Xây Dựng NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPT

qua ba bước chân đầu tiên TẦM SƯ HỌC ĐẠO của THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ

 
Thành kính tạc dạ ân tình của Ni Trưởng Viện chủ chùa Dược Sư – Cố vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Chánh Pháp – đã tạo cho con có được rất nhiều thuận duyên trong việc nghiên cứu và học hỏi giáo lý của bộ KINH HOA NGHIÊM. TÂM QUANG Lê Đức Hùng
I.- PHẦN GIỚI THIỆU : “Nhập Pháp Giới” là phẩm thứ 39 và là phẩm quan trọng nhất, dài nhất của bộ Kinh Hoa Nghiêm. Đây là bộ Kinh được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trong Hội Hoa  Nghiêm thứ 9 ở khu rừng Thệ Đa thành Thất La Phiệt tại trung tâm Ấn Độ.

Bộ Kinh Hoa Nghiêm có 80 quyển, riêng phẩm này đã chiếm trọn 20 quyển ( Từ quyển 60 đến quyển 80 trong Bát Thập Hoa Nghiêm – Hán Tạng ). Còn Hoa Nghiêm Việt dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh gồm có 8 quyển thì phẩm thứ 39 này đã chiếm trọn 2 quyển 7 và 8.

Nội dung chủ yếu của toàn bộ phẩm này kể chuyện Thiện Tài Đồng Tử là một mẫu người lý tưởng không chỉ cho hàng “Xuất Gia” mà còn cho cả hàng “Phật Tử Tại Gia”. Thiện Tài Đồng Tử khao khát đi tìm chân lý tuyệt đối để giải quyết trọn vẹn lý tưởng tối hậu của mình đó là :

“THƯỢNG CẦU PHẬT ĐẠO

HẠ HÓA CHÚNG SANH”.

Vì lý tưởng đó cũng như để đáp ứng tấm lòng mong cầu học hỏi trong tất cả mọi lĩnh vực, Thiện Tài Đồng Tử đã dạo gót phong trần chu du khắp mọi nơi, mọi chốn, tìm học đủ mọi Pháp Môn, đến thọ giáo với đủ loại…”Sư Phụ”. 53 vị Thầy của Thiện Tài Đồng Tử không chỉ có các vị Đại Bồ Tát như Ngài “Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát”, Ngài “Quán Thế Âm Bồ Tát”, Ngài “Di Lặc Bồ Tát”, Ngài “Phổ Hiền Bồ Tát”.v.v… mà còn bao gồm các “Thiên Thần, Địa thần, Dạ Thần, Vua, Quan, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Cư Sĩ, Trưởng Giả, Thuyền Trưởng, .v.v… cho đến các Đồng Nam, Đồng Nữ, các hạng người Bán Phấn Buôn Hương.v.v…”

Chính vì vậy mà Phẩm này cũng là phẩm tiêu biểu cho những giáo lý căn bản của Phật Giáo Ðại Thừa đã được trình bày qua 53 lần tầm sư học Ðạo của Thiện Tài Ðồng Tử . Tuy nhiên vì chủ đích và giới hạn của bài viết cho nên chỉ xin đơn cử BA lần học Đạo đầu tiên của Thiện Tài Đồng Tử để rút ra hoặc nêu lên một số nét tiêu biểu nhằm xây dựng “Hình Ảnh và Phẩm Chất của người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử – Là những sứ giả HỘ PHÁP – Là những người đang ngày đêm gieo rắc hạt giống Bồ Đề vào những cánh đồng…TÂM  thơ non bẻ bỏng của những thế hệ thanh thiếu và đồng niên”.

II.- THIỆN TÀI ÐỒNG TỬ HỌC ÐẠO VỚI ÐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT :

( Hình Ngài Văn Thù Sư Lợi dạy Ðạo cho Thiện Tài Ðồng Tử )

Khi gặp Ngài Văn Thù, Thiện Tài Ðồng Tử bạch rằng :

“Cúi xin Ðức Thánh vì tôi mà dạy, Bồ Tát phải học Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải tu Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải đến Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải thực hành Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải tịnh Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải nhập Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải thành tựu Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải tùy thuận Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải ghi nhớ Bồ Tát Hạnh thế nào ? Phải thêm rộng Bồ Tát Hạnh như thế nào ?  Phải làm thế nào cho Phổ Hiền Hạnh mau được viên mãn ?

Lúc đó Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát vì Thiện Tài Ðồng Tử mà nói kệ…Nói kệ xong, Ngài Văn thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Thiện Tài Ðồng Tử rằng :

Lành thay ! Lành thay ! Nầy thiện nam tử ! Ngươi đã phát tâm vô thượng Bồ Ðề, cầu hạnh Bồ Tát.

