực hành Tàm và Quý, con người trở nên lố bịch, trơ trẽn, dị hợm, khinh khỉnh, không được mọi người xung quanh gần gũi, chỉ bảo, mến thương.
Điều rất quan trọng là tinh thần Sám Hối của Đạo Phật căn cứ trên sự chuyển hóa tâm. Tội lỗi do tâm sinh thì cũng do tâm diệt.
“Tội do tâm khởi do tâm sám.
Tâm đã tịnh rồi tội liền tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không.
Đó mới thật là chân Sám Hối.”
Vì vậy nếu lập nguyện chuyển hóa tâm thì tội l ỗi nh ất định tiêu trừ, phiền não lớn nhỏ sẽ không có môi trường trỗi dậy lan tràn gốc rễ vô minh cũng sẽ không còn nơi bám chặt để làm khổ mình và khổ người trong hiện tại và tương lai.
Lễ sám hối là để tùng tướng nhập tánh nên việc lễ lạy nhiều ít không có tính cách bắt buộc mà điều thiết yếu là biết chuyển hóa tự tâm với lòng thành khẩn ăn năn, chừa bỏ những gốc rễ phiền nào đã gây ra, đồng thời lập nguyện quyết tâm thực hành cháh pháp, nguyện hết lòng độ tận chúng sanh thể nhập pháp tánh, tròn thành Phật đạo. Phật dạy không thể du hành về quá khứ, vì quá khứ đã qua, nhưng quá khứ đã trở thành hiện tại, vết tích của quá khứ đang nằm trong hiện tại và như vậy chúng ta có quyền sửa chữa quá khứ bằng cách sửa chữa hiện tại.
Riêng trong sinh hoạt GĐPT, mỗi tuần đều có tụng bài Sám Hối phát nguyện:
“…
Đệ tử lâu đời lâu kiếp,
nghiệp chướng nặng nề,
tham giận kiêu căng,
si mê lầm lạc.
Ngày nay nhờ Phật,
biết sự lỗi lầm,
thành tâm Sám Hối,
thề tránh điều dữ,
nguyện làm việc lành …”
và đọc 3 Điều luật cho ngành Oanh cùng 5 Điều luật cho ngành Thanh, Thiếu và Huynh trưởng là cũng chỉ nhằm nhắc nhở chúng ta thúc liễm thân tâm, hành trì giới luật, sống chánh niệm tỉnh thức.
Thương mình, thương người, chúng ta hãy hạ quyết tâm tu học tinh cần, thường xuyên cảnh giác nội ma, ngoại chướng khuấy động, bảo hộ 6 căn, và nguyện thành khẩn sám hối lúc được bạn bè chỉ dạy.
Thực tập tinh thần Sám Hối là thường xuyên tinh tấn tu tập bằng cách ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, đó không phải là điều cưỡng bức mà là hạnh nguyện cần làm, làm với tâm không hình tướng, không sợ sệt, không dính mắc, cố chấp. Lợi lạc biết bao cho chúng ta, cho mọi người, và ngay trong cuộc đời giả huyễn, vô thường, gian dối, đầy dẫy khổ đau này, chúng ta vẫn thường được thanh thản an lạc.
Mang tâm sở tàm qúy và thành khẩn sám hối sẽ là năng lượng giúp tăng trưởng những chủng tử thiện, đem an lạc hạnh phúc cho ta.Ta có hạnh phúc thì những người xung quanh cũng có hạnh phúc:
“Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng
Độc thọ khai hoa vạn thọ hương.”
Chúng ta đang có diễm phúc mang trên ngực áo, phía trái tim, đóa sen trắng biểu trưng thanh tịnh, vô nhiễm.Hãy mãi là những đóa sen trắng dâng hiến hương thơm cho đời, mỗi niệm là một gương sen, mỗi hành động là một đài sen, mỗi cử chỉ là một cánh sen. Sống được như vậy mới không phụ lòng thầy bạn, bậc thiện tri thức đã dày công giáo dưỡng, và đó chính là tinh thần đền đáp trong muôn một tứ trọng ân, tương ứng với lời thệ nguyện của người Huynh Trưởng.
Xin thành thật ngưỡng mộ kính trọng những người có tâm thành sám hối, đã biết sớm quay về bến bờ tỉnh thức, lập nguyện tu trì giới đức, sống đời hỷ xả không lảng quên.
Cầu mong ACE chúng ta với lòng thương yêu, giúp đỡ soi sáng cho nhau để cùng được chuyển hóa, tiêu trừ tội lỗi, có hạnh phúc, an lạc dài lâu.
Phàm phu trong cõi Ta Bà
Ai người không lỗi, ai là tịnh thanh,
Dầu hữu ý, dầu vô tình,
Phát lồ sám hối tội mình tiêu tan.
Ngày đêm sáu thời bình an
Cùng nhau tu học, Tình Lam chan hòa.

NGUYÊN MẪN

Bạn Có Thể Chưa Đọc...