PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 4 : Bạn có biết ?

TÂM MINH

Bài số 4 :

Bạn có biết?

“Bạn Có Biết” là một chương trình trong đó các bạn trẻ đưa ra những câu hỏi thường thức về Phật pháp, đạo đức, luân lý của người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung, rồi trả lời để các bạn trẻ khắp nơi nắm được vấn đề. Qua đó, có thể học hỏi, hiểu biết thêm về Phật pháp, đạo lý làm người, phong tục tập quán v.v… của người Việt Nam chúng ta.

Ngoài ra, khi câu trả lời có một vài chữ lạ đối với người nghe thì những chữ đó cũng thành ra một “câu hỏi con” để các bạn trẻ có thể hiểu được lời giải đáp một cách trọn vẹn.

Đạo Phật là gì? Đạo Phật có phải là một triết học hay không?

Đã có rất nhiều bàn cãi về câu hỏi này: Đạo Phật là một tôn giáo, một triết học, một khoa học, hay một nền luân lý? Ở đây, chúng tôi xin trả lời một cách đơn giản đạo Phật là đạo Phật, bao gồm tất cả những định nghĩa mà bạn đã đặt ra.

Thật vậy, nếu tôn giáo được định nghĩa như là sự thờ phụng một đấng thiêng liêng, thì đạo Phật là một tôn giáo với sự thờ cúng chư Phật, chư Bồ-tát, chư Tổ, v.v…

Đạo Phật có phải là một triết học hay không? – Phải, những lý thuyết về Duy thức, về Nghiệp, về Tái sinh, v.v… đòi hỏi người muốn nghiên cứu đạo Phật như một triết học phải có trình độ nghiên cứu thâm hậu về triết học Đông và Tây phương.

Duy Thức là gì? – Là một môn học có thể gọi là khoa Tâm lý học Phật giáo (Buddhist Psychology).

Tái sinh là gì? (Reincarnation) – Đạo Phật cũng là một khoa học qua các lý thuyết Nhân quả, Nhân duyên sinh, Ngũ uẩn v.v…

Lý thuyết Nhân quả như thế nào? – Đó là lý thuyết thực tế nhất, không cần học nhiều cũng biết, bất cứ nước nào cũng đều có những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại v.v… dạy về đạo lý nhân quả: ở hiền gặp lành, gieo lúa được lúa, gieo cà được cà.

Ngũ uẩn là gì? – Là 5 nhóm cấu tạo nên “con người” theo cách nhìn của Phật giáo; đó là: sắc (Body), thọ (Feelings), tưởng (Thoughts), hành (Mental Formation-intentions of body, mouth, mind), thức (Consciousness).

Đạo Phật cũng là Luận lý học, Giáo dục học hay Đạo đức học, có phải không? – Phải, là tất cả những thứ đó, vì sao? Những bộ luận của chư Tổ, bộ Giới luật của các vị xuất gia, những lời dạy của đức Phật Thích-ca về việc hiếu thuận trong gia đình, việc cai trị dân chúng, về tu học đạo tỉnh thức v.v… cho biết đạo Phật bao gồm mọi môn học đã nêu trên với đường lối tu tập thực hành có phương pháp, có lý luận, qua kinh nghiệm tu hành v.v…

Đức Phật còn hay đã mất rồi? Nếu Ngài đã mất rồi thì làm sao Ngài giúp đỡ chúng ta được?

Đứng về phương diện lịch sử thì đức Phật Thích-ca đã viên tịch lúc Ngài được 80 tuổi; nhưng Ngài dạy đệ tử rằng: “Sau khi ta viên tịch, thì Pháp (là những lời dạy của Ngài) chính là Thầy của các con”.

Đứng về phương diện bản thể, Phật không bao giờ mất, đức Phật chính là giáo lý của Ngài và ngược lại. Ngoài ra, đức Phật có dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Nói cách khác, trong mỗi chúng sanh đều có hạt giống Phật; nếu chúng ta tu tập tinh chuyên thì một ngày nào đó những hạt giống Phật ấy sẽ nở ra hoa giác ngộ, nghĩa là chúng ta cũng thành Phật như đức Phật Thích-ca vậy.