Này thiện nam tử nếu có chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ Ðề, đây là việc rất khó. Ðã có thể phát Bồ Ðề Tâm rồi lại cầu Bồ Tát Hạnh, việc này càng khó gấp bội.

Này thiện nam tử ! Nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí thì phải quyết định cầu chân thiện tri thức.

Này thiện nam tử ! Cầu thiện tri thức chớ có mỏi lười. Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi phải đều tùy thuận. Nơi thiện xảo phương tiện của thiện tri thức chớ thấy lầm lỗi.

Phương nam này có một nước tên là Thắng Lạc. Trong nước Thắng Lạc có tòa núi tên là Diệu Phong. Trên núi đó có một tỳ kheo tên là Ðức Vân. Ngươi nên đến hỏi tỳ kheo Ðức Vân : Bồ Tát phải học Bồ Tát Hạnh như thế nào ?. Phải tu Bồ Tát Hạnh thế nào ?Nhẫn đến phải như thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền ?. Tỳ kheo Ðức Vân sẽ chỉ bảo cho ngươi”.

Ðoạn Kinh văn trên dạy cho chúng ta thấy rằng, sau khi nghe Thiện Tài Ðồng Tử bày tỏ tấm lòng thiết tha cầu Ðạo của mình, Ngài Văn Thù thấy Ðồng Tử này đã thổ lộ tâm can, thiết tha cầu Ðạo, có tâm rộng rãi, có lòng nghĩ tưởng đến chúng sanh đang đau khổ cho nên Ngài đã dạy cho Thiện Tài : “MUỐN HỌC ÐẠO BỒ TÁT, TRƯỚC HẾT CON PHẢI BIẾT PHÁT ÐẠI BỒ ÐỀ TÂM, SAU ÐÓ PHẢI THÂN CẬN VỚI THIỆN TRI THỨC KHẮP NƠI ÐỂ HỌC HỎI”.

Lời dạy này nêu lên hai vấn đề quan trọng :

  • Thứ nhất là Phát Bồ Đề Tâm , đây cũng chính là Phát Bồ Đề Nguyện : Anh chị  em Huynh Trưởng, bất cứ  ai đã tham gia các trại huấn luyện hay ít ra cũng đã qua một lần thọ cấp thì đều đã nương vào lời nguyện của Ngài A Nan để bộc bạch tâm can ý nguyện của mình trước Tam Bảo qua bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm mà tiêu biểu là những câu :

“…Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

Như nhất chúng sanh vị thành Phật

Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn…

Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong

Thước ca ra tâm vô động chuyển”.

( Cúi xin Đức Thế Tôn

Chứng minh cho chúng con,

Thệ nguyện quyết vào trước

Trong ngũ trược ác thế;

Nếu còn một chúng sanh

Chưa thành được Phật đạo,

Quyết không ở nơi đó

Chịu chứng quả Niết Bàn…

Tính hư không bất diệt

Dẫu có thể tiêu mất,

Tâm nguyện chắc chắn này,

Quyết không hề lay động ).

( Kinh Thủ Lăng Nghiêm,  Trang 309 ,  Tâm Minh – Lê Đình Thám dịch ) Dầu với lòng thành như thế nào thì mỗi Huynh Trưởng cũng đã tuyên đọc lời nguyện này rồi. Thế nhưng chúng ta đã …”Y Nguyện Phụng Hành” được bao nhiêu ??. Đó là điều mà hằng ngày chúng ta cần phải …tỉnh thức, ”QUÁN CHIẾU”.

  • Thứ hai là cố tìm cho được MINH SƯ để nương nhờ trông cậy trong suốt cả cuộc đời tu tập, hành trì của mình. Ai sẽ là minh sư của mình và cho mình?. 53 bước chân tìm thầy học Đạo của Thiện Tài Đồng Tử đã trả lời, đã dạy cho chúng ta thật rõ ràng cụ thể.

III.- THIỆN TÀI ÐỒNG TỬ HỌC ÐẠO VỚI TỲ KHEO ÐỨC VÂN :

( Tại nước Thắng Lạc,  núi Diệu Phong, Tỳ Kheo Ðức Vân dạy

pháp môn Niệm Phật cho Thiện Tài Ðồng Tử )

Theo lời Ngài Văn Thù dạy bảo, Thiện Tài Ðồng Tử tiến về hướng nam, hỏi thăm đến nước Thắng Lạc, núi Diệu Phong, nơi Hòa Thượng Ðức Vân tĩnh tu để xin học đạo và Hòa thượng dạy cho Pháp Môn Niệm Phật là pháp môn thù thắng đệ nhất có thể áp dụng cho mọi hạng người, thông minh hay ngu tối, không phân nam, nữ, tuổi tác, ai ai cũng có thể dễ dàng thực hiện.

“Người tu hành muốn được thành Phật ắt phải học nhiều pháp môn và trải qua thời gian tu tập lâu xa, trong khi đó ở cõi Ta Bà ô trược này lại có nhiều chướng ngại, nếu không thường được gặp Phật thì sự thành công thật là rất khó. Muốn bảo đảm cho sự tu hành chắc chắn có kết quả mong đợi, và muốn làm an lòng những ai còn e ngại khó tu, khó chứng, Phật đã phải phương tiện chỉ bày cho một đường lối thù thắng, đó là việc nhất tâm niệm Phật, cầu Vãng sinh về cõi Cực lạc của Phật A Di Ðà, để thường được gặp Phật, làm bạn với các vị Bồ tát, ngày đêm được nghe tiếng pháp nhiệm mầu. Ở đó, suối reo, chim hót, tất cả đều diễn ra tiếng pháp vi diệu, sống trong cảnh thuận tiện sung sướng đó thì lo gì chẳng chứng đạo quả Vô thượng Bồ Ðề?”.

“Nầy thiện nam tử ! Ta được sức thắng giải tự tại quyết định, tín nhãn thanh tịnh, trí quang chói sáng, thấy khắp các cảnh giới khỏi tất cả chướng ngại,quán sát khéo léo, phổ nhãn sáng suốt, đủ hạnh thanh tịnh…thường thấy tất cả chư Phật mười phương…Nầy thiện nam tử ! Ta chỉ được pháp môn “Ức niệm nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến” này thôi .

( Kinh Hoa Nghiêm – HT Trí Tịnh dịch – Quyển 7 – Trang 181 )

Ta chỉ có pháp “Trì danh niệm Phật” để dạy con thôi, con khá nên nhớ lấy, và hành trì cho tới chỗ “nhất tâm bất loạn”.

Này thiện nam tử ! Phương nam có một nước tên là Hải Môn, nơi đó có tỳ kheo tên là Hải Vân. Ngươi đến hỏi Hải Vân rằng Bồ Tát thế nào học Bồ Tát Hạnh, tu Bồ Tát Đạo ? Hải Vân tỳ kheo có thể phân biệt nói nhơn duyên phát khởi thiện căn quảng đại…”.

Bây giờ ta hãy chú ý đến ý nghĩa biểu tượng của các địa danh và hình ảnh trong đoạn Kinh nêu trên để rút ra những bài học.

* Nơi đầu tiên mà Thiện Tài đến học Ðạo là nước THẮNG LẠC . Thắng có nghĩa là hơn, là được như chiến thắng, hay là danh lam thắng cảnh . Lạc có nghĩa là vui. Nước Thắng lạc là nơi mà ai đến đó cũng sẽ được vui sướng hơn bất cứ nơi nào khác. Người Huynh Trưởng : Chúng ta nên nghĩ gì và làm gì để mọi nơi chúng ta đến, mọi nơi chúng ta sinh hoạt đều là…Thắng Lạc Độ!?. Thắng Lạc cho chính bản thân mình cũng như Thắng Lạc cho tất cả mọi đoàn sinh, mọi người trong đơn vị mà mình đang sinh hoạt ??.

* Ngọn núi có tên là Diệu Phong : Diệu Phong là ngọn gió kỳ diệu. Nếu đã từng đọc Kinh A Di Ðà, nghe những tiếng chim Ca Lăng, Tần Gìa, Cộng Mạng.v.v…hót lên những âm thanh Ngũ căn , Ngũ Lực, Thất Bổ Ðề phần , Bát Chánh Ðạo phần thì ở đây có lẽ chúng ta cũng sẽ không thấy khác gì cả. Ngọn gió này sẽ thổi nhè nhẹ vi vu từng lời, từng điệu của 37 phẩm trợ đạo nhằm cuốn đi tất cả mọi sự khổ đau, mọi sự lo âu tính toán, mọi điều phiền muộn, mọi niệm vọng tưởng.v.v… và mang đến cho chúng ta sự mát mẻ, an lạc, thanh tịnh và thảnh thơi.v.v…Ý nghĩa đó gợi cho chúng ta nhớ đến pháp Ái Ngữ trong “Tứ Nhiếp Pháp”. Ăn nói, phát biểu như thế nào để tạo nên được những âm thanh, những tiếng nói có tác dụng làm mát lòng người, làm định tâm cho đối tượng, làn thanh thản tinh thần cho tất cả mọi người nghe.v.v…

* Hình ảnh của ngọn núi Diệu Phong:

– Từ chân núi, muốn leo lên đến đỉnh núi, rõ ràng quả thật không phải là dễ dàng thuận tiện, do vậy hình ảnh đi lên núi cao gợi cho chúng ta phải ý thức rằng trên bước đường tu tập và phụng sự Đạo Pháp, phục vụ tổ chức Gia Đình Phật Tử, chúng ta phải luôn luôn tinh tấn, quyết chí vươn lên để đạt được mục đích, đạt được lý tưởng đang hướng tới.

– Hình ảnh đứng trên đỉnh núi cao cũng là biểu tượng của kết quả cao nhất mà chúng ta phải đạt được : Một là chóng thành Phật quả, hai là mang lại những lợi ích thiết thực cho Đạo Pháp, cho Dân Tộc , cũng như cho Tổ Chức với những hiệu quả tốt đẹp nhất.

– Lên núi cao để tìm Thầy học hỏi, nó cũng còn có nghĩa là chúng ta phải cố học để đạt được trình độ cao nhất của kiến thức về thế học cũng như đạo học.

– Lên núi cao để học hỏi, cũng có nghĩa là chúng ta phải thực sự kiên tâm tu sửa bản thân để có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp nhất, trí tuệ sang suốt nhất, phước huệ vẹn toàn.

– Khi lên đến được đỉnh núi cao, hướng xuống dưới, chúng ta sẽ có được tầm nhìn hết sức bao quát, rộng rãi, đó là ý nghĩa của vấn đề anh chị em Huynh Trưởng chúng ta phải học, phải tự rèn luyện cho mình luôn có được cái nhìn quán xuyến, có được tầm nhìn cao nhất, tầm nhìn xa nhất, tầm nhìn bao quát nhất trước tất cả mọi vấn đề để lo lắng cho tiền đồ của Tổ Chức.

– Khi đứng trên đỉnh núi cao, nhìn xuống thì thấy mênh mông rộng rãi, ngước mắt nhìn lên trời thì thấy bao la, bát ngát vô ngần. Khi đó chúng ta sẽ thấy cá nhân mình thật là vô cùng nhỏ bé trước cảnh vật của thiên nhiên, đất trời !. Đó là ý nghĩa của vấn đề chúng ta hãy cố tu tập để phá vỡ đi CÁI TA hạn hẹp của mình nhằm mở tung cánh cửa cho TIỂU NGÃ của ta hòa đồng cùng với ĐẠI NGÃ của càn khôn, vũ trụ.

* Vị thầy đầu tiên của Thiện Tài có tên là Ðức Vân. Ðức Vân có nghĩa đạo cao đức trọng bao la rộng rãi như mây tỏa giăng bao phủ lấy cả bầu trời. Ngài Văn Thù Sư Lợi quả đúng là “Ðại Trí” khi giới thiệu cho Thiện Tài Đồng Tử trước hết và đầu tiên là phải đến học với tỳ kheo Ðức Vân. Ngài Khổng Phu Tử cũng đã dạy cho chúng ta thấy rằng điều quan trọng nhất đối với mỗi con người là cái ÐỨC qua câu đầu tiên của quyển sách ÐẠI HỌC:

“Ðại Học Chi Ðạo, Tại Minh Minh Ðức, Tại Thân Dân, Tại Chỉ Ư Chí Thiện” .

Cha ông ta thì thường nói : “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”. Do vậy, Ðức Hạnh là điều cốt yếu nhất của tất cả mọi người. Có tài mà không có đức thì cái tài này chẳng được mấy ai tin phục và nó lại có phần… nguy hiểm nữa là khác ! Có đức mà thiếu tài, chẳng bao giờ bị ai chê, nếu có chăng cũng chỉ là điều…đáng tiếc mà thôi !. Cái Ðức, nó đặc biệt quan trọng với người Huynh Trưởng. Trong Tổ Chức của chúng ta, cũng có một số ít anh chị em tài thì…chưa trội hẳn mọi người nhưng…Cái Ðức thì…rất tiếc ! Nó lại hơi nhỏ, hơi ngắn, hơi thấp, cho nên có phần hạn chế đi cái HIỆU QỦA phục vụ cho lý tưởng của mình. Không những thế, nó lại tạo thành một cái gương không mấy trong lành cho hậu thế noi theo!!.

* Khi lên đến núi Diệu Phong, Thiện Tài Ðồng Tử phải chờ đến bảy ngày sau mới được thấy tỳ kheo Ðức Vân đang chậm rãi kinh hành ở đỉnh núi toát ra đức hạnh cao cả như ngọn núi cao mà Ngài đang ở. Và Thiện Tài phải đi vòng quanh núi đến 7 ngày mới gặp vị Thầy mà mình đang mong mỏi được yết kiến. Ðiều này cũng dạy cho chúng ta ý thức rằng muốn tu tập, muốn phục vụ Ðạo Pháp hay tổ chức Gia Ðình Phật Tử, muốn uốn nắn dạy bảo các thế hệ đàn em, chúng ta luôn luôn phải trải qua những giai đoạn thử thách, những sự chướng ngại mà nếu chúng ta không đủ hạnh kiên trì, nhẫn nại thì sẽ dễ dàng…bỏ cuộc !. Vì Thiện Tài Đồng Tử là một người có căn lành sâu dày ở Pháp Phật,

đã dũng mãnh phát Bồ Ðề Tâm, đã tinh tấn tiến thủ học Ðạo cho nên trong suốt 7 ngày ở núi Diệu Phong, thời gian đó quả là quá đủ để giúp cho cái tâm của Thiện Tài trở nên hoàn toàn thanh tịnh, đó là điều kiện tất yếu để gặp gỡ, để tiếp xúc được với vị Thầy khả kính của mình. ( Tâm Địa Nhược Không, Tuệ Nhật Tự Chiếu ). Anh chị em Huynh Trưởng chúng ta đã đủ kiên nhẫn để chờ đợi trước tất cả mọi vấn đề hay chưa ?. Lại thêm cho dù có chờ đợi bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm đi nữa mà nếu cái tâm của chúng ta cứ vẫn còn dong ruỗi theo vọng niệm thì điều mà chúng ta đang mong chờ cũng sẽ chẳng bao giờ…xuất hiện !!!.

* Cảnh núi rừng u tịch ở đây cũng nhắc nhở cho chúng ta ý thức về việc cố tạo cho mình một môi trường, một nơi chốn thuận tiện nhất, tốt đẹp nhất để chúng ta có thêm được nhiều trợ duyên trên bước đường hành đạo, tu tập và thực hiện lý tưởng phục vụ cho Tổ Chức. Mỗi khi chúng ta tạo ra được một môi trường tốt,  có nghĩa là chúng ta đã tạo được một “Đạo Tràng” trang nghiêm thanh tịnh, không những nó sẽ mang lại lợi ích vô cùng cho chính bản thân ta mà còn mang lại nhiều ích lợi, mang lại niềm an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc đến cho tất cả mọi thành viên chung quanh chúng ta.

IV.- THIỆN TÀI ÐỒNG TỬ HỌC ÐẠO VỚI TỲ KHEO HẢI VÂN :

( Tại Hải Môn, Thiện Tài Ðồng Tử học

pháp môn Quán Tưởng với Hải Vân Tỳ Kheo )

Hải Vân Tỳ Kheo dạy phép “Quán Tưởng”

Sau khi nghe Thiện Tài Đồng Tử trình bày nguyện vọng, Hải Vân tỳ kheo dạy:

“…Không thuận theo ngoại cảnh vui thích, thì tâm con không bị lôi cuốn bởi lục dục, thất tình. Không bị mờ ám bởi hình, danh, sắc, tướng, làm cho mình bị say mê mà đánh mất cả lương tri, lương năng”.

“ Không nghịch theo ngoại cảnh đau buồn thì tâm con được ổn định, không còn thấy cảnh đời đáng chán ghét mà phải tìm cách xa lánh, ở ngoài vòng cương tỏa. Vì không còn thuận nghịch, nên con ít sân hận, oán hờn, ít so sánh phân biệt, không còn đứng núi nọ trông núi kia”…

“ Từ một tư tưởng ưa thích, lòng tham nổi dậy, lôi cuốn theo những tư tưởng chiếm đoạt, tranh chấp, đố kỵ, bủn xỉn, vị kỷ, bám giữ, vui, buồn”…

“ Từ một tư tưởng ghét bỏ phát sinh những tư tưởng sân hận, mưu mô, xảo trá, lường gạt, loại trừ, để rồi gây nên những oán thù truyền kiếp”…

Cả hai loại tư tưởng yêu ghét đều làm cho tâm con mất thăng bằng, bình đẳng và xa lìa Chân tính. Con phải dùng đại dương làm bối cảnh để tập trung tinh thần mà quán tưởng . Ðại dương sâu rộng, bát ngát, bao la, có vô lượng châu báu thì tâm đại bi cũng có vô lượng đức tính cao đẹp. Ðại dương muôn trùng rộng rãi, thu nạp nước các sông ngòi, và những trận mưa to, thác lũ mà không hề tăng giảm thì tâm đại bi cũng chứa đựng mọi sầu não của chúng sinh và rửa sạch mọi vết thương lòng của muôn loài đau khổ mà vẫn như bất động, bình đẳng, vô phân biệt. Con phải mở rộng tầm mắt bao quát cả vũ trụ mông mênh, mở rộng tâm hồn cho vô biên cao cả, nhìn xa thấy rộng cảnh vật bên ngoài, rồi lại nhìn sâu vào đáy lòng mình để tìm hiểu chân lý của trời đất tiềm ẩn nơi đó. Vì Tâm tức Phật, Phật tức Tâm. Không thể tìm Phật hay sự thật ở đời, ngoài Tâm được. Với lý “Vạn vật đồng nhất thể” thì vũ trụ với con người chỉ là một mà thôi … Con nên bắt chước ta, dành nhiều thì giờ cho công phu thiền định và quán tưởng”…

( Bồ Tát Đạo – Minh Đức Thanh Lương – Trang 189 – 190 )

Kinh văn dạy rằng Hải Vân tỳ kheo tu tập bằng cách quán sát biển cả. Quán sát biển rộng bao la và sâu thăm thẳm, quán sát để thấy rằng biển có thể dung chứa được tất cả muôn loài từ loài lớn nhất cho đến những loài bẻ nhỏ nhất, từ đó cái tâm của Hải Vân cũng trở thành sâu rộng, dung chứa được tất cả muôn loài không phân biệt lớn nhỏ, tốt xấu . Dung chứa được tất cả muôn điều không phân biệt khen, chê, vui vẻ, giận hờn, trách móc, phiền muộn .v.v… mà TÂM của Hải Vân bao giờ cũng an nhiên tự tại, bình thản như biển cả dù có nước trăm nguồn đổ về cũng không cao mà dù cho nắng hạn bao nhiêu cũng không thấp xuống…

Ðiều này dạy cho anh chị em chúng ta rất nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ, cần phải hành trì làm sao để có thể bình thản an nhiên tự tại trước mọi sóng gió của thế sự, trước mọi vấn đề khúc mắc, hay trước những những Huynh Trưởng, Ðoàn sinh luôn tạo ra những vấn đề mà chúng ta chưa vừa ý, chúng ta phải quan tâm giải quyết.v.v…

* Hải môn : Môn là cửa, nhưng Hải Môn ở đây nó không có nghĩa là cửa biển mà là con đường, là cái cửa để đến được với biển, để hòa nhập được với tất cả mọi đặc tính của biển cả, là phương pháp để thấy, để đạt được tất cả mọi bản chất siêu việt của biển. Hải Vân dạy cho Thiện Tài quán sát biển cả để đạt được TRÍ TUỆ . Vì vậy Thiện Tài đến nước Hải Môn , gặp Thầy là Hải Vân  hai từ này gợi cho chúng ta liên tưởng đến ý nghĩa Trí Tuệ rộng sâu như biển cả và bao la thăm thẳm , bát ngát mênh mông như mây bềnh bồng bao phủ khắp mọi nẻo của phương trời.

* Kinh văn dạy rằng pháp môn tu tập của Hải Vân Tỳ Kheo là quán sát biển cả để chứng nghiệm được biển sâu rộng bao la thăm thẳm từ đó cái tâm của Hải Vân tỳ kheo cũng trở nên sâu rộng và có thể dung chứa được tất cả muôn loài, muôn điều… Anh chị em chúng ta sống trong cuộc đời, trong Tổ Chức bao gồm đủ mọi thành phần, đủ mọi hạng người từ tốt đến xấu, từ trẻ đến cao niên. Dĩ nhiên với cái tâm bình thường thì chúng ta chỉ thích gần gũi và giao du kết bạn, với người mà mình cảm thấy dễ thương , dễ mến, dễ gần gũi, còn ngược lại những người luôn làm khác ý với mình, luôn chống chỏi lại với mình, luôn ganh tị, chỉ trích mình thì chắc chắn là mình ghét bỏ hoặc tránh xa…Lại thêm có một số đơn vị đã xảy ra tình trạng những Huynh Trưởng cao niên thì mang mặc cảm tự ti, nghĩ rằng mình không theo kịp với xã hội hiện tại, một xã hội mà hầu như nền văn hóa khác biệt so với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói riêng cũng như các dân tộc Á Châu nói chung, một xã hội mà nền văn minh về khoa học công nghệ đang trên đà phát triển đến đỉnh cao cực thịnh của nó.v.v…, trong khi đó các đàn em của mình thì càng ngày càng đang tiến lên cho nên… rút lui khỏi Tổ Chức. Ngược lại, một số Huynh Trưởng trẻ thì nghĩ rằng mình có học vấn, được đào tạo ở trường lớp…Mỹ, ăn nói tiếng Mỹ lưu loát, từ đó lại phát sinh ý tưởng cống cao ngã mạn. Vốn liếng hiểu biết về Tổ Chức chưa sâu, hành trì và kiến thức Phật Học thì còn cạn ấy vậy mà lại đòi …”Trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo” do đó chất lượng và số lượng của không ít đơn vị Gia Đình Phật Tử tại Hoa Kỳ đã càng ngày càng bị thu hẹp, bị rút nhỏ lại !!. Thật đáng tiếc lắm thay !!!. Bài dạy của Tỳ kheo Hải Vân yêu cầu chúng ta phải quan sát đặc tính bao dung của biển cả để già và trẻ, trung niên và thanh niên nên nắm tay nhau, ngồi lại cùng nhau, để bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Theo từng bước chân của Thiện Tài Ðồng Tử tìm Thầy học Ðạo với Tỳ Kheo Hải Vân, chúng ta cũng nên tập nhìn, tập quán sát biển cả để mở rộng tầm nhìn, mở rộng lòng thương để có thể giữ được cái tâm bình thản không bị vướng mắc, dính chặt từ đó có thể thông cảm, tha thứ và đi đến thương yêu, thiết lập cho cái tâm của chúng ta cũng giống như biển cả, đó là nơi dung chứa, chở che, đùm bọc cho tất cả muôn loài chung sống với nhau. Hy vọng lắm thay !!!.

* Một đặc tính của biển cả là luôn luôn có nhiều của báu ở trong lòng đại dương. Ðiều này gợi cho ta vấn đề gì ?. Trong chúng ta ai cũng có viên ngọc sáng rỡ và qúy báu vô cùng, đó chính là…PHẬT TÁNH của mỗi chúng sanh. Ai cũng có…HẢI TÂM cả, vấn đề là làm sao lặn hụp cho đến được tận mọi nơi, đến khắp ở tất cả mọi chỗ sâu thẳm nhất để gom góp, để nhặt lấy, để tìm cho ra, lấy cho được những …KHO BÁU có sẵn ở ngay trong lòng …BIỂN CẢ của chính mình. Xin nỗ lực khai thác cái kho báu của mình để tiêu xài, sử dụng, đừng bao giờ chấp nhận lối sống của anh chàng…”CÙNG TỬ” đi xin ăn, làm thuê, làm mướn khắp mọi nẻo như đã được mô tả thật cụ thể trong phẩm “TÍN GIẢI” của bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

* Ngoài ra quán sát biển cả cũng là pháp môn giúp cho chúng ta có thêm nhiều cơ may trở về lại với bản tánh thanh tịnh, với bổn thể chơn tâm của mình. Ngồi trên bờ, nhìn xuống mặt biển, theo dõi từng đợt sóng nhấp nhô lên cao rồi lại xuống thấp, hòa tan theo mặt nước; rồi lại nhô lên cao, xuống thấp và lại hòa tan.v.v… không chỉ ta ngộ nhập được giáo lý vô thường, ngộ nhập được chân lý dòng thời gian mãi mãi bất tuyệt vô thủy vô chung, ngộ nhập được dòng sinh mệnh của mỗi chúng sanh luôn luôn biến chuyển từ hình thái này sang hình thái khác một cách liên tục, và cũng để chứng nghiệm được rằng SÓNG BIỂN cũng chính là NƯỚC BIỂN. Sóng biển chỉ là những biểu hiện về mặt hình tướng, hiện tượng  của bản chất nước biển. Sóng và Nước, dưới hình danh sắc tướng, với cái nhìn vọng tưởng, chúng ta thấy đó là hai thực thể riêng biệt; nhưng trên phương diện TÁNH CẢNH thì nó chỉ là MỘT . CHÚNG SANH và CHƯ PHẬT cùng đồng thể tánh.  như câu kinh trong bài “Quán Tưởng” :

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì….

(Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn…).

V.- KẾT LUẬN :

* Thiện Tài Ðồng Tử có phải là hình ảnh biểu tượng cho từng bản thân của chúng ta hay không ?. Bắt đầu từ khi sơ PHÁT BỒ ÐỀ TÂM cho đến khi chứng đạt được DIỆU TÂM VIÊN MÃN, Thiện Tài Ðồng Tử đã phải học qua 53 vị đại sư truyền dạy. Theo ý nghĩa của “THẬP MỤC NGƯU ÐỒ”, học Ðạo tức là học Tâm, là tìm Tâm, là chăn Tâm, là dẫn dắt Tâm, là hoàn toàn làm chủ lấy Tâm mình. Quá trình Thiện Tài Ðồng Tử đi tìm Thầy học Ðạo là qúa trình Thiện Tài Ðồng Tử đi qua những ngõ ngách , những chuyển biến của Tâm mình để cuối cùng… hoàn toàn LÀM CHỦ được cái DIỆU TÂM VIÊN MÃN  của mình.

Dĩ nhiên chúng ta không thể nào hành trì trọn vẹn theo 53 bước chân của Thiện Tài Đồng Tử. Trong khi đó hai bài học “Niệm Phật” và “Quán Tưởng” mà Thiện Tài Đồng Tử đã học ở hai vị Thầy đầu tiên của mình, đó là hai vị tiêu biểu cho hai pháp môn : TỊNH ĐỘ và THIỀN TÔNG. Đây là một sự kết hợp hết sức hài hòa của Đạo Phật Việt Nam. Nhìn qua cách thờ tự của hầu hết tất cả mọi ngôi chùa chúng ta đều thấy trước chánh điện bao giờ cũng thờ Phật Thích Ca hay là Tam Thế Phật (Phật A Di Đà – Phật Thích Ca – Phật Di Lặc ), hay là Di Đà Tam Tôn (Quán Thế Âm Bồ Tát – Phật A Di Đà –Đại Thế Chí Bồ Tát ) hay là Hoa Nghiêm Tam Thánh (Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát – Phật Thích Ca –Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát ).v.v… còn phía sau thì lúc nào cũng thờ hình ảnh của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Lại thêm trong “Nhị Thời Công Phu” chúng ta cũng thấy rõ là công phu khuya thì tụng Lăng Nghiêm thập chú , công phu chiều thì  tụng Di Đà, Hồng Danh.v.v…Đây là một nét đặc sắc của Đạo Phật Việt Nam. Và đây cũng là lý do mà bài viết này chọn hai vị Thầy đại diện cho hai pháp môn Thiền Tông và Tịnh Độ Tông làm tiêu biểu trong suốt cuộc hành trình 53 lần tầm sư học đạo của Thiện Tài Đồng Tử…nhằm nêu lên hai pháp môn nền tảng của Đạo Phật Việt Nam để anh chị em chúng ta có phương hướng cụ thể trên bước đường tu tập của mình. Vì đối với anh chị em Huynh Trưởng :

“…Muốn làm nhà giáo dục thì phải có kiến thức, muốn có kiến thức thì phải học, anh chị em Huynh Trưởng – những nhà giáo dục thế hệ thanh thiếu đồng niên – , công việc chính là phải học, phải hành trì, phải tự huấn luyện để có đủ kiến thức, đủ khả năng huấn luyện lại cho đàn  em của mình…”.

* Nếu chúng ta đi theo cho đến bước chân cuối cùng của Thiện Tài Ðồng Tử thì chúng ta sẽ có cơ hội thấy Thiện Tài Đồng Tử được gặp và học đạo với Ngài ÐẠI HẠNH PHỔ HIỀN VƯƠNG BỒ TÁT. Ðó cũng là lý do mà bộ Kinh Hoa Nghiêm đã được khép kín với phẩm cuối cùng là phẩm : “PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN”. Đây là điểm hết sức quan trọng mà hàng ngũ anh chị em Huynh Trưởng phải học và phải hành theo HẠNH NGUYỆN của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát trên bước đường phụng sự Đạo Pháp và phục vụ tổ chức Gia Đình Phật Tử. TRI và HÀNH phải hợp nhất. Ngài Văn Thù là ngôi trường trao truyền cho chúng ta nhận lãnh cái TRI THỨC và Ngài Phổ Hiền là ngôi trường dạy cho chúng ta thực tập để làm cho trọn vẹn cái THỰC HÀNH. Đây là bài học mà tất cả mọi anh chị em chúng ta đều phải suy ngẫm trong việc…tu tập, trong việc áp dụng tất cả mọi kiến thức Phật Học để sửa đổi thân tâm cũng như để làm tư lương trên bước đường phục vụ Ðạo Pháp và thực hiện sứ mệnh của một người HuynhTrưởng Gia Đình Phật Tử.

Tài liệu tham khảo :

1.- Kinh Hoa Nghiêm ( HT Trí Tịnh dịch )

2.- Bồ Tát Đạo ( Minh Đức Thanh Lương

3.- Kinh Thủ Lăng Nghiêm ( Tâm Minh-Lê Đình Thám dịch )

TÂM QUANG – Lê Đức Hùng

Liên Đoàn Trưởng GĐPT Chánh Pháp

Bạn Có Thể Chưa Đọc...