PHÁT BỒ ĐỀ TÂM THEO TINH THẦN KINH HOA NGHIÊM
Htr NGUYÊN LỢI Nguyễn Thị Huế
Pháp Hiệu : Thích Nữ Thuần Tín
LỜI GIỚI THIỆU : Htr NGUYÊN LỢI Nguyễn Thị Huế, Huynh Trưởng Trại sinh Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ, Thành viên Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Liễu Quán, Hoa Kỳ, đã thí phát xuất gia với Pháp hiệu : Thích Nữ Thuần Tín, có mặt trong Ngày Lễ Kết Khóa Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ, với Bài Luận Văn Kết Khóa : Phát Bồ Đề Tâm theo Tinh thần Kinh HOA NGHIÊM .
Trang Nhà Hải Ngoại xin hân hạnh giới thiệu cùng Lam viên bốn phương.
DÀN BÀI
I. DẪN NHẬP
II. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
III. Ý NGHĨA TÊN KINH
IV. LỊCH SỬ PHIÊN DỊCH
V. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ NỘI DUNG KINH HOA NGHIÊM
VI. PHƯƠNG PHÁP PHÁT BỒ ĐỀ TÂM THEO TINH THẦN KINH HOA NGHIÊM
VII. THỰC HÀNH & TÂM NGUYỆN
VIII. KẾT LUẬN
***
I. DẪN NHẬP
Kinh Hoa Nghiêm là một bộ Kinh với nội dung rất siêu việt, được giải thích và phát triển rộng sâu, nổi bật nhất trong hệ thống Kinh điển thuộc Phật giáo Đại Thừa. Bởi vậy, kinh này được xem như là một chương trình giảng dạy thứ lớp có một hệ thống mạch lạc rốt ráo, là bức thông điệp phong phú sinh động với mục đích muốn gởi gắm cho hành giả nào có tâm hướng đến Đại Thừa để chuyển hóa thân tâm, từ phàm phu đến Phật quả. Do đó, Kinh Hoa Nghiêm dạy ta làm sao phát Bồ Đề Tâm, làm sao nuôi dưỡng tâm Bồ Đề ấy ngày càng lớn mạnh cho đến cuối cùng chứng được đạo quả giải thoát.
Kinh Hoa Nghiêm được thuyết giảng sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ.Kinh diễn tả sự nội chứng bất khả tư nghì, sự giác Ngộ chân lý tối thượng, hiển bày giáo lý Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan một cách rõ ràng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Bộ Kinh có 4 tập bao gồm 40 phẩm, mỗi tập khoảng trên 1.000 trang: Tập l: Từ phẩm 1 đến phẩm 21. Tập ll: Từ phẩm 22 đến phẩm 26. Tập lll: Từ phẩm 27 đến phẩm 38. Tập lV: Phẩm 39 và 40. Cổ nhân có nói: “Am hiểu Kinh Hoa Nghiêm là am hiểu tất cả mọi tông phái Phật Giáo và là am hiểu con đường tu Bồ Tát Đạo, Giác Ngộ độ sanh, chỉ thẳng tính Phật của mọi loài chúng sanh, chỉ ra con đường tu tập viên mãn đạo Bồ Tát mà Bồ Tát Phổ Hiền đã dùng phương tiện thiện xảo ( đồng hư không pháp giới,đồng tất cả chúng sanh nghiệp, đồng tất cả chúng sanh dục, đồng tất cả chúng sanh căn). Cho dù chưa thể xả bỏ được tâm hữu lậu, đang bị trói buộc trong ngục sinh tử, nếu một niệm phát Tâm Bồ Đề cũng được gọi là con Phật, đáng được trời người kính lễ.Trong phẩm nhập Bồ Tát hạnh có nói: Muốn diệt trừ vô biên phiền não, những nỗi khổ đau bất an cho loài hữu tình đang bị trói buộc, hãy nhen nhúm và nuôi dưỡng tâm Bồ Đề liên tục, đó là động lực duy nhất của nhân hạnh Bồ Tát. Lấy tâm Bồ Đề làm căn bản, và một hành giả chuyên tu giáo pháp Đại Thừa không thể thiếu sự nuôi dưỡng tâm ấy. Vì vậy Bồ Đề tâm là động lực giúp hành giả tu tập đi từ phàm phu lên đến quả vị Giác Ngộ”. Kinh Lương Hoàng Sám Đức Phật dạy: “Phát Tâm Bồ Đề, ban đầu thì nghĩ đến một người rồi hai người ba người, dần dần nghĩ đến một nhà, rồi nghĩ đến một châu thiên hạ, dần đến vạn loại chúng sanh v.v.”
II. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
1. Đạo Phật được lưu hành trên thế gian qua hơn 25 thế kỷ, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân loại không chỉ là giáo pháp Đại Thừa mà còn là giáo nghĩa siêu việt của Vô Thượng Thừa.
Chính vì trong GĐPT chúng ta từ hàng Htr cho đến đoàn sinh tuổi tác cũng như kiến thức tu tập của nhiều lứa tuổi không đồng, cho nên em dựa trên tinh thần căn bản của một Htr đã có duyên lành gia nhập GĐPT tư lúc còn tấm bé, được học Phật Pháp, được đào tạo trở thành một Htr qua những lần phát nguyện rất sâu sắc trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm như: Nguyện kim đắc quả thành bảo vương, hoàn độ như thị hằng sa chúng, tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân, phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thề tiên nhập, như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn… Thước ca ra tâm vô động chuyển.Trên cầu Phật đạo, dưới dìu dắt đàn em đó là sứ mệnh lớn lao nhất của người Htr, cho nên cần phải un đúc huân tập Tâm Bồ Đề, nhất là tuổi trẻ được sinh ra và lớn lên ở trong một xã hội có hai nền văn hóa đạo đức khá chênh lệch, nên rất khó khăn trong việc giáo dục giớ trẻ trong thời đại ngày nay.
2. Nhìn lại thế giới ngày nay có rất nhiều biến động, con người với bao lo toan tất bật, xã hội phát triển theo chiều hướng hiện đại hóa, đường hướng giáo dục tự do, nếp sống văn minh, nhu cầu vật chất quá phong phú, khoa học kỷ thuật mỗi ngày mỗi tân tiến, đó là nền tảng rất tốt cho các em mình tiến thân, nhưng nếu chúng ta không dùng giáo lý căn bản của Đạo Phật để hướng dẫn, dìu dắt các em thì không khéo đây cũng chính là nguyên nhân có thể đưa đến sự mai một nền văn hóa đạo đức cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
3. Trước tình huống đó, người Htr không thể khoan thai đứng nhìn mà cần phải tinh tấn dõng mãnh hơn để hướng dẫn các em đúng như tâm nguyện của mình. Điều quan trọng là phải giúp các em hiểu được ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo, phát tâm Bồ Đề, bỏ ác làm lành, dần dần bào mòn được bản tánh tham sân si để hoàn thành Bi- Trí- Dũng. Không chỉ vì đàn em, vì tổ chức GĐPT, vì đạo Pháp dân tộc mà cũng vì phát tâm để cứu khổ cho nhân loại đang chìm đắm trong đêm trường tăm tối, nên chúng ta phải phát tâm Bồ đề tâm và khuyến hóa mọi người cùng hướng đến Bồ Đề tâm, có như vậy mới mong thoát khỏi phiền não khổ đau nhiều đời nhiều kiếp. Với hoài bảo phụng sự chúng sanh tức đền ơn Chư Phật. Bao nhiêu năm qua em đã sinh hoạt, hướng dẫn các em tu học và thực hành theo lời Phật dạy, hầu mong cho thế hệ trẻ sau này Bồ Đề tâm ngày một lớn mạnh, hạt giống của Đạo Phật ngày một đơm hoa kết trái, đặc biệt là làm thế nào cho các em dung hòa được hai nền văn hóa Đông Tây theo tinh thần của Đạo Phật. Lại nữa, ba năm qua em đã có duyên lành được học 10 Kinh Đại Thừa, chan hòa trong giáo pháp của Như Lai, em cảm thấy mình như đang được tắm gội trong biển giải thoát, được sống và thực tập theo hạnh nguyện của chư Phật và chư vị Bồ Tát, được xây dựng trên nền tảng của tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát hạnh. Kinh Hoa Nghiêm Ngài Phổ Hiền dạy: “Bồ Đề Tâm tức là Trí Huệ trên hết.”
4. Đức Phật dạy: “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn, chúng tăng nan hội.” Vậy mà ngày nay chúng ta đã được làm thân người, được học và thực hành chánh pháp, được gặp Thầy tốt bạn hiền, vì vậy chúng ta phải cố gắng tu tập để đem sự hiểu biết của mình trở lại phụng Đạo giúp đời theo tinh thần của Kinh Hoa Nghiêm. Trong Văn Phát Bồ Đề Tâm, Ngài Thật Hiền vì lòng từ bi Ngài đã vừa khóc vừa lạy hàng hậu học như sau: “Bồ Đề Tâm là cửa chính để nhập đạo, việc khẩn cấp để tu hành thì lập nguyện đứng trước v.v.”. Do đó mà Kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Quên mất Tâm Bồ Đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động của ma vương, quên mất còn như thế, huống nữa chưa phát?” Nên muốn học Như Lai thừa, thì trước tiên hãy phát Bồ Đề Tâm không thể chậm trể, và phải luôn luôn nuôi dưỡng tâm Bồ Đề ngày thêm cho vững chãi mới mong học theo hạnh nguyện độ sanh của Chư Phật.
5. Điểm nổi bật của Kinh Hoa Nghiêm là thấy được khả năng tiềm tàng vốn có của mỗi chúng sanh, tin rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và khả năng làm khô biển nghiệp. Nhưng muốn thành Phật thì phải học và làm theo hạnh Phật, muốn thực hành theo hạnh Phật thì điều tiên quyết là phải phát Tâm Bồ Đề. Trong Kinh Vô Tận Ư Đức Phật dạy: “Nếu không vì hóa độ chúng sanh ta không Phát Bồ Đề Tâm…” Là Htr em cũng đã và đang học theo tấm gương hy sinh cao cả của quý anh chị đi trước mà tập tễnh phát bồ đề tâm, với ước nguyện thượng cầu hạ hóa mà phát tâm thọ Bồ Tát Giới hướng đến tập hành Lục Độ. Vì lý do này, em chọn đề tài Phát Bồ Đề Tâm Theo Tinh Thần Kinh Hoa Nghiêm để làm luận văn mãn khóa.
III. Ý NGHĨA TÊN KINH
Bài văn giới thiệu ngắn gọn ý nghĩa tên Kinh như sau:
Đại dĩ khoáng kiêm vô tế
Phương dĩ chính Pháp tự trì
Quảng tắc xứng thể nhi chân
Phật vi giác tư huyền diệu
Hoa dụ công đức vạn hạnh
Nghiêm vi sức Pháp thành Phật
Dịch rằng: Đại thì rộng rải không biên giới
Phương là chân lý tự vận hành
Quảng hợp bản tánh biết khắp nơi
Phật tức giác ngô lý diệu huyền
Hoa chỉ vạn hạnh cùng công đức
Nghiêm tô điểm lý thành tựu ngời
Trong bài tựa của Kinh Hoa Nghiêm Đại sớ Ngài có viết thêm:
Kiến văn vi chúng
Bát vạn siêu thập địa chi giai
Giải hạnh tại cung
Nhất sanh viên khoáng kiếp chi quả
Nghĩa là: Dù cho kẹt trong vòng bát nạn, nếu được nghe, thấy Kinh Hoa Nghiêm ta cũng có thể tu chứng đạt đến giai vị Thập Địa, tức là giai vị tột bậc của Bồ Tát. Theo Ngài Trừng Quán, tuy Kinh Hoa Nghiêm đồ sộ vô cùng, nhưng phương pháp tu chứng thì giản dị mạch lạc vô ngần. Giản dị và mạch lạc vì toàn bộ Kinh là một bản đồ tu hành từ phàm phu cho đến Phật quả. Từng chương trong Kinh dạy từng giai đoạn tu hành, Pháp tu trước làm nhân duyên cho pháp tu sau; Cảnh giới trên thì phải từ cảnh giới ở dưới tiến lên, pháp nào cũng bao hàm mọi khía cạnh từ nội tâm đến ngoại hạnh, từ xuất thế đến nhập thế.Thọ, trì, đọc, tụng, quán tưởng Kinh tức là thể nhập vào chốn bất khả tư nghì siêu việt tư duy lý luận. Bởi vậy, Kinh này cũng có thể xem như là cửa ngõ của giải thoát, của tự tại, là thực tại vô ngại không trần lao hư huyển, là tổng thể nhất như trong vạn thứ sai biệt.
IV. LỊCH SỬ PHIÊN DỊCH.
Kinh Hoa Nghiêm tiếng Phạn gọi là Avatamsaka Sutra, từng phẩm được dịch vào khoảng thế kỷ thứ hai công nguyên, và công trình phiên dịch xúc tiến cả mấy trăm năm. Trong khoảng thời gian ấy, Kinh này có hơn 30 bản dịch từng phần, rất nhiều dịch giả biên soạn và tái dịch những bản cũ. Vô số sớ giải và áng văn có liên hệ tới Kinh Hoa Nghiêm được sáng tác. Cuối cùng vào khoảng thế kỷ thứ bảy thì Kinh được hoàn thiện ba bản dịch chính, đó là bản gồm có 60 cuốn do Ngài Budhabhadra dịch (359-429), bản 40 cuốn của Ngài Prajna dịch, bản Hoa Nghiêm 80 cuốn thông dụng và hoàn chỉnh hơn vì được dịch từ bản chính văn tương đối đầy đủ hơn như sau:
*Kinh Hoa Nghiêm là một bộ Kinh không những có hình thức đồ sộ 80 cuốn, trăm vạn chữ, mà nội dung cũng vĩ đại, bao hàm dung nạp tất cả tư tưởng của Đại Thừa Phật Giáo.
* Kinh Hoa Nghiêm có 3 bộ, bộ thứ nhất gọi là Đại Hoa Nghiêm do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na chuyển. Bộ thứ hai là Trung Hoa Nghiêm do Báo thân Lô Xá Na chuyển và bộ thứ ba do Ứng thân Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết.
* Cả 3 bộ Kinh đều được ở cung Rồng Ta Kiệt La. Nhưng 2 bộ Đại Kinh và Trung Kinh quá đồ sộ nên không thể mang về. Vì vậy, Ngài Long Thọ Bồ Tát chỉ thỉnh được bộ tiểu Hoa Nghiêm, gồm 100.000 bài kệ, sau đó Ngài chọn lọc lại 45.000 bài kệ mà thôi.
Bộ Kinh Hoa Nghiêm chúng ta đang học là chủ yếu nương theo bộ Kinh dịch đời Đường.
* Kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng vì nội dung quá cao siêu, hiếm người tiếp thu được cho nên sự phát triển càng khó hơn. Chỉ tìm thấy rải rác trong các tác phẩm ở Ấn Độ, đó là bộ Đại Trí Độ luận của Ngài Long Thọ có dẫn dụ Kinh Hoa Nghiêm, và những tác phẩm chú Sớ như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, hoặc Thập Địa Kinh Luận, giải thích về hai phẩm Thập Trụ, Thập Địa đợi đến khi truyền sang Trung Quốc, Nhật Bản, được các vị Vua Chúa phát tâm hổ trợ phiên dịch, cũng như xây dựng Chùa Chiền mới đủ phương tiện truyền bá.
*Kinh Hoa Nghiêm được truyền qua Trung Quốc 3 bộ, nhưng đều phát xuất từ nước Vu Điền Trung Á, ngày nay thuộc khu tự tự ở Trung Quốc. Sau đó được mang về Trường An đến đời Tần thì Ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) người đầu tiên dịch sang tiếng Trung Hoa như đã nói phần trên.
Kinh Hoa Nghiêm phát triển mạnh ở Trung Quốc tiến ðến thành lập Tông Hoa Nghiêm, sơ tổ là Ngài Ðổ Thuận(557-640) nhưng ðến Ngài Trí Nghiêm (602-668) là nhị Tổ mới chính thức thành lập tông Hoa Nghiêm và vị tổ thứ ba rất nỗi tiếng là Ngài Pháp Tạng ( Hiền Thủ 643-712) mới luận và giảng Kinh Hoa Nghiêm cho Hoàng Ðế Võ Tắc Thiên. Ngài Pháp Tạng giải theo bộ Bát Thâp Hoa Nghiêm, Ngài giải đầy đũ hơn vì đã tổng hợp hai hệ tư tưởng Bát Nhã và Duy Thức của sơ tổ và nhị tổ, kết hợp thành bộ Hoa Nghiêm Sớ. Đây là cốt lõi Kinh Hoa Nghiêm làm cho Phật Pháp hưng thịnh ở thời nầy.
V. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ NỘI DUNG KINH HOA NGHIÊM.
Nội dung Kinh Hoa Nghiêm là nói về tinh thần biện chứng và phương thức tu hành đạo Bồ Tát, trình bày cảnh giới nội chứng và trọn vẹn công hạnh tu tập, dạy ta làm sao khai mở chân lý hay pháp giới trong tâm ta hoặc làm sao khai triển Bồ Đề tâm viên mãn. Để giải thích nội dung và phương pháp tu chứng trong Kinh này, Kinh chia làm 4 phần chính: 1. Tín phần: Phần nầy có 6 phẩm, thuyết minh cảnh giới nội chứng của Chư Phật, để giúp ta thoát khỏi sự hạn hẹp do lý trí đặt định ra. Cho nên khi mình thực sự buông bỏ những định kiến về bản ngã, tự nhiên chân lý sẽ hiển hiện sự chấp nhận chân lý ấy gọi là đức tin, và chân lý pháp giới, chân tâm đều sẳn trong mỗi chúng sinh. 2. Giải phần: Phần nầy có 31 phẩm, giải thích cặn kẻ các hạnh tu của đạo Bồ Tát, từ hạnh vị thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, tới hạnh vị Đẳng Giác. Mỗi giai đoạn là một quá trình tu tập và trưởng thành tâm hạnh giác ngộ của chư vị Bồ Tát. Sự thấu triệt không phải do tư duy hay so sánh mà bằng sự thể nghiệm vắng lặng trong sáng của nội tâm, và nhờ bào mòn những phiền não mà tâm Bồ Đề được nuôi lớn. 3. Hạnh phần: “Phần nầy chỉ có 1 phẩm Ly Thế Gian”, trình bày về 2000 công hạnh, tóm tắt tất cả phương pháp tu trì Bồ Tát đạo từ lúc mới phát tâm cho tới hạnh vị Đẳng Giác; chính công phu tu hành ở giai đoạn nầy là then chốt cho sự cứu cánh thành tựu đạo Bồ Tát. Vì rằng Giải là thể nghiệm chân lý, Hạnh là thực nghiệm chân lý, hóa độ chúng sanh, Giải và Hạnh đi đôi với nhau không thể tách rời, không thể phân biệt trước sau. Do đó, biểu hiện của Hạnh là an trụ trong cảnh giải thoát (ly thế gian) nhưng vẫn ở trong trần thế để giáo hóa, phục vụ chúng sanh. 4. Chứng phần: Phần nầy trình bày cảnh giới rốt ráo của đạo Bồ Tát. Phẩm Nhập Pháp Giới này được thuyết giảng tại rừng Thệ Đà, vườn Cấp Cô Độc, do Ngài Văn Thù Sư Lợi và Ngài Phổ Hiền làm thượng thủ, thính chúng của đại hội nầy rất đặc biệt; đó là những vị Bồ Tát đã thành tựu hạnh nguyện Phổ Hiền cảnh giới vô ngại và những vị Thanh Văn đã Giác Ngộ chân đế, thâm nhập pháp tánh, thoát hẳn biển hữu lậu…Tâm của các Ngài tịch tịnh như hư không, hằng thủ hộ thệ nguyện cứu độ chúng sanh. Các Ngài đã đến đây tham dự đại hội nầy theo lời mời bằng những dấu hiệu đặc biệt của đức Thế Tôn trong thiền định. Đức Phật Sư Tử Tần Thân Tam Muội (thiền định của con Sư Tử vươn mình) để rãi tâm đại Bi tràn đầy hư không vô tận làm trang nghiêm thế gian và làm cho rừng Thệ Đà bổng nhiên rộng lớn như hư không.
* Dưới tầm nhìn của bậc Giác Ngộ, con người chỉ là sự hiện hữu của Ngũ uẩn, duyên sanh mà hình thành, không có thực thể và bản chất thường hằng. Chúng sanh vì vô minh chấp ngã, chất chứa vô biên phiền não nên chìm đắm trong luân hồi lục đạo. Vì vậy, muốn cứu họ ra khỏi hầm lửa dục vọng của tam giới, cũng cần học hỏi từ phàm ðến Thánh nhưThiện Tài, ðể hiểu rõ căn cơ của chúng sanh mới tuỳ duyên chuyển hóa.
Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Hiền dùng nhiều phương tiện thiện xảo vì Chư Bồ Tát khai thị, chiếu rõ diễn thuyết Sư Tử Tần Thân Tam Muội. Ngài khai thị: “Giới thiệu một chương trình, hoằng dương Phật Pháp rộng lớn dưới mọi hình thức.” Những đoàn thể đông như vi trần và cũng có thể một vài người.v.v Quả vị tu chứng chỉ là phương tiện làm khô kiệt dục vọng tham ái khổ đau và thể tánh chân như luôn hiển hiện…
* Sau đó, Ngài Văn Thù Sư Lợi nói lại những biến hóa trong rừng Thệ Đà, và từ đó nói về tất cả trí tuệ chiếu sáng thế gian, hoặc nói đèn trí tuệ chiếu các cảnh giới của tất cả các pháp, giáo hóa thành thục tất cả chúng sanh nhưng chẳng rời khỏi rừng Thệ Đà của đức Như Lai (tr 82), rồi Ngài rời khỏi Thiên Trụ lâu các ra đi cùng với vô lượng Bồ Tát đồng hạnh. Tôn Giả Xá Lợi Phất tán thán vô lượng công đức của Ngài Văn Thù, làm cho chư vị Tỳ Kheo sau khi nghe xong, khởi tâm tin hiểu vững chắc, sáu căn thanh tịnh, phát tâm đại Bi, đại Nguyện và khuyến khích các vị Tỳ Kheo trẻ hãy tinh tấn thành tựu 10 hạnh để có thể hành Bồ Tát đạo, nhập Bồ Tát địa và Như Lai địa (tr88).
Sau đây là 10 hạnh nguyện rộng lớn:
1.Chứa nhóm tất cả thiện căn không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
2. Thờ kính cúng dường tất cả chư Phật không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
3. Mong cầu được học hỏi Phật Pháp không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
4. Thực hành tất cả hạnh Ba La Mật không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
5. Thành tựu tất cả tam muôi của Bồ Tát không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
6. Lần lượt thâm nhập tất cả tam thế không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
7. Làm trang nghiêm thanh tịnh các cõi Phật ở khắp mười phương không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
8. Giáo hóa và điều phục tất cả chúng sanh không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
9. Thành tựu hạnh Bồ Tát trong tất cả các cõi, ở tất cả các kiếp, không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
10. Vì thành tựu một chúng sanh mà tu hành vô số Ba- La- Mật nhiều như số hạt bụi trong vô số thế giới Phật, thành tựu 10 uy lực của Như Lai; lần lượt như vậy cho đến khi tiến đến mục đích thành thục cứu độ tất cả chúng sanh giới và thành tựu tất cả trí lực của Như Lai, không bao giờ biết mệt mỏi nhàm chán.
Sau khi nghe pháp rồi, chư Tỳ Kheo thành tựu được rất nhiều tam muội,( định) Bồ Đề Tâm và Ba La Mật, trụ hạnh Phổ Hiền, tiếp tục con đường hành đạo. Đoàn người dừng lại ở rừng Trang Nghiêm Tràng Ta Là nơi rất nổi tiếng, vì ở đây Chư Phật đã từng giáo hóa chúng sanh và Đức Phật Thích ca cũng ở đó tu Bồ Tát hạnh. Bồ Tát Văn Thù giảng Kinh Phổ Chiếu Pháp Giới, với một đại chúng rất đông, và Ngài đã phát hiện ra trong thính chúng có một thanh niên với nhân cách lý tưởng, một hình ảnh pháp khí tuyệt vời: Đó là Thiện Tài Đồng Tử, Ngài biết được rằng, dấu hiệu đó đã có từ lúc Thiện Tài mới nhập thai, như lầu các thất bảo (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mả não), nói lên nhân cách và những đức tính sáng chói có một không hai. Sau thời pháp, Bồ Tát Văn rời khu rừng mà đi, Thiện Tài như bị một hấp lực không thể nào cưỡng lại được lý tưởng cao đẹp của Bồ Tát đạo, nên đã chạy theo Ngài Văn Thù nói lên bài kệ đầy khẩu khí, gói trọn tâm nguyện của mình là muốn được theo Thầy học đạo, với ý chí rất sắt đá như kim cương: “ Như đại địa chẳng động, đã vào ngôi Pháp vương, đã đội mão Trí vương, đã vấn lụa Diệu Pháp” Khiến Ngài Văn Thù xoay lại nhìn Thiện Tài như trong tư thái của một con tượng vương( voi chúa) ca ngợi chí nguyện cao cả của người tuổi trẻ nầy, và đồng ý nhận Thiện Tài làm đệ tử, Ngài dạy rằng:” Muốn thành tựu nhất thiết chủng trí thì phải quyết tâm cầu chân thiện tri thức không bao giờ biết mõi mệt, nhàm chán, chỉ thấy phương tiện thiện xảo nơi thiện tri thức mà không thấy lỗi lầm.”
Từ đây, Thiện Tài vâng lời Thầy, tuy phải bùi ngùi rời xa sư phụ, tự dong ruổi trên con đường học đạo, nhưng không cảm thấy cô đơn, vì đã có lý tưởng và vị thầy Văn Thù kính yêu trong lòng, tin tưởng rằng sẽ có những vị thầy trong tương lai đang chờ đợi mình và có những người bạn cùng lý tưởng chưa quen đang chờ đợi mình ở một phương trời xa. Sau đó, Thiện Tài đi về phía Nam trên núi Diệu Phong học đạo với thầy Đức Vân về hạnh Bồ Tát để viên mãn hạnh Phổ Hiền.
Nội dung tóm lược của việc tầm sư học đạo của Thiện Tài Đồng Tử qua 53 bối cảnh khác nhau để thích ứng với hạnh Bồ Tát Đạo: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hành, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng Giác, Diệu Giác Phật Đà như sau: (tr106-780)
Ngài Vă n Thù Sư Lợi dạy: Phát Bồ Tâm – Cầu Thiện Tri Thức
Tỳ kheo Hư Vân dạy: Tu Bồ Tát Đạo, Viên Mãn Hạnh Phổ Hiền
Trưởng Lão Thiện Trụ dạy: Vô Ngại Thần Túc Thông.
Thượng Tọa Di Già dạy: Trì Chú Đà La Ni.
Trưởng Lão Giải Thoát dạy: Thiền.
Thiền Sư Hải Vân dạy: Phép Quán Tưởng.
Hòa Thượng Công Đức Vân dạy: Pháp Môn Niệm Phật.
Dạ Thần Thủ Hộ Nhất Thiết Thành Đăng Trưởng Uy Lực dạy:
Chữ Không.
Hòa Thượng Hải Tràng Thần Bảo Nhãn Qủy Vương La Sát Phật Mẫu Maya dạy: Pháp Môn Lục Độ- Bát Nhã.
Ưu Bà Di Hữu Xả dạy: Diệt Trừ Phiền Não.
Tiên Ông Tỳ Mục Cù Sa dạy: Pháp Môn Bồ Tát Vô Thắng Tràng Giải Thoát.
Bà La Môn Thắng Nhiệt dạy: Pháp Môn: Bánh Xe Giải Thoát Quay Vô Tận. (Bồ Tát Vô Tận Luân Giải Thoát)
Đồng Nữ Từ Hạnh dạy: Pháp Môn Bát Nhã Phổ Trang Nghiêm.
Tỳ Kheo Thiện Kiến dạy: Bồ Tát Tuỳ Thuận Đăng Giải Thoát.( ngọn đèn trí tuệ của Bồ Tát muốn soi tới đâu cũng được)
Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa dạy: Chân Như.
Đồng Nữ Tự Tại Chủ Trưởng Giả Ưu Bát La Hoa
Đồng Tử Biến Hửu- Đồng Tử Biến Tri dạy: Ngũ Minh Pháp.
Ưu Bà Di Cụ Túc- Cư Sỉ Minh Trí dạy: Pháp Môn Bố Thí Ba La Mật.
Vua Đại Quang dạy: Tâm Từ.
Trưởng Giả Pháp Bảo Kế dạy: Tâm Bi
Ngoại Đạo Biến Hành dạy: Tâm Hỷ.
Vua Vô Yểm Túc dạy: Tâm Xả.
Trưởng Giả Phổ Nhãn dạy: Lý Chân Không.
Ưu Bà Di Bất Động dạy: Tinh Tấn Ba La Mật.
Thuyền Trưởng Bà Thi La dạy: Nhẫn Nhục Ba La Mật.
Tỳ Kheo Ni Sư Tử Tần Thân dạy: Trì Giới Ba La Mật.
Thiện Nữ Bà Tu Mật Đa dạy: Tâm Bình Đẳng.
Trưởng Giả Vô Thượng Thắng dạy: Tứ Nhiếp Pháp
Cư Sĩ Tỳ Sắc Chi La dạy: Lý Chân Không Diệu Hữu.
Bồ Tát Quán Tự Tại dạy: Tâm Đại Bi.
Bồ Tát Chánh Thụ dạy; Thí Chánh Pháp.
Thần Đại Thiên dạy: Phá Ngã Chấp và Pháp Chấp.
Thần An Trụ dạy: Pháp Môn Lục Thông.
Dạ Thần Bà San Bà Diệm Đế dạy: Lý Nhị Không.
VI. PHƯƠNG PHÁP PHÁT BỒ ĐỀ TÂM THEO TINH THẦN KINH HOA NGHIÊM
Hơn hai ngàn năm trôi qua, Phật Giáo đã đem lại cho loài người niềm tin vào chánh pháp, tin vào khả năng sẵn có và tiềm tang trong mỗi chúng sanh, đó là tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Do đó Kinh Hoa Nghiêm đã nói:” Bồ Đề Tâm trở thành căn bản của Bồ Tát Giới”. Không thể không nhớ nằm lòng bản Văn Phát Bồ Đề Tâm của Ngài Thật Hiền, Ngài dạy rất rõ để làm kim chỉ nam từ sơ phát tâm cho đến ngày Giác Ngộ. Bài văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm được dịch sau đây nằm trong Tục tạng tập 109, trang 299a-296b, Tục tạng 135 trang 156b-156b, được Ngài Đế Nhàn giảng nghĩa, nên bản này cả nguyên văn lẫn giảng nghĩa nằm trong Đế Nhàn Đại Sư di tập 7, trang 425-474. Riêng bản văn chúng em đang học đây là do Hòa Thựơng Thích Trí Quang dịch và giảng lần thứ tư.
NỘI DUNG.BÀI VĂN KHUYẾN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM CỦA NGÀI THẬT HIỀN NHƯ SAU:
Thật Hiền tôi một kẻ xuất gia phàm phu, đã bất tiếu lại ngu hèn, khóc mà lạy khẩn thiết khuyến cáo đại chúng hiện tiền cũng như nam nữ có đức tin thuần tịnh trong thời vị lai. Xin quý vị gia tâm một chút mà xét cho:
Tôi từng nghe cửa chính để nhập đạo, thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện ðứng trước. Lập nguyện thì chúng sanh độ nổi, phát tâm thì Phật đạo thành được; Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong vòng luân hồi.
Lời mở đầu bài Văn Phát Bồ Đề Tâm của Ngài thật thiết tha và cảm động mà em đã có duyên học qua từ lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, cứ mỗi lần đọc đến em không khỏi xót xa, thương cho nghiệp chướng của mình đã sinh vào thời không gặp Phật, lại chí nguyện xuất gia tu hành cũng không thành tựu. Đây là một bài học rất thậm thâm, từ một vị đại Sư mà hạnh nguyện phát ra vừa khiêm cung lại thiết tha đầy tình cảm, đầy Bi -Lực- Trí- Lực và Dũng- Lực; vì chúng sanh đau khổ trong lục đạo mà Ngài phải vừa khóc vừa lạy đại chúng, hãy quay trở về bản tâm thanh tịnh của mình mà tu hành, để thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, hãy là một ngọn đuốc sáng ngời dẫn đường cho hàng hậu học. Nhin lại chính mình thì quá ư thấp hèn nhỏ bé, phàm phu ngu muội, nhưng nhờ vào chút ít phước đức thiện căn đời trước mà hôm nay được học Kinh Điển Đại Thừa, há lại không phát tâm tu tập chuyển hóa cái tâm chúng sanh vô biên phiền não của mình và tu tập vô lượng pháp môn, độ tận chúng sanh sao? Đặc biệt là đàn em của mình đang chờ đợi, do vậy mà hằng tự sách tấn và rèn luyện đời mình bằng sự quyết tâm và tin tưởng:” Đường xa vạn dặm chỉ cần một bước đi ban đầu.
Nương vào bài Kệ của Hoàng Đế Võ Tắc Thiên:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiềp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thật nghĩa.
Phật dạy: “Được thân người vạn kiếp nan.” Kinh Pháp Hoa dạy: “Như trong biển lớn có khúc gỗ bộng nỗi lên, cứ 100 năm mới trôi qua, rồi 100 năm mới trôi lại một lần, dưới đáy biển lại có một con Rùa đui, 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần vậy mà hy hữu thay con Rùa lại gặp được khúc gổ bộng để chui vào.” Biển rộng, cây 100 năm mới trôi qua một lần, Rùa đã mù mà lại 100 năm mới nổi lên một lần, được chui vào bộng cây khó quá, người gặp được Phật Pháp cũng con rùa vậy! Cho nên cần phải vượt lên, đọa lạc hay giải thoát do ở chính mình, hãy nương vào bài học sau đây để có một niềm tin chơn chánh khi học pháp:
Đừng chần chờ mà kỳ hẹn mãi,
Đừng biếng nhác mà thiếu sự dũng tiến.
Đừng tham mau mà không lâu bền
Đừng vì thiếu thông minh mà nhất thiết không lưu tâm,
Đừng vì trình độ thiếu lanh lẹ mà tự khinh mình không có phần.
Đừng cho dễ mà hời hợt,
Đừng tự ti mặc cảm mà làm ngăn chận đường tu.
Như trồng cây lâu ngày thì bén rễ cạn thành sâu, như mài dao lâu ngày thì dao đùi cũng thành sắt, đừng vì lâu mà không trồng để cho cây khô héo, đừng sợ khó mà không mài để cho dao đùi mãi,chỉ cần có ý thức và niềm tin sâu sắc, nhắm hướng mà đi thì sớm muộn gì cũng đến. Huống gì tín tâm mình đã có, ngũ căn được đầy đũ, tâm hồn còn thanh thoát mà không phát tâm thì đợi đến bao giờ. Chỉ cần nhắm một hướng đi cho vững vàng, cố gắng phát tâm kiên cố tu tập trau dồi trí đức một cách liên tục thì Phật tánh sẽ hiển bày. Kinh Hoa Nghiêm đã nói:” quên mất tâm Bồ Đề mà hành các thiện pháp thì không khác gì hành động của vương. Quên mất còn như thế huống gì chưa phát.” Cho nên Ngài Duy Ma Cật đã nói với Ngài Văn Thù:” Ta bệnh vì chúng sanh bệnh.” Vì vậy, muốn học Phật thì cần phải phát Tâm Bồ Đề một cách chân chính, liên tục, để trước hết mỗi ngày bào mòn được một chút cái tâm chúng sanh của mình mà Phật gọi là:”Câu sanh chủng tử:” Căn bản hạt giống Tham – Sân – Si từ vô lượng kiếp đã dẫn dắt dất chúng sanh trôi lăn trong lục đạo tạo vô số ác nghiệp, chìm đắm trong luân hồi sanh tử. Nếu không gặp được Tam Bảo, Thiện hữu tri thức thì khó có ngày ra khỏi, vì bóng tối và ánh sáng không bao giờ có ranh giới. Như trong một căn nhà tối ngàn năm một khi được thắp lên ngọn ðèn thì ánh sáng đến đâu là bóng đêm sẽ lùi dần. Giải thoát nằm trong hữu vi tướng, tương quan tương duyên với hữu lậu và vô lậu.
Ngài Thật Hiền dạy tiếp rằng: Nhưng tâm nguyện vốn có nhiều sắc thái: Tà, Chánh, Chân, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, viên. Đời có kẻ tu hành mà chỉ tu hành một chiều, không cứu xét tự tâm, chỉ lo những việc bên ngoài, hoặc vụ lợi, hoặc cầu danh, hoặc tham cái thú hiện tại, hoặc cầu cái vui mai sau: Phát tâm như vậy gọi là tà. Danh lợi không tham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sanh tử, vì chứng Bồ Đề: Phát tâm như vậy gọi là chánh. Ý niệm nầy nối tiếp ý niệm khác, ngước lên mà mong cầu Phật đạo, tư tưởng trước liên tục tư tưởng sau, nhìn xuống mà hóa độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa mà không thối chí khiếp sợ, xét chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như trèo núi cao vạn trượng cũng quyết tận đỉnh, như lên tháp lớn chín tầng cũng cố tột nóc: Phát tâm như vậy gọi là chân. Có tội không sám hối, cố lỗi không trừ bỏ, trong bẩn ngoài sạch, trước siêng sau nhác,tâm tốt dẫu có cũng phần lớn bị danh lợi xen vào, thiện pháp dẫu tu cũng phần nhiều bị vọng nghiệp nhuốm bẩn: Phát tâm như vậy gọi là ngụy. Chúng sanh giới hết nguyện ta mới hết, bồ đề đạo thành nguyện ta mới thành: Phát tâm như vậy gọi là đại. Coi ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không dám độ người: Phát tâm như vậy gọi là tiểu. Nếu ngoài tâm không thấy có chúng sanh, có Phật đạo, rồi nguyện độ, nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tan: Phát tâm như vậy gọi là thiên. Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một pháp nào ngoài tâm mà có, đem cái tâm vô tướng, phát cái nguyện vô tướng, làm cái hạnh vô tướng, chứng cái quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thấy có được: Phát tâm như vậy gọi là viên. Biết tám sắc thái như trên là biết cứu xét và lấy bỏ.
Đoạn nầy là đoạn cốt lõi của sự phát Bồ Đề Tâm, vì vậy mà cần thân cận Tam Bảo, thiện hữu tri thức để trau dồi trí đức mới khỏi lún sâu vào con đường tội lỗi, sa vào 3 đường ác đạo khó mà có ngày thoát ra cho được. Nhất là những nơi danh tướng rất dễ bị móng tâm khởi nghiệp, và đó là trá hình của khổ đau, phút giây nào gạn lọc được tư tưởng trong sạch là chính lúc ấy Bồ Đề Tâm xuất hiện
* Bài Văn Phát Bồ Để Tâm mà Ngài Thật Hiền cũng như Ngài Tỉnh Am Đại Sư đã sơ lược 10 nội dung chính tạo nhân duyên thúc dục chúng ta phát Bồ Đề Tâm như sau:
1.Niệm trọng ân của Phật: Đại biểu như đức Bổn Sư Thích Ca Như Lai của chúng ta, vì thương chúng sanh mà trải qua vô lượng kiếp, chịu khổ nhọc tu hành.Khi Phật xuất thế thì ta đang chìm đắm, nay được thân người thì Phật lại diệt độ, xét như vậy thì biết tội lỗi đến mức nào. Nhưng may thay lại gặp được giáo pháp của Phật, hãy tinh tấn tu hành, phát khởi tâm Bồ Đề mạnh mẽ để làm tư lương trên con đường hành Bồ Tát Đạo, cứu độ chúng sanh.
2. Nhớ ơn cha mẹ: Cha mẹ chín tháng cưu mang, công giáo dưỡng chẳng thể nghĩ bàn, tìm thầy học đạo….Sửa mẹ đã uống nhiều như nước đại dương, nếu không tu tập thì làm sao báo đáp được công đức sâu dày của cha mẹ.
3.Nhớ ơn sư trưởng: Cha mẹ tuy sinh dưỡng ta nhưng nếu không có sư trưởng, thì ta không thể trở thành con người hữu dụng đối với xã hội, đối với Phật pháp.
4.Nhớ ơn thí chủ: Đã là con Phật thì phải quán sâu sắc rằng: “ Nếu không nhờ thí chủ thì lấy ai lo tạo chùa dựng tháp phụng thờ Tam Bảo.”.
5.Nhớ ơn chúng sanh: Phật dạy:” Chúng sanh trong luân hồi lục đạo từ vô lượng kiếp ít nhất cũng đã một lần làm cha mẹ anh em với ta, chỉ vì vô minh che lấp làm ta không biết được nhau mà thôi.” Ngày nay họ gào thét trong địa ngục, ngạ quỷ thống khổ kêu la, làm sao ta không tìm phương cứu thoát”
6.Nhớ khổ sanh tử: Ta và chúng sanh từ vô lượng kiếp mãi trong phạm vi luân hồi lục đạo; Chỉ có chư Phật và Bồ Tát mới hiểu hết những sự khổ đau, gào thét trong tam đồ ác đạo, nó vô cùng vô tận làm sao không sợ mà mong cầu đạo giải thoát, cứu khổ chúng sanh.
7.Trọng linh tính của mình: Ta đã hiểu rất rõ, chúng ta và Phật cùng một bản tâm (Phật tánh) vậy mà đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, còn ta thì tâm ý ngu si thác loạn, vô biên nghiệp chướng phiền não thắt buột, để cho ngọc báu vô giá bị chìm sâu trong bùn lầy thì biết bao giờ mới ra khỏi luân hồi lục đạo.
8.Sám hối nghiệp chướng: Kinh dạy: “ Phạm một tội nhỏ cũng đọa địa ngục bằng 500 tuổi thọ.” Chúng ta là phàm phu thì thân miệng ý luôn thích ứng với các tội lỗi, huống chi nhiều kiếp đã làm vô số ác nghiệp, nghiệp ấy theo ta như bóng theo hình, vô số khổ não bức bách. Nếu không khẩn thiết sám hối thì làm sao tiêu trừ được tội chướng, mong cầu giảo thoát, giác ngộ
9.Cầu sanh Tịnh Độ: Vì ở cõi dục giới nầy thì sự tu tiến rất khó, vãng sanh Tịnh Độ thì thành Phật cũng dễ, cho nên hãy thường nhất tâm niệm lục tự Di Đà cầu sanh Tịnh Độ.
10.Làm cho Phật Pháp tồn tại lâu dài: Từ vô lượng kiếp Thế Tôn chúng ta vì ta mà tu đạo bồ đề làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn, nhân quả tròn đầy mới được thành Phật, rồi giáo hóa chúng sanh không mệt nhọc. Ngày nay chúng ta sinh vào thời mạt pháp, tà chánh bất phân, đúng sai lẫn lộn, tranh chấp nhân ngã, trục lợi cầu danh. Suy tàn ðến thế, mỗi khi nghĩ đến bất giác rơi lệ, là con Phật mà ta không thể ðền ðáp ân ðức của Ngài, hiện tại sống vô ích, chết không đem lại lợi ích gì cho mai hậu. Tư duy như vậy, không cách nào khác hơn phát tâm rộng lớn, dẫu không thể vãng hồi mạt vận nhưng vẫn quyết hộ trì và giữ gìn Phật pháp trong mai hậu. Vì vậy, nên tập hợp thiện hữu, quy tụ đạo tràng, chuyên tâm tu tập, làm cho Phật Pháp được trường tồn. *Đã rõ tám sắc thái và mười lý do, có chổ khai phát và có đường hướng phát tâm rất sáng và đang hướng về con đường tu tập phát sanh trí tuệ, tín tâm có đũ, đã may mắng vượt qua mọi chướng duyên, để được phát nguyện làm một Htr trưởng, ngày nay cần phải phát tâm rộng lớn hơn.
Nếu cho tu là khổ thì nhác lại càng khổ hơn. Tu thì khó nhọc tạm thời mà an vui vĩnh viễn, còn nhác thì một đời thư thả nhưng lắm kiếp khổ đau……Nên biết, tội nhân địa ngục mà còn có phát Bồ Đề Tâm từ kiếp trước, huống chi đã làm con Phật. Vô thỉ hôn mê cái gì qua rồi đã không thể trở lại, thì ngày nay tỉnh ngộ những cái sẽ đến còn có thể theo. Mê mà không tỉnh là đáng thương, biết mà không làm mới là đáng tiếc. Hễ sợ cái khổ địa ngục thì sự tinh tiến tự sinh, nhớ sự sống chết vô thường như bọt nước thì biếng nhác tự diệt. Điều cần thiết là lấy Phật Pháp làm roi dục, lấy thiện hữu làm tay dắt, trong cơn vội vã cũng không rời thì sẽ không có gì làm thối chuyển được. Tâm chân thì sự thật, nguyện rộng thì hạnh sâu. Không gian đâu có lớn, tâm vương mới lớn. Kim cương đâu có chắc, nguyện lực mới chắc. Thâm nhập và tư duy sâu sắc 10 lý do trên thì ngày nay cần phải Phát Bồ Đề Tâm, hành Bồ Tát Hạnh, mới mong đền đáp 10 trọng ân trên trong muôn một.
*Sự tu hành muốn có kết quả thì lấy: Tín- Nguyện- Hạnh làm căn bản. Tín tâm kiên cố, nguyện lực sâu sắc mới vượt qua mọi chướng ngại, cho dù một việc làm nhỏ đem lại lợi ích chung cũng đừng xem thường mà bỏ sót. Từ sơ phát tâm cho đến viên mãn Bồ Đề hạnh có ba việc:
*Quán tưởng các pháp theo hạnh Lục Độ Ba La Mật ( Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thìền Định và Trí Tuệ) như sau:
*Xuất đáo bồ đề: Viên mãn Lục Độ rồi dùng Trí Tuệ Ba La Mật làm phương tiện ra khỏi tam giới, chứng Vô Thượng Bồ Đề.
*Phục tâm Bồ Đề: Thực hành Tam Tụ Tịnh Giới:
1.Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: Chúng sanh vô biên thề nguyện độ: Nguyện độ cho được cái tâm chúng sanh vô biên phiền não trong ta, đồng thời độ tất cả chúng trong lục đạo, tức là Ân Đức:” Ứng thân bồ đề.”
2.Nhiếp Luật Nghi Giới: Phiền não vô tận thề nguyện đoạn: Tức là đoạn đức:” Phước đức hiển lộ làm nhân cho Pháp thân bồ đề.”
3.Nhiếp Thiện Pháp Giới: Pháp môn vô lượng thề nguyện học: Tức hiểu và hành vô lượng pháp môn:” Trí Đức:” Làm nhân cho báo thân bồ đề.
*Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành: Do Ân Đức, Đoạn Đức và Trí Đức: Làm nhân cho sự thành tựu Vô Thượng Bồ Đề rộng độ chúng sanh.
Giải thích chữ Bồ Đề: Danh nghĩa:” Tiếng Phạn là Bodhi” tức là Giác, là Giác Ngộ, trái với Bồ Đề là tà giác tức là mê.
Ngài Cưu Ma La Thập dịch: Bồ Đề là Tuệ Giác siêu việt, vô thượng trí tuệ. Trí Độ Luận cuốn 44 Ngài Tăng Triệu nói:” Không có chữ nào hơn Bồ Đề, vì Bồ Đề là cái chân trí Giác Ngộ bản thể siêu việt một cách chính xác.” Loại biệt Bồ Đề: Chỉ có tuệ giác của hàng Thánh Giả, Thanh Văn, Duyên Giác Bồ Tát mới được gọi là Bồ Đề.
Tự tánh Bồ Đề: Là vô lậu Tuệ tức là tuệ tâm sở trong năm tâm sở biệt cảnh (theo tam thừa cộng pháp)
*Theo Duy Thức Học: Năm tâm sở biệt cảnh là: Dục, thắng giải, Niệm, Định Huệ. Theo Đại Thừa bất cọng pháp thì tự tánh của Bồ Đề là bốn trí thanh tịnh. Như vậy thì tam thừa Thánh giả chưa được gọi là Bồ Đề. Bởi lẽ Thanh Văn, Độc Giác chưa phải là Chánh Biến Tri, Bồ Tát chưa phải là vô thượng, mà chỉ có Phật mới được gọi là Bồ Đề.
*Tương Ưng Bồ Đề: Toàn bộ tâm thức chia ra ba hệ thống: Thức thứ 8 thức thứ 7 và thức thứ 6, khi chuyển thành trí có 4 hệ thống: Thức thứ 8: Đại Viên Cảnh Trí Thức thứ 7: Bình Đẳng Tánh Trí. Thức thứ 6: Diệu Quan Sát Trí 5Thức trước: Thành Sở Sát Trí.
*Năng Sinh Bồ Đề: Bồ Đề là Pháp Duyên sinh do diệt mê mà có, nên nó cũng có 4 duyên như các pháp khác.
*Nhân Duyên: Chủng tử của Vô Lậu Tuệ (loại bản hữu)
*Tăng Thượng Duyên: Phật, Bồ Tát, Sư trưởng, Tăng thân thiện hữu tri thức và giáo pháp.
*Đẳng Vô Giác Duyên: Sự liên tục hữu lậu thiện dẫn sinh Vô Lậu Tuệ.
*Sở Duyên Duyên: Cảnh khổ đã thấy nghe và cảnh Thánh đã quán tưởng.
*Sở Đoạn Bồ Đề: Gọi là “Chướng” là những thứ bị tiêu diệt để thực hiện Bồ Đề. Ở Nhị Thừa phiền não chướng là sở đoạn, Bồ Đề Trí Phần Sinh Không là Năng Đoạn. Ở Đại Thừa phiền não chướng và sở tri chướng là sở đoạn; Đến Phật thừa thì sở đoạn là phần chủng tử của hai chướng ấy. Còn năng đoạn là 4 trí của Bồ Đề.( hai phần sinh không và pháp không )
*Sở Duyên của Bồ Đề: Là những đối tượng bị biết, tức là cảnh. Bồ Đề biết tất cả, kể cả tự tánh của nó, vì vậy tất cả vạn pháp là đối tượng sở duyên của nó. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là: Thành Sở Tác Trí chỉ duyên “tục” Không duyên” chân”. Còn bốn thứ khác thì tự, tha chân tục đều ngộ. Do vậy, ngay cả chân như cũng là sở duyên của Phật trí (tức là vô Phân Biệt Trí)
Sở Y của Bồ Đề: Là chổ y cứ. Bồ Đề là pháp do duyên sanh và cũng do duyên mà diệt. Sinh diệt từng sát na, nhưng vẫn liên tục là nhờ thân chứng chân như tức là bản thể bất sanh bất diệt, Bồ Đề lại không một sát na nào không tương ưng với chân như nên Bồ Đề luôn hiện hành.Thiên Thai tông gọi là chân tánh Bổ Đề.
Sở khởi Bồ Đề: Là những cái được phát khởi ra, là những gì Phật địa phát hiện: Thân độ (cơ thể và vũ trụ) gồm có tự thọ dụng (đồng đẳng pháp giới). Tha thọ dụng cho Thập địa Bồ Tát. Thánh ứng hóa (các Thánh giả khác) Liệt ứng hóa ( cả phàm lẫn Thánh)
Sở tác của Bồ Đề: Việc làm của Bồ Đề chính là việc làm của chư Phật” Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến.” Do năng lực phương tiện phát xuất từ nguyện lực đại Bi. Bồ Đề Tâm: Là lập chí nguyện mong cầu vô thượng Bồ Đề. Tất cả tâm vương, tâm sở tương ưng với Bồ Đề tâm và có tuệ giác Bồ Đề.
Có năm nhân duyên để phát khởi và nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm:
1. Tự tánh phát: Đặc tính tâm vương tâm sở là linh giác, tự phát triễn sẽ thành toàn giác. Nhưng khi còn phiền não thì đặc tính ấy vẫn còn y nguyên, đó là hiện tượng thác loạn mà linh giác Bồ Đề Tâm khó phát triễn được.
2. Ngoại hộ Tư Trợ Phát: Nhờ nương vào giáo pháp của Phật, sự giáo dưỡng của Thầy, sự hổ trợ của thiện hữu tri thức, và sự tu tập của bản thân.
3. Thiện Căn Phát: Nhờ các thiện căn được sự giáo hóa và tu tập làm cho thiện tuệ trở thành :”Vô thượng Bồ Đề Tuệ.”
4. Đẳng Lưu Giác: Bản chất Bồ Đề là vô lậu tuệ dẫn ra và tự phát triễn cho đến:”Vô Thượng Bồ Đề.”
5. Đoạn Chướng Phát: Là phát Bồ Đề Tâm bởi sự đoạn chướng chứng chân, trải qua các địa vị tu chứng. Bồ Đề Tâm Là Tâm Giác Ngộ Qua 3 Tâm tThái.:
* Trực Tâm: Kinh Pháp Bảo Đàn nói: Là chánh niệm chân như, là Phật tánh, tâm nầy là trạng thái rỗng rang không gợn sóng phiền não, khi phát triễn đến cùng cực thì trí tuệ Bát nhã hiển hiện. “ Trực Tâm là đạo tràng.” Ở nơi mức độ bình thường, tâm nầy là lương tâm, là tâm chân thật, thẳng thắn, ngăn chận ta làm việc ác.
* Thâm Tâm: Là năng lực thâm sâu không ngừng phát triễn khả năng tu tập và nuôi dưỡng những chủng tử thiện, tu tập muôn vàn pháp môn mà không mệt mỏi, nhàm chán, tâm nầy làm căn bản thành tựu thập lực. Để phát triển tâm nầy ta cần phải phát vô số đại nguyện. Tâm nầy khi tu hành thành tựu sẽ đạt đến cảnh giới vô ngã Niết Bàn.
* Đại Bi Tâm: Là tình thương vô giới hạn đối với vạn loại chúng sanh, luôn nuôi dưỡng tình thương nầy đến độ bình đẳng với mọi người mọi loài, thấy chúng sanh và mình như một. Chỉ khi tâm Đại Bi phát triển đến cùng cực thì Bồ Tát hạnh mới viên mãn, chỉ khi nào độ tận chúng sanh, như trong đoạn văn Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nói trên.
VII. PHẨN THỰC HÀNH VÀ TÂM NGUYỆN:
Thưa quý anh chị! Cho em xin mạo muội tâm tình một chút về những việc làm tuy nhỏ bé nhưng nhờ đó mà em nuôi dưỡng niềm tin, và xin được nhắc lại để tự sách tấn và nuôi lớn những chủng tử tốt đẹp trong tâm thức của mình, để được tiếp tục phát triễn trong cuộc đời phục vụ đàn em: cũng nhờ tình thương, trách nhiệm, nhân duyên và sứ mệnh của người Huynh trưởng , sau khi em lập gia đình, thời gian nầy em nghĩ sinh hoạt, bên cạnh trách nhiệm xây dựng gia đình, giáo dục con cái tu tập và học hành, em vẫn tu học và tiếp tục gia nhập những hội từ thiện tại Huế và yểm trợ cho Khuôn hội cũng như GĐPT/VX tại quê nhà. Đến năm 1991 được qua Mỹ, em cảm thấy giữa hai nền văn hóa khá chênh lệch, vừa lo con cái mình vừa thương giới trẻ ở Hoa Kỳ nầy dễ bị xa dần văn hóa đạo đức, thì may thay cũng là nhân duyên được Thầy Thích Từ Lực và Htr Nguyên Thanh chuẩn bị lập GĐPT/Chánh Tâm, được Thầy và anh NT mời vào, em mừng quá, liền đem thêm 5 đứa con đã từng sinh hoạt với GĐPT/Từ Đàm Huế cùng vào sinh hoạt. Ngoài chương trình sinh hoạt của GĐPT em đã mở lớp dạy Công Ngôn Dung Hạnh cho ngành Nữ. Một thời gian đến năm 1995, em đã tổ chức được Trại Họp Bạn và Hội Thảo Ngành Nữ Miền Thiện Minh. Những đề tài Hội Thảo không ngoài mục đích giáo dục và dung hòa hai văn hóa mà nặng nhứt là Ladies fist. Trại được thành công em rất vui mừng, cho đến bây giơ em vẫn tiếp tục sinh hoạt. Với tâm hồn thơ ngây chưa vướng buị trần, là thửa ruộng tốt tất cần sự tưới tẩm gieo những hạt giống thiện lành để được đâm chồi nở lộc, cho nên trên đoạn đường tu tập và sinh hoạt có lắm chông gai, nhưng em vẫn không sờn lòng. Nhất là giai đoạn về thay Htr Nguyên Siêu nhận nhiệm vụ Gia Trưởng GĐPT/Vạn Hạnh lại quá khó khăn. Đường xa, phải lái 2 tiếng đồng hồ, mà đơn vị chỉ còn 15-17 em, quý bác đạo tràng thì nhìn GĐPT hơi xa lạ; Nhưng cũng nhờ vậy mà em khuyến khích được chồng và con cùng đi sinh hoạt, và tự đem thân giáo của mình mà giáo dục các em, một thời gian được quý bác thương mến yểm trợ hết lòng, kéo dài hơn 6 năm, đoàn sinh và Htr lại trở lại số lượng 70-80 em. Cho nên em tin rằng:” Nguyện sâu thì việc gì khó khăn cũng làm được.” Cũng nhờ vậy mà đã giúp em Phát Bồ Đề tâm vững chắc hơn và dần dần bào mòn được những phiền não chướng và sở tri chướng và chính vì hai chướng nầy làm chướng ngại trên đường tu tập.
Kinh Hoa Nghiêm dạy: nếu còn hai thứ chướng ngại trên thì sự tu tập dễ thất bại; mà đoạn trừ được hai thứ nầy thì sẽ có được hai món quý giá là Tâm giải thoát và tuệ giải thoát
VIII. KẾT LUẬN: Trong cuộc đời Huynh trưởng của em, cho dù chỉ đóng góp một vài việc nhỏ nhoi đem lại lợi ích cho đàn em thì em cũng cảm thấy đem lại sự an lạc cho bản thân và gia đình, tất cả đều nhờ công đức giáo dưỡng của chư: Lịch Đại Tổ Sư, Chư Hòa Thượng phiên dịch, Chư Thầy, Cô Vấn Giáo Hạnh, đặc biệt là Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã đứng ra sáng lập GĐPT/VN. Ban Hướng Dẫn GĐPT/VN tại VN và Hoa Kỳ, Ban Điều Hành Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ cùng quý anh chị huynh trưởng các cấp, đã vượt qua mọi thử thách, tạo điều kiện cho chúng em có cơ duyên đến với GĐPT từ thuở tấm bé, đã giáo dưỡng chúng em được sống trong ánh sáng từ bi và đi vào biển tuệ của chư Phật, trở thành một Huynh Trưởng cho đến hôm nay được học 10 bộ Kinh Đại Thừa và hiểu một cách sâu sắc hơn, để làm tư lương trên con đường tu tập. Những giờ được ngồi học Kinh, được nghe quý Thầy cũng như quý anh chị giảng dạy,cho đến hôm nay vừa viết xong bài Luận Văn, đã gần trọn ba năm, em không thể chỉ nói lên hai chữ Tri Ân hay dùng giấy bút để viết cho hết được những công đức, ân tình sâu nặng vô lượng vô biên của quý Thầy và quý anh chị; chỉ xin nguyện khắc cốt ghi tâm, siêng năng tinh tấn, tu thân lập nguyện, hầu mong hoàn thành trách nhiệm của một Htr mà Tổ Chức đã giao phó, và được đóng góp những gì đem lại lợi ích cho thế hệ tương, để khỏi cô phụ tấm lòng thương mến, giáo dưỡng của quý Ngài và quý anh chị. Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Tát Đại Chứng Minh.