Tuy đức Phật lịch sử đã viên tịch nhưng giáo lý của Ngài để lại có thể giúp đỡ chúng ta chứ; ví dụ như Edison, nhà bác học phát minh ra điện tuy đã chết từ lâu nhưng những ánh sáng, điện lực mà chúng ta dùng hằng ngày, ứng dụng về điện không ngừng được cung cấp cho cuộc sống con người, nâng cao đời sống con nguời thì không chết theo thân xác của nhà bác học. Cũng vậy, đức Phật Thích Ca đã nhập diệt hơn 2500 năm nhưng giáo lý của Ngài không những không mất đi mà trái lại còn được lan truyền trên thế giới từ Á Đông sang Tây phương, có thể chữa lành thân bệnh và tâm bệnh của con người.

Đức Phật có phải là một vị thần linh, có thể ban phước giáng họa cho chúng ta không?

Đức Phật không phải là một vị thần linh và cũng không phải là con của một vị thần linh nào, cũng không phải là sứ giả do một vị thần linh nào gởi đến thế giới này cả. Ngài thuần túy là một con người đến cõi đời này với hình thức bình thường như tất cả chúng ta: có “cha sinh mẹ đẻ.” Ngài dạy cho chúng ta thấy rằng con người có thể hoàn thiện mình bằng chính khả năng của mình, nói cách khác tất cả chúng ta đây đều có khả năng giác ngộ như Ngài.

Đức Phật không có khả năng ban phước giáng họa cho ai cả và Ngài dạy rằng không có ai có thể ban phước hay giáng họa cho ai cả. Mỗi hành vi thiện của mình là một phước lớn và mỗi hành vi ác tự nó là một sự trừng phạt. Thật vậy, nếu ta làm ác mà pháp luật không biết (vì ta giấu giếm) thì chính lương tâm ta không để ta yên, cứ lo sợ ưu phiền, ăn không ngon ngủ không yên, tâm ta luôn ở trong âu lo, sợ hãi, bất an. Như vậy còn khổ hơn là thà bị ở trong tù nữa.

Bạn có thể tóm tắt giáo lý cơ bản của đạo Phật vào một vài câu thôi hay không?

Xin kể bạn một câu chuyện vui. Một người đến hỏi một nhà sư: Bí quyết để thành Phật là gì? Nhà sư đáp: Tránh tất cả các việc ác, làm tất cả các việc thiện, giữ tâm ý trong sạch (kinh Pháp cú). Người kia nói: Thật là dễ quá, ai mà không biết, một đứa bé lên ba cũng biết! Nhà sư đáp: Đúng vậy, một em bé lên ba cũng nói được nhưng một ông già 80 tuổi làm suốt đời cũng không được. Vậy nếu bạn muốn tóm tắt đạo Phật vào trong vài câu kệ thì đây là các câu bạn muốn:

Tránh tất cả việc ác

Làm tất cả việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ấy lời chư Phật dạy.

Còn giáo lý cơ bản sâu hơn một chút là gì?

Đó là giáo lý Tứ diệu đế hay “Bốn sự thật cao quý”. Những nhà Phật học ví Tứ diệu đế xuyên suốt giáo lý Phật đà như một bánh xe nối các căm xe, niền xe và trục xe vậy. Tứ là bốn, Diệu là vi diệu, tuyệt diệu, quí báu, và Đế là sự thật.

Vậy “đế” thứ nhất là gì?

Đế thứ nhất (tức là chân lý thứ nhất) là khổ đế (dukkha = sufferings). Sống là khổ, nói cách khác, không ai có thể sống mà không có kinh nghiệm về sự khổ cả. Đức Phật dạy: “Nước mắt của chúng sanh chứa đầy trong bốn bể (đại dương)”.

Như vậy đạo Phật có yếm thế (chán đời, bi quan) không? – Không, đức Phật dạy “sống là khổ”, nhưng không nói “hãy lìa bỏ cuộc sống” hay “cuộc sống đáng chán”. Đây là một kinh nghiệm mà ai cũng phải trải qua: một đứa bé mới lọt lòng mẹ đã khổ rồi (vì ra khỏi bụng mẹ, nóng lạnh bất chợt v.v… Và một thi sĩ đã nói: Em bé mới chào đời đã thấy khổ vì “đời có vui sao chẳng cười khì”; già cũng làm ta khổ, bệnh, chết cũng vậy; nhưng những người thân của ta lại rơi lệ biệt ly! Nói tóm lại, con người ai cũng phải khổ vì sinh, già, bệnh, chết; chưa nói còn nhiếu thứ khổ nữa!

Có lý lắm, xin bạn nói tiếp tục về “đế” thứ hai?

Đế thứ hai là Tập đế (samudaya = the roots). Tập đế là nguyên nhân của Khổ, nguồn gốc của Khổ. Khi ta tiếp xúc với Khổ, ta hãy nhìn sâu vào nó để thấy gốc rễ của nó, ta sẽ thấy được cái gì đã nuôi dưỡng nó, nhờ vậy ta có thể tiêu diệt nó bằng cách không cung cấp thức ăn cho nó nữa.

Cái gì là thức ăn nuôi dưỡng cái Khổ hở bạn?

Đó là tham ái và chấp thủ. Tham lam, yêu ghét, lấy bỏ, v.v… là những thức ăn cung cấp cho Khổ! Thế nhưng con người luôn luôn chạy đi tìm khoái lạc trong những trạng thái tâm bệnh hoạn như thế! Thật vậy, khi thích thì nắm giữ say sưa, mất thì đau đớn, khổ sở; khi ghét thì tìm trăm phương ngàn kế để lìa bỏ, khi thấy người không giống mình, không ủng hộ mình thì sinh tâm thù hằn, tìm cách bôi nhọ, làm hại v.v… những cái đó chính là cái nhân của đau khổ phiền não tự mình chuốc lấy mà thôi. Nếu ta sống với cái tâm thanh tịnh, bình đẳng thì tham ái và chấp thủ không có cơ hội “vùng lên” đem Khổ đến cho ta nữa, mà vắng mặt Khổ tức là an lạc vậy.

Vậy còn “đế” thứ ba là gì?

Đế thứ ba là Diệt đế (nirodha = the cessation). Diệt đế là sự chấm dứt đau Khổ. Đức Phật dạy về Khổ nhưng không nói rằng không thể chấm dứt Khổ được. Diệt đế chính là sự chữa lành bệnh Khổ của chúng sanh. Diệt đế là sự vắng lặng hoàn toàn, tịch tĩnh hoàn toàn, còn gọi là trạng thái Niết-bàn.

“Đế” thứ bốn là gì?

Đế thứ bốn là Đạo đế (magge = the path): Đạo đế là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Con đường đó đối với Phật tử chúng ta là Bát chánh đạo; đó là: Chánh kiến (Right view), Chánh tư duy (Right thinking), Chánh ngữ (Right speech), Chánh nghiệp (Right actions), Chánh mạng (Right livehood), Chánh tinh tấn (Right diligence), Chánh niệm (Right mindfullness), Chánh định (Right Concentration).

Xin bạn cho biết áp dụng Bát chánh đạo vào cuộc sống hằng ngày như thế nào?

Thiền sư Achaan Chah nói rằng Bát chánh đạo giản dị nhất nằm ngay trong chúng ta là: hai mắt, hai tai, hai mũi, một lưỡi và một thân. Nào, bạn nghĩ thử có phải không? – Đây là 8 cánh cửa vào Đạo, tâm chúng ta đi trên con đường ấy. Biết những cửa này và quan sát chúng thì tất cả giáo pháp sẽ hiện hành.

Tu hai con mắt:

Khi hai mắt ta tiếp xúc với sắc (cảnh vật bên ngoài) mà thiếu ánh sáng của chánh niệm thì ham muốn liền khởi lên và tâm dao động: ưa-ghét, lấy-bỏ liền hiện ra dưới đủ mọi hình thức. Nếu ta tu tập chánh kiến thì khi nhìn mọi sự vật hiện tượng, phải nhìn dưới ánh sáng của vô thường, vô ngã, không tham đắm cũng không xua đuổi. Từ cái nhìn của con mắt thịt, chúng ta tiến xa hơn một bước về cái nhìn hướng thượng để nhìn tất cả các sự vật hiện tượng trong cuộc đời này với tâm bình đẳng không ưa ghét, mong cầu, than trách v.v… Không chỉ thích mùa Xuân mà ghét nắng của mùa Hạ, không buồn khi mùa Thu đến, không ta thán khi mùa Đông tuyết đóng băng v.v… Sống thuận theo bốn mùa của thiên nhiên; mùa nào cũng tốt, ngày nào cũng vui như thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Đông ăn măng trúc, Thu ăn giá

Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao…

Hay như thiền sư Vạn Hạnh, không lo âu sợ hãi trước những thăng trầm của cuộc đời:

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi

Thịnh suy như hạt sương đọng nơi đầu ngọn cỏ)

Thế còn lỗ tai thì tu như thế nào?

Tai cũng là một cửa đi vào Đạo. Khi nghe khen ta không chấp vào lời khen mà sinh ra ngã mạn, khi nghe chê cũng không vì chấp vào lời chê mà chán nản, ghét người chê mình. Những lời khen, lời chê… tự nó không xấu nhưng nếu ta chấp vào chúng mà khởi tâm bất thiện thì cái nguy hiểm là ở chỗ này. Hãy quán sát âm thanh đơn thuần là âm thanh thì hiểu được Đạo. Khen hay chê đều không thể biến ta thành người khác: khi ta bình thản trước những lời chê bai, chưởi mắng của một người nào đó, tức là ta đã độ được tâm mình, độ được người ấy mà chính cũng là người ấy đã độ ta. Đức Phật nói không sai: “Tai cũng là một biển lớn mà ta phải vượt qua” . Vì vậy: giữ tâm bình thản trước mọi âm thanh thì chính là ta đã “tu hai lỗ tai” rồi.

Tu cái lưỡi:

Cái lưỡi cũng quan trọng trong việc ăn và nói. Tham ăn cũng có thể đưa đến những tai hại và sai lầm không sửa lại được. Ví dụ như ăn vào những chất độc làm hại cơ thể, hại dạ dày, hại gan v.v… Nguy hiểm hơn một chút là khi được ăn ngon, uống say có thể bị mua chuộc, bị ám hại, bị lợi dụng v.v… mà không thể đề phòng được. Vì vậy tu cái lưỡi là khi ăn, phải biết “ăn chánh niệm”, nghĩa là ta phải biết rằng “ăn để mà sống”, thức ăn có tác dụng như thuốc bổ, có thể nuôi sống thân mạng mình. Trước khi ăn phải khởi lên một niệm biết ơn những người gián tiếp hay trực tiếp lo cho ta bữa ăn này. Khi ăn phải nhai thật kỹ, không ăn quá no, không vừa ăn vừa lo nghĩ, giận hờn, phiền muộn… như thế thì thức ăn mới được tiêu hóa, dễ dàng nuôi dưỡng cơ thể.

Còn “nói” chính là thể hiện hay tu tập “Chánh ngữ”. Đó là lý do chúng ta thường được nghe câu “phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” vậy. Đánh răng và súc miệng mỗi buổi sáng là cần thiết và quan trọng như thế nào thì giữ gìn lời nói của mình “cho sạch nghiệp nói năng” còn quan trọng hơn nữa. Muốn nói cho “sạch nghiệp” thì phải nói lời chân thật, lời dịu dàng, lời đoàn kết, đem lại an vui lợi ích cho người khác. Đừng bao giờ nói trong lúc đang giận dữ, vì “giận thì mất khôn”. Cái lưỡi sẽ “phun” ra những nọc độc bắn vào người khác làm tổn thương họ và sau khi nguôi giận, có thể ta sẽ ân hận suốt đời. Đó là chưa nói: trong lịch sử nhân loại xưa nay không hiếm gì ví dụ một lời nói có thể làm sụp đổ một ngai vàng, cũng có thể đem lại hòa bình cho nhân loại, cũng có thể gây ra chiến tranh thế giới v.v… Những điều này nhắc ta sự quan trọng của lời nói tức là Chánh ngữ trong Bát chánh đạo.

Xin tặng Bạn bài thi kệ này để chúng ta tự nhắc nhở mình về cách nói năng của mình ngay lúc vừa thức dậy, đi đánh răng và súc miệng:

Đánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ

Hoa nở tự vườn tâm.

Tu hai lỗ mũi:

Tu hai lỗ mũi là “biết thở Chánh niệm”. Thở chánh niệm là “thở vào ta biết ta đang thở vào, thở ra ta biết ta đang thở ra” mà không chú ý đến gì khác ngoài hơi thở. Điều này nghe thì dễ nhưng làm thì khó. Ai đã từng thực tập đếm hơi thở (sổ tức quán) đều có kinh nghiệm này: nếu không có chánh niệm, ta sẽ đếm nhầm ngay (và phải bắt đầu lại!☺☺!!).

Năng lượng chánh niệm do hơi thở tạo ra sẽ giúp ta an trú trong hiện tại, không tìm về quá khứ, không mơ tưởng tương lai – những thứ này là nguyên nhân của đau khổ phiền não. Khi đã có khả năng kiểm soát hơi thở vững vàng, ta sẽ điều hòa được những ưa-ghét, lấy-bỏ của hai lỗ mũi; lúc đó mùi hôi không còn làm ta giận dữ, khó chịu cũng như mùi thơm không còn khả năng lôi cuốn, chiếm giữ hay sai sử tâm ta nữa; vì vậy mới nói rằng: an lạc sẽ đến với những người biết điều hòa hơi thở hay biết thở chánh niệm.

Tu Thân:

Ba nghiệp dữ (ác nghiệp) của thân là: sát sanh, trộm cướp và tà hạnh (nghiệp = những hành động cố ý, gây ra tội). Đức Phật dạy: nguyên nhân của những nghiệp dữ này là do ý (tâm) chủ động hết thảy:

Tâm dẫn đầu mọi Pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu với tâm ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não sẽ theo sau

Như xe theo (con) vật kéo.

(kinh Pháp Cú 1)

Tâm dẫn đầu mọi Pháp

Tâm chủ, Tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo sau

Như bóng không rời hình.

(kinh Pháp Cú 2)

Thật vậy, nếu mắt tiếp xúc với sắc, tai tiếp xúc với âm thanh… mà không có ý phụ họa thì đâu có tạo nghiệp? Thấy sắc, nghe tiếng rồi khởi lên ý niệm đẹp-xấu, hay-dở, rồi khen-chê, ưa-ghét, lấy-bỏ; mới thành ra dính mắc, mới đâm ra ăn cướp, ăn trộm, giết người, cướp của, v.v… Như vậy những nghiệp của thân chính ra là do ý dẫn dắt vậy. Chúng ta thấy rõ rằng: mắt, tai, mũi, lưỡi chính là ở trong thân rồi; nhưng nói về thân để còn nói đến thân thể, tay chân… nữa; nói chung, tất cả những bộ phận trên thân người đều có thể gây ra tội. Cho nên, đến đây chúng ta có thể thêm vào lời dạy của ngài A Chah Chaan: Bát chánh đạo trong ta gồm: hai mắt, hai tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Đạo Phật dạy nhiều giáo lý từ thấp đến cao, có ích lợi như vậy mà tại sao có những Phật tử vẫn đi vào chùa xin xăm, coi bói toán, xin bùa v.v… như vậy là họ có tin vào thuyết nhân quả không?

Trước hết, những người đi vào chùa xin xăm, đi coi bói v.v… chưa hẳn tất cả đều là Phật tử.

Thứ đến, cho dù họ là Phật tử nhưng xin xăm, coi bói v.v… là do tính hiếu kỳ chứ chưa hẳn họ đã tin.

Thứ ba, có nhiều người gọi là Phật tử là vì gia đình thờ Phật nhưng bản thân họ không nghe, không đọc kinh điển, không tu tập theo các phương pháp truyền thống như Thiền, Tịnh độ v.v… cho nên họ không hiểu đúng những lời dạy của đức Phật, đức tin của họ có thể lớn hơn trí huệ của họ.

Tại sao có một số chùa chủ trương cho Phật tử xin xăm và giải xăm cho họ?

Xin xăm không phải theo truyền thống Phật giáo nhưng có thể nói là một tập quán lâu đời của dân tộc ta; đặc biệt trong những ngày Xuân, ngày Tết, người ta thích coi bói, xin xăm để thử xem năm tới có tốt hơn năm rồi không; ngoài ra một số những thanh niên nam nữ tuy không tin nhưng cũng bắt chước hay chiều ý người bạn trai (hay bạn gái) của mình.

Các chùa tất nhiên là hiểu biết rõ ràng giáo lý nhân quả, nhưng cũng phải “tùy thuận chúng sanh”, cho họ cơ hội làm quen với chùa, làm quen với việc đi chùa, từ đó họ có thể tiếp cận với Phật pháp và hiểu được sâu hơn. Nhiều khi ban đầu họ đến chùa vì những chuyện “lãng xẹt” nhưng giúp họ lui tới chùa, quen được những thiện tri thức làm cho họ cảm mến, kính phục chẳng hạn, đưa họ vào Đạo một cách dễ dàng. Cái duyên đối với chùa, với Phật, với chư Tăng Ni nhiều khi rất đặc biệt, nên xin xăm cũng có thể đem họ đến với Đạo. Vì vậy, các chùa khó có thể bỏ tục xin xăm trong mấy ngày Tết.

“Bạn Có Biết?” đúng là một chuyện dài nhiều tập! Xin hẹn các bạn lần sau!☺☺!!■

Bạn Có Thể Chưa Đọc